Tin khắp nơi – 24/04/2017
Nhóm tàu Carl Vinson ‘tập trận với Nhật ở Biển Philippines’
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm về chủ đề Bắc Hàn với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24/4 trong khi nhóm tàu hàng không mẫu hạm Carl Vinson bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung với hải quân Nhật ở Biển Phillippines.
Ông Tập lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc thử vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng cũng kêu gọi phía Mỹ có kiềm chế trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng ở bán đảo Triều Tiên, tờ South China Morning Post viết.
Cuộc nói chuyện điện thoại giữa hai nhà lãnh đạo cho thấy có sự liên hệ chặt chẽ giữa hai nước, là điều có lợi cho cả hai quốc gia và cả thể giới, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói.
Tàu chiến Mỹ ‘sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông’
Bắc Hàn ‘sẽ tự vệ bằng vũ lực’
Trong cuộc điện đàm, ông Tập cũng đồng ý sẽ tiếp tục giữ liên hệ với Washington về vấn đề Bắc Hàn và hợp tác với Mỹ cùng các bên khác nhằm tránh một cuộc khủng hoảng diện rộng, Tân Hoa Xã đưa tin.
USS Carl Vinson và các cuộc tập trận chung
Thông cáo trên trang Facebook USS Carl Vinson (CVN 70) nói rằng nhóm tàu hàng không mẫu hạm Carl Vinson và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) bắt đầu tập trận chung từ hôm 23/4.
Cuộc tập trận định kỳ nhằm “tăng cường khả năng chiến đấu và phản ứng hàng hải chung, tăng cường hiệu quả thao diễn kết hợp, và đảm bảo các lực lượng hải quân sẵn sàng bảo vệ khu vực khi được yêu cầu”, thông cáo này viết.
Hai tàu khu trục của Nhật tham gia các hoạt động cùng nhóm tàu của hải quân Mỹ, Reuters tường thuật.
Các quan chức quốc phòng Nam Hàn hôm thứ Hai 24/4 nói rằng hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sẽ tham gia một cuộc tập trận chung với các tàu chiến của Nam Hàn gần bán đảo Triều Tiên, theo hãng tin Nam Hàn Yonhap.
“Các cuộc bàn thảo đang diễn ra (giữa hai bên) về cuộc tập trận chung này,” ông Moon Sang-gyun, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nam Hàn phát biểu tại cuộc họp báo hôm 24/4.
Ông Moon không nói rõ vị trí nhưng có nhiều đồn đoán rằng cuộc tập trận sẽ diễn ra ở vùng Biển Hoa Đông.
Ông Moon cũng không đưa thêm chi tiết hai bên sẽ phản ứng ra sao trước một vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn.
Hành trình bí ẩn
Trước đó, nhóm tàu của Hoa Kỳ đã trở thành tâm điểm chú ý khi không đi theo hướng tới Bắc Hàn mà lại chọn chiều ngược lại.
Hải quân Hoa Kỳ hôm 8/4 nói rằng nhóm tàu Carl Vinson đang trên đường tới bán đáo Triều Tiên giữa lúc căng thẳng dâng cao quanh tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thế nhưng trong dịp cuối tuần 15-16/4, nhóm tàu đã đi qua Eo biển Sunda, vào Ấn Độ Dương.
Đến hôm thứ Ba 18/4, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nói nhóm tàu đã hủy việc cập cảng Perth của Úc, nhưng trước đó đã hoàn tất việc tập huấn theo kế hoạch với Úc ở ngoài khơi tây bắc Australia, sau khi rời Singapore hôm 8/4.
Hôm 19/4, nhóm tàu “tiến vào Tây Thái Bình Dương theo mệnh lệnh”.
Hiện đang có quan ngại ngày càng tăng rằng Bắc Hàn có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân nữa trong tuần này, nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập các lực lượng vũ trang Bắc Hàn hôm thứ Ba 26/3.
Các nhà nghiên cứu Mỹ trên trang 38 North chuyên theo dõi hoạt động của Bắc Hàn nói hình ảnh vệ tinh thương mại chụp hôm 19/4 cho thấy có nhiều hoạt động liên tục ở bãi thử hạt nhân chính ở Punggye-ri, vẫn theo Yonhap.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39691981
Bắc Hàn ‘sẵn sàng đánh chìm’ tàu sân bay Mỹ
Bắc Hàn hôm 23/4 tuyên bố rằng nước này sẵn sàng đánh chìm một hàng không mẫu hạm Mỹ để chứng tỏ sức mạnh quân sự của mình, Reuters đưa tin.
Phát biểu của Bình Nhưỡng được đưa ra khi hai chiến hạm của Nhật Bản nhập vào nhóm tàu sân bay Mỹ tham gia tập trận ở tây Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lệnh cho nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực vì các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, cũng như việc chính quyền này đe dọa tấn công Hoa Kỳ và các nước đồng minh.
Theo Reuters, Hoa Kỳ không cho biết cụ thể vị trí của đội tàu tấn công khi chúng tiếp cận khu vực.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 22/4 cho biết rằng nhóm tàu sân bay sẽ tới “trong vòng vài ngày”, nhưng không thông báo thêm các chi tiết nào.
Và Bắc Hàn vẫn tiếp tục thể hiện thái độ thách thức, theo Reuters.
