Đọc báo Pháp – 26/04/2017
Kim Jong Un – Donald Trump
“nắn gân” nhau ở Thái Bình Dương
Thái Bình Dương đang trở thành “đấu trường” của hai nhà lãnh đạo khó lường. Một bên là lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, một nhà quân phiệt có khuynh hướng hoang tưởng tự cho mình gần như thượng đế, theo đuổi tham vọng vũ khí nguyên tử tác chiến ; còn bên kia là Donald Trump, một tổng thống Mỹ “bắn” Tweet mau lẹ, một người có vẻ mắc chứng thiếu ngủ, khó đoán và sắp đến 100 ngày nhậm chức chủ nhân Nhà Trắng, tự cam đoan “giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên”.
Theo xã luận “Trò chơi nguy hiểm ở Thái Bình Dương” trên nhật báo Le Monde (26/04/2017), hai nguyên thủ quốc gia Mỹ và Bắc Triều Tiên sinh ra không phải để hiểu nhau. Điều này thật nguy hiểm ! Trong thời chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ và Nga đã học cách đối thoại. Mỗi bên hiểu khá chính xác về cách nhận thức của đối thủ. Kết quả là có được một loạt các thoả thuận lớn về việc kiểm soát và giải trừ một phần vũ khí nguyên tử của hai “Ông Lớn” vào thời kỳ đó.
Thế nhưng, điều này dường như không xảy ra trong trò chơi tay ba tại Thái Bình Dương. Ở Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un tăng cường các vụ bắn tên lửa và thử hạt nhân. Cháu nội của nhà lãnh đạo khai sinh chế độ độc tài đang cầm quyền ở Bình Nhưỡng đủ sức đe dọa Hàn Quốc và Nhật Bản. Mối đe dọa này dù chưa thể vươn tới bờ tây của Hoa Kỳ, nhưng Kim Jong Un vẫn đang cố.
Còn tại Mỹ, tổng thống Donald Trump rầm rộ đưa ra hết cảnh báo này đến cảnh báo khác nhắm vào lãnh đạo trẻ họ Kim. Với Nhà Trắng, không có chuyện để nguyên tình trạng hiện nay : “Chúng ta phải giải quyết” và “nếu Trung Quốc không giúp thì chúng ta sẽ tự làm”, tổng thống Trump vẫn thường nhắc như vậy. Còn tại Bắc Kinh, chính quyền Tập Cận Bình vô cùng thất vọng về Kim Jong Un, nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ kinh tế cho đồng minh khó chơi này.
Vậy mục tiêu của mỗi bên là gì ? Có được vũ khí nguyên tử là lá bùa bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ Bắc Triều Tiên. Chiến lược của Kim Jong Un là làm cho cả thế giới tin rằng ông ta sẵn sàng sử dụng vũ khí nguyên tử trước tiên, nếu ai đó muốn lật đổ ông. Tổng thống Donald Trump lại cho rằng vấn đề Bắc Triều Tiên làm một thành tố trong quan hệ Trung-Mỹ : Để có được mối quan hệ tốt đẹp về kinh tế và chiến lược với Hoa Kỳ, Trung Quốc phải thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Tại Bắc Kinh, giới lãnh đạo ưu tiên nguyên trạng. Chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ sẽ dẫn đến việc bán đảo Triều Tiên thống nhất dưới sự chỉ đạo của Seoul, đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ. Hiện lực lượng Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc. Nếu thống nhất Nam-Bắc Triều Tiên, lính Mỹ sẽ có mặt ngay gần cửa ngõ Trung Quốc. Với Bắc Kinh, đây là điều không chấp nhận được. Nếu Washington vẫn muốn gắn các hồ sơ với nhau, thì Bắc Kinh còn có một yêu sách khác. Đó là Hoa Kỳ ngừng phản đối sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tổng thống Mỹ từng tỏ ra không ngại dùng đến sức mạnh, như ở Syria hay Afghanistan. Với hồ sơ Bắc Triều Tiên, biện pháp có khả năng xảy ra nhất là tiếp tục chính sách trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng. Thế nhưng, các biện pháp này chưa bao giờ khiến Kim Jong Un chùn bước. Biện pháp được hy vọng nhất có lẽ là một cuộc đàm phán chiến lược thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này cũng nhằm lấp đầy khoảng trống an ninh, trong đó có cả khu vực Thái Bình Dương, một trong những vùng năng động nhất thế giới.
