Tin Khắp Nơi – 04/05/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Khắp Nơi – 04/05/2017

GETTY IMAGESImage caption  Kim Jong-un vẫn chưa thăm Bắc Kinh

 

Truyền thông Bắc Hàn chỉ trích Trung Quốc

Trung Quốc nói vẫn sẽ là láng giềng tốt của Bắc Hàn hôm 4/5, mặc dù truyền thông nhà nước ở Bình Nhưỡng có sự chỉ trích hiếm hoi nhắm vào Bắc Kinh.

Hôm 3/5, hãng tin KCNA của Bắc Hàn nói Trung Quốc nên biết ơn vì được Bình Nhưỡng bảo vệ.

Bài báo ký tên trên KCNA cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” nếu sự kiên nhẫn của Bắc Hàn bị thử thách.

Báo Global Times của Trung Quốc phản ứng rằng đây là bước đi “hung hăng” do “tinh thần dân tộc chủ nghĩa” và “logic phi lý”.

Tuy vậy, người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tỏ ra hòa hoãn hơn.

Ông này nói Bắc Kinh luôn có “hợp tác thân thiện và quan hệ láng giềng tốt” với Bắc Hàn.

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vẫn chưa thăm Bắc Kinh, hơn 5 năm sau khi lên cầm quyền.

Một số nhà quan sát nói mặc dù Trung Quốc là nhà cung cấp viện trợ chính cho Bình Nhưỡng, quan hệ hai bên đã xấu đi từ khi Bắc Kinh cấm nhập khẩu than của Bắc Hàn từ tháng Hai.

Báo Global Times đăng ít nhất 11 xã luận về đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn từ khi có vụ thử tên lửa thất bại của Bắc Hàn hôm 16/4.

www.bbc.com/vietnamese/world-39793578

‘Thư tù Quảng Tây’ trong ví sang tận Mỹ?

Một phụ nữ ở bang Arizona nói với báo chí Mỹ bà tìm thấy trong một chiếc ví mua ở tiệm Walmart lá thư có vẻ như của tù nhân ở Trung Quốc, kể cuộc sống của họ “khổ nhục hơn chó lợn”.

Bà Christel Wallace, sống ở từ Siera Vista, tìm ra trong ngăn ví một mảnh giấy và nhờ con dâu là Laura Wallace tìm người dịch những dòng chữ Hán.

Nội dung viết rằng tù nhân ở trại lao cải Anh Sơn, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, “phải lao động 14 giờ một ngày”, theo Telegraph (03/05/2017) ở Anh trích lại báo Mỹ.

Họ phải làm đủ cơ số hàng hóa, kể cả phải làm đến nửa đêm nếu cần, nếu không sẽ bị đánh, lá thư viết.

“Phạm nhân tại nhà tù Trung Quốc có cuộc sống tồi tệ hơn loài mã, ngưu, dương, trư và cẩu,” nguyên văn lá thư viết bằng chữ Hán mô tả.

Mùa xuân của mẹ ‘tù nhân lương tâm’

LHQ: Việt Nam ‘cần bỏ điều 88, 79’

Cuộc chiến 1979: Góc nhìn của Trung Quốc

Các báo Anh, Mỹ nói họ không thể nào xác tín lá thư đó có đúng là của một tù nhân Trung Quốc hay không nhưng tin này được trên các trang mạng ở Mỹ và cả trên Facebook đăng tải rộng rãi.

Chính quyền Trung Quốc hồi 2013 đã công bố với thế giới họ đã xóa bỏ hệ thống ‘lao cải’ từ thời Mao.

Nhưng sang năm 2015, một ủy ban của Hoa Kỳ nói họ vẫn “nghi ngờ là Trung Quốc tiếp tục bắt phạm nhân lao động cưỡng bức”.

Các nhóm nhân quyền cũng cáo buộc rằng Trung Quốc vẫn có hệ thống lao động ngầm khai thác sức tù.

Đại diện hãng Walmart nói với trang báo Arizona Daily Star rằng họ luôn tuân thủ các tiêu chuẩn đặt hàng để không có chuyện ai đó phải làm việc cưỡng bức cho việc sản xuất các hàng hóa mà công ty Mỹ này nhập về.

