Não Trạng Bắc Hàn
Giải phẫu một trường hợp bệnh lý của các cường quốc…
Việt Báo – Nguyễn Xuân Nghĩa
22/04/2017
22/04/2017
Người ta chưa rõ việc Hải quân Hoa Kỳ điều động Đoàn Mẫu hạm Tập kích Số Một (Carrier Strike Group One) trong đó có Hàng không Mẫu hạm USS Carl Vinson, lên vùng biển Đông Bắc Á vào tuần trước là sự khuất tất hay khúc mắc.
Khuất tất vì lãnh đạo, từ Tổng thống Donald Trump đến Tổng trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMasters có vẻ nói một đàng mà Tư lệnh Hải quân lại làm một nẻo trước sự ngỡ ngàng của dư luận: tuần đó chiếc Carl Vinson chưa lên tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên như mọi người nghĩ mà lại đi ngược xuống eo biển Sundra của Indonesia cho một cuộc thao dượt quân sự với Quân đội Úc. Chắc chắn là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương và thuộc cấp là Tư lệnh Đệ Tam Hạm Đội (trong đó có Mẫu hạm Carl Vinson) phải biết các chiến hạm của mình đang nằm ở đâu! Hải quân Úc cũng biết về vị trí của chiếc CVN- 70 Carl Vinson, vốn dĩ không là cái xuồng ba lá.
Khúc mắc vì tất cả có thể chỉ là sự dàn dựng – hỏa mù và hù dọa – nhằm can gián tính toán phiêu lưu của chế độ Cộng sản Bắc Hàn trong lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Kim Nhật Thành – mà Bình Nhưỡng gọi là “Nhật Quang Tiết”.
Chúng ta chưa thể biết vì sao, nhưng được biết Đoàn Mẫu hạm Tập kích Số Năm và hàng không mẫu hạm chỉ huy là chiếc CVN-76 Ronald Reagan vẫn nằm tại quân cảng Sokosuka của Nhật. Sở dĩ biết vì Phó Tổng thống Mike Pence lên đó hôm Thứ Tư 19 để cảnh cáo Bắc Hàn và trấn an các đồng minh tại Đông Á trước khi thăm viếng Indonesia rồi Úc Đại Lợi.
Hải quân Hoa Kỳ có 11 Đoàn Mẫu hạm Tập kích và 10 hàng không mẫu hạm ở nhiều nơi trên thế giới, mỗi đơn vị có hơn bảy ngàn chiến binh, mà việc di chuyển hay tu bổ ít khi được thông báo công khai rõ ràng. Nhiều đội còn có tiềm thủy đĩnh ở dưới mà vị trí cũng là bí mật quốc phòng. Vài chi tiết ấy cho thấy vụ chiếc Carl Vinson đi đâu và làm gì không là điều đơn giản!
Khó hiểu hơn vậy là chế độ Cộng sản Bắc Hàn, có tên chính thức là Cộng Hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Bài này sẽ viết về những ưu thế bất ngờ của một chế độ bất nhân. Ưu thế đó nằm trong não trạng của các cường quốc.
Nhìn từ bên ngoài, chế độ độc tài toàn trị này có biệt tài là gây phân vân nghi ngờ vì cùng lúc bật ra ba tín hiệu mâu thuẫn.
Tín hiệu thứ nhất là chế độ có thể sụp đổ vì kinh tế quá kiệt quệ suy yếu, và sự sụp đổ một hệ thống toàn trị có võ khí tàn sát như vậy sẽ gây họa cho lân bang. Tín hiệu thứ hai là dù khó khăn như vậy, chế độ vẫn theo đuổi quốc sách đề ra từ ba chục năm trước là chế tạo võ khí hạch tâm (nuclear, có nơi dịch là hạt nhân) với tầm bắn ngày càng xa để có thể tấn công Hoa Kỳ, chưa nói đến các láng giềng như Nam Hàn hay Nhật Bản. Tín hiệu thứ ba còn đáng sợ hơn vậy: chế độ nằm dưới sự cai trị độc đoán của một người mắc bệnh tâm thần là Kim Chính Ân, kẻ đã sát hại những người thân tín nhất trong gia đình và triều đình, bằng phương pháp man rợ.
Với một chế độ khó hiểu và dễ sợ như vậy, các nước nên xử trí ra sao? – Thiếu gì cách bình luận!
