Tin Biển Đông – 19/04/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 19/04/2017

Biển Đông : Đài Loan tiếp tục quân sự hóa đảo Ba Bình

Thụy My

Hãng tin UPI hôm qua, 18/04/2017, dẫn nguồn tin từ báo chí Đài Bắc cho biết quân đội Đài Loan đề nghị tăng cường cho Ba Bình, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam, Philippines và Trung Quốc đang tranh chấp.

Theo tờ Apple Daily, bộ Quốc Phòng Đài Loan dự định trang bị một hệ thống có thể phóng nhiều hỏa tiễn từ xa, có khả năng chống đổ bộ, sẽ là xương sống cho hệ thống phòng vệ bờ biển.

Đài Bắc cũng xem xét khả năng triển khai hệ thống vũ khí tầm ngắn XTR-102, trong đó có hai khẩu súng tự động T-75 20 ly. Taipei Times cho biết loại vũ khí này do Viện nghiên cứu quốc gia Trung Sơn (Chungshan) thiết kế, có thể điều khiển từ xa. Hiện trên đảo Ba Bình đã được trang bị pháo phòng không 40 ly, 120 ly và hỏa tiễn chống tăng AT-4.

Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan dẫn lời phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trần Trung Cát (Chen Chung Chi) nói rằng bộ này đã vạch ra « một kế hoạch chi tiết và hoàn chỉnh » để « bảo vệ vùng biển của Đài Loan ». Các hình ảnh vệ tinh cho thấy các tháp pháo phòng không trên đảo Ba Bình từ tháng 9/2016.

Việc quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra, chủ yếu từ phía Bắc Kinh. Trung Quốc đã xây các phi đạo và nhà chứa máy bay trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đầu tháng Tư, Bắc Kinh cho triển khai các chiến đấu cơ J-11 tại quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Phía Việt Nam bố trí một hệ thống phòng không trên một đảo gần Đài Loan, còn Philippines có thể sẽ tập trận chung với Mỹ trong tháng Năm.

Đảo Ba Bình (Itu Aba Island) thuộc cụm Nam Yết ở quần đào Trường Sa, nằm trong địa phận tỉnh Bà Rịa của Việt Nam thời Pháp thuộc, bị quân Nhật chiếm làm căn cứ tàu ngầm trong Đệ nhị Thế chiến. Năm 1946 lợi dụng danh nghĩa giải giáp tàn quân Nhật, Trung Hoa Dân Quốc đã đổ bộ lên đảo Ba Bình.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170419-bien-dong-dai-loan-tiep-tuc-quan-su-hoa-dao-ba-binh

 

Trung Quốc gọi thầu thăm dò dầu khí Biển Đông

Bắc Kinh đang tìm kiếm các nhà thầu nước ngoài để giúp thăm dò dầu và khí đốt ở Biển Đông trong dự kiến sẽ gặp phải phản đối từ các nước có tranh chấp chủ quyền trong khu vực và hơn nữa việc tìm kiếm được dầu khí ở đây không có tiềm năng lợi nhuận cao.

Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tuần trước đã mời mời các công ty nước ngoài tranh thầu thăm dò tìm kiếm nhiên liệu hóa thạch tại 22 lô ở vùng biển phía nam Trung Quốc. Các lô này trải dài trên một vùng biển rộng 47.270 km vuông bao gồm vùng biển mà Đài Loan và Việt Nam có tranh chấp chủ quyền. Đáng lưu ý là Việt Nam đã thẳng thắn tuyên bố chủ quyền kể từ những năm 1970.

Vấn đề phức tạp

Các nhà phân tích cho rằng các công ty dầu hỏa nước ngoài quan tâm đến hồ sơ dự thầu có thể lo ngại các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc, vì việc tranh thầu này có thể gây phương hại uy tín của họ với các nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, hoặc bất kỳ trữ lượng nhiên liệu nào tìm được sẽ trở thành tài sản bị tranh chấp. Hạn cuối nộp hồ sơ tranh thầu là tháng 9 này.

Ông Thomas Pugh, chuyên gia kinh tế của Viện Capital Economics ở London, Anh cho rằng “khu vực này có nhiều vấn đề, có nhiều rủi ro liên quan đến tranh chấp chủ quyền. Nếu các công ty ký thỏa thuận với Trung Quốc và các công ty Trung Quốc, họ có thể đánh mất cơ hội làm ăn với các nước trong khu vực đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.”

Tranh chấp chủ quyền tiếp tục

Ông Raymond Wu, giám đốc công ty tư vấn e-telligence của Ðài Loan chuyên về các rủi ro chính trị nói rằng việc thăm dò có thể bị các nước khác phản đối.