Donald Trump cảnh báo Bình Nhưỡng bằng tầu ngầm và tầu sân bay
Ý định giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên của Mỹ và sự ngờ vực của Kim Jong Un khiến tình hình tại Đông Bắc Á trở nên bất trắc chưa từng có. Trong bài “Trump cảnh báo Bình Nhưỡng”, nhật báo Le Figaro cho rằng sự xuất hiện của tầu ngầm USS Michigan trong vịnh Busan, Hàn Quốc, là dấu hiệu gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Tầu ngầm của Mỹ được trang bị tên lửa hành trình và tên lửa Tomahawk có khả năng tấn công lãnh thổ Bắc Triều Tiên chỉ trong vòng vài phút. Hành động này nhằm cảnh cáo ý định tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu của Kim Jong Un. Trước “lãnh tụ tối cao” của Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ lên gân quân sự, đúng ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân Triều Tiên trong khi chờ tầu sân bay USS Carl Vinson đến khu vực.
Từ nhiều ngày nay, chế độ Bình Nhưỡng không ngừng đe dọa một “cuộc chiến toàn diện” chống Washington trên khắp các phương tiện truyền thông Nhà nước. Những lời tuyên bố hùng hồn đó không làm đảo lộn cuộc sống người dân Bắc Triều Tiên, vốn đã quen với những lời kêu gọi tổng động viên và tình trạng giới nghiêm từ vài thập kỷ nay.
Tuy nhiên, giống nhận định trong bài xã luận của Le Monde, Le Figaro cho rằng lựa chọn ngoại giao dường như vẫn được Washington ưu tiên, với lời kêu gọi Liên Hiệp Quốc trừng phạt mạnh hơn Bắc Triều Tiên của tổng thống Mỹ. Cả Washington và Tokyo yêu cầu cấm vận dầu lửa đối với Bình Nhưỡng, vẫn được trung chuyển qua Trung Quốc. Dưới sức ép, Bắc Kinh đôn đáo trên mặt trận ngoại giao để tránh một cuộc khủng hoảng ngay sát biên giới, có thể sẽ dẫn đến sự hỗn loạn tại vùng biên giới đông bắc.
Le Figaro dẫn lại lời của China Daily, “các nhà chiến lược của Bình Nhưỡng diễn giải sai lệch các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Theo họ, trừng phạt nhắm vào các cuộc thử hạt nhân và tên lửa, chứ không phải nhằm vào chế độ hay các nhà lãnh đạo”. Trong một bài xã luận, mang mầu sắc cảnh cáo cuối cùng, China Daily viết : “Họ (chế độ Bình Nhưỡng) đánh giá quá cao một cách nguy hiểm lực lượng của mình và đánh giá thấp mối hiểm họa ngày càng lớn dần”.
Người dân Trung Quốc vùng biên sống trong lo sợ các vụ thử hạt nhân
Cuộc sống tại thị trấn Malugou, nằm sát biên giới Trung-Triều, thuộc tỉnh Cát Lâm (Jilin) của Trung Quốc, dường như vẫn giữ nhịp độ thanh bình, theo phóng viên của Le Figaro. Người dân vẫn chơi bài và dường như không ý thức được rằng lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể cho tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu tại khu Punggye-ri, cách đó chỉ khoảng 100 km.
Trả lời phóng viên của Le Figaro, một số dân làng cho biết không bận tâm đến các hành động huyênh hoang của nhà lãnh đạo nước láng giềng vì “dù sao, họ không thể chuyển nhà đi nơi khác”, một số khác thì không giấu vẻ bối rối vì họ cảm thấy “đất rung chuyển trong lần thử hạt nhân gần đây nhất” vào tháng 09/2016 và “một quả tên lửa bị phóng thất bại đã rơi xuống vùng”. Họ cũng “lo lắng vì sóng bức xạ và tác động đến dân chúng”. Thế nhưng, một cụ già 72 tuổi lại tỏ ra lạc quan vì “Kim Jong Un không tìm cách gây chiến, vì chiến tranh sẽ khiến ông ta mất quyền lực”.
