Hoa Kỳ và Trung Quốc: Trận đánh kinh tế?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hoa Kỳ và Trung Quốc: Trận đánh kinh tế?

RFA
05/04/2017

Hình ảnh kết hợp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng Thống Mỹ Donald Trump trước cuộc gặp sẽ diễn ra vào ngày mai, 6/4/2017.

Hình ảnh kết hợp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng Thống Mỹ Donald Trump trước cuộc gặp sẽ diễn ra vào ngày mai, 6/4/2017.

 AFP photo
Hoa Kỳ và Trung Quốc: Trận đánh kinh tế?

00:00/00:00

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Tuần này lãnh đạo hai nền kinh tế đứng đầu thế giới gặp nhau tại tiểu bang Florida của Hoa Kỳ trong hai ngày mùng sáu, mùng bảy. Đây là thượng đỉnh đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Donald Trump khi mâu thuẫn về quyền lợi giữa hai nước lên tới cao độ và có thể dẫn tới tranh chấp mậu dịch với hậu quả lan rộng qua nhiều nước.
Câu chuyện Bắc Hàn 
Nguyên Lam: Thưa ông, tuần này, khi Chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình có hai ngày hội kiến tại khu dinh cơ Mar-a-Lago của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ở Florida, thay vì trong Phủ Tổng thống tại thủ đô Hoa Kỳ, dư luận chú ý đến mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế có sản lượng đứng đầu thế giới. Từ khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump đã tiếp xúc với nhiều nguyên thủ quốc gia như Nhật, Anh, Đức nhưng lần này thì cuộc gặp gỡ lại có tầm quan trọng đặc biệt vì mâu thuẫn giữa hai nước cũng ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Riêng về lĩnh vực kinh tế, thưa ông, người ta nên chú trọng đến những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thế giới chú ý đến ba hồ sơ nhạy cảm giữa hai cường quốc ở hai bờ Thái Bình Dương. Thứ nhất là hành động khiêu khích của Bắc Hàn tại khu vực Đông Bắc Á mà Bắc Kinh không ngăn được nên Tổng thống Mỹ cho rằng nếu Trung Quốc không can gián nổi chế độ Bắc Hàn thì Hoa Kỳ phải giải quyết lấy và đấy là vấn đề mà Bắc Kinh quan ngại. Thứ hai, việc Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển Đông Nam Á gây lo sợ cho các nước trong khu vực nên Mỹ phải có thái độ và đã lấy những biện pháp cương quyết hơn. Thứ ba, Hoa Kỳ cho rằng mình gặp bất lợi từ chính sách kinh tế của Trung Quốc nên đòi điều chỉnh.

Riêng tôi lại chú ý đến sự kiện khác là hai vị nguyên thủ không chỉ nói chuyện với nhau mà có lẽ còn muốn chứng tỏ điều gì đó cho quần chúng của họ.
– Nguyễn-Xuân Nghĩa

