Tin Việt Nam – 08/04/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 08/04/2017

Thượng đỉnh Trump-Tập ‘khuấy động’ Florida

Nghênh tiếp, biểu tình, ủng hộ, phản đối và bắt giữ, tất cả đều diễn ra cùng lúc tại Hạt duyên hải Palm Beach yên bình vào chiều ngày 6/4 khi cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và ông Tập

Palm Beach, một quận duyên hải yên bình ở bang Florida miền Nam nước Mỹ, bỗng trở nên sôi động vào chiều ngày 6/4, chung quanh địa điểm nơi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Miêu tả nơi ông Tập Cận Bình đặt chân tới, hãng tin Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc nói Palm Beach “giống như một hạt ngọc nhỏ nổi lên trên mặt biển ngọc lam”. Đây vốn là một địa điểm nghỉ mát, thư giãn, nổi tiếng với những bãi biển đầy nắng và gió của bang Florida. Nhưng báo chí địa phương ngày 6/4 cho hay nơi đây đã bị khuấy động bởi sự kiện mà cả thế giới đều dồn mắt theo dõi: cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và ông Tập.

Ngay từ trước khi ông Tập Cận Bình đến Florida, nhiều nhóm biểu tình người Việt và người Hoa đã có mặt tại một công viên gần khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông Trump, nơi gặp gỡ của lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Châu Ngọc An, Phó trưởng ban tổ chức biểu tình của phái đoàn người Việt Orlando, nói với VOA-Việt ngữ rằng đây là cuộc biểu tình “khí thế nhất” từ trước tới nay của cộng đồng người Việt.

Ông cho biết: “Khí thế rất sôi nổi. Tôi đã sinh hoạt cộng đồng này 20 năm nay, dự nhiều cuộc biểu tình, chưa có cuộc biểu tình nào sôi nổi như hôm qua. Đông người và khí thế nhất trong những cuộc biểu tình trong những năm vừa qua. Đếm không nổi. Nhiều quá. Khoảng hơn 500 người”.

Xen giữa những người biểu tình là một nhóm Pháp Luân Công người Hoa quyết tâm trụ lại tại đây cả hai ngày 6/4 và 7/4 để gióng lên tiếng nói phản đối chính quyền Bắc Kinh đàn áp và bắt giam các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Thành viên các nhóm biểu tình đến từ nhiều tiểu bang trên khắp nước Mỹ.

Băng rôn, biểu ngữ, cờ xí tràn ngập xung quanh nơi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc.

Trong khi cộng đồng người Việt đòi “Trung Quốc dừng xâm lấn Việt Nam”, “Trung Quốc cút khỏi vùng biển Việt Nam”…, thì cộng đồng người Hoa yêu cầu Bắc Kinh “Trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị ngay lập tức” hay “Giải phóng Tây Tạng”. Người biểu tình nói họ muốn người Mỹ biết rõ những gì đang xảy ra trên quê hương họ và nhận diện “bộ mặt thật” của chính quyền Trung Quốc.

Bên cạnh các nhóm chống đối ông Tập Cận Bình, còn có một nhóm người Hoa mang quốc kỳ Trung Quốc đi ủng hộ, nghênh đón Chủ tịch Trung Quốc.

Ông Châu Văn An cho biết: “Họ khoảng 40 người. Họ đi theo quấy rối trong lúc chúng tôi đi bộ từ công viên tới chỗ tập kết biểu tình. Họ đi dọc theo phá rối, chĩa những cái loa có công suất mạnh vào đoàn chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn giữ bình tĩnh. Họ chen vô chỗ chúng tôi đứng biểu tình. Nhưng rốt cục mình đông quá, mạnh quá nên trước khi phái đoàn của Tập Cận Bình tới nơi thì họ đã cuốn cờ rút lui”.

Cảnh sát Hạt Palm Beach cho hay có ít nhất 3 người bị bắt giữ trong lúc ông Tập đang trên đường tới dự cuộc họp với Tổng thống Mỹ. Những người này đã cố vượt lên trước đoàn xe mô tô đón Chủ tịch Trung Quốc. Ngoài ra, cảnh sát cũng tịch thu hai can xăng và các máy phát điện nhỏ mà các học viên Pháp Luân Công sử dụng cho dàn âm thanh của họ.

Ông Châu Ngọc An cho biết trong đoàn Việt Nam không có ai bị bắt giữ hay gặp trở ngại trong suốt cuộc biểu tình. Ông An nhận xét phái đoàn Việt Nam “rất đoàn kết” trong mục tiêu chống Tập Cận Bình, cho dù là người ủng hộ hay không ủng hộ ông Trump.

