Tin Việt Nam – 15/04/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 15/04/2017

Giới trẻ tiếp tục đấu tranh phản đối Formosa

Cát Linh, RFA

Thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh gây ra đã hơn một năm. Tuy nhiên cách hành xử của chính quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương không giúp giải quyết được tác hại mà dân chúng phải gánh chịu lâu nay.

Trong chuyên mục Diễn Đàn Bạn Trẻ kỳ này chúng tôi ghi nhận ý kiến của những thanh niên đang quan tâm đến môi trường biển bị ô nhiễm ở khu vực các tỉnh miền Trung do Formosa gây nên.

Không chấp nhận

52/53 lỗi vi phạm của Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh đã được khắc phục, chỉ còn một hạng mục “từ dập cốc ước sang dập cốc khô” sẽ được hoàn thành vào năm 2019.

Nội dung trên nằm trong biên bản đánh giá của Bộ tài nguyên và môi trường đưa ra tuần qua sau khi thực hiện công tác kiểm, cùng với lời yêu cầu Chính phủ phê duyệt cho phép Formosa “hoạt động trở lại”.

Quyết định này gây bức xúc cho những người đã và đang đấu tranh cho một môi trường sạch, đòi lại quyền lợi cho người dân miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Một nhà máy xả thải như thế, trước đây cá chết và hiện tại cá vẫn chết như thế, nước biển lúc xanh lúc đỏ mà vẫn cho nhà máy hoạt động, đó là đang giết hại dân Việt, không thể nào chấp nhận được.
-Lê Nhân, Nghệ An

Lê Nhàn, bạn trẻ ở Nghệ An lên tiếng:

“Em rất bức xúc, một nhà máy xả thải như thế, trước đây cá chết và hiện tại cá vẫn chết như thế, nước biển lúc xanh lúc đỏ mà vẫn cho nhà máy hoạt động, đó là một cái vấn đề rất bức xúc, 1 vấn đề đang giết hại dân Việt, không thể nào chấp nhận được.”

Đồng thuận với Lê Nhàn là khẳng định “Formosa không thể hoạt động lại” của Nguyễn Phương, một bạn trẻ đấu tranh, từ Sài Gòn. Nguyễn Phương phản đối việc cho phép Formosa hoạt động trở lại và không đồng ý với kết quả do Bộ Tài nguyên Môi trường đưa một cách nhanh chóng như thế.

“Formosa xả thải ra biển miền Trung không thể được phép hoạt động lại. Đây là thảm hoạ môi trường rất nghiêm trọng ở Việt Nam. Cũng như tại Nhật Bản ngày xưa có thảm hoạ Minamata phải tốn rất nhiều thời gian để Nhật Bản làm sạch lại môi trường biển. Họ nạo vét tất cả những cát bên dưới nơi xảy ra thảm hoạ. Cá được bắt lên để thiêu huỷ chứ dân không được ăn. Sau khi họ phát hiện ra bệnh Minamata thì mấy chục năm sau ở đó cá mới được ăn lại bình thường và người dân tắm biển trở lại bình thường.

Formosa xả thải như vậy mà trong một thời gian ngắn có thể khắc ph5uc được tất cả các lỗi thì không thể nào.”

Thêm vào đó Nguyễn Phương nhấn mạnh, chưa có ai đưa ra kiểm chứng một cách minh bạch về con số 52/53 vi phạm của Formosa đã được sửa chữa.

Cụ thể vào ngày 7 tháng Tư vừa qua, ông Dương Tất Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời báo chí trong nước cho biết đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá Formosa đã đáp ứng được các yêu cầu để cho phép lò cao số 1 đi vào vận hành và đề nghị công ty này tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại để đoàn công tác đánh giá tổng thể lại một lần nữa trước khi báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường và Thủ trướng Chính phủ chính thức cho phép Formosa đi vào hoạt động trở lại.

Không đồng ý với cách gọi này, Trần Minh Nhật, một cựu tù nhân lương tâm, cũng là người đồng hành với Linh mục Đặng Hữu Nam và toàn thể người dân Kỳ Anh khởi kiện Formosa ở Toà án thị xã Kỳ Anh, từ Phú Yên, đặt ra câu hỏi “như vậy trong thời gian vừa rồi không hoạt động hay sao?”

