Tin khắp nơi – 23/03/2017
Mỹ chủ trì cuộc họp 68 nước, chống IS
Ngoại trưởng từ 68 quốc gia nhóm họp tại Washington hôm nay thứ Tư (22/3) để thống nhất các bước kế tiếp bài trừ Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS), đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử hồi tháng 11 năm ngoái.
Cuộc họp được chủ trì bởi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson. Tổng thống Trump thề sẽ đặt cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo lên ưu tiên hàng đầu và hồi tháng Giêng đã chỉ đạo Ngũ Giác Đài cùng các cơ quan khác đệ trình kế hoạch đánh bại IS.
Các chiến binh Hồi giáo đang thất thủ tại cả Iraq và Syria khi 3 lực lượng riêng biệt được hậu thuẫn của Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Nga tiến vào cứ địa của IS ở Raqqa, Syria.
Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ khi lực lượng chính phủ Iraq được hậu thuẫn bởi liên quân do Mỹ dẫn đầu chiếm lại một số thành phố ở Iraq từ tay IS năm ngoái và giải phóng thành phố miền đông Mosul.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Trump hôm thứ Hai (20/3). Ông cho biết được Mỹ cam kết sẽ hậu thuẫn thêm trong cuộc chiến chống lại IS.
Thông cáo từ Tòa Bạch Ốc sau cuộc họp nói rằng Tổng thống Trump và Thủ tướng Abadi nhất trí rằng “chủ nghĩa khủng bố không thể bị tiêu diệt chỉ bởi sức mạnh quân sự” và hai nhà lãnh đạo kêu gọi siết chặt quan hệ thương mại hơn nữa.
http://www.voatiengviet.com/a/my-chu-tri-cuoc-hop-68-quoc-gia-chong-is/3777717.html
Hải quân Mỹ cập cảng Myanmar lần đầu từ sau WWII
Một chiếc tàu Hải Quân Hoa Kỳ cập cảng Myanmar (trước đây là Miến Điện) chính thức lần đầu tiên trong 7 thập niên, một quan chức Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Ba.
Hải quân Hoa Kỳ cho biết tàu vận tải nhanh viễn chinh USNS Fall River neo đậu tại thủ đô Yangon của Myanmar trong một chuyến viếng thăm thiện chí kéo dài bốn ngày nhằm tăng cường tình hữu nghị và trao đổi văn hoá giữa các quân nhân Mỹ và nhân dân Myanmar.
Đây là chuyến cập cảng đầu tiên của một tàu hải quân Mỹ tới Myanmar kể từ sau Thế Chiến thứ 2.
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Myanmar nồng ấm trong những năm gần đây khi quốc gia này thoát ra khỏi những thập niên quân đội nắm quyền cai trị.
Myanmar đã tổ chức bầu cử tự do vào năm 2015, và tháng 10 năm ngoái chính quyền Tổng thống Obama đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar. Tuy nhiên, các nhà hoạt động vẫn tố cáo chính phủ đàn áp nhân quyền các sắc tộc thiểu số như Rohingya, một nhóm thiểu số Hồi giáo trong quốc gia đạo Phật chiếm đa số.
Chuyến cập bến lần này diễn ra khi tân chính phủ dân sự của Khôi nguyên Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi đang mở cửa với thế giới sau thời gian dài quân đội cai trị và cô lập. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ là các cường quốc đang cố thiết lập mối quan hệ với chính phủ mới.
Thủy thủ đoàn Fall River sẽ tiến hành các hoạt động với Hải Quân Myanmar cũng như tham quan thủ đô Yangon.
Bức tường biên giới tiến thêm một bước
Theo Sở Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ, đề xuất xây một bức tường dọc theo biên giới Hoa Kỳ-Mexico của Tổng thống Trump đang tiến triển với những mô hình và thiết kế của bức tường được xây vào tháng 6 năm nay.