“Các lực lượng cách mạng của chúng ta sẵn sàng đánh chìm một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ chỉ với một cuộc tấn công”, Rodong Sinmun, tờ báo của Đảng Lao động cầm quyền của Bắc Hàn, viết trong một bài bình luận.
Bài báo này so sánh tàu sân bay với một “con vật kinh tởm” và nói rằng cuộc tấn công đó sẽ là “ví dụ thực tế cho thấy sức mạnh của quân đội của chúng ta”.
Phát biểu trong chuyến thăm Hy Lạp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết rằng đã có quá đủ việc biểu dương lực lượng, phô trương sức mạnh và kêu gọi các bên kiềm chế.
http://www.voatiengviet.com/a/bac-han-san-sang-danh-chim-tau-san-bay-my/3822060.html
Trump điện đàm với Tập, Abe về vấn đề Bắc Hàn
Hôm thứ Hai, 24/4, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc giục việc kìm chế Bắc Triều Tiên. Đây là cuộc điện đàm thứ hai kể từ cuộc họp thượng đỉnh ở Florida vào đầu tháng 4.
Người dẫn chương trình của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết ông Tập nhấn mạnh sự phản đối của Bắc Kinh đối với các vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ và hy vọng tất cả các bên sẽ kìm chế và tránh bất cứ điều gì làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Nhà phân tích tình hình Bắc Triều Tiên Woo Su-keun thuộc trường đại học Đông Hoa ở Thượng Hải cho biết, mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng của chính quyền Tổng thống Trump đã khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh phải dùng những biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn một cuộc xung đột nghiêm trọng mà có thể đẩy khu vực này vào chiến tranh.
Ông Woo nói: “Nếu Chủ tịch Tập không hợp tác với Tổng thống Trump, thì ông Trump có thể đưa ra những hành động gây ảnh hưởng đến Trung Quốc cả bên trong và bên ngoài, vì vậy chiến lược của Chủ tịch Tập sẽ hợp tác với Tổng thống Trump càng nhiều càng tốt.”
Ông Trump cũng đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về tình hình Bắc Triều Tiên.
Ông Abe cũng nói rằng ông và ông Trump đồng ý rằng Trung Quốc nên đóng một vai trò lớn hơn trong việc đối phó với Bình Nhưỡng.
Theo các quan chức ở Tokyo, cuộc điện đàm 30 phút giữa ông Trump và ông Abe đã tăng thêm áp lực lên Bình Nhưỡng trong yêu cầu nước này không có thêm các hành động khiêu khích, nhưng không mang lại bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào cho tình hình khu vực.
Hôm thứ Hai, ông Abe nói với các phóng viên tại Tokyo rằng: “Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu Bắc Triều Tiên, quốc giá đang lặp đi lại sự khiêu khích, phải kiềm chế.”
Ông Abe nói thêm: “Chúng tôi sẽ duy trì mối quan hệ khắng khít với Hoa Kỳ, tiếp tục đề cao cảnh giác, và kiên quyết đáp trả.”
Nhà lãnh đạo Nhật Bản nói ông đồng ý về sự cần thiết phải kìm chế và cho rằng các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng là một mối đe dọa đáng kể đối với an ninh Nhật Bản.
Hiện đang có quan ngại rằng Bắc Bắc Hàn có thể sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 vào thứ Ba này, nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Hạm đội tác chiến của Mỹ do tàu sân bay Carl Vinson dẫn đầu được cho là còn vài ngày nữa là đến vùng biển Nhật Bản, gần bờ biển Hàn Quốc.
Trong lúc ấy, Bắc Triều Tiên đang bắt giữ công dân Mỹ thứ ba, người không được phép đi ra khỏi Bắc Triều Tiên hôm thứ Bảy. Người đàn ông này được xác định là người Mỹ gốc Hàn, tên Tony Kim, dạy kế toán tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST). Chuyên gia về Hàn Quốc Sung Yoon-Lee thuộc Đại học Tufts nói với phóng viên Victor Beattie của đài VOA rằng trường học này do tư nhân quản lý, phần lớn do các Kitô hữu phái Phúc âm hỗ trợ, đã mở các lớp học cách đây 7 năm.
Có hai công dân Mỹ khác cũng đang ở trong nhà tù của Bắc Triều Tiên. Đó là nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn Kim Dong Chul, bị kết án 10 năm lao động khổ sai về tội âm mưu lật đổ chính phủ, và sinh viên cao đẳng Otto Warmbier, 22 tuổi, đang phải chịu án 15 năm lao động khổ sai vì tội có âm mưu lấy trộm một biểu ngữ tuyên truyền.
TT Trump lại nêu vấn đề xây tường ngăn Mexico
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23/4 nói rằng ông kỳ vọng Mexico sẽ chi trả chi phí xây dựng bức tường ngăn biên giới phía nam giữa hai nước.
Ông Trump viết trên Twitter: “Rốt cuộc, Mexico sẽ chi trả, bằng một hình thức nào đó, cho bức tường hết sức cần thiết trên biên giới”.
Lãnh đạo Hoa Kỳ một lần nữa lại nêu lên cam kết trong chiến dịch tranh cử, vào buổi sáng mà ông cũng đồng thời gây áp lực lên các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ phải bao gồm khoản ngân quỹ cho việc xây tường trong dự thảo chi tiêu cần phải được thông qua để duy trì việc mở cửa các cơ quan chính quyền liên bang sau ngày thứ Sáu tuần tới.
