Tin Biển Đông – 27/04/2017
Chiến hạm Nga đến thăm cảng Cam Ranh
Đội tàu Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga vừa cập bến cảng quốc tế Cam Ranh vào ngày 27 tháng 4, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 5 ngày ở tỉnh Khánh Hòa.
Đội tàu bao gồm tàu Tuần dương hạm tên lửa Varyag, tàu chở dầu loại trung bình Pechenga và hai tàu lai dắt cứu hộ cùng 642 thủy thủ do trung tá Ulyaneko Alexey chỉ huy.
Vào chiều ngày 27 tháng 4, nhóm chỉ huy đoàn Hải quân Nga đã đến viếng tượng đài Cam Ranh để tưởng niệm quân nhân Liên Xô và Việt Nam hy sinh vì hòa bình và ổn định ở khu vực. Dự định trong thời gian ghé thăm Cam Ranh, hải quân Nga sẽ có các cuộc giao lưu văn nghệ, thể thao với Vùng 4 Hải quân và cảng quốc tế Cam Ranh.
Chuyến thăm được nói là để góp phần tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có quan hệ hợp tác quốc phòng và hợp tác hải quân giữa hai nước.
Cảng quốc tế Cam Ranh kể từ khi chính thức mở cửa vào tháng 3 năm 2016 đã đón nhiều tàu hải quân quốc tế đến thăm, bao gồm các nước Nhật, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Singapore, Pháp, Ấn Độ. Các chuyên gia quốc tế nhận định Việt Nam sử dụng cảng này để kết bạn với nhiều nước khác và giảm sức ép từ phía nước láng giềng Trung Quốc.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/russian-ship-visit-cam-ranh-bay-04272017094014.html
Tổng thống Philippines:
Không ai dám gây sức ép lên Trung Quốc
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 27 tháng tư cho biết việc thảo luận những hoạt động gây căng thẳng ngoài biển Đông của Trung Quốc tại thượng đỉnh ASEAN là không cần thiết và không ai dám gây sức ép lên Trung Quốc.
Nói với báo giới tại dinh Tổng thống sau cuộc gặp với Thủ tướng/quốc vương Brunei là ông Sultan Hassanal Bolkiah, ông Duterter còn cho biết việc thảo luận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc trước kia là phí thời gian và không hợp lý vì phán quyết của tòa hoàn toàn không liên quan gì đến vấn đề chủ quyền hay quyền chủ quyền.
Philippines là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay. Thượng đỉnh ASEAN hiện đang diễn ra tại Manila từ ngày 26 đến 29 tháng 4. Hãng tin Reuters hôm 26 tháng 4 cho biết bản thảo tuyên bố chung của thượng đỉnh mà hãng này có được sẽ không đề cập đến Trung Quốc và lời lẽ trong tuyên bố cũng nhẹ nhàng hơn khi nói đến các tranh chấp ở biển Đông.
Hàn Quốc giao tàu chiến cho Philippines
Nam Hàn sẽ chuyển giao một tàu chiến chống tàu ngầm hạng Pohang đã qua sử dụng cho Philippines trong năm nay với giá chỉ 100 dollar. Bộ Quốc phòng Philippines cho biết tin này hôm 27 tháng 4.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines, ông Arsenio Andolong cho biết chiếc tàu chuyển cho Philippines dưới dạng trao tặng và tàu cần phải được sửa chữa trước khi sử dụng. Ông không biết liệu Philippines sẽ phải chi bao nhiêu để sửa chữa con tàu. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines cũng cho biết chiếc tàu sẽ giúp cải thiện khả năng tuần tra trên biển của Philippines và thực hiện các hoạt động chống khủng bố.
Ngoài Mỹ là đồng minh chiến lược, Nam Hàn cũng là nước cung cấp nhiều vũ khí cho Philippines bao gồm máy bay chiến đấu, tàu tuần tiễu và các xe bọc thép.
Hôm thứ tư vừa qua, Philippines cũng tiếp nhận 2 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 từ Nam Hàn. Dự kiến hai chiếc khác sẽ được chuyển tới Philippines vào tháng tới trong tổng số 12 chiếc máy bay mà Philippines mua của Nam Hàn, trị giá lên đến 359 triệu dollar.
Indonesia: ASEAN nên có lập trường chung về Biển Đông
trước khi nói chuyện với Trung Quốc
ASEAN nên giải quyết “ngay lập tức” các tranh chấp Biển Đông trước khi diễn ra thượng đỉnh của khối này. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã phát biểu như trên khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Philippines ANC.
Trong một cuộc phỏng vấn được kênh truyền hình ANC phát sóng hôm nay 27/04/2017, tổng thống Joko Widodo cho rằng Hiệp hội các Quốc Gia Đông Nam Á cần có một “thỏa thuận chung” về các tranh chấp trên Biển Đông trước khi đàm phán với Trung Quốc.
