Tin khắp nơi – 22/04/2017
TT Trump ký sắc lệnh xét giảm gánh nặng thuế cho người Mỹ
Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ ký một sắc lệnh hôm thứ Sáu, chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét các quy định về thuế đã được áp dụng hồi năm ngoái, nhằm thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông, là giảm bớt gánh nặng thuế cho người Mỹ.
Tổng thống cũng sẽ ký hai bản ghi nhớ, chỉ thị xem xét luật cải cách tài chánh năm 2010 mà các ngân hàng và công ty bảo hiểm nói là cản trở khả năng kinh doanh của họ.
Các bản ghi nhớ chỉ thị xét lại hai phần trong Đạo luật Dodd-Frank, được lập ra để đề phòng cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 tái diễn. Nội dung quy định chi tiết việc các ngân hàng lớn có thể đóng cửa trong thời gian khủng hoảng và cho phép các nhà quản lý tài chính hàng đầu Hoa Kỳ xác định những rủi ro quá mức trong hệ thống tài chính của Mỹ.
Các văn bản chỉ thị Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin duyệt lại các điều khoản chính của Luật thuế và Đạo luật Dodd-Frank, sau đó báo cáo với Tòa Bạch Ốc về các phương thức để cải tiến những quy định này.
Hôm thứ Năm, ông Mnuchin cho biết Bộ Tài chính đang làm việc “ngày đêm” để cải cách thuế và sẽ sớm công bố một kế hoạch đại tu sâu rộng.
Trước đó trong tuần này, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho biết cuộc cải cách thuế đầu tiên trong nhiều thập kỷ có thể sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, sắc lệnh xem xét thuế mà ông Trump ký cho phép chính quyền của ông xem xét lại luật thuế má, độc lập với Quốc hội.
http://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-ky-sac-lenh-xet-giam-ganh-nang-thue-cho-nguoi-my/3820590.html
Tuần hành vì Khoa học nhân Ngày Trái Đất
Cuộc Tuần hành vì Khoa học là một sự kiện diễn ra khắp thế giới với hàng ngàn người dự kiến sẽ tham dự trong ngày thứ Bảy, Ngày Trái đất, tại hơn 600 địa điểm bao gồm Seoul, Madrid, London và Cape Town.
Sự kiện chủ đạo sẽ được tổ chức tại thủ đô Washington của Mỹ với các diễn giả và một số gian hàng giáo dục trên Quảng trường Quốc gia, nơi các nhà khoa học, nhà giáo dục và nhà lãnh đạo từ nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ nói về công tác của họ, những chiến lược truyền thông khoa học hữu hiệu và huấn luyện về vận động công chúng.
Ban tổ chức nói rằng sự kiện quốc tế này là bước đầu tiên trong phong trào toàn cầu nhằm công nhận và bảo vệ “vai trò thiết yếu của khoa học trong đời sống hàng ngày, kể cả trong các lĩnh vực như y tế, an toàn, kinh tế và chính phủ.”
Họ nói rằng sự kiện này là không mang tính đảng phái và không nhằm chống lại chính quyền Trump hay bất kỳ chính trị gia hoặc đảng nào.
Ngân sách mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị cắt kinh phí cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường mà sẽ loại bỏ 56 chương trình và giảm đáng kể ngân quỹ cho Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển và Hội đồng Tư vấn Khoa học của cơ quan này.
Ngân sách của ông Trump cũng đề xuất cắt giảm khoảng 6 tỉ đôla kinh phí cho Viện Y tế Quốc gia, tổ chức cung cấp ngân quỹ công để tài trợ nghiên cứu y sinh học lớn nhất thế giới.
http://www.voatiengviet.com/a/tuan-hanh-vi-khoa-hoc-nhan-ngay-trai-dat/3821322.html
‘1 triệu người Mỹ nói Quan Thoại trước 2020’
Có hai khuynh hướng ngược chiều hiện nay tại Mỹ, đều liên quan đến Trung Quốc: Số sinh viên học tiếng Quan Thoại tăng mạnh, trong khi sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ có thể “nản” vì chính sách siết chặt chương trình visa lao động H-1B.
1 triệu người học Quan Thoại
Tổ chức US-China Strong Foundation (UCSF), phối hợp thúc đẩy cùng nhiều tổ chức khác, nhắm nâng số sinh viên Mỹ học tiếng Quan Thoại lến đến 1 triệu người vào năm 2020. Theo tường thuật của PBS.
Con số một triệu người học tiếng Quan Thoại cao gấp 5 lần hiện nay.
