Tin khắp nơi – 25/03/2017
Ngoại trưởng Tillerson sẽ gặp các Ngoại trưởng NATO
Các giới chức Mỹ cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ gặp các đối tác trong liên minh NATO vào tuần tới, sau khi bị chỉ trích về quyết định ban đầu của ông, bỏ qua hội nghị các Ngoại trưởng NATO.
Các giới chức Bộ Ngoại giao nói ông Tillerson sẽ dự hội nghị ngày 31 tháng Ba ở Bruxelles. Ngoại trưởng của các nước thành viên NATO theo lịch trình đã định ban đầu lẽ ra sẽ tụ tập về Bruxelles vào những ngày 5 và 6/4. Hiện không rõ liệu buổi họp mới có sẽ thay thế hội nghị đã lên lịch cho đầu tháng Tư hay không.
NATO chưa đưa ra thông báo chính thức nào về việc này.
Hồi đầu tuần, văn phòng Ngoại Trưởng Rex Tillerson nói ông không thể đến dự hội nghị tháng Tư quy tụ 28 nước thành viên NATO, nêu lên lo sợ về sự cam kết của chính phủ Mỹ đối với NATO.
Tổng thống Donald Trump thường xuyên chỉ trích NATO là một tổ chức “đã lỗi thời”, mặc dù Phó Tổng Thống Mike Pence và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis luôn bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Các giới chức Bộ Ngoại giao nói Ngoại Trưởng Tillerson sẽ lên đường sang Bruxelles sau chuyến công du tới Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ cho biết sẽ phổ biến sớm những thông tin về lịch trình của Ngoại Trưởng Rex Tillerson.
Theo dự kiến, ông Tillerson sẽ dự cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida vào ngày 6 và 7 tháng Tư tới đây.
Đầu tuần này, Toà Bạch Ốc loan báo ông Trump sẽ dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 25/5 ở Bruxelles. Tổng thống Mỹ sẽ tiếp đón Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg vào ngày 12/4.
http://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-tillerson-se-gap-cac-ngoai-truong-nato/3781677.html
Tranh cãi vụ huỷ điều trần công khai
về can dự cuả Nga trong bầu cử Mỹ
Các nhà lập pháp hàng đầu Hoa Kỳ đang tranh cãi gay gắt về quyết định ngưng điều trần công khai về vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, vụ tranh cãi mới nhất nổ ra sau khi cuộc điều trần công khai của các cựu nhân viên tình báo bị huỷ bỏ đột ngột.
Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes, thuộc Đảng Cộng hoà, loan báo quyết định này hôm thứ Sáu, cho rằng đó là điều cần thiết để nghe những lời khai chứng của Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ – NSA trong một cuộc điều trần kín.
Trong một cuộc họp báo dàn xếp vội vã, ông Nunes nói uỷ ban tình báo Hạ viện muốn tìm kiếm thêm thông tin, và chỉ có thể có những thông tin đó trong các buổi điều trần kín.
Tin này bị các dân biểu Đảng Dân chủ mạnh mẽ đả kích, họ lưu ý rằng Giám Đốc FBI James Comey và Giám Đốc NSA, Đô đốc Mike Rogers đã công khai điều trần hôm thứ Hai trước đó.
Trong buổi điều trần đó, ông Comey lần đầu tiên xác nhận là các giới chức đang điều tra những liên hệ có thể có giữa đội chuyển tiếp của ông Trump với Nga.
Ông Adam Schiff, dân biểu hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Uỷ ban Tình báo Hạ viện, nói huỷ cuộc điều trần công khai với Giám Đốc Tình báo Quốc gia James Clapper và cựu Giám Đốc CIA John Brennan là một hành động “tránh né.”
Ông mô tả loan báo của ông Nunes rằng ông Paul Manafort, cựu Giám Đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump, đồng ý nói chuyện với uỷ ban là một chiêu trò nhằm đánh lạc hướng dư luận. Dân biểu Schiff nói:
“Phải có sự can thiệp mạnh mẽ từ Toà Bạch Ốc. Tôi không thể đi đến kết luận nào khác để lý giải vì sao một cuộc điều trần được mọi người đồng ý lại bất thần bị huỷ bỏ? Có lý do nào khác để giải thích điều đó? ”
Nga khăng khăng bác bỏ những cáo buộc của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga đã tiến hành một chiến dịch nhằm tác động đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Trump cũng mạnh mẽ chống đối những lời cáo buộc, nói rằng những cáo buộc đó được các giới chức Đảng Dân chủ kích động để chạy lỗi và giải thích vì sao ứng cử viên của họ, bà Hillary Clinton, thất cử.
Liên minh chống IS
điều tra khả năng không kích giết dân thường ở Mosul
Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo chống các phần tử chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo ở Iraq đang tiến hành một cuộc điều tra xem liệu các cuộc không kích của liên minh có giết hơn 100 thường dân ở khu xóm Jidideh tại Mosul như một số bản tin tường trình hay không.
Môt thông báo của liên minh cho hay là một cuộc điều tra đã được xúc tiến để thẩm định tính đáng tin cậy của cáo buộc vừa nêu.
Thông báo này còn nói là máy bay của liên minh “thường xuyên đột kích” các mục tiêu Nhà Nước Hồi giáo (IS) trong khu xóm, và các lực lượng liên minh “đã thực thi tất cả các biện pháp thận trọng hợp lý trong khi hoạch định và thực hiện các cuộc không kích hầu có thể giảm thiểu những sự tổn thất nơi thường dân.”
