Tin Việt Nam – 24/04/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 24/04/2017

Dự luật biểu tình phải chờ hội nghị Trung Ương Đảng?

Báo chí Việt Nam cuối tuần qua đưa tin chính phủ lại trì hoãn trình quốc hội luật biểu tình vốn được người dân chờ đợi nhiều năm nay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với việc hoãn này.

Tin cho hay hôm 22/4 UBTVQH đã bàn thảo việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Nhưng dự luật biểu tình đã không được chính phủ đưa vào cả hai chương trình.

Chính phủ cũng không đưa vào chương trình dự luật thi đua khen thưởng; dự thảo mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức, viên chức; dự luật về hội; và dự luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh.

Thường vụ Quốc hội đã đề nghị chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong việc chưa trình được các dự luật, và sẽ trình sẽ vào thời điểm nào trong tương lai.

… có thể là sau Hội nghị Trung ương 5 này thì có thể Quốc hội cho thông qua luật biểu tình. Bởi vì chuyện Quốc hội cho thông qua hay không cho thông qua tùy thuộc vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tùy thuộc vào Bộ Chính trị. Có thể luật biểu tình trong lần họp Quốc hội tới sẽ được thông qua, nếu như người ta giải quyết được những cái mắc mớ trong Hội nghị Trung ương này. Hoặc là phải chờ Trung ương Đảng họp những hội nghị khác … Còn Quốc hội tôi nghĩ không có quyền gì hết trong việc thông qua hay không thông qua luật biểu tình.

Nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh

Một số báo Việt Nam đã đưa tin là Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã giải thích rằng “dự án Luật biểu tình do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nằm trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015 và năm 2016, hiện đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định. Tuy nhiên, nội dung luật chưa đạt yêu cầu nên rút lại”.

Bộ trưởng Long không nói rõ “chưa đạt yêu cầu” là như thế nào, và chính đoạn tường thuật này cũng đã bị các báo rút lại sau khi đăng vài giờ.

Luật sư Hà Huy Sơn nhận định về lý do dự luật biểu tình vẫn bị hoãn:

“Chính phủ Việt Nam người ta sợ cái chuyện biểu tình tại vì là trong xã hội bây giờ có quá nhiều bức xúc, quá nhiều mâu thuẫn mà không giải quyết được nên người ta sợ. Người ta sợ ảnh hưởng đến sự an nguy của chính quyền. Tóm lại, người ta sợ bị mất chính quyền”.

Nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh, người cũng từng là một nhà báo kỳ cựu, có chung quan điểm với luật sư Sơn:

“Chuyện không thông qua luật biểu tình thì nó xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa. Người ta sợ những tổ chức xã hội dân sự, rồi sợ người dân sẽ dựa vào luật để biểu tình nhiều hơn, và gây căng thẳng hơn, và cũng gây ảnh hưởng tới sự an nguy của chế độ”.

Ông Chênh do rằng số phận của dự luật biểu tình không phải do quốc hội quyết định. Ông phân tích:

“Tôi nghĩ có thể là sau Hội nghị Trung ương 5 này thì có thể Quốc hội cho thông qua luật biểu tình. Bởi vì chuyện Quốc hội cho thông qua hay không cho thông qua tùy thuộc vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tùy thuộc vào Bộ Chính trị. Có thể luật biểu tình trong lần họp Quốc hội tới sẽ được thông qua, nếu như người ta giải quyết được những cái mắc mớ trong Hội nghị Trung ương này. Hoặc là phải chờ Trung ương Đảng họp những hội nghị khác. Phải giải quyết rốt ráo cái chuyện cho biểu tình hay không cho biểu tình. Còn Quốc hội tôi nghĩ không có quyền gì hết trong việc thông qua hay không thông qua luật biểu tình”.

Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 5 sắp tới. Báo chí trong nước cho đến thời điểm này hầu như chưa đưa ra thông tin gì về những nội dung chính sẽ được bàn trong hội nghị.

