Tin Tức và Bình luận

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tức và Bình luận

Tin Tức Hằng Ngày

Tô Văn Trường – Biến sự cố không may thành cơ hội sửa chữa sai lầm

20/04/2017

Kỳ Duyên: Tác giả Tô Văn Trường vừa gửi cho Blog bài viết này. Đây cũng là quan điểm riêng của tác giả. Được biết bài viết này tác giả đã gửi tới một số vị quan chức cấp cao. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ
Ảnh: Xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (khoanh đỏ) cách trung tâm Hà Nội khoảng 38 km. Ảnh: Google Maps – Thiên Sơn.
Tôi vừa đọc trên mạng thông báo “Hà Nội sẵn sàng đối thoại” với người dân ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội , nó xuất phát từ một tâm thế và quan niệm rất sai quấy của người phát ngôn, che dấu bản chất của sự việc. Thật là dại dột nếu một mặt thì nói sẵn sàng đối thoại, mặt khác lại đơn phương quy kết tội người sẽ đối thoại.
Nên nhớ rằng, chỉ có toà án và khi bản án có hiệu lực  mới có quyền kết tội. Đại diện cho Ban Tuyên giáo và công an phải bỏ hẳn cái “tông” cao giọng quy kết, đe nẹt… để “xử lý tình huống” cho gọn một cách công bằng, chính trực, tâm phục, khẩu phục
Nhiều người dân quan tâm theo dõi vấn đề đất đai ở xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức , Hà Nội đang trở thành vấn đề thời sự nóng nhất trong cả nước. Vụ Đồng Tâm có nét giống Thái Bình ở chỗ cán bộ cơ sở tham lam, hư hỏng nhưng khác ở mức độ liên kết với các nhóm lợi ích bên ngoài để thao túng, cướp đoạt ruộng đất của Dân một cách trắng trợn hơn.
Đúng là cái gốc của vấn đề vẫn là quan hệ sở hữu, ủy quyền và phân quyền. Vụ Đoàn Văn Vươn hay nhiều vụ dân khiếu kiện trên cả nước đều có cùng motif này. Có điều là Dân ngày càng không biết sợ nữa, lực lượng chuyên chính dần dần thấy thân phận thật của mình nên nếu không đối thoại ( có thể thông qua môi giới là các tổ chức xã hội dân sự, hoặc trực tiếp ) thì bạo loạn sẽ lan tràn từ nơi này qua nơi khác một khi con giun đã quằn và binh lính từ chối đàn áp bà con thân thích, đồng hương , đồng bào của mình.
Nhiều người có chung nhận xét việc Chính phủ mới giao cho Bộ Tài nguyên & Môi trường , Bộ Nông nghiệp & phat triển nông thôn, Bộ Tư pháp sửa Luật đất đai để người dân yên tâm đầu tư phát triển kinh tế lâu dài đã trở nên bức thiết, thế nhưng việc xây dựng và củng cố những thiết chế xã hội nhằm giám sát hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền và các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu của những người chủ thực sự là nhân dân cũng phải được đặt ra không kém phần cấp bách.
Đất qui hoạch quốc phòng
Đất quy hoạch quốc phòng từ năm 1980 do ông Đỗ Mười, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký nhưng chưa thực hiện. Vậy là đất “Sở hữu toàn dân” do hợp tác xã quản lý, xã viên sử dụng. Lúc nầy chưa có Luật về Quyền sử dụng đất 1993.
Thông tin từ Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho hay, năm 1980, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn các xã Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức).
Đến tháng 10/2014, Bộ Quốc phòng giao Quân chủng phòng không tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28, với các mốc giới trên thực địa không thay đổi.
Sở hữu toàn dân trong trường hợp này là vô chủ (1980-2014)
Sau 35 năm người dân sử dụng vào sản xuất nông nghiệp ổn định (1980-2015)
