Tin khắp nơi – 05/04/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 05/04/2017

Trump: Gặp Tập Cận Bình vừa ‘hấp dẫn’ vừa ‘khó khăn’

Steve Herman

Tổng thống Donald Trump sẽ hội đàm lần đầu tiên với Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Năm 05/4. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của Tổng thống Trump có thể sẽ mang lại kết quả nồng ấm như khí hậu ấm ám của bang Florida ở miền nam.

Tổng thống Trump viết trên Twitter tiên lượng của ông về cuộc gặp gỡ đầu tiên với chủ tịch nước Trung Quốc. Ông nói rằng đó sẽ là một cuộc thương thảo “rất khó khăn,” bởi vì Mỹ không thể “tiếp tục nhập siêu khổng lồ và thất thoát công ăn việc làm nữa.”

Trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump nói với các nhà kinh doanh có cơ sở sản xuất ở Mỹ rằng họ sẽ thấy rất “hấp dẫn” khi theo dõi cuộc họp của ông với Chủ tịch Tập Cận Bình ở Florida.

Tổng thống Trump nói: “Tôi rất mong chờ được gặp Chủ tịch Tập và phái đoàn Trung Quốc. Và chúng tôi sẽ xem mọi việc sẽ thế nào.”

Theo nhà phân tích kỳ cựu Yun Sun ở Trung tâm Stimson, thì nhà lãnh đạo Trung Quốc có phần chắc sẽ không đến Mỹ với hai tay không.

Bà Stimson nói: “Tôi ước đoán là Trung Quốc cử ông Tập đến Mỹ với một gói quà hào phóng khổng lồ, đó là đầu tư cơ sở hạ tầng nội địa ở Hoa Kỳ, và giúp Tổng thống Trump kiến tạo công ăn việc làm cho nước Mỹ như ông đã hứa.”

Nhiều nhà quan sát chuyên về Trung Quốc, như ông Scott Kennedy của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cảnh báo rằng không phải mọi thứ đều diễn ra đúng theo kịch bản đã soạn.

Ông Kennedy nhận định: “Một điều điên rồ gì đó có thể xảy ra ngoài dự đoán, chắc chắn như vậy. Quý vị biết đó một tin nhắn trên Twitter có thể làm thay đổi cả quỹ đạo của cuộc họp trong một chừng mực nào đó. Nhưng tôi dự đoán sẽ có rất nhiều phàn nàn không được thương thuyết, đặc biệt là rồi phía Trung Quốc sẽ ra về, để lại những lo âu và sốt ruột … và cuối cùng để chờ xem rồi chuyện gì sẽ xảy ra tiếp.”

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer lưu ý nhiều “vấn đề lớn” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc:

“Tấc cả mọi thứ, từ vấn đề Biển Đông cho đến thương mại và Bắc Triều Tiên. Có những vấn đề lớn về an ninh quốc gia và kinh tế cần phải được đưa ra giải quyết. Và tôi nghĩ rằng có rất nhiều vấn đề sẽ được mang ra thảo luận trong hai ngày hội đàm đó của hai nhà lãnh đạo.”

Tổng thống Trump đã có những phát biểu mâu thuẫn nhau về chính sách “một Trung Quốc” và các trao đổi giữa hai ông về vấn đề này sẽ được soi rọi rất kỹ ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương.

Trung Quốc xem Ðài Loan và một tỉnh phản loạn và chính sách của Bắc Kinh về Ðài Loan là không thương lượng.

http://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-thay-vua-hap-dan-vua-kho-khan-trong-cuoc-gap-voi-chu-tich-tap-can-binh/3795879.html

 

Dân biểu Ed Royce

gặp Đại sứ Ted Osius bàn về nhân quyền Việt Nam

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ chiều 4 tháng 4 đã tổ chức một cuộc gặp riêng với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam để bàn về tình hình nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á này.

Trong cuộc gặp gỡ, Dân biểu Hoa Kỳ Đảng Cộng hòa Ed Royce đến từ bang California, một trong những nhà lập pháp thường hay lên tiếng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đã bàn về sự cần thiết phải có những cải cách nhân quyền nghiêm túc ở Việt Nam, theo thông cáo báo chí của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện về sự kiện này.

“Nếu Mỹ và Việt Nam muốn xây dựng mối quan hệ vững mạnh hơn, chính phủ Việt Nam phải tôn trọng những nhân quyền cơ bản của người dân Việt Nam,” thông cáo nói tiếp.

Theo Báo cáo về Tình hình Nhân quyền Năm 2016 mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hồi gần đây, những vấn đề nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là những hạn chế nghiêm ngặt của chính phủ đối với những quyền chính trị của công dân, “đặc biệt là quyền của họ được thay đổi chính phủ thông qua những cuộc bầu cử tự do và công bằng.” Ngoài ra còn có những giới hạn nhắm vào những quyền dân sự của công dân, bao gồm quyền tự do tụ tập, lập hội và biểu đạt.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định rằng thành tích nhân quyền ở Việt Nam “vẫn rất nghiêm trọng ở khắp các lĩnh vực.”

Dân biểu Ed Royce trước đây từng giới thiệu hoặc đồng giới thiệu một số dự luật trong Hạ viện nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam, như Đạo luật Nhân quyền Việt Nam (2015) cổ súy tự do, nhân quyền và nền pháp trị như là một phần trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam, hay Đạo luật Chế tài Nhân quyền Việt Nam (2014) kêu gọi áp đặt chế tài lên những quan chức Việt Nam đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam.

Hồi tháng 9 ông Royce đã gửi một bức thư gửi lời chia buồn và lên án việc nhà chức trách Việt Nam phá bỏ Chùa Liên Trì ở thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ một dự án phát triển đô thị.

Cũng liên quan tới tình hình nhân quyền Việt Nam, Ủy ban Cứu trợ Người Vượt biển (BPSOS) hôm 17 tháng 3 đã hoàn tất và đệ trình danh sách 168 tổ chức, cá nhân, kể cả quan chức cao cấp, vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam lên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để áp dụng các chế tài trừng phạt theo Đạo Luật Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky.

Đạo luật này thông qua bởi cựu Tổng thống Barack Obama vào tháng 12 năm ngoái quy định các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân, tổ chức bị chính phủ Mỹ coi là đã tham gia các hoạt động tham nhũng hay vi phạm nhân quyền.