“Mục đích duy nhất là chống Tập Cận Bình thôi. Chuyện chống hay ủng hộ ông Trump thì hôm qua họ không thể hiện ra”.

Truyền thông địa phương cho hay một số người Mỹ cũng nhập đoàn với nhóm người có mặt tại địa điểm diễn ra thượng đỉnh. Một cặp vợ chồng ủng hộ ông Trump cho đài WPBF biết họ đến để “ủng hộ ông và cầu nguyện cho mọi chuyện diễn ra an toàn trong các cuộc hội đàm sắp tới với Chủ tịch Trung Quốc, và có thể hai nhà lãnh đạo sẽ đạt được thỏa thuận nào đó trước khi những chuyện như ở Syria xảy ra”.

Cuộc họp thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo Mỹ-Trung kéo dài 2 ngày (6/4 và 7/4). Nhiều vấn đề “nóng” trong chương trình nghị sự dự kiến sẽ được mang ra bàn thảo, trong đó có vấn đề Biển Đông, Bắc Triều Tiên, Đài Loan, thương mại, tiền tệ.

Trong buổi dạ tiệc sau cuộc họp dài với Chủ tịch Trung Quốc, ông Trump đùa rằng “Tôi chẳng có được gì cả, tuyệt nhiên không được gì cả” từ ông Tập. Nhưng ông cho biết thêm rằng hai bên đã nhanh chóng “phát triển tình bạn” và hứa hẹn “về lâu dài, chúng tôi sẽ xây dựng một tình bạn tuyệt vời, tôi đang mong chờ điều đó”.

Chủ tịch Trung Quốc không đưa ra bất cứ phát biểu nào với các nhà báo có mặt tại phòng ăn của khu nghỉ mát Mar-a-Lago.

http://www.voatiengviet.com/a/thuong-dinh-trump-tap-khuay-dong-florida/3800955.html

 

Luật sư Định:

Chính quyền cần chấp nhận dân kiện Formosa

Quốc PhươngBBC Tiếng Việt

Điều quan trọng đối với chính quyền Việt Nam lúc này là chấp nhận để người dân khởi kiện Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gang Thép Formosa, doanh nghiệp đã gây ra thảm họa môi trường biển nghiêm trọng ở duyên hải miền trung Việt Nam, một nhà hoạt động xã hội dân sự và luật sư nói với BBC nhân tròn một năm vụ thảm họa xảy ra (6/4/2016-6/4/2017).

Muốn tránh một ‘làn sóng phẫn nộ rộng khắp’ mà có thể là một ‘sự bất ổn không thể kiểm soát được’, nhà cầm quyền Việt Nam nên ‘khôn ngoan’ chấp nhận việc khởi kiện này, Luật sư Lê Công Định nói với Bàn tròn Thứ Năm của BBC Việt ngữ.

Nếu cứ tìm cách gây áp lực để cản trở và dùng hình thức đàn áp, thì chỉ tạo nên một làn sóng phẫn nộ rộng khắp và tôi nghĩ rằng đó là sự bất ổn không thể kiểm soát được, sự khôn ngoan của nhà cầm quyền nằm ở chỗ đóLS Lê Công Định

Bàn tròn nhìn lại tròn một năm vụ Formosa

Báo VN nói Nguyễn Văn Hóa nhận ‘ngàn đô’ để kích động

Linh mục bác cáo buộc ‘tôn giáo kích động’ trên báo QĐND

“Ở đây thực chất muốn đi chia lại mà thôi, chứ cũng không phải Nhà nước đi bồi thường cho người dân được,” ông Định nói.

“Và số tiền đó tôi xin nói thẳng là hoàn toàn không đủ vì thiệt hại về môi trường giống như nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh vừa nói là kéo dài 50-70 năm chứ không đơn thuần là một năm mà thôi.”

Theo cựu thành viên của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh thì ngay cả một năm, số tiền nửa tỷ đô la cũng ‘không giải quyết được’.

Giáo dân Song Ngọc và lời khuyên vụ Formosa

Vụ Formosa: Hàng ngàn người dân biểu tình tại Hà Tĩnh

Khi được đề nghị đưa ra một lời tư vấn khả thi và hợp lý nhất cho tất cả các bên trong giải quyết hậu quả vụ việc, Luật sư Định nói:

“Cho nên điều quan trọng nhất là lúc này để người dân lắng đi cơn phẫn nộ của mình là nhà cầm quyền phải chấp nhận chuyện người dân khởi kiện Formosa.

