Phản ứng của dư luận trong việc giải quyết vụ Đồng Tâm
Anh Vũ, thông tín viên RFA
2017-04-24
Vụ việc ở xã Đồng tâm đã được xử lý. Đây được cho chưa từng có trong tiền lệ của nhà nước CSVN. Vì sao chính quyền lại giải quyết vấn đề như vậy, các hiểm họa đằng sau đó nếu có là gì và mạng xã hội đã góp phần thế nào để dẫn đến thành công này?
Chưa từng có tiền lệ
Sáng ngày 22 tháng 4 năm 2017, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã cam kết sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân xã Đồng Tâm, trong vụ việc bắt giữ 38 quan chức và nhân viên CS Cơ động.
Đồng thời, ông Chung cũng hứa sẽ chỉ đạo cơ quan thanh tra làm việc một cách khách quan trong việc quản lý, sử dụng đất đai tại địa bàn này, cũng như việc bắt giữ người trái phép của CA huyện Mỹ Đức trước đó.
Tôi rất hài lòng với cách giải quyết của Chủ tịch thành phố Hà Nội tuy nhiên tôi cũng khá ngạc nhiên với cách giải quyết mang tính thuận lòng dân như vậy.
– Ông Hòa
Ngay sau đó, toàn bộ 19 quan chức và số CSCĐ còn lại đang bị giữ ở Đồng Tâm một tuần trước, đã được người dân trao lại cho Chủ tịch Hà nội.
Ông Hòa, một người dân ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội nhận xét:
“Tôi rất hài lòng với cách giải quyết của Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, tuy nhiên tôi cũng khá ngạc nhiên với cách giải quyết mang tính thuận lòng dân như vậy. Đó là một điều mà xưa nay tôi chưa từng thấy trong cách hành xử của chính quyền.”
Dư luận cho rằng, quyết định của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong việc tháo ngòi nổ cho điểm nóng Đồng Tâm là một bước lùi của chính quyền VN, nếu như so với cách xử lý các vụ Cồn Dầu, Tiên Lãng, Văn Giang… trước đây.
Từ Nha trang, nhà báo Võ Văn Tạo đã lý giải các nguyên nhân dẫn đến kết cục tốt đẹp, trong việc xử lý sự kiện Đồng Tâm của chính quyền Hà Nội và các bên liên quan. Ông nhận định:
“Trước hết theo tôi nghĩ ông (Nguyễn Đức) Chung là một người nhân văn, cái thứ 2 vụ việc Đồng tâm nó ở tình thế như thế nên buộc họ phải xử lý như vậy, chọn phương án sấy là tối ưu. Thứ 3 là người dân Đồng tâm rất cương quyết, khôn khéo, cần mềm mỏng thì họ mềm mỏng. Họ biết ve vuốt chế độ, song cũng rất cứng rắn.”
Dưới nhan đề “Thắng & thua dân ở Phù Chẩn 2008 & Đồng Tâm 2017” đăng trên trang Bauxite, nhà văn Vũ Ngọc Tiến có viết rằng: “Lần này, ông Nguyễn Đức Chung đại diện cao nhất cho chính quyền TP HN đã chọn giải pháp đối thoại cởi mở, chân tình với dân Đồng Tâm nên được bà con địa phương và dư luận cả nước hồ hởi đón nhận, xem ông như một anh hùng. Tôi tin sắp tới chính quyền và dân xã Đồng Tâm đều thắng, mở ra một kỷ nguyên mới cho chính sách Tam nông ở ngoại thành Hà Nội và trên cả nước. Những điều cam kết của ông Chung là thật lòng, có thể sẽ gặp chút ít rào cản, nhưng sẽ thành hiện thực, hy vọng là thế!…”
Cảnh sát cơ động được người dân thả ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP photo
Trước phản ứng của dư luận xã hội, đã có rất nhiều người hoài nghi và không tin vào sự thành tâm từ phía chính quyền Hà Nội. Bởi họ còn ám ảnh sự kiện nông dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình nổi dậy vào năm 1997. Khi đó chính quyền cũng xoa dịu dân chúng, chờ sự bức xúc của dân chúng lắng xuống, thì lập tức phía chính quyền lật lọng, tiến hành bắt giữ, truy tố, xét xử những người lãnh đạo phong trào với những bản án nặng nề.
