Tin Việt Nam – 04/04/2017
Người Việt tại Hoa Kỳ biểu tình chống Tập Cận Bình ngày 6/4
Các cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ sẽ thực hiện một cuộc biểu tình chống Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông đến khu nghĩ dưỡng Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida vào ngày 6/4.
Thư kêu gọi của Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ Võ Đình Hữu cho biết cuộc biểu tình sẽ diễn ra từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều Thứ Năm, 6/4.
Ông Nguyễn Văn Tánh, Trưởng Ban điều phối cuộc biểu tình và là Cựu Chủ tịch của Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ cho biết đến cuối ngày 3/4 đã có hơn 300 người đăng ký tham gia và quyên góp gần 5,000 đô la cho cuộc biểu tình. Theo ông Tánh, dự kiến số người tham gia vào cuộc biểu tình ngày 6/4 sẽ còn tăng cao.
“Chúng tôi hiện tại bây giờ có chừng khoảng 300-400 người. Chúng tôi đang vận động, số người này từ Nam California, các tiểu bang như Florida, New York, North Carolina, Georgia… Chúng tôi cố gắng kêu gọi và liên lạc hằng ngày để có nỗ lực thực hiện cuộc biểu tình này.”
Thư kêu gọi biểu tình viết: “Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, chiếm Trường Sa (đảo Gạc Ma) của Việt Nam năm 1988, lấn chiếm hầu hết vùng Biển Đông mà họ áp đăt chủ quyền theo đường lưỡi bò bất hợp pháp, thiết lập các căn cứ quân sự tạo ra mối nguy hại to lớn cho nền an ninh của Á Châu Thái Bình Dương.”
Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, chiếm Trường Sa (đảo Gạc Ma) của Việt Nam năm 1988, lấn chiếm hầu hết vùng Biển Đông mà họ áp đăt chủ quyền theo đường lưỡi bò bất hợp pháp, thiết lập các căn cứ quân sự tạo ra mối nguy hại to lớn cho nền an ninh của Á Châu Thái Bình Dương
Thư kêu gọi biểu tình của Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ
Ông Nguyễn văn Tánh cho biết thêm ý nghĩa và việc chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày 6/4:
“Cộng sản Việt Nam đã bán đất, dâng biển cho Trung Quốc. Trước tình trạng Formosa, và một số cơ xưởng mà Trung Quốc dần dần gây lực về kinh tế và mọi vấn đề khác tại Việt Nam, chúng tôi cương quyết chống đối hành động của Trung Quốc. Bởi vậy khi Tập Cận Bình đến Miami thì chúng tôi quyết tâm thực hiện cuộc biểu tình. 9 giờ ngày 6/4, chúng tôi sẽ tập trung ở đó, tôi sẽ có mặt lúc 8 giờ để đón các phái đoàn từ khắp nơi. Chúng tôi lo từ thức ăn, thức uống, cờ, biểu ngữ, âm thanh để thực hiện cuộc biểu tình. Chúng tôi sẽ có những cuộc đối đầu với hơn 1.000 người bảo vệ của ông Tập Cận Bình.”
Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ đã gửi thư ngỏ cho Tổng Thống Donald Trump và quyên góp tiền để đăng tin chống chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc trên nhật báo The Washington Times.
Khi ông Tập Cận Bình tới Washington hồi năm 2015 để hội đàm với Tổng Thống Mỹ lúc đó là Barack Obama, Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ cũng đã tổ chức biểu tình trước Tòa Bạch Ốc với hàng trăm người tham dự. Những người biểu tình phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc và mạnh mẽ chống đối việc Trung Quốc bồi đắp đất xảy đảo trên Biển Đông, họ cho đây là những vấn đề rất quan trọng cần lên tiếng với chính quyền của Tổng thống Obama lúc bấy giờ.
Hà Tĩnh tiếp tục biểu tình chống Formosa
Hôm Chủ Nhật, ngày 2 tháng 4 năm 2017, ngư dân Đông Yên đã mang ngư cụ lên quốc lộ 1A, đoạn qua phía Bắc đèo Ngang, còn gọi là đèo Con để chặn xe, bày tỏ thái độ bất bình vì không được đền bù thỏa đáng. Thời gian chặn xe bắt đầu từ 10h sáng cho đến gần 17h chiều thì thông xe.
