Tin Việt Nam – 23/04/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 23/04/2017

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về gặp người dân và chính quyền xã Đồng Tâm hôm 22/4

Đồng Tâm: ‘Ta đã thấy gì trong hôm nay?’

Nhà báo tự do Đoan TrangBản quyền hình ảnhDOAN TRANG
Image captionNhà báo tự do Đoan Trang

Vụ việc vừa qua ở xã Đồng Tâm đã gây chia rẽ đáng kể và củng cố thêm các chia rẽ hiện có trong xã hội Việt Nam, ngay cả sau cuộc “đối thoại lịch sử” giữa chính quyền Hà Nội và dân địa phương.

Xin cố ghép lời bài hát “Ta đã thấy gì trong đêm nay?” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào hoàn cảnh hôm nay, ngày 22/4/2017, sau khi Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến gặp và đối thoại với bà con xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

“Ta đã thấy gì trong đêm nay?

Cờ bay trăm ngọn cờ bay

Rừng núi loan tin đến mọi miền

Gió hòa bình bay về muôn hướng

Ta đã thấy gì trong đêm nay?

Bàn tay muôn vạn bàn tay

Những ngón tay thơm nối tật nguyền

Nối cuộc tình, nối lòng đổ nát

Bàn tay đi nối anh em…”.

Nhưng thực tế không được êm đẹp như trong bài hát: Vụ việc ở xã Đồng Tâm đã gây chia rẽ đáng kể và củng cố thêm các chia rẽ hiện có trong xã hội Việt Nam, ngay cả sau khi đối thoại.

Mâu thuẫn chính quyền – nhân dân

Vụ Đồng Tâm làm nổi bật lên mâu thuẫn bấy lâu nay giữa chính quyền và người dân trong một vấn đề mang tính nguyên tắc cốt tử của thể chế hiện nay: quyền sở hữu đất đai. Sự kiện này đã không xảy ra nếu công an và quân đội không phối hợp cưỡng chế đất của dân cho những mục đích không thỏa đáng và không minh bạch, bất cần đối thoại, tham vấn.

Nó bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết sự nghi ngờ, mất niềm tin của cả hai bên – chính quyền và người dân – vào nhau. Vụ Đồng Tâm có thể đã không kéo dài (từ sáng 15/4 đến chiều 22/4) nếu công an tin được dân mà không tìm cách đe dọa, tấn công dân, và nếu dân tin được công an mà thả con tin. (Thực ra, cho đến giờ phút này, nhiều người vẫn nói rằng thật may mà Đồng Tâm không thả hết 38 cán bộ, chiến sĩ công an ngay một lần, chỉ thả dần dần từng đợt; nếu không, lấy gì đảm bảo họ không bị bắt và truy tố với những tội danh nặng nề?).

Chia rẽ báo chí chính thống – báo chí công dân

Nó gây chia rẽ giữa giới báo chí chính thống và các facebooker – nhà báo công dân. Trong những giây phút căng thẳng đêm 19/4, khi có tin rò rỉ từ xã Đồng Tâm ra ngoài rằng có tới 300 côn đồ đang tấn công vào làng, cộng đồng mạng đã gần như náo loạn. Ngày hôm sau, báo chí “lề phải” trích lời bà con Đồng Tâm nói rằng không có chuyện gì xảy ra cả, chỉ có những tin đồn được tung lên mạng làm nhiễu tình hình. Điều này đã củng cố thêm định kiến của nhiều người về hoạt động đưa tin (nghiệp dư) của các công dân mạng và làm giảm tính chính danh của cộng đồng mạng.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách công bằng rằng: Để xảy ra tình trạng facebooker phải vào cuộc đưa tin, phần lỗi thuộc về một nhà nước hạn chế tự do ngôn luận và của một nền báo chí bị nhà nước kiểm soát. Ngoài ra, nếu ngay từ đầu chính quyền không làm gì sai thì đã không có vụ Đồng Tâm, và nếu không có mạng xã hội lên tiếng – bình luận, phân tích, mở rộng vấn đề thay vì chỉ đưa tin – thì rất có thể Đồng Tâm đã bị đàn áp trong im lặng như những Nghệ An, Thái Bình, Tây Nguyên năm nào.

