Tướng quân đội CSVN: ‘Biển từ Bạch Long Vĩ đến Phú Quốc đều không còn cá’
23/03/2017
“Trước đây biển rất nhiều cá, còn bây giờ từ Bạch Long Vĩ đến Phú Quốc đều không còn cá nữa. Vì thế ngư dân phải đi đánh cá ở bên ngoài rất nhiều, bị bắt cũng rất nhiều”.
Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội CSVN Phạm Ngọc Minh được báo Dân Trí dẫn lời nêu thực trạng của nguồn lợi hải sản Việt Nam không còn nữa trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “cho ý kiến lần đầu” ngày 21 Tháng Ba 2017 về sửa đổi “Dự án Luật Thủy Sản”.
Ngư dân xã Kỳ Nam huyện Kỳ Anh biểu tình đòi bồi thường bị lực lượng công an đàn áp. (Hình: GNsP) |
Ông Minh không nói ra một trong những nguyên nhân gần và khủng khiếp dẫn đến tình trạng đó sau biến cố công ty Formosa xả chất thải độc hại ra biển hồi Tháng Tư năm ngoái. Để đối phó với tình trạng cạn kiện thủy sản, ông đề nghị Việt Nam bắt chước Trung Quốc cấm khai thác hải sản vào mùa tôm cá sinh sản.
Cho tới nay, nhà cầm quyền CSVN vẫn cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao lên tiếng phản đối mỗi khi Trung Quốc ra lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông từ giữa Tháng 5 đến đầu Tháng 8 hàng năm, lấy cớ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam sợ bị bắt đã không dám tới các vùng biển bị Trung Quốc cấm đoán dù những khu vực này Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.
Lời phát biểu của ông tướng Phạm Ngọc Minh diễn ra ở Hà Nội thì cùng ngày, hàng trăm ngư dân xã Kỳ Nam thuộc Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh biểu tình yêu cầu nhà cầm quyền bồi thường thỏa đáng nhưng đã bị lực lượng công an, cán bộ địa phương ra tay đánh đập, đàn áp.
Theo bản tin của tổ chức thông tin độc lập ‘Tin Mừng Cho Người Nghèo’ (GnsP) tường thuật diễn biến này cho biết “ Bà con ngư dân không tấc sắt trong tay đã mang một vài ngư cụ như: thuyền thúng, lưới giăng cá… ra trước Ủy ban Nhân dân với thông điệp: Nhà nước ở đâu khi cuộc sống ngư dân rơi vào bế tắc? Ai chịu trách nhiệm cho tương lai của ngư dân khi mất ngư trường?…”
GNsP dẫn lời một người dân xã Kỳ Nam tham gia biểu tình nói: “Chúng tôi không thể nhịn mãi được, vì sao mấy ông cán bộ xã và một số người thân tín không làm nghề biển thì lại được bồi thường còn chúng tôi thì lại không nhận được đồng nào. Họ [cán bộ] thích cho ai được tiền bồi thường là họ cho. Cả năm nay chúng tôi không có cá buôn bán, không có tiền sống thì chẳng ai quan tâm. Có ông thì cứ nhận tiền lót túi”.
Theo GNsP, xã Kỳ Nam thuộc Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cách Đông Yên mới khoảng 2km, là một trong những nơi chịu nhiều thảm họa môi sinh do Formosa xả thải. Tuy nhiên, nhà cầm quyền không quan tâm, lo lắng cho đời sống của bà con ngư dân khiến cuộc sống họ rơi vào bế tắc, bần cùng, nghèo đói, thất nghiệp.
Năm ngoái, sau thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra, dân nhiều xã của huyện Kỳ Anh đã biểu tình hàng ngàn người đòi nhà cầm quyền bồi thường thiệt hại. Ngày 14 Thán Hai 2017, hàng trăm giáo dân đi bộ từ Nghệ An tới thị xã Kỳ Anh để nộp đơn kiện Formosa đòi bồi thường thiệt hại nhưng đã bị nhà cầm quyền chận lại, đàn áp đánh đổ máu một số người.
Dân huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, biểu tình ngày 1/9/2016. (Hình: Facebook) |
Cuối tháng Chín 2016, hàng trăm giáo dân thuộc Giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An và những nạn nhân trực tiếp của thảm hoạ môi trường biển do Formosa gây ra, tới Toà án thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nộp đơn khởi kiện, đòi bồi thường thiệt hại và nhà cầm quyền công khai minh bạch về vụ việc. Đơn khởi kiện đã bị bác bỏ mà một số luật gia trong nước nói trái với luật lệ hình sự tố tụng.
Cũng trong ngày 21 Tháng Ba 2017, theo tin của GNsP trong một bản tin khác, cơ quan cảnh sát điều tra Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã “ra quyết định “khởi tố vụ án hình sự “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ Luật Hình Sự đối với giáo dân giáo xứ Dũ Yên thuộc giáo phận Vinh, khi bà con xuống đường phản đối Formosa và đòi lại các quyền lợi chính đáng của họ vào ngày 05/03/2017” vừa qua.
Giáo dân thuộc giáo xứ Dũ Yên thuộc phường Kỳ Thịnh, Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những nơi chịu nhiều ảnh hưởng sau vụ thảm họa Formosa hủy diệt môi sinh. Phần lớn giáo dân của giáo xứ này sống nhờ bám biển và làm muối.
Trong khi nhà cầm quyền CSVN từ trung ương đến địa phương loay hoay tìm cách đối phó với cuộc khủng hoảng, người dân chỉ còn cách bầy tỏ sự phẫn nộ, khi sinh kế bị tước đoạt , qua các cuộc biểu tình và bị đàn áp.
(Người Viêt)