Quan hệ quân sự Việt – Ấn trong tình hình mới

Cac Bai Khac

No sub-categories

Quan hệ quân sự Việt – Ấn trong tình hình mới

Kính Hòa, phóng viên RFA
2017-04-03

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái, sau), Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (phải, sau), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh (phải) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran trao đổi các văn bản ký kết tại Hà Nội vào ngày 03 Tháng 9 năm 2016.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái, sau), Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (phải, sau), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh (phải) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran trao đổi các văn bản ký kết tại Hà Nội vào ngày 03 Tháng 9 năm 2016.

AFP photo
Trong thời gian hai chục năm trở lại đây quan hệ ngoại giao, quân sự Việt Nam Ấn Độ được đánh giá phát triển tích cực. Quan hệ này hiện đang được đẩy mạnh hơn nữa khi sự lấn lướt của Trung Quốc ngoài biển Đông tiếp tục.
Mua bán vũ khí
Đầu tháng tư năm 2017, báo chí quốc tế đưa tin quân đội Ấn Độ đang huấn luyện cho các sĩ quan quân đội Việt Nam trên đất Ấn Độ. Tiến sĩ Sampa Duku, một nhà nghiên cứu Đông Nam Á thuộc cơ quan nghiên cứu và phân tích quốc phòng tại thủ đô New Delhi kể lại rằng hồi năm 2014, nhân chuyến viếng thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai quốc gia đã bàn luận về chuyện huấn luyện các phi công chiến đấu và chỉ huy tàu ngầm cho Việt Nam.
Ngoài việc huấn luyện, truyền thông Quốc tế còn đưa tin là Ấn độ sẵn sàng bán cho Việt Nam các loại tên lửa siêu thanh BraMos có tầm bắn xa 250 cây số, cũng như hỏa tiễn đất đối không Akash mà quân đội Ấn đang sử dụng.
Bình luận về sự trợ giúp huấn luyện cũng như mua bán vũ khí giữa hai nước, Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu biển Đông của Việt Nam phát biểu:

Hải quân Việt Nam vẫn chưa mạnh, cả về kỹ thuật tác chiến, cũng như vũ khí, cho nên là Việt Nam luôn tìm cách đẩy mạnh. Ấn Độ là một quốc gia mà Việt Nam đang tìm kiếm.
– Thạc sĩ Hoàng Việt