Ta nhớ đến triết gia Đức Hannah Arendt với cuốn sách nổi tiếng “Bản tường trình về sự tầm thường của cái ác” (1963) và “thí nghiệm Milgram” nổi tiếng của nhà tâm lý học Đại học Yale, Stanley Milgram (1961), theo đó, một người bình thường có thể làm những điều tàn ác khi họ biết rõ họ sẽ không phải chịu trách nhiệm cá nhân. Nếu không bị mạng xã hội biết đến và tố cáo sai phạm, nếu không phải chịu hình thức xử lý nào từ cấp trên và dư luận, lực lượng công quyền chẳng có lý do gì để không mạnh tay đàn áp dân chúng, trong vụ Đồng Tâm cũng như tất cả các vụ tương tự.

Chia rẽ trong làng báo

Bản thân làng báo nội chính ở Việt Nam cũng chia rẽ vì sự kiện Đồng Tâm, nhất là sau khi một số cơ quan báo chí (Đài Truyền hình Việt Nam VTV, báo Pháp luật TP. HCM, báo Hà Nội Mới…) đăng tải những bình luận theo hướng phê phán, thậm chí mạ lị người dân Đồng Tâm. Cái đáng nói là, tuy luôn thể hiện tinh thần “thượng tôn pháp luật”, nhưng tất cả đều chỉ đòi hỏi điều ấy ở người dân mà thôi.

Họ không đả động gì tới những kẻ thực sự đã có hành vi nguy hiểm và phạm pháp: dùng bạo lực cưỡng chế đất đai, bắt người trái phép, hành hung ít nhất một người – cụ Lê Đình Kình, 83 tuổi.

Các tác phẩm báo chí và tác giả đó bị nhiều đồng nghiệp công kích. Làng báo càng thêm rạn nứt.

Một trong các chức năng nguyên thủy của báo chí là giám sát, phản biện chính quyền. Trong trường hợp phải lựa chọn giữa bảo vệ nhân quyền và bảo vệ chế độ, báo chí phải đứng về phía dân, đặc biệt là về phía đám đông thầm lặng, người yếu thế, hay nói đơn giản: Vì dân, không vì cường quyền. Nếu suy nghĩ một cách tiêu cực, có thể hiểu đó là sự dân túy, nhưng một cách tích cực thì nên hiểu đó là công lý.

Tuy nhiên, một số đông nhà báo Việt Nam có vẻ đã quên hoặc không biết đến sự lựa chọn bắt buộc ấy.

Chia rẽ “phe chủ chiến” – “phe chủ hòa”

Có lẽ điều đáng mừng duy nhất trong câu chuyện Đồng Tâm là bạo lực cuối cùng đã không xảy ra. Nhưng cũng chỉ là “có lẽ”, bởi thực tế, có không ít ý kiến trên mạng thể hiện sự thất vọng: Họ muốn dân Đồng Tâm quyết tâm phản kháng, chấp nhận đàn áp và đổ máu. Có thể họ nghĩ rằng như thế, ít ra mâu thuẫn cũng sẽ được đẩy đến cùng để rồi tức nước vỡ bờ, còn hơn là kéo dài tình trạng tranh chấp đất đai như hiện nay.

Ý thức về chính trị, pháp luật còn xa vời

Phần đông người dân trong xã hội Việt Nam dường như không nhận thấy một trong các nghĩa vụ quan trọng nhất của quan chức và chính quyền là bảo vệ quyền lợi của dân, nếu không làm được điều đó thì mất chức.

Để làm được điều đó thì lẽ tất nhiên, quan chức, chính quyền phải lắng nghe dân – nghĩa là phải đảm bảo không gian tự do ngôn luận và đối thoại. Do vậy, việc một quan chức như Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến gặp dân Đồng Tâm để nghe giãi bày là chuyện hết sức bình thường, không có gì phải tán dương.

Song dân chúng đã đón chào ông Chung như đón chào một ông tiên về làng.

Chính sách đất đai và câu chuyện Đồng Tâm

‘Đất đai là thiêng liêng đối với nông dân’

Đồng Tâm ‘cần trung gian của xã hội dân sự’

Ở dân, điều ấy không đáng trách. Nó chỉ cho thấy dân Việt Nam quá khổ, khi mà hàng chục, hàng trăm năm nay họ đều phải cam phận sống như tầng lớp dưới của chính quyền, không hề có ý thức về sự bình đẳng giữa các công dân, về nghĩa vụ của quan chức với dân…

Ở báo chí – lực lượng luôn tưởng mình đi đầu trong công cuộc khai dân trí – sự tán dương ấy dành cho ông Chung mới là điều đáng ngại.

Tuy vậy, dù sao thì nỗ lực đối thoại của ông Chung với dân Đồng Tâm hôm nay cũng xứng đáng được ghi nhận như là một tiền lệ cho việc quan đối thoại với dân thay vì đối đầu, giải quyết mâu thuẫn thông qua đàm phán thay vì bạo lực.