Quyền biểu tình được khẳng định trong Hiến pháp Việt Nam, nhưng đến nay chưa có một luật riêng rẽ về biểu tình. Do tình trạng này, nhiều người dân và các nhà hoạt động cho rằng công dân có thể gặp bất lợi khi họ tập hợp đông người để bày tỏ quan điểm về một vấn đề gì đó. Trên thực tế, có nhiều trường hợp nhà chức trách đã quy các cuộc biểu tình vào tội gây rối trật tự xã hội.

Nhìn về tương lai, ông Huỳnh Ngọc Chênh, người cũng là một blogger nổi tiếng thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, cho rằng cho dù sau này luật biểu tình có được ban hành đi nữa, chính phủ vẫn sẽ trấn áp biểu tình. Ông nói:

“Có luật hay không có luật, nhà nước vẫn cứ đàn áp. Bởi vì có bao nhiêu luật nhà nước làm có đúng đâu. Cần đàn áp các phong trào xã hội dân sự, cần đàn áp người dân nói lên tiếng nói chính đáng của mình thì nhà nước vẫn cứ đàn áp. Nhưng nếu có luật thì tình hình nó đỡ bất ổn hơn, sẽ không xảy ra những vụ rất nghiêm trọng như ở Đồng Tâm hay ở những nơi khác”.

Vụ Đồng Tâm mà ông Chênh đề cập đến là một cuộc đối đầu giữa người dân của một xã ở Hà Nội với chính quyền do tranh chấp đất đai kéo dài từ ngày 15 đến 22/4.

Người dân đã phản đối chính quyền địa phương vì thu hồi đất sai trái. Nhiều công an, cảnh sát đã được điều đến để trấn áp, song người dân đã phản kháng, thậm chí còn bắt giữ gần 40 viên cảnh sát và quan chức địa phương, sau đó cố thủ trong một thôn trong 1 tuần.

Vụ việc kết thúc ôn hòa khi chủ tịch Hà Nội cam kết điều tra và tranh chấp đất đai và không truy tố người dân.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn được báo Thanh Niên đăng hồi đầu tháng 3 năm ngoái, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói chủ trương ban hành luật biểu tình được đặt ra trong một nghị quyết hồi tháng 5/2005 của Bộ Chính trị.

Ông Nghĩa chỉ ra rằng việc chưa có luật “làm cho nhà nước lúng túng về mặt quản lý” và “việc hạn chế biểu tình bằng văn bản dưới luật là trái với Hiến pháp”. Đại biểu Quốc hội này khi đó nhấn mạnh “10 năm rồi vẫn tiếp tục xin hoãn làm Đại biểu Quốc hội khó xử, không biết trả lời với nhân dân như thế nào”.

http://www.voatiengviet.com/a/du-luat-bieu-tinh-phai-cho-hoi-nghi-trung-uong-dang/3823146.html

 

Sạt lở sông ở An Giang, nhiều người ‘tháo chạy’

Nhiều hộ dân mà báo chí trong nước nói là tới gần 200 nhân khẩu ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang), đã phải sơ tán khẩn hôm 22/4 sau khi nhà cửa đổ sập xuống sông Vàm Nao vì tình trạng sạt lở kéo dài.

Báo điện tử VnExpress đưa tin rằng dòng sông “ăn sâu vào đất liền hơn 50 mét, khiến 40 nhà dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng” ở ấp Mỹ Hội.

Tin cho hay, tình trạng sạt lở diễn ra trong suốt nhiều ngày qua, và dường như “không có dấu hiệu dừng lại”.

Những người dân sơ tán được bố trí trú tạm tại trường học và chùa ở địa phương, theo VnExpress.

Các đoạn video đăng tải trên trang Youtube cho thấy rằng nhiều ngôi nhà kiên cố đã bị đổ sập xuống sông.

Theo truyền hình An Giang, 19 căn nhà đã bị đổ xuống sông hôm 22/4, và chính quyền đã “di dời khẩn cấp các hộ trong vùng nguy cơ sạt lở”.

Truyền thông trong nước đưa tin, không có thiệt hại về người trong sự cố trên.

Dù chính quyền chưa công bố nguyên nhân, báo CA TP HCM dẫn lời một người dân nói rằng “sạt lở một phần do việc khai thác cát làm thay đổi dòng chảy của sông Vàm Nao”.

