Lạm phát ‘đối tác’, lắm mối tối nằm không!
05/04/2017
- Phạm Chí Dũng – VOA
Tranh biếm họa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ của tờ Hoàn cầu Thời báo
Có còn hơn không. Như lời an ủi cuối cùng vào buổi hoàng hôn nhiệm kỳ và chợ chiều chính thể.
4 tháng sau khi Hiệp định TPP hầu như tan vỡ, giới quan chức Việt Nam vẫn cố tự an ủi rằng “chưa có vấn đề gì lớn”. Sau biểu tả “triển vọng phát triển còn tốt lắm” của Tổng Bí thư Trọng, Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Tổng Thư ký Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Đỗ Thắng Hải làm tiếp việc liệt kê: “Xét cả về cấp độ phạm vi và quy mô hội nhập, TPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Ngoài TPP, Việt Nam còn có 10 FTA khác đã ký và đã có hiệu lực, 4 FTA đang đàm phán và 1 FTA đã kết thúc đàm phán nhưng chưa ký kết. Các FTA này bao gồm hầu như tất cả các đối tác thương mại chính của Việt Nam (như ASEAN, EU, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia…).
Tức nếu không có TPP, Việt Nam vẫn còn đến 15 FTA khác để hưởng lợi!
Có thật như vậy không?
Lắm mối tối nằm không
Những thông tin thương mại song phương trong thời gian gần đây vẫn phác họa một bức tranh hầu như chưa có gì sáng sủa. Ngay cả FTA với Hàn Quốc mà trong quá trình đàm phán đã khiến giới quan chức Việt phải “mất ngủ” vì thương thảo cả chuyện nhập khẩu… tỏi và ớt, ký xong mới thấy hình như hàng của Hàn nhập vào Việt Nam nhiều hơn và hiệu quả hơn là hàng Việt xuất sang Hàn.
Còn Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) – thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ và luôn giúp Việt Nam xuất siêu đến 20 tỷ USD hàng năm chứ không phải thường nhập siêu đến hơn 50 tỷ USD mỗi năm (cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch) như thương mại song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc – thì sao?
Vẫn mịt mờ chân mây. Đã một năm một quý tính từ thời điểm tháng 12/2015 khi EVFTA được ký kết chính thức, mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ mà chưa có động tác triển khai nào tiếp theo. Kinh tế Việt Nam cũng bởi thế vẫn chưa có gì được coi là “hưởng lợi” từ EVFTA.
Không chỉ chậm triển khai bởi những nguyên nhân kỹ thuật, EVFTA còn đặt cho giới chóp bu Việt Nam một câu hỏi mới toanh: nhân quyền.
Nếu một năm trước, vai trò của EU trong đàm phán thương mại và đối thoại nhân quyền gắn với thương mại với Việt Nam vẫn còn tương đối mờ nhạt trước vị trí đương nhiên của người Mỹ, thì kể từ giữa năm 2016, khi bắt đầu một cuộc “chuyển giao” về vai trò đối thoại và đàm phán nhân quyền đối với Việt Nam từ Mỹ sang EU, vai trò của EU và nghị viện khối này đã dần mạnh lên.
Bất chấp việc Việt Nam liên tục cử các phái đoàn đi châu Âu để “vận động”, EVFTA chỉ có thể được Nghị viện châu Âu thông qua một khi Việt Nam phải thỏa mãn đòi hỏi về cải thiện nhân quyền. Mà phải cải thiện một cách cụ thể chứ không thể “hứa lèo” như quá nhiều lần trước đây để sau đó Hà Nội vẫn tiếp tục đàn áp, đàn áp và đàn áp.
Còn FTA với Trung Quốc thì khỏi nói, vì mỗi năm Việt Nam lại phải nhập siêu từ Trung Quốc đến 37 tỷ USD theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch.
Thực trạng tương quan về thương mại song phương với các quốc gia như trên chính là một kiểu lạm phát FTA mà dẫn đến cảnh trạng “lắm mối tối nằm không”, rất tương đồng với cơ chế lạm phát đối tác chiến lược cũng của chủ thể Việt Nam.
Quơ quào đối tác chiến lược
Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Liên bang Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Australia (2009), Vương quốc Anh (2010), Đức (2011) và Ý (2013). Tổng cộng có đến 10 mối quan hệ đối tác chiến lược được thành lập. Trong số này, một số mối quan hệ như với Trung Quốc và LB Nga đã được nâng lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”.