Các tài liệu tiếng Anh về hệ thống nhà tù Trung Quốc viết rằng có trại Anh Sơn thuộc Liễu Châu, Quảng Tây, ở vị trí nằm đối diện với Cao Bằng của Việt Nam.

www.bbc.com/vietnamese/world-39797834

 

Le Pen và Macron chạm trán trước bầu cử vòng cuối

Hai ứng cử viên cho chiếc ghế tổng thống Pháp đã có một buổi tranh luận nảy lửa trên truyền hình, một khoảnh khắc quan trọng trong chiến dịch bầu cử dai dẳng và gay gắt.

Ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron nói chiến dịch của đối thủ cực hữu Marine Le Pen là “dối trá,” trong khi đó bà Le Pen nói ông Macron “đứa con cưng không biết xấu hổ của hệ thống”.

Ông Macron vẫn dẫn đầu trong các cuộc khảo sát, tuy điểm dẫn đầu của ông đã giảm.

Mục tiêu của hai ứng viên là dành lấy sự ủng hộ của khoảng 18% cử tri lưỡng lự trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra hôm 7/5.

Le Pen bị cáo buộc ‘đạo văn’

Bầu cử tổng thống Pháp: Macron và Le Pen vào vòng hai

Macron nói EU phải cải cách hoặc đối mặt với ‘Frexit’

Đây là lần đầu tiên hai ứng cử viên đều không thuộc hai đảng chính của Pháp.

Cuộc tranh luận diễn ra nảy lửa trong phần lớn 160 phút, khi cả hai liên tiếp đưa ra những lời lẽ công kích cá nhân.

Bà Le Pen gọi đối thủ 39 tuổi là “ứng viên của sự toàn cầu hóa man di mọi rợ,” rằng ông sẵn sàng bán đi những tài nguyên của Pháp và làm lỏng lẻo sự kiểm soát đất nước.

graphic

Ông Macron thì cáo buộc nhà lãnh đạo của đảng Mặt trận Quốc gia là “Nữ tư tế của nỗi sợ hãi” và nói bà ta nói nhiều nhưng “không có đưa ra chính sách cải cách gì”.

Những vấn đề tranh luận là gì?

Về Kinh tế và việc làm: Ông Macron thừa nhận Pháp vẫn chưa giải quyết được tình trạng thất nghiệp trong 30 năm qua và nói hướng giải quyết của ông là cho phép các công ty vừa và nhỏ cơ hội để tạo thêm việc làm và trở nên linh động hơn.

Bà Le Pen hỏi tại sao ông không làm những điều này khi ông còn là bộ trưởng bộ kinh tế.

Bà nói bà sẽ bảo vệ những tài nguyên quốc gia và việc làm tại Pháp bằng cách áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch.

Về khủng bố: Bà Le Pen cáo buộc đối thủ của bà khá bằng lòng với chủ nghĩa Hồi giáo chính thống, trong khi đó ông Macron nói những kế hoạch của bà đều nằm trong tính toán của các phần tử khủng bố và mong muốn của chúng về một “cuộc nội chiến.”

Ông Macron nói ông sẽ cải thiện chính sách an ninh nhưng kiên quyết Pháp cần hợp tác với các quốc gia khác, và đóng cửa biên giới, việc trục xuất không phải là câu trả lời.

Nhà lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia nói chủ nghĩa Hồi giáo chính thống cần phải bị “xóa sổ” và điều này có nghĩa phải phá bỏ các nhà thờ Hồi giáo cực đoan, trục xuất những người truyền giáo hận thù và được tài trợ bởi các quốc gia như “Qatar và Ả rập Saudi”.

Về EU và tiền tệ: Bà Le Pen nói bà muốn không chỉ một sự kiểm soát biên giới tuyệt đối và những thỏa thuận thương mại mà còn muốn “sự trở lại của tiền tệ quốc gia”.

Bà nói các ngân hàng và các công ty lớn có thể lựa chọn giao dịch bằng đồng Euro hoặc là đồng tiên riêng của Pháp, nhưng các cá nhân phải giao dịch bằng tiền Pháp.

Ông Macron nói lời đề nghị này “vớ vẩn”, “làm sao một công ty lớn chi trả bằng euro mà lại trả lương cho nhân viên bằng loại tiền khác?”