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, đó là chuyện của ngày xưa, mỗi thời mỗi khác, theo ông bây giờ thì tình thế đã khác trước rất nhiều. Ông giải thích:
“Cho dù trước đây đã có những tiền lệ xấu, nhưng tôi nghĩ lần này khả năng lật lọng sẽ ít hơn khả năng giữ đúng cam kết. Khả năng lật lọng sẽ khoảng 30-40%, còn giữ đúng cam kết sẽ là 60-70%. Vì tình thế bây giờ nó khác với thời vụ Thái bình đã lâu rồi, lúc ấy chưa có mạng internet phát triển như bây giờ và phong trào đấu tranh cũng chưa mạnh như bây giờ.”
Vai trò mạng xã hội
Đánh giá vai trò của mạng xã hội và truyền thông lề dân trong vụ việc Đồng Tâm, ông Hòa thấy rằng một vụ việc nóng bỏng như Đồng Tâm, nhưng báo chí nhà nước hạn chế đưa tin và nếu có thì đưa tin hoàn toàn sai lệch. Ông nói:
“Theo tôi thấy, vai trò của mạng xã hội như facebook hay youtube có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong vụ việc Đồng Tâm, nó có tác dụng làm cho dư luận xã hội nắm bắt tin tức nhanh chóng hơn. Quan trọng hơn là nó đã giúp người ta hiểu được thực chất của vấn đề.”
Để xảy ra tình trạng facebooker phải vào cuộc đưa tin, phần lỗi thuộc về một nhà nước hạn chế tự do ngôn luận và của một nền báo chí bị nhà nước kiểm soát.
– Nhà báo Đoan Trang
Trên trang facebook cá nhân, nhà báo Đoan Trang có viết rằng: “Để xảy ra tình trạng facebooker phải vào cuộc đưa tin, phần lỗi thuộc về một nhà nước hạn chế tự do ngôn luận và của một nền báo chí bị nhà nước kiểm soát. Và nếu không có mạng xã hội lên tiếng – bình luận, phân tích, mở rộng vấn đề thay vì chỉ đưa tin – thì rất có thể Đồng Tâm đã bị đàn áp trong im lặng, như những Nghệ An, Thái Bình, Tây Nguyên năm nào”.
Đồng tình với nhận xét của nhà báo Đoan Trang, nhà báo Võ Văn Tạo đánh giá:
“Tôi đánh giá cao vai trò của mạng xã hội và ý kiến của đa số những người có lương tri trong việc đóng góp ý kiến và khuyên nhà nước. Tôi thấy mạng xã hội đóng vai trò rất tốt, nhưng ở vụ việc Đồng tâm nay mạng xã hội có đóng vai trò quyết định hay không, thì tôi cho rằng không. Song mạng xã hội đã đóng một vai trò rất tốt trong vụ việc này.”
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đã viết trên trang facebook cá nhân của mình rằng, sự kiện Đồng Tâm rồi sẽ đi vào lịch sử như một trong những thất bại lớn nhất của đảng cầm quyền, trong việc giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và người dân. Cam kết không truy cứu hình sự hành vi bắt giữ cán bộ, công an của dân làng Đồng Tâm, không chỉ là một biệt lệ trong diễn giải pháp luật hình sự, cũng không chỉ là sự thoái lui của giải pháp bạo lực quen thuộc, mà nó còn là chấp nhận tạo ra tiền lệ rằng nếu sự phản kháng của dân chúng đủ mạnh, các yêu sách của họ sẽ được chấp thuận mà chẳng ai chịu bất kì trừng phạt gì.