Từ khi tranh cử cho tới gần đây, ông Trump đã nêu vấn đề, vì thế lần này người ta xem lãnh đạo hai nước có thể giải quyết theo hướng nào. Riêng tôi lại chú ý đến sự kiện khác là hai vị nguyên thủ không chỉ nói chuyện với nhau mà có lẽ còn muốn chứng tỏ điều gì đó cho quần chúng của họ.
Về phần Hoa Kỳ, nhiều công trình khảo cứu cho thấy từ khi Mỹ mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2000, nhiều triệu công nhân Mỹ bị mất việc do quan hệ mậu dịch bất lợi với nước Tầu. Đa số nạn nhân thuộc khu vực chế biến tại các tiểu bang Trung Tây và Đông Nam của nước Mỹ và lớp người bị thiệt hại nhất là dân Mỹ trắng có trình độ học vấn thấp, lớn tuổi và nghèo hơn cả nếu so với các thành phần dân số kia. Chính là lớp người này đã ào ạt bỏ phiếu cho ông Trump nên khi nhậm chức, ông muốn chứng tỏ là không quên lời hứa là tạo ra việc làm và chấm dứt lối giao dịch bất lợi và bất công với Bắc Kinh. Phần mình, ông Tập Cận Bình đã củng cố được quyền lực cá nhân nhưng vẫn cần ổn định nội bộ khi Đảng Cộng sản sẽ có Đại hội khóa 19 vào cuối tháng 10 này nên ông ta cũng muốn tránh một trận chiến kinh tế với thị trường xuất khẩu số một của Tầu là nước Mỹ.
Nguyên Lam: Ông vừa nhắc tới bối cảnh chính trị của hội nghị kỳ này. Thuần về kinh tế thì ông cho rằng lãnh đạo hai nước có thể làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta không ở vào vị trí khả dĩ suy luận ra việc đối thoại hay đối đầu giữa hai vị nguyên thủ Mỹ-Hoa, chính vì vậy mà lại cần nhìn vào thực lực kinh tế đôi bên thì may ra có thể thấy được các yếu tố gọi là tối đa hay tối thiểu của hai nước khi nói chuyện.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh theo chiến lược phát triển là lấy đầu tư rồi xuất khẩu làm lực tăng trưởng. Chiến lược ấy đạt thành quả ngoạn mục trong ba chục năm rồi đi hết sự vận hành từ năm 2008 khi thị trường nhập khẩu toàn cầu đều sa sút. Bắc Kinh bơm tiền kích thích kinh tế mà chất lên một núi nợ và một khối thương phẩm ế ẩm và cố chuyển hướng từ năm 2013. Đã từng chiếm tới 35% Tổng sản lượng, xuất khẩu của Trung Quốc giảm dần, nay chỉ còn trên 22%, dù sao vẫn là quá cao trong khi tiêu thụ nội địa chưa đủ mạnh để làm đầu máy cho đà tăng trưởng.
Kết quả là ngày nay, kinh tế Trung Quốc hết tăng như xưa mà vẫn quá lệ thuộc vào xuất khẩu, dù chưa lệ thuộc nặng như kinh tế Đức, Nam Hàn hay Liên bang Nga thì cũng bị rủi ro lớn nếu gặp khó khăn với Hoa Kỳ là nơi tiếp nhận đến 20% tổng số xuất khẩu. Bài toán chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình là thỏa hiệp mà không tỏ vẻ yếu đuối trước những đòi hỏi của Hoa Kỳ trong khi nội tình Trung Quốc cũng bắt đầu có bất ổn.
Bài toán kinh tế 
035_pbu537944_03-400.jpg
Ngân hàng Trung Quốc (BOC) ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, ngày 25 tháng 11 năm 2016. AFP photo
Nguyên Lam: Thưa ông, đó là về phía Trung Quốc, về phía Hoa Kỳ, bài toán của Tổng thống Donald Trump là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, ta không quên rằng mâu thuẫn mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có từ thời Chính quyền của Tổng thống George W. Bush và Barack Obama và chỉ lên tới cao độ với lập luận gay gắt của Chính quyền Donald Trump. Bây giờ, nói về thực lực để tính ra giải pháp tối đa hay tối thiểu trong cách đối đầu với Trung Quốc thì Nội các và Ban tham mưu của Chính quyền Trump cũng biết hơn 20% tổng số nhập khẩu của Mỹ là đến từ Trung Quốc và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp lẫn giới tiêu thụ Mỹ ham hàng rẻ của Tầu. Nói về tương quan lực lượng kinh tế của đôi bên thì Tầu cần bán hàng cho Mỹ mà Hoa Kỳ cũng cần nhập khẩu loại hàng rẻ của Tầu. Nếu chiến tranh mậu dịch bùng nổ thì đôi bên đều thiệt, nhưng kinh tế Trung Quốc bị bất lợi nặng hơn và lâu hồi phục hơn trong khi kinh tế Hoa Kỳ có tiềm lực phục hồi cao hơn vì còn dư công xuất để trám vào các mặt hàng mua của Tầu.
Tuy nhiên ta nên trở về bài toán chính trị của Tổng thống Trump. Thứ nhất, dù kinh tế Hoa Kỳ có dư công xuất thì cũng mất thời gian sản xuất mà thời gian là điều Tổng thống Mỹ ít có trước quá nhiều áp lực từ nhiều nơi trong viễn ảnh bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới. Thứ hai, nếu áp đặt thuế nhập nội trên hàng hóa từ Trung Quốc, dù chẳng tới 35 hay 45% như ông Trump đã hăm dọa khi tranh cử, thì hậu quả vẫn là làm hàng lên giá, gây thiệt hai trước tiên cho giới tiêu thụ bình dân và thành phần nghèo, vốn là cử tri đã ủng hộ ông khi bầu cử. Thứ ba, nếu mâu thuẫn ngoại thương bùng nổ với Trung Quốc thì nhiều nền kinh tế khác, như Việt Nam, cũng có thể thay Trung Quốc với loại hàng rẻ cho đại chúng như áo quần giày dép. Và nạn nhập siêu quá lớn của kinh tế Hoa Kỳ vẫn chưa kết thúc. Vì những lý do rắc rối này, tôi thiển nghĩ rằng ông Trump phải gay gắt đả kích các biện pháp thương mại bất chính của Bắc Kinh để chứng tỏ ý chí chứ thâm tâm cũng chẳng muốn gây ra chiến tranh mậu dịch.