Tầm quan trọng của quan hệ Mỹ – Trung chính là động lực phía sau việc thúc đẩy sinh viên Mỹ học tiếng Quan Thoại, “nhằm chuẩn bị cho một thế hệ công dân Mỹ dấn thân nhiều hơn với Trung Quốc thông qua thương mại và văn hóa.” Trích lời tường thuật của PBS.
“Chúng tôi nhìn chủ trương này như một nỗ lực rất lâu dài, bảo đảm chúng ta sẽ có một lớp lãnh đạo hiểu biết về Trung Quốc và có thể đảm nhiệm công việc trong mối quan hệ song phương mà chúng ta tin là quan trọng nhất hiện nay.” Carola McGiffert, CEO của tổ chức US-China Strong Foundation, có tổng hành dinh đặt tại Washington, nói với PBS.
Để đạt được mục tiêu ấy, UCSF, được thành lập hồi năm 2013, kiến tạo một mô hình phối hợp ngôn ngữ và văn hóa linh hoạt để các hệ thống trường học địa phương có thể đáp ứng tùy vào nhu cầu.
Tổ chức này cũng hy vọng có thể thúc đẩy các sản phẩm công nghệ để có thể giảng dạy tiếng Quan Thoại. Hiện thời, trường học còn phụ thuộc vào chương trình thỉnh giảng, cung cấp giáo viên đủ cho 2 đến 3 năm.
Theo thống kê, số học sinh Mỹ ở độ tuổi mẫu giáo theo học Quan Thoại đang gia tăng. Một phần là vì các Viện Khổng Tử, một tổ chức có liên hệ với Trung Quốc.
Trước năm 2009, nước Mỹ chỉ có khoảng 10 chương trình song ngữ giảng dạy Quan Thoại. Mùa Thu năm ngoái, con số này tăng đến gần 200.
Hồi tháng Chín, 2015, trong một cuộc họp báo chung với Chủ Tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tổng thống Barack Obama tuyên bố phát động nỗ lực “1 Triệu.”
Trong khi đó, sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc lưu trú sau khi tổng thống Donald Trump ra lệnh rà soát lại chương trình visa cho công nhân ngoại quốc làm việc tại Mỹ. Theo tường thuật của Global Times.
8.4% trúng H-1B
Chương trình visa có tên H-1B, từ lâu được sử dụng để nhận nhân công từ nước ngoài vào Mỹ làm việc, đa số trong ngành kỹ thuật và công nghệ thông tin.
Hiểu một cách tổng quát, sắc lệnh của tổng thống Trump đòi hỏi điều chỉnh, hoặc thay thế, chương trình xổ số H-1B hiện nay bằng một chương trình khác chặt chẽ hơn, nhắm vào nhân công thật sự có kỹ năng cao.
Bằng cách ấy, “chúng tôi gởi tín hiệu mạnh mẽ ra thế giới: Chúng ta bảo vệ công nhân của chúng ta, bảo vệ việc làm của chúng ta, và tối hậu là đặt nước Mỹ lên trước.” Ông Trump từng phát biểu.
Theo tường thuật của Global Times, một công ty di trú có văn phòng tại Bắc Kinh nói rằng, sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ và tốt nghiệp ngành điện toán hay một ngành kỹ thuật khác có cơ hội “trúng số” cao hơn. Tuy nhiên, việc rà soát chương trình H-1B có thể đòi hỏi lương tối thiểu cho nhân công ngoại quốc được tăng lên $130,000, với mức lương khởi đầu vào khoảng $100,000. Mức lương mới sẽ khiến sinh viên du học gặp khó khăn trong việc tính toán ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp.
Hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước sử dụng H-1B nhiều nhất.
“Sự thay đổi chương trình H-1B chủ yếu nhắm vào Ấn Độ, nhưng cũng tạo ra lo lắng cho sinh viên Trung Quốc.” Một nhân viên làm việc cho một công ty di trú có trụ sở tại Mỹ nói với Global Times.
“Cho sinh viên đến Mỹ du học rồi tính chuyện ở lại, thì việc siết chặt chương trình H-1B quả là điều đáng lo. Xác suất cho một sinh viên Trung Quốc học tại Mỹ được vào chương trình xổ số H-1B là 8.4%.” Global Times trích dẫn một ấn phẩm khác.
Trung Quốc hiện là nước đứng đầu thế giới về số du học sinh tại Mỹ. Thống kê cho biết khoảng 328,000 sinh viên Trung Quốc học tại Mỹ trong năm 2015 – 2016.