Một phát ngôn viên của văn phòng Tổng thống Mexico nói rằng ông Enrique Pena Nieto đã nhiều lần nhấn mạnh không thanh toán chi phí xây tường.
Việc ông Trump yêu cầu Mexico phải thanh toán chi phí xây dựng từng gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước.
Chi phí xây dựng bức tường dự kiến vào khoảng 20 tỷ đôla. Đây là cách mà ông Trump cho rằng sẽ ngăn chặn tình trạng di cư trái phép.
http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-lai-neu-van-de-xay-tuong-tren-bien-gioi/3822315.html
Bộ trưởng Mattis đến căn cứ duy nhất của Mỹ ở châu Phi
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis hiện có mặt ở Djibouti, quốc gia nhỏ bé ở Đông Phi, nơi có căn cứ quân sự duy nhất của Hoa Kỳ ở châu lục.
Ông Mattis hôm Chủ nhật đã đến Trại Lemonnier trước khi gặp tổng thống Djibouti và bộ trưởng quốc phòng nước này.
Các quan chức cho biết Trại Lemonnier là một trong những khu vực chiến lược quan trọng nhất đối với quân đội Hoa Kỳ do vị trí địa lý của nó.
Theo các quan chức, căn cứ này rất quan trọng đối với các cuộc thao dượt và các hoạt động của Hoa Kỳ ở châu Phi, cũng như đối với các lực lượng đặc nhiệm Mỹ sử dụng căn cứ để tiến hành các hoạt động chống khủng bố nhắm vào al-Shabab ở Somalia.
Chuyến thăm Djibouti của ông Mattis diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Tòa Bạch Ốc thông qua đề nghị của Ngũ Giác Đài cho phép người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Phi tấn công các tay súng al-Shabab ở Somalia để trợ chiến cho các lực lượng của đối tác.
Chỉ thị mới dọn đường cho Hoa Kỳ hiện diện nhiều hơn trên thực địa, cũng như cho phép tiến hành nhiều cuộc oanh kích của Mỹ hơn nhắm vào nhóm chủ chiến.
Trại Lemonnier cũng rất quan trọng đối với các hoạt động quân sự ở Trung Đông, với thực tế là Djibouti và Yemen chỉ bị ngăn cách bởi eo biển hẹp Bab al-Mandeb.
Sự có mặt của Trung Quốc
Căn cứ Mỹ ở Djibouti sẽ sớm thấy một quân đội nước ngoài khác ở gần kề khi Trung Quốc hoàn thành xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên của họ ở nước ngoài.
Tướng Thomas Waldhauser, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Phi, mới đây nói rằng đây sẽ căn cứ của một đối thủ cạnh tranh nằm sát nhất với một căn cứ Mỹ. Ông nói điều này đã gây ra một số “lo ngại về an ninh”.
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Rudy DeLeon nói với VOA rằng căn cứ của Trung Quốc là một nỗ lực để tăng cường “sự hiện diện mạnh mẽ” của Bắc Kinh ở vùng Sừng Châu Phi.
Ông Mattis là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm căn cứ ở Djibouti kể từ thời ông Leon Panetta thăm vào năm 2005.
http://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-mattis-tham-can-cu-my-o-chau-phi/3822019.html
Bắc Triều Tiên bắt giữ công dân Mỹ
Bắc Triều Tiên đã bắt giữ thêm một công dân Hoa Kỳ.
Hãng tin Yonhap cho biết người đàn ông Mỹ gốc Triều Tiên đã bị bắt hôm thứ Sáu tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng khi ông đang chuẩn bị rời khỏi đất nước.
Tin cho hay người đàn ông này là một giáo sư đại học ngành kế toán, trong độ tuổi 50. Ông đã có mặt ở Bắc Triều Tiên để dạy học và thảo luận về các hoạt động cứu trợ.
Người ta xác định danh tính của ông là Tony Kim, còn tên theo tiếng Triều Tiên là Kim Sang-duk.
Ông Kim từng giảng dạy tại Đại học Khoa học Công nghệ Diên Biên ở Trung Quốc trước khi dạy học ở thủ đô Bắc Triều Tiên.
Bắc Triều Tiên chưa đưa ra bình luận về vụ bắt giữ này.
Sau khi ông bị bắt, tổng số người Mỹ bị Bắc Triều Tiên giam giữ là ba người.
Trước đây, Bắc Triều Tiên đã từng bắt giam các công dân Hoa Kỳ để sử dụng làm các con bài mặc cả khi đàm phán với Washington.
http://www.voatiengviet.com/a/bac-trieu-tien-bat-giu-cong-dan-my/3821995.html
WHO: Đông Nam Á ‘tiến bộ trong loại trừ sốt rét’
Các chiến dịch phối hợp ở Tiểu vùng sông Mêkông (GMS) để giảm thiểu tác hại của bệnh sốt rét đã tăng thêm hy vọng là mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét trong khu vực có thể nằm trong tầm tay.
Ông Deyer Gobinath, một cán bộ kỹ thuật về bệnh sốt rét thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Thái Lan, cho biết triển vọng loại trừ các hình thái sốt rét nghiêm trọng trên toàn khu vực có thể đạt được nội trong thập kỷ tới.
Mục tiêu là loại trừ bệnh sốt rét
Ông Gobinath nói: “Mục tiêu là trước năm 2025 hầu hết các nước thuộc Tiểu vùng sông Mêkông (GMS) sẽ nỗ lực loại bỏ bệnh sốt rét do ký sinh trùng falciparium gây ra, một dạng sốt rét nguy hiểm nhất – và kế đến là trước năm 2030, về cơ bản loại bỏ tất cả các hình thức hoặc tất cả các loại bệnh sốt rét.”