Trong khi các quan chức của bộ không cho biết bao nhiêu công ty hưởng ứng kêu gọi chính thức của cơ quan yêu cầu đệ nạp thiết kế cho bức tường rào, các phúc trình đã công bố cho thấy một số công ty lớn có kinh nghiệm quản lý các công trình quy mô đã bày tỏ ý định muốn tham gia.
Các thiết kế bao gồm một bức tường xi măng và một bức tường sử dụng các vật liệu khác tương tự như một hàng rào.
Trong khi đó, một công ty nhỏ cách đó hàng ngàn cây số đang làm việc với một số công ty thiết kế và xây dựng các dự án với hy vọng sẽ giành được một phần của dự án trong đề xuất trị giá hàng tỷ đô la này.
Công ty Riverdale Mills, ở vùng Northbridge, bang Massachusetts, đã cung cấp hàng rào an ninh cao, bảo vệ đoạn đường dài 43km trong tổng số 3000km của đường biên giới.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, giám đốc điều hành Jim Knott của Riverdale nói nhà máy của ông có thể chế tạo hàng rào bằng thép với những lỗ nhỏ khiến việc leo lên hoặc cắt rào rất khó. Nếu đề xuất chung này được chấp nhận, ông nói công ty của ông có thể nhanh chóng sản xuất loại rào cản đặc biệt này và có thể mở rộng sản xuất với máy móc và nhân viên mới, nếu cần.
Xây một bức tường để chặn người nhập cư bất hợp pháp không cho nhập cảnh vào Mỹ là một lời hứa chủ yếu của ứng cử viên Tổng thống Donald Trump.
Gần một phần ba biên giới đã có rào chắn hoặc những bức tường. Tuy nhiên, nhiều khu vực, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, không có các rào cản tương tự.
Bức tường mới dự kiến cao 9m, sẽ chặn các nỗ lực đào đường hầm gần 2 mét dưới mặt đất, và trông “đẹp mắt” từ phía Hoa Kỳ.
Các chi tiết kỹ thuật đòi hỏi thiết kế phải có nhiều cổng để cho phép xe cộ qua lại, và cấu trúc phải có khả năng chống chọi ít nhất là một giờ bị đập phá bằng búa tạ, lửa hàn, ô tô tự động hay các công cụ thông dụng khác.
Ước tính chi phí xây dựng bức tường khoảng từ 8 tỷ đến 20 tỷ đô la.
Những người chỉ trích dự án xây tường bày tỏ lo ngại về mức kinh phí, họ nói bức tường có thể phương hại đến các hoạt động thương mại ở các khu vực biên giới của Hoa Kỳ và gây ra các vấn đề về môi trường.
Giới chỉ trích còn nói rằng nhiều người đang sống bất hợp pháp ở Mỹ đã đến nước này một cách hợp pháp trên một chiếc máy bay và sau đó ở lại khi đã quá hạn thị thực, một vấn đề không thể được giải quyết bằng cách xây một tường rào. Ông Trump tuyên bố ông sẽ buộc Mexico trả tiền xây tường, nhưng các giới chức Mexico thẳng thừng bác bỏ ý kiến đó.
http://www.voatiengviet.com/a/du-an-buc-tuong-bien-gioi-cua-trump-tien-them-mot-buoc/3777427.html
TQ thúc đẩy Con đường tơ lụa, Úc khước từ
“Một Vành đai, Một Con đường” là sáng kiến của Trung Quốc muốn đầu tư 4 ngàn tỷ đô la vào các dự án hải cảng, cầu đường và đường sắt ở hải ngoại, và Bắc Kinh đang thúc đẩy các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương tham gia vào sáng kiến của mình.
Tuy nhiên, Úc khẳng định sẽ không có thỏa thuận về dự án Cơ sở hạ tầng Bắc Australia trong chuyến thăm tuần này của Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường.
Một giới chức Úc cho biết “Sẽ không có bản ghi nhớ nào được ký về vấn đề này trong chuyến thăm [của ông Lý.]”