Bộ Quốc phòng đã thu hồi 50,03 ha đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không – không quân đang sử dụng, quản lý để giao cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tiếp nhận quản lý sử dụng vào công trình quốc phòng theo QĐ số 551/QĐ-TM ngày 27/3/2015, trong đó bao gồm 46 ha thuộc xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức).
Theo ông Kình (phát biểu trong clip được ghi lại và phổ biến trân mạng xã hội) thì đất dự định làm sân bay nhưng chưa dùng đến được giao cho một số hộ canh tác, có nộp một phần thu nhập cho đơn vị quản lý và cho ngân sách xã. Như vậy việc sử dụng đất này không phải tùy tiện.
Theo luật đất đai ban hành và tu chính qua các năm 1993, 2003, 2013 thì Quyết định 1980 của Hội đồng bộ trưởng phải bị điều chỉnh: Dân sử dụng ổn định và thời hạn qui hoạch không còn hiệu lực. Thân phận người nông dân ở đây như sống ngoài lề .
Theo Thông báo của Ban Tuyên giáo Thành ủy HN ngày 18/4/2017
Do có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng, xây dựng công trình trên đất quốc phòng nên người dân xã Đồng Tâm đã có đơn thư khiếu tố lên các cơ quan của huyện, thành phố.
Đã khai trừ Đảng 8 đảng viên
Trong 48 nội dung khiếu tố cá nhân và chính quyền các cấp, có 25 nội dung khiếu tố có cơ sở, 23 nội dung không có cơ sở, huyện Mỹ Đức đã giải quyết khẩn trương, nghiêm túc, có trách nhiệm, tuy nhiên còn nhiều nội dung chưa đồng thuận. Thành phố đã giải quyết 15 nội dung công dân còn chưa đồng thuận tại thông báo số 83 ngày 25/6/2015.
Về sai phạm của cán bộ, đã khai trừ Đảng 8 đảng viên, cách chức 1, cảnh cáo 5, khiển trách 5 (gồm các chức danh nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch, phó chủ tịch xã, nguyên trưởng công an xã), khởi tố vụ án và khởi tố 3 bị can, bắt tạm giam 2 bị can (nguyên chủ tịch xã, cán bộ địa chính xã), cho tại ngoại nguyên Bí thư Đảng ủy xã vì lý do sức khỏe.
UBND huyện đã thành lập 5 tổ công tác liên ngành xuống địa phương làm công tác tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân.
Từ cuối 2016, tình hình nội bộ nhân dân tại xã Đồng Tâm diễn biến phức tạp liên quan chủ yếu đến việc số công dân khiếu kiện tổ chức các hoạt động “đòi đất” quốc phòng, mặc dù những nội dung này đã được các cấp chính quyền trả lời, giải đáp.
Vậy là có sự nhập nhèm về quản lý, pháp lý dẫn đến các bộ đảng viên sai phạm bị kỷ luật, chứng tỏ dân biết, dân tố cáo là sự thật.
Hành xử gây bức xúc trong công chúng
Tôi đọc một bản tin nói rằng: Đất của Đồng Tâm chia thành 3 khu vực: (i) Trường bắn, (ii) Đất khu quân sự, (iii) Đất nông nghiệp. Lãnh đạo xã đầu tiên thu hồi phần đất của dân, phân lô và bán đất để xây dựng căn hộ. Dân phản đối mạnh mẽ thì nói rằng khu đất này là của quân đội. –   Doanh nghiệp Viettel là đơn vị kinh tế  của quân đội.  Dân biểu tình thì Viettel xuống xã yêu cầu dân làng chỉ rõ gianh giới giữa khu nông nghiệp và quân đội. Khi đó cụ Kình và một số đông dân làng đi ra khu đất tranh chấp để chỉ rõ ranh giới, Viettel nói đi đông quá không làm được việc, nên chỉ có 10 người đi với cụ Kình thôi.
Đến nơi, thì lập tức bắt luôn cụ Kình và một số người về HN.
Qua đây, tôi thấy nếu thông tin trên là đúng thì cách ứng xử với dân như vậy là lừa dân đưa đi chỉ ra ranh giới khu đất tranh chấp để bắt luôn (tội lừa đảo). Hai là bắt dân không có lệnh của cơ quan có thẩm quyền là phạm pháp. Ba là cụ Kình 80 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng dù bất cứ lý do nào bị hành hung đến thương tích phải đi bệnh viện cứu chữa là do hành động của côn đồ phải bị xử lý trước pháp luật.