Bên cạnh mối nguy hiểm có vẻ xa xôi đó, người dân còn lo lắng cho tương lai của vùng : “Thanh niên đi học ở các thành phố lớn và không trở về, vì ở đây không có việc làm. Trước đây, chúng tôi còn được khai thác gỗ, nhưng giờ đã bị cấm”. Trong những năm vừa qua, nhiều khu vực thể thao mùa đông được đầu tư mạnh ở vùng đông bắc đã tạo việc làm cho người dân địa phương.
Thế nhưng, những khách sạn ở đây khó lòng mà thu hút được khách nếu Kim Jong Un còn giữ thói quen “làm các bức tường rung chuyển”, phóng viên của Le Figaro hài hước kết luận.
Cả tả và hữu
cùng có mặt trong chính phủ của Macron nếu thắng cử ?
Trở lại cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng 1, thắng lợi của hai ứng viên Emmanuel Macron thuộc phong trào Tiến bước! (En Marche!) và Marine Le Pen thuộc đảng Mặt Trận Quốc Gia (Front national – FN) tiếp tục được các báo Pháp đề cập.
Trang nhất của Le Monde là nhận xét : “Cuộc bầu cử tổng thống củng cố các thành trì của Mặt Trận Quốc Gia”. Đảng cực hữu về đầu tại 47 tỉnh và mở rộng tại các vùng như Corse và vùng Haute-Normandie cũ. Trong bối cảnh này, đảng FN có thể thành lập được một nhóm nghị sĩ đáng kể sau kỳ bầu cử nghị viện sẽ diễn ra vào tháng 06/2017.
Cách ăn mừng chiến thắng vòng 1 của ứng viên Emmanuel Macron bị một số chính trị gia chỉ trích. Hình ảnh ứng viên phong trào Tiến bước! giơ cao hai tay thể hiện chiến thắng tối 23/04 được Libération đăng trọn trên trang nhất, nhưng kèm theo hàng tựa : “Eh, Manu, ông xuống được chưa?”. Vì theo Libération, nếu ứng viên muốn tập hợp để chống lại Marine Le Pen, ông còn phải nỗ lực thêm để thuyết phục bên ngoài phe của mình.
Trong trường hợp thắng cử ngày 07/05, Emmanuel Macron đã tính đến việc thành lập một chính phủ gồm cả tả và hữu. Một số chính trị gia đảng Xã Hội đã chấp nhận tham gia. Vậy “Macron làm thế nào để tìm ủng hộ bên cánh hữu?” Theo trang nhất của Le Figaro, Macron muốn thu hút một vài nhân vật bên đảng Những Người Cộng Hòa với đề xuất làm bộ trưởng.
Còn nhật báo kinh tế Les Echos nhận định : “Ủng hộ Macron : Thế đôi ngả của cánh hữu”. Một số nghị sĩ theo Juppé và Le Maire muốn một “hiệp ước tổng thống” với Tiến Bước ! trong trường hợp phong trào này không đủ đa số tại Quốc Hội. Còn cánh bảo thủ nhất của đảng Những Người Cộng Hòa muốn áp đặt “sự cộng sinh” (tức dành quyền kiểm soát đa số Quốc Hội, để nắm chức thủ tướng) nhằm “thực hiện tư tưởng của họ”.
Ông Jean-Luc Mélenchon, ứng viên phong trào Nước Pháp bất khuất (La France insoumise) “chơi trò trốn tìm” từ khi kết quả được công bố tối 23/04, theo Libération. Đảng Cộng Sản Pháp, liên minh cùng với phong trào Nước Pháp bất khuất, bắt đầu khó chịu trước sự im lặng khó hiểu của ông Mélanchon, đồng thời giữ khoảng cách với ứng viên về thứ 4 của vòng 1 và kêu gọi bỏ phiếu chống Marine Le Pen.