Cho đến bây giờ thì tiềm lực quân sự, sức mạnh hải quân của Việt Nam hãy còn yếu. Và đặc biệt là về hải quân, hải quân Việt Nam vẫn chưa mạnh, cả về kỹ thuật tác chiến, cũng như vũ khí, cho nên là Việt Nam luôn tìm cách đẩy mạnh. Ấn Độ là một quốc gia mà Việt Nam đang tìm kiếm. Ấn Độ là một cường quốc hải quân, và thậm chí kinh nghiệm tác chiến hải quân của Ấn độ còn cao hơn cả Trung Quốc.”
Nói về việc tìm kiếm sự trợ giúp hải quân từ bên ngoài Thạc sĩ Hoàng Việt nói Việt Nam cũng có thúc đẩy những mối quan hệ với Nhật Bản, nhưng quốc gia này chỉ mới bắt đầu phát triển hải quân trong thời gian gần đây sau khi điều chỉnh lại Hiến pháp.
Ông Hoàng Việt cho biết thêm là cho đến nay Việt Nam có một nhà cung cấp vũ khí chính là nước Nga, tuy nhiên theo ông Hoàng Việt thì mua vũ khí của Nga sẽ bị bất lợi nếu Việt Nam rơi vào thế đối đầu quân sự với Trung Quốc, vì cùng một loại vũ khí Nga bán cho cả Việt Nam và Trung Quốc, thậm chí chuyển giao cả công nghệ sản xuất cho Bắc Kinh.
Về vấn đề kinh nghiệm hải quân của Ấn Độ mà Thạc sĩ Hoàng Việt đề cập, New Delhi đã có kinh nghiệm vận hành các loại tàu ngầm Kilo sản xuất từ Nga, mà hiện Việt Nam đang có sáu chiếc. Ấn độ trong quá khứ cũng có kinh nghiệm tiêu thụ các loại vũ khí của khối Liên Xô cũ sản xuất, trong đó có loại hỏa tiễn BraMos có nguồn gốc từ Nga, nhưng được các nhà sản xuất vũ khí Ấn Độ phát triển thêm.
Quan hệ chính trị và ngoại giao
df5f4ff1-86c7-4d51-8aa2-c50782632f36-400.jpg
Tên lửa đất đối không Akash được trưng bày cho người dân xem trong lễ kỷ niệm Ngày cộng hòa ở New Delhi, ngày 26 tháng một năm 2007. AFP photo
Về quan hệ chính trị và ngoại giao, thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng mặc dù Ấn Độ có quan hệ với Trung Quốc nhưng lúc nào cũng đóng vai trò một Quốc gia độc lập, và đang có khuynh hướng phát triển các quan hệ của mình về phía Đông, tức là với các Quốc gia Đông Nam Á.
Phân tích quan hệ chính trị ngoại giao tay ba giữa Ấn Độ, Việt Nam, và Trung Quốc, tờ báo the Epoch Times đăng bài của nhà nghiên cứu Sampa Duku, số đăng vào đầu tháng tư, nhắc lại chiến dịch can thiệp quân sự của Việt Nam vào Campuchia năm 1979 để lật đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ, và vào thời điểm đó Ấn Độ đã chọn việc ủng hộ Việt Nam.
Trong quan hệ Việt Nam Ấn Độ, nhà nghiên cứu Sampa Duku còn kể thêm một tác nhân nữa là quan hệ nồng thắm giữa Trung Quốc và Pakistan, quốc gia có những quan hệ phức tạp và đôi khi thù địch với Ấn Độ.
Tờ Epoch Times trích những nguồn tin khác nhau nói rằng Bắc Kinh đang bán các loại tàu ngầm hiện đại cho Pakistan, đồng thời có khả năng sẽ triển khai hàng ngàn lính thủy quân lục chiến Trung Quốc tại các căn cứ hải quân của Pakistan nằm sát bên Ấn Độ. Trong tình hình đó ông Sampa Duku nói rằng nếu Ấn Độ muốn trở thành một cường Quốc vùng Ấn Độ Dương Thái Bình Dương thì không thể không kết thân với Việt Nam, quốc gia có triển vọng trở thành cường quốc hải quân ở Đông Nam Á.
Trở lại vấn đề mua vũ khí để tăng cường tiềm lực quân sự của Việt Nam, thạc sĩ Hoàng Việt nói rằng ngoài Ấn Độ, Việt Nam cũng đang tìm đến những nhà cung cấp khác như Israel, và nhất là Hoa Kỳ.

Vấn đề thương mại như vậy cho nên vấn đề biển Đông có thể là một lá bài để Mỹ có thể khiến Trung Quốc thỏa hiệp những vấn đề khác…
– Thạc sĩ Hoàng Việt

Tuy nhiên từ sau khi lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ đối với Việt Nam được dỡ bỏ, vẫn chưa có tiến triển gì được công bố.
Khi được hỏi là trong tình hình hiện tại, khi nước Mỹ dưới quyền điều hành của chính quyền ông Donald Trump có khuynh hướng co cụm lại sẽ để chỗ trống quyền lực ở biển Đông cho Trung Quốc trám vào hay không? Ông Hoàng Việt nói rằng nước Mỹ thời ông Trump muốn gây sức ép về thương mại với Trung Quốc:
Vấn đề thương mại như vậy cho nên vấn đề biển Đông có thể là một lá bài để Mỹ có thể khiến Trung Quốc thỏa hiệp những vấn đề khác, vì thế cho nên vấn đề biển Đông kể cả dưới thời tổng thống Donald Trump cũng sẽ không lơi lỏng mà còn có thể được đẩy mạnh, vì đó là một ưu thế của Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên ông Hoàng Việt cũng nói rằng hãy còn sớm để nói được điều gì về vai trò mới của Mỹ, khi mà ông Trump có những tuyên bố lúc đầu rất mạnh bạo, nhưng sau đó lại không có gì, tức là một chính sách mới của Mỹ về Biển Đông chưa hình thành.