Dân không còn tin chính quyền ở cơ sở nên chính quyền thành phố cần xác định ranh giới rõ ràng giữa 3 phần đất. Nếu đất là của khu quân đội thì cần phải xem xét lại. Đất quân đội là đất quốc phòng, nếu khu đất này giao cho Viettel để làm các dịch vụ phi quân sự thì nên trả lại cho dân để dân sản xuất.  Viettel là doanh nghiệp Nhà nước (quân đội) kinh doanh chứ không phải công trình quốc phòng, còn nếu muốn sử dụng đất, phải “thuận mua, vừa bán” trực tiếp với dân.
Về tổng thể Chính phủ nên rà soát lại diện tích đất đai do quân đội quản lý. Dư luận của dân các nơi đều nói Quân đội chiếm quá nhiều đất. Nếu phần đất nào dùng với mục đích phi quân sự thì nên thu hồi lại để nhà nước sử dụng vào các việc công ích khác.
Chính phủ cần có cơ chế rõ ràng trong việc thu hồi đất vì các Doanh nghiệp, nhất là các đại gia cấu kết với Chính quyền các cấp  thành các nhóm lợi ích thì sẽ bần cùng hóa người dân và sự chênh lệch giàu nghèo, bất công xã hội sẽ tăng cao, có nguy cơ gây bất ổn cho xã hội.
Thay cho lời kết
Nhìn chung: Luật pháp về đất đai vừa lạc hậu so với thực tế, ban hành và hướng dẫn chậm, không nhất quán, cộng thêm năng lực thực thi kém, khá nhiều cán bộ vụ lợi, kiếm chác thì phải thấy lỗi trước hết thuộc chính quyền, đừng vội đổ cả cho dân.
Cần khẳng định: Dân nếu có sai thì vẫn là DÂN TA, không phải kẻ thù. Đừng xô họ về kẻ địch! Vả lại, ở Đồng Tâm cán bộ, đảng viên sai bị tố, bị kỷ luật ai cũng thấy, còn dân sai chưa ai thấy, trừ chính quyền Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà nội.
Một câu hỏi được đặt ra lãnh đạo Hà Nội có nên nhân dịp này sửa sai và lấy lại lòng tin của nhân dân Đồng Tâm nói riêng và nhân dân cả Hà Nội nói chung hay không? Nghĩa là biến sự cố không may này thành cơ hội sửa chữa sai lầm, vực Hà Nội phát huy vai trò thủ đô của đất nước. Là thủ đô của cả nước, có dám nêu gương này không? Hay là chỉ trấn áp bằng mọi thủ đoạn và đổ thêm dầu vào lửa?
Trước mắt, lãnh đạo Tp Hà Nội cần tiếp tục đối thoại CHÂN THÀNH với DÂN. Hủy bỏ lệnh hoặc hoãn việc khởi tố ở Đồng Tâm đi và sau đó sẽ thỏa thuận về các phương án khác nhau. Hãy tôn trọng DÂN và hành động theo nguyên tắc WIN- WIN.
Tô Văn Trường
(Blog Kỳ Duyên)
————
Hơn 150 nông dân biểu tình bên ngoài văn phòng Quốc hội tại Hà Nội hôm 16/1/2007 do chính quyền địa phương  thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây tịch thu ruộng đất của họ vào cuối năm 2005 nhưng không bồi thường thỏa đáng.
Hơn 150 nông dân biểu tình bên ngoài văn phòng Quốc hội tại Hà Nội hôm 16/1/2007 do chính quyền địa phương thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây tịch thu ruộng đất của họ vào cuối năm 2005 nhưng không bồi thường thỏa đáng.
Cuộc khủng hoảng tại Đồng Tâm, Mỹ Đức Hà Nội, liên quan đến việc thu hồi đất đai nông nghiệp để giao cho các doanh nghiệp kinh doanh. Việc thu hồi đất đai như vậy, không phải diễn ra lần đầu tiên tại Việt Nam, và diễn ra rộng khắp trên cả nước. Có thể kể ra những vụ tiêu biểu như Văn Giang, Đông Anh, Trịnh Nguyễn, Tiên Lãng,… Ngoài ra tại các cơ quan của đảng cộng sản và chính quyền trung ương ở thủ đô Hà Nội, người ta thấy sự có mặt thường xuyên của những đoàn nông dân mất đất khắp nơi trên cả nước tụ tập về để kêu oan.