“Thông tin em có được và những clips mà em được người trong đó gửi ra biết chính xác là nó vẫn hoạt động. Không những thế mà trong những dịp trời mưa gió nó còn tranh thủ xả thải, đặc biệt là sau một cơn mưa người ta không đi đánh bắt cá đó, lúc đó nước sông buổi sáng hoặc sau khi là nó lại đỏ ngòm. Đỏ đó là do ai? Do Formosa hoạt động, do Formosa xả thải.”

Thế nên, đối với Trần Minh Nhật, cách nói như thế của Bộ Tài nguyên và Môi trường là một cách dùng từ mang tính “mị dân, đánh tráo khái niệm, hay nói cách khác là một cách lèo lái dư luận từ khi Formosa nhận lỗi.”

Lê Nhàn thì cho biết, nếu không phải nhân viên của nhà máy Formosa thì không ai được vào trong. Cho nên, anh không biết chính xác Formosa có hoạt động trong một năm qua hay không, nhưng qua những video người dân đưa lên các trang mạng xã hội thì anh tin rằng hoạt động của Formosa vẫn diễn ra bất chấp làn sóng biểu tình phản đối của người dân, bất chấp những thiệt hại nặng nề người dân phải chịu trong một năm qua.

“Nếu nó ngưng hoạt động thì làm gì có ống nước thải như ở cống số 1 cảng Sơn Dương liên tục xả thải đục ra biển?”

Sẽ tiếp tục đấu tranh…

Lê Nhàn kể lại đời sống của ngư dân Vũng Án thời gian qua có rất nhiều người đi ra biển thì không có cá, cá đánh về thì không bán được.

“Còn như dân Nghệ An, Phú yên thì nghề muối cũng có 1 số người ngưng sản xuất. Vì lượng muối sản xuất trước đây chưa tiêu thụ được, người ta vẫn còn sợ muối bị nhiễm độc. Ngư dân không sản xuất muối nữa. Thuyền bè thì hầu như ít ra khơi hơn. trước đây 1 tuần đi một lần, bây giờ có khi cả tháng, hai tháng mới ra một lần. Cuộc sống rất là khổ.”

Đã không chấp nhận một năm qua, thì bây giờ cũng thế. Những người đấu tranh ấy cho biết sẽ không thể nào chấp nhận sự hoạt động tiếp tục của một nhà máy đã bức tử vùng biển miền Trung và giết chết kế sinh nhai của hàng ngàn gia đình ngư dân.

Cho dù họ biết sẽ có rất nhiều khó khăn hơn nữa đang chờ trước mắt. Lý do chính vì nhà cầm quyền, đại diện là Bộ Tài nguyên môi trường đã đưa ra quyết định xem xét cho phép Formosa hoạt động trở lại.

Theo cách lý giải của Trần Minh Nhật, anh cho rằng đây chính là một “rào cản pháp lý” mà nhà cầm quyền đã dựng lên để cản trở người hoạt động môi trường không thể phản đối Formosa nữa. Thế nhưng, cũng chính anh cho biết, sẽ là một tác dụng ngược lại:

Khó khăn và những đau khổ thì người dân vẫn phải gánh chịu. Họ vẫn là nạn nhân trực tiếp, vẫn chưa thể phục hồi và cho đến nay họ vẫn chưa dám ăn cá. Cho nên không vì lý do gì mà những người hoạt động không tiếp tục.

-Trần Minh Nhật

“Đây phải là 1 trong những lý do để họ không dừng lại mà phải đấu tranh mạnh hơn nữa. Bởi vì nó là một sự gian dối. Không một người dân Kỳ Anh nào mà nói Formosa ngưng hoạt động trong thời gian qua. Và có thể nói là những cuộc biểu tình ngày càng đông, càng lớn của người dân Kỳ Anh để thấy rằng lòng dân và thực tế nó xảy ra khác với báo đài chính thống đã nói.

Và cái điều quan trọng là sinh kế, khó khăn và những đau khổ thì người dân vẫn phải gánh chịu. Đặc biệt là những vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, họ vẫn là nạn nhân trực tiếp, vẫn chưa thể phục hồi và cho đến nay họ vẫn chưa dám ăn cá.

Cho nên không vì lý do gì mà những người hoạt động không tiếp tục, mà phải làm sao cho môi trường này thật sự lành mạnh.”

Trần Minh Nhật nhấn mạnh thêm môi trường anh đề cập đến không chỉ đơn thuần là môi trường sự sống, mà nó là môi trường về nhân bản, môi trường về văn hoá, môi trường về con người.