Đối thoại để đổi viện trợ kinh tế lấy hòa bình? Trải qua hơn 20 năm, Hoa Kỳ và sáu nước đã nghiệm giải pháp này mà không có kết quả. Hay là thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ bằng phong tỏa kinh tế? Khi ấy, hậu quả sẽ là những gì cho các láng giềng? Cả triệu nạn dân đói rét sẽ tràn qua xứ khác trong khi chế độ ôm bom tự sát để cùng chết với mọi người? Với lãnh tụ điên khùng như vậy, ai dám loại bỏ kịch bản đó? Hay là “tiên hạ thủ vi cường”, tấn công hệ thống võ khí chiến lược của Bắc Hàn, từ quy ước tới hóa học hay hạch tâm, đã được phân tán và yểm sâu trong núi? Cường quốc nào dám thi hành việc ấy, với hậu quả ra sao trên vùng Đông Bắc Á? Hay là vừa dọa vừa dụ để hy vọng làm người điên tỉnh giấc?
Những câu hỏi ấy khiến ta phải tìm hiểu sâu xa hơn. Dường như người ta có thói gán tội điên hay bệnh tâm thần cho những ai không suy nghĩ như mình. Donald Trump có thể đồng ý với nhận xét đó! Trong khi lãnh đạo Bắc Kinh lại cười lạnh lùng.
Sự kiện đáng ghi nhớ là hơn ba chục năm trước, khi Trung Cộng khởi sự cải cách kinh tế, chế độ Cộng sản Bắc Hàn đã kín đáo thực hiện kế hoạch hạch tâm. Sau đấy, Bình Nhưỡng không che giấu chủ đích, bất kể tới việc bị các nước trừng phạt, phong tỏa tài chánh, cô lập, đe dọa quân sự và cả chiêu dụ viện trợ qua việc Nam Hàn kêu gọi hòa giải và hợp tác để cải tổ kinh tế (“Nhật Quang Chính Sách” của Tổng thống Kim Đại Trung năm 2000). Ngần ấy biện pháp cứng rắn hay ôn hòa, dọa hay dụ, đều thất bại. Từ đó, Bắc Hàn tiếp tục thử nghiệm võ khí, còn phóng hỏa tiễn tầm xa hơn để đưa một vệ tinh lên quỹ đạo. Họ cho thấy khả năng quân sự còn dữ dội hơn.
Có khi thành công về kỹ thuật, có khi thất bại, Bắc Hàn vẫn kiên trì khẳng định ý chí trở thành cường quốc quân sự có loại võ khí tuyệt đối. Vì sao?
Vì sự dung túng của Trung Cộng khi Bắc Kinh cũng thiết trí hỏa tiễn trên các đảo nhân tạo mà họ ngang nhiên chiếm đoạt của xứ khác tại vùng quần đảo Hòang Sa và Trường Sa? Hay vì Bắc Hàn thấy Hoa Kỳ hòa giải với hai chế độ hung đồ là Cuba và Iran nên cũng muốn tồn tại để được Mỹ đối xử như vậy?
Hóa ra, từ bản chất, việc minh định lại bài toán Bắc Hàn cũng đã là một bài toán!
Phải chăng vì đấy là hiện tượng đáng ngại của việc sản xuất và phổ biến võ khí tàn sát hàng loạt? Bắc Hàn không chỉ chế tạo bom hạch tâm mà còn cung cấp loại võ khí tàn sát cho chế độ hiếu sát tại Syria, cho tổ chức khủng bố Hamas và Hezbollah được Iran bảo trợ. Dù xưa nay vẫn coi việc ngăn ngừa võ khí tàn sát là một ưu tiên chiến lược, Chính quyền Obama lại ngần ngại nâng mức trừng phạt Bắc Hàn, rồi còn kết ước với Iran từ năm 2015 và để lại một bài toán Bắc Hàn nan giải hơn trước, tượng tự như bài toán của chế độ Bashar al Assad tại Syria.
Phải chăng vì Nam Hàn bị Bắc Hàn đe dọa với các loại võ khí quy ước? Nếu có bom hạch tâm thì Kim Chính Ân chẳng ngần ngại gây chiến trên bán đảo Triều Tiên và làm đảo lộn an ninh Đông Bắc Á khiến Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan và Trung Cộng rồi Hoa Kỳ phải nhập cuộc? Khi ấy, tại sao Bắc Kinh không thể hay không muốn can ngăn Bình Nhưỡng để khỏi gây thêm khó khăn cho Nam Hàn, là một nền kinh tế cần thiết cho thị trường Hoa lục?
Hay là vì Bắc Hàn đã vi phạm nhân quyền một cách quá lộ liễu và không còn sợ ai khi đã có loại võ khí tuyệt đối, như một người điên bắt giữ con tin và đòi tự sát bên một kho đạn? Hay như một tay hung đồ đang chứng tỏ khả năng tấn công lãnh thổ Hoa Kỳ bằng hỏa tiễn tầm xa và từ nay còn có đầu đạn hạch tâm?