Ông Hoàng Anh Huyền, ngư dân làng chài Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh chia sẻ với VOA: “Gia đình tôi có 7 người, 2 vợ chồng và 5 đứa con, con tôi đều đang trong độ tuổi đi học. Tôi là lao động chính trên biển, riêng tôi là lao động chính trên biển nhưng hiện nay tôi không nhận được đồng đền bù nào trong vụ Formosa. Tôi không hiểu lý do tại sao chính quyền không chi trả cho tôi, cho ngư dân. Bởi không chỉ riêng tôi mà hơn một nửa ngư dân ở Kỳ Lợi này chưa nhận được đền bù. Không biết chính quyền dùng tiền đó để làm từ thiện cho hay, cho gia đình họ hay sao…”
Hiện trạng biển miền Trung hiện nay vẫn không có gì thay đổi, không còn hải sản để đánh bắt, đời sống người dân thêm phần khó khăn. Những bữa cơm đạm bạc, thiếu cá tôm của các ngư dân như một dấu hiệu đặc trưng thời biển chết.
Ông Đậu Thủy, ngư dân xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, bức xúc: “Đền bù cơ bản nhất là Formosa phải làm biển sạch lại, trả lại biển cho con cháu của chúng tôi. Không những đời chúng tôi mà còn tương lai con cháu chúng tôi nữa. Hiện con cháu chúng tôi không thể ra biển, biển giờ nhiễm độc, cá thì không ăn được, cuộc sống thì ngày càng thất bại. Chúng tôi cần biển sạch. Formosa cần phải trả biển sạch cho người dân.”
Hầu hết những người mà chúng tôi tiếp xúc làm công việc liên quan đến biển đều mong mỏi nhà nước đóng cửa công ty Formosa.
Bà Mai Thị Hoa, người buôn bán hải sản ở xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cho biết: “Với tôi nói riêng và người dân các tỉnh miền Trung nói chung thì chúng tôi không được nói lên tiếng nói của chúng tôi. Chúng tôi mong rằng nhân quyền quốc tế, các nhà hoạt động môi trường nói lên tiếng nói thay chúng tôi. Giúp các nơi bị thiệt hại nặng, như Đông Yên chúng tôi đây, nơi bị thảm họa đầu tiên, ngay cửa công ty Formosa. Nhưng chúng tôi không nói tiếng nói của mình được, nói thì bị hạch sách, gặp đủ chuyện.”
Một học sinh trong đoàn biểu tình cho VOA biết thảm họa Formosa “ảnh hưởng rất lớn đến gia đình em, suốt năm qua bố mẹ em không làm được gì cả, không có tiền cho chúng em đi học. Gia đình em giờ thiếu thốn mọi mặt từ lúc biển bị ô nhiễm. Và em đi học thì không được giảm học phí từ đầu năm đến giờ.”
Ngày 3 tháng 4, người dân hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim kéo lên ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà để biểu tình, chất vấn Chủ tịch huyện này về vấn đề công an mang súng bắn vào dân vào tối Chủ Nhật. Khi nhân dân đã hoàn toàn chiếm trụ sở ủy ban nhân dân huyện thì Chủ tịch huyện phải nhờ đến quân đội để bảo vệ, thương thảo với dân. Có người bị tình nghi là an ninh giả dạng vào quậy phá và gây bạo động đoàn biểu tình đã bị người dân đánh bất tỉnh. Phía quân đội và công an bao vây bên ngoài trụ sở, bắt một số người. Sau lời hứa bồi thường của chủ tịch huyện cho những người bị công an tấn công vào đêm Chủ Nhật, đoàn biểu tình trả người được cho là là an ninh giả dạng côn đồ, và ra về.
Những cuộc biểu tình bày tỏ thái độ của dân chúng và những lời hứa mơ hồ từ phía chính quyền địa phương như thế này không biết rồi sẽ kéo dài bao lâu. Có một thực tế là Formosa vẫn được ưu tiên nhiều thứ để trụ lại đất Hà Tĩnh tiếp tục hoạt động và biển vẫn đang chết dần, chết mòn mỗi ngày.
http://www.voatiengviet.com/a/ha-tinh-tiep-tuc-bieu-tinh-chong-formosa/3794713.html
Luật sư Nguyễn Văn Đài
được Liên đoàn Thẩm phán Đức trao giải
Luật sư Nguyễn Văn Đài, đang bị Việt Nam khởi tố, tạm giam, được Liên đoàn Thẩm phán Đức trao giải Nhân quyền 2017.
Liên đoàn Thẩm phán Đức thông báo Luật sư Nguyễn Văn Đài được chọn trao giải Nhân quyền năm 2017.
Đây là lần đầu tiên một người Việt được trao giải này.
Hiện chưa rõ ai sẽ thay mặt luật sư Đài nhận giải vào hôm 5/4 tại thành phố Weimar, Đức.