“Đơn thuốc tử thần” :
Thực trạng thử thuốc trên người tự nguyện
Trong lĩnh vực y tế, với dòng tựa “Đơn thuốc tử thần”, Le Monde giới thiệu tạp chí “Bằng chứng”, được phát trên đài France 3 tối 26/04, phản ánh thực tế nguy hiểm của việc thử thuốc trên cơ thể người trước khi đưa ra thị trường.
Một bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu gấp tại Rennes ngày 10/01/2016 sau khi thử thuốc cho phòng nghiên cứu Biotrial. Ông bị mất phương hướng, rối loạn thị lực. Sau một thời gian được điều trị vì tai biến mạnh máu não, người tự nguyện thử thuốc này đã rơi vào trạng thái hôn mê rồi qua đời vài ngày sau đó.
Song chưa hết, đa số những tình nguyện viên, thường có hoàn cảnh khó khăn, cùng thử loại thuốc giống ông cũng phải đưa đi cấp cứu gấp vì có chung triệu chứng. Một số người thoát nạn, một số khác phải di chứng. Theo phóng viên Paul Labrosse, sau khi gặp một trong số nạn nhân, lý do là loại thuốc trên, được đưa vào cơ thể trong vòng nhiều ngày, đã tấn công não và gây nên những biến chứng đó.
Thử thuốc trên người tình nguyện được trả công là quá trình thường gặp trước khi đưa một dược phẩm mới ra thị trường. Tuy nhiên, phóng sự cho thấy sau khi rời bệnh viện, nhiều người tình nguyện thử thuốc tỏ ra lo lắng về hậu quả xấu của thuốc. Thậm chí, một số thành viên của Cơ quan an ninh thuốc và sản phẩm Y tế Pháp thắc mắc về tính độc hại của một phân tử được thí nghiệm, sau khi đọc các báo cáo về thử nghiệm lên động vật.
Không có loại thuốc nào là không gây nguy hiểm. Nhưng một điều đáng ngại khác, được nêu lên trong phóng sự, là giới bác sĩ lại thường xuyên liên kết với các phòng thí nghiệm, công ty dược phẩm, trong khi những nhà sản xuất này chỉ muốn bán được sản phẩm mới. Các cơ quan nhà nước cấp quốc gia và cấp châu Âu chịu trách nhiệm về kiểm tra dược phẩm không phải lúc nào cũng tỏ ra minh bạch theo đúng tiêu chí của một tổ chức công và điều này được một số nhà phụ trách tiết lộ trong tạp chí phát tối 26/04.
Tin đọc nhanh
(AFP) – Trung Quốc kết án tù một phụ nữ Mỹ gốc Việt-Hoa về tội gián điệp
Một tòa án tỉnh Quảng Tây, ngày 25/04/2017, tuyên án 3 năm rưỡi tù đối với một phụ nữ Mỹ tên Sandy Phan–Gillis về tội gián điệp, tuy rằng chi tiết về tội danh này vẫn chưa rõ. Bà Sandy Phan-Gillis, một người Việt gốc Hoa, có quốc tịch Mỹ, trú quán tại Houston (bang Texas – Hoa Kỳ) – bị bắt vào tháng 03/2015 ở vùng giáp giới với Macau, sau khi thăm Trung Quốc cùng với một phái đoàn thương mại Mỹ.
Theo tổ chức Liên Hiệp Quốc WGAD (Nhóm Công Tác về Giam Giữ Tùy Tiện), bà Phan-Gillis bị cáo buộc làm gián điệp, ăn cắp bí mật quốc gia cho một bên thứ ba. Người phụ nữ này hiện bị giam tại trung tâm tạm giam chứ không phải trong tù, và không có ý định kháng cáo. Chưa rõ tòa Trung Quốc sẽ quyết định như thế nào, nhưng nhiều người tin bà Phan- Gillis sẽ sớm bị trục xuất.