Theo luật này, một số các Ủy ban của Hạ và Thượng viện (bên lập pháp), hay bộ phận chuyên trách dân chủ, nhân Quyền và lao Động trong Bộ Ngoại Giao (bên hành pháp) đều có thể lập ra danh sách đề nghị chế tài. Nếu đề nghị được chấp thuận thì những cá nhân hay tổ chức bị nêu tên sẽ bị đóng băng tài sản ở Mỹ cũng như bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

http://www.voatiengviet.com/a/dan-bieu-ed-royce-gap-dai-su-ted-osius-ban-ve-nhan-quyen-viet-nam/3796819.html

 

Liệu ông Trump có giải quyết được Bắc Triều Tiên?

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ tới Liên Hợp Quốc cuối tháng này và lần đầu tiên chủ trì một cuộc họp cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an về việc kìm chế chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, một ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Trước cuộc họp này, Tổng thống Trump đã tuyên bố Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với Bắc Triều Tiên cả về kinh tế lẫn chính trị và ông muốn Chủ tịch Tập Cận Bình giúp Hoa Kỳ phi hạt nhân hóa quốc gia Đông Bắc Á. Nếu lãnh đạo Trung Quốc không làm như vậy, ông Trump nói ông có thể giải quyết vấn đề mà không cần có Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley khi trả lời phỏng vấn trên đài ABC cuối tuần rồi lại có quan điểm mâu thuẫn với Tổng thống Trump.

“Để chứng tỏ họ quan tâm đến mức nào…, họ phải gây áp lực lên Bắc Triều Tiên. Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể ngăn chặn Bắc Triều Tiên và họ biết điều đó.”

Bà Haley với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng này, cho biết trọng tâm của cuộc họp vào ngày 28 tháng 4 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả cuộc thảo luận giữa ông Tập và ông Trump tại khu nghỉ mát của Tổng thống ở Palm Beach, Florida.

“Hoa Kỳ đã nhìn thấy Trung Quốc trong hơn 25 năm qua nói rằng họ đang quan tâm đến vấn đề Bắc Triều Tiên nhưng chúng tôi đã không nhìn thấy họ hành động theo cách họ có quan tâm,” bà trả lời ABC. “Chính quyền này muốn thấy họ hành động, và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ gây áp lực lên Trung Quốc để họ làm điều đó.”

Khi phóng viên hỏi rằng Hoa Kỳ sẽ làm gì nếu Trung Quốc không chịu hợp tác, thì bà Haley nhấn mạnh rằng: “Họ sẽ phải hợp tác”.

http://www.voatiengviet.com/a/lieu-ong-trump-co-giai-quyet-duoc-bac-trieu-tien/3796261.html

 

Ngoại Trưởng Mỹ sẽ gặp Ngoại Trưởng các nước ASEAN

Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á theo dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo cho biết hôm thứ Ba.

Hãng tin ABS-CBN trích lời ông Manalo nói chuyện với truyền thông nước ngoài, nói rằng các Bộ trưởng ASEAN hy vọng sẽ có một cuộc gặp với Ngoại Trưởng Tillerson, theo ông thì đây là điều chắc chắn, “chỉ cần thu xếp lịch trình làm việc.”

Ông Manalo nói:

“Philippines đang tìm cách duy trì liên lạc nhằm tăng cường hợp tác song phương với Hoa Kỳ, và ở cấp khu vực, với các nước ASEAN.”

Trang mạng tin tức Philstar của Philippines dẫn lời nhà ngoại giao cấp cao của Philippines nói chính phủ của ông đang xem xét các cơ hội hầu “tăng cường các cuộc thảo luận giữa Philippines và Hoa Kỳ” sau cuộc đối thoại giữa Tổng thống Rodrigo Duterte và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu năm nay.

Ông Manalo miêu tả quan hệ Mỹ-Philippines là “vẫn mạnh và năng động.”

Trước khi ông Trump lên làm Tổng thống, ông Duterte đã tỏ thái độ thù nghịch với Washington, sau khi Mỹ chỉ trích chiến dịch bài trừ ma tuý đẫm máu của ông Duterte. Ông không ngớt lời chỉ trích Washington, đồng minh truyền thống của Philippines, và có những động thái xích lại gần Moscow và Bắc Kinh.

Sau khi ông Trump lên làm Tổng thống, lập trường bài Mỹ của ông Duterte đã được xoa dịu phần nào. Ông Duterte đã ngỏ lời mời nhà lãnh đạo Mỹ đến dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tổ chức ở Manila năm nay, trong khi Philippines nắm chức Chủ tịch luận phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm nay.

Nguồn: RIC- ABS-CBN, Philstar.com

http://www.voatiengviet.com/a/3795906.html

 

Bắc Triều Tiên thử tên lửa ngay trước cuộc gặp Tập-Trump

Bắc Triều Tiên vừa bắn thử tên lửa đạn đạo vào vùng biển ngoài khơi phía đông của nước này hôm thứ Tư (5/4), Reuters dẫn nguồn tin của quân đội Hàn Quốc cho biết.

Tên lửa thử nghiệm đã bay khoảng 60 km (40 dặm) từ bãi phóng tại Sinpo, một thành phố cảng phía đông Bắc Triều Tiên, theo thông báo từ Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu Liên Quân Hàn Quốc. Sinpo là nơi có căn cứ tàu ngầm của Bắc Triều Tiên.

Vụ phóng diễn ra chỉ một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trọng tâm cuộc họp dự kiến sẽ về vấn đề tăng áp lực buộc Bắc Triều Tiên phải giảm phát triển vũ khí.

“Vụ phóng có thể được tiến hành có tính toán đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung, đồng thời để kiểm tra khả năng tên lửa”, một giới chức Hàn Quốc nói với Reuters.

Giới chức này cho biết tên lửa đã được bắn lên cao đến 189 km (117 dặm).

Tất cả các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo của Bắc Hàn đều vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Bình Nhưỡng đã thách thức lệnh cấm này và nói rằng lệnh cấm vi phạm quyền chủ quyền của Bắc Triều Tiên trong việc tự vệ và theo đuổi thăm dò không gian.

Nhật Bản ngay lập tức lên án vụ phóng thử nghiệm trên. Thủ tướng Shinzo Abe dự báo Bình Nhưỡng có thể sẽ có thêm hành động khiêu khích hơn nữa.