Trong khi Đại Tá John Thomas, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Miền Trung Hoa Kỳ, nói với tờ New York Times rằng quân đội Mỹ không chắc liệu một vụ nổ ở phía Tây Mosul là do một cuộc không kích của Mỹ hay các đối tác khác trong liên minh gây ra, hay là do một quả bom hoặc mìn do IS gài, một sĩ quan Iraq nói với tờ báo này rằng ông biết chính xác điều gì đã diễn ra.
Trung Tướng Maan al-Saadi, Tư lệnh các lực lượng đặc biệt Iraq nói với tờ The Times rằng thuộc cấp của ông yêu cầu không lực liên minh yểm trợ để loại trừ những kẻ bắn tỉa trên nóc của 3 căn nhà ở khu Jidideh của Mosul. Ông nói các lực lượng dưới quyền ông không biết là các tầng hầm tại các ngôi nhà này chứa đầy thường dân.
Các tổ chức dân sự, nhân đạo và cứu trợ cũng như các giới chức giám sát khuyến cáo về nguy cơ số thương vong nơi người dân thường sẽ tăng vì tình hình chiến sự tại đây đòi hỏi thêm nhiều cuộc không kích và pháo kích.
Hoa Kỳ siết chặt thủ tục cấp duyệt visa
Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ trên toàn cầu xác định một số nhóm nhất định cần được kiểm tra kỹ lưỡng khi họ xin thị thực nhập cảnh Hoa Kỳ.
Chỉ thị cũng hướng dẫn các cơ quan hữu trách của Mỹ ở nước ngoài xem xét các tài khoản trên mạng xã hội của những người xin visa bị tình nghi có liên hệ khủng bố hay từng sinh sống trong những khu vực bị nhóm Nhà nước Hồi giáo kiểm soát.
Công điện ngoại giao của Ngoại trưởng Rex Tillerson chỉ đạo các đại sứ quán phải lập các nhóm làm việc về an ninh và tình báo để lập ra danh sách các phạm trù định dạng những thành phần cần phải tăng cường rà soát an ninh.
Thậm chí một đương đơn đủ điều kiện được cấp visa, nhưng bị xem là có những yếu tố trong danh sách đó thì cần phải bị rà soát kiểm tra thêm và có thể bị khước từ visa.
Đây là bằng chứng đầu tiên của chiến dịch ‘sàng lọc gắt gao’ người nước ngoài muốn nhập cảnh Hoa Kỳ mà Tổng thống Donald Trump đã cam kết khi tranh cử.
Các giới chức đại sứ quán Mỹ tại các nước giờ đây phải rà soát đơn xin visa để quyết định xem những người này có đề ra nguy cơ an ninh cho nước Mỹ hay không, theo 4 công văn gửi đi từ ngày 10 đến ngày 17/3.
Chỉ thị này đã nhanh chóng bị chỉ trích bởi các nhóm nhân quyền và những người tố cáo ông Trump kỳ thị Hồi giáo.
Tổ chức Ân xá Quốc tế ngày 24/3 kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ công khai chỉ thị vừa kể.
http://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-siet-chat-thu-tuc-cap-duyet-visa/3781084.html
Mỹ giao thêm 4 máy bay F-16 cho Indonesia
Hoa Kỳ giao thêm 4 máy bay chiến đấu Falcon F-16 tân trang do hãng Lockheed Martin chế tạo cho Không lực Indonesia.
Động thái này nằm trong khuôn khổ thỏa thuận trị giá 700 triệu đô la được ký vào năm 2012 để cung cấp cho quốc gia Đông Nam Á này 24 máy bay chiến đấu loại F-16C/D của không lực Mỹ được nâng cấp từ tiêu chuẩn Block 25 sang Block 52 vào cuối năm 2017.
Các máy bay F-16 này trước đây đã được Không lực Mỹ và các đơn vị Vệ binh Quốc gia sử dụng, nhưng sau đó ngưng hoạt động và tồn kho vài năm, một tuyên bố của Không lực Mỹ ngày 17 tháng 3 cho biết.
Không lực Mỹ nói thêm là “mỗi máy bay đều nhận được một loạt các bộ phận mới và được nâng cấp bao gồm cánh mới, bộ phận giữ thăng bằng, và bộ phận đáp, cùng các nâng cấp về cấu trúc và khả năng phi hành.
http://www.voatiengviet.com/a/my-giao-them-bon-may-bay-f16-cho-indonesia/3781024.html
Đảng Dân chủ chống đối đề cử ông Gorsuch
vào chức Thẩm phán Toà Tối cao
Lãnh đạo hàng đầu của đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer hôm thứ Năm cho biết ông sẽ chống đối việc chuẩn thuận ông Gorsuch, người được Tổng thống Donald Trump đề cử vào vị trí Thẩm phán Tòa án tối cao, trong ngày cuối cùng của phiên điều trần.
Trong một bài phát biểu tại Thượng viện vào ngày cuối cuộc điều trần để chuẩn thuận ông Neil Gorsuch, Ông Schumer nói ông Gorsuch đã “không thuyết phục” được ông rằng ông ấy sẽ là một thẩm phán độc lập ” đối với Tổng thống Trump. Thượng nghị sĩ Schumer cho rằng ông Gorsuch là người có “ý thức hệ cực kỳ bảo thủ.”
