Lôi bác sĩ gốc Việt ra khỏi máy bay có mang tính kỳ thị?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Lôi bác sĩ gốc Việt ra khỏi máy bay có mang tính kỳ thị?
Bùi Văn Phú
Gửi cho BBC từ Californa
13 tháng 4 2017

Ông Oscar MunozBản quyền hình ảnhREUTERS
Image captionÔng Oscar Munoz, CEO của United Airlines
Sự kiện bác sĩ David Đào, tức Đào Duy Anh, một người gốc Việt định cư ở Mỹ từ năm 1975 bị nhân viên an ninh phi cảng Chicago lôi ra khỏi máy bay của hãng hàng không United Airlines đã gây sốc cho rất nhiều người.
Khúc phim được hành khách trên cùng chuyến bay ghi lại và đưa lên mạng xã hội cho thấy ông Đào bị ba người dùng vũ lực lôi ra khỏi ghế ngồi trên máy bay, rồi kéo lê ông trên sàn và đưa ra khỏi phi cơ.
Ông đã bị thương tích nơi miệng, máu chảy thành hàng khi vụ việc xảy ra.
Chuyến bay đưa ông Đào từ Chicago về nhà ở gần Louisville, Kentucky đầy kín hành khách. Nhưng vào giờ chót hãng United Airlines phải đưa bốn nhân viên, gồm phi công và tiếp viên phi hành, đi Louisville để hôm sau bay chuyến sớm từ đó. Theo nội quy của United Airlines, nhân viên hãng được quyền ưu tiên hơn hành khách, nên đã có yêu cầu nếu hành khách nào tự nguyện nhường chỗ để đi chuyến vào hôm sau thì sẽ được bồi hoàn thêm với số tiền lên đến 800 đôla.
Vì không có ai muốn thay đổi lịch bay để ở lại Chicago lâu hơn và theo nội quy nhân viên sẽ chọn bốn khách, theo cách ngẫu nhiên, sau khi đã bỏ ra ngoài những hành khách không thể hoãn chuyến bay như người tàn tật và trẻ con. Hành khách còn lại cũng có ưu tiên ở lại trên chuyến bay là người mua vé với giá cao, người thường bay với hãng, vì thế hành khách bị yêu cầu rời phi cơ nhường chỗ cho nhân viên của United Airlines là những người mua vé giá thấp.
Trong bốn người được lựa chọn phải nhường chỗ, ba người đồng ý rời phi cơ. Bác sĩ David Đào từ chối vì ông phải tiếp bệnh nhân vào sáng hôm sau.
Vì từ chối làm theo yêu cầu của tiếp viên hàng không nên nhân viên an ninh phi cảng đã được triệu tập đến để đưa ông ra khỏi phi cơ.
Cách hành xử của những nhân viên an ninh này, như đã thấy qua các khúc phim trên mạng xã hội, rất là thô bạo.

Một hành khách bị lôi ra khỏi máy bay United Airlines một cách thô bạo.
Nhiều người cho rằng cách đối xử của nhân viên phi hành và an ninh là mang tính kỳ thị đối với một hành khách da mầu.
Đối với những quốc gia không thích Hoa Kỳ, đây là cơ hội để nói rằng nước Mỹ là nơi đầy tính kỳ thị.
Nước Mỹ kỳ thị người da đen trong lịch sử và còn kéo dài trong những năm qua với nhiều vụ cảnh sát bắn chết người da đen.
Nước Mỹ kỳ thị người Mexico và Mỹ Latin qua chính sách siết chặt biên giới và tống xuất di dân bất hợp pháp về nước.
Bây giờ rõ ràng nước Mỹ kỳ thị người châu Á qua vụ việc nhân viên an ninh phi cảng dùng bạo lực lôi bác sĩ David Đào ra khỏi phi cơ.
Khi có nhiều người da đen bị cảnh sát da trắng bắn chết trong vài năm qua nên có phong trào Black Lives Matter ra đời để phản đối những hành động kỳ thị.