Bộ trưởng nội các Nhật Yoshihide Suga mô tả vụ phóng là “cực kỳ có vấn đề” và cho biết Tokyo đã đưa ra phản đối mạnh mẽ.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng lên án vụ phóng là một thách thức thẳng thừng đối với một loạt các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ nhắm vào chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Seoul đã triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia và tuyên bố sẽ phản ứng mạnh mẽ trong trường hợp có những hành động khiêu khích hơn.

Trong một tuyên bố ngắn gọn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói: “Hoa Kỳ đã nói đủ về Bắc Triều Tiên và chúng tôi không bình luận thêm”.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump muốn Trung Quốc phải gây ảnh hưởng nhiều hơn về mặt kinh tế đối với Bình Nhưỡng để kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Trung Quốc phủ nhận có bất kỳ ảnh hưởng lớn nào đối với Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bác bỏ có sự liên hệ giữa vụ phóng tên lửa và hội nghị thượng đỉnh. Bà nói: “Tôi không thấy có mối liên hệ nào giữa hai chuyện này”.

Ngay trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung ở Florida, ông Trump đã đe dọa sẽ sử dụng mối quan hệ thương mại quan trọng với Trung Quốc để gây áp lực lên Bắc Kinh buộc phải hành động nhiều hơn nữa đối với Triều Tiên.

Một giới chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc nói ông Trump muốn bàn thảo với Trung Quốc. Giới chức này mô tả các cuộc thảo luận về Bắc Triều Tiên sẽ là một thử nghiệm cho mối quan hệ Mỹ-Trung.

Bình Nhưỡng được cho là đang phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể tấn công tới Hoa Kỳ. Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thề sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm bất cứ lúc nào. Nhưng các chuyên gia và giới chức Mỹ và Hàn Quốc cho rằng cần phải mất thêm một thời gian nữa Bình Nhưỡng mới có thể làm chủ tất cả các công nghệ cần thiết cho một hệ thống ICBM hoạt động.

http://www.voatiengviet.com/a/bac-trieu-tien-thu-ten-lua-ngay-truoc-cuoc-gap-tap-trump/3797102.html

 

Một số người bị bắt ở St. Petersburg

sau vụ đánh bom tàu điện ngầm

Ủy ban điều tra nhà nước của Nga cho biết họ đã bắt giữ sáu người đàn ông Trung Á tại St. Petersburg vì tình nghi hoạt động khủng bố, hai ngày sau vụ tấn công chết chóc trên tàu điện ngầm đông người ở thành phố này.

Nhóm người này bị cáo buộc tuyển mộ những người đàn ông khác từ các nước cộng hòa Trung Á để tham gia Nhà nước Hồi giáo và các nhóm cực đoan khác từ năm 2015. Tuy nhiên, ủy ban đã ra tuyên bố nói rằng chưa phát hiện bằng chứng nào cho thấy nhóm này liên quan đến vụ đánh bom giết chết 14 người và làm hàng chục người khác bị thương.

Các nhà điều tra Nga đã xác định Akbarzhon Dzhalilov, 22 tuổi, sinh ra ở Kyrgystan, là kẻ đã thực hiện bom tự sát trong vụ này.

Các nhà lãnh đạo thế giới từ Trung Quốc, châu Âu cho đến Brazil đã chia buồn về thảm kịch. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ đầy đủ sau vụ tấn công.

Vụ tấn công tàu điện ngầm gần đây nhất xảy ra ở Moscow vào năm 2010, khi những kẻ đánh bom tự sát nữ liên quan đến cuộc nổi dậy ở Chechnya bị cáo buộc đã giết ít nhất 33 người. Các vụ đánh bom trước đó trên tàu điện ngầm Moscow là vào năm 2004, cũng liên quan tới những kẻ khủng bố Chechnya, làm chết gần 50 người.

http://www.voatiengviet.com/a/mot-so-nguoi-bi-bat-o-st-petersburg-sau-vu-danh-bom-tau-dien-ngam/3797260.html

 

Tranh cãi về vụ tấn công hóa học ở Syria

Nga tuyên bố vụ tấn công vũ khí hóa học khiến hàng chục thường dân bị thiệt mạng và bị thương ở Bắc Syria là do vũ khí của quân nổi dậy để lại, tuy nhiên, tin này nhanh chóng bị bác bỏ.

Ngoại trưởng Anh, một lãnh đạo phiến quân và một chuyên gia về vũ khí đều cho rằng chứng cứ cho thấy đây là vụ tấn công của lực lượng chính phủ Syria.

Damascus phủ nhận cáo buộc đứng sau vụ tấn công vũ khí hóa học.

Diễn biến mới sẽ làm lu mờ hội nghị về Syria ở Brussels, nơi 70 quốc gia cấp viện đang bàn thảo về nỗ lực cứu trợ quốc gia bị chiến tranh tàn phá.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ họp khẩn về vụ tấn công bằng khí ở Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib, là vụ việc mà tổ chức Syrian Observatory for Human Rights có trụ ở tại Anh nói rằng đã khiến 72 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em.

Điều gì đã xảy ra?

Hình ảnh từ Khan Sheikhoun sau vụ việc hôm thứ Ba 04/04 cho thấy dân thường, trong đó có nhiều trẻ em, bị nghẹt thở và sùi bọt mép.

Nhân chứng nói các phòng khám điều trị người bị thương cũng bị không kích.

Một số nạn nhân được điều trị ở phía bên kia biên giới, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Một phụ nữ trong bệnh viện cho hay: “Chúng tôi bị khí độc tác động. Chúng tôi không đứng dậy được. Tôi thấy chóng mặt và buồn nôn. Tôi bị khó thở, không thể nào thở được.”

Tổ chức giám sát nhân quyền dẫn thông tin từ khu vực cho thấy đây là mục tiêu của một đợt không kích khác vào thứ Tư.

LHQ kêu gọi đàm phán khẩn cấp về Syria

Cáo buộc tấn công hóa học ở Syria

Quân nổi dậy tấn công ngoại ô Damascus

Nga nói gì?

Nga, vốn luôn ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, thừa nhận rằng máy bay của Syria đã tấn công Khan Sheikhoun.

Nhưng Nga cho rằng phi cơ bắn trúng kho chứa mìn đầy các chất độc hại được trữ để cho các tay súng ở Iraq sử dụng.