Ông Schumer nói phe Cộng hòa “sẽ phải kiếm đủ 60 phiếu để chuẩn thuận ” ông Gorsuch nếu không, họ phải “đề cử một người khác”.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Casey góp tiếng với ông Schumer, chống đối việc đề cử ông Gorsuch viện những quan ngại nghiêm trọng về “triết lý tư pháp cứng nhắc và hẹp hòi” của Thẩm phán Gorsuch.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa cần đoạt được ít nhất 8 phiếu bầu của các nghị sĩ Dân chủ mới có thể chuẩn thuận việc đề cử ông Gorsuch, hoặc họ sẽ phải kích hoạt “phương án hạt nhân” sửa đổi các quy định và cho phép biểu quyết theo đa số.
Iraq đình chỉ chiến dịch tái chiếm Mosul
để điều tra số tử vong nơi thường dân
Chính phủ Iraq hôm 25/3 loan báo tạm đình chỉ cuộc chiến tái chiếm Mosul từ tay các phần tử chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo (IS) sau khi tin tức tường trình những tổn thất nhân mạng nặng nề nơi thường dân, người phát ngôn của lực lượng an ninh Iraq cho hay.
Lệnh đình chỉ cuộc chiến Mosul được loan báo giữa lúc Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo chống IS ở Iraq tiến hành một cuộc điều tra xem có phải các cuộc không kích của liên minh đã giết hơn 100 thường dân ở khu xóm Jidideh ở Mosul như một số bản tin nói hay không.
Môt thông báo của liên minh cho hay đã bắt đầu cuộc điều tra để thẩm định tính đáng tin cậy của các cáo buộc vừa nêu.
Thông báo này còn cho hay là máy bay của liên minh “thường xuyên tấn công” các mục tiêu Nhà Nước Hồi giáo (IS) trong khu xóm, và các lực lượng liên minh “đã áp dụng tất cả các biện pháp thận trọng hợp lý trong việc hoạch định và thực hiện các cuộc không kích hầu giảm thiểu những tổn thất nơi thường dân.”
Trong khi người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Miền Trung Hoa Kỳ, Đại Tá John Thomas nói với tờ New York Times rằng quân đội Mỹ không chắc liệu một vụ nổ ở phía Tây Mosul là do một cuộc không kích của Mỹ hay liên minh gây ra, hay là do bom hoặc mìn IS gài, một sĩ quan Iraq nói với tờ báo rằng ông biết chính xác điều gì đã xảy ra.
Trung Tướng Maan al-Saadi, Tư lệnh các lực lượng đặc biệt Iraq, nói với tờ The Times rằng các binh sĩ dưới quyền ông yêu cầu không lực liên minh yểm trợ để loại trừ những kẻ bắn tỉa trên nóc của 3 căn nhà ở khu xóm Jidideh của Mosul.
Tướng al-Saadi nói các thuộc cấp của ông không biết là có đông đảo thường dân trong các tầng hầm của các ngôi nhà liên hệ.
Ông Nawfal Hammadi, giới chức đặc trách vùng lãnh thổ quanh Mosul, nói với hãng thông tấn Pháp rằng quân IS đã tập hợp thường dân tại tầng hầm của ngôi nhà bị đánh bom để làm “bia đỡ đạn”.
Chủ tịch Quốc hội Iraq Salim al Jabouri kêu gọi các lực lượng liên minh hãy làm hết sức mình để cứu thường dân, nhưng ông thừa nhận trách nhiệm vô cùng nặng nề đặt lên trên vai của các lực lượng giải phóng Mosul.
Các tổ chức dân sự, nhân đạo và cứu trợ cũng như các giới chức giám sát tình hình tại đây khuyến cáo về nguy cơ số thương vong nơi người dân thường sẽ tăng cao hơn, vì tình hình tại đây đòi hỏi thêm phải thực hiện thêm nhiều cuộc không kích và tấn công bằng đạn pháo.
http://www.voatiengviet.com/a/iraq-dinh-chi-tai-chiem-mosul-dieu-tra-thuong-dan-tu-vong/3781735.html
Người Anh tuần hành phản đối Brexit
Hàng nghìn người đã tuần hành qua thủ đô London hôm 25/3 để phản đối việc Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu, bốn ngày trước khi Thủ tướng Anh Theresa May chính thức bắt đầu tiến trình Brexit, chính thức “ly hôn” tổ chức mà nước này gia nhập 44 năm trước.
Cuộc tuần hành có tên gọi “Đoàn kết vì châu Âu” dự kiến kết thúc tại một quảng trường gần quốc hội, nơi xảy ra vụ tấn tấn công làm bốn người chết trong tuần.
Trước khi bắt đầu cuộc biểu tình, những người tham dự đã dành một phút mặc niệm các nạn nhân của vụ khủng bố.
Reuters đưa tin rằng những người tuần hành vẫy cờ của EU cùng các biểu ngữ như “Chặn Brexit” khi họ đi tới quốc hội.
Trong khi đó, có người cầm biểu ngữ với nội dung “Chúc mừng sinh nhật EU” nhân lễ kỷ niệm ngày thành lập lần thứ 60 của tổ khối vào cuối tuần này.
Bà May tuyên bố ý định rút Anh khỏi EU sau cuộc trưng cầu dân ý năm ngoái, và sẽ chính thức thông báo khởi sự tiến trình kéo dài hai năm vào ngày 29/3, theo Reuters.
http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-anh-tuan-hanh-phan-doi-brexit/3781706.html
Mỹ chế tài các đối tượng hỗ trợ Iran, Bắc Triều Tiên
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24 tháng 3 cho biết đã áp đặt chế tài lên 30 cá nhân hoặc công ty nước ngoài vì đã chuyển giao các công nghệ nhạy cảm cho Iran dùng trong chương trình phi đạn của nước này hay vi phạm kiểm soát xuất khẩu sang Iran, Bắc Triều Tiên và Syria.