Và cuối cùng, ý niệm về “tam quyền phân lập”, “nhà nước pháp quyền” còn rất xa vời ở Việt Nam, khi mà một lãnh đạo thành phố (nhánh hành pháp) lại quyết định được việc của cả viện kiểm sát, tòa án (nhánh tư pháp), và được báo chí hoan nghênh nhiệt liệt, được dân vỗ tay vang trời – dù rằng đó là quyết định đúng đắn.

www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39684300

Nha Trang : Du khách Trung Quốc kém văn hóa gây bất bình

Chính quyền Nha Trang kêu gọi mở cửa nhà thờ đón tiếp du khách. Giáo phận Nha Trang phản đối lệnh này vì du khách Trung Quốc có thái độ khiếm nhã, gây thiệt hại vật chất cho nhà thờ và truyền thống văn hóa địa phương, làm xấu hình ảnh thanh lịch của thành phố biển. Đối với tín đồ Công giáo, bảo vệ giáo đường còn là bổn phận thiêng liêng.

Asia News, hãng thông tấn Công giáo của Ý, trong bản tin 22/04/2017 cho biết Giáo phận công giáo Nha Trang và chính quyền địa phương đang bất đồng vì làn sóng du khách Trung Quốc tỏ ra thiếu tôn kính khi thăm viếng nhà thờ và các di tích.

Hồi đầu tháng 04/2017, tỉnh ủy Nha Trang viết thư yêu cầu Toà Giám mục tiếp tục mở cửa các cơ sở cho du khách. Tuy nhiên, nhiều vị linh mục và giáo dân than phiền du khách Trung Quốc, chiếm đa số, có thái độ thiếu văn hóa, gây thiệt hại cho cơ sở tôn giáo và làm hình ảnh thành phố Nha Trang thanh lịch bị xuống cấp trong chuẩn mực quốc tế.

Trong thư trả lời chính quyền địa phương, đại diện của giáo phận đã nêu lên tình trạng tiêu cực này. Các tín hữu cho biết « du khách Trung Quốc đến nhà thờ phô trương máy quay phim, để chụp ảnh, cười nói ồn áo, bất chấp tín đồ Việt Nam đang dự thánh lễ. Họ còn ngồi cả lên bàn ». Trong khi đó thì nhà thờ có luật dành cho khách thăm viếng như ăn mặc sạch sẽ, nói nhỏ giọng, tôn trọng thánh lễ… Thái độ bất kính của du khách Trung Quốc đã được giáo dân trình bày với Giám mục địa phận, đức cha Giuse Võ Đức Minh.

Theo Asia News, chính quyền địa phương không đồng ý với giáo dân với lý do là sợ « mất nguồn lợi kinh tế và quan hệ hữu hảo với Trung Quốc ». Theo thống kê, trong ba tháng đầu năm 2017, ba triệu du khách thăm Nha Trang, hầu hết là người Trung Quốc, tăng 15% so với 2016. Bất đồng giữa chính quyền Nha Trang và cộng đồng Công giáo chưa thấy có giải pháp dung hoà.

vi.rfi.fr/viet…/20170423-nha-trang-du-khach-trung-quoc-kem-van-hoa-gay-bat-binh

 

42 năm sau ngày 30.4.1975 qua cái nhìn của người trẻ

Những người trẻ sinh ra sau khi chiến tranh chấm dứt có sự hiểu biết về ngày 30 tháng 4 năm 1975 như thế nào và họ nhìn thấy gì trong sự thay đổi của đất nước mấy mươi năm qua?

Cách gọi

Cứ đến tháng Tư của mỗi năm, tấm ảnh đen trắng về những đứa trẻ đứng nhìn ra ngoài ô cửa nhỏ xíu trong một chiếc phi cơ đã được tháo hết những băng ghế ngồi, trên mặt sàn máy bay thì chật kín những đứa trẻ khác đang nằm, ngồi lẫn lộn, lại xuất hiện trên các diễn đàn như một lời nhắc nhở…

42 năm, kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, sẽ là quá nửa đời người với những cậu bé cô bé trong tấm ảnh ấy. 42 năm sau, họ sẽ nhớ lại ngày đó với một ký ức mang màu sắc của “số phận”, là cách nói của một người trên mạng xã hội khi xem tấm ảnh ấy.