Nếu nhìn vào danh sách các đối tác chiến lược mà Việt Nam đã thiết lập, có thể thấy có một số quốc gia mà tầm ảnh hưởng của họ đối với an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế của Việt Nam chưa đạt đến mức quan trọng, chưa nói đến mức “quan trọng chiến lược”. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến Tây Ban Nha. Tây Ban Nha hầu như không có ảnh hưởng gì tới an ninh, quốc phòng của Việt Nam, vị thế quốc tế của Tây Ban Nha cũng hạn chế hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác và ít có khả năng giúp đỡ Việt Nam nâng cao vị thế của mình.
Chính động cơ thỏa hiệp vô cùng tận về bạn bè rút cục sẽ chẳng mang lại một người bạn thực sự nào.
Vài năm trước khi xảy ra làn sóng đối tác chiến lược của Việt Nam với các nước, đã có nhiều ý kiến nêu rằng quá nhiều đối tác chiến lược thì khi xảy ra tình trạng khó khăn với Việt Nam, như bị gây áp lực quân sự từ Trung Quốc, thì các đối tác chiến lược khác sẽ không có trách nhiệm gì cả, họ xem đó là vấn đề riêng tư của Việt Nam, tức sẽ không có một nguồn lực tập trung để giải quyết vấn đề Việt Nam khi mà nguồn lực đó bị dàn trải quá nhiều.
Quả thực, khi có quá nhiều các mối quan hệ đối tác chiến lược thì bản thân các mối quan hệ đó không còn thực sự là “chiến lược” nữa. Việc đưa ra khái niệm “đối tác chiến lược” như là một từ khóa quan trọng trong tư duy đối ngoại Việt Nam hiện nay cũng vì vậy chẳng còn ý nghĩa gì.
Còn khi Việt Nam đánh đồng các mối quan hệ thực sự là “chiến lược” với các mối quan hệ dưới chuẩn, sẽ khiến các quốc gia thực sự quan trọng đối với Việt Nam không còn mặn mà với ý tưởng trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam, hoặc nếu đã trở thành thì sẽ giảm hứng thú trong việc duy trì sự phát triển thường xuyên mối quan hệ đó bởi họ nhận ra rằng Việt Nam không thực sự coi trọng họ như họ từng nghĩ.
Vào năm 2014 khi đối thoại về việc nới lỏng cấm vận võ khí sát thương cho Việt Nam, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, đã như mỉa mai: “Việc này phần lớn phụ thuộc vào Việt Nam muốn gì vì họ có nhiều đối tác, nhiều láng giềng, cũng như nhiều mối quan ngại về an ninh”.
Cho tới lúc này, có thể không quá hồ đồ để sơ kết rằng Nhà nước Việt Nam còn chưa thật sự hiểu họ muốn gì trong phong trào thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đặc biệt nhất, đối tác chiến lược toàn diện tưởng như lớn lao và bền vững nhất với Trung Quốc lại đã bị đáp trả bằng hình ảnh Bắc thuộc Biển Đông của giàn khoan HD 981, trong lúc hầu hết các “đối tác chiến lược” khác đều thờ ơ hoặc quay lưng với Hà Nội khi Việt Nam bị uy hiếp. Trong vụ HD 981, thậm chí trên kênh CNN toàn là những người đại diện ngoại giao của Trung Quốc phát biểu chứ không phải là đại diện ngoại giao của Việt Nam.
Kết quả hơn 15 năm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” cùng hàng chục đối tác chiến lược của chính thể này đã chỉ được đúc rút thành lời giễu cợt không thèm che đậy của chính giới quốc tế.
“Nhai lại” TIFA
Và kết quả hơn 15 năm của cơ chế “đa phương hóa thương mại” rút cục đã biến giao thương đối ngoại của Việt Nam thành một cái lẩu thập cẩm.
Không chỉ “lắm mối tối nằm không”, mà bi kịch còn đang đến rất gần – cả chính trị, quân sự lẫn thương mại.
Sau những gì “triển vọng phát triển còn tốt lắm” của Tổng bí thư Trọng cùng 15 FTA của Bộ Công thương, tuần cuối tháng Ba năm 2017 đã chứng kiến chính thể Việt Nam phải chính thức quay lại Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), sau khi đã “quên” hiệp định này của người Mỹ 6 năm về trước.
Giờ đây khi đã mất TPP, chính thể Việt Nam đang buộc phải quay lại điểm xuất phát TIFA. Lại mài đũng quần trong phòng đàm phán, hệt như hình ảnh đã từng với TPP từ năm 2010.
Có còn hơn không. Như lời an ủi cuối cùng vào buổi hoàng hôn nhiệm kỳ và chợ chiều chính thể.