“Hôm qua [thứ Ba], từ 11:30 đến 12:30 giờ địa phương, máy bay của Syria tấn công kho chứa đạn dược lớn của quân khủng bố và nơi tập trung lượng lớn đồ kim khí quân sự ở ngoại ô Khan Sheikhoun,” phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konoshenkov nói.

“Ở khu vực kho chứa có những xưởng chế tạo vũ khí chiến tranh hóa học.”

Ông nói thêm rằng những vũ khí này đã được quân nổi dậy dùng ở thành phố Aleppo hồi năm ngoái.

“Biểu hiện bị độc của các nạn nhân ở Khan Sheikhoun xem qua video trên mạng xã hội cho thấy giống với những biểu hiện của nạn nhân vào mùa thu năm ngoái ở Aleppo,” ông nói thêm.

Phóng viên địa phương nói không có các vị trí của quân đội trong thành phố, nhưng có nhiều nhóm nổi dậy nắm kiểm soát khu vực xung quanh.

‘Nói dối’

Trước tuyên bố của Nga, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đáp lại trả: “Mọi chứng cứ mà tôi đã chứng kiến cho thấy chế độ [Tổng thống Syria Bashar] Assad… dùng vũ khí bất hợp pháp lên chính người dân của họ.”

Một chỉ huy phiến quân nói tuyên bố của Nga là “dối trá”.

Ông Hasan Haj Ali, chỉ huy phiến quân Free Idlib Army (Quân giải phóng Idlib) nói với hãng tin Reuters: “Tất cả mọi người đều nhìn thấy máy bay khi nó thả bom khí.

“Dân thường ở khu vực này biết là không có chốt quân sự ở đây… Các phe đối lập không có khả năng sản xuất những chất này.”

Một chuyên gia về vũ khí hóa học, Đại tá Hamish de Bretton-Gordon nói với BBC rằng phiên bản vụ việc của Nga nghe “khá huyền ảo”.

Việc loại khí độc thần kinh như Sarin có thể lan tỏa sau khi nơi chế tạo bị đánh bom là không “bền vững”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39502853

 

Syria:

LHQ giục đàm phán khẩn cấp sau vụ ‘tấn công hơi độc’

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức các cuộc đàm phán khẩn cấp sau một vụ nghi là tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria khiến hàng chục thường dân thương vong.

Cuộc tấn công vào một thị trấn do quân nổi dậy nắm giữ khiến quốc tế nổi giận, Hoa Kỳ và các cường quốc khác quy trách nhiệm cho chính phủ Syria.

Các quan chức ở Damascus bác bỏ việc sử dụng bất kỳ loại vũ khí hóa học.

Cáo buộc tấn công hóa học ở Syria

Nga ủng hộ lệnh ngừng bắn Syria

Vụ tấn công sẽ làm lu mờ một hội nghị tại Brussels, nơi 70 quốc gia tài trợ sẽ trao đổi về các nỗ lực cứu trợ ở Syria.

Các đại biểu muốn tăng cường tiếp cận nhân đạo đối với hàng ngàn thường dân bị kẹt do giao tranh.

Nội chiến ở Syria đã nổ ra hơn sáu năm nay và đến nay vẫn chưa có giải pháp chính trị nào được nhìn thấy.

Liên Hiệp Quốc cho hay gần 5 triệu người Syri đã đào thoát khỏi nước này và hơn sáu triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Hơn 250.000 người đã thiệt mạng.

‘Hành động tàn bạo’

Cuộc họp khẩn hôm 5/4 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do Pháp và Anh thúc giục sau vụ tấn công nghi là hơi độc tại thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib hôm 4/4.

Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Matthew Rycroft, mô tả vụ này là “tin xấu cho hòa bình ở Syria”.

“Đây rõ ràng là một tội ác chiến tranh”, ông nói với báo giới ở New York.

Những đoạn phim ghi từ hiện trường cho thấy thường dân, trong đó có nhiều trẻ em, nghẹt thở và sùi bọt mép.

Các nhân chứng cho biết các trạm xá đang chữa trị cho những người bị thương do không kích.

Đài quan sát Nhân quyền Syria ghi nhận có 58 người thiệt mạng trong vụ này, trong đó có 11 trẻ em.

Hiện chưa thể nói loại chất hóa học đã bị sử dụng trong vụ tấn công nhưng các nhóm ủng hộ đối lập nói tin rằng đó là chất độc thần kinh Sarin.

Thông cáo của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án điều mà ông gọi là “những hành động tàn bạo” của chính quyền Bashar al-Assad.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cáo buộc chính phủ Syria theo “chủ nghĩa man rợ tàn bạo”.

Staffan de Mistura, Phái viên Liên Hiệp Quốc tại Syria, nói rằng đó là cuộc tấn công “khủng khiếp” và cần có “việc quy trách nhiệm rõ ràng”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39488671

 

Trung Quốc lên án Ấn Độ đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma

Trung Quốc lên án việc Ấn Độ quyết định để nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm một vùng đất có tranh chấp biên giới giữa hai phía.

Hãng thông tấn Reuters loan tin vào ngày 5 tháng 4, dẫn lời phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh rằng Trung Quốc cương quyết phản đối quyết định của New Dehli như vừa nêu và sẽ nghiêm khắc nêu vụ việc ra với phía Ấn Độ.

Tuy nhiên phía Ấn Độ khẳng định rằng chuyến thăm của đức Đạt Lai Lạt Ma hoàn toàn vì mục đích tôn giáo, nhấn mạnh thêm rằng Ấn Độ không chung biên giới với Trung Quốc và chỉ chung với Tây Tạng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Ấn theo lời mời của người dân bang Arunachal Pradesh và được họ chào đón nồng nhiệt. Nhà lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng cũng cho biết chuyến thăm này hoàn toàn vì mục đích tôn giáo và văn hóa chứ không dính líu đến các yếu tố chính trị.

Tháng trước Trung Quốc đã cảnh báo rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi và gây mất ổn định khu vực.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/cn-denounce-india-host-dalai-lama-disputed-region-04052017101049.html

 

Đài Loan tự đóng thêm 8 tàu ngầm

Đài Loan sẽ tự đóng thêm 8 tàu ngầm để thay thế 4 chiếc tàu cũ mua của Mỹ và Hà Lan trước đây.

Vị chủ tịch của công ty đóng tàu Đài Loan có tên Tập đoàn CSBC Đài Loan cho biết thiết kế của 8 chiếc tàu ngầm này sẽ được hoàn tất vào đầu năm tới.