Nhiều bình luận sau các bài báo được truyền thông trong nước loan tải cũng cho rằng tình trạng “cát tặc” gây ra sự việc trên, và không chỉ xảy ra ở tỉnh An Giang.

http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dan-thao-chay-vi-sat-lo-o-an-giang/3822171.html

 

Tàu biển Việt Nam có nguy cơ trở lại danh sách đen

Đội tàu biển của Việt Nam được cảnh báo có thể bị đưa trở lại ‘danh sách đen’ do có nhiều tàu không bảo đảm an toàn cũng như tỷ lệ bị lưu giữ tại nước ngoài cao hơn tàu của những nước khác.

Tổ chức Chính quyền Cảng biển các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đưa ra cảnh báo như vừa nêu.

Thống kê cho thấy trong quí 1 năm nay, số  tàu biển của Việt Nam chạy tuyến quốc tế bị lưu giữ ở nước ngoài khi bị kiểm tra về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm được cho biết tăng với tỷ lệ cao nhất so với trung bình trong 3 năm qua ở mức gần 5%.

Lý do tàu Việt Nam bị lưu giữ được cho biết vì bị hư hỏng về an toàn chống cháy nổ, trang thiết bị cứu sinh, tình trạng kín nước, các hệ thống sử dụng trong trường hợp có sự cố, an toàn hàng hải, hệ thống quản lý tàu…

Đội tàu biển của Việt Nam trước năm 2014 bị Tổ chức Chính quyền Cảng biển Các nước Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương liệt vào ‘danh sách đen’.

Cục Hàng Hải Việt Nam thừa nhận từ đầu năm đến giữa tháng tư vừa qua, có hơn 300 lượt tàu biển của Việt Nam bị kiểm tra tại các cảng biểng nước ngoài.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-fleet-be-put-back-in-black-list-of-obsolete-ships-04242017093154.html

 

Dân nhốt 6 cán bộ phường ở Biên Hòa

Công an Thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai vào chiều ngày 24 tháng 4 xem xét khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật đối với ba người trong 1 gia đình tiến hành bắt giam cán bộ phường liên quan đến việc xây dựng.

Theo báo chí trong nước, sự việc xảy ra vào khoảng 9 giờ ngày 21 tháng 4, khi tổ công tác 6 người của UBND phường Long Bình Tân nhận được tin gia đình bà Trần Mỹ Lệ xây nhà chiếm khu đất của Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng ở khu phố 2 nên đến kiểm tra.

Khi sáu người thuộc Tổ trật tự quản lý đô thị, công an phường, và nhân viên bảo vệ tổ dân phố vừa bước vào nhà bà Mỹ Lệ thì bà và hai con trai là Đỗ Thanh Phong, 26 tuổi và Đỗ Hoàng Long, 22 tuổi, khoá chặt cửa, nhốt họ bên trong.

Mặc dù UBND phường Long Bình Tân đã cho người xuống tận nơi thuyết phục gia đình bà Mỹ Lệ thả người nhưng bà này không đồng ý. Bà còn đe doạ cho nổ bình gas đã chuẩn bị sẵn.

Sau khoảng hai giờ thuyết phục không thành, lực lượng Công an Thành phố Biên Hoà buộc phải khống chế gia đình bà Lệ để giải thoát cho 6 cán bộ bị giam giữ bên trong.

Một vụ việc bắt giữ người gây xôn xao dư luận tại Việt Nam tuần qua xảy ra ở Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. 38 cán bộ, công an và cảnh sát cơ động bị người dân Đồng Tâm bắt giữ từ hôm 15/4. Đến ngày thứ Bảy, 22 tháng 4, sau khi Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung có cuộc đối thoại trực tiếp với người dân, toàn bộ những người bị bắt giữa đã được thả.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/district-officials-detained-04242017085543.html

 

Biểu tình phản đối công an thu áo No-Formosa

Hàng ngàn người tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trong đó có nhiều giáo dân Công giáo hôm 24 tháng tư biểu tình bao vây trụ sở công an huyện Quỳnh lưu.

Lý do của cuộc biểu tình là một số nhân viên an ninh và công an, vào sáng cùng ngày chận đường người dân, tịch thu áo thun có in hình đòi công ty Formosa rút khỏi Việt Nam.