Mười một công ty hay cá nhân thuộc Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bị chế tài vì chuyển giao công nghệ có thể giúp đẩy mạnh chương trình phi đạn đạn đạo của Tehran, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Mười chín tổ chức hay cá nhân bị chế tài vì những vi phạm khác chiếu theo Luật Không phổ biến vũ khí hạt nhân Iran, Bắc Triều Tiên và Syria. Các công ty và cá nhân này đã chuyển giao hay thủ đắc công nghệ nhạy cảm có thể đóng góp vào việc chế tạo các loại vũ khí giết người hàng loạt.
http://www.voatiengviet.com/a/my-che-tai-cac-doi-tuong-ho-tro-iran-bac-trieu-tien/3781034.html
Trump: Cải cách thuế tiếp sau thất bại y tế
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng ông sẽ chuyển sang cải cách thuế, tiếp sau thất bại khi dự luật về y tế của ông không được Quốc hội thông qua vào ngày thứ Sáu.
Dự thảo luật nhắm vào việc hủy bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (Obamacare) mà người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Barack Obama từng khởi xướng.
Tôi có thể nói rằng chúng ta sẽ bắt đầu rất mạnh mẽ trong việc cắt giảm thuế lớn và cải cách thuế
Obamacare từng bị đảng Cộng hòa phản đối trong suốt nhiều năm.
Trump đổ lỗi thất bại dự luật cho phe Dân chủ
Trump ra tối hậu thư cho việc bỏ phiếu về dự luật y tế mới
Trợ lý của Trump ‘ngẫu nhiên bị theo dõi’ sau bầu cử
Tình báo Mỹ điều trần về Trump
Obamacare yêu cầu tất cả người Mỹ phải chăm sóc sức khoẻ nhưng cung cấp trợ cấp cho những người có thu nhập thấp.
Dự luật của ông Trump đã bị rút lại vì thiếu sự ủng hộ của đảng Cộng hòa.
Phe này kiểm soát cả lưỡng viện của Quốc hội, và việc rút lại dự luật là một thất bại lớn cho tân tổng thống.
Ông Trump đã vận động tranh cử đề cao những kỹ năng của mình như một nhà buôn.
Ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng :
Làm những điều lớn lao là rất khóChủ tịch Hạ viện Paul Ryan
“Tôi có thể nói rằng chúng ta sẽ bắt đầu rất mạnh mẽ trong việc cắt giảm thuế lớn và cải cách thuế.”
‘Thâm hụt ngân sách’
Tuy nhiên, cắt giảm thuế được cho là phải được bù lại bằng các khoản tiền được tiết kiệm từ dự luật chăm sóc sức khoẻ mà nay đã bị rút lại.
Nếu không có cắt giảm chi tiêu trong dự luật thất bại này, bất kỳ khoản cắt giảm thuế nào cũng sẽ gây thâm hụt ngân sách của liên bang.
Ông Trump đã chỉ trích phe của đảng Dân chủ trong Quốc hội sau khi dự luật này y tế bị rút lại, đổ lỗi cho đảng đối lập vì không ủng hộ công việc cải tổ luật của ông.
Nhưng chính phe Cộng hòa đã đảm bảo rằng dự luật bị xếp lại, sau khi Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan tuyên bố ông không thể có đủ sự hậu thuẫn từ chính đảng Cộng hòa của ông.
“Làm những điều lớn lao là rất khó”, ông Ryan nói.
Tổng thống từ chối chỉ trích ông Ryan, người mà trọng trách Chủ tịch Hạ viện liên quan đến việc vận động ủng hộ những dự luật gây tranh cãi.
Ông Trump nói: “Chúng tôi đã học được về sự trung thành, chúng tôi đã học được rất nhiều về quá trình về bỏ phiếu”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39393019
Lãnh đạo EU kêu gọi đoàn kết
Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu kêu gọi đoàn kết trong lễ kỷ niệm tại thủ đô Ý, đánh dấu 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome.
Tất cả 27 nước thuộc khối EU, không có Anh quốc, ký bản tuyên bố sẽ tôn trọng hiệp ước ký vào năm 1957, là hiệp ước đưa đến việc hình thành khối Liên minh châu Âu.
Với tiến trình Brexit đang được chuẩn bị, Thủ tướng Anh Theresa May đã không tham dự buổi lễ.
Lãnh đạo của Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker, có bài phát biểu với thái độ lạc quan về tương lai của khối.
“Bầu không khí lúc này cho thấy chúng ta rất tự tin đối với sự việc diễn ra,” ông nói, ám chỉ tương lai của khối EU khi không còn Anh quốc.
Theo kế hoạch, bà may sẽ kích hoạt tiến trình Brexit vào hôm thứ Tư tới đây.
Trên Đồi Capitoline, nơi sáu quốc gia ban đầu đã ký Hiệp ước Rome vào ngày 25 tháng Ba 1957, lãnh đạo của 27 nước đã cùng tuyên bố cam kết sự đoàn kết.
“Ngày hôm nay chứng minh rằng các bạn là những lãnh đạo của châu Âu, quan tâm đến sự gìn giữ và kế thừa di sản vĩ đại mà những người anh hùng của châu Âu đã lập nên từ 60 năm trước,” Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói.