Về giáo dục: Ông Macron nói ông sẽ tập trung nâng cấp tiêu chuẩn tại các trường tiểu học. Bà Le Pen nói bà muốn thấy nhiều chương trình dạy nghề, chương trình tín chỉ trong đại học và chủ nghĩa phi tôn giáo trong các trường học

www.bbc.com/vietnamese/world-39801615

 

Tập Cận Bình: Trung Quốc, Philippines « tin cậy lẫn nhau »

Hôm qua 03/05/2017, trong cuộc điện đàm với tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi sự « tin cậy lẫn nhau » cũng như cuộc « đối thoại » giữa Bắc Kinh và Manila liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Trong một thông cáo được truyền thông Nhà nước Trung Quốc đăng tải, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh : « Hiện nay, sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị ngày càng được củng cố, hợp tác song phương phát triển trong tất cả các lĩnh vực ». Chủ tịch Trung Quốc cũng khẳng định các kênh đối thoại và thương lượng giữa Bắc Kinh và Manila trong hồ sơ tranh chấp tại biển Đông cũng đang được thiết lập.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã đề cập đến cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng như việc Bắc Kinh mong muốn hướng tới một giải pháp chính trị thông qua đàm phán.

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra 4 ngày sau khi tổng thống Philippnes Duterte được tổng thống Mỹ Donald Trump mời tới thăm Washington. Cuối tuần trước, thông cáo chung của thượng đỉnh ASEAN họp tại Manila đã không nhắc đến việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo trong các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dọa tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên

Trong khi đó, cũng trong ngày hôm qua (03/05), ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dọa sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên nếu cần. Ngăn chặn chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng là một trong những ưu tiên của chính quyền Donald Trump. Hôm thứ Sáu 28/04, tổng thống Mỹ đã cử ngoại trưởng Rex Tillerson tới Hội Đồng Bảo An yêu cầu Liên Hiệp Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên và yêu cầu Trung Quốc gây sức ép kinh tế lên đồng minh Bắc Á.

Hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định lại trước các quan chức bộ Ngoại Giao là Washington đã cam kết thực hiện chiến dịch gây sức ép và kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới áp dụng lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An chống Bắc Triều Tiên. Rex Tillerson đồng thời đe dọa trừng phạt doanh nghiệp và cá nhân của các quốc gia không chịu áp dụng lệnh trừng phạt trên.

vi.rfi.fr/…/20170504-tap-can-binh-ca-ngoi-su-«-tin-tuong-lan-nhau-»-giua-trung-qu…

 

Mỹ công bố các ưu tiên ngoại giao

Ngoại trưởng Rex Tillerson hôm qua, 03/05/2017, đã phổ biến đến các nhân viên ngoại giao Mỹ trên toàn thế giới về những ưu tiên ngoại giao của Washington trong thời gian tới đây : Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và Nga.

Theo ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, những nỗ lực của Bắc Triều Tiên để phát triển một kho vũ khí hạt nhân có khả năng tiếp cận các thành phố của Hoa Kỳ là “mối đe dọa lớn nhất” mà Washington phải đối mặt.

Vai trò của Trung Quốc trong hồ sơ Bắc Triều Tiên có thể là vấn đề cấp bách nhất, nhưng ông Tillerson lại muốn xem xét tìm hướng đi mới cho mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc 50 năm tới đây.

Ông phát biểu : “Chúng ta hãy xem lại mối quan hệ này, và những gì sẽ xảy ra trong nửa thế kỷ tiếp theo. (…) Tôi nghĩ rằng đó là một cơ hội quan trọng mà chúng ta phải xác định, và dường như đây cũng là một mối quan tâm lớn của lãnh đạo Trung Quốc ». 

Tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vẫn là một mục tiêu trọng tâm của Washington, đặc biệt ở Iraq, Syria, Trung Đông và Trung Á. Một ưu tiên khác đối với Rex Tillerson liên quan tới nước Nga. Ngoại trưởng Mỹ cho biết trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov ở Alaska vào tuần tới, ông sẽ làm “một số việc nhỏ” để xây dựng lòng tin.

Ngoài ra, ngoại trưởng Hoa Kỳ Tillerson còn nhắc tới  việc hợp tác với châu Phi để giảm bớt các cuộc khủng hoảng về y tế và phá vỡ mạng lưới khủng bố, chống nạn buôn lậu và ngăn chặn nguồn tài chính cho các tổ chức khủng bố ở châu Mỹ La Tinh.