Để cố tình xây dựng những sự học và truyền thông dối trá để mị dân. Khi hiểu ra thì rất đau khổ, gọi là vỡ oà cảm xúc.
– Sỹ Bình

Nhưng, với những người sinh năm 80, 90, sẽ là một thời đại hoàn toàn độc lập, về tư tưởng, thể chế, chung hơn hết là ý thức hệ.

Họ là những người được tiếp nhận từ ngữ mới, văn hoá mới, phong cách xã hội mới. Họ không trải qua giai đoạn gọi là “chuyển giao chế độ”. Chính vì vậy, không ít người ở lứa tuổi này nhìn về ngày 30 tháng 4 với một tâm thế hoàn toàn trung dung.

Sao Mai, thế hệ 9X, là một trong số những người ấy. Rất đơn giản, cô gọi đó là ngày giải phóng, theo văn hoá giáo dục mà cô được truyền dạy.

“Tức là thường thì từ khi đi học đến khi lớn lên, em được biết 30 tháng 4 là ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 1 tháng 5 là ngày Lễ Lao động. Nếu đi học hay đi làm thì sẽ được nghỉ hai ngày đó.”

Cụ thể hơn, nhưng cũng không kém phần đơn giản khi Sao Mai hiểu về ngày giải phóng.

“Ngày trước thì có thể là miền Bắc được giải phóng trước, không bị ách đô hộ cũng như không bị giặc ngoại xâm lấn chiếm, được hoà bình trước. Miền Nam thì vẫn phải chống chọi với giặc ngoại xâm, với kẻ thù. Ngày 30 tháng 4 là ngày đánh dấu mốc miền Nam cũng được hoà bình như miền Bắc và thống nhất đất nước.”

Không phải chỉ riêng Sao Mai, mà tất cả những ai trải qua nền giáo dục dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa đều biết đến cách gọi của cụm từ “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.”

Nguyễn Khang, một thế hệ 9X khác, từ Sài Gòn cho biết anh không xa lạ với cách nói ấy:

“Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đó là theo quan niệm của em thời còn đi học.”

Còn cho đến bây giờ, Khang cho biết anh chỉ chấp nhận một nửa của cách gọi ấy, vì không thể phủ nhận sự thật là Nam, Bắc một nhà từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

“Còn cho tới thời điểm bây giờ, em gọi nó là ngày thống nhất đất nước. Gọi là giải phóng miền Nam thì không hợp lý vì không thể nào một thằng nghèo đi giải phóng một thằng giàu. Nhưng không thể phủ nhận được ngày đó là ngày thống nhất đất nước.”

Cũng chia ra hai thời điểm để có hai sự hiểu biết và chấp nhận, là ý kiến của Sỹ Bình, thế hệ 8X.

“Ở thời điểm ngày xưa, ngồi trên mái nhà trường đó, gọi ngày 30 tháng 4 là ngày giải phóng. Nhưng mãi sau này, hiểu ra được vấn đề, thì ngày 30 tháng 4 là ngày buồn của dân tộc Việt Nam. Là một ngày gọi là thấm máu, nhuộm máu quê hương. Người ta thường gọi là Tháng Tư đen.”

Tính chất

Cái sự hiểu ra vấn đề’ đó được Sỹ Bình cho biết là từ lúc internet phát triển, truyền thông nhà nước và báo chí không còn là “nhà trường thứ hai” của người dân. Thay vào đó, các bạn trẻ như Sỹ Bình nói rằng họ đã tìm thấy “sự thật khác ẩn chứa trong đó”.

“Một cái ngày gọi là người Cộng sản Bắc Việt đã vào đánh cướp giết đất quê hương của người miền Nam. Những trận đánh mà cộng sản cho là giải phóng đó thì chính là những trận đánh giúp cho Tàu Cộng và Liên Xô.”

Cho dù các bạn trẻ ấy đều nhìn nhận có hai sự hiểu đến từ hai thời điểm khác nhau, dẫn đến hai cách gọi khác nhau, thế nhưng, theo Nguyễn Khang thì có một điều mà anh cho rằng không thể phủ nhận.

“Không phủ nhận là Cộng sản đã thắng. Việt Nam Cộng hoà đã thua. Nhưng những hệ luỵ của nó thì thật sự ngày đó là một ngày đen tối, một ngày đáng buồn.”

Còn với quan điểm của Sỹ Bình, anh nói rằng khi sự thật được phơi bày, nhìn quay lại những gì đã học, tất cả hoàn toàn được tô vẽ, cùng với sự trợ giúp của những ngòi bút mà anh gọi là “dối trá”

“Để cố tình xây dựng những sự học và truyền thông dối trá để mị dân. Khi hiểu ra thì rất đau khổ, gọi là vỡ oà cảm xúc.”