“Và nếu cứ tìm cách gây áp lực để cản trở và dùng hình thức đàn áp, thì chỉ tạo nên một làn sóng phẫn nộ rộng khắp và tôi nghĩ rằng đó là sự bất ổn không thể kiểm soát được, sự khôn ngoan của nhà cầm quyền nằm ở chỗ đó,” Luật sư Lê Công Định nói với BBC từ Sài Gòn.

‘Bao che, lấp liếm?’

Trước đó, cũng tại cùng cuộc thảo luận Bàn tròn Thứ Năm, nhà báo tự do JB Nguyễn Hữu Vinh nêu quan điểm về vụ Formosa, sau một năm nhìn lại, ông nói:

“Điều cần thiết nói ở chỗ Formosa này là người ta cần vạch rõ ra đây là một thảm họa môi trường thực sự, vấn đề ở chỗ là chủ thể đã gây ra thảm họa đã rõ ràng là Formosa, doanh nghiệp gang thép ở Formosa, thế nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vì lý do gì mà cứ ‘bao che, lấp liếm’, cứ làm những động tác mà người dân không thể hiểu nổi.

“Thực ra mà nói là ‘không thể hiểu nổi’, nhưng nói trắng ra họ đã tìm mọi cách để ‘bao che’ cho một đám gây thảm họa môi trường và bằng nhiều động tác, nào là huy động tất cả các cơ quan nọ kia, và bây giờ sau một năm người ta tuyên bố rằng Formosa đã đạt được các quy chuẩn, quy trình nọ kia.

Với những người quan sát sự kiện này và những người dân đấu tranh, thì số tiền 500 triệu đô la đền bù của Formosa… là điều mà người ta không thể chấp nhận được, lý do là 500 triệu đô la đó sẽ đền bù trong thời gian bao lâu? 6 tháng, 6 năm hay là 60 năm?Nhà báo dự do JB Nguyễn Hữu Vinh

“Cho nên bây giờ nhà cầm quyền cho hệ thống truyền thông bảo rằng biển đã sạch, rồi cá đã này khác, nhưng cho đến bây giờ họ chưa tuyên bố là vùng biển nào cá ăn được, vùng biển nào cá còn độc và như thế nào thì cá ăn được, như thế nào thì nước biển sử dụng được và chỗ nào muối làm có thể ăn được.

“Điều đó họ ‘cố tình lấp liếm’ bằng hệ thống truyền thông, bằng những văn bản có hiệu lực mà có người chịu trách nhiệm hẳn hoi, điều đó dẫn đến một điều là rất mất lòng tin và nghi ngờ trong công chúng, rồi chịu ra nhiều sự oán giận trong bản thân họ.”

Về số tiền đền bù mà nhà nước Việt Nam chấp nhận từ doanh nghiệp Formosa, nhà báo tự do JB Nguyễn Hữu Vinh nêu quan điểm:

“Với những người quan sát sự kiện này và những người dân đấu tranh, thì số tiền 500 triệu đô la đền bù của Formosa… là điều mà người ta không thể chấp nhận được, lý do là 500 triệu đô la đó sẽ đền bù trong thời gian bao lâu? 6 tháng, 6 năm hay là 60 năm?

“Bởi vì thảm họa Formosa theo các nhà khoa học, với những người có kinh nghiệm và với những cái đã xảy ra, thì năm, bảy chục năm nó mới hết, trong quá trình đó Formosa có đền bù đủ, hay là nhà nước Việt Nam đứng ra nhận đền bù…, họ sẽ đền bù trong bao lâu và đến bao giờ thì họ đền bù đủ.

“Tất cả những hành động đó đi ngược lại với lợi ích của người dân, đồng thời hành động dùng quân đội, dùng công an… dùng đủ mọi lực lượng, công an, cán bộ…, đàn áp người biểu tình nói lên nguyện vọng, tiếng nói của mình nói lên vấn đề bảo vệ môi trường và Formosa, chính đó là những điều đã làm cho Formosa trở nên trầm trọng hơn.

“Và tôi cho rằng vấn đề Formosa còn lâu mới giải quyết được theo chiều hướng và cách thức này của nhà cầm quyền Việt Nam chỉ đầy nhà cầm quyền vào thế bị động lúng túng và đẩy người dân vào thế thù địch mà thôi,” nhà báo tự do nói với BBC Việt ngữ từ Hà Nội.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn cuộc tọa đàm Bàn tròn Thứ Năm của BBC Việt ngữ nhân một năm xảy ra vụ thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra ở duyên hải miền trung Việt Nam với các khách mời Luật sư Lê Công Định, Nhà báo tự do JB Nguyễn Hữu Vinh, Linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng, phóng viên BBC Việt ngữ tại Bangkok Linh Nguyễn, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng và nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39538938