(AFP) – Hai dân biểu độc lập bị bắt tại Hồng Kông
Hai dân biểu Lương Tụng Hằng (Baggio Leung), 30 tuổi, và Du Huệ Trinh (Yau Waiching), 25 tuổi, sáng sớm nay 26/04/2017 bị bắt tại nhà riêng và có thể bị cáo buộc tội « hội họp bất hợp pháp », theo trang Facebook của đảng Thanh Niên Tân Chính (Youngspiration). Tháng trước, cũng đã có 9 nhà đấu tranh dân chủ bị khởi tố vì tham dự cuộc Cách mạng Dù vàng năm 2014. Hai dân biểu trẻ trên đã đắc cử vào Hội đồng lập pháp Hồng Kông (tương đương Quốc Hội) mùa thu năm 2016, nhưng chưa bao giờ được bước vào Quốc Hội do không chịu tuyên thệ. Họ đã xé văn bản này, quấn quanh người biểu ngữ « Hồng Kông không phải là Trung Quốc ». Bắc Kinh loại hai dân biểu trên với cáo buộc vi phạm Hiến Pháp. Quyết định này bị giới dân chủ chỉ trích là xâm phạm tính độc lập của tư pháp Hồng Kông.
(AFP) – Bộ trưởng Tái Thiết Nhật Bản từ chức sau tuyên bố gây sốc
Ông Masahiro Imamura, bộ trưởng bộ Tái Thiết, hôm nay 26/04/2017, đã từ chức, sau khi có những phát biểu gây sốc về hậu quả của thảm họa Fukushima năm 2011. Trong buổi tiếp các lãnh đạo đảng Dân Chủ Tự Do (PLD) tối qua, ông Imamura nói rằng : « Cũng tốt là tai nạn đã xảy ra tại vùng Tohoku (đông bắc), vì thiệt hại sẽ khủng khiếp nếu diễn ra ở gần thủ đô ».
Từ ngữ « cũng tốt » dành cho thảm họa nguyên tử đã làm 18.500 người chết làm dấy nên những phê phán. Tuy sau đó ông Imamura đã cố điều chỉnh, nhưng thủ tướng Shinzo Abe đánh giá là « hết sức không thích hợp ». Sau khi xin lỗi và từ chức, ông Masahiro Imamura đã bị thay thế bằng ông Masayoshi Yoshino vốn nắm rõ hồ sơ tái thiết.
(AFP) – Theo cảnh sát, ông David Dao có thái độ « hung hăng »
Ông David Dao (Đào Duy Anh), bác sĩ gốc Việt 69 tuổi bị trục xuất khỏi chuyến bay United Airlines bằng bạo lực cách đây hai tuần, bị cảnh sát sân bay Chicago mô tả là « hung hăng ». Truyền thông Mỹ hôm qua 25/04/2017, dẫn một báo cáo của an ninh sân bay, khẳng định như trên. Theo báo cáo, một trong số ba cảnh sát, khi lôi ông David Dao khỏi chuyến bay 3411, đã phải thả tay ông ra, vì bị kháng cự. Hành khách này sau đó tự làm mình bị thương khi rơi trúng tay ghế, bị gãy mũi và mất hai chiếc răng.
Một trong các cảnh sát sân bay O’Hare viết rằng cả ba nhân viên đều « dùng sức mạnh tối thiểu, nhưng cần thiết ». Theo họ, ông Dao kịch liệt phản đối : « Tôi không rời khỏi một chuyến bay, mà tôi đã trả tiền. Tôi bất chấp nếu bị bắt ». Sự kiện hành khách bị thô bạo lôi xuống máy bay do bán vé quá số chỗ đã gây phẫn nộ khắp thế giới. Tổng giám đốc United Airlines đã xin lỗi, và hãng này cam đoan sẽ không còn huy động cảnh sát tham gia trong trường hợp tương tự.
(AFP) – Công luận Thái Lan đả kích giới truyền thông đăng lại cảnh giết chóc
Cư dân mạng Thái Lan ngày 26/04/2017 đã phản ứng dữ dội trước vụ giới truyền thông phát lại một đoạn video đã bị gỡ bỏ cho thấy cảnh một thanh niên 20 tuổi, sau một vụ cãi vã với vợ, đã treo cổ đứa con gái 11 tháng và sau đó tự treo cổ mình. Vụ việc xảy ra ở Phuket, miền nam Thái Lan hôm thứ hai 24/04/2017, đã được thủ phạm quay và phát trực tiếp trên FaceBook Live trong nhiều tiếng đồng hồ, trước khi bị Facebook rút xuống. Thế nhưng qua ngày thứ Ba, nhiều cơ quan truyền thông Thái Lan đã đăng lại video này, gây nên phản ứng phẫn nộ.