Tuy nhiên, trong danh sách ưu tiên ngoại giao, Rex Tillerson không nói tới châu Âu, nhưng có nhắc lại việc tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi các thành viên NATO chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.

Theo AP, một thay đổi quan trọng là Washington sẽ chú trọng tới an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế nhiều hơn là tới nhân quyền trong quan hệ với các nước khác.

vi.rfi.fr/…/20170504-ngoai-truong-tillerson-cong-bo-cac-uu-tien-ngoai-giao-cua-my

Giám đốc FBI khẳng định không gây ảnh hưởng tới bầu cử TT Mỹ 2016

Giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ FBI, James Comey, hôm qua 04/05/2017, ra điều trần trước Thượng Viện về quyết định mở lại điều tra ứng viên tổng thống Hillary Clinton chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Cuộc điều tra có liên quan tới việc bà Hillary Clinton sử dụng thư điện tử cá nhân cho công việc khi còn đương chức ngoại trưởng Mỹ.

AFP cho biết giám đốc FBI James Comey đã khẳng định ông không cố ý tác động lên kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Đồng thời ông Comey chỉ trích trang Wikileaks là một công cụ để Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016. Giám đốc FBI gọi Nga là « mối đe dọa lớn nhất » của Hoa Kỳ.

Giám đốc FBI James Comey giải thích trước Thượng Viện là ông đã phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn : Hoặc là che giấu cho tới sau ngày bầu cử tổng thống 08/11 mới thông báo cho các nghị sĩ về cuộc điều tra, hoặc là thông báo ngay.

Ông phát biểu : « Nói ra ngay khi chỉ còn 11 ngày là tới kỳ bầu cử tổng thống là một việc không hay, nhưng che giấu thì sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều ». Giám đốc FBI cho biết  những suy nghị rằng ông có thể gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử làm ông thấy khổ sở, nhưng điều đó cũng không làm ông thay đổi quyết định.

Hôm thứ Ba 02/05, sau nhiều tháng im lặng, bà Hillary Clinton đã lên tiếng cáo buộc chính giám đốc FBI James Comey, tổng thống Nga Vladimir Putin và Wikileaks đã cướp đi chiến thắng gần như đã chắc chắn của bà trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

vi.rfi.fr/…/20170504-giam-doc-fbi-james-comey-khang-dinh-khong-tac-dong-len-ke.

 

Mỹ : Quốc Hội lại chuẩn bị bỏ phiếu dự luật thay thế Obamacare

Bãi bỏ luật bảo hiểm y tế Obamacare là một trong những lời hứa chính trong đợt vận động tranh cử tổng thống của Donald Trump. Dưới sức ép phải có một thắng lợi cho tổng thống Mỹ, ngày 04/05/2017, Quốc Hội Mỹ do đảng Cộng Hòa chiếm đa số bỏ phiếu một dự luật nhằm bãi bỏ đạo luật ghi dấu ấn của người tiền nhiệm Barack Obama.

Theo AFP, đây là lần bỏ phiếu thứ hai sau thất bại lần thứ nhất vào ngày 24/03. Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới tối 03/05, người đứng đầu nhóm nghị sĩ Cộng Hòa tin rằng « sẽ có đủ số phiếu. Dự luật sẽ được thông qua vì đó là một văn kiện tốt ».

Sau nhiều tuần sửa đổi dự luật để có được sự ủng hộ tối đa của các nghị sĩ Cộng Hòa, kết quả cuộc bỏ phiếu được cho là rất sít sao. Ngay trong nội bộ phe Cộng Hòa cũng tồn tại nhiều bất đồng về chủ đề này. Để được thông qua, dự luật phải đạt được 216 phiếu cần thiết.

Hiện chiếm 238 số ghế tại Quốc Hội, đảng Cộng Hòa chỉ được phép có 22 phiếu chống trong nội bộ đảng. Toàn bộ 193 nghị sĩ đảng Dân Chủ phản đối dự luật này.

Nếu được Quốc Hội thông qua, dự thảo luật sẽ được Thượng Viện xem xét trong những tuần tới.