Chúng tôi xin trích ý kiến của bà Phạm Chi Lan, một chuyên viên kinh tế xung quanh những vấn đề đất đai nông nghiệp tại Việt Nam. Bà Phạm Chi Lan từng làm phó chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, thành viên ban nghiên cứu của thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Cuộc trao đổi với chúng tôi diễn ra 10 ngày trước khi bùng nổ cuộc khủng hoảng Đồng Tâm.

Đề nghị sở hữu tư nhân bị từ chối

Cho đến hiện nay đất đai tại Việt Nam, theo nguyên tắc cộng sản công hữu về tư liệu sản xuất, là thuộc về toàn dân. Người dân chỉ có một quyền gọi là quyền sử dụng đất.

Các vấn đề tranh chấp đất đai, nhất là đất nông nghiệp, bắt đầu nảy sinh từ khi Việt Nam chấp nhận cơ chế thị trường. Một trong những lý do nảy sinh tranh chấp là quyền sở hữu đất đai là của toàn dân do nhà nước đại diện, nhưng trên thực tế có nhiều thành phần khác nhau trong xã hội khai thác đất đai.

Vì lý do này vào năm 2013, một số trí thức và chuyên gia Việt Nam đã đề nghị nhà nước Việt Nam thay đổi luật đất đai với sự công nhận nhiều loại sở hữu khác nhau, trong đó có sở hữu tư nhân. Bà Phạm Chi Lan là một trong số những người đề nghị đó:

    Chúng tôi kiến nghị trước hết là cho nông dân, để cho người nông dân họ được sở hữu mảnh ruộng của họ hơn là chỉ có quyền sử dụng đất.
– Bà Phạm Chi Lan

“Chúng tôi kiến nghị trước hết là cho nông dân, để cho người nông dân họ được sở hữu mảnh ruộng của họ hơn là chỉ có quyền sử dụng đất. Mà quyền sử dụng đất đó tuy luật pháp giao cho nhiều quyền, nhưng nó khá mong manh, ở chổ là nhà nước vẫn giữ cái quyền thu hồi đất. Mà quyền thu hồi đất đó được thực hiện ở tới bốn cấp khác nhau, trong đó có cả cấp xã. Tức là ở cấp cơ sở người ta có thể thực hiện một cách rất là tùy tiện, chứ không đúng theo yêu cầu của luật, mà luật thì để ra một phạm vi quá rộng những tình huống mà nhà nước có thể thu hồi lại đất. Thành ra nó cho người nông dân được quyền sử dụng đất nhưng người ta cũng cảm thấy rất mong manh.”

Trong vụ khủng hoảng về đất đai mới nhất là Đồng Tâm, căn cứ theo những dữ liệu được báo chí chính thống Việt Nam nêu ra từ năm 2014 đến nay, có hai vấn đề gây nên khủng hoảng: thứ nhất là quyền sử dụng đất đã rất không rõ ràng giữa đất của quốc phòng và đất nông nghiệp giao cho nông dân sử dụng, thứ hai là việc lạm dụng quyền lực của các viên chức cấp xã và cấp huyện trong vấn đề phân chia quyền sử dụng đất.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng cần hạn chế quyền của nhà nước trong việc thu hồi quyền sử dụng đất của người:

“Cá nhân tôi rất muốn gỡ bỏ điều trong luật hiện nay nói là nhà nước, trong những lý do thu hồi đất, thì có lý do là những dự án phát triển kinh tế xã hội khác, vì cái đó nó quá rộng, không làm rõ các dữ liệu khác nhau nên dẫn tới tình trạng thu hồi đất thuần nông của dân rồi giao cho một ông doanh nghiệp khác để làm. Người dân được đền bù một thì đối với ông doanh nghiệp giá đất sau đó có thể lên đến cả trăm lần. Từ đó gây nên những chuyện khiếu kiện đất đai tràn lan ở Việt Nam. Chuyện đất đai trở thành một trong những cái bất công nhất ở Việt Nam hiện nay.”

Tại sao giao lấy đất của dân cho mục tiêu thương mại cá nhân?

Nông dân ngồi trên một khu đất nông nghiệp đã biến thành dự án khu dân cư ở ngoại thành Hà Nội hôm 4/4/2016. AFP photo

Chuyện các cá nhân hay công ty thu lợi từ đất đai nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng sang xây cất nhà cửa thường xảy ra ở những khu vực ven thành phố lớn, nơi đang chứng kiến một quá trình đô thị hóa rất nhanh chóng của Việt Nam.