Chuyến thăm của ông Lý diễn ra giữa bối cảnh khó khăn trong quan hệ Trung-Úc. Canberra đang thúc đẩy Washington tăng cường sự hiện diện trong khu vực và có lập trường cứng rắn hơn đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tuần rồi kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mở rộng vai trò của Hoa Kỳ ở châu Á nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định.
“Dù các nước phi dân chủ như Trung Quốc có thể phát triển mạnh khi tham gia vào hệ thống hiện nay, một trụ cột quan trọng trong thứ tự ưu tiên của chúng ta là cộng đồng dân chủ “, bà Bishop nói trong một bài phát biểu tại Singapore, khiến Bắc Kinh phản ứng lạnh nhạt.
Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang nói với báo giới hôm 21/3 rằng: “Trong tương lai chúng tôi hi vọng bạn bè trong các lĩnh vực khác nhau ở Úc có thể bỏ qua tư tưởng “Anh thắng, tôi thua” và những thành kiến ý thức hệ.”
Tranh cãi về việc liệu Úc có nên hỗ trợ sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” cũng tương tự như sự ngần ngại của Canberra đối với việc gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á.
Năm 2014, Úc thoạt tiên quyết định không tham gia với ngân hàng đa phương do Trung Quốc dẫn đầu này, theo sự vận động của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng khi Anh và một số quốc gia phương Tây khác vượt rào và ký kết với AIIB, Canberra đã gia nhập.
Cựu đại sứ Úc tại Trung Quốc, ông Geoff Raby, người đang điều hành một hãng tư vấn các doanh nghiệp Úc-Trung, cho biết: “Trong cộng đồng an ninh, quốc phòng ở Canberra có quan điểm rằng các sáng kiến như Ngân hàng AIIB và ‘Một Vành đai Một Con đường’ là một cách để bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc mà Mỹ sẽ bị thiệt hại.’
Hồi tháng 3, Ấn Độ cũng đã loan báo phản đối sáng kiến này vì Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc-Paskintan đi qua Ấn Độ. Hành làng này vốn được Trung Quốc xây dựng để kết nối cảng Gwadar miền Tây Nam Pakistan với Tân Cương ở cận Tây Trung Quốc.
Theo FT/The Australian
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-thuc-day-con-duong-to-lua-uc-khuoc-tu/3777806.html
Không kích làm chết 33 dân thường ở bắc Syria
Một tổ chức theo dõi cuộc chiến tranh Syria nói người ta cho rằng liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu đã tiến hành một cuộc không kích làm chết ít nhất 33 người tại một trường học gần thành phố quan trọng Raqqa.
Đài quan sát Nhân quyền Syria báo cáo là cuộc không kích đã diễn ra vào sáng thứ Ba bên ngoài ngôi làng al-Mansoura. Tổ chức này nói ngôi trường được dùng làm nơi tá túc cho những người bị mất nhà cửa do cuộc chiến ở Syria.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ nói với VOA hôm thứ Tư rằng họ không có bằng chứng gì cho thấy tuyên bố kể trên là đúng, nhưng vẫn sẽ điều tra về vụ việc.
http://www.voatiengviet.com/a/khong-kich-lam-chet-33-nguoi-o-bac-syria/3777384.html
Cựu nghị sĩ Nga bị bắn chết ở Ukraine theo ‘đơn đặt hàng’?
Cựu nghị sĩ Nga Denis Voronenkov vừa bị bắn chết tại Kiev hôm thứ Năm trong một vụ ám sát được cảnh sát Ukraine miêu tả là ‘thanh toán theo hợp đồng’, có thể được chỉ thị từ Nga.
Trưởng công tố Ukraine Yuriy Lutsenko đổ lỗi cho điện Kremlin trong vụ giết hại ông Voronenkov. Ông Lutsenko nói Nga muốn trừng phạt ông Voronenkov về những lời khai chứng của ông với các nhà điều tra Ukraine.