Vào năm 2015, các nhà lãnh đạo WHO cho biết đã có 14 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét trên khắp Đông Nam Á, gây ra 26.000 ca tử vong. Trên toàn cầu, trong cùng năm đó, WHO có biết có 438.000 người thiệt mạng, chủ yếu ở châu Phi và cảnh báo rằng 3,2 tỷ người, gần một nửa dân số thế giới, phải đối mặt với nguy cơ sức khoẻ do căn bệnh này.
Tử vong giảm
Các chiến dịch phòng chống sốt rét ở Đông Nam Á, bao gồm ở Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, đều cho biết tỷ lệ tử vong liên tục giảm, đạt đến 49% kể từ năm 2000 cho đến nay.
Các cộng đồng dân cư dễ mắc căn bệnh do muỗi lan truyền chủ yếu ở các vùng biên giới xa xôi, bị cô lập do cơ sở hạ tầng kém và dịch vụ hỗ trợ y tế không đầy đủ.
Khu vực nguy hiểm
Trong số các khu vực còn nhiều lo ngại là các khu vực giữa Thái Lan và Myanmar và giữa Thái Lan và Campuchia.
Tuy nhiên, ông Saw Nay Htoo, Giám đốc của Hiệp hội Y tế Miến Điện, cho biết sự hợp tác giữa cán bộ y tế và cộng đồng địa phương đã có một tác động tích cực trong nỗ lực giảm tác hại của bệnh sốt rét.
“Ở cấp cơ sở, chúng tôi đã thành lập trạm phòng chống sốt rét, ở đó có ít nhất một nhân viên y tế chuyên về sốt rét, tùy theo mật độ dân số, để phát hiện bệnh sốt rét. Và nếu có sốt rét dương tính thì bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc sốt rét, và chúng tôi đã làm việc này trong 3 năm qua. Dường như chương trình của chúng tôi đang tiến triển rất tốt, có ít trường hợp sốt rét ở khu vực biên giới.”
Kết hợp sử dụng thuốc
Cuộc chiến chống sốt rét chủ yếu dựa vào các loại thuốc trị liệu kết hợp với nhau, được gọi là trị liệu kết hợp bằng Artemisinin, gọi tắt là ACT, là dòng chính của thuốc trị liệu.
Ông Gobinath của Tổ chức Y tế Thế giới nói cơ sở y tế và sự hỗ trợ tài chính của Thái Lan đã góp phần làm giảm số ca sốt rét.
Nhưng ông nói rằng để thành công này được duy trì, đòi hỏi cần phải tiếp tục “ý chí và cam kết chính trị.”
Các quan chức của WHO cho biết, cần tập trung sự chú ý vào các nhóm lao động nhập cư băng qua các biên giới. Các cơ quan y tế Thái Lan đã thực hiện các bước để cho phép tiếp cận y tế với người di cư có nhiều nguy cơ sốt rét, chủ yếu là ở các khu vực biên giới xa xôi.
Trận chiến chưa kết thúc
Bà Maria Dorina Bustos, cán bộ kỹ thuật của WHO chuyên giám sát các chủng sốt rét kháng thuốc trên 18 quốc gia ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói rằng các thử thách vẫn tồn tại.
Bà Dorina Bustos cho VOA biết khu vực này có các dạng sốt rét kháng thuốc đang lan rộng.
“Biên giới Thái-Campuchia hay Thái Lan-Miến Điện, Thái Lan – Lào, Nam Lào là nơi có mức độ kháng thuốc được ghi nhận rõ nhất. Và đó cũng là điều thực sự đáng báo động đang xảy ra ở khu vực biên giới bên phía Campuchia.”
Bà Bustos cho biết việc kháng thuốc dễ thấy nhất qua việc giải phóng ký sinh trùng sốt rét từ bệnh nhân bị chậm lại. Bà Bustos nói việc sử dụng thuốc giả và tự điều trị làm cho tình trạng kháng thuốc càng thêm trầm trọng.
http://www.voatiengviet.com/a/3823184.html
Bầu cử tổng thống Pháp: Macron và Le Pen vào vòng 2
Kết quả của vòng bầu cử tổng thống đầu tiên của Pháp xác định rằng ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron và ứng cử viên theo chủ nghĩa dân túy và chống nhập cư Marine Le Pen đang vào tranh vòng đầu phiếu tiếp theo trong hai tuần nữa, đánh dấu những gì các nhà phân tích mô tả là một “trận động đất chính trị” ở Pháp. Kết quả cuối cùng của vòng 1 hôm thứ Hai cho thấy ông Macron được 23,8% phiếu bầu và bà Le Pen được 21,5% phiếu bầu, đủ điều kiện vào tranh một cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 7 tháng 5. Phóng viên VOA Luis Ramirez từ Châu Âu gởi về bài tường trình chi tiết sau đây.
Đây là một khả năng thực sự. Bà Marine Le Pen được vào vòng chung quyết với một cơ hội để trở thành tổng thống kế tiếp của Pháp.
Bà Marine Le Pen nói:
“Đã đến lúc giải phóng người Pháp ra khỏi giới tinh hoa kiêu ngạo, những người muốn kiểm soát những gì họ làm, bởi vì, vâng, tôi là ứng cử viên của nhân dân.”
Ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, đối thủ của bà Le Pen, là cựu bộ trưởng kinh tế, đã chấm dứt liên hệ với Tổng thống Francois Hollande thuộc đảng Xã hội Pháp.
Ông Macron nói rằng trong một năm qua, ông và những người ủng hộ ông đã thay đổi hoàn toàn nền chính trị của Pháp.
Việc thay đổi này được gọi là một trận động đất chính trị ở Pháp: lần đầu tiên trong nền cộng hòa hiện đại, các ứng cử viên tổng thống hàng đầu không xuất thân từ các đảng chính thống.
Tin cho rằng bà Le Pen có thể trở thành tổng thống đã làm những người theo cánh tả giận dữ, xuống đường biểu tình ở Paris và đụng độ với cảnh sát.
Bà Le Pen muốn chấm dứt hoàn toàn việc di dân, đặc biệt là người Hồi giáo. Bà muốn Pháp rút ra khỏi EU, và tạo nhiều việc làm hơn cho người Pháp.
Ông Macron là người ủng hộ thương mại, ủng hộ Liên hiệp Âu châu. Những người ủng hộ ông thuộc những tầng lớp trung lưu và tầng lớp thượng lưu ở thành thị, được hưởng lợi từ chủ nghĩa toàn cầu hóa.
Dù thế nào đi nữa, nước Pháp vào hôm Chủ Nhật đã bỏ phiếu cho sự thay đổi.
Và vào ngày 7/ 5 sắp tới sẽ là một ngày mới của nước Pháp.
http://www.voatiengviet.com/a/bau-cu-tong-thong-phap-ong-marcon-va-ba-le-pen-vao-vong-2/3823098.html
Nga tiếp cận thông tin quốc phòng của Đan Mạch
Nga tấn công vào mạng của Bộ Quốc phòng Đan Mạch, và tiếp cận được với các email của bộ này trong năm 2015 và 2016.
Theo Reuters, thông tin trên được Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch, một thành viên NATO, tiết lộ với tờ báo Berlingske hôm 23/4.
Tin này được công bố trong bối cảnh nhiều chính phủ phương Tây, như Mỹ, Anh và Pháp, cáo buộc Nga sử dụng hoạt động tin tặc để gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử ở các nước này.
Nhưng chính quyền Moscow luôn bác bỏ mọi cáo buộc như vậy là “vô căn cứ”.
Theo Reuters, một phúc trình của đơn vị an ninh mạng thuộc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch viết rằng “một nhân tố nước ngoài” đã theo dõi chính quyền Đan Mạch và tiếp cận được các tài liệu không phải tuyệt mật.
Báo cáo này không nói đó là nước nào, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Claus Hjort Frederiksen nói với tờ Berlingske rằng đó là Nga.
Phát ngôn viên của Điện Kremlin không có bình luận nào hôm 23/4.
http://www.voatiengviet.com/a/nga-tiep-can-thong-tin-tin-quoc-phong-dan-mach/3822259.html
Phó tổng thống Mỹ rút ngắn chuyến thăm Châu Á
Phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence rút ngắn chặng cuối trong chuyến đi Châu Á để quay trở lại Washington tham gia giải quyết các vấn đề về cải cách thuế và nguồn ngân quỹ duy trì hoạt động của Chính phủ.
Hãng Reuters ngày 24/4 loan tin cho biết ban đầu Phó Tổng thống Mỹ định nghỉ lại hai đêm ở Honolulu, Hawaii vào cuối chuyến đi. Tuy nhiên do kế hoạch thay đổi đột xuất nên ông sẽ chỉ nghỉ lại một đêm tại đây và trở lại Washington vào sáng ngày 25/4. Kế hoạch tới tham quan Đài tưởng niệm USS Arizona tại Trân Châu Cảng cũng bị hủy bỏ.
Phó Tổng thống Mỹ từ tuần trước đến thăm các quốc gia châu Á bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Úc để trấn an các đồng minh và các đối tác về cam kết của Tổng thống Donald Trump đối với khu vực này.
Tổng thống Philippines bị kiện ở Tòa Hình sự Quốc Tế
Một luật sư Philippines đệ đơn kiện Tổng thống Rodrigo Duterte và các quan chức cấp cao lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vào hôm thứ Hai, 24 tháng Tư với cáo buộc họ về các tội ác chống lại loài người trong cuộc chiến chống ma túy.
Tin từ Reuters cho biết đơn của luật sư Jude Sabio có 77 trang, với nội dung tố cáo Tổng tống Duterte đã “lặp đi lặp lại không hề thay đổi, tiếp tục vi phạm tội ác chống nhân loại.” Vị luật sư này viết thêm rằng dưới đế chế của Duterte, việc giết những nghi can sử dụng ma túy và các tội phạm khác đã trở thành “phương cách thực hành tốt nhất của ông ta”.
Jude Sabio là luật sư của Edgar Matobato, một quân nhân từng tố Tổng thống Duterte giết người không theo luật khi làm thị trưởng thành phố Davao, người đã làm nhân chứng tại Thượng viện Phillipnes rằng ông ta là một thành viên trong “đội sát thủ” hoạt động theo lệnh của Duterte.
Cũng theo Reuter, gần 9.000 người đã thiệt mạng kể từ khi ông Duterte nhậm chức vào mùa hè năm ngoái. Một phần ba trong số đó chết trong những cuộc bố ráp của cảnh sát. Cảnh sát và chính quyền tuyên bố rằng việc bắn chết những người nghiện và buôn bán ma túy đó là “hành động tự vệ”.