Ngoài ra còn có các khu công nghiệp, các công ty xây nhà máy, khu vui chơi, cũng thu lợi từ việc lấy đất giá rẻ của nông dân qua bàn tay nhà nước, như trường hợp dự án Eco park ở Hải Dương, sân golf Đông Anh, dự án Viettel tại Đồng Tâm, đều dẫn đến những xung đột mà trong đó lực lượng chức năng của nhà nước giúp các nhà kinh doanh lấy đất.

Nhưng trong luật đất đai của Việt Nam lại có nêu ra rằng nhà nước sẽ thu hồi đất của dân vì những dự án phát triển kinh tế xã hội.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng người dân Việt Nam sẳn sàng hiến đất của mình để xây dựng các căn cứ quân sự bảo vệ quốc gia, xây trường học, cầu đường, nhưng nếu chỉ là mục đích thương mại thì chuyện trưng dụng đất của người dân là không thỏa đáng:

    Sự lạm dụng nhiều nhất, tức là nhân danh dự án kinh tế xã hội thì người ta làm là có thể nhà nước đứng ra thu hồi đất.
– Bà Phạm Chi Lan

“Cái đó nó gây ra sự lạm dụng nhiều nhất, tức là nhân danh dự án kinh tế xã hội thì người ta làm là có thể nhà nước đứng ra thu hồi đất nhưng lại giao cho một tư nhân khác, một tư nhân, hoặc một cơ sở của nhà nước, nhưng làm cái dự án mới hoàn toàn mang tính chất thương mại, chứ không phải mục đích công ích phục vụ công cộng.”

Bà Phạm Chi Lan nói rằng ngay cả khi Việt Nam công nhận quyền tư hữu về đất đai thì nhà nước cũng có quyền giữ cho mình quyền thu hồi đất của dân như tất cả những quốc gia khác, nhưng với điều kiện việc thu hồi đó phải thực sự là dùng vào mục đích công cộng.

Đề nghị của bà Phạm Chi Lan và các trí thức Việt Nam vào năm 2013 đã không được chấp nhận, và luật đất đai của Việt Nam cũng như hiến pháp 2013 sửa đổi chỉ công nhận một quyền sở hữu duy nhất là sở hữu nhà nước về đất đai.

Nhưng bà Phạm Chi Lan cho rằng nhiều chuyển biến lớn đã xảy ra từ năm 2013 đến nay đã khiến cho nhà nước Việt Nam bắt đầu có sự điều chỉnh, như mới đây chính phủ cho phép nghiên cứu để nới rộng quyền được canh tác trên diện tích lớn hơn của nông dân. Ngoài ra còn có quyền tài sản được bao gồm quyền sử dụng đất:

“Bộ luật dân sự Việt Nam được quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 11 năm 2015, có điều luật về quyền tài sản. Trong quyền tài sản có ghi quyền sử dụng đất cũng được coi là quyền tài sản. Coi quyền sử dụng đất là quyền tài sản và đưa vào luật đất đai là một mức độ công nhận cao hơn rất nhiều so với người có quyền sử dụng đất rồi. Quyền tài sản theo luật định lại là quyền bất khả xâm phạm. Có nghĩa là nếu sau này nhà nước muốn thu hồi đất thì phải có đền bù cho người dân theo cái cách là bù lại tài sản cho người ta, chứ không phải trưng dụng thu hồi như cơ chế trước đây nữa.”

Trong tình trạng luật pháp hiện nay, bà Phạm Chi Lan cho rằng nhà nước vẫn có quyền giữ lại đất đai để có thể sử dụng cho những chương trình, dự án của đất nước:

“Nhưng giữ lại như thế nào thì phải thật minh bạch, phải hỏi ý kiến người dân trước khi lấy lại cho một mục đích gì đó. Rất minh bạch trong cơ chế thi hành thì mới có thể được. Cái gây ra bất bình lâu nay là nó không minh bạch, không dân chủ trong quá trình lấy lại, gây ra uất ức, cảm thấy oan ức cho những người bị thu hồi đất. Nó đem lại lợi ích cho một nhóm nhỏ, thậm chí một cá nhân, một công ty tư nhân nào đó chứ không phải cho lợi ích chung của cộng đồng.”

 
————-
 
20/04/2017
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng hơn lúc nào hết, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cần sớm đối thoại với người dân để tìm ra lối thoát cho khủng hoảng ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Cảm ơn nhà báo Bảo Hà về bài viết “Đối thoại ở thôn Hoành” trên VnExpress. Thú thực, cả đời tôi chưa bao giờ đọc được một bài báo nào hay như vậy! Chị Bảo Hà đã đến được tận nơi và mô tả những người nông dân chất phác, lam lũ ở thôn Hoành, xã Đông tâm, Huyện Mỹ Đức và tình thế tuyệt vọng của họ chân thực đến nao lòng.