Ông Voronenkov, 45 tuổi, từng là thành viên của phe cộng sản tại Hạ viện Nga. Ông dời cư đến Ukraina vào mùa thu năm ngoái và được cấp quốc tịch Ukraine. Ông đã làm chứng cho các nhà điều tra Ukraine trong khuôn khổ một cuộc điều tra của nước này về các hoạt động của cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych, người đã bị lật đổ trong các cuộc biểu tình rầm rộ vào tháng Hai năm 2014.
Cảnh sát Ukraine cho biết ông Voronenkov bị một kẻ vũ trang không biết danh tính bắn chết gần cổng của một khách sạn cao cấp ở thủ đô của Ukraine.
Bảo vệ của ông Voronenkov cũng bị thương trong cuộc tấn công. Ông này nổ súng bắn trả khiến tay súng bị thương. Cảnh sát cho biết cả hai đều được đưa vào bệnh viện.
Ông Voronenkov rời Nga cùng vợ, ca sĩ Maria Maksakova, cũng là một nhà lập pháp. Ông cho biết ông phải rời bỏ đất nước vì bị các cơ quan an ninh Nga bức hại. Ông đã từ bỏ quốc tịch Nga.
Sau khi ông Voronenkov dời sang Ukraine, các nhà điều tra Nga đã tung ra các cáo buộc gian lận liên quan đến các hoạt động kinh doanh của ông.
Các thành viên quốc hội Nga tức thời bác bỏ cáo buộc của Ukraine cho rằng ông Voronenkov có thể bị giết vì phản bội nước Nga.
Ông Nikolai Kovalyov, cựu lãnh đạo an ninh và cũng là một nhà lập pháp Nga, nói với truyền thông nhà nước rằng vụ giết người có thể có là do tranh chấp trong công việc làm ăn.
http://www.voatiengviet.com/a/cuu-nghi-si-nga-bi-ban-chet-o-ukraine-theo-don-dat-hang/3778596.html
8 người bị bắt trong vụ tấn công khủng bố ở London
Cảnh sát Anh hôm thứ Năm cho biết đã bắt giữ 8 người liên quan đến cuộc tấn công gần trụ sở Quốc hội Anh ở London. 3 người bị giết trong cuộc tấn công chỉ chấm dứt khi một nhân viên cảnh sát bắn chết hung thủ.
Ông Mark Rowley, người đứng đầu các nỗ lực chống khủng bố của Cơ quan Cảnh sát Đô thành London, cho biết các vụ bắt giữ xảy trong cuộc bố ráp tại 6 địa chỉ khác nhau ở London. Ông cho biết là các cuộc rà soát tại nhiều địa điểm ở London, Birmingham và các vùng khác ở Anh vẫn đang tiếp diễn. Ông Rowley không nêu rõ mối liên kết giữa những người bị bắt với vụ tấn công hôm thứ Tư.
Ông nói với các nhà báo:
“Dựa trên cuộc điều tra, chúng tôi vẫn tin là kẻ tấn công đã hành động đơn độc, và được gợi hứng bởi chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Cuộc điều tra vẫn tiếp tục”.
Ông nói thêm rằng không nên công bố tên của kẻ tấn công vì cuộc điều tra còn đang trong “giai đoạn nhạy cảm”.
Thủ tướng Theresa May cho biết nghi can thực hiện vụ khủng bố sinh ra ở Anh và từng bị cơ quan tình báo MI-5 điều tra “liên quan đến những lo ngại về chủ nghĩa cực đoan bạo lực.” Nhưng bà nói đương sự không bị chú ý trong cái gọi là “bức tranh toàn cảnh của tình báo ” và trước cuộc tấn công vừa xảy ra, không có thông tin tình báo về âm mưu này hoặc động cơ của kẻ tấn công.
Thủ Tướng May nhắc lại giả thuyết của các nhà điều tra là đương sự đã “được gợi hứng bởi ý thức hệ Hồi giáo.”
Cuộc điều tra giờ tập trung vào động cơ, những sự chuẩn bị và đồng bọn của kẻ lái xe tấn công người đi bộ trên cầu Westminster, sau đó đâm chết một nhân viên an ninh trước khi bị cảnh sát bắn chết.