Như liệt kê ở trên, ngần ấy bài toán đều có lý do chính đáng và đáng ngại cho từng nước hay cho cả khu vực. Nhưng bài toán Bắc Hàn còn rắc rối hơn vậy. Dưới cái vẻ khật khùng, chế độ Cộng sản Bắc Hàn thật ra biết lạnh lùng tính toán và có khả năng tính toán cao cho mục tiêu tồn tại.
Họ biết khai thác mâu thuẫn trong nội bộ từng quốc gia – đầu tiên là siêu cường Hoa Kỳ – để chi phối đối sách của các nước trước mối đe dọa của họ. Nhờ vậy, dù là quốc gia nghèo đói có nền kinh tế mạt rệp ở giữa nhiều cường quốc quân sự và kinh tế, Bắc Hàn vẫn có thể tác yêu tác quái. Họ gây ly gián trong từng nước và giữa các nước với nhau, để bảo vệ một chế độ thuộc loại tồi tệ nhất. Các nước đó là Trung Cộng, Nam Hàn, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, và cả tổ chức ồn ào mà bất lực là Liên hiệp quốc. Tức là một phần bài toán Bắc Hàn nằm tại các quốc gia khác. Mỗi khi các nước nói đến một giải pháp cứng rắn thì lại có người can ngăn, rằng nếu chẳng khéo xử thì sẽ có chiến tranh lan rộng. Chưa thấy chiến tranh thì Bắc Hàn đã tiến lên vị trí bất khả xâm phạm.
Ngày nay, thay vì lui về chủ trương tự cô lập theo tôn chỉ “Nước Mỹ Trên Hết”, Chính quyền Donald Trump đang bung ra thì bị kết án là có phản ứng côn đồ và âm mưu bành trướng! Huống hồ là còn chẳng biết Hàng không Mẫu hạm Carl Vinson nằm ở đâu! Ai là người điên, Kim Chính Ân hay Donald Trump? Đọc báo Mỹ thì người ta có câu trả lời: Tội ở Trump!
Nhưng khi nhìn bài toán Bắc Hàn cho thiên hạ như vậy, ta nên tưởng tượng ra… bài toán Bắc Kinh. Nó không khác mà nguy kịch gấp bội!
Chưa tưởng tượng ra thì hãy nhớ tới nỗ lực bành trướng của lãnh đạo Bắc Kinh trong tám năm qua, dưới triều đại Obama. Cách nay một năm, ta đã thấy Bắc Kinh thiết trí hỏa tiễn địa-không lọai Hồng Kỳ lớp 9, có tầm xa hơn 200 cây số, trên đảo nhân tạo mà họ chiếm đoạt của Việt Nam. Trong Thượng đỉnh Mỹ Hoa năm ngoái, sau khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và họp báo tại Rancho Mirage, Tổng thông Obama lờ hẳn chuyện này, như là không có khiến Bắc Hàn yên tâm…. Khi hung đồ nắm võ khí thì ai cũng cố nghĩ tới quyền lực mềm, hay giải pháp nhượng bộ. Qua năm nay, tới lượt Tổng thống Trump bị kết án là nhượng bộ Bắc Kinh để tìm giải pháp cho bài toán Bắc Hàn.
Sau khi thấy ra kích thước và bản chất rắc rối của bài toán, chúng ta có thể lặng lẽ đóng lại và quên đi. Hoặc nghĩ tới một khảo hướng hay approach khác…
Trước loại vấn đề nan giải thì ai cũng mơ một kịch bản lý tưởng và đơn giản mà không tưởng, theo hướng cương hoặc nhu. Các nước đã có hai chục năm đối phó với Bình Nhưỡng khi lãnh tụ Kim Chính Ân còn là học sinh. Từ song phương tới đa phương, từ hai phe tới sáu nước (Nam-Bắc Hàn, Nhật, Tầu, Nga, Mỹ) các nhà ngoại giao đã thương thuyết mà không xong. Một lý do giải thích là vì muốn tránh rủi ro đụng độ trước mắt, họ cố đẩy lui vấn đề và tự khen là hiếu hòa nhưng lại tích lũy nhiều rủi ro lớn hơn. Cho đến khi hết chỗ lùi thì chiến tranh bùng nổ.
Nay ta thử nhìn bài toán Bắc Hàn từ một giác độ khác. Từ cái đầu của các lãnh tụ côn đồ.