Khoảng 21 triệu dân Mỹ được hưởng luật bảo hiểm y tế Obamacare từ năm 2010 sẽ theo dõi sát sao cuộc bỏ phiếu. Vì nếu dự luật bãi bỏ Obamacare được thông qua, hoàn cảnh của họ có nguy cơ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Một trong những điểm quan trọng trong luật y tế Obamacare là cấm phân biệt đối với những người được hưởng bảo hiểm.

vi.rfi.fr/quoc…/20170504-my-quoc-hoi-lai-chuan-bi-bo-phieu-du-luat-bai-bo-obama..

 

Trung Quốc: Muốn là láng giềng tốt của Bắc Hàn

Trung Quốc nói vẫn muốn là người bạn láng giềng tốt của Bắc Hàn, sau khi truyền thông Bình Nhưỡng loan tải bài bình luận với nội dung chỉ trích việc Bình Nhưỡng đeo đuổi chương trình võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo khiến tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng.

Trong cuộc họp báo sáng ngày 4 tháng 5 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng quan điểm của Hoa Lục với Bình Nhưỡng không thay đổi, tức luôn luôn muốn mở rộng quan hệ thân thiện với Bắc Hàn.

Phát biểu này được đưa ra sau khi thống tấn xã nhà nước Bắc Hàn phổ biến bài bình luận với nội dung cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách đổ lỗi cho Bình Nhưỡng là nguyên nhân gây nên căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên và cũng là nguyên nhân khiến quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng trở thành xấu hơn.

Bài bình luận còn xem việc Bắc Kinh kêu gọi Bình Nhưỡng hủy bỏ chương trình hạt nhân là một việc làm lố lăng, vi phạm quyền tự chủ, độc lập và danh dự của Bắc Hàn, đồng thời đẩy Bắc Hàn đến chỗ phải tự nêu câu hỏi về mối quan hệ lịch sử đã có với Trung Quốc.

Những điều vừa nêu xảy ra trong lúc tin tức ghi nhận được từ giới ngoại giao ở New York cho hay Hoa Kỳ đang bàn thảo với Trung Quốc về những biện pháp cấm vận mới sẽ được áp dụng với Bắc Hàn, sau khi nhà cầm quyền Bình Nhưỡng phóng loạt tên lửa đạn đạo, vị phạm những quy định mà Hội Đồng Bảo An đã đặt ra.

Một viên chức ngoại giao Mỹ làm việc tại New York tiết lộ tin này nhưng từ chối đi vào chi tiết, do đó, không biết những điều gì được phía Hoa Kỳ bàn luận với đối tác Trung Quốc, cũng như không rõ những điểm nào được Bắc Kinh đồng ý với Washington.

Thứ Sáu tuần trước khi trình bày vấn đề trước phiên nhóm đặc biệt của Hội Đồng Bảo An, Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi tất cả các nước thành viên phải có biện pháp đối với Bắc Hàn, để buộc Bình Nhưỡng ngưng chương trình chế tạo võ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và các hoạt động gây bất ổn cho bán đảo Triều Tiên.

Vài ngày trước khi Ngoại Trưởng Tillerson đưa ra lời kêu gọi này, Nhà Trắng cho hay Washington đề nghị Hội Đồng Bảo An thông qua một bản nghị quyết mới để lên án Bình Nhưỡng, và một số biện pháp cấm vận mới, trong đó có cả để nghị không cho hãng hàng không Bắc Hàn hoạt động ở nước ngoài, và cấm ngân hàng nước ngoài giao dịch với Bình Nhưỡng.

Cũng cần nói thêm hôm 3 tháng 5 khi nói chuyện qua điện thoại với Tổng Thống Rodrigo Duterte của Philippines, Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại lời kêu gọi mọi quốc gia phải bình tĩnh, đừng tạo thêm bất ổn.

Ông Tập cũng nhắc lại đàm phán là con đường duy nhất để đạt mục tiêu bán đảo Triều Tiên sẽ là khu vực phi hạt nhân.

Sang ngày 4 tháng 5 tại Manila, Tổng Thống Duterte của Phi cho báo chí biết theo quan điểm của ông, Trung Quốc đang giữ vai trò thật quan trọng trong việc cổ võ, xây dựng hòa bình ở bán đảo Triều Tiên.

 

Truyền thông Thái Lan kêu gọi bỏ luật kiểm soát thông tin

30 tổ chức truyền thông tại Thái Lan hôm 3 tháng 5 lên tiếng kêu gọi chính phủ Thái bỏ điều luật nhằm thắt chặt kiểm soát thông tin.