Buổi lễ diễn ra trong bối cảnh EU sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả Brexit và sự trỗi dậy của các đảng chính trị thuộc phe dân túy.
Các cuộc biểu tình ủng hộ và phản đối EU diễn ra tại nhiều nước thành viên. Hàng ngàn người đã tuần hành tại thủ đô London để phản đối Brexit; và tại thủ đô Ba Lan là Warsaw, hàng ngàn người xuống đường để biểu lộ sự đoàn kết với EU.
Tấn công ở London: Những thông tin mới nhất
Nhưng tại Rome, đảng Fratelli d’Italia có xu hướng hoài nghi về mô hình EU, đã tổ chức tuần hành để chỉ trích sự bất bình đẳng trong giao thương của khối liên minh. Những cũng có những cuộc tuần hành ủng hộ EU sẽ diễn ra tại Rome.
An ninh đã được thắt chặt khắp thủ đô của nước Ý sau vụ tấn công khủng bố tại London vào hôm thứ Tư vừa qua.
Đức Giáo hoàng Francis cũng chào đón các vị lãnh đạo của châu Âu đến thăm tòa thánh Vatican vào buổi tối của hội nghị.
Trong bài diễn văn, ông nói mọi người sẽ không còn sức sống nếu không chịu hướng về phía trước, và kêu gọi EU phải nhìn về tương lai với luồng sinh khí mới.
Ông cũng cảnh báo về ‘tình trạng an ninh giả tạo’ do những người theo phe dân túy cổ xúy bằng cách tự cô lập, mà thay vào đó kêu gọi đoàn kết hơn nữa.
Nguyên thủy, Hiệp ước Rome cho ra đời Cộng đồng Kinh tế chung châu Âu, là tiền thân của khối EU.
Hiệp ước được ký bởi sáu quốc gia gồm: Bỉ, Pháp, Ý, Luxembourg, Hà Lan và Đức.
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia gửi lời chúc mừng đến những lãnh đạo châu Âu.
“Cùng nhau, chúng ta sẽ hướng đến 60 năm nữa và cùng chia sẻ việc gìn giữ an ninh cũng như chia sẻ sự thịnh thượng,” thông điệp của Nhà Trắng viết.
Tổng thống Donald Trump là người thường xuyên chỉ trích khối liên minh và cho rằng Brexit là ‘một điều tốt’, đồng thời dự đoán sẽ còn nhiều quốc gia đi theo con đường của Anh quốc.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39392536
Hong Kong sẽ chọn Đặc khu trưởng theo ý Bắc Kinh
Ứng viên được Bắc Kinh ưa thích chắc chắn sẽ được chọn vào chức vụ đặc khu trưởng Hong Kong trong cuộc bầu cử vào chủ Nhật tuần này.
Hãng Reuters đưa ra dự báo như vừa nêu cho biết Uỷ ban bầu cử gồm 1.200 người trong đó đa phần là người trung thành với Bắc Kinh sẽ bỏ phiếu cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam). Trong khi đó, cựu vụ trưởng Tài chính Tăng Tuấn Hoa ( John Tsang), người được nhiều người dân Hồng Kông biết đến, được dự báo sẽ chỉ thắng khoảng ¼ tổng số phiếu bầu.
Nhiều người dân cho biết họ sẽ cảm thấy rất buồn và thất vọng nếu ông Tăng Tuấn Hoa không được lên làm lãnh đạo vì họ cho rằng ông này dù không phải người hoàn hảo nhưng sẽ có khả năng đại diện và đoàn kết người dân Hồng Kông.
Còn bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga vừa qua bị cáo buộc liên quan đến một vụ bê bối về kế hoạch sử dụng một phần khu đất trong một khu phố văn hóa để xây dựng một bảo tàng lưu giữ các hiện vật từ Bảo tàng Hoàng gia ở Bắc Kinh. Bà này biết mọi thông tin về kế hoạch nhưng những thông tin đó chỉ được tiết lộ cho công chúng ngay trước khi bà tuyên bố ra tranh cử.
Hôm 7/3 vừa rồi Trung Quốc cũng lên tiếng cho biết Bắc Kinh có quyền được can thiệp vào việc bầu cử của Hồng Kông. Xin được nhắc lại, Hồng Kông được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, nhưng chính quyền Bắc Kinh đồng ý dành cho đặc khu này qui chế ‘một quốc gia, hai thể chế’.
http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/hongkong-choose-beijing-pick-for-leader-amid-eco-malaise-03242017130333.html
60 năm Hiệp định Roma :
Tương lai nào cho Liên Hiệp Châu Âu ?
Vào lúc 27 nước thành viên tập hợp về thủ đô nước Ý kỷ niệm Hiệp định Roma được ký kết ngày 25/03/1957, cách nay đúng 60 năm, Liên Hiệp Châu Âu đang bị chia rẽ sâu rộng. Khủng hoảng kinh tế kéo dài khiến công luận hoài nghi về những hứa hẹn thịnh vượng chung.
Ngày 25/03/1975 tại Roma, Pháp, Đức, Bỉ, Ý Luxembourg và Hà Lan đã ký hai hiệp ước khai sinh Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu (CEE) và Cộng Đồng Châu Âu về Năng Lượng Nguyên Tử (CCEA). Chính thức có hiệu lực vào tháng 1/1958, cả hai hiệp định nói trên mở đường cho Liên Hiệp Châu Âu ra đời. Từ sáu nước ban đầu, Cộng Đồng Châu Âu nhiều lần đổi tên và kết nạp thêm các thành viên mới, để trở thành Liên Hiệp Châu Âu ngày nay, bao gồm tổng cộng 28 quốc gia -cho đến khi Anh Quốc chính thức rời Liên Hiệp, với hơn 500 triệu dân.