Trong khi đó, số đơn nộp xin visa theo chương trình H-1B giảm khoảng 15%, còn gần 200,000 đơn; cao hơn hẳn con số “quota” là 85,000.
http://www.voatiengviet.com/a/tieng-trung-quan-thoai-my-trump/3820557.html
Ít nhất 140 binh lính Afghanistan chết
trong vụ tấn công của Taliban
Một vụ tấn công tự sát của Taliban nhắm vào một căn cứ quân sự lớn ở miền bắc Afghanistan đã khiến ít nhất 140 người thiệt mạng, chủ yếu là binh lính, làvụ tấn công gây chết người nhiều nhất kể từ năm 2001.
Các nhân chứng cho hay một nhóm gồm 10 kẻ đánh bom tự sát vũ trang dày đặc ngồi trên hai chiếc xe quân đội và cải trang thành binh lính chính phủ đã tấn công đại bản doanh của Quân đoàn Shaheen 209 thuộc Lục quân Quốc gia Afghanistan vào ngày thứ Sáu ở Mazar-i-Sharif, thủ phủ của tỉnh Balkh ở phía bắc.
Các đài truyền hình địa phương trích lời một quan chức an ninh giấu tên và các chính trị gia trong khu vực hôm thứ Bảy nói rằng “ít nhất 140 binh sĩ thiệt mạng trong vụ tấn công vào chiều thứ Sáu … và ít nhất 100 binh lính cũng bị thương.”
Những người sống sót đang được điều trị tại bệnh viện thành phố nói với đài truyền hình địa phương TOLOnews rằng họ tin là nếu “không có sự trợ giúp tay trong” thì những kẻ tấn công không thể nào vào được trung tâm của căn cứ quân sự được phòng thủ dày đặc này.
Theo nhà chức trách địa phương, một nhóm những kẻ tấn công Taliban đã nã đạn vào binh sĩ Afghanistan trong khi họ đang rời khỏi nhà thờ Hồi giáo sau buổi cầu nguyện chiều, trong khi một nhóm khác xông vào một nhà ăn tại khu quân sự trước khi quân đội Afghanistan bao vây và giao chiến ác liệt.
Một phát ngôn viên Taliban, Zabihullah Mujahid, nhanh chóng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, tuyên bố rằng “tới 500 binh lính kẻ thù bị giết và bị thương, kể cả những sĩ quan chủ chốt.”
Ông này cảnh báo rằng cuộc tấn công nhắm vào đại bản doanh của quân đội ở Balkh hôm thứ Sáu là “thông điệp cho tất cả binh lính kẻ thù, cảnh sát, điệp viên và các cơ quan liên quan (của Afghanistan) rằng các hoạt động của Taliban sẽ tàn bạo hơn và đau đớn cho họ.”
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ, Đại Tá John Thomas, mô tả vụ việc là một “vụ tấn công đáng kể từ lực lượng kẻ địch” và nói rằng “chúng tôi đang giúp đỡ các lực lượng Afghanistan bằng bất cứ cách nào có thể.”
Căn cứ quân sự bị tấn công này là nơi sinh sống của hàng ngàn binh lính thường xuyên tham gia vào các hoạt động chống Taliban ở các khu vực phía bắc nhiều bất ổn của đất nước.
Pence: Mỹ tin TQ
sẽ làm nhiều hơn buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng Mỹ tin tưởng một cách thầm lặng là Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn nữa để gây ảnh hưởng đến Bắc Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Ông Pence phát biểu như vậy hôm thứ Bảy tại Sydney trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull.
Cả Mỹ và Úc đều đã gây áp lực lên Trung Quốc để nước này chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc gây ảnh hưởng đến Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.
Ông Pence nói chương trình phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng “là mối đe dọa đối với sự ổn định và an ninh của khu vực này và có thể là mối đe dọa đối với lục địa Hoa Kỳ…”
Phó Tổng thống Mỹ là quan chức cao cấp đầu tiên của chính quyền Trump đến thăm Úc. Ông nói rằng “tiếp tục phương sách mà thế giới vẫn áp dụng với Bắc Triều Tiên suốt 25 năm qua là không thể chấp nhận được.”
Ông Pence cho biết một nhóm hàng không mẫu hạm tấn công do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu, đang tiến về vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, sẽ đến Biển Nhật Bản trong vài ngày tới.
Ông Turnbull cho biết Trung Quốc có thể sử dụng sức ảnh hưởng về kinh tế để buộc Bắc Triều Tiên tuân hành.