Ông Ernesto Abella, một phát ngôn viên của tổng thống Duterte cho rằng con số 9 ngàn người bị giết trong cuộc chiến chống ma tuý là tin giả mạo.
Tổng thống Venezuela kêu gọi đối thoại với phe đối lập
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vừa kêu gọi các cuộc đối thoại với phe đối lập.
Ông nói ông cũng muốn các cuộc bầu cử địa phương được tổ chức.
Ông Maduro đưa ra những lời tuyên bố khi một cuộc tuần hành quy mô lớn được lên kế hoạch sẽ diễn ra hôm 24/4, sau ba tuần căng thẳng.
Người tham gia tuần hành kêu gọi cuộc bầu cử tổng thống, dự định diễn ra vào năm sau, phải diễn ra sớm hơn và tổng thống Maduro phải từ chức.
Biểu tình Venezuela: ba người bị giết
Các thỏa thuận vào năm ngoái giữa phe đối lập và chính phủ bị phá vỡ khi phe đối lập tố cáo ông Maduro đã vi phạm các thỏa thuận và chỉ sử dụng đối thoại để mua thời gian.
Phát biểu trong chương trình truyền hình hôm 23/4, ông Maduro ủng hộ các cuộc bầu cử cho thị trưởng và thống đốc bang nhưng không đề cập đến cuộc bầu cử tổng thống.
“Các cuộc bầu cử – vâng, tôi muốn các cuộc bầu cử được diễn ngay,” ông nói.
“Đây là điều tôi muốn nói với tư cách là người đứng đầu nhà nước, và người đứng đầu chính quyền.”
Biểu tình tiếp tục ở Venezuela, thêm hai người bị bắn chết.
Các cuộc bầu cử cho thống đốc bang đã diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, và các bầu cử cho thị trưởng địa phương dự kiến sẽ diễn ra vào năm nay.
Các cuộc tuần hành hôm 22/4 diễn ra một cách yên ắng hơn khi người tuần hành mặc màu trắng để tưởng niệm cho khoảng 20 người đã thiệt mạng trong các cuộc tuần hành gần đây.
Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng hơn 1.000 người đã bị bắt trong các cuộc hỗn loạn và hơn 700 người vẫn bị giam giữ.
Phe đối lập đổ lỗi cho chính quyền cho vấn nạn khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực, nhu yếu phẩm và thuốc men.
Các cuộc biểu tình nổ ra sau khi Tòa án Tối cao kiểm soát bởi chính phủ ra quyết định tước đi nhiều quyền hạn của Quốc hội, vốn được kiểm soát bởi phe đối lập.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39689803
Bầu cử tổng thống Pháp :
Sự phục thù của các viện thăm dò dư luận
Sau chiến thắng của phe ủng hộ Brexit bên Anh và việc nhà tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, các viện thăm dò dư luận đã bị chỉ trích mạnh mẽ. Thế nhưng, liên quan đến vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp, ngày 23/04/2017, các cơ quan này đã thăm dò dư luận đúng : kết quả cuộc bỏ phiếu phản ánh đúng xu thế được ghi nhận trong những tuần qua.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận cuối cùng được công bố hôm thứ Sáu, 21/04, cho thấy Emmanuel Macron có thể thu được từ 23 đến 24% số phiếu, Marine Le Pen 22-23%, François Fillon 19-21%, Jean-Luc Melenchon 18-19,5%. Điều này gần như đúng với các tỷ lệ phiếu được ước tính vào tối ngày 24/03.
Các viện thăm dò dư luận cũng đưa ra các thẩm định về tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu tăng chút đỉnh, trong 10 ngày, từ 65% lên tới 75% và cuối cùng được dự báo là 78%.
Theo nhận định của bà Anne Jadot, giảng viên khoa học chính trị thuộc đại học Lorraine, Pháp, được AFP trích dẫn, « trong những ngày qua, các viện thăm dò đã cảm nhận được sự gia tăng muộn màng về số người đi bầu và họ đã chỉ rõ là Emmanuel Macron về đầu, Marine Le Pen ở vị trí thứ hai ».
Các cơ quan thăm dò đã làm được việc này trong bối cảnh tỷ lệ người chưa quyết định bỏ phiếu cho ai cao chưa từng thấy, bởi vì trong những ngày cuối cùng trước cuộc bỏ phiếu, có tới một phần ba dân Pháp còn chưa quyết định hoặc có thể thay đổi sự lựa chọn.
Tình trạng bấp bênh này làm cho công việc của các viện thăm dò trở nên phức tạp, khó khăn hơn. Bản thân các cơ quan này của Pháp cũng bị « giám sát » chặt chẽ sau những thất bại của các đồng nghiệp Anh, Mỹ không tính tới khả năng đắc cử của Donald Trump, cũng như thắng lợi của phe ủng hộ Brexit bên Anh.
Các viện thăm dò dư luận của Pháp cũng bị chỉ trích sau thắng lợi của ông François Fillon trong cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa.