Giải này được trao cách hai năm một lần, nhằm tôn vinh các thẩm phán, công tố viên, luật sư trên toàn thế giới, những người hành nghề luật trong hoàn cảnh chính trị khó khăn, thách thức đàn áp và có những đóng góp trong việc thực thi quyền con người.
Lời kêu gọi thả luật sư Nguyễn Văn Đài
Vợ LS Đài: ‘Chồng tôi làm việc chính nghĩa’
‘Ôn hòa’
Hôm 4/4. trả lời BBC từ Hà Nội, luật sư Hà Huy Sơn, công ty luật Hà Sơn, người nhận bào chữa cho ông Đài, nói: “Tôi cho rằng ông Đài rất xứng đáng với giải Nhân quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức và việc trao giải rất đáng hoan nghênh.”
“Ông Đài là người hoạt động ôn hòa, luôn cổ vũ quyền con người ở Việt Nam.”
“Hôm 17/4 tới là kết thúc giai đoạn điều tra vụ án luật sư Nguyễn Văn Đài và ông đã bị gia hạn tạm giam ba lần.”
“Tôi đã nhiều lần có ý kiến rằng việc Viện Kiểm sát không cho luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra vụ án cáo buộc Điều 88 là vi phạm Hiến pháp, hạn chế quyền của người bị bắt được tiếp xúc với luật sư ban đầu.”
“Hy vọng các tổ chức quốc tế tiếp tục vận động, lên tiếng kêu gọi trả tự do cho luật sư Đài trong thời gian tới.”
Hôm 1/4, bà Vũ Minh Khánh, vợ luật sư Đài cùng một số người bạn đi thăm nuôi ông tại Trại tạm giam B14, Bộ Công an.
Tuy vậy, bà chỉ được gửi đồ tiếp tế chứ chưa được gặp mặt chồng.
Tháng 12/2015, Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt sau khi ông nói chuyện về hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa chừng 70 người tại nhà của một cựu tù nhân chính trị ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Luật sư Đài từng bị tù giam bốn năm và mãn hạn tù ngày 6/3/2011 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước.
Ông cũng bị quản chế bốn năm trong vụ án mà ông và một cộng sự, luật sư Lê Thị Công Nhân, bị bắt vào ngày 06/03/2007.
Ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thị Công Nhân trước khi bị bắt là hai nhân vật đấu tranh, thành viên chủ chốt của Đảng Thăng Tiến Việt Nam, một đảng chính trị không được công nhận ở trong nước.
Họ cũng tham gia phong trào đòi dân chủ có tên Khối 8406.
Ông Nguyễn Văn Đài là một trong số tám nhà đối kháng Việt Nam được một tổ chức nhân quyền của Hoa Kỳ Human Rights Watch trao tặng giải thưởng hồi tháng 2/2007.
Sau khi ra tù, luật sư Đài tiếp tục lên tiếng kêu gọi dân chủ đa đảng tại Việt Nam.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39428418
Việt Nam bị nêu trong danh sách
‘gian lận thương mại’ của Trump
Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia ‘gian lận thương mại’ vừa bị Tổng thống Hoa Kỳ ký lệnh hành pháp hôm 31/03.
Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, các quốc gia trong danh sách này còn có Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Mexico, Ireland, Ý, Canada.
Lệnh của ông Donald Trump nhằm xem xét lại “lý do và thủ phạm” gây thâm hụt thương mại lên tới hơn 500 tỷ USD mỗi năm với 16 quốc gia, trong đó lớn nhất là Trung Quốc.
Thông báo được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Hoa Kỳ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida tuần này.
Nhiều nhà quan sát đánh giá đây là dấu hiệu cảnh báo Bắc Kinh, dù Washington nhấn mạnh lệnh của Tổng thống Trump không tập trung cụ thể vào bất kỳ một quốc gia nào.
Bản thân ông Trump không tiếc lời chỉ trích các nền kinh tế nói trên.
“Họ là những kẻ lừa đảo. Từ giờ trở đi, những ai phá luật sẽ phải chịu hậu quả và sẽ có những hậu quả nghiêm trọng,” Tổng thống Trump nói mà không nhắc tên bất kỳ nước nào.