Nếu với Sỹ Bình là một cảm xúc vỡ oà đau khổ thì Nguyễn Khang gọi đó là “một ngày đau thương”:

“Bởi vì em biết được hệ luỵ, hậu quả của ngày đó, những người chết trong trại cải tạo. Em biết cuộc sống sau 1975 như thế nào, nên em biết được ngày đó là một ngày đau thương. Cái ngày không tồn tại luật pháp, thậm chí họ có thể giết người công khai mà không cần chờ đợi đến pháp luật….

Nếu mà không có ngày đó thì sẽ tốt hơn.”

Tích cực và tiêu cực

Những câu chuyện về cuộc chiến được vẽ lại trong sách vở hào hùng, oanh liệt thật sự đã lấy đi khá trọn vẹn niềm tin của thế hệ trẻ khi còn ngồi trên mái trường. Hình ảnh “cô du kích nhỏ giương cao súng” và “Thằng Mỹ lom khom bước cúi đầu” hay “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” từng là những hình ảnh tự hào đi trong tâm trí của những đứa trẻ hát quốc ca vào mỗi buổi sớm.

Niềm tự hào ấy trong trí nhớ của của các bạn trẻ, nó đã được xây dựng và lớn lên từng ngày với niềm tin đất nước mình “rừng vàng, biển bạc.”

Không ít người thuộc thế hệ 8X, 9X, qua mạng internet, họ biết đến câu nói nổi tiếng của cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Lê Duẩn từng tuyên bố nhân dịp Têt 1976, một năm sau ngày Giải phóng:

“Trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một Tivi và một tủ lạnh.”

Những thanh niên tham gia buổi nói chuyện trong bài viết này đều chưa ra đời vào thời điểm ông Lê Duẩn vạch ra tiêu chuẩn đời sống của một gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, như Nguyễn Khang đã nói, anh không chấp nhận gọi là giải phóng miền Nam vì không thể nào một thằng nghèo đi giải phóng một thằng giàu.

Có lẽ qua kho tàng internet, Khang đã tìm hiểu cuộc sống của người miền Nam trước 1975 có được tủ lạnh và radio hay chưa.

Thế nhưng, chính Khang vẫn nhận thấy những điểm tích cực của cột mốc 30 tháng 4 năm 1975. Anh đưa ra cái nhìn có tính chất khá nhân sinh quan, đó là những mất mát trong chiến tranh sẽ không còn nữa.

“Ít nhất người dân không còn hoang mang khi mỗi sáng thức dậy thấy cái chết. Những chết chóc của chiến tranh sẽ không còn nữa. Không còn chiến tranh là mặt tích cực rồi.”

Thế nhưng, cũng theo Khang, bên mặt tích cực vẫn tồn tại những tiêu cực. Khang muốn nói đến cuộc bỏ phiếu bằng chân lớn nhất lịch sử Việt Nam.

“Hệ luỵ của vấn đề không còn chiến tranh lại khác đi. Không còn tự do. Không còn quyền được sống. Có người phải bỏ quê hương, bỏ cha mẹ, con cái để ra đi.”

Tuy nhiên, nói rằng cần phải nhìn nhận khách quan, Nguyễn Khang cho biết anh vẫn thấy có điểm tích cực trong 42 năm kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975.

“Sự thay đổi đến thời điểm bây giờ, giống như thời bao cấp thì không thể sống được. Hay nếu không thống nhất thì cũng giống như với Triều Tiên hay Hàn Quốc thôi.

Sự chuyển biến tốt nhất bây giờ là đã có những công ty nước ngoài vào. Việc mở cửa cho những công ty nước ngoài vào trong 42 năm vẫn là chuyển biến em cho là tốt nhất, để cho công ty nước ngoài vào đầu tư rồi dần dần cuộc sống người dân từ đó có những nhận thức khác đi.”

Còn cho tới thời điểm bây giờ, em gọi nó là ngày thống nhất đất nước. Gọi là giải phóng miền Nam thì không hợp lý vì không thể nào một thằng nghèo đi giải phóng một thằng giàu.
– Nguyễn Khang

Không đồng ý với ý kiến này, Sỹ Bình phản biện bằng cách đưa ra nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác trong xã hội hiện tại. Theo anh, không thể nhìn vào một góc phát triển của một sự vật mà có thể đưa ra đánh giá toàn diện. Sỹ Bình cho rằng cần phải nhìn thêm ở các vấn đề khác bên cạnh kinh tế.

