Người Buôn Gió – Không khí ngột ngạt trươc trung ương 5

Cac Bai Khac

No sub-categories

Người Buôn Gió – Không khí ngột ngạt trươc trung ương 5

08/04/2017

 

Trong một lần hội nghi trung ương giữa nhiệm kỳ vào năm 1997 ông Lê Khả Phiêu bất ngờ được bầu làm tổng bí thư. Một năm trước đó , năm 1996 ông Đỗ Mười được tái bầu cử làm tổng bí thư, nhưng một năm sau thì ông Đỗ Mười phải nhường chức cho ông Lê Khả Phiêu.
Hội nghị trung ương 5 khoá 12 này của đảng CSVN đang có những tin đồn đại về chuyện ra đi của ông Nguyễn Phú Trọng, một người đã quá già để đảm đương chức vụ tổng bí thư trong bối cảnh bề bộn của đất nước đang gặp phải.
Mặc dù ông Trọng tự ca ngợi đất nước dưới thời ông lãnh đạo chưa bao giờ được như thế này, nhưng câu nói đó không thể đánh lừa được dân chúng. Một năm sau khi ông tái cử tổng bí thư bằng cách tự chọn mình là người đặc biệt xứng đáng làm tiếp tổng bí thư, đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn của các sứ quân. Các địa phương, bộ ngành trăm hoa đua nở trong việc tố cáo, tranh giành nhau quyền lực để kiểm soát các nguồn lợi kinh tế. Từ thủ tướng cho đến chủ tịch xã đều lao vào cuộc tận thu tài nguyên, nguồn lợi của đất nước như những kẻ sống gấp trên con thuyền sắp đắm. Trá hình dưới vẻ một thủ tướng tướng chăm chỉ, xông xáo, phục vụ dân là một ông thủ tướng đang nuôi dưỡng phe cánh ngầm khổng lồ với những tài phiệt như Đặng Văn Thành đứng sau lưng làm hậu thuẫn thu hút tài chính. Gia đình Nguyễn Xuân Phúc từ vợ đến em vợ, em trai, con ruột, con rể đều trở thành những vòi bạch tuộc toả đi hút máu khắp nước.
Tận dụng cảnh hỗn loạn này, nhiều công ty đã làm ẩu để giảm chi phí, khiến môi trường khắp nơi cả nước bị nhiễm độc nặng nề. Như vụ công ty Formosa xả thải ra biển và vụ chủ tịch Huỳnh Đức Thơ ở Đà Nẵng dùng em rể vợ lẽ móc nối bán cảnh quan bán đảo Sơn Trà thu lợi.
Trước khối nợ công, chính phủ cắt giảm đầu tư công và tăng thu đủ mọi loại phí và tăng giá những mặt hàng nhà nước độc quyền để bù đắp. Khiến đời sống người dân càng ngày càng trở nên ngột ngạt đẩy các bức xúc bên trong dâng cao, chế độ CSVN gia tăng bắt bớ người bất đồng chính kiến với mật độ kỷ lục nhất từ trước đến nay. Hành động bắt bớ này càng khiến cho các mối quan hệ ngoại giao với phương Tây trở nên căng thẳng, một năm qua khi lớp lãnh đạo mới lên cầm quyền chưa có một sự kiện ngoại giao tiếp xúc với phương Tây nào đáng nói.
Việt Nam đang lùi xa và cô lập mình trước thế giới tiến bộ, về mọi mặt. Trong bối cảnh đó, lời đề nghị thay đổi tổng bí thư mạnh mẽ hơn là điều đương nhiên.
 Trước lời đề nghị đâu đó về việc rút lui, nhường ghế cho người khác. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm gì.?
Ông ta bày ra mọi trò để ngăn cản người khác đến cái ghế tổng bí thư, những điều kiện ông ta đặt ra hầu như không ai có đủ ngoại trừ ông ta và tay đàn em Nguyễn Xuân Phúc. Mặt khác ông cùng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thanh tra, kiểm tra bất cứ nơi nào mà ở đó có đơn thư, ý kiến về việc ông ta phải về vì không đủ năng lực lãnh đạo đất nước trong thời kỳ đen tối này.