Ông Pence cũng khẳng định Mỹ sẽ tôn trọng một chương trình tị nạn gây tranh cãi với Úc mà sẽ tái định cư 1.250 người xin tị nạn tại Mỹ. Tổng thống Trump đã mô tả thỏa thuận người tị nạn này của chính quyền Obama là “ngu ngốc.”
Phó Tổng thống Mỹ đang công du trong chặng cuối cùng của chuyến thăm kéo dài 10 ngày đến bốn nước ở Châu Á mà trước đó đã đưa ông tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia.
Nhật-Australia tăng cường quan hệ quốc phòng
Tokyo và Canberra ngày 20/4 đồng ý củng cố hợp tác quốc phòng tại châu Á và cố gắng lôi kéo Washington vào nỗ lực này giữa lúc căng thẳng gia tăng về khiêu khích hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Hội nghị ‘hai cộng hai’ của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, và Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cùng Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne diễn ra tại Tokyo. Đây là cuộc họp lần thứ 7 của các viên chức này.
Khai mạc phiên họp, bà Bishop phát biểu cuộc đối thoại diễn ra vào một thời điểm “khó khăn và thách thức” đối với vùng châu Á-Thái Bình Dương giữa những khiêu khích hạt nhân liên tục của Bắc Triều Tiên.
Bắc Triều Tiên được cho là sắp thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 để kỷ niệm lần thứ 85 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên 25 tháng 4.
Tại một cuộc họp báo chung sau hội nghị, bà Inada tiết lộ là 4 vị bộ trưởng đồng ý việc Hoa Kỳ “tiếp tục có mặt” tại vùng châu Á-Thái Bình Dương là cần thiết và Nhật Bản cùng Australia sẽ “mạnh mẽ thúc đẩy” hợp tác quốc phòng ba bên, bao gồm Hoa Kỳ.
Cuộc đối thoại giữa 4 bộ trưởng của Nhật-Australia diễn ra sau chuyến viếng thăm Nhật Bản lần đầu tiên của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trước đây trong tuần.
(The Japan Times/Australian Financial Review)
http://www.voatiengviet.com/a/nhat-australia-tang-cuong-quan-he-quoc-phong-/3821107.html
Hàn Quốc cảnh giác cao độ với Bắc Triều Tiên
Hàn Quốc ngày 21/4 tuyên bố đang tăng cường cảnh giác trước một lễ kỷ niệm quan trọng của Bắc Triều Tiên, với sự tập trung cao độ binh sĩ và khí tài hai bên ranh giới vì những quan ngại về một cuộc thử nghiệm hạt nhân mới của Bình Nhưỡng.
Cuối ngày thứ Sáu, Bắc Triều Tiên loan báo tình trạng trên bán đảo Triều Tiên “cực kỳ nguy hiểm” vì “cuộc diễn tập chiến tranh hạt nhân điên rồ của Mỹ nhằm giẫm đạp chủ quyền và quyền tồn tại của chúng ta.”
Các giới chức Mỹ cho biết mật độ hoạt động dày đặc bất thường của các máy bay ném bom Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy có thể có sự chuẩn bị cao độ của đồng minh chính và duy nhất của Bắc Triều Tiên, dù các giới chức giảm nhẹ những quan ngại và để ngõ cho các lý do khác. Bắc Kinh phủ nhận các máy bay của Trung Quốc được đặt trong tình trạng báo động cao.
Thông tấn xã RIA của Nga cho biết phát ngôn viên Điện Kremlin từ chối bình luận về những tin tức của truyền thông cho biết Nga đang điều động binh sĩ và khí tài về phía biên giới với Bắc Triều Tiên.
Các giới chức Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong những tuần qua đã nói là Bắc Triều Tiên có thể sớm thử nghiệm hạt nhân, vi phạm những chế tài của Liên hiệp quốc, điều mà cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều cảnh cáo.
Bắc Triều Tiên kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên vào ngày thứ Ba tới. Đây là ngày kỷ niệm quan trọng diễn ra vào lúc kết thúc những cuộc tập trận mùa đông, phát ngôn viên Lee Duk-haeng của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói các phái viên cao cấp của Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ gặp nhau vào ngày thứ Ba “để thảo luận những kế hoạch kìm chế những khiêu khích mạnh mẽ thêm nữa của Bắc Triều Tiên, tăng cường tối đa áp lực lên Bắc Triều Tiên và đảm bảo là Trung Quốc có vai trò xây dựng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.”
Hàn Quốc và Hoa Kỳ cũng đang thực hiện các cuộc tập trận hàng năm, mà Bắc Triều Tiên thường xuyên chỉ trích là nhằm mở màn cho một cuộc xâm lấn nước này.