Thì ra, sự cục cằn, thô bạo của những người nông dân này chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Đằng sau lớp vỏ đó là những tâm hồn rất dễ bị tổn thương, là những nỗi niềm chất chứa không có cách gì giải bày cho hết.
Đó là những con người vừa mới quát tháo, nhưng lập tức nghẹn ngào trình bày những oan ức của mình khi được lắng nghe.
Ai muốn chặt đầu tôi thì chặt, nhưng tôi nhất quyết không bao giờ tin những người dân ở Đồng Tâm, Mỹ Đức là thế lực thù địch, là những kẻ chống phá chính quyền!
Người dân xã Đông Tâm cũng hiểu rất rõ toàn bộ sự nghiêm trọng của những việc mà họ đang làm. Nhưng, có lẽ, vì danh dự và vì trách nhiệm đối với cụ Kình, họ đã không làm khác được. Cái họ có thể làm và họ đã cố gắng làm là đối xử tử tế với những người bị bắt giữ làm con tin và không để xảy ra bạo lực đối với những người này.
Hiện nay, cả chính quyền và cả những người dân ở Đồng Tâm, Mỹ Đức đều cần một lối thoát. Lối thoát đó chính là đối thoại.
Và những người dân đã có lý khi họ đòi hỏi được đối thoại với cấp chính quyền mà họ chưa mất niềm tin. Đó là cấp thành phố. Rất may là tất cả chúng ta đều biết, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức khẳng định là ông sẵn sàng đối thoại với những người dân xã Đồng Tâm nếu cần thiết.
Xin thưa với Chủ tịch, đây là trường hợp cần thiết nhất từ trước đến nay đấy ạ!
Cứ nghĩ mà xem, với những kẻ ngoại bang xâm chiếm biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta còn đối thoại được, thì tại sao với những người dân của chính mình lại không?!
TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

(FB TS. Nguyễn Sĩ Dũng)
————
20/04/2017
Đồng Tâm
– Đêm hôm qua chị Nhung đã được nối máy gọi trực tiếp cho bố là ông cụ Kình, ở phòng chăm sóc đặc biệt, ông nói hiện nay sức khoẻ của ông đã phục hồi, các bác sĩ chăm sóc rất chu đáo, nếu mọi thứ ổn thì hôm nay ông sẽ được chuyển ra phòng hồi sức.
– Làng Hoành Đồng Tâm vẫn bình yên.
– 20 con tin vẫn chưa được thả.
– Lãnh đạo vẫn chưa có ai về gặp dân.
– Đài truyền thanh của Huyện Mỹ Đức vẫn phát bản tin buổi sáng với lời lẽ khá cứng rắn. Nói rằng dân kích động vi phạm luật pháp các cháu không được đến trường mầm non….
Về vấn đề này người dân nói rằng:
Cô Hiệu Trưởng trường mầm non là vợ của ông bí thư cũ ( ông này hiện đang bị bắt giam trên Huyện vì cũng liên quan đến tham nhũng đất đai ) vì muốn chuộc tội cho chồng nên đã vận động các giáo viên ký vào giấy về việc đất quốc phòng là đúng, sau đó phụ huynh học sinh đến đón con hoặc đưa con dến học thì cô lại mang biên bản nhờ phụ huynh ký vào?! Do vậy phụ huynh phản đối bằng cách không cho các cháu đến học là vì vậy.
– Tôi nghĩ hôm nay Thành Phố nên gặp dân, và để cho dân biết về sức khoẻ ông Kình.
– Tạm thời đình chỉ vụ án này hứa không bắt phạt ai, đồng thời cũng tạm đình chỉ chức vụ của các cán bộ Huyện, Xã có liên quan để xảy ra tình trạng lộn xộn trên. Đó là cách để làm yên lòng dân.
– Trong trường hợp giữa chính quyền và người dân cương quyết từ mặt nhau thì tôi sẽ nói người dân giúp cho chính quyền. Nhưng đó là con đường cuối cùng, và chính quyền thua tuyệt đối!
GS Lương Ngọc Huỳnh.
(FB Huỳnh Ngọc Chênh)