Hội nghị trung ương 5 có bỏ phiếu thăm dò tổng bí thư?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hội nghị trung ương 5 có bỏ phiếu thăm dò tổng bí thư?

10/04/2017

 Từ sau tết nguyên đán 2017 đến  nay, có vẻ ông Đinh Thế Huynh trở nên chìm lắng hơn nhiều so với trước đó. Thay vào đó, người ta lại nhắc tới nhân vật cựu đại tướng công an Trần Đại Quang. Và gần đây nhất, một gương mặt có vẻ đang “nổi” là ông Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng.
Vào thời gian trước tết nguyên đán 2017, không có thông tin về thăm dò tổng bí thư mới. Nhưng sau tết, bắt đầu có dư luận về khả năng này sẽ diễn ra trong một hội nghị trung ương của đảng cầm quyền. Càng gần đến Hội nghị trung ương 5 – được cho là sẽ diễn ra vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2017, dư luận này càng rộ hơn.
Nếu luồng dư luận trên là có cơ sở, chính trường Việt Nam sẽ chứng kiến kịch bản “tổng bí thư ngồi nửa nhiệm kỳ” như trước đại hội 12 đã có tin như thế. Đồng thời, Hội nghị trung ương 5 sắp tới cũng khá giống với Hội nghị trung ương 10 diễn ra vào tháng Giêng năm 2015.
Trước Hội nghị trung ương 10 vào đầu năm 2015, đã diễn ra một cuộc chạy đua quyết liệt giữa những ứng cử viên có tiềm năng cho chức tổng bí thư đại hội 12. Kết quả cuộc bỏ phiếu thăm dò tại Hội nghị trung ương 10 đã được rất nhiều dư luận cho biết Thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức được phủ vòng hào quang chói lọi khi ông đứng đầu bảng tổng sắp, vượt trên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, vượt khá xa đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và bỏ xa “người thừa kế” Phạm Quang Nghị. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là cho tới nay đảng vẫn không hề cho công bố công khai về kết quả thăm dò này.
Nhưng sau Hội nghị trung ương 10, Thủ tướng Dũng đã không thể giữ được “phong độ”. Không biết vì quá chủ quan hay bị bất ngờ, ông Dũng đã “rớt đài” tại đại hội 12, không những không trụ được trong bộ Chính trị mà con không giữ nổi ghế nào trong Ban chấp hành trung ương.
Còn bây giờ, sau khi Nguyễn Tấn Dũng “không còn nữa”, đang có dư luận về những ứng cử viên mới cho chức vụ tổng bí thư: Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, và có thể cả Nguyễn Thị Kim Ngân.
Dư luận về khả năng bỏ phiếu thăm dò chức vụ tổng bí thư tại Hội nghị trung ương 5 đã phần nào xác nhận tâm lý “muốn nghỉ” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy vậy, từ “muốn” đến khi thực sự thôi giữ chức có thể là cả một khoảng thời gian dài. Nếu khoảng cách từ Hội nghị trung ương 10 đến đại hội 12 là một năm, có thể cho rằng nếu Hội nghị trung ương 5 tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tổng bí thư thì có sớm cũng phải đến giữa năm 2018, Việt Nam mới có tổng bí thư mới.
Vào nửa cuối năm 2016, ứng cử viên tiềm tàng nhất thường được công luận đề cập là ông Đinh Thế Huynh – Thường trực Ban bí thư và gần gũi với Tổng bí thư Trọng. Chuyến đi đột xuất của ông Huynh đến Washington vào cuối tháng 10/2017 và ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ càng khiến dấy lên dư luận về việc ông Huynh là ứng cử viên số 1 nếu ông Trọng nghỉ.
Tuy nhiên từ sau tết nguyên đán 2017 đến  nay, có vẻ ông Đinh Thế Huynh trở nên chìm lắng hơn nhiều so với trước đó. Thay vào đó, người ta lại nhắc tới nhân vật cựu đại tướng công an Trần Đại Quang. Và gần đây nhất, một gương mặt có vẻ đang “nổi” là ông Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng.
Vào thời gian này, không còn nghe dư luận về việc “tổng bí thư phải là người Bắc, có lý luận”. Thay vào đó, thông tin chính thức hơn là một tiêu chí được đề nghị của Ban Tổ chức trung ương về việc tổng bí thư phải là người từng kinh qua chức vụ bí thư tỉnh. Nếu căn cứ vào tiêu chí này, cả ông Nguyễn Xuân Phúc lẫn bà Nguyễn Thị Kim Ngân đều thỏa mãn. Tuy nhiên, dư luận chung cho rằng ông Phúc vẫn “trên cơ” bà Ngân một chút.
Thiền Lâm
(VNTB)