Tổng thống Donald Trump hôm 20 tháng 4 ca ngợi những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kìm chế “đe dọa của Bắc Triều Tiên”, sau khi truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên cảnh báo Hoa Kỳ về “một cuộc tấn công phủ đầu vô cùng mạnh mẽ.”
http://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-canh-giac-cao-do-voi-bac-trieu-tien-/3820768.html
Hồi giáo cực đoan trỗi dậy trên chính trường Indonesia
Sau một cuộc bầu cử mang nặng tính sắc tộc và tôn giáo, thủ đô Jakarta cuối cùng đã có tân đô trưởng, và Indonesia phải đối mặt với một thực tế là người Hồi giáo đã “lấn sân” vào chính trường một cách chưa có tiền lệ tại đất nước Indonesia hiện đại.
Ông Anies Baswedan, một hiệu trưởng trường đại học và cựu Bộ trưởng Giáo dục-Văn hóa, đã đánh bại đối thủ, Basuki “Ahok” Tjahaja Purnama, một tín đồ Thiên Chúa giáo gốc Hoa đã trở thành quyền đô trưởng sau khi cấp trên của ông, Joko “Jokowi” Widodo, đắc cử tổng thống hồi năm 2014.
Ông Ahok rất được lòng dân cho tới tháng 9 năm 2016, khi ông dẫn Kinh Koran trong một bài diễn văn cho chiến dịch vận động tại khu vực đánh cá Ngàn Đảo. Những tín đồ Hồi giáo cực đoan đã dùng một video clip về bài phát biểu này để buộc ông vào tội phỉ báng tôn giáo.
Sau khi tuyên bố chiến thắng, ông Baswedan cam kết sẽ làm việc vì công lý cho tất cả mọi người.
Ông nói: “Cam kết nhất quán của chúng tôi là tập trung vào công lý xã hội, điều đó có nghĩa là chúng tôi muốn chấm dứt những vấn nạn đang lan tràn ở Jakarta, như tình trạng bất bình đẳng”.
Một nhóm trước đây bị gạt sang bên lề xã hội được biết đến dưới tên Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (FPI) đã tổ chức hai cuộc biểu tình rầm rộ ở Jakarta, kêu gọi phải bỏ tù, thậm chí giết chết ông Ahok.
Mặc dù 87% người Indonesia là tín đồ Hồi giáo, chính phủ nước này về mặt chính thức vẫn theo chủ nghĩa thế tục. Hiến pháp Indonesia bảo vệ 6 tôn giáo. Không như nước láng giềng Malaysia, Indonesia không dành một vị thế đặc biệt nào cho đạo Hồi.
Ông Baswedan trước đây được biết đến là một người có lập trường trung dung, ôn hòa. Nhưng ông đã liên minh với FPI và các thành phần tôn giáo cực đoan trong suốt chiến dịch vận động của ông.
http://www.voatiengviet.com/a/hoi-giao-cuc-doan-troi-day-tren-chinh-truong-indonesia/3820565.html
Pháp tăng cường an ninh bầu cử sau vụ nổ súng
Vụ nghi can hiếu chiến Hồi Giáo hạ sát một cảnh sát Pháp đẩy vấn đề an ninh lên đầu nghị trình chính trị Pháp hôm 21/4, hai ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống.
Vòng đầu của cuộc bầu cử gồm hai giai đoạn sẽ diễn ra vào ngày Chủ Nhật 23 tháng 4. Ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu Marine Le Pen hứa sẽ kiểm soát di dân và biên giới chặt chẽ hơn để đánh bại “chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo” nếu bà đắc cử.
Ông Emmanuel Macron, ứng viên trung hữu, dẫn trước khít khao bà Le Pen, cho rằng giải pháp không đơn giản như bà Le Pen đưa ra, và “không có chuyện không có nguy cơ.”
Ông Macron, một cựu Bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ, nói ai bác điều này là người vô trách nhiệm. Bà Le Pen đã nhiều lần chỉ trích thành tích an ninh của chính phủ.
Hiện có 4 ứng cử viên dẫn đầu trong cuộc chạy đua khít khao khó phân thắng bại. Cuộc bầu cử ngày Chủ Nhật sẽ được tiếp theo bằng cuộc đối đầu giữa hai ứng cử viên nhiều phiếu nhất vào ngày 7 tháng 5 tới đây.
Cuộc thăm dò đầu tiên sau vụ tấn công hôm thứ Năm cho thấy bà Le Pen tiến một chút so với ông Macron.