Tôi thiển nghĩ ông Trump phải gay gắt đả kích các biện pháp thương mại bất chính của Bắc Kinh để chứng tỏ ý chí chứ thâm tâm cũng chẳng muốn gây ra chiến tranh mậu dịch.
– Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Có lẽ quý khán thính giả của chúng ta đã hiểu ra vì sao mà chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa nói đến những tính toán tối đa và tối thiểu của đôi bên khi đi vào vòng đàm phán tuần này. Nhưng thưa ông, nhiều người vẫn cứ nói Trung Quốc là chủ nợ của Hoa Kỳ, nếu mâu thuẫn bùng nổ thì dù không có một cuộc chiến mậu dịch, liệu Bắc Kinh có thể dùng khối nợ đó để gây sức ép với Hoa Kỳ hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng đây là một hiểu lầm rồ dại của Bắc Kinh mà báo chí Mỹ lại chẳng làm cho sáng tỏ. Quả thật, năm 2011, một giới chức cao cấp của Trung Quốc đã hăm rằng họ nên dùng võ khí tài chính là số Công khố phiếu Mỹ nằm trong tay Bắc Kinh như một bài học khi Hoa Kỳ chuẩn bị bán võ khí cho Đài Loan. Vì vậy, lần này, nhiều người cũng lo ngại việc Bắc Kinh sẽ bán tháo Công khố phiếu Mỹ và gây bất ổn tài chính cho Hoa Kỳ. Sự thật ở đây là Bắc Kinh chẳng có loại võ khí ấy, cùng lắm thì chỉ là đạn giấy!
Thứ nhất, từ năm ngoái, Bắc Kinh hết là chủ nợ số một của nước Mỹ và nhường vị trí đó cho Nhật Bản mà ít ai nói tới. Thứ hai, Bắc Kinh từng bán Công khố phiếu Hoa Kỳ mà chẳng làm thị trường tài chính nhúc nhích, như diễn đàn của chúng ta đề cập từ năm ngoái. Vấn đề then chốt là khi Trung Quốc đạt nhập siêu với Hoa Kỳ mà thu về đô la Mỹ, họ có thể làm gì, tại sao không đầu tư vào việc khác mà lại cho Mỹ vay bằng cách mua Công khố phiếu Mỹ? Sở dĩ như vậy vì ba lẽ. Nếu đạt xuất siêu 500 tỷ với Mỹ mà dùng lượng tiền đó bên trong thì sẽ làm tăng giá hàng xuất khẩu khi vẫn họ cần bán hàng với giá thật rẻ. Nếu đưa tiền vào Mỹ thì giúp cho lãi suất tại Mỹ giảm và càng kích thích tiêu thụ, có lợi cho việc xuất khẩu của Bắc Kinh. Cái lẽ thứ ba là thị trường trái phiếu Hoa Kỳ quá sâu rộng, lại có mức an toàn cao nên vẫn là nơi gửi tiền có lợi nhất. Bắc Kinh cho Mỹ vay tiền không để giúp Hoa Kỳ mà vì lợi ích của họ. Và đấy là một nhược điểm chứ không là ưu điểm của kinh tế Trung Quốc.
Chuyện giảm giá đồng Nhân dân tệ
035_pbu602835_02-400.jpg
Một nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc xem tỷ giá Shanghai Composite trên điện thoại hôm 5 tháng 4 năm 2017. AFP photo
