Việt Nam nói Facebook chịu hợp tác xóa thông tin ‘xấu độc’
28/04/2017
Mạng xã hội Facebook được hàng triệu người tại Việt Nam chia sẻ thông tin, đang bị nhà cầm quyền Hà Nội áp lực xóa bỏ thông tin “xấu độc” đối với chế độ. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Facebook cam kết sẵn sàng phối hợp ngăn chặn thông tin xấu độc, thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội Facebook, cùng phối hợp xây dựng môi trường an toàn lành mạnh ở Việt Nam.”
Báo điện tử Infonet, báo mạng của Bộ Thông Tin-Truyền Thông, hôm Thứ Tư loan báo như thế sau cuộc họp giữa bộ trưởng Trương Minh Tuấn với bà Monika Bickert, giám đốc chính sách nội dung toàn cầu của Facebook.
Từ hơn một tháng qua, chế độ Hà Nội qua bộ này cố gắng áp lực với Google và Facebook nhằm xóa bỏ các thông tin mà người dân đưa lên mạng xã hội bị nhà cầm quyền gọi là “xấu độc.”
Hiện bây giờ người ta chưa biết rõ sự thỏa thuận chi tiết ra sao, có bao nhiêu loại “xấu độc” bị xóa, nhưng Infonet nói rằng, “Facebook sẽ thiết lập một kênh riêng phối hợp trực tiếp với Bộ Thông Tin-Truyền Thông nhằm giúp Facebook ưu tiên đáp ứng các yêu cầu từ phía bộ cũng như các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.”
Theo nguồn tin trên, Facebook đồng ý gỡ bỏ các trang giả danh và các nội dung giả mạo về các chức sắc cấp cao của chế độ. Một đại diện của Facebook cho hay công ty có một tiến trình rõ ràng và nhất quán để các chính phủ thông báo các nội dung bất hợp pháp.
“Chúng tôi cứu xét các yêu cầu dựa trên các thỏa thuận điều kiện cung cấp dịch vụ và các luật lệ liên quan. Chúng tôi minh bạch đối với các đề nghị mà chúng tôi nhận được từ chính phủ và nội dung (trên Facebook) chúng tôi ngăn chặn theo luật lệ địa phương như trong bản báo cáo đề nghị của các chính phủ trên thế giới,” một đại diện của Facebook viết trong bản điện thư xác định quan điểm của Facebook đối với vấn đề.
Bản báo cáo nội dung bị Facebook ngăn chặn theo đòi hỏi của nhà cầm quyền Hà Nội không thấy có gì trong giai đoạn từ Tháng Bảy, 2015, đến Tháng Sáu, 2016, giai đoạn mới nhất thấy được thông báo.
Chế độ Hà Nội bị các chính phủ Tây phương và các tổ chức quốc tế đả kích rất nhiều lần mỗi khi đưa ra các luật lệ, nghị định cấm cản người dân chia sẻ thông tin hay bình luận, chỉ trích về các chính sách và viên chức nhà nước.
Những video clip, hình ảnh, tin tức về các cuộc biểu tình của người dân từ chống Trung Quốc, chống công ty Formosa đầu độc biển, chống cưỡng chế đất kiểu cướp ngày, công an hành hung người dân… được hàng triệu người chia sẻ nhau qua các mạng xã hội, vốn là những thứ chế độ Hà Nội không muốn thấy phổ biến.
Bởi vậy, những người như Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Hóa và nhiều người khác đã bị lôi vào tù. Trong khi đó Hiến Pháp của chế độ xác nhận quyền tự do thông tin, quyền tự do hội họp, biểu tình của công dân.
Tuy Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong dịch vụ thương mại toàn cầu của các công ty Google, Facebook, nhưng cái xứ có hơn 90 triệu người này lại là một trong những nơi có số lượng người sử dụng hai mạng xã hội vừa kể phát triển nhanh nhất tại Á Châu.
Theo công ty khảo cứu thị trường Isobar Vietnam, các mạng xã hội YouTube và Facebook chiếm đến hai phần ba thị trường thông tin điện tử nên các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng cũng như các công ty sản xuất xe hơi, xe gắn máy không thể không dùng chúng để quảng cáo sản phẩm, bán hàng.
Mới đây, ông Trương Minh Tuấn khoe trong cuộc điều trần ở Quốc Hội là Google đã chịu gỡ hơn 1,200 clip “độc hại” và sẽ còn tiến tục gỡ nữa theo đòi hỏi của Hà Nội trên tổng số hơn 8,000 clip. Nay thì Facebook cũng có vẻ chịu thua áp lực. (TN)