Nhìn quan hệ Mỹ – Việt từ ngày 30/4
Theo BBC
Nhiều sinh viên từ Việt Nam nay sang Hoa Kỳ du học
Nếu lãnh đạo Việt Nam còn mang nặng tư tưởng bảo thủ về nước Mỹ, họ đã không cho người Mỹ, hay các nước tư bản, vào mở công ty; đã không gửi con cháu đến đó học tập và nhiều người đã chọn ở lại để lập nghiệp, hòa nhập vào đời sống như biết bao người Việt tị nạn cộng sản đã bỏ nước ra đi từ sau biến cố 30/4/1975.
Người dân Việt ngày nay sính hàng Mỹ, thích được du lịch Mỹ. Nhiều em được cha mẹ cho qua Mỹ học từ cấp hai, mùa hè nhiều gia đình gửi con em qua tham gia các chương trình sinh hoạt hè. Trên VTV có các chương trình Chiếc nón kỳ diệu, Chung sức đều là sản phẩm của truyền hình Mỹ.
Tại Việt Nam đã có nhiều cửa hàng thức ăn Mỹ từ KFC đến McDonald, Starbucks. Hà Nội, Sài Gòn, Hội An, Nha Trang là điểm đến của du khách Mỹ.
Người Mỹ cũng đã không còn nhìn Việt Nam là kẻ thù. Các Thượng Nghị sĩ John Kerry, nay là ngoại trưởng, và John McCain, là những cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam là những người đã thúc đẩy cho tiến trình quan hệ hai nước. Các tổng thống Bill Clinton, George W. Bush đã đến Việt Nam khi đang nắm quyền.
Tuy nhiên trong phát triển quan hệ hai nước, một nước Việt Nam cởi mở hơn về chính trị vẫn là quan tâm của những nhà làm chính sách Hoa Kỳ.
Washington muốn Việt Nam, thành viên của khối ASEAN, là một đối tác trong chính sách xoay trục của Hoa Kỳ.
Quan hệ hai nước đã phát triển nhiều trong hai thập niên qua, về kinh tế, văn hoá, giáo dục, an ninh. Riêng mặt quân sự, quốc phòng mới chỉ có những chuyến ghé cảng của tàu Mỹ và các chuyến viếng thăm định kỳ của bộ trưởng quốc phòng hai nước.
Việc mua bán vũ khí đã được đặt ra nhưng còn bị những giới hạn về tự do, nhân quyền tại Việt Nam làm cản trở.
Việt Nam có sẵn sàng để thành đối tác chiến lược với Mỹ hay chưa, điều này tùy thuộc vào Hà Nội.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.