Ông Rowley cho biết 29 người đã được đưa vào bệnh viện, trong đó 7 người trong tình trạng nguy kịch.
Ông Rowley trước đó xác nhận danh tính của nhân viên an ninh chết trong vụ tấn công là Keith Palmer, 48 tuổi, từng phục vụ 15 năm trong ngành thực thi công lực Anh Quốc.
Thủ tướng Theresa May tỏ thái độ thách thức đối với khủng bố và nói mọi sinh hoạt nên trở lại bình thường. Bà nói:
“Người dân sẽ đáp những chuyến tàu, bước ra khỏi khách sạn, tản bộ trên những con đường này, họ sẽ sống và sinh hoạt bình thường và tất cả chúng ta sẽ cùng tiến lên phía trước. Chúng ta không bao giờ khuất phục khủng bố và không bao giờ cho phép tiếng nói của hận thù và sự ác chia rẽ chúng ta.”
Nghị viện Anh hoạt động trở lại hôm nay, thứ Năm. Các thành viên đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công.
An ninh tại thủ đô London đang được tăng cường với sự có mặt của cả lực lượng an ninh vũ trang và không vũ trang.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng May nói cuộc tấn công là một hành vi “bệnh hoạn và đồi trụy.”
Bà May tuyên bố bất kỳ âm mưu nào nhằm đe dọa người Anh bằng bạo lực và khủng bố cũng sẽ thất bại.
Tại Washington, tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Donald Trump đã trao đổi với Thủ tướng Anh Theresa May và được bà cho biết về tình hình tại London.
Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cho biết là đang liên lạc chặt chẽ với nhà chức trách Anh nhưng tình hình an ninh nội địa Mỹ không có gì thay đổi.
http://www.voatiengviet.com/a/tam-nguoi-bi-bat-trong-vu-tan-cong-khung-bo-o-london/3778554.html
Mỹ : Bối rối trong ủy ban điều tra Quốc Hội
về sự can thiệp của Nga
Một cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong nội bộ Ủy ban điều tra của Quốc Hội Mỹ về sự can thiệp của Nga vào chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Dân biểu Cộng Hòa đứng đầu Ủy ban đã tiết lộ cho tổng thống Donald Trump một số nội dung của cuộc điều tra, cho biết rằng tên ông Trump do sơ xuất đã được nêu ra khi cơ quan tình báo đặt thiết bị nghe lén. Vụ việc rất khó hiểu. Còn phe Dân Chủ hiện đang phẫn nộ.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio giải thích :
« Ủy ban điều tra của Quốc Hội về việc liệu Nga can thiệp hay không vào chiến dịch bầu của tổng thống có thể « đứt gánh giữa đường ». Dân biểu đảng Cộng Hòa phụ trách cuộc điều tra đã tiết lộ với báo chí, rồi sau đó là với đích thân tổng thống Donald Trump rằng một số cuộc nói chuyện ở tòa tháp Trump có thể đã bị các nhà điều tra nghe lén. Nhân vật này nói rằng việc đặt máy nghe lén được tư pháp cho phép, và không nhắm vào tổng thống tân cử Donald Trump khi đó vẫn chưa chính thức nhậm chức.
Donald Trump, vốn tin rằng ông bị nghe trộm, ngay lập tức đã phản ứng và nói rằng những tiết lộ trên củng cố nghi ngờ của ông. Phó chủ tịch ủy ban điều tra, dân biểu Adam Schiff của đảng Dân Chủ, rất phẫn nộ, đặc biệt vì cách cư xử của dân biểu Cộng Hòa. Adam Schiff phát biểu : « Chủ tịch ủy ban điều tra phải quyết định ông ấy là chủ tịch một ủy ban độc lập đang điều tra về khả năng có sự thông đồng giữa Nga và ban vận động tranh cử của Donald Trump hay ông ấy đại diện cho Nhà Trắng. Vì ông ấy không thể đảm nhiệm cùng lúc hai chức vụ này. »
Dân biểu Adam Schiff còn tiến xa hơn nữa khi cho rằng chủ tịch ủy ban điều tra và tổng thống Donald Trump làm vậy là để đánh lạc hướng dư luận, vào lúc mà báo chí đang có nhiều tiết lộ bất lợi liên quan đến ông Paul Manafort, cựu giám đốc ban vận động tranh cử của Donald Trump. Theo nhiều tài liệu của Ukraina, ông Paul Manafort đã nhận nhiều triệu đô la để làm những việc có lợi cho nước Nga ».