Liên Hiệp Châu Âu bước vào cái tuổi 60 với nhiều thách thức
Tháng 6/2016 đa số dân Anh đòi bước ra khỏi mái nhà chung châu Âu. Khủng hoảng tài chính và kinh tế từ năm 2008 thổi tới châu Âu, nhiều nước trên Lục Địa Già lao đao: Hy Lạp suýt phải tuyên bố phá sản. Hơn ¼ dân số trong tuổi lao động ở trên quê hương của nhà hiền triết Socrate không có việc làm. Hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha bị đe dọa, Ý và thậm chí là cả Pháp trong tầm ngắm của giới đầu cơ. Chín năm sau vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản, 20,6 triệu dân trong Liên Hiệp Châu Âu bị thất nghiệp.
Các khuynh hướng bài châu Âu cận kề cánh cửa quyền lực. Phong trào dân tộc chủ nghĩa dâng cao, từ các nước Đông Âu đến Tây Âu. Đảng cựu hữu bài Châu Âu của ông Geert Wilders trở thành lực lượng chính trị thứ nhì ở Hà Lan sau cuộc bầu cử Quốc Hội tháng 3/2017. Tại Áo, phe cựu hữu với chủ trương dân túy cũng xuýt nắm được quyền lực. Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp, đảng Mặt Trận Quốc gia của bà Le Pen đang dẫn đầu các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu. Còn tại Đức, thủ tướng Merkel liệu có là thành trình sau bầu cử Quốc vào tháng 9/2017 nữa hay không ?
Sát ngay cổng vào Liên Hiệp Châu Âu, xung đột tại miền đông Ukraina mở ra một cuộc đọ sức giữa Bruxelles với Liên bang Nga ; Đe dọa khủng bố ; Khủng hoảng về di dân, hậu quả trực tiếp từ các cuộc nội chiến tại Syria, Irak, Yemen ; Ẩn số trong quan hệ giữa châu Âu với chính quyền Donald Trump ở Washington … là những hồ sơ nóng bỏng cần được giải quyết.
Thế nhưng vào thời điểm cực kỳ nhậy cảm ấy, thì khối Liên Âu lại bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Điều này thể hiện rõ rệt nhất qua chính sách đón nhận người nhập cư, qua các làn sóng bài châu Âu đang được các đảng cực hữu và cực tả khai thác.
« Những công thức cũ đã mất thời gian tính »
Trả lời báo Le Figaro, số ra ngày 24/03/2017, về tương lai chung của khối Liên Âu cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine và chủ tịch quỹ mang tên cha đẻ của Liên Hiệp Châu Âu Robert Shuman, ông Jean- Dominique Giuliani cùng cho rằng, để tồn tại Châu Âu cần đoạn tuyệt với những công thức từng được dùng trong 60 năm qua.
Nêu lên những lợi ích chung, từ đó đặt ra những luật chơi chung, không còn là phép lạ để người dân ở 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu cảm thấy gần gủi với nhau. Khi mà công luận không còn tin tưởng vào một định mệnh chung, vào một con tàu châu Âu thì đó là yếu tố nghiêm trọng nhất dẫn tới sự tan rã của toàn khối.
Mối nguy hiểm đó, trong mắt cựu ngoại trưởng Vedrine, còn đáng sợ hơn gấp bội lần so với thách thức trên vấn đề người nhập cư, so với những đòn khiêu khích của tổng thống Nga hay những lời lẽ đao to búa lớn của tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Chủ tịch Quỹ châu Âu Robert Schuman, Jean- Dominique Giuliani cho rằng đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu cần dừng tiến trình hội nhập để lắng nghe nguyện vọng tha thiết nhất của các dân tộc trong cùng một gia đình.
Những tiếng nói đó muốn gì ? Họ muốn bảo vệ bản sắc và chủ quyền quốc gia. Nguyện vọng vừa giữ được bản sắc và chủ quyền ấy, không mâu thuẫn với tình cảm tốt đẹp đối với châu Âu.
Cựu ngoại trưởng Pháp kết luận : Lờ những nguyện vọng đó hay không thay đổi phương pháp làm việc của châu Âu là một tính toán mạo hiểm. Ngược lại ông Vedrine cho rằng, công dân châu Âu vẫn thiết tha với mái nhà chung đã có và cảm tình đó đủ vững mạnh để mọi người cùng nhau « định nghĩa lại » về một tương chung lai chung.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170325-60-nam-hiep-dinh-roma-tuong-lai-nao-cho-lien-hiep-chau-au
60 năm Hiệp định Roma,
Liên Hiệp Châu Âu khẳng định một “tương lai chung”
Nhân lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Roma, ngày 25/03/2017, vắng mặt Anh Quốc nhưng lãnh đạo 27 nước châu Âu long trọng ký kết bản Tuyên bố chung, khẳng định Liên Hiệp Châu Âu là một khối « thống nhất và không thể tách rời ». An ninh được tăng cường tại thủ đô nước Ý đề phòng khủng bố và các cuộc biểu tình bài châu Âu.