Ông Pierre Lefébure, thuộc Phòng thông tin chính trị Paris-Dauphine, cho rằng các viện thăm dò, đặc biệt là những cơ quan áp dụng kỹ thuật theo dõi xu hướng dư luận hàng ngày (rolling quotidien) đã nắm bắt được rất tốt các xu hướng và động lực thúc đẩy dư luận. Ông ghi nhận, kết quả các đợt thăm dò này đã tương ứng với những sự kiện trong cuộc vận động tranh cử, ví dụ như cuộc thảo luận trên truyền hình cho thấy xu thế đảo ngược giữa ứng viên Benoit Hamon và Jean-Luc Melenchon, hay việc chính trị gia cánh trung François Bayrou ủng hộ Emmanuel Macron đã cho thấy ứng viên Macron, vào khoảng ngày 20/02, có thêm được từ 3 đến 4 điểm vào lúc ông có tỷ lệ ủng hộ ngang ngửa với ứng viên cánh hữu François Fillon.
Vẫn theo chuyên gia Lefébure, các thăm dò cũng đã nhận thấy tỷ lệ ủng hộ ứng viên Marine Le Pen đã tụt giảm dần dần. Như vậy, có thể là những cử tri còn lưỡng lự không lựa chọn ứng viên này.
Về trường hợp ứng viên François Fillon, các thăm dò dư luận vừa qua tại Pháp cũng không vấp phải vấn đề người được thăm dò dấu ý định bỏ phiếu của mình. Có thể là do cách thức thăm dò dư luận qua internet, cho phép người được hỏi cảm thấy thoải mái hơn, vô danh, không chịu tác động, sức ép như khi hỏi trực tiếp hoặc qua điện thoại.
Nếu như các viện thăm dò dư luận, nhìn trong tổng thể, đã phản ánh đúng xu thế lựa chọn của cử tri, tỏ ra đáng tin cậy hơn, thì giới chuyên gia cũng chỉ trích các cơ quan này đã có ảnh hưởng thực sự đối với các diễn tiến các cuộc vận động tranh cử, đến sự lựa chọn của cử tri, như chủ đề « lá phiếu có ích » ở bên cánh tả.
Ông Lefébure đưa ra ví dụ : trong đợt vận động tranh cử vừa qua, các cử tri, đặc biệt là ở bên cánh tả, đã quá chú trọng đến việc ngăn cản ứng viên cực hữu của Mặt Trận Quốc Gia cũng như ứng viên cánh hữu của đảng Những Người Cộng Hòa, hơn là quan tâm đến nội dung các chương trình tranh cử. Cách tiếp cận này đã sớm có những tác động thuận lợi đối với ứng viên cánh trung Emmanuel Macron và mặt khác, các cử tri cho rằng việc bỏ phiếu cho Benoit Hamon, thuộc đảng cánh tả Xã Hội, không còn hữu ích nữa vì ứng viên này có tỷ lệ ủng hộ quá thấp theo kết quả các cuộc thăm dò.
http://vi.rfi.fr/phap/20170424-bau-cu-tong-thong-phap-su-phuc-thu-cua-cac-vien-tham-do-du-luan
SIPRI : Nga đứng thứ 3 trên thế giới về trang bị vũ khí
Bất chấp khủng hoảng kinh tế, Matxcơva vẫn dành hơn 69 tỷ đô la để trang bị vũ khí trong năm 2016. Chi phí quân sự của Nga đứng thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Trên đây là kết luận được Viện Nghiên Cứu về Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI đưa ra ngày 24/04/2017.
Ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2016 tăng 5,9 % so với tài khóa 2015. Dù đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế do bị châu Âu và Mỹ trừng phạt, chi phí quân sự của Nga tương đương với 5,3 % GDP và đây là mức kỷ lục từ thời Liên Xô sụp đổ.
Vẫn theo viện SIPRI, các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ nhắm vào Nga từ năm 2014 sau khi Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée, dầu khí mất giá gây thiệt hại cho kinh tế Nga không ngăn cản quốc gia này tăng ngân sách quốc phòng. Trong khi đó, dầu hỏa mất giá trong năm 2016 khiến chi phí quân sự của Ả Rập Xê Út giảm 30 % so với 2015.
Về phía Mỹ, chi phí quân sự của quốc gia này đạt 611 tỷ đô la năm 2016, tăng 1,7 %. Kế tới là Trung Quốc với 215 tỷ đô la. Riêng châu Âu, theo viện SIPRI, do phải đối mặt với khủng bố, các nước Tây Âu trong năm vừa qua đã tăng ngân sách quốc phòng 2,6 %. Ngân sách quốc phòng của Anh và Pháp theo thứ tự lên tới hơn 48 và 55 tỷ đô la. Trung và Đông Âu cũng nâng cao khả năng phòng thủ để đối phó trước hiểm họa xuất phát từ Nga.
Bầu cử tổng thống : Chuyện bên lề «hài hước kiểu Pháp»
Bên lề vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp, « tờ bạc 50 euro cho Pénélope » là chủ đề được nhắc đến rất nhiều. Tại một phòng phiếu ở quận 15 – Paris, trong quá trình kiểm phiếu, người ta phát hiện một phong bì, bên trong không phải là một lá phiếu hợp lệ với tên của 1/11 ứng cử viên tổng thống mà là một tờ bạc mệnh giá 50 euro có ghi hai từ « Pour Pénélope » / « Dành cho Pénélope ». Lá phiếu gợi nhắc lại tai tiếng « Pénélope Gate » liên quan tới vụ ứng cử viên đảng Những Người Cộng Hòa François Fillon tạo việc làm ảo cho vợ và hai con trai để « kiếm bộn tiền ».