“Không phải mình nhìn thấy xây dựng, giao thông, các quy trình kiến trúc hạ tầng đồ sộ mà nói phát triển được.

Ví dụ an ninh quốc phòng, tại sao người dân ngoài biển bị quân giặc Tàu cưới giết nhiều như vậy? Giáo dục thì học trò đánh nhau hội đồng gây tử vong hàng năm, hằng tháng. Y tế thì xuống cấp, trẻ em chết rất nhiều.

Tại sao lại có những ngôi nhà đồ sộ như vậy? thứ nhất, có thể của nhà đầu tư nào đó ở nước ngoài hoặc những nhà tham nhũng, tư bản đỏ dùng đồng tiền bất chính, lấy ngân khố của đất nước trái pháp luật để xây dựng lên những công trình cá nhân làm lợi ích riêng.”

Cuộc sống của người dân Việt Nam có thật như trong bài giảng là ‘dân giàu, nước mạnh’ hay không? Sự phát triển của xã hội Việt Nam như thế nào trong hơn 40 năm qua? Thế hệ trẻ có tự hào về một Việt Nam hùng cường từng ‘đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào” hay không? Câu trả lời“Không có gì phát triển ngoài hiểu biết của người dân về sự thật lịch sử sau 42 năm”, và “phải chi đừng có ngày ấy”, là nhận định chung của những bạn trẻ thế hệ 8X, 9X, những người được sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã chấm dứt.

www.rfa.org/vietnamese/…/42-years-after-april-4-1975-through-young-generation-pe..

Trong một chế độ độc tài thì làm gì có một nền báo chí tự do, trung thực? Ở VN cũng vậy thôi. Cả nước có trên hơn 800 cơ quan báo chí, chưa kể hơn 100 cơ quan báo điện tử, hơn 300 kênh phát thanh, truyền hình phát sóng hàng ngày, với gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ đang hoạt động trên khắp vùng miền của đất nước và ở nước ngoài. Đó là một con số không nhỏ tính theo tỷ lệ dân số.

Nhưng như nhiều người vẫn nói, hơn 800 tờ báo chỉ có một ông Tổng Biên tập, đó là đảng và nhà nước cộng sản thông qua Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng cho phép báo chí truyền thông được nói cái gì, cái gì không, nói tới đâu v.v…Chưa kể, đảng bắt nói không thành có, có thành không, đen thành trắng và ngược lại. Lịch sử VN mấy ngàn năm nói chung và lịch sử VN kể từ khi có đảng cộng sản ra đời nói riêng, còn tẩy xóa, sửa đổi, bóp méo, viết lại được kia mà.

Điều đó chẳng có gì mới. Vì miếng cơm manh áo, nhiều nhà báo đã phải chấp nhận thực tế này, và cũng có những nhà báo vì hám lợi, hám danh và cả vì sự ngu dốt, thật sự hăm hở, tích cực tự biến mình thành công cụ, thành cái loa của đảng, mà chúng ta vẫn gọi là bồi bút, thậm chí, điếm bút. Nhưng cũng có những nhà báo vẫn giữ được lương tri, lương tâm, cố gắng nếu không viết được thì im lặng chứ không làm bẩn ngòi bút của mình.

Biết là vậy nhưng đôi khi vẫn ngạc nhiên trước cái sư tồi tệ nói chung của nền báo chí xã hội chủ nghĩa VN. Một nền báo chí sinh ra và tồn tại trước hết là để bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, và khi có bất cứ xung đột quyền lợi gì giữa đảng với nhân dân thì báo chí quốc doanh tất nhiên sẽ đứng về phía nhà nước, chứ không phải đứng về phía nhân dân.

Có vô số ví dụ kể ra không hết. Từ những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn, hiếu chiến trên biển Đông của thanh niên, sinh viên, trí thức, người dân VN cho tới những cuộc biểu tình vì bị nhà cầm quyền cưỡng chế đất đai, đền bù không thỏa đáng của dân oan, những cuộc biểu tình phản đối vụ Formosa của bà con giáo dân các tỉnh miền Trung dưới sự dẫn dắt của các linh mục trong thời gian vừa qua…Báo chí quốc doanh hoặc là làm lơ như không hề có những cuộc biểu tình đó xảy ra, hoặc gọi đó là những cuộc tụ tập gây rối, do bị kẻ xấu, các thế lực thù địch kích động, giật dây.