Hai vị linh mục quản xứ gồm linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục đại diện cho người dân nói chuyện với cơ quan công an huyện.

Vào lúc khoảng 6 giờ chiều tại cổng trụ sở công an huyện Quỳnh Lưu, linh mục Đặng Hữu Nam cho biết:

Hiện tại tôi đang ở hiện trường, cho người dân về. Chúng tôi và chính quyền cũng như công an huyện Quỳnh Lưu đồng ý nhau cách giải quyết. Những gì mà an hem an ninh làm sai thì họ phải xin lỗi, họ phải đưa xuống giáo xứ Song Ngọc để trả đồ lại cho dân. Chúng tôi đang cho người dân ra về, và công an cũng như chính quyền huyện Quỳnh Lưu hứa trả lời chúng tôi bằng văn bản. Tôi nói với chính quyền cũng như công an trước mặt bà con giáo dân rằng nếu nhà cầm quyền giải quyết không hợp tình hợp lý, thì tôi tiếp tục tổ chức cho bà con đi biểu tình đòi quyền lợi.”

Cuộc biểu tình được cho biết kết thúc trong ôn hòa vào khoảng 6 giờ chiều, không có xô xát hay đụng chạm giữa người biểu tình và lực lượng công an.

Từ khi thảm họa môi trường Fomosa Vũng Áng do nhà máy gang thép Formosa của Đài Loan gây ra làm cá chết hàng loạt dọc theo bờ biển 4 tỉnh bắc miền trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên- Huế. Người dân bốn tỉnh và Nghệ An liên tục biểu tình đòi bồi thường và đòi Forrmosa rút khỏi Việt Nam.

Cơ quan chức năng cho rằng Nghệ An không nằm trong vùng chịu tác động bởi thảm họa môi trường Formosa; thế nhưng dân chúng lại nói họ bị ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/protest-against-police-t-shirt-snatch-04242017084926.html

 

Phản ứng của dư luận trong việc giải quyết vụ Đồng Tâm

Anh Vũ, thông tín viên RFA

Vụ việc ở xã Đồng tâm đã được xử lý. Đây được cho chưa từng có trong tiền lệ của nhà nước CSVN. Vì sao chính quyền lại giải quyết vấn đề như vậy, các hiểm họa đằng sau đó nếu có là gì và mạng xã hội đã góp phần thế nào để dẫn đến thành công này?

Chưa từng có tiền lệ

Sáng ngày 22 tháng 4 năm 2017, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã cam kết sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân xã Đồng Tâm, trong vụ việc bắt giữ 38 quan chức và nhân viên CS Cơ động.

Đồng thời, ông Chung cũng hứa sẽ chỉ đạo cơ quan thanh tra làm việc một cách khách quan trong việc quản lý, sử dụng đất đai tại địa bàn này, cũng như việc bắt giữ người trái phép của CA huyện Mỹ Đức trước đó.

Tôi rất hài lòng với cách giải quyết của Chủ tịch thành phố Hà Nội tuy nhiên tôi cũng khá ngạc nhiên với cách giải quyết mang tính thuận lòng dân như vậy. 

– Ông Hòa

Ngay sau đó, toàn bộ 19 quan chức và số CSCĐ còn lại đang bị giữ ở Đồng Tâm một tuần trước, đã được người dân trao lại cho Chủ tịch Hà nội.

Ông Hòa, một người dân ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội nhận xét:

“Tôi rất hài lòng với cách giải quyết của Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, tuy nhiên tôi cũng khá ngạc nhiên với cách giải quyết mang tính thuận lòng dân như vậy. Đó là một điều mà xưa nay tôi chưa từng thấy trong cách hành xử của chính quyền.”

Dư luận cho rằng, quyết định của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong việc tháo ngòi nổ cho điểm nóng Đồng Tâm là một bước lùi của chính quyền VN, nếu như so với cách xử lý các vụ Cồn Dầu, Tiên Lãng, Văn Giang… trước đây.