Vẫn liên quan đến Hoa Kỳ, hôm nay, Hạ Viện bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách hệ thống y tế của chính quyền Trump, thay thế luật bảo hiểm Obamacare. Nhưng dự luật này đang gây chia rẽ trong nội bộ phe Cộng Hòa. Một số dân biểu Cộng Hòa bảo thủ cho rằng văn bản mới không khác nhiều so với luật Obamacare, trong khi những dân biểu Cộng Hòa ôn hòa hơn thì lại lo ngại là luật mới sẽ khiến nhiều người Mỹ không có bảo hiểm y tế.
Theo một báo cáo mới đây của phòng Ngân Sách Quốc Hội Mỹ, nếu được thông qua, luật bảo hiểm sức khỏe mới của chính quyền Donald Trump khiến 14 triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế ngay trong năm 2018. Chỉ còn vài tiếng nữa là tới giờ Hạ Viện bỏ phiếu nhưng Nhà Trắng vẫn chưa chắc chắn sẽ giành được 216 phiếu thuận, số phiếu bắt buộc để dự luật được thông qua
Nước Anh đứng dậy sau khủng bố
Nghị Viện Anh đã nhóm họp trở lại, sinh hoạt của người dân thủ đô London cũng trở lại bình thường, sau vụ khủng bố tấn công xảy ra ngày hôm qua khiến 4 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương, trong đó có 7 người ở trong tình trạng nguy kịch.
Cho đến tối nay, cơ quan điều tra Anh cho biết đã bắt giữ 7 người tình nghi liên quan đến vụ tấn công khủng bố.
Vụ việc xảy ra khoảng 9 giờ 30 tối giờ Việt Nam ngày 22 tháng 3, khi tên khủng bố lái xe đâm vào đám đông, sau đó lao vào hàng rào của Nghị Viện, cầm dao đâm chết một nhân viên cảnh sát trước khi bị bắn chết.
Đến giờ, cảnh sát vẫn chưa công bố tên của hung thủ.
Trong phát biểu mới nhất, bà Thủ Tướng Anh Theresa May nói rằng nước Anh và người dân Anh không bao giờ lùi bước trước những hành động hèn hạ của bọn khủng bố.
Bà Thủ Tướng Anh Quốc nói rằng bọn khủng bố chủ mưu tấn công ngay trái tim của thủ đô London, nơi người dân đến từ các nước, từ các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau đều tận hưởng giá trị của tự do, dân chủ, và tự do ngôn luận, nhấn mạnh mọi nỗ lực của bọn gian đều thất bại, người dân Anh sẽ cùng nhau tiến về phía trước, không bao giờ bị chia rẽ bởi những kẻ có tư tưởng thù hận.
Nhiều quốc gia đã lên tiếng chia buồn với chính phủ và nhân dân Anh, đồng thời cũng lên án hành động hèn hạ của bọn khủng bố.
http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/london-after-deadly-attack-03232017114154.html
Malaysia sẽ mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp?
Tin từ Kuala Lumpur cho hay tuần tới khi sang thăm Malaysia, Tổng Thống Pháp Francois Holland sẽ thúc đẩy quốc gia Đông Nam Á này mua chiến đấu cơ Rafale do Pháp chế tạo.
Hiện giờ, không quân Malaysia dự tính mua 18 chiến đấu cơ, trị giá tổng cộng 2 tỷ dollars, để thay thế cho những chiếc MIG-29 cũ kỹ đang sử dụng.
