Đông Nam Á trong thế chân vạc tại Châu Á Thái Bình Dương

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đông Nam Á trong thế chân vạc tại Châu Á Thái Bình Dương

Ngoại trưởng Albert del Rosario: Philippines không thụ động trước hành động lấn chiếm của Trung Cộng – REUTERS /Romeo Ranoco

Theo RFI – Tú Anh – Thứ Năm 01 Tháng Năm 2014

Hoa Kỳ đặt kỳ vọng vào Đông nam Á để chiến lược xoay trục đạt được thành công : duy trì hòa bình và thịnh vượng cho khu vực và thế giới. Chuyến công du của Tổng thống Obama tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và kết thúc ở Philippines hôm 29/04 đã đạt được nhiều kết quả cụ thể trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại Trung Quốc bắt chước Nga lấn chiếm biển đảo ở biển Đông.

Chính tại khu vực biển Đông, yết hầu của con đường huyết mạch của hơn 60% trao đổi mậu dịch thế giới mà Tổng thống Mỹ đã đạt được hai kết quả quan trọng. Trong số những nước Đông nam Á bị đường lưỡi bò của Trung Quốc gậm nhấm, chính quyền Philippines và Malaysia chứng tỏ họ không thụ động.

Song song với nỗ lực kiện Bắc Kinh ra tòa án Liên Hiệp Quốc, Manila đã nhân chuyến công du của Tổng thống Mỹ ký kết hiệp ước tăng cường hợp tác quân sự, củng cố hiệp định quốc phòng hỗ tương có hiệu lực từ năm 1951. Malaysia, sau một thời gian cơm không lành, canh không ngọt với Mỹ (từ vụ khủng hoảng tài chính 1997) đã đồng ý và ủng hộ chính sách tăng cường hải quân Mỹ tại Châu Á.

Từ thủ đô Philippines, quốc gia đang bị Trung Quốc lấn chiếm biển đảo, lãnh đạo siêu cường số một đã kêu gọi Bắc Kinh , tuy không gọi đích danh, phải tôn trọng quyền của các nước và các dân tộc trong khu vực được sống trong an ninh và chủ quyền quốc gia được tôn trọng.

Bản tin Anh ngữ của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc lập tức lên án «Washington xem Trung Quốc là đối thủ và không che giấu quyết tâm ngăn chận ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực».

Tuy nhiên , theo phân tích của chuyên gia Ngô Vĩnh Long, đại học Maine, Hoa Kỳ, Mỹ thật tâm chỉ muốn «xây dựng một mạng lưới tổ chức an ninh chung cho khu vực và không loại trừ Trung Quốc». Nhưng Trung Quốc thì chỉ muốn chia đôi thế giới để thống trị một nửa. Lấn chiếm Hoàng Sa , Trường Sa là để kiểm soát yết hầu kinh tế thế giới bất chấp quyền lợi của các lân bang và thế giới.

Hai quốc gia Malaysia và nhất là Phillippines đã dứt khoát bảo vệ chủ quyền trước tham vọng của Trung Quốc, và gia nhập thế chân vạc trong điều kiện thuận lợi cho đôi bên.

Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Obama không ghé Việt Nam còn Việt Nam, tuy bị Bắc Kinh hiếp đáp nhưng lại thờ ơ không ủng hộ Philippines, thành viên Đông nam Á đồng cảnh ngộ ? Giáo sư Ngô Vĩnh Long tỏ ý bi quan cho tương lai của Việt Nam «không hiểu vì sao nhiều người ở Việt Nam chỉ «chờ người dọn cỗ cho ăn nhưng cỗ dọn xong thì cũng không dám ăn vì… sợ thuốc độc».

Sau đây là phần phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Trung Quốc, từ Hoa Kỳ:

«Nói Tổng thống Mỹ đi trấn an nhưng trấn an như thế nào? Hoa Kỳ muốn các nước châu Á và thế giới biết rằng những cam kết của Mỹ bất cứ ở đâu thì Mỹ vẫn tôn trọng các cam kết đó với đồng minh. Cho nên Mỹ sang Hàn Quốc, Nhật Bản ở Bắc Á để củng cố các hiệp ước đó. Nhưng khi nói đến thế chân vạc, thì thật ra Mỹ muốn có một mạng lưới tổ chức an ninh chung cho toàn khu vực, trong đó một chân rất quan trọng là Đông Nam Á, Asean.

Nhưng Asean bị Trung Quốc đe dọa dùng mọi thủ đoạn để thúc ép cho nên hiện nay Asean vẫn chưa có đồng thuận chung làm sao bảo vệ an ninh khu vực. Thành ra, Tổng thống Mỹ sang Malaysia và Philippinnes. Với Malaysia, Tổng thống Mỹ muốn Malaysia nói rõ quyết định giúp đỡ khu vực như thế nào và đối với Philippines Mỹ muốn củng cố hiệp ước an ninh chung từ năm 1951.

Qua hiệp ước mới ký thêm, Mỹ muốn gửi thông điệp cho các nước trong khu vực biết là Mỹ muốn đóng vai trò giúp tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc tạo một mạng lưới an ninh chung. Nhiều người cho rằng Mỹ đối đầu với Trung Quốc nhưng thật ra trong hai mươi mấy năm nay Mỹ là nước giúp cho Trung Quốc thành cường quốc hiện nay.

Nếu hỏi ai là kẻ có vai trò trấn an các nước trong khu vực thì nước đó là Mỹ. Nhưng Mỹ phải nói rõ ràng vì nếu không, Trung Quốc tưởng lầm là bây giờ Mỹ đi với Trung Quốc và chia ảnh hưởng trong khu vực cho Trung Quốc nắm toàn bộ an ninh trong khu vực. Như vậy mà các nước khác họ sợ.

Nói trấn an thì đúng là có trấn an. Nhưng mặt khác, Mỹ nhắc nhở Trung Quốc và các nước khác là cho dù Mỹ ở cách xa 12 ngàn dậm nhưng Mỹ là cường quốc ở Thái Bình Dương cho nên Mỹ phải đóng góp dù Mỹ đang bận rộn ở các nơi khác, không để cho Trung Quốc lấn chiếm….»

Kính mời quý thính giả theo dõi toàn bài phân tích của giáo sư Ngô Vĩnh Long trong phần âm thanh.