Dù được xem như người thắng vòng đầu với 24,5% phiếu , nhưng ông Macron mất 0,5% điểm trong khi bà Le Pen tăng 1 điểm lên đến 23%.
Ông Francois Fillon, một người bảo thủ, cựu Thủ tướng Pháp, và ứng viên cực tả Jean-Luc Melenchon đều sụt 0,5% điểm xuống còn 19% trong cuộc thăm dò Odoxa cho báo Le Point thực hiện.
Cuộc tấn công trên đại lộ Champs-Elysees tại trung tâm thủ đô càng khiến cuộc bầu cử thêm khó đoán. Cuộc bỏ phiếu này sẽ quyết định việc quản lý nền kinh tế trị giá 2.200 ngàn tỉ Euro vốn đang tranh đua quyết liệt với Anh dành vị trí thứ năm trên thế giới.
http://www.voatiengviet.com/a/phap-tang-cuong-an-ninh-bau-cu-sau-vu-no-sung-/3821093.html
Pháp : Trước vòng một bầu tổng thống, nhiều cử tri vẫn do dự
Trong khi chỉ còn vài giờ nữa là đến vòng một bầu cử tổng thống Pháp, 23/04/2017, nhiều cử tri Pháp vẫn còn do dự và lá phiếu của những cử tri do dự này chắc chắn sẽ mang tính chất quyết định cho kết quả bầu cử năm nay.
Cho tới giờ, khoảng một phần tư cử tri Pháp cho biết vẫn lưỡng lự, chưa biết bầu cho ai và tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu được dự báo sẽ rất cao, khiến càng khó dự đoán kết quả bầu cử, hiện được cho là rất sát sao giữa 4 ứng cử viên Marine Le Pen, cực hữu, François Fillon, cánh trung hữu, Emmanuel Macron, cánh trung và Jean-Luc Mélenchon, cực tả.
Chiến dịch tranh cử đã kết thúc giữa giữa đêm qua, tức là từ giờ trở đi báo chí không được đăng bất cứ kết quả thăm dò nào, cũng như tuyên bố của bất kỳ ứng cử viên nào cho đến khi chấm dứt vòng một bầu cử tổng thống.
Báo chí Pháp hôm nay đã đồng loạt kêu gọi cử tri bỏ phiếu đông đảo ngày mai, như là một hành động mang tính biểu tượng, nhưng mạnh mẽ, nhằm đáp trả những kẻ khủng bố đang muốn làm rối loạn cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Trong bầu không khí căng thẳng này, tổng thống François Hollande đã bảo đảm là chính phủ sẽ thi hành mọi biện pháp an ninh cho cuộc bầu cử, huy động tổng cộng 50 ngàn cảnh sát và hiến binh, cùng với 7 ngàn quân nhân.
Vòng một bầu cử tổng thống Pháp trên thực tế đã bắt đầu hôm nay tại các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp, với cử tri quần đảo Saint-Pierre et Miquelon ở Bắc Mỹ là những người bỏ phiếu đầu tiên vào lúc 8 giờ sáng, giờ địa phương, tiếp đến là cử tri Guyane và Antilles.
http://vi.rfi.fr/phap/20170422-phap-truoc-vong-mot-bau-tong-thong-van-con-nhieu-cu-tri-do-du
Venezuela: Khủng hoảng dẫn đến bạo lực cướp bóc
Venezuela ngày thêm lún sâu vào cuộc khủng hoảng không lối thoát. Từ ba tuần qua, trong cả nước liên tục diễn ra các cuộc biểu tình chống tổng thống Nicolas Maduro. Trong khi đó, các vụ bạo lực cướp phá cửa hàng bắt đầu tràn lan tại thủ đô Caracas trước sự bất lực của cảnh sát cũng như người buôn bán. Đã có 11 người bị thiệt mạng trong các vụ lợi dụng căng thẳng chính trị tranh cướp đồ ăn.
Phóng sự của thống tín viên Julien Gonzalez gửi về từ Caracas :
” Cửa hàng thực phẩm, hiệu bánh … rất nhiều những điểm buôn bán như vậy trong khu phố nghèo El Valle, nằm ở phía tây nam thủ đô bị cướp phá. Một bà chủ cửa hiệu bán đồ ăn tại đây từ hơn 20 năm nay cho biết cửa hàng của bà bị mất sạch không còn gì.