Từ Nha trang, nhà báo Võ Văn Tạo đã lý giải các nguyên nhân dẫn đến kết cục tốt đẹp, trong việc xử lý sự kiện Đồng Tâm của chính quyền Hà Nội và các bên liên quan. Ông nhận định:

“Trước hết theo tôi nghĩ ông (Nguyễn Đức) Chung là một người nhân văn, cái thứ 2 vụ việc Đồng tâm nó ở tình thế như thế nên buộc họ phải xử lý như vậy, chọn phương án sấy là tối ưu. Thứ 3 là người dân Đồng tâm rất cương quyết, khôn khéo, cần mềm mỏng thì họ mềm mỏng. Họ biết ve vuốt chế độ, song cũng rất cứng rắn.”

Dưới nhan đề “Thắng & thua dân ở Phù Chẩn 2008 & Đồng Tâm 2017” đăng trên trang Bauxite, nhà văn Vũ Ngọc Tiến có viết rằng: “Lần này, ông Nguyễn Đức Chung đại diện cao nhất cho chính quyền TP HN đã chọn giải pháp đối thoại cởi mở, chân tình với dân Đồng Tâm nên được bà con địa phương và dư luận cả nước hồ hởi đón nhận, xem ông như một anh hùng. Tôi tin sắp tới chính quyền và dân xã Đồng Tâm đều thắng, mở ra một kỷ nguyên mới cho chính sách Tam nông ở ngoại thành Hà Nội và trên cả nước. Những điều cam kết của ông Chung là thật lòng, có thể sẽ gặp chút ít rào cản, nhưng sẽ thành hiện thực, hy vọng là thế!…”

Trước phản ứng của dư luận xã hội, đã có rất nhiều người hoài nghi và không tin vào sự thành tâm từ phía chính quyền Hà Nội. Bởi họ còn ám ảnh sự kiện nông dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình nổi dậy vào năm 1997. Khi đó chính quyền cũng xoa dịu dân chúng, chờ sự bức xúc của dân chúng lắng xuống, thì lập tức phía chính quyền lật lọng, tiến hành bắt giữ, truy tố, xét xử những người lãnh đạo phong trào với những bản án nặng nề.

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, đó là chuyện của ngày xưa, mỗi thời mỗi khác, theo ông bây giờ thì tình thế đã khác trước rất nhiều. Ông giải thích:

“Cho dù trước đây đã có những tiền lệ xấu, nhưng tôi nghĩ lần này khả năng lật lọng sẽ ít hơn khả năng giữ đúng cam kết. Khả năng lật lọng sẽ khoảng 30-40%, còn giữ đúng cam kết sẽ là 60-70%. Vì tình thế bây giờ nó khác với thời vụ Thái bình đã lâu rồi, lúc ấy chưa có mạng internet phát triển như bây giờ và phong trào đấu tranh cũng chưa mạnh như bây giờ.”

Vai trò mạng xã hội

Đánh giá vai trò của mạng xã hội và truyền thông lề dân trong vụ việc Đồng Tâm, ông Hòa thấy rằng một vụ việc nóng bỏng như Đồng Tâm, nhưng báo chí nhà nước hạn chế đưa tin và nếu có thì đưa tin hoàn toàn sai lệch. Ông nói:

“Theo tôi thấy, vai trò của mạng xã hội như facebook hay youtube có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong vụ việc Đồng Tâm, nó có tác dụng làm cho dư luận xã hội nắm bắt tin tức nhanh chóng hơn. Quan trọng hơn là nó đã giúp người ta hiểu được thực chất của vấn đề.”

Để xảy ra tình trạng facebooker phải vào cuộc đưa tin, phần lỗi thuộc về một nhà nước hạn chế tự do ngôn luận và của một nền báo chí bị nhà nước kiểm soát. 

– Nhà báo Đoan Trang

Trên trang facebook cá nhân, nhà báo Đoan Trang có viết rằng: “Để xảy ra tình trạng facebooker phải vào cuộc đưa tin, phần lỗi thuộc về một nhà nước hạn chế tự do ngôn luận và của một nền báo chí bị nhà nước kiểm soát. Và nếu không có mạng xã hội lên tiếng – bình luận, phân tích, mở rộng vấn đề thay vì chỉ đưa tin – thì rất có thể Đồng Tâm đã bị đàn áp trong im lặng, như những Nghệ An, Thái Bình, Tây Nguyên năm nào”.