 Thâm hiểm hơn, Nguyễn Phú Trọng lùi ngày khai mạc hội nghị trung ương 5 lại, để đợi Trung Cộng có thời gian tăng sức ép hỗ trợ ông ta. Cuộc họp của uỷ ban hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc vào ngày 15 đến 17 tháng 4 này sẽ có những thông điệp gửi hội nghị trung ương 5 tin xấu nếu như Nguyễn Phú Trọng về hưu. Cùng với sức ép này là các tuần chiến của Trung Cộng xuất hiện dày đặ ngoài biển Đông, nhằm hăm doạ các ý kiến trái chiều về Nguyễn Phú Trọng. Bản tin về những chiếc tàu chiến hung hãn này chỉ đưa trong nội bộ đảng cộng sản để hù doạ mối nguy mất chủ quyền nếu như Nguyễn Phú Trọng bị buộc về hưu, cấm không được đưa ra ngoài sợ dân chúng bức xúc sau khi có một bản tin về tàu ” lạ” bắn xối xả tàu cá ngư dân Việt Nam làm một người chết, được đăng trên các báo.
 Trong một diễn biến khác ở ngày giỗ tổ Hùng Vương tại Phú Thọ, chủ tịch nước Trần Đại Quang đi cùng với trưởng ban kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình dự lễ và thắp hương. Tiếp đó là đoàn lãnh đạp thành phố Hồ Chí Minh cùng với cựụ thủ tưởng là lễ dâng hương vua Hùng. Cùng ngày ở Quảng Trị, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phó thủ tướng Trương Hoà Bình, chánh văn phòng trung ương đảng Nguyễn Văn Nên và cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm lễ kỷ niệm trận chiến 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị.
Với những nhóm đi những nơi như thế này, người ta càng thấy rõ hơn sự chia rẽ về quan điểm của lãnh đạo CSViệt Nam trước hội nghị trung ương 5.
Chú ý hơn nữa ở trong nước, những cây bút chửi rủa đòi xử tội Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng, Nguyễn Tấn Dũng như cây bút Huy Đức lại an lành tha hồ lộng ngôn đòi bỏ tù các nhân vật trên. Ngược lại những người đụng chạm , chỉ trích đến tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như Nguyễn Văn Điển, Trần Thuý Nga, Vũ Quang Thuận lại bị bắt khẩn cấp tức thì. Một sự phân biệt cũng khá rõ rệt.
 Sự căng thẳng, ngột ngạt và áp bức này xuất hiện trong cơn cuồng quẫn muốn duy trì con đường CNXH  cứng nhắc mà Nguyễn Phú Trọng đã theo đuổi cả đời , từ khi là sinh viên cho đến nay đã tròn 50 năm, khi nhiều người khác phải xông pha bom đạn. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ vùi đầu trong đống kinh sách của Mác, Lê , Mao…và giờ đây ông ta kiên quyết phải giữ chủ nghĩa xơ cứng này bằng mọi giá, tất cả những gì khác nó đều bị ông quy kết là diễn biến, tự diễn biến, suy thoái, lệch hướng…ông ta sẵn sàng đổi mọi giá kể cả phụ thuộc vào Trung Cộng để giữ được lý tưởng đã ngấm vào máu của mình.
 Một số kẻ cơ hội như Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hoà Bình, Trương Tấn Sang, Đinh Thế Huynh.. nắm được tâm lý  cuồng của Nguyễn Phú Trọng , đã tranh thủ khích bác Trọng, khuấy động chính trường nhằm trục lợi cho vị trí của phe cánh mình.
 Đất nước này đang thối nát, cần phải có con đường mới để đi. Phải bắt đầu từ những con đường mới, chứ không phải là bằng cách quay về thời kỳ cộng sản cực đoan như sách giáo khoa của đảng.
Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)