Các viên chức quân đội Đài Loan cũng như tập đoàn công nghiệp đóng tàu của đảo quốc này cho rằng chiếc tàu ngầm đầu tiên sẽ hoạt động trong vòng 10 năm tới đây.

Chuyện Đài Loan tự mình đóng tàu ngầm lần đầu tiên được bà tổng thống Thái Anh Văn mới nói đến hồi tháng qua khi bà đi thăm các căn cứ hải quân của đảo quốc này, theo như kế hoạch trị giá gần 100 triệu đô la Mỹ được Đài Loan dự trù từ năm 2016.

Kế hoạch đóng tàu ngầm của Đài Loan như vừa nêu được tiết lộ trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho quân đội Đài Loan, và chuyện mua bán vũ khí này luôn là điều gây tranh cãi giữa Washington và Bắc Kinh, nước luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Tuy vậy luôn có các cuộc đàm phán về vũ khí giữa Đài Bắc và Mỹ, và mới đây hai bên lại thương thảo một hợp đồng mua bán mới.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/tw-build-8-submarines-under-indigenous-shipbuilding-project-04052017100508.html

 

Hoa Kỳ và Trung Quốc: Trận đánh kinh tế?

Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA

Tuần này lãnh đạo hai nền kinh tế đứng đầu thế giới gặp nhau tại tiểu bang Florida của Hoa Kỳ trong hai ngày mùng sáu, mùng bảy. Đây là thượng đỉnh đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Donald Trump khi mâu thuẫn về quyền lợi giữa hai nước lên tới cao độ và có thể dẫn tới tranh chấp mậu dịch với hậu quả lan rộng qua nhiều nước.

Câu chuyện Bắc Hàn

Nguyên Lam: Thưa ông, tuần này, khi Chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình có hai ngày hội kiến tại khu dinh cơ Mar-a-Lago của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ở Florida, thay vì trong Phủ Tổng thống tại thủ đô Hoa Kỳ, dư luận chú ý đến mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế có sản lượng đứng đầu thế giới. Từ khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump đã tiếp xúc với nhiều nguyên thủ quốc gia như Nhật, Anh, Đức nhưng lần này thì cuộc gặp gỡ lại có tầm quan trọng đặc biệt vì mâu thuẫn giữa hai nước cũng ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Riêng về lĩnh vực kinh tế, thưa ông, người ta nên chú trọng đến những gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thế giới chú ý đến ba hồ sơ nhạy cảm giữa hai cường quốc ở hai bờ Thái Bình Dương. Thứ nhất là hành động khiêu khích của Bắc Hàn tại khu vực Đông Bắc Á mà Bắc Kinh không ngăn được nên Tổng thống Mỹ cho rằng nếu Trung Quốc không can gián nổi chế độ Bắc Hàn thì Hoa Kỳ phải giải quyết lấy và đấy là vấn đề mà Bắc Kinh quan ngại. Thứ hai, việc Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển Đông Nam Á gây lo sợ cho các nước trong khu vực nên Mỹ phải có thái độ và đã lấy những biện pháp cương quyết hơn. Thứ ba, Hoa Kỳ cho rằng mình gặp bất lợi từ chính sách kinh tế của Trung Quốc nên đòi điều chỉnh.

Riêng tôi lại chú ý đến sự kiện khác là hai vị nguyên thủ không chỉ nói chuyện với nhau mà có lẽ còn muốn chứng tỏ điều gì đó cho quần chúng của họ. 

– Nguyễn-Xuân Nghĩa

Từ khi tranh cử cho tới gần đây, ông Trump đã nêu vấn đề, vì thế lần này người ta xem lãnh đạo hai nước có thể giải quyết theo hướng nào. Riêng tôi lại chú ý đến sự kiện khác là hai vị nguyên thủ không chỉ nói chuyện với nhau mà có lẽ còn muốn chứng tỏ điều gì đó cho quần chúng của họ.

Về phần Hoa Kỳ, nhiều công trình khảo cứu cho thấy từ khi Mỹ mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2000, nhiều triệu công nhân Mỹ bị mất việc do quan hệ mậu dịch bất lợi với nước Tầu. Đa số nạn nhân thuộc khu vực chế biến tại các tiểu bang Trung Tây và Đông Nam của nước Mỹ và lớp người bị thiệt hại nhất là dân Mỹ trắng có trình độ học vấn thấp, lớn tuổi và nghèo hơn cả nếu so với các thành phần dân số kia. Chính là lớp người này đã ào ạt bỏ phiếu cho ông Trump nên khi nhậm chức, ông muốn chứng tỏ là không quên lời hứa là tạo ra việc làm và chấm dứt lối giao dịch bất lợi và bất công với Bắc Kinh. Phần mình, ông Tập Cận Bình đã củng cố được quyền lực cá nhân nhưng vẫn cần ổn định nội bộ khi Đảng Cộng sản sẽ có Đại hội khóa 19 vào cuối tháng 10 này nên ông ta cũng muốn tránh một trận chiến kinh tế với thị trường xuất khẩu số một của Tầu là nước Mỹ.

Nguyên Lam: Ông vừa nhắc tới bối cảnh chính trị của hội nghị kỳ này. Thuần về kinh tế thì ông cho rằng lãnh đạo hai nước có thể làm gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta không ở vào vị trí khả dĩ suy luận ra việc đối thoại hay đối đầu giữa hai vị nguyên thủ Mỹ-Hoa, chính vì vậy mà lại cần nhìn vào thực lực kinh tế đôi bên thì may ra có thể thấy được các yếu tố gọi là tối đa hay tối thiểu của hai nước khi nói chuyện.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh theo chiến lược phát triển là lấy đầu tư rồi xuất khẩu làm lực tăng trưởng. Chiến lược ấy đạt thành quả ngoạn mục trong ba chục năm rồi đi hết sự vận hành từ năm 2008 khi thị trường nhập khẩu toàn cầu đều sa sút. Bắc Kinh bơm tiền kích thích kinh tế mà chất lên một núi nợ và một khối thương phẩm ế ẩm và cố chuyển hướng từ năm 2013. Đã từng chiếm tới 35% Tổng sản lượng, xuất khẩu của Trung Quốc giảm dần, nay chỉ còn trên 22%, dù sao vẫn là quá cao trong khi tiêu thụ nội địa chưa đủ mạnh để làm đầu máy cho đà tăng trưởng.