Lễ ký Tuyên bố chung được tổ chức tại điện Capitol, cũng tại phòng hội Horaces và Curiaces, nơi cách đây 60 năm, ngày 25/03/1957, sáu thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu – gồm Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Ý – đã ký Hiệp định Roma. Các bên hy vọng lễ kỷ niệm hôm nay là cơ hội để tái thúc đẩy dự án châu Âu, trong bối cảnh nước Anh quyết định rời khỏi gia đình chung và làn sóng dân tộc chủ nghĩa bùng lên ở khắp nơi trên lục địa này.
Tường trình của thông tín viên Huê Đăng :
” Roma rực rỡ nắng ấm, 27 nguyên thủ quốc gia của các nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu – không có sự hiện diện của thủ tướng Anh vì Luân Đôn đã quyết định bước ra khỏi khối Châu Âu, long trọng tham dự lễ kỷ niệm 60 năm (1957-2017) thành lập Liên Hiệp. Báo chí gọi đây là “đám cưới kim cương” của Liên Hiệp Châu Âu.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, ông Jean-Claude Junker hồ hởi tuyên bố là sẽ có kỷ niệm 100 năm thành lập Liên Hiệp Châu Âu, ý nói lên niềm tin về sự bền vững và trường tồn của toàn khối, dù rằng hiện nay Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. Đặc biệt llafphe bài Châu Âu ngày càng tăng, và những khó khăn kinh tế khiến tỷ lệ ủng hộ và tin tưởng vào Châu Âu đã thuyên giảm.
Ngay trong sảnh đường lớn của Ủy Ban Quản Trị thủ đô Roma, nơi mà 60 năm trước nguyên thủ quốc gia của 6 nước sáng lập viên đã ký Hiệp định Châu Âu đầu tiên làm nền tảng cho Liên Hiệp Châu Âu sau này, 27 nguyên thủ quốc gia đã lần lượt ký tên vào văn bản của kỷ niệm 60 năm Liên Hiệp Châu Âu với nội dung nhằm thúc đẩy phát triển thêm mức độ hội nhập của Liên Hiệp Châu Âu trong vòng 10 năm tới.
Trong bài diễn văn đón chào các nguyên thủ quốc gia đến dự lễ kỷ niệm, thủ tướng Ý, ông Paolo Gentiloni, tuyên bố : ” xây dựng Liên Hiệp Châu Âu là cả một hành trình để biến những ước mơ và hy vọng thành sự thật. Hành trình đó hiện nay vẫn còn tiếp tục”.
Hôm qua, 24/03/2017 các nguyên thủ quốc gia của Liên Hiệp Châu Âu đã tiếp kiến Đức Giáo Hoàng Phanxico tại Tòa thánh Vatican. Sau lễ kỷ niệm Hiệp định Roma sáng nay, tất cả các phái đoàn sẽ đến dinh tổng thống Ý tiếp kiến ông Sergio Mattarella.
Khoảng 5.000 nhân viên của lực lượng an ninh cảnh sát và quân đội đã tăng cường bảo vệ Roma: vừa phòng chống khủng bố vừa ngăn ngừa các cuộc bạo loạn có thể xẩy ra từ những phần tử quá khích tẩy chay Châu Âu.
Từ những ngày trước cảnh sát đã kiểm soát các ngõ ngách, đường hầm, ống cống ở những nơi trọng yếu của Roma. Đường sông và không phận của Roma hôm nay bị phong tỏa, nhất là sau khi xảy ra vụ khủng bố vừa qua ở Luân Đôn, từ mấy hôm nay không có xe tải nào được chạy vào nội thành Roma.
Trong lúc các nguyên thủ quốc gia đặt bút ký vào bản Tuyên bố chung, kỷ niệm 60 năm Hiệp định Roma, thì có ít nhất 4 cuộc biểu tình bài châu Âu với khoảng hơn 10 ngàn người tham dự, theo dự phóng của cảnh sát Ý. Các giới chức an ninh đã được báo động về sự hiện diện của những thành phần quá khích như black-block. Vài ngày trước đây, đã có khoảng 7 ngàn thành phần quá khích mang quốc tịch của những nước khác đã bị trục xuất ra khỏi Ý “.
Khó nhọc để đạt được bản Tuyên bố chung
Liên Hiệp Châu Âu không dễ đạt được đồng thuận về bản Tuyên bố chung, được ký vào sáng nay sau hai ngày thương lượng cam go. Ba Lan cho đến phút cuối cùng vẫn đe dọa không ký, bởi không chấp nhận nguyên tắc châu Âu « nhiều tốc độ », tuy nhiên, nguyên tắc này đã được chấp nhận trong văn bản cuối cùng (với một thay đổi nhỏ, « nhiều tốc độ » được chuyển thành « với nhịp độ khác nhau »). Ngoài Ba Lan, Hy Lạp cũng tỏ ra dè dặt với bản Tuyên bố chung, nhưng yêu cầu làm rõ vấn đề các quyền lợi của người lao động.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã có một hành động mang tính biểu tượng, đó là ký vào Tuyên bố chung, với chiếc bút đã được lãnh đạo Luxembourg dùng để ký Hiệp ước Roma cách nay đúng 60 năm.
Trước lễ ký, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, hối thúc lãnh đạo 27 nước « hãy chứng tỏ là các lãnh đạo của châu Âu ». Ông nhắc lại với các lãnh đạo châu Âu về thời kỳ Ba Lan còn sống dưới chế độ Cộng Sản toàn trị, những chặng đường khó khăn mà Liên Hiệp Châu Âu đã trải qua, và kêu gọi đừng để dự án châu Âu sa lầy trong « những bất đồng nội bộ » và tránh để cơ nghiệp của châu Âu tiêu tan trong nạn quan liêu.