Phát biểu tại Phòng Bầu Dục hôm 31/03/2017 sau khi ký sắc lệnh, ông nói:
Chúng ta sẽ bảo vệ nền công nghiệp của mình và tạo ra sân chơi bình đẳng cho người lao động MỹDonald Trump
“Hàng nghìn nhà máy bị đánh cắp đi khỏi đất nước chúng ta, nhưng những người Mỹ không có tiếng nói nay đã có tiếng nói của họ trong Tòa Bạch Ốc. Chính quyền của tôi sẽ chấm dứt các vụ trộm cắp sự thịnh vượng của Hoa Kỳ. Chúng ta sẽ bảo vệ nền công nghiệp của mình và tạo ra sân chơi bình đẳng cho người lao động Mỹ.”
Lệnh này cũng sẽ khởi động cuộc điều tra “từng quốc gia một, từng sản phẩm một” trong 90 ngày, theo Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.
Điều tra sẽ truy tìm chứng cứ cho thấy có “lừa đảo”, các hành vi sai phạm, thỏa thuận thương mại không đúng cam kết, thi hành lỏng lẻo, sai lệch về tiền tệ và “những giới hạn gây phiền nhiễu của Tổ chức Thương mại Quốc tế”, trang Investvine dẫn lời.
‘Bán phá giá’
Trang USA Today trích lời ông Peter Navarro, cố vấn thương mại cao cấp của tổng thống, nói đây là phần “cực điểm” trong lời hứa mang lại công việc cho người Mỹ được đưa ra từ chiến dịch tranh cử của ông Trump.
“Hôm nay, đây là khởi đầu của việc thực hiện những lời hứa đó một cách vĩ đại,” tiến sỹ Navarro nói.
Thư ký báo chí Nhà Trắng, Sean Spicer nói nhiều quốc gia “bán phá giá hàng hóa giá trị thấp” vào thị trường Hoa Kỳ, khiến doanh nghiệp nội địa “không thể” cạnh tranh với mức “giá rẻ giả tạo”.
“Vấn đề này đặc biệt xuất hiện ở những quốc gia mà chính quyền trợ cấp xuất khẩu hàng hóa sang đất nước chúng ta. Vậy, để ngăn cách làm này, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ có cơ chế đánh giá cách giao dịch kiểu này và áp dụng hình phạt tài chính, được gọi là thuế chống trợ cấp, khi cơ quan này xác định có xảy ra tình trạng bán phá giá độc hại,” Financial Time dẫn lời ông Spicer nói.
Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ lớn nhất với Trung Quốc (347 tỷ USD), Nhật Bản 68,9 tỷ USD; với Việt Nam, con số này là 32 tỷ USD.
Bộ trưởng Wilbur Ross giải thích thêm, con số thâm hụt thương mại không hoàn toàn do các thỏa thuận thiếu công bằng hay gian lận mà còn do lượng nhập khẩu dầu của Hoa Kỳ, hoặc việc buộc phải nhập khẩu một số sản phẩm Hoa Kỳ không sản xuất, Investvine viết.
Dự kiến vấn đề này cũng sẽ được đưa vào lịch trình trong cuộc gặp Donald Trump – Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida sắp tới.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-39482697
Hơn nửa công chức phải hối lộ khi xin việc
Có đến 54% người dân Việt Nam phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước, cao hơn tỉ lệ 51% trong năm 2015. Kết quả này được nêu ra trong báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam năm 2016 (gọi tắt PAPI 2016) vừa được công bố vào sáng ngày 4 tháng 4.
Theo đó, chỉ số kiểm soát tham nhũng khu vực công bị giảm sút.
Bên cạnh đó, người dân phản ảnh số tiền “lót tay” trong năm ngoái phải chi cho cán bộ công chức tăng lên trong các việc như chứng nhận giấy tờ đất đai hay xin cho con vào trường tiểu học công lập.
Ngoài ra, người dân cũng bày tỏ mối quan ngại về ô nhiễm môi trường sống, đặc biệt là ô nhiễm không khí và ô nhiễm môi trường nước sinh hoạt.
Cuộc khảo sát về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam năm 2016 được thực hiện ngẫu nhiên đối với hơn 14 ngàn người dân ở 63 tỉnh, thành. Và một ghi nhận tích cực duy nhất liên quan đến người dân hài lòng hơn trong dịch vụ y tế công trong năm 2016.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/half-vns-pay-bribe-f-gov-jobs-04042017091256.html
Dân phản đối trả phí qua cầu Bến Thủy
Người dân sống tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, giáp với tỉnh Nghệ An vẫn không đồng tình với mức phương án giảm phân nửa phí giao thông qua cầu Bến Thủy.
Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam vào ngày 3 tháng tư thống nhất chủ trương giảm 50% tiền phí qua cầu cho những người dân sống trong khu vực nêu trên, nhưng dân vẫn không đồng ý. Ông Trần Quốc Toản, phó chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Hà Tĩnh nói rằng giải pháp hay nhất là cấp thẻ đặc biệt cho cư dân sống trong khu vực gần cầu Bến Thủy để họ khỏi phải tra tiền phí khi qua cầu.
Gần đây hằng trăm người dân địa phương vừa nêu tiếp tục dùng xe ô tô biểu tình chống việc họ phải trả phí khi đi từ Hà Tĩnh sang thành phố Vinh tỉnh Nghệ An.
Những người tham gia biểu tình đã dùng xe ô tô của mình treo các biểu ngữ phản đối, và dùng tiền lẻ để trả ở trạm thu phí với mục đích kéo dài thời gian gây kẹt xe. Báo chí Việt Nam đưa tin nói rằng công ty đứng ra thu phí đã làm sai qui định của nhà nước, theo đó nếu kẹt xe kéo dài hơn 500m thì phải mở ba ri e để cho xe chạy qua.
Trong cuộc biểu tình ngày 2 tháng tư, giao thông được lập lại thông suốt vào buổi trưa, sau khi các viên chức chính quyền ra giải thích và kêu gọi người dân quay về.
Công ty thu phí cầu đường ở khu vực này là tổng công ty xây dựng công trình giao thông số 4.
Việc biểu tình phản đối này đã bắt đầu lần đầu tiên vào ngày 19 tháng ba với khoảng 30 xe hơi.
Tố cáo tiêu cực: Làm ơn mắc oán!
Lan Hương, phóng viên RFA
Những người lên tiếng tố cáo tiêu cực trong xã hội liên tục bị đánh đập, hành hung dã man với mục đích trả thù. Luật pháp Việt Nam có thực sự hiệu quả trong vấn đề bảo vệ an toàn cho người tố cáo?
Bị trả thù dã man vì làm chứng
Vụ việc mới nhất về người lên tiếng tố cáo tội phạm bị trả thù dã man xảy ra vào cuối tháng 3 và được truyền thông Nhà nước loan đi vào đầu tháng tư khiến nhiều cư dân mạng bất bình.
Đó là trường hợp cô gái trẻ sinh năm 2001, Nguyễn Thị Ngọc Trúc bị gần 20 thanh niên trả thù bằng cách hành hung dã man, cắt tai, đánh vỡ giác mạc mắt trái và đâm vào ngực.
Vụ việc được tường thuật vào tối ngày 30/3, Trúc ra làm chứng vụ việc xe của bạn mình bị ăn cắp vì Trúc biết rõ nhóm người lấy cắp và đang rao bán chiếc xe. Sau đó Trúc bị Phan Thị Cẩm Hằng, là chị gái một người bạn của nghi phạm ăn cắp xe, cầm đầu một nhóm thanh niên 20 người tới đè Trúc ra đánh, dùng ly đập vào đầu Trúc, dùng dao để rạch mặt, cắt lỗ tai và đâm vào ngực phải của Trúc. Không những thế, nhóm người này còn định cắt gân chân để Trúc tàn phế, nhưng do Trúc chống cự nên họ đã cắt lệch. Khi Trúc bị trọng thương và ngất xỉu, nhóm ngày vẫn tiếp tục cầm ghế gỗ phang vào người Trúc, nhưng may mắn Trúc được một người bạn đỡ hộ nhát đó. Những người xung quanh tới can ngăn cũng đều bị đánh trọng thương.
Sau khi bị tố cáo, mình bị công an đánh. Giám đốc Viễn thông Hải Phòng là thành ủy viên Thành phố Hải Phòng nên lợi dụng sử dụng công an đánh mình.
– Anh Dương Tùng Nam
Như thế đó là thêm một vụ việc về tình trạng người tố cáo tiêu cực bị trả thù bằng bằng cách này hoặc cách khác. Biện pháp trả thù thường mang tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe nạn nhân hoặc nhiều trường hợp cướp đi tính mạng nạn nhân.
Đài Á Châu Tự Do có dịp trao đổi trực tiếp với anh Dương Tùng Nam, một người dân ở Hải Phòng. Anh cũng là nạn nhân bị trả thù sau khi lên tiếng tố cáo những tiêu cực, bất minh bạch trong hệ thống Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. Anh chia sẻ về những sai phạm của Tập đoàn này:
Mình làm ở bên VNPT Hải Phòng, thuộc Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam từ năm 2004. Năm 2010, giám đốc chi nhánh Hải Phòng đã lợi dụng cổ phần hóa doanh nghiệp của nhà nước để đào thải bất hợp pháp công nhân. Tức là cắt giảm biên chế nhưng theo cách bất hợp pháp, và sau đó nhận người vào sân sau, tức là nó lập một doanh nghiệp ngoài để hợp thức hóa thôi. Nó gần như thay máu bằng cách sa thải một lượng lớn công nhân đã cống hiến rất nhiều năm và thay bằng một đội ngũ bên ngoài hoàn toàn mới.