Chế độ cộng sản Bắc Hàn xuất hiện sau Thế chiến II nhờ Liên bang Xô viết và Trung Cộng với khẩu hiệu độc lập và tự chủ. Nó ra đời từ một vụ xâm lược trắng trợn của khối cộng sản là Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Sau đấy, từ năm 1953 tới nay, nó tồn tại như một di căn khi hai quan thầy cộng sản kia là Nga Tầu đều biến chất; tiêu vong như Liên Xô rồi tái sinh thành Liên bang Nga; hoặc cải cách theo kinh tế thị trường mà vẫn duy trì phương pháp cộng sản và tinh thần Đại Hán là Trung Cộng thời nay.
Chế độ Bình Nhưỡng tự thấy mình là quái thai có thể sẽ bị diệt vì trước mặt là Nam Hàn giàu mạnh có dân chủ, một nguồn khích lệ cho dân Cao Ly. Đằng sau Nam Hàn lại có Hoa Kỳ với hơn hai vạn quân vẫn hiện diện chính đáng – trong khuôn khổ Liên hiệp quốc – từ Hiệp định Ngưng bắn Bàn Môn Điếm vào năm 1953. Chung quanh là các cường quốc Nga Tầu nay đang bắt tay làm ăn với Nam Hàn, lâu lâu mới cho họ một chút cơm thừa canh cặn vì sợ họ đập bể nồi cơm Nam Hàn.
Chế độ Bắc Hàn sợ bị lật đổ là sẽ chịu số phận của Romania dưới thời Nicolas Ceaucescu, hay gần đây hơn, của Iraq dưới thời Saddam Hussein, Libya dưới thời Muamar Gadhafi. Nó nương vào Bắc Kinh để gây rối mỗi khi Trung Cộng cần phô trương ảnh hưởng. Nó muốn có một thỏa ước ngoại giao hợp thức hóa quyền hiện hữu thay cho Hiệp định 1953, nhưng không tin vào loại kết ước ngoại giao ấy. Các cường quốc đã có thể ký nhiều hiệp định rồi xé nát, Hiệp định Paris 1973 cho Việt Nam Cộng Hòa là một thí dụ mà cả Nam và Bắc Hàn đều nhớ!
Vì vậy, ngoài tờ giấy không đáng tin thì họ phải có một quả bom đáng sợ.
Iran cũng tính như vậy nên được Chính quyền Obama o bế. Cha con Gadhafi thì tìm thế giao kết với các nước Tây phương từ năm 2003 mà sau đó vẫn bị bức tử vì dại dột từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí tàn sát. Saddam Hussein cũng thế…. Đâm ra, chính là sự lật lọng của Hoa Kỳ mới củng cố lý luận bi quan và tàn khốc của các chế độ hung đồ.
Tình đồng chí của Trung Cộng làm nốt phần vụ còn lại. Bắc Kinh luôn luôn chung thủy với bọn đồ tể do họ nhào nặn lên. Họ có một hệ thống luân lý khác và khinh thường cái lý tưởng ưa dời đổi của các nước dân chủ Tây phương. Tấm gương của Quốc vương Pahlavi xứ Iran hay Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập đã chiếu tới Bình Nhưỡng. Và Bắc Kinh với Bắc Hàn hiểu nhau hơn cả, họ có sự thông cảm cùa phù thủy với âm binh.
Cách Hoa Kỳ vuốt ve Cuba hay Hà Nội càng củng cố lý luận quái đản ấy: phải chơi với Mỹ trên thế mạnh. Cứ chửi cha Hoa Kỳ thì dù độc tài hay tham nhũng vẫn được ôm hôn thắm thiết. Nói về võ khí tàn sát thì Pakistan và Ấn Độ đều đạt thành tích ngoại giao là đã chế bom hạch tâm mà vẫn có quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, chứ làm gì có chuyện đoạn giao?
Sau cùng, khi phân giải bài toán Bắc Hàn trong cái đầu của Bình Nhưỡng, ta không quên trường hợp của ba quốc gia từng bị Hoa Kỳ kết án là “Trục Tội Ác”: Iraq, Iran và Bắc Hàn. Ngày nay, Iraq đã bị loạn to, Iran đang được Hoa Kỳ giải vây, còn Bắc Hàn thì vẫn đứng ngoài. Họ kết luận: ta không thể tiêu vong và lại còn được Mỹ o bế nếu có võ khí tuyệt đối trong tay!
Bây giờ, tới lượt Donald Trump phải giải quyết bài toán này mà làm gì thì cũng bị đả kích và chưa làm gì thì cũng lãnh chửi!