Kết quả là ngày nay, kinh tế Trung Quốc hết tăng như xưa mà vẫn quá lệ thuộc vào xuất khẩu, dù chưa lệ thuộc nặng như kinh tế Đức, Nam Hàn hay Liên bang Nga thì cũng bị rủi ro lớn nếu gặp khó khăn với Hoa Kỳ là nơi tiếp nhận đến 20% tổng số xuất khẩu. Bài toán chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình là thỏa hiệp mà không tỏ vẻ yếu đuối trước những đòi hỏi của Hoa Kỳ trong khi nội tình Trung Quốc cũng bắt đầu có bất ổn.

Bài toán kinh tế

Nguyên Lam: Thưa ông, đó là về phía Trung Quốc, về phía Hoa Kỳ, bài toán của Tổng thống Donald Trump là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, ta không quên rằng mâu thuẫn mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có từ thời Chính quyền của Tổng thống George W. Bush và Barack Obama và chỉ lên tới cao độ với lập luận gay gắt của Chính quyền Donald Trump. Bây giờ, nói về thực lực để tính ra giải pháp tối đa hay tối thiểu trong cách đối đầu với Trung Quốc thì Nội các và Ban tham mưu của Chính quyền Trump cũng biết hơn 20% tổng số nhập khẩu của Mỹ là đến từ Trung Quốc và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp lẫn giới tiêu thụ Mỹ ham hàng rẻ của Tầu. Nói về tương quan lực lượng kinh tế của đôi bên thì Tầu cần bán hàng cho Mỹ mà Hoa Kỳ cũng cần nhập khẩu loại hàng rẻ của Tầu. Nếu chiến tranh mậu dịch bùng nổ thì đôi bên đều thiệt, nhưng kinh tế Trung Quốc bị bất lợi nặng hơn và lâu hồi phục hơn trong khi kinh tế Hoa Kỳ có tiềm lực phục hồi cao hơn vì còn dư công xuất để trám vào các mặt hàng mua của Tầu.

Tuy nhiên ta nên trở về bài toán chính trị của Tổng thống Trump. Thứ nhất, dù kinh tế Hoa Kỳ có dư công xuất thì cũng mất thời gian sản xuất mà thời gian là điều Tổng thống Mỹ ít có trước quá nhiều áp lực từ nhiều nơi trong viễn ảnh bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới. Thứ hai, nếu áp đặt thuế nhập nội trên hàng hóa từ Trung Quốc, dù chẳng tới 35 hay 45% như ông Trump đã hăm dọa khi tranh cử, thì hậu quả vẫn là làm hàng lên giá, gây thiệt hai trước tiên cho giới tiêu thụ bình dân và thành phần nghèo, vốn là cử tri đã ủng hộ ông khi bầu cử. Thứ ba, nếu mâu thuẫn ngoại thương bùng nổ với Trung Quốc thì nhiều nền kinh tế khác, như Việt Nam, cũng có thể thay Trung Quốc với loại hàng rẻ cho đại chúng như áo quần giày dép. Và nạn nhập siêu quá lớn của kinh tế Hoa Kỳ vẫn chưa kết thúc. Vì những lý do rắc rối này, tôi thiển nghĩ rằng ông Trump phải gay gắt đả kích các biện pháp thương mại bất chính của Bắc Kinh để chứng tỏ ý chí chứ thâm tâm cũng chẳng muốn gây ra chiến tranh mậu dịch.

Tôi thiển nghĩ ông Trump phải gay gắt đả kích các biện pháp thương mại bất chính của Bắc Kinh để chứng tỏ ý chí chứ thâm tâm cũng chẳng muốn gây ra chiến tranh mậu dịch.

– Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Có lẽ quý khán thính giả của chúng ta đã hiểu ra vì sao mà chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa nói đến những tính toán tối đa và tối thiểu của đôi bên khi đi vào vòng đàm phán tuần này. Nhưng thưa ông, nhiều người vẫn cứ nói Trung Quốc là chủ nợ của Hoa Kỳ, nếu mâu thuẫn bùng nổ thì dù không có một cuộc chiến mậu dịch, liệu Bắc Kinh có thể dùng khối nợ đó để gây sức ép với Hoa Kỳ hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng đây là một hiểu lầm rồ dại của Bắc Kinh mà báo chí Mỹ lại chẳng làm cho sáng tỏ. Quả thật, năm 2011, một giới chức cao cấp của Trung Quốc đã hăm rằng họ nên dùng võ khí tài chính là số Công khố phiếu Mỹ nằm trong tay Bắc Kinh như một bài học khi Hoa Kỳ chuẩn bị bán võ khí cho Đài Loan. Vì vậy, lần này, nhiều người cũng lo ngại việc Bắc Kinh sẽ bán tháo Công khố phiếu Mỹ và gây bất ổn tài chính cho Hoa Kỳ. Sự thật ở đây là Bắc Kinh chẳng có loại võ khí ấy, cùng lắm thì chỉ là đạn giấy!

Thứ nhất, từ năm ngoái, Bắc Kinh hết là chủ nợ số một của nước Mỹ và nhường vị trí đó cho Nhật Bản mà ít ai nói tới. Thứ hai, Bắc Kinh từng bán Công khố phiếu Hoa Kỳ mà chẳng làm thị trường tài chính nhúc nhích, như diễn đàn của chúng ta đề cập từ năm ngoái. Vấn đề then chốt là khi Trung Quốc đạt nhập siêu với Hoa Kỳ mà thu về đô la Mỹ, họ có thể làm gì, tại sao không đầu tư vào việc khác mà lại cho Mỹ vay bằng cách mua Công khố phiếu Mỹ? Sở dĩ như vậy vì ba lẽ. Nếu đạt xuất siêu 500 tỷ với Mỹ mà dùng lượng tiền đó bên trong thì sẽ làm tăng giá hàng xuất khẩu khi vẫn họ cần bán hàng với giá thật rẻ. Nếu đưa tiền vào Mỹ thì giúp cho lãi suất tại Mỹ giảm và càng kích thích tiêu thụ, có lợi cho việc xuất khẩu của Bắc Kinh. Cái lẽ thứ ba là thị trường trái phiếu Hoa Kỳ quá sâu rộng, lại có mức an toàn cao nên vẫn là nơi gửi tiền có lợi nhất. Bắc Kinh cho Mỹ vay tiền không để giúp Hoa Kỳ mà vì lợi ích của họ. Và đấy là một nhược điểm chứ không là ưu điểm của kinh tế Trung Quốc.