Ông Wu nói: “Các bên tranh chấp khác không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.” Ông Wu nói thêm rằng các nhà thầu nước ngoài phải đối mặt “không chỉ với sự khó khăn và rủi ro trong việc thăm dò dầu khí, mà còn vấn đề trữ lượng nhiên liệu tìm được sẽ thuộc về nước nào. Vào thời điểm này tôi không thấy có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc. “

Vào tháng 5/2014, Việt Nam và Trung Quốc đã đâm thủng tàu thuyền của nhau ở bên ngoài Vịnh Bắc Bộ nơi đang tranh chấp, sau khi Bắc Kinh đưa một giàn khoan đến khu vực này.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc lo ngại Brunei, Malaysia và Philippines nên đã tăng cường kiểm soát khoảng 95% trong số 3,5 triệu kilômét vuông vùng biển vốn giàu tài nguyên, và trang bị máy bay chiến đấu và hệ thống radar ở các đảo nhân tạo.

Chi phí thăm dò tốn kém

Theo ông Zhao Xijun, Phó khoa Tài chính, Đại học Nhân dân Trung Quốc, thăm dò dầu khí cũng đòi hỏi máy móc thiết bị đắt tiền, và đó là điểm khó khăn cho một số nhà thầu tiềm năng, trong khi không ai chắc chắn sẽ khai thác được bao nhiêu nhiên liệu. Ông Zhao Xijun nói thêm rằng tập đoàn CNOOC hy vọng sẽ bù đắp những rủi ro này bằng cách mời thêm các đối tác nước ngoài.

Ông Zhao nói: “Điều đầu tiên là rủi ro khá cao và thứ hai, yêu cầu kỹ thuật khá cao. Có lẽ các tổ chức hoặc công ty có thể tham gia vào dự án này sẽ phải đối mặt với một trở ngại nhất định.”

Các nhà phân tích nói rằng giá dầu giảm làm hạn chế giá trị xuất khẩu của bất kỳ khoán sản nào khai thác được. Giá dầu thế giới đã giảm từ hơn 100 USD / thùng vào năm 2013 xuống đến nay chỉ còn một nửa.

Cơ hội

Tập đoàn CNOOC, nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc, cho biết trên trang web rằng sẽ chọn đối tác nước ngoài có một “tầm nhìn hợp tác cùng có lợi” và “các biện pháp linh hoạt và thuận lợi trong việc khai thác ở vùng biển sâu.”

Trang web của tờ Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc nói rằng vì hầu hết các lô khai thác đều gần Trung Quốc, nên đây là những khoản đầu tư ổn định cho các nhà thầu nước ngoài.

Trung Quốc cũng có một thỏa thuận với Việt Nam về việc sử dụng chung Vịnh Bắc Bộ, một khu vực dầu mỏ được nêu trong một hợp đồng mời thầu.

Ông Andrew Yang, Tổng thư ký của Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Cấp cao về Trung Quốc ở Đài Loan cho biết: “Tôi không nghĩ rằng đó sẽ là một vấn đề, bởi vì Trung Quốc và Việt Nam đã có một số thỏa hiệp hoặc phân giới cắm mốc, cố gắng phân chia lãnh hải, vì vậy nếu vấn đề này được nêu ra, tôi nghĩ rằng việc thăm dò này chắc chắn sẽ ở phần lãnh thổ Trung Quốc.”

Tuy nhiên, một chuyên gia nói với tờ Thời báo Hoàn cầu rằng những hãng khoan dầu nước ngoài có thể vẫn phải thận trọng hơn vì những tranh chấp lãnh hải.

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-goi-thau-tham-do-dau-khi-bien-dong/3816806.html

 

Hy vọng hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông năm nay

Khung cho Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông, gọi tắt theo tiếng Anh COC, có thể hoàn tất vào tháng 6 tới đây.

Quyền ngoại trưởng Philippines, Enrique Manalo, cho biết như vừa nêu và được tờ Inquirer của nước ông loan đi vào ngày 18 tháng tư.

Ông Enrique Manalo cho rằng quan điểm tích cực của Trung Quốc về COC sẽ góp phần vào việc đàm phán thành công giữa các thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia  Đông Nam Á ASEAN về vấn đề duy trì trật tự tại khu vực tranh chấp Biển Đông..

Ông Enrique Manalo cho biết thêm đến nay đã có 2 cuộc gặp giữa các chuyên gia của Trung Quốc và các nước ASEAN về vấn đề vừa nêu và đạt được những kết quả tích cực nhất định. Quyền Ngoại trưởng Phi cũng cho biết khung thỏa thuận đạt được sẽ có những yếu tố chính cần được đưa vào bộ quy tắc ứng xử.

Ông Manalo đánh giá cao sự tham gia đàm phán của Trung Quốc và cho rằng điều đó phần nào thể hiện sự tin tưởng giữa các quốc gia. Quyền ngoại trưởng Phi nói thêm rằng các quốc gia đã bàn về việc thiết lập bộ quy tắc ứng xử này suốt 15 năm qua nhưng bây giờ mới thực sự được thực hiện nghiêm túc.

Biển Đông hiện là vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, tuy nhiên các quốc gia khác như Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền tại đó.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/asean-hopes-up-on-code-of-conduct-04192017094511.html