Do đó, cá nhân của anh không thấy có lý do nào để nhượng bộ vì “tất cả những quyết định của nhà nước cho đến giờ phút này chỉ đơn phương giữa nhà nước và Formosa.”

Đó cũng là quyết định của Nguyễn Phương:

“Em và mọi người sẽ lên tiếng phản đối. Vì Formosa tiếp tục hoạt động là biển miền Trung sẽ chết. Người dân miền Trung sẽ tiếp tục lên tiếng mãnh liệt hơn vì biển là nơi họ sinh sống, không thể nào bỏ đi được. Một số thanh niên ở đó đã tìm cách xuất khẩu lao động hoặc tìm cách vào Nam làm ăn.”

…Dù tiếp tục bị đàn áp

Rất nhiều những cuộc biểu tình phản đối, khởi kiện đòi bòi thường thiệt hại thoả đáng…diễn ra suốt 1 năm qua trên khắp mọi miền đất nước. Thực tế cho thấy cứ sau mỗi một cuộc biểu tình, là một số đông người dân bị đánh đập, bắt bớ, và cả tù đày vì những điều luật mơ hồ.

Ở Việt Nam thật sự không biết còn cách nào khác để thay đổi được. Mọi thông tin đều bị nhà cầm quyền bưng bít, cấm cản, người dân chỉ còn biết xuống đường biểu tình, kêu gọi lên tiếng.
-Nguyễn Phương

Thế nhưng, đó là động thái duy nhất người dân có thể lên tiếng, theo nhận định của những người trong cuộc.

Với Trần Minh Nhật, thật ra người dân đã có sử dụng biện pháp văn minh, đó là pháp lý, nhưng đã bị phá hoại và đàn áp nặng nề.

“Việc người dân sử dụng biện pháp pháp lý là một biện pháp văn minh nhưng đã bị nhà cầm quyền dùng mọi cách ngăn cản phá hoại. Cũng như nhà cầm quyền luôn sử dụng công cụ truyền thông báo giới để chụp mũ, bôi nhọ chính nghĩa và những công việc tốt đẹp của các nhà hoạt động và cả linh mục, giám mục. trong những công cuộc đồng hành với nạn nhân Formosa”

Nguyễn Phương tự hỏi “có còn cách nào khác nữa đâu vì nhà cầm quyền không bao giờ chịu ngồi lại và nghe dân”:

“Ở Việt Nam thật sự không biết còn cách nào khác để thay đổi được. Mọi thông tin, đường hướng đều bị nhà cầm quyền bưng bít, cấm cản, người dân chỉ còn biết xuống đường biểu tình, kêu gọi lên tiếng.”

Anh đề cập đến sự việc mới nhất diễn ra ở Lộc Hà, “thay vì nhà cầm quyền ngồi lại và đàm phán với dân thì họ lại chọn cách đánh dân, dẫn đến việc người dân phải kéo đến huyện để biểu tình.”

Không phải chỉ riêng những người đấu tranh cho môi trường biển đều có sự phản đối, mà tất cả những ai biết được thông tin nhà máy Formosa được phép hoạt động trở lại đều mang chung cảm giác phẫn nộ. không khó để tìm thấy lời kêu gọi cùng đứng lên yêu cầu nhà nước Việt Nam phải bảo vệ người dân Việt Nam. Nếu lời kêu gọi của họ không được tiếp nhận, thì Trần Minh Nhật dự đoán:

“Em nghĩ rằng trong thời gian tới sẽ không dừng lại mà sẽ tiếp tục nổ ra mà nó vẫn còn tiếp tục nổ ra và tiếp tục có những diễn biến mà họ không muốn mà nhà cầm quyền cũng không mong. Khi nỗi oán hận dồn nén lại thì nỗi bức xúc nó càng mạnh hơn.”

Và cuối cùng, anh cho biết theo anh và theo phản ứng của bà con miền Trung cả nước, thật là sai lầm khi nhà cầm quyền đã chọn Formosa để đối đầu, đối nghịch với người dân. Đó là một dấu hiệu nó thể hiện rằng đây là một cuộc chiến mà nhà cầm quyền đã đẩy người dân đến thế đối đầu.”

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/YouthForum/vn-young-keep-fighting-to-protest-formosa-04142017132611.html