Nguyên Lam: Nhân chuyện đó, hình như Chính quyền Donald Trump thường công kích Bắc Kinh là lũng đoạn ngoại hối khi ấn định tỷ giá đồng Nhân Dân Tệ quá thấp để bán hàng cho rẻ. Ông giải thích thế nào về chuyện ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra, Bắc Kinh đang nằm giữa vòng luẩn quẩn vì phân vân trước hai ngả. Một là giữ cho đồng Nguyên của họ không tăng giá quá mạnh gây bất lợi cho xuất khẩu vì làm hàng bán ra đắt hơn. Ngược lại, họ không thể định giá đồng bạc quá thấp vì đẩy thêm nạn tẩu tán tài sản. Trong khi Chính quyền Trump làm như không biết nỗi khổ tâm của Bắc Kinh nên lâu lâu đả kích họ tội lũng đoạn ngoại hối, là phá giá đồng bạc để chiếm lợi thế xuất khẩu. Chuyện này thì chỉ như lối đôi co nói thách khi vào đàm phán mà thôi.
Hoa Kỳ là siêu cường kinh tế số một với sản lượng là 19 ngàn tỉ Mỹ kim một năm, bằng 25% của toàn cầu. Nhìn cách khác, tài sản của tư nhân Mỹ còn cao hơn thế, đã quá 90 ngàn tỷ đô la, bằng 34% của toàn cầu so với có 9% của nền kinh tế Trung Quốc và giàu hơn khối Âu Châu có 500 triệu dân so với 300 triệu dân Mỹ. Trên thị trường tài chính, kết giá thị trường của tổng số cổ phiếu Mỹ, theo chỉ số Wilshire 5000 vào cuối Tháng Ba, lên tới gần 25.000 tỷ đô la. Đấy là thế mạnh của nước Mỹ. Nhưng ta cũng không quên Hoa Kỳ đang có khối nợ trị giá tới gần 20 ngàn tỷ và nhiều bài toán nan giải bên trong nên Chính quyền cần tìm thắng lợi có khi là biểu kiến với Bắc Kinh để tranh thủ dư luận hầu giải quyết các bài toán này trong mấy năm tới.
Nguyên Lam: Thưa ông, như vậy, chúng ta có thể kết luận những gì về thượng đỉnh sắp tới giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta không thể biết trước mọi chuyện nhưng nếu đi từ hoàn cảnh căn bản của hai quốc gia về chính trị lẫn kinh tế thì ta có thể dự đoán là đôi bên sẽ rất ồn ào trong năm nay nhưng đều muốn tránh một trận đối đầu về kinh tế cho tới khi lãnh đạo của cả hai đều củng cố được thế chính trị ở bên trong. Nhìn vào viễn ảnh xa thì lãnh đạo một xứ độc tài như Trung Quốc rất ít nói về ý thức hệ hay tư tưởng trong khi dư luận Mỹ lại cứ lo ngại và đả kích chủ trương quốc gia dân tộc của ông Trump. Bắc Kinh hiểu rõ sự tình nên như một con buôn, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể nhượng bộ để cho ông Trump đạt một số thắng lợi kinh tế hầu tránh phản ứng dữ dội hơn của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Á, là nơi Trung Quốc chưa có đủ thực lực quân sự mà Hoa Kỳ lại vẫn có nhiều đồng minh hơn.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn kỳ này.