Trước mình làm nhân viên kỹ thuật tổng đài, mình đã chứng minh được việc nó ăn cắp tiền của 200 công nhân với chức danh như mình. Sau đó nó hủy bỏ hoàn toàn những chức danh này. Rất nhiều lần mình gửi đơn từ đi các nơi.
Sau khi tìm hiểu sự việc cặn kẽ hơn, anh Nam được biết việc này không chỉ xảy ra với một mình công ty anh, mà với tất cả các chi nhánh của VNPT trên 63 tỉnh thành khác. Sau lên tiếng tố cáo lãnh đạo của Tập đoàn này, anh Nam nhận được kết quả như sau:
Sau khi bị tố cáo, mình bị công an đánh. Giám đốc Viễn thông Hải Phòng là thành ủy viên Thành phố Hải Phòng nên lợi dụng sử dụng công an đánh mình. Mình đã nhận diện ra tại phường. Trong vụ án của mình, mình có nhờ một người phụ nữ khá nổi tiếng trong việc phòng chống tiêu cực là bà Nguyễn Thị Hòa ở Tây Hồ, Hà Nội. Bà Hòa đã về Hải Phòng rất nhiều lần để giúp mình và điều tra riêng biệt và biết được nhiều thông tin về tập đoàn này. Tuy nhiên, đến năm 2015, bà Hòa đã bị thủ tiêu.
Trường hợp thứ 2 là anh Quang bán hàng ở gần nhà mình, khi 2 tên công an phường đánh mình thì anh Quang vô tình nhìn thấy. Trùng hợp là cũng trong năm 2015, anh Quang đã chết.
Sự việc chưa dừng lại ở đây, giữa lúc anh Nam bị đánh và những người thân cận giúp đỡ anh, hay những người vô tình chứng kiến sự thật đều vì lý do gì đó chết một cách trùng hợp, thì con trai anh cũng bị bắt cóc khi đang đi học thêm. Hiện tại anh Nam đang bị theo dõi và truy lùng ráo riết tới mức anh phải bỏ quê hương, lẩn tránh nơi đất khách quê người.
Hàng loạt các vụ lên tiếng tố cáo chống tiêu cực khác bị trả thù với mục đích làm chính những người trong cuộc nản lòng và cảnh báo những người khác nếu có ý định tố giác, như vụ ông Dương Đình Dần ở Nghệ An bị ném mìn vào nhà và đặt bát hương để “dằn mặt” vì ông dũng cảm đứng lên phanh phui hàng trăm vụ tiêu cực.
Pháp luật không được tôn trọng
Trong Khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2013 về quan điểm và trải nghiệm của người dân Việt Nam đối với tham nhũng, chỉ có 38% số người được hỏi sẵn sàng tố cáo tham nhũng. Lý do phổ biến khiến người dân e ngại tố cáo tham nhũng là “chẳng thay đổi được gì” (51%) và “sợ gánh chịu hậu quả” (28%).
Một khảo sát khác của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới tiết lộ 62% số người được hỏi trả lời lý do khiến họ không tố cáo tham nhũng là “sợ bị trả thù”.
Hiện tại pháp luật Việt Nam cũng đã có những điều lệ quy định rõ về quyền tố cáo của người dân và nghiêm cấm những hành vi trả thù người tố cáo, khiếu nại, cũng như luật bảo vệ người lên tiếng tố cáo.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra nhận xét về những điều luật này:
Luật cũng quy định người tố cáo được bảo vệ, nhưng vấn đề là cơ chế để bảo vệ như thế nào thì chưa được cụ thể lắm.
– Luật sư Trần Quốc Thuận
Ở Việt Nam chuyện gì cũng có luật cả. Chuyện khuyến khích nhân dân tố cáo tiêu cực, tham nhũng không chỉ có văn bản quy định mà ngay cả những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng hô hào. Luật cũng quy định người tố cáo được bảo vệ, nhưng vấn đề là cơ chế để bảo vệ như thế nào thì chưa được cụ thể lắm.
Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết thêm hiện nay những đối tượng đánh đập, hành hung người tố cáo sẽ được luật pháp can thiệp tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ phải cung cấp đủ chứng cứ và công tác điều tra phải làm đến nơi đến chốn. Ông đưa ra những lời khuyên, góp ý cho những ai muốn tố cáo tiêu cực:
Những người tố cáo phải có địa chỉ và chứng cứ cụ thể. Có thể mang những báo cáo này đến gặp trực tiếp những cơ quan chức năng, có thể thông qua trực tiếp những đoàn thể những mặt trận hoặc những tổ chức chính trị xã hội hoặc đến trực tiếp gặp công an, viện kiểm sát.
Nhưng thường thì những người đi tố cáo đưa ra chứng cứ còn yếu, gây khó khăn trong việc khởi tố điều tra.
Ông cho biết thêm hiện tại các cơ quan báo chí cũng vào cuộc lên tiếng nhiều vụ tố cáo như vụ hotgirl Thanh Hóa, ông Phó Ban Nội chính ở Đắc Lắc, hay chuyện xe công ở Đà Nẵng. Vì vậy người dân có thể thông qua báo chí để tố cáo khi chứng cứ đã đầy đủ, rõ ràng.
Hôm 14/3 vừa qua đã diễn ra cuộc họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều luật Tố cáo, đặc biệt là những khía cạnh như hình thức tố cáo, tố cáo nặc danh và thời hiệu tố cáo.
Bảo vệ môi trường: Phát biểu của lãnh đạo và thực tế!
Cát Linh, phóng viên RFA
Quân bình giữa hoạt động kinh tế và bảo vệ môi trường là mục tiêu được lãnh đạo Việt Nam nhắc đến rất nhiều lâu nay. Tuy nhiên trong thực tế chính quyền Việt Nam làm được đến đâu?
Sự cố hay tác động?
Báo Vietnamnet hôm 3 tháng Tư trích dẫn lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trong buổi họp báo chính phủ thường kỳ tháng Ba nói về nhà máy thép Formosa từng gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển cách đây tròn một năm rằng “Nếu không đảm bảo an toàn về môi trường, để xảy ra sự cố tương tự như năm ngoái thì yêu cầu phải tiếp tục đóng cửa.”
Qua ghi nhận của người dân địa phương tại khu vực nhà máy Formosa ở Vũng Áng, Hà Tình thì từ khi xảy ra vấn nạn ô nhiễm môi trường biển đến nay, Formosa chưa một ngày ngưng hoạt động. Cho nên, phát ngôn của ông Mai Tiến Dũng khi nói Formosa “phải tiếp tục đóng cửa” có thể sẽ gây nhiều thắc mắc cho nhiều người.
Ta phải ràng buộc Formosa, bắt buộc họ phải theo đúng tiêu chuẩn, quy luật tự nhiên. Formosa phải cam kết xử lý chất thải theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam.
– Tiến sĩ Nguyễn Tác An
Cũng trong ngày 3 tháng Tư, báo trong nước trích dẫn lời Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV): “Phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ chất thải, lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc, hoàn nguyên các khu vực đã khai thác, tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường.”
Phát ngôn của văn phòng chính phủ và các quan chức cấp cao đều cho thấy những vấn nạn ô nhiễm môi trường mà người dân đang chịu từ các nhà máy công nghiệp đều được xem là “sự cố” chứ không phải hậu quả từ hoạt gây tác động đến môi trường.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam giải thích rõ về điểm này:
“Tác động môi trường hay chúng tôi thường gọi là đánh giá tác động môi trường là tìm hiểu xem dự án cụ thể nào đó có những ảnh hưởng gì mà chủ yếu là ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Từ đó đề xuất ra biện pháp xử lý chất thải của cơ sở đó gây ra.
Còn sự cố môi trường là điều không mong muốn. Trong xã hội Việt Nam gần đây, nhất là trong sự cố rất lớn xảy ra, người dân rất quan tâm đến vấn đề làm sao anh được đánh giá tác động môi trường tốt, xây dựng những công trình xử lý chất thải đúng qui định.”
Cụ thể hơn, theo ông Nguyễn Ngọc Sinh, đánh giá tác động môi trường để đề xuất những giải pháp tránh không xảy ra sự cố môi trường. Sự cố có thể xảy ra do những công trình hay con người gây ra, nhưng cũng có những lý do bất khả kháng. Do đó, người chủ đầu tư phải hiểu rõ những vấn đề đó để có những phòng ngừa nhất định, giảm thiểu thiệt hại không để xảy ra sự cố môi trường.