Chuyện giảm giá đồng Nhân dân tệ

Nguyên Lam: Nhân chuyện đó, hình như Chính quyền Donald Trump thường công kích Bắc Kinh là lũng đoạn ngoại hối khi ấn định tỷ giá đồng Nhân Dân Tệ quá thấp để bán hàng cho rẻ. Ông giải thích thế nào về chuyện ấy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra, Bắc Kinh đang nằm giữa vòng luẩn quẩn vì phân vân trước hai ngả. Một là giữ cho đồng Nguyên của họ không tăng giá quá mạnh gây bất lợi cho xuất khẩu vì làm hàng bán ra đắt hơn. Ngược lại, họ không thể định giá đồng bạc quá thấp vì đẩy thêm nạn tẩu tán tài sản. Trong khi Chính quyền Trump làm như không biết nỗi khổ tâm của Bắc Kinh nên lâu lâu đả kích họ tội lũng đoạn ngoại hối, là phá giá đồng bạc để chiếm lợi thế xuất khẩu. Chuyện này thì chỉ như lối đôi co nói thách khi vào đàm phán mà thôi.

Hoa Kỳ là siêu cường kinh tế số một với sản lượng là 19 ngàn tỉ Mỹ kim một năm, bằng 25% của toàn cầu. Nhìn cách khác, tài sản của tư nhân Mỹ còn cao hơn thế, đã quá 90 ngàn tỷ đô la, bằng 34% của toàn cầu so với có 9% của nền kinh tế Trung Quốc và giàu hơn khối Âu Châu có 500 triệu dân so với 300 triệu dân Mỹ. Trên thị trường tài chính, kết giá thị trường của tổng số cổ phiếu Mỹ, theo chỉ số Wilshire 5000 vào cuối Tháng Ba, lên tới gần 25.000 tỷ đô la. Đấy là thế mạnh của nước Mỹ. Nhưng ta cũng không quên Hoa Kỳ đang có khối nợ trị giá tới gần 20 ngàn tỷ và nhiều bài toán nan giải bên trong nên Chính quyền cần tìm thắng lợi có khi là biểu kiến với Bắc Kinh để tranh thủ dư luận hầu giải quyết các bài toán này trong mấy năm tới.

Nguyên Lam: Thưa ông, như vậy, chúng ta có thể kết luận những gì về thượng đỉnh sắp tới giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta không thể biết trước mọi chuyện nhưng nếu đi từ hoàn cảnh căn bản của hai quốc gia về chính trị lẫn kinh tế thì ta có thể dự đoán là đôi bên sẽ rất ồn ào trong năm nay nhưng đều muốn tránh một trận đối đầu về kinh tế cho tới khi lãnh đạo của cả hai đều củng cố được thế chính trị ở bên trong. Nhìn vào viễn ảnh xa thì lãnh đạo một xứ độc tài như Trung Quốc rất ít nói về ý thức hệ hay tư tưởng trong khi dư luận Mỹ lại cứ lo ngại và đả kích chủ trương quốc gia dân tộc của ông Trump. Bắc Kinh hiểu rõ sự tình nên như một con buôn, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể nhượng bộ để cho ông Trump đạt một số thắng lợi kinh tế hầu tránh phản ứng dữ dội hơn của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Á, là nơi Trung Quốc chưa có đủ thực lực quân sự mà Hoa Kỳ lại vẫn có nhiều đồng minh hơn.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn kỳ này.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/the-us-sino-trade-conflict-nxn-04052017075218.html

 

Nga xác nhận

thủ phạm khủng bố ở St-Pétersbourg là người Kygyzstan

Mai Vân

Cuộc điều tra về vụ khủng bố trong xe điện ngầm Saint-Petersbourg hôm 03/04/2017 khiến 14 người chết và 45 người bị thương, đã có tiến triển, nhất là với việc thủ phạm đã được nhận diện : một thanh niên gốc Kyrgyzstan, một nước cộng hòa Trung Á. Tuy nhiên, nhiều điểm liên quan đến vụ nổ vẫn chưa rõ.

Đặc phái viên RFI Muriel Pomponne, từ Saint-Petersbourg, cho biết thêm chi tiết :

Ủy ban điều tra Nga cho rằng họ đã nhận diện được kẻ khủng bố đã chết trong vụ nổ. Đó là một công dân Nga gốc Kyrgyzstan. Các nhà điều tra đã so sánh dấu ADN tìm thấy trên một quả bom chưa nổ với ADN những người chết trong vụ khủng bố.

Việc khảo sát gen cho thấy là khớp với ADN của một thanh niên 22 tuổi, quê quán tại thành phố Och, ở miền tây nam Kirghizstan, một khu vực có phong trào Hồi Giáo cực đoan hoành hành. Cơ quan tình báo Kyrgyzstan cũng đã xác nhận danh tánh kẻ tình nghi, thuộc cộng đồng thiểu số gốc Uzbekistan tại nước này.

Thanh niên này sống ở Saint-Pétersbourg cùng người cha của anh, qua lại với những người Syria từ hai năm nay, nhưng không có dấu hiệu là đã đi theo con đường cực đoan.

Thế nhưng vẫn còn những điều chưa được làm sáng tỏ trong cuộc điều tra hiện nay. Quả bom đã kịp thời tháo gỡ ngòi phải chăng bị một kẻ muốn khủng bố tự sát khác bỏ lại lúc hoảng hốt ?

Hay là như một cơ quan truyền thông Nga đã nêu lên, kẻ mang quả bom phát nổ đã vô tình kích hoạt quả bom vốn được dự tính đặt ở một nơi khác ? Đây có thể là nguyên nhân khiến cho vụ nổ xẩy ra lúc 14g40, thay vì vào giờ cao điểm, có đông người hơn, như các kẻ khủng bố thường tính toán ?