Ông nói: “Biển Đông là một trong những hồ sơ cần được giải quyết ngay lập tức. Trong những lần thượng đỉnh trước, giữa các thành viên trong khối vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng. Tôi cho là chúng ta nên có một quan điểm chung”.
Vẫn theo tổng thống Indonesia, “điều quan trọng nhất là trong nội bộ ASEAN nên có một sự đồng thuận với nhau về vấn đề này, khi đó và chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nói chuyện với Trung Quốc”.
Bộ Quy Tắc Ứng Xử sẽ phải làm cơ sở cho các hoạt động chung trên Biển Đông, bao gồm cả các hoạt động khai thác và đánh bắt. Do vậy, theo nguyên thủ Indonesia, Bộ Quy Tắc này phải cụ thể, thực tế và rất quan trọng.
Đô đốc Mỹ tuyên bố sẵn sàng tuần tra tại Biển Đông
Hôm qua 26/04/2017, trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội Mỹ, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Mỹ (PACOM) thông báo sẵn sàng cho một cuộc tuần tra mới để bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông, đồng thời lên án việc Trung Quốc “làm biến đổi hoàn toàn diện mạo địa lý và chính trị tại Biển Đông, với việc quân sự hóa và bồi đắp đảo nhân tạo trên quy mô lớn”.
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương tuyên bố : “Tôi được bộ trưởng Quốc Phòng và tổng chỉ huy quân đội chỉ đạo và hướng dẫn để tiến hành những hoạt động như vậy. Tôi hy vọng sẽ sớm được làm việc này”. Reuters cho biết tư lệnh Mỹ không đưa thêm thông tin nào cụ thể hơn về chiến dịch này.
Cuối tháng 2/2017, tàu sân bay Mỹ Carl Vinson đã có cuộc tuần tra tại Biển Đông tại khu vực nằm giữa đảo Hải Nam và bãi cạn Scarbourough. Cuối tháng 3/2017, Hải Quân Mỹ phái thêm hai khu trục hạm thuộc Hạm Đội 3 đến phối hợp với nhóm tác chiến của tàu sân bay Carl Vinson, trong các hoạt động tại Biển Đông.
Thông báo của tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ được đưa ra cùng ngày với việc Trung Quốc tổ chức rầm rộ lễ hạ thủy chiếc tàu sân bay thứ hai và cũng là chiếc đầu tiên do nước này tự đóng. Tàu sân bay này có kế hoạch bố trí gần sát Biển Đông, để sẵn sàng can thiệp tại khu vực tranh chấp này.
Lực lượng Trung Quốc tại Trường Sa vượt xa nhu cầu phòng vệ
Cũng trong phát biểu hôm qua, đô đốc Hải Quân Mỹ lên án việc Trung Quốc phát triển tại Biển Đông các cơ sở và phương tiện quân sự “vượt xa” so với mục tiêu phòng vệ tại chỗ hay các nhu cầu tiềm năng của khu vực. Theo viên chỉ huy Mỹ, mục tiêu thực sự trước mắt của Trung Quốc là “tập trung xây dựng các lực lượng tác chiến và gia tăng ưu thế trên thực địa nhằm giới hạn quyền tự do hàng hải và hàng không, với việc khẳng định chủ quyền trên thực tế đối với nhiều thực thể địa lý và không gian tại Biển Đông”.
Đô đốc Harry Harris khẳng định là hiện tại riêng ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã xây dựng tổng cộng 72 nhà để máy bay chiến đấu, tương đương với ba trung đoàn không quân, và khoảng 10 nhà lớn hơn, để chứa các oanh tạc cơ hoặc các loại phi cơ đặc biệt khác. Đô đốc Mỹ nhấn mạnh : Hành động của Trung Quốc tại bảy căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường sinh thái, ngược lại hoàn toàn với những cam kết không quân sự hóa của Trung Quốc.
Đô đốc Mỹ cũng tố cáo Trung Quốc tung hỏa mù che đậy các mục tiêu quân sự với các tuyên bố mời đầu tư tư nhân, xây dựng các công trình dân sự hay phát triển du lịch.
Phát biểu của lãnh đạo Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Mỹ được đưa ra ngay trước thềm thượng đỉnh của khối ASEAN, tại Manila, khai mạc ngày thứ Bảy 29/04. Một bản dự thảo tuyên bố chung, do Philippines chủ trì, được tiết lộ hôm qua, cho thấy hành động “quân sự hóa” Biển Đông của Trung Quốc đã không bị lên án đích danh.
Nhiều người lo ngại, ASEAN một lần nữa sẽ lại rơi vào chiếc bẫy “câu giờ” của Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh tỏ ra sốt sắng hoàn tất Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) với ASEAN, vào cuối năm nay, đồng thời tiếp tục chủ trương giành quyền kiểm soát dần dần Biển Đông trên thực tế.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170427-do-doc-my-tuyen-bo-san-sang-tuan-tra-tai-bien-dong