Tuyên bố chung của Liên Hiệp Châu Âu khẳng định 27 nước cam kết lắng nghe các công dân, trong lúc cách đó vài trăm mét, hàng nghìn người biểu tình bày tỏ thái độ phản đối thượng đỉnh này.
TT Nga bất ngờ tiếp ứng viên tổng thống cực hữu Pháp
Ửng cử viên tổng thống Pháp đảng cực hữu Marine Le Pen được tiếp kiến tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva ngày 24/03/2017. Hiện tại bà đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu ở vòng 1, diễn ra ngày 23/04.
Theo chương trình được loan báo thì nhân chuyến thăm Nga, sau cuộc tiếp xúc một số nghị sĩ Nga vào sáng qua, bà Le Pen không có hoạt động quan trọng nào khác, và nhất là không có cuộc họp với nguyên thủ Nhà Nước Nga.
Thế nhưng, sau khi kín đáo đến thăm một cuộc triển lãm tại bảo tàng của Điện Kremlin, người ta thấy bà Le Pen xuất hiện trên truyền hình nhà nước Nga cùng với tổng thống Vladimir Putin trong một phòng khách trên tầng thứ nhất của điện Kremlin, thường được sử dụng cho các cuộc họp không chính thức.
Phát biểu với bà Le Pen, ông Putin khẳng định là nước Nga không hề muốn tác động đến cuộc bầu cử Pháp sắp tới, nhưng có quyền liên lạc với các chính trị gia Pháp có trọng lượng, tương tự như các nước châu Âu hay Hoa Kỳ.
Riêng đối với bà Le Pen, ông Putin xác định « Thật là thú vị khi được chia sẻ với bà về cách phát triển quan hệ song phương và tình hình ở châu Âu. Tôi biết bà đại diện cho một xu hướng chính trị châu Âu đang phát triển khá nhanh ».
Về phần mình, lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia cực hữu Pháp đã tiết lộ với hãng tin Pháp AFP rằng bà đã thảo luận với ông Putin về « cách thức cùng làm việc giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống chủ nghĩa toàn thống ».
Theo hãng AFP, một tháng trước vòng một cuộc bầu cử tổng thống ngày 23/04/2017, bà Le Pen đã nâng cao được vị thế quốc tế của mình bằng cuộc tiếp xúc với lãnh đạo một nước lớn. Trước đó, bà cũng đã tiếp xúc với một số lãnh đạo các nước nhỏ, như tổng thống Liban Michel Aoun và tổng thống Tchad, Idriss Deby.
http://vi.rfi.fr/phap/20170325-tt-nga-bat-ngo-tiep-ung-vien-tong-thong-cuc-huu-phap
Mỹ trừng phạt
nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cộng tác với Iran
Ngày 24/03/2017 chính quyền Mỹ thông báo một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào 30 tổ chức và cá nhân thuộc 10 quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, bị cáo buộc cộng tác với các chương trình phát triển vũ khí của Iran và Bắc Triều Tiên.
Theo AFP có tổng cộng 9 doanh nghiệp, tổ chức và công dân Trung Quốc bị trừng phạt vì « chuyển giao các yếu tố nhạy cảm cho chương trình tên lửa đạn đạo của Iran ». Các biện pháp trừng phạt nói trên nằm trong khuôn khổ một quy định mới của chính quyền Mỹ trong lĩnh vực chống phổ biến vũ khí, có tên gọi tắt là INKSNA, nhắm vào Iran, Bắc Triều Tiên và Syria.
Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, « việc phát triển công nghệ tên lửa của Iran làm gia tăng căng thẳng tại khu vực ». Washington cáo buộc Teheran hỗ trợ quân sự cho các lực lượng nổi dậy Houthis theo hệ phái Shia tại Yemen.
Hoa Kỳ đã dỡ bỏ phần lớn các trừng phạt chống Iran, sau khi quốc tế đạt được một thỏa thuận với Teheran về chương trình hạt nhân hồi tháng 7/2015, tuy nhiên Washington vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt đối với chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Ngoài 30 tổ chức và cá nhân nói trên, còn có 19 tổ chức và cá nhân khác bị trừng phạt vì bán cho hoặc mua của Iran, Bắc Triều Tiên và Syria các thiết bị, dịch vụ hay công nghệ bị Mỹ cấm. Kể từ khi lên nắm quyền, tổng thống Donald Trump muốn siết chặt các trừng phạt đối với Iran.
Hạt nhân Bắc Triều Tiên
Về tham vọng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, tân chính quyền Mỹ và Trung Quốc đã bày tỏ lập trường chung là tiếp tục hợp tác, nhân chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ Tillerson tới Bắc Kinh hôm Chủ nhật trước, 18/03. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc thực thi nghiêm túc đến đâu nghị quyết của Hội Đồng Bảo An trừng phạt Bắc Triều Tiên về chương trình hạt nhân tên lửa là một vấn đề còn để ngỏ.
Theo giới quan sát, chế độ Bình Nhưỡng sở dĩ có thể tiếp tục phát triển được chương trình bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo một phần là nhờ nguồn tài chính có được thông qua các công ty Bắc Triều Tiên làm ăn với Trung Quốc. Chưa kể các nghi vấn về vấn đề chuyển giao công nghệ tên lửa, hạt nhân.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170325-my-trung-phat-nhieu-doanh-nghiep-trung-quoc-cong-tac-voi-iran