Người dân Việt Nam chưa thể quên bản báo cáo tác động môi trường của Formosa đưa ra năm 2016 được các chuyên gia đánh giá là sơ sài, giản lược và không dùng được. Truyền thông trong nước lúc đó đăng tải cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Kinh, người ký phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa, chia sẻ các lý do vì sao bản đánh giá sơ sài nhưng vẫn được phê duyệt.
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An có nhận định khách quan.
“Nói chung đã làm công nghiệp thì phải chịu tác động của môi trường. Nhưng vì sao các nước phương Tây chịu tác động ít? Là vì người ta có cách phát triển công nghiệp, có cách bảo vệ môi trường, và có những ràng buộc. Ta phải ràng buộc Formosa, bắt buộc họ phải theo đúng tiêu chuẩn, quy luật tự nhiên. Formosa phải cam kết xử lý chất thải theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam.”
Cứ không an toàn thì đóng cửa?
Nhà máy thép Formosa của Đài Loan tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chụp hôm 3/12/2015. AFP photo
Tháng 7 năm 2016, Bộ Tài nguyên- Môi trường từng tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp Lee & Man sau khi có nhiều lo ngại rằng nhà máy này sẽ bức tử sông Hậu, vì sau khi hoạt động sẽ xả khoảng 28.500 tấn xút ra sông Hậu. Thế nhưng, nhiều người dân sinh sống ở khu vực đó phải gửi đơn kêu cứu về tình trạng ô nhiễm mùi hôi và tiếng ồn kể từ khi nhà máy này bắt đầu chạy thử vào đầu tháng 3 vừa qua.
Những lá đơn kêu cứu được phản hồi bằng cuộc đối thoại trực tiếp giữa ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, nhà máy giấy Lee&Man và người dân diễn ra ngày 3 tháng Tư, tại UBND thị trấn Mái Dầm, Hậu Giang.
Tại buổi hội thoại, ông Trần Phong, Cục trưởng cục Môi trường miền Nam, thuộc Bộ tài nguyên và môi trường xác nhận có bốn khu vực trong nhà máy phát sinh mùi hôi.
Sau khi nghe nhiều người dân phản ảnh về thực trạng môi trường và nêu câu hỏi về mức độ an toàn của nhà máy đối với cuộc sống của người dân, ông Trần Ngọc giải đáp: “Khi nhà máy hoạt động, bắt buộc có cam kết trong quá trình vận hành như chất thải, tiếng ồn… phải đạt cực chuẩn”.
Chính ông Trần Phong cũng khẳng định với người dân tại buổi nói chuyện: “Nếu nhà máy vẫn còn thải mùi hôi vài tháng nữa thì không thể hoạt động được.”
Hậu quả
Tuy rất nhiều phát ngôn được đưa ra theo chiều hướng như thế, vấn nạn ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra đến nay vẫn là cơn ác mộng cho ngư dân miền Trung nói riêng và toàn thể người dân Việt Nam nói chung.
Cho dù Formosa đã hứa sẽ ngừng xả thải, nhưng theo các nhà khoa học, điều đó không thể trả lại môi trường biển sạch cho người dân, chính vì cái gọi là tác động tích luỹ. Lý do là từ tháng 4 năm 2016 đến nay vẫn để lại ảnh hưởng vô cùng to lớn cho đời sống của người dân và môi trường biển. Theo giới chuyên gia khoa học thì đó là ô nhiễm công nghiệp mang tính tích luỹ.
Nguyên nhân là do chiến lược phát triển kinh tế công nghiệp không đi cùng với những điều khoản ràng buộc về bảo vệ môi trường.
Dù Formosa có thải tiếp tục hay không thải tiếp tục thì tác động vẫn rất lâu dài.
– Tiến sĩ Nguyễn Tác An
Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang khuyến cáo về chiến lược phát triển công nghiệp.
“Phát triển công nghiệp rất cần, nhưng nó phải quy hoạch, phải có công nghệ hỗ trợ để xử lý an toàn môi trường. Còn nếu phát triển theo kiểu quy hoạch thì nó sẽ chịu hậu quả lâu dài.”
Tiến sĩ Nguyễn Tác An khẳng định điều đó:
“Dù Formosa có thải tiếp tục hay không thải tiếp tục thì tác động vẫn rất lâu dài.”
Ngày 24 tháng 8 năm ngoái, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường cùng các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng là người chủ trì cuộc hội nghị đã nhấn mạnh: “Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của nhân dân”.
Tuy nhiên, phát biểu của lãnh đạo và thực tế đến nay vẫn còn một khoảng cách khá xa mà người dân trong nước ai cũng nhìn thấy rõ!