Cơ quan giám sát truyền thông Thái Lan kêu gọi chấm dứt đưa những hình ảnh, video kiểu này. Trên các mạng xã hội nhiều người lo ngại « thanh niên và trẻ em có thể noi theo các ví dụ như thế » và chỉ trích giới truyền thông bất cẩn, chỉ muốn « bán tin » mà không để ý đến hậu quả. Theo AFP, Facebook có một êkíp làm việc 24/24 tiếng đồng hồ để xem xét các nội dung, có quyền rút xuống những yếu tố bị cho là quá đáng, những vụ tự tử, tội ác được xử lý trước tiên, nhưng trước lượng thông tin quá lớn đưa lên hàng ngày, phản ứng của Facebook không nhanh chóng như mong muốn. Facebook cũng bào chữa là video của những người muốn tự tử đã giúp cảnh sát cứu được mạng sống như ở Thái Lan vào tháng Giêng vừa qua.
(AP) – Mỹ bắn pháo hiệu cảnh cáo một chiếc tàu Iran ở vịnh Ba Tư
Hải Quân Mỹ, ngày 26/04/2017, cho biết là một khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường đã bắn pháo hiệu cảnh cáo một chiếc tàu của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran đã tiến đến cách tàu Mỹ USS Mahan khoảng 1.000 mét, ở vùng vịnh Ba Tư. Sự cố xảy ra từ hôm thứ Hai, 24/04. Một sĩ quan thuộc Hạm Đội 5 cho biết phía Mỹ đã liên hệ qua radio với tàu Iran, ra dấu hiệu nguy hiểm trước khi bắn cảnh cáo. Tàu Iran đã bỏ đi. Những vụ đối diện nhau này giữa tàu Mỹ và Iran thường xuyên xảy ra ở vùng vịnh Ba Tư.
(AFP) – Đối lập Venezuela tiếp tục biểu tình bất chấp bạo lực
Những người chống đối tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, hôm nay 26/04/2017 tiếp tục thách thức chính quyền, dù nạn bạo lực trong các cuộc biểu tình trước đã làm cho khoảng 30 người chết. Phe đối lập kêu gọi tập hợp tại khu vực trung tâm thủ đô Caracas, đầu não của chế độ. Cho đến nay, hàng ngàn người biểu tình vẫn luôn bị ngăn chận khi tiến vào khu trung tâm, do lực lượng an ninh sử dụng vòi rồng và đạn cao su. Hầu hết các cuộc biểu tình đều biến thành các vụ đụng độ, cướp phá, hai bên tấn công lẫn nhau bằng hơi cay và bom xăng tự tạo, chưa kể bạo lực từ phía các « colectivo », tức các nhóm dân quân.
Viện kiểm sát cho biết đã có 26 người chết trong gần một tháng qua, trong khi tổng thống tối qua nói rằng con số này là 29. Có 437 người bị thương, 1.289 người bị bắt, phía báo chí có 14 nhà báo bị câu lưu và 106 người bị tấn công.
(Reuters) – Thủ tướng Israel hủy cuộc gặp ngoại trưởng Đức
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, hôm qua 25/04/2017, đã hủy bỏ cuộc tiếp xúc với ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, vì ông này muốn gặp gỡ các tổ chức phi chính phủ Israel chỉ trích chính sách của chính phủ về vấn đề người Palestine. Báo chí cho biết ngoại trưởng Đức muốn gặp hiệp hội « Breaking the Silence », chuyên thu thập các chứng cứ của các cựu chiến binh Israel về cách đối xử với người Palestine ở Cisjordani. Ông Gabriel tỏ ý tiếc về việc hủy cuộc gặp, nhấn mạnh « không thể bị dùng làm bung xung cho chính sách nội bộ của Israel », nhưng cho rằng còn nhiều dịp khác.
http://vi.rfi.fr/tong-hop/20170426-oktin-doc-nhanh