Bức ảnh « lá phiếu đặc biệt » này được đăng tải trên nhiều tờ báo và mạng xã hội. Kênh radio Europe 1 hài hước bình luận : « Không biết lá phiếu này sẽ đi về đâu, nhưng có một điều chắc chắn, đây là lá phiếu có giá trị nhất của vòng một bầu cử. Và đương nhiên, tờ phiếu này đã không được tính cho François Fillon ». Còn trang The Huffington Post thì mỉa mai « sự quan tâm, chú ý » của cử tri quận 15 nói trên có thể giúp François Fillon « lên tinh thần » sau thất bại cay đắng trước Emmanuel Macron và Marine Le Pen.
Một cử tri khác chọn lá phiếu có tên ứng cử viên cánh hữu François Fillon nhưng thêm nhiều nhận xét tiêu cực như « Đồ ăn cắp ! », « Kẻ lừa đảo ! », « Đồ dối trá ! ». Cá biệt, có những lá phiếu với những lời chửi rửa tục tĩu dành cho hai ứng viên François Fillon và Marine Le Pen.
Một số cử tri thì chẳng chọn ai trong số 11 ứng cử viên tổng thống mà tự tạo một lá phiếu trên đó có ghi tên của một nhân vật nổi tiếng như ca sĩ Céline Dion, và hay gặp nhất là tên các cầu thủ đá bóng nổi tiếng. Có cử tri thì dùng ảnh một chú hề thay cho tờ phiếu bầu, một cử tri khác thì cắt lấy nắp hộp phô mai Camembert Président (Tổng thống Camembert) cho vào phong bì đựng phiếu. Camembert Président là một nhãn hiệu phô mai nổi tiếng tại Pháp.
Trò chơi chữ vốn được người Pháp yêu thích cũng được nhiều cử tri khác áp dụng. Một cử tri có lẽ yêu thích bóng đá thì viết thêm chữ vào sau tên của ứng viên Le Pen để thành « Penalty pour Lyon » (Một quả phạt đền cho đội Lyon).
Bên cạnh các lá phiếu « không hợp lệ một cách hài hước », các báo Pháp hôm nay còn nhắc đến một sự cố « đáng ngạc nhiên » tại Marseille khiến thành phố miền nam nước Pháp này không thể công bố đúng giờ kết quả bỏ phiếu chính thức vòng 1. Tờ báo La Provence hôm qua đưa tin chủ tịch một phòng phiếu quận 13, thành phố Marseille đã « biến mất » cùng với toàn bộ phiếu bầu của cử tri vào cuối ngày.
Sáng hôm nay tờ báo Le Parisien/Người Paris cho biết sau khi tìm kiếm khắp nơi, cảnh sát đã tới nhà ông chủ tịch phòng phiếu nói trên và tìm thấy người này cùng với toàn bộ số phiếu mà họ « tưởng đã mất ». Sự thật là do hiểu nhầm quy định, thay vì tổ chức kiểm phiếu, ông chủ tịch điểm bỏ phiếu đã « ung dung » ra về cùng với túi đựng tất cả phiếu bầu. Một sự cố hiếm có !
http://vi.rfi.fr/phap/20170424-bau-cu-tong-thong-chuyen-ben-le-%C2%AB-hai-huoc-kieu-phap-%C2%BB-0
Bầu cử tổng thống Pháp : Thất bại lịch sử của cánh hữu
“Thất bại ê chề“, “Thảm bại về mặt đạo đức” : đó là những cụm từ mà các thành viên trong đảng Những Người Cộng Hòa – LR đã dùng để chỉ sự kiện lần đầu tiên từ năm 1958, cánh hữu bị loại ngay từ vòng đầu trong một cuộc bầu cử tổng thống.
Từ gần nửa thế kỷ qua, hai đảng tả -hữu, đảng Xã Hội – PS và LR thay nhau chi phối chính trường Pháp, thế mà cả hai cùng bị loại khỏi cuộc đua vào điện Elysée. Đây là sự kiện chưa từng thấy.
Thất bại thảm hại chưa đầy 7 % của đảng Xã Hội cánh tả không gây ngạc nhiên vì đã được dự báo từ trước, trong khi đối với đảng Những Người Cộng Hòa thì đây là “thất bại lịch sử”.
Về thứ ba, sau phong trào tập hợp tả-hữu Tiến Bước – En Marche ! của Emmanuel Macron và đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia – FN là một “sỉ nhục” đối với cựu thủ tướng François Fillon.
Cho đến khi vụ tai tiếng việc làm giả liên quan trực tiếp đến vợ và 2 con ông bị báo chí phanh phui, đảng LR và François Fillon tưởng như cầm chắc phần thắng trong tay, sau 5 năm cầm quyền của tổng thống cánh tả – đảng Xã Hội, François Hollande. Là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, François Fillon, 63 tuổi, ra tranh cử đại biểu Quốc Hội lần đầu tiên năm 1981và liên tục tái đắc cử cho đến hiện nay. Ông đã 5 lần giữ chức bộ trưởng và đáng chú ý hơn cả, ông là thủ tướng duy nhất trong nhiệm kỳ 5 năm dưới thời tổng thống Sarkozy (2007-2012). Đây là một thành tích hiếm có trong lịch sử nền đệ Ngũ Cộng Hòa.
http://vi.rfi.fr/phap/20170424-bau-cu-tong-thong-phap-that-bai-lich-su-cua-canh-huu