Bà nói : « Cả ba dãy trong cửa hàng bị phá. Họ đã lấy hết sạch những gì tôi có. Đây là lần đầu tiên xảy ra với tôi. Mọi người lợi dụng tình hình, nhưng cũng phải nói là họ đói. Họ nghĩ làm như vậy sẽ giải quyết được vấn đề chăng ? Tôi thấy thật bất công ! »
Cái đói là căn nguyên của những vụ cướp phá này sao ? Bà Sonia Roja nói những người cướp phá còn được vũ trang. Quản lý một cửa hàng nhỏ trên phố Cajigal, bà cũng bị mất sạch trong một đêm. Bà Sonia cho biết : « Thịt gà, pho mát, thịt nguội… không còn một tí tẹo nào ! Chúng tôi và cả cảnh sát cũng vậy, không thể làm gì trước đám người còn được vũ trang hơn cả cảnh sát. Đúng là phá hoại. Chúng tôi chẳng dính gì đến chính trị, đến phe Chavez, đến phe đối lập cả. Chúng tôi chỉ là những người lao động giúp cho mọi người có cái ăn hàng ngày mà thôi. »
Trước các hành động cướp phá như vậy, cả hai phe, chính phủ và đối lập đổ lỗi cho nhau là đã đưa các « băng đảng tội phạm » trà trộn vào biểu tình kích động bạo lực.”
Nga: Nổ súng ngay trong trụ sở FSB, 3 người chết
Ngày 21/04/2017, một thanh niên đã xông vào văn phòng cơ quan an ninh Nga FSB, tại thành phố Khabarovsk, vùng Viễn Đông Nga, giáp giới Trung Quốc, xả súng giết chết hai người trước khi bị hạ sát. Theo FSB, thủ phạm là một người phần tử tân quốc xã, cực hữu, trong lúc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, trong một thông điệp bằng tiếng Ả Rập trên mạng xã hội Telegram, đã tự nhận là tác giả vụ tấn công, và nói đến nói đến 3 người chết và nhiều người bị thương.
Thông tín viên RFI tại Matxcơva, Muriel Pomponne, cho biết rõ hơn về thủ phạm:
” Kẻ tấn công, Anton Konev, 18 tuổi, mang một khẩu súng tiểu liên và hai súng lục. Dường như người này đã xin vào khai báo điều gì đó để vào bên trong cơ sở FSB, rồi nổ súng giết chết một nhân viên FSB và một người thông dịch, trước khi bị hạ sát.
Dựa trên mã số của các khẩu súng, các nhà điều tra khám phá rằng đây là lô súng từ một câu lạc bộ tập bắn đã bị ăn trộm trước đấy. Người canh gác đã bị giết chết và khoảng 40 khẩu súng bị ăn cắp.
Theo cơ quan FSB địa phương, Anton Konev có liên can đến một nhóm tân Quốc Xã gồm khoảng 15 người và mang tên « Stolz », xuất hiện vào năm 2012. Tài khoản Vkontakte, tương đương với Facebook, của Anton cho thấy người này cùng với một số bạn tập bắn súng cũng như sử dụng bom xăng.
Theo ông Alexandre Verkhovski, thuộc trung tâm SOVA, chuyên nghiên cứu về các phong trào cực đoan, thì các nhóm cực hữu rất phổ biến trước năm 2010 tại vùng phía đông Nga, sau đó đã mất ảnh hưởng, nhưng một thế hệ mới đang xuất hiện.
Có điều là hung thủ Anton Konev khá đặc biệt : theo một số cơ quan truyền thông, từ 2 năm nay, người này đã đến đền thờ Hồi Giáo. Cơ quan FSB không xác nhận tin này.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170422-nga-no-sung-ngay-trong-tru-so-fsb-o-khabarovsk-3-nguoi-chet
Triển lãm Thượng Hải : Xe « nhái » Trung Quốc vừa đẹp vừa rẻ
Triển lãm xe hơi Thượng Hải vừa khai mạc ngày 19/04/2017 là triển lãm xe hơi lớn nhất thế giới, nhưng cũng như mọi năm, vào dịp này, các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc lại bị tố cáo làm hàng « nhái ».
Trong một bài phóng sự gởi từ Thượng Hải hôm nay, 22/04/2017, hãng tin AFP cho biết một số kiểu xe được giới thiệu ở triển lãm trông rất giống một số kiểu xe nhập, trước sự bất lực của các nhà sản xuất xe hơi nước ngoài.
Ở đây, khách tham quan có thể nhìn thấy một kiểu xe trông chẳng khác gì chiếc Porsche, nhưng được sản xuất tại Trung Quốc với giá rẻ hơn gấp 6 lần so với bản « gốc ». Hay một kiểu xe « made in China » giống như hai giọt nước kiểu xe địa hình ( 4×4 ) Classe G của Mercedes, được trưng bày cách đó không xa.