Báo chí còn vu cho người dân là đi biểu tình được các tổ chức phản động ở hải ngoại (thường hay nhắc đến nhất lả đảng Việt Tân) cho tiền. Báo chí quốc doanh không ngần ngại gọi thẳng tên và bôi nhọ một số trí thức, văn nghệ sĩ hay một số linh mục đi đầu trong những cuộc biểu tình.

Trong đó những cơ quan mạnh miệng nhất là báo Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Quân đội Nhân Dân, Công An TP.HCM hay đài truyền hình quốc gia VTV…

Khi xảy ra vụ Formosa, ngay trong những ngày biển còn đang bị ô nhiễm nặng nề, cá chết hàng loạt, người dân hoang mang không biết có nên ăn cá, hải sản hay không thì báo chí, theo lệnh, thi nhau đưa tin biển đã an toàn, các quan chức đua nhau chụp hình cảnh đi tắm biển, ăn cá… Tháng 11.2016 ông “Bộ trưởng TN&MT: Biển miền Trung đã an toàn” (Zing.vn), tháng 2.1017 lại “Bộ TNMT khẳng định biển miền Trung “đã an toàn” (Viet Times), trong khi những nhà báo độc lập, facebooker tìm cách đến tận những làng chài miền Trung nơi bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm họa Formosa thì thực tế khác hẳn.

Cho tới nay đã hơn một năm trời trôi qua, thảm họa Formosa vẫn đang tiếp tục gây ra những hậu quả hết sức nặng nề cho môi trường biển, không khí, hệ sinh thái, đời sống ngư dân, cho nền kinh tế VN và đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe trong tương lai cho cả dân tộc, nhưng báo chí thì vẫn cứ nhà nước cho phép nói cái gì thì nói cái đó và tuân theo lệnh nhà cầm quyền, vẫn cố mà bao che, bảo vệ cho Formosa. Nào “Đến thời điểm hiện tại Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm, còn lại duy nhất một hạng mục theo lộ trình sẽ hoàn thành vào năm 2019.” (“Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm”, VietTimes)

Nhưng như chúng ta đều biết, sai phạm quan trọng nhất của Formosa là cố tình tráo đổi công nghệ cốc khô theo cam kết ban đầu sang sang cốc ướt để giảm chi phí mặc dù rất ô nhiễm môi trường. Và chính vì sự tráo đổi này nên khi xảy ra sự cố trong việc sử lý nước thải, đã khiến nước thải có chứa chất độc từ quá trình luyện cốc ướt xả thẳng ra biển làm cá chết hàng loạt. Nếu Formosa luyện cốc khô, thảm họa đã không xảy ra vì công nghệ khô không dùng nước…

Hay mới đây, để phản ứng lại những cái sai trái của nhà cầm quyền trong chính sách thu hồi, cưỡng chế đất đai cũng như đã đàn áp, bắt giam người dân, bà con Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đã tạm giữ gần 40 cán bộ địa phương, cảnh sát cơ động, rào làng, quyết tâm “tử thủ” với nhà cầm quyền để giữ đất.

Báo chí lúc đầu hoàn toàn án binh bất động mặc cho tin tức lan tỏa, được cập nhật liên tục trên các trang mạng xã hội, báo người Việt ở nước ngoài và một số tờ báo lớn của quốc tế cũng đưa tin: Times, The Straitstimes, The Star, ABC News, AP (Associated Press), The Washington Post, Channel News Asia, The New York Times…Đến khi được phép đưa thì lại đưa tin theo cái nhìn của quan chức Hà Nội nói riêng và nhà cầm quyền VN nói chung.

Sau hơn một tuần căng thẳng, sự việc cuối cùng cũng êm xuôi, chúc mừng bà con, nhờ có internet, chưa gì thế giới cũng đã tỏ tường, chứ như ngày xưa thì bà con đã bị đàn áp đẫm máu mà bên ngoài không ai hay. Như cuộc nổi dậy của bà con nông dân tỉnh Thái Bình năm 1997 đã bị đàn áp đẫm máu trong bóng tối, hay một vụ việc tương tự như vụ Đồng Tâm bây giờ đã xảy ra ở làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, Kim Bảng, tỉnh Hà Nam năm 1992.