Trước đó vài ngày, Ủy ban Đổi mới do chính phủ quân sự Thái chỉ định đã đưa ra một dự luật kiểm soát thông tin khiến nhiều tổ chức nhân quyền phản đối vì cho rằng dự luật này tăng cường quyền kiểm soát và can thiệp đối với hoạt động đưa tin tự do.

Bản tuyên bố của các tổ chức truyền thông Thái viết rằng dự luật được soạn ra để tạo điều kiện cho việc can thiệp chính trị vào truyền thông và hạn chế tự do báo chí.

Chính phủ quân sự Thái lên cầm quyền sau cuộc đảo chính vào năm 2014. Kể từ đó chính phủ mới của Thái liên tục bị quốc tế chỉ trích vì những hoạt động hạn chế tự do phát biểu và đe dọa tự do báo chí.

Thủ tướng Thái Prayuth Chan-ocha nói chính phủ không có ý định sử dụng luật mới để khiến truyền thông im lặng nhưng những quy định là cần thiết để cải thiện chất lượng truyền thông.

www.rfa.org/…/thai-news-org-urge-govt-scrap-media-control-bill-05032017105310..www.rfa.org/vietnamese/…/us-cn-north-korea-update-050417-05042017113753.html

 

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật bỏ Obamacare

Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật hủy bỏ các phần chính của chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare và thay thế bằng một kế hoạch chăm sóc sức khỏe của đảng Cộng hòa. Đây là thắng lợi pháp lý lớn nhất đối với Tổng thống Donald Trump tính tới nay và hứa hẹn một cuộc ‘chiến’ gay gắt khi dự luật này đi lên tới Thượng viện.

Với tỷ lệ 217-213 phiếu, phe Cộng hòa đạt vừa đủ sự ủng hộ để đẩy dự luật này đi qua Hạ viện, và bước kế tiếp là đưa lên Thượng viện. Dự luật không được một phiếu ủng hộ nào từ các dân biểu đảng Dân chủ.

Diễn tiến này là một bước quan trọng hoàn tất một trong những cam kết của ông Trump thời tranh cử và cũng hoàn thành nguyện vọng 7 năm qua của phe Cộng hòa muốn dỡ bỏ luật chăm sóc sức khỏe mang dấu ấn của Tổng thống Obama.

Chặng đường tiếp theo tại Thượng viện hứa hẹn còn nhiều cam go.

Khoảng 20 triệu người Mỹ được bảo hiểm sức khỏe dưới Luật Chăm sóc Sức khỏe Giá phải chăng 2010. Các nghị sĩ Cộng hòa phản đối, dẫn lý do luật này đẩy chi phí chăm sóc sức khỏe lên cao.

Dự luật của phe Cộng hòa đưa ra vừa được Hạ viện thông qua có tên gọi là Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Mỹ, nhắm hủy bỏ hầu hết các nội dung chính của Obamacare kể cả việc phạt những ai không mua bảo hiểm sức khỏe. Dự luật mới cũng cắt bớt quỹ tài trợ cho Medicaid, chương trình cung cấp bảo hiểm cho người nghèo, và rút lại phần lớn những khoản mở rộng của Medicaid.

www.voatiengviet.com/a/ha-vien-my-thong-qua-du-luat…obamacare/3838048.html

Iran: nổ mỏ than, 35 người chết

Một vụ nổ xảy ra ở miền bắc Iran đã phá nát một mỏ than hôm thứ Tư, giết chết ít nhất 35 thợ mỏ và làm bị thương nhiều người, theo truyền thông nhà nước Iran.

Các đội cứu hộ đã làm việc suốt ngày đêm tại mỏ Zemestanyurt, tỉnh Golestan, nằm dọc biên giới phía bắc của Iran với Turkmenistan để tìm các nạn nhân. Tuy nhiên vẫn chưa thống kê được có bao nhiêu thợ mỏ còn bị mắc kẹt.

Ông Hossein Ahmadi, người đứng đầu Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ của tỉnh Golestan cho biết:

“Chúng tôi hy vọng lượng oxy mà chúng tôi bơm vào đường hầm có thể tới được 25 đến 26 thợ mỏ vẫn còn bị mắc kẹt bên trong. Chúng tôi cũng hy vọng là chúng tôi có thể đưa họ ra ngoài một cách an toàn. Các đội chuyên gia từ thủ đô và Trăng Lưỡi liềm Đỏ đang tiến hành các hoạt động cứu hộ. Chúng tôi đang tìm cách tới địa điểm nơi xảy ra vụ nổ càng sớm càng tốt.”