Đồng tình với nhận xét của nhà báo Đoan Trang, nhà báo Võ Văn Tạo đánh giá:

“Tôi đánh giá cao vai trò của mạng xã hội và ý kiến của đa số những người có lương tri trong việc đóng góp ý kiến và khuyên nhà nước. Tôi thấy mạng xã hội đóng vai trò rất tốt, nhưng ở vụ việc Đồng tâm nay mạng xã hội có đóng vai trò quyết định hay không, thì tôi cho rằng không. Song mạng xã hội đã đóng một vai trò rất tốt trong vụ việc này.”

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đã viết trên trang facebook cá nhân của mình rằng, sự kiện Đồng Tâm rồi sẽ đi vào lịch sử như một trong những thất bại lớn nhất của đảng cầm quyền, trong việc giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và người dân. Cam kết không truy cứu hình sự hành vi bắt giữ cán bộ, công an của dân làng Đồng Tâm, không chỉ là một biệt lệ trong diễn giải pháp luật hình sự, cũng không chỉ là sự thoái lui của giải pháp bạo lực quen thuộc, mà nó  còn là chấp nhận tạo ra tiền lệ rằng nếu sự phản kháng của dân chúng đủ mạnh, các yêu sách của họ sẽ được chấp thuận mà chẳng ai chịu bất kì trừng phạt gì.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/act-people-about-theway-ewsolve-of-mayor-hanoi-04242017071902.html

 

Nha Trang : Du khách Trung Quốc kém văn hóa gây bất bình

Tú Anh

Chính quyền Nha Trang kêu gọi mở cửa nhà thờ đón tiếp du khách. Giáo phận Nha Trang phản đối lệnh này vì du khách Trung Quốc có thái độ khiếm nhã, gây thiệt hại vật chất cho nhà thờ và truyền thống văn hóa địa phương, làm xấu hình ảnh thanh lịch của thành phố biển. Đối với tín đồ Công giáo, bảo vệ giáo đường còn là bổn phận thiêng liêng.

Asia News, hãng thông tấn Công giáo của Ý, trong bản tin 22/04/2017 cho biết Giáo phận công giáo Nha Trang và chính quyền địa phương đang bất đồng vì làn sóng du khách Trung Quốc tỏ ra thiếu tôn kính khi thăm viếng nhà thờ và các di tích.

Hồi đầu tháng 04/2017, tỉnh ủy Nha Trang viết thư yêu cầu Toà Giám mục tiếp tục mở cửa các cơ sở cho du khách. Tuy nhiên, nhiều vị linh mục và giáo dân than phiền du khách Trung Quốc, chiếm đa số, có thái độ thiếu văn hóa, gây thiệt hại cho cơ sở tôn giáo và làm hình ảnh thành phố Nha Trang thanh lịch bị xuống cấp trong chuẩn mực quốc tế.

Trong thư trả lời chính quyền địa phương, đại diện của giáo phận đã nêu lên tình trạng tiêu cực này. Các tín hữu cho biết « du khách Trung Quốc đến nhà thờ phô trương máy quay phim, để chụp ảnh, cười nói ồn áo, bất chấp tín đồ Việt Nam đang dự thánh lễ. Họ còn ngồi cả lên bàn ». Trong khi đó thì nhà thờ có luật dành cho khách thăm viếng như ăn mặc sạch sẽ, nói nhỏ giọng, tôn trọng thánh lễ… Thái độ bất kính của du khách Trung Quốc đã được giáo dân trình bày với Giám mục địa phận, đức cha Giuse Võ Đức Minh.

Theo Asia News, chính quyền địa phương không đồng ý với giáo dân với lý do là sợ « mất nguồn lợi kinh tế và quan hệ hữu hảo với Trung Quốc ». Theo thống kê, trong ba tháng đầu năm 2017, ba triệu du khách thăm Nha Trang, hầu hết là người Trung Quốc, tăng 15% so với 2016. Bất đồng giữa chính quyền Nha Trang và cộng đồng Công giáo chưa thấy có giải pháp dung hoà.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170423-nha-trang-du-khach-trung-quoc-kem-van-hoa-gay-bat-binh