Các bản tin được truyền thông Malaysia phổ biến trong những ngày gần đây đều nói không quân nước này đang cân nhắc, chưa quyết định nên mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp, Sukhoi của Nga hay SAAB của Thụy Điển.
Hồi tháng Mười Hai năm ngoái, tạp chí Jane chuyên về quân sự dự đoán trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2020, các nước trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương sẽ bỏ ra 250 tỷ dollars để nâng cấp quốc phòng, trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông, cũng như xây dựng, cải tạo những hòn đảo bãi cạn mà Bắc Kinh đang chiếm giữ.
Bắc Triều Tiên bị tố
« đánh cắp » 81 triệu đôla của Bangladesh
Bình Nhưỡng có thể là cội nguồn vụ tin tặc đánh cắp 81 triệu đôla của Ngân Hàng Quốc Gia Bangladesh ký gửi ở Ngân Hàng Liên Bang Mỹ FED. Tin tặc Bắc Triều Tiên được chuyên gia Trung Quốc tiếp tay. Trên đây là tiết lộ của báo Mỹ Wall Street Journal hôm 22/03/2017.
Trích dẫn một một nguồn tin thân cận với các nhà điều tra, nhật báo tài chính Wall Street Journal cho biết tư pháp Mỹ sắp tố cáo những « trung gian » Trung Quốc giúp tin tặc Bắc Triều Tiên, xâm nhập hệ thống vi tính, âm mưu chiếm đoạt gần 1 tỷ đôla của Ngân Hàng Quốc Gia Bangladesh ký gửi tại Hoa Kỳ.
Sử dụng hệ thống chuyển ngân quốc tế SWIFT, vào tháng 02/2016, tin tặc thành công lấy được 81 triệu đôla, chuyển sang một tài khoản ở Philippines. Một phần số tiền này đã biến mất qua các sòng bạc rửa tiền. Sau đó, tin tặc gửi hàng chục lệnh yêu cầu Ngân Hàng Liên Bang Mỹ FED chuyển thêm 850 triệu đôla, nhưng mưu toan thứ hai này đã bị chận lại.
Vào tháng 05/2016, công ty an ninh vi tính Symantec đã nói đến khả năng vụ lừa đảo này có liên hệ với Bắc Triều Tiên. Phần mềm được sử dụng có nhiều nét tương đồng với vụ tấn công vào công ty điện ảnh Sony Pictures Entertainment SPE hai năm trước (2014). Trong vụ này, theo tố cáo của chính phủ Mỹ, tin tặc Bắc Triều Tiên đã đánh cắp dữ liệu và thông tin cá nhân của hàng ngàn nhân viên của SPE và « bắt chẹt » công ty phải đình chỉ phát hành một cuốn phim hài về Kim Jong Un,« The Interview ».
Nhân vật số hai của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia NSA, Rick Ledgett, hôm thứ Ba, 21/03, cho rằng các nhà điều tra sẽ chứng minh được « liên hệ » giữa hai vụ tin tặc nghiêm trọng này.
Tuy nhiên, khi được AFP đặt câu hỏi, bộ Tư Pháp và bộ Tài Chính Mỹ từ chối bình luận, không phủ nhận cũng không xác nhận thông tin của Wall Street Journal.
Phản ứng cụ thể được ghi nhận trong tuần qua là hệ thống chuyển ngân quốc tế SWIFT đã cắt đường dây liên lạc với những ngân hàng Bắc Triều Tiên cuối cùng còn quan hệ.
41% dân Bắc Triều Tiên thiếu dinh dưỡng
Trong số 118 nước trên thế giới bị nạn đói, Bắc Triều Tiên đứng hàng thứ 98.
Trong bản báo cáo công bố ngày 23/03/2017, Liên Hiệp Quốc một lần nữa báo động về tình trạng thiếu lương thực ở Bắc Triều Tiên. Khoảng 10,5 triệu người, tức 41% dân số, bị suy dinh dưỡng. Tổ chức thiện nguyện Humarian Country Team, một tập họp của nhiều cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc và các hiệp hội phi chính phủ kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp cho ngân sách cứu đói.