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan đáp ứng khẩn cấp của Iran, ông Pir Hossein Kolivand, nói có tới 80 thợ mỏ có thể còn bị mắc kẹt trong hai phân khu của mỏ than.

Ngoài ra, có ít nhất 25 nhân viên cứu hộ phải đưa vào bệnh viện vì hít khí ở khu mỏ số 7.

www.voatiengviet.com/a/3838278.htm

11 nước nhất trí thảo luận TPP mà không có sự tham gia của Mỹ

Các bên tham gia Hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí sẽ quyết định hướng đi của hiệp định này mà không có sự tham gia của Mỹ tại các cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng sẽ diễn ra tại Việt Nam vào cuối tháng này.

Trưởng đoàn đàm phán của 11 nước đã kết thúc cuộc đàm phán cấp chuyên viên trong 2 ngày tại Toronto vào hôm thứ Tư. Mỹ không tham dự do nước này đã rút khỏi TPP.

Có thể sẽ khó để đạt được đồng thuận về tương lai của hiệp định này. New Zealand ủng hộ thực hiện hiệp định với sự tham gia của 11 nước mà không có Mỹ do kỳ vọng xuất khẩu sản phẩm từ sữa sẽ tăng lên, ngay cả khi không có sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam đang do dự sau khi mất dần hy vọng rằng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ.

Nhật Bản muốn theo đuổi khả năng thực hiện hiệp định với sự tham gia của 11 nước do Nhật Bản tin rằng có thể có lợi từ quy tắc thương mại và đầu tư chung với các nước khác. Nhật Bản muốn phát huy vị thế của mình với tư cách là nền kinh tế lớn nhất trong số 11 nước tham gia vào hiệp định để dẫn dắt đàm phán.

Mỹ tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Quân đội Mỹ cho biết đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa không người lái Minuteman 3 từ một căn cứ ở bang California.

Bộ Tư lệnh Không quân Tấn công toàn cầu cho biết tên lửa được phóng vào sáng sớm hôm thứ Tư để xác nhận độ chính xác và hiệu quả của hệ thống tên lửa. Bộ tư lệnh cho biết thêm vụ thử đã được lên kế hoạch trong hơn 10 tháng.

Không quân Mỹ tiến hành thử định kỳ khả năng vận hành của tên lửa Minuteman 3. Vụ phóng hôm thứ Tư là lần thứ 3 trong năm nay, lần trước đó là vào ngày 26/4.

Bắc Triều Tiên đã phản ứng mạnh mẽ trước vụ phóng tên lửa hồi tháng trước. Hãng thông tấn Trung ương nhà nước Triều Tiên cho biết trong một bình luận rằng vụ phóng thử tên lửa cho thấy bên nào mới phải chịu trách nhiệm cho tình hình ngày càng xấu đi trên Bán đảo Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên chỉ trích đích danh Trung Quốc

Hãng truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên đưa ra chỉ trích trực tiếp về Trung Quốc rằng Bắc Kinh đã thông đồng với Mỹ trong việc gây áp lực lên Bình Nhưỡng về các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Điều này rất hiếm khi xảy ra.

Tối hôm thứ Tư, Hãng thông tấn Trung ương chính thức của Bắc Triều Tiên đã nêu bình luận do một cá nhân viết.

Bình luận này đề cập đến các tin tức gần đây trên truyền thông của Trung Quốc chỉ trích chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Bình luận này nói rằng những chỉ trích này là “sự vi phạm tùy tiện các quyền hợp pháp của Bắc Triều Tiên,” và tạo ra “mối đe dọa rõ ràng đối với nước láng giềng vốn có quan hệ bằng hữu lâu đời.” Bình luận này cũng nói thêm rằng người đưa ra bình luận không thể không cảm thấy phẫn nộ.

Bình luận này cũng nói rằng “Trung Quốc nên cân nhắc về những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra do hành động thiếu cẩn trọng phá vỡ trụ cột của quan hệ song phương.”

Rất hiếm khi Bình Nhưỡng chỉ trích đích danh Trung Quốc như vậy.