Khúc phim về bác sĩ David Đào ở Mỹ có vài triệu người xem. Khi được đưa lên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc thì đã có hơn 800 triệu lượt xem với nhiều lời bình chỉ trích nước Mỹ. Lúc đầu vì tưởng nạn nhân là một người Hoa nên đã có phong trào Chinese Lives Matter ra đời.
Nghi vấn về việc hành xử mang tính kỳ thị người da mầu tăng lên khi Tổng giám đốc của United Airlines lên tiếng bênh vực nhân viên của hãng và đổ lỗi cho nạn nhân trong thông báo đầu tiên đưa ra.
Biểu tình nhỏ tại sân bay O'Hare, Chicago, phản đối hãng hàng không United Airlines trong vụ hành hung ông David Dao.Bản quyền hình ảnhREUTERS/KAMIL KRZACZYNSKI
Image captionBiểu tình nhỏ tại sân bay O’Hare, Chicago, phản đối hãng hàng không United Airlines trong vụ hành hung ông David Đào
Trong khi đó một số cơ sở truyền thông như các báo Daily Mail và New York Post khi tường thuật vụ việc còn đưa ra những thông tin không tốt về đời tư của bác sĩ David Đào, như sự kiện ông đã bị treo bằng hành nghề trong nhiều năm.
Ngày thứ Ba 11/4 cổ phiếu United Airlines xuống hơn 3% vào buổi sáng, đến chiều kéo lên được chút ít nên còn mất hơn 1%, tức vài trăm triệu đôla. Sang thứ Tư cổ phiếu của hãng tiếp tục rơi thêm 1.1% nữa.
Đến lúc này ông Oscar Munoz mới nhận lỗi lầm của hãng. Xuất hiện trong chương trình Good Morning America của kênh truyền hình ABC vào sáng 12/4, ông Munoz xin lỗi bác sĩ David Đào và ông thông báo sẽ bồi hoàn giá vé cho toàn thể hành khách của chuyến bay hôm đó. Ông cũng hứa là sẽ không để cho những sự việc như thế xảy ra nữa.
Trong hai ngày qua trên mạng change.org đã có một kiến nghị yêu cầu Tổng giám đốc Oscar Munoz từ chức và đã có trên 70 nghìn người ký. Tuy nhiên cho đến nay không có dấu hiệu gì người đứng đầu hãng hàng không United Airlines sẽ rời chức vụ.
Xem đoạn phim thấy cách hành xử hung bạo của nhân viên phi hành và an ninh phi cảng là điều không thể chấp nhận được cho một công ti mang tầm vóc quốc gia và quốc tế như United Airlines.
Vụ việc sẽ ảnh hưởng đến tài chánh của United Airlines và kéo dài bao lâu tùy thuộc vào những thay đổi trong chính sách của hãng đối với khách hàng trong những ngày tới.
Còn chuyện có mang tính kỳ thị hay không thì chưa thể kết luận được vì những yếu tố cấu thành hành vi mang tính kỳ thị chưa được biết rõ và cần phải điều tra.
Bác sĩ David Đào hiện đang được điều tại một bệnh viện ở Chicago và ông đã thuê hai luật sư để xúc tiến vụ kiện United Airlines ra tòa.
Hai luật sư đại diện cho ông Đào là Thomas Demetrio và Stephen Golan trưa ngày 13/4 đã có cuộc họp báo ở Chicago để tường trình về vụ kiện. Theo luật sư Demetrio thì ông Đào bị gãy mũi, gãy răng cửa và có thể bị chấn thương não.
Cũng theo luật sư đại diện, ông không tin là sự việc xảy ra với ông Đào là có tính kỳ thị sắc tộc.
Trong cuộc họp báo, bà Crystal Pepper là con gái của ông Đào đã thay mặt gia đình cám ơn mọi người đã quan tâm, đã hỏi thăm và cầu nguyện cho cha của bà và gia đình trong lúc khó khăn này.
Theo nhận định của các chuyên gia về luật pháp Mỹ thì có lẽ hai bên sẽ điều đình bên trong, thay vì phải công khai ra tòa mà cả hai đều không có lợi.
Vì thế toàn bộ sự thật quanh vụ bác sĩ David Đào bị lôi ra khỏi máy bay sẽ có những điều mà dư luận không bao giờ biết hết được.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.