Theo nhà văn Phạm Thành tức blooger Bà Đầm Xòe, không chỉ dùng nhiều biện pháp, thủ đoạn để khủng bố bà con, sau đó tử hình người đứng đầu là ông Trịnh Văn Khải, và đàn áp bà con nông dân, “Lũ quan tham huyện này đã bỏ tiền ra thuê công an, côn đồ để tìm mọi cách đàn áp dân, chúng còn thuê cả nhà văn, nhà báo về để viết, bôi nhọ ông và dân làng, dựng phim lên truyền hình trung ương bôi nhọ ông… bộ phim trên truyền hình nhà nước : ” chuyện Làng Nhô ” ra đời có kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn quê Hà Tây là Nguyễn Quang Thiều. Trong phim, VTV còn bịa đặt ra chuyện ” Trịnh Khả dan díu với vợ liệt sỹ… ” trong khi ông là một nhà giáo về hưu, vợ ông luôn cùng ông, cùng bà con bên cạnh đi đấu tranh, vạch mặt quan tham. Hành vi đê tiện và bỉ ổi của lũ nhà văn, truyền hình đã góp phần giết oan một công dân, một trí thức dám đứng ra cùng nhân dân chống tham nhũng từ những năm 1990 của thế kỷ trước…” (“Lật lại vụ án oan “Chuyện làng Nhô”).

Thời cuộc đã thay đổi. Trong vụ Đồng Tâm, ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cuối cùng đã chấp nhận đối thoại với dân, bà con khen ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thì cũng dễ hiểu. Nhưng nhìn cung cách “đối thoại” của ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và cái cách báo chí nhà nước tường thuật lại sự việc thì vẫn bề trên lắm, vẫn cứ là quan nhìn xuống dân chứ chả phải quan chức sống bằng tiền thuế của dân, công việc và nhiệm vụ của cán bộ, quan chức là phục vụ dân. Nào người dân Đồng Tâm rất ăn năn hối lỗi, xin được khoan hồng, nào người Đồng Tâm đã biết sai và xin lỗi, nào ông Chung nói “Đất nước ta có truyền thống đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại, đối với người vi phạm nếu đã nhận thức rõ, thành khẩn, khắc phục, chắc chắn sẽ được giảm nhẹ”…

Vụ Đồng Tâm xử sự được chừng đó đã là tiến bộ lắm đối với quan chức nước này, nhưng phải còn khá lâu nữa để họ thực sự thành tâm, bỏ được cái kiểu suy nghĩ, hành xử nhìn xuống đó, và đám báo chí truyền thông quốc doanh bỏ được cái lối đưa tin coi khinh nhân dân như vậy.

Nhưng có lẽ điều đó sẽ chỉ thực hiện được trong một xã hội tự do, dân chủ, thượng tôn pháp luật, một xã hội mà người dân thực sự có tiếng nói của mình và quan chức, chính khách cho tới ngay cả Tổng thống, Thủ tướng cũng thấm nhuần rất rõ sự thật rằng họ chỉ là người phục vụ cho nhân dân, phụng sự đất nước. Còn báo chí thì có sự tự do, độc lập để thể hiện chính kiến của mình, chứ không phải chỉ là con rối trong tay nhà cầm quyền!

www.rfavietnam.com/node/3834

 

Sạt lở sông ở An Giang, nhiều người ‘tháo chạy’

Nhiều hộ dân mà báo chí trong nước nói là tới gần 200 nhân khẩu ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang), đã phải sơ tán khẩn hôm 22/4 sau khi nhà cửa đổ sập xuống sông Vàm Nao vì tình trạng sạt lở kéo dài.

Báo điện tử VnExpress đưa tin rằng dòng sông “ăn sâu vào đất liền hơn 50 mét, khiến 40 nhà dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng” ở ấp Mỹ Hội.

Tin cho hay, tình trạng sạt lở diễn ra trong suốt nhiều ngày qua, và dường như “không có dấu hiệu dừng lại”.

Những người dân sơ tán được bố trí trú tạm tại trường học và chùa ở địa phương, theo VnExpress.

Các đoạn video đăng tải trên trang Youtube cho thấy rằng nhiều ngôi nhà kiên cố đã bị đổ sập xuống sông.

Theo truyền hình An Giang, 19 căn nhà đã bị đổ xuống sông hôm 22/4, và chính quyền đã “di dời khẩn cấp các hộ trong vùng nguy cơ sạt lở”.

Truyền thông trong nước đưa tin, không có thiệt hại về người trong sự cố trên.

Dù chính quyền chưa công bố nguyên nhân, báo CA TP HCM dẫn lời một người dân nói rằng “sạt lở một phần do việc khai thác cát làm thay đổi dòng chảy của sông Vàm Nao”.

Nhiều bình luận sau các bài báo được truyền thông trong nước loan tải cũng cho rằng tình trạng “cát tặc” gây ra sự việc trên, và không chỉ xảy ra ở tỉnh An Giang.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dan-thao-chay-vi-sat…giang/3822171.html