Tuy nhiên, hãng Porsche cho biết họ không ngán những hàng « nhái » của Trung Quốc, vì họ không nhắm đến cùng loại khách hàng của các hãng Trung Quốc. Giám đốc Mercedes ở Trung Quốc thì tự an ũi rằng việc các kiểu xe của hãng này bị làm nhái chứng tỏ hàng của họ rất được ưa chuộng ở Trung Quốc.
Nhưng những hãng khác thì không thản nhiên như vậy. Hãng Land Rover vào năm 2014 đã kiện một công ty Trung Quốc có tên là …. Land Wind, vì công ty này đã sản xuất một kiểu xe địa hình lấy tên là X7, giống y chang kiểu xe Land Rover Evoque. Hai kiểu xe này đều đang được trưng bày tại triển lãm Thượng Hải. Land Wind cũng đã bị một hãng Anh Quốc kiện tương tự. Nhưng cả hai vụ kiện đều chẳng đi đến đâu và theo một nhà phân tích Trung Quốc được hãng tin AFP trích dẫn, thì cơ may các hãng xe hơi nước ngoài thắng kiện trước các tòa án Trung Quốc rất là ít.
Thậm chí có hãng đã bị « tiền mất tật mang », như trường hợp của hãng Nhật Honda. Vào năm 2015, Honda đã thua một vụ kiện mà họ tiến hành từ cách đó 11 năm, kiện một công ty Trung Quốc đã làm nhái kiểu xe địa hình CR-V của họ. Hãng Nhật đã phải trả cho công ty Trung Quốc này 16 triệu nhân dân tệ tiền chi phí pháp lý và tiền bồi thường danh dự.
Mặt khác, theo AFP, ngày càng khó mà kiện các hãng xe hơi Trung Quốc vì thật ra họ đã cải tiến khâu thiết kế ngày càng nhiều, chứ không chỉ còn « nhái » theo kiểu xe nước ngoài.
Mike Pence:
Mỹ và đồng minh sẵn sàng tấn công Bắc Triều Tiên
Theo trang báo mạng theguardian.com, trong cuộc họp báo tại Sydney nhân chuyến viếng thăm Úc, hôm nay 22/04/2017, phó tổng thống Mỹ Mike Pence một lần nữa tuyên bố Mỹ « đã đặt trên bàn » mọi phương án, bao gồm cả can thiệp quân sự, để đối phó với mối đe dọa vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Pence cũng nhấn mạnh hy vọng Trung Quốc sẽ gây áp lực được với Bình Nhưỡng trên hồ sơ hạt nhân.
Cụm từ « mọi phương án đã được đặt trên bàn » được phó tổng thống Mỹ nhắc lại đến 3 lần trong cuộc họp báo. Ông Mike Pence tuyên bố : « Khi mà mọi phương án đã được đặt trên bàn, tôi xin phép bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với Úc, với các đồng minh trong khu vực và với Trung Quốc để gây áp lực về kinh tế, ngoại giao lên chế độ Bình Nhưỡng, cho đến khi họ từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo ».
Phó tổng thống Mỹ cũng nói thêm « nếu Trung Quốc không có khả năng đối phó với Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ và các đồng minh của mình sẽ làm điều đó».
Dư luận đã được nghe những phát ngôn cứng rắn như vậy của ông Mike Pence trong suốt chuyến công du châu Á Thái Bình Dương, tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Úc.
Canberra cũng đồng thanh với lập trường của Washington. Thủ tướng Úc Turnbull khẳng định Bắc Kinh phải có trách nhiệm gây sức ép đối với chế độ Bình Nhưỡng. Ông tuyên bố, trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, « mọi cặp mắt đang hướng về Bắc Kinh ».
Trong tuần Nhà Trắng đã bị lúng túng với thông tin cho rằng tàu sân bay US Carl Vinson cùng hạm đội vẫn còn ở cách bán đảo Triều Tiên 5000 km và di chuyển theo hướng ngược lại, trong khi trước đó tổng thống Donald Trump thông báo đã điều cụm tàu tác chiến đến hướng bán đảo Triều Tiên để sẵn sàng đáp trả các vụ thử hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.
Vẫn trong cuộc họp báo hôm nay tại Sydney, phó tổng thống Mike Pence khẳng định tàu sân bay Carl Vinson cùng các chiến hạm phóng tên lửa vẫn đang trên đường hướng tới bán đảo Triều Tiên và « sẽ đến biển Nhật Bản trong vài ngày tới, trước khi hết tháng này ».