Giới điều tra cũng tìm xem nghi phạm có đồng lõa hay không. Theo một tờ báo thì chính quyền đã được một cựu thành viên thánh chiến thông báo về nguy cơ khủng bố, nhưng chưa kịp phá vỡ mạng lưới này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170405-nga-van-con-nhieu-an-so-trong-vu-khung-bo-o-st-petersbourg

 

Pháp: Tranh luận sôi nổi giữa 11 ứng viên tổng thống Pháp

Trọng Nghĩa

Tối hôm qua, 04/04/2017, lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, toàn bộ 11 ứng cử viên tổng thống Pháp đã tham gia cuộc tranh luận trực tiếp truyền hình trong suốt 4 tiếng đồng hồ. Nhận định chung của giới quan sát là cuộc tranh luận thành công, cho dù các ứng viên vẫn dành thời giờ chỉ trích lẫn nhau, thay vì thuyết phục công luận về cương lĩnh tranh cử của minh tập trung trên các chủ đề : việc làm, an ninh và các vấn đề xã hội.

Theo ghi nhận của hãng Reuters, đã có những cuộc đấu khẩu nẩy lửa giữa 5 ứng viên gọi là « lớn » với 6 ứng cử viên còn lại bị xem là « nhỏ ». Chẳng hạn như ứng cử viên Philippe Poutou của Tân Đảng Chống Tư Bản (Nouveau Parti Anticapitaliste), đã đả kích đích danh hai ứng viên Marine Le Pen, mặt trận cực hữu Front National, và François Fillon, cánh hữu và đảng Những Người Cộng Hòa (Les Républicains), đang bị điều tra về những vụ tạo « việc làm giả » để lấy tiền của Nhà Nước.

Ứng cử viên được cho là rất sáng giá qua các cuộc thăm dò dư luận, là ông Emmanuel Macron, thuộc phong trào Tiến Bước (En Marche), tự nhận là không tả cũng không hữu, cũng bị các đối thủ khác công kích dữ dội.

Do số lượng người tranh luận khá đông, trong lúc thời gian tranh luận hạn chế, các ứng viên không trình bày gì được nhiều. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, cuộc tranh luận nhìn chung là đạt yêu cầu, vì ít ra khán giả đã được nghe những quan điểm khác với những gì họ thường được nghe.

Theo hãng AFP, bản thân các ứng viên tham gia tranh luận, đặc biệt là các ứng viên nhỏ như ông Nicolas Dupont-Aignan, chủ tịch đảng Nước Pháp Đứng Lên (La France Debout), cũng cảm thấy hài lòng.

Theo kết quả thăm dò dư luận qua internet do hãng Elabe thực hiện ngay sau khi cuộc tranh luận kết thúc, và được đài truyền hình Pháp BFMTV công bố, ứng viên Jean-Luc Melenchon được 25% khán giả cho là có sức thuyết phục nhất, trước ứng cử viên Emmanuel Macron đứng thứ hai với 21% người ủng hộ.

Vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào ngày 23/04. Dư luận Pháp vẫn tỏ ra thận trọng với kết quả của các cuộc thăm dò, sau những diễn biến bất ngờ trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Anh hay cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Xin nhắc lại là 11 ứng cử viên tham gia tranh luận hôm qua bao gồm bà Marine Le Pen, ứng viên đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (FN); ông Emmanuel Macron, lãnh đạo của phong trào Tiến Bước; cựu Thủ tướng François Fillon đại diện cho cánh hữu và đảng Những người Cộng hòa (LR); ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise); ông Benoit Hamon, đảng cánh tả Xã Hội (PS) và đảng Xanh.

Sáu ứng cử viên còn lại đại diện cho các đảng phái cực tả và cực hữu, được cho là chỉ được số phiếu thấp : Nicolas Dupont-Aignan, đảng Nước Pháp Đứng Lên; Nathalie Arthaud, lãnh đảng Công Nhân Đấu Tranh; François Asselineau, đảng Liên Minh Nhân Dân, Philippe Poutou, Tân Đảng Chống Tư Bản; Jean Lassalle, đảng Hãy Kháng Cự; và Jacques Cheminade, đảng Đoàn Kết và Tiến Bộ.

http://vi.rfi.fr/phap/20170405-phap-tranh-luan-giua-11-ung-vien-tt-phap-dien-ra-soi-noi

 

Washington muốn giới hạn loại visa H-1B

Mai Vân

Chính quyền Mỹ của tổng thống Trump muốn giới hạn loại visa gọi là “H-1B”. Đây là loại visa cho phép các tập đoàn Mỹ tuyển dụng những người nước ngoài có trình độ chuyên môn rất cao, với thời hạn cư trú 3 năm và có thể nhận được “Thẻ Xanh”. Mỗi năm cứ vào tháng 4 là ứng viên có thể nộp hồ sơ.

Thông tín viên RFI tại Washington, Anne-Marie Capomaccio, giải thích thêm :

Đây là một tín hiệu báo động đối với các công ty công nghệ cao. Cơ quan di trú đã ra một lời cảnh báo đối với họ : Các công ty này sẽ bị kiểm tra để xem xét việc thu nhận một người nước ngoài không đi ngược lại với quyền lợi của một công dân Mỹ, cũng cùng một trình độ chuyên môn.

Theo các chủ nhân ở Silicon Valley, việc cấp visa H-1B do đó bị trực tiếp đe dọa, và họ đã phản đối mọi thay đổi. Chế độ visa này cho phép hàng năm khoảng 65.000 người nước ngoài có chuyên môn cao đến làm việc trên đất Mỹ. Họ được tuyển dụng ngay lúc vừa ra khỏi đại học.

Quan điểm hiện nay không thể dung hòa nữa. Những người bảo vệ loại visa này cho đó là “bước đầu kỳ thị” theo chiều hướng của các sắc lệnh nhập cư của Donald Trump.

Nhưng đối với tổng thống Mỹ, như ông khoe vào hôm qua trong cuộc gặp gỡ các công đoàn, thì đó là tinh thần « Nước Mỹ trên hết ». Ông xác định: « Tôi không phải và cũng không muốn là tổng thống của Thế Giới. Tôi là tổng thống của nước Mỹ. Và kể từ nay, sẽ là nước Mỹ trên hết ! ».

Những người muốn kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn cho là việc tuyển dụng người nước ngoài sẽ làm giảm sụt lương bổng ở Mỹ, gây thiệt thòi cho công dân nước này. Silicon Valley đáp trả rằng mọi hạn chế sẽ làm kinh tế nước Mỹ mất đi nguồn tài năng vô giá.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170405-washington-muon-gioi-han-loai-visa-h-1b