Tuy nhiên, Tapan Mishra, một viên chức đặc trách hồ sơ Bắc Triều Tiên thú nhận rất khó tìm tài trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng tiến hành chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo bị cấm.
Hàn Quốc : trục phà Sewol, ba năm sau thảm nạn
Xác tàu Sewol, đã được trục lên mặt biển gần ba năm, sau tai nạn thảm khốc, làm chết 304 người, đa số là học sinh và giáo viên Hàn Quốc.
Vụ đắm phà vào tháng 04 năm 2014, làm thiệt hại uy tín của tổng thống (vừa bị phế truất) Park Geun Hye, mới nhậm chức chưa tròn một năm.
Theo AFP, trục khối kim loại 6.825 tấn từ 44 mét dưới đáy biển, là một nỗ lực độc nhất vô nhị. Nhưng đây là một đòi hỏi quan trọng nhất của gia đình, thân nhân của 304 nạn nhân, 9 thi thể chưa tìm thấy có thể bị kẹt trong xác tàu.
Thuyền trưởng Lee Jun Seok bị lãnh án chung thân vì tội bất cẩn gây chết người. 14 nhân viên dưới quyền bị án tù từ 2 năm đến 12 năm.
Tổng thống Park Geun Hye vẫn không giải thích vì sao bà im lặng trong suốt nhiều giờ đồng hồ vào lúc khẩn trương, tức là khi phà chỉ mới bị mất thăng bằng, và chỉ cách bờ 1,5 km.
Liên Hiệp Châu Âu :
Chủ tịch Eurogroup ăn đòn các nước Nam Âu
Jeroen Dijsselbloem, chủ tịch nhóm sử dụng đồng tiền chung Euro, đã phải lên tiếng « hối lỗi » vì những lời tuyên bố thiếu tôn trọng các nước Nam Âu. Tuy nhiên, chính trị gia người Hà Lan có tiếng trực tính này từ chối yêu cầu từ chức. Nhóm Eurogroup quy tụ bộ trưởng Tài Chính 19 nước thành viên họp mỗi tháng một lần.
Trả lời phỏng vấn của một nhật báo Đức hôm thứ Hai (20/3), về tình liên đới, chủ tịch nhóm 19 quốc gia sử dụng đồng euro tuyên bố như sau : ” Những thành viên bị khủng hoảng tài chính cũng phải biết bổn phận của mình khi xin trợ giúp. Không thể xài tiền để đi nhậu và giải sầu với phụ nữ rồi cứ đòi trợ cấp mãi mãi “. Jeroen Dijsselbloem ám chỉ các quốc gia Nam Âu vùng Địa Trung Hải như Hy Lạp, Bồ Đào Nha.
Ngay lập tức, thủ tướng Bồ Đào Nha, Antonio Costa, tuy cùng đảng cánh tả như chủ tịch Eurogroup, đã cực lực phản đối : Nếu Châu Âu nghiêm túc thì một nhân vật kỳ thị và bài ngoại như Jeroen Dijsselbloem đã mất chức. Chính phủ Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng cùng một phản ứng. Trái lại, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean -Claude Juncker và bộ trưởng Tài Chính Đức Wolfgang Schauble hết lòng ủng hộ Jeroen Dijsselbloem.
Có tiếng tốt là người làm việc nghiêm túc, thẳng tính nhưng biết thỏa hiệp, lúc đầu chủ tịch Eurogroup, sinh năm 1966, cương quyết không xin lỗi nhưng sau đó chịu nhượng bộ, hối tiếc vì những lời tuyên bố thiếu lịch sự.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170323-lien-hiep-chau-au-chu-tich-eurogroup-an-don-cac-nuoc-nam-au
Lính đánh thuê Nga tham chiến tại Syria
Đàm phán hòa bình cho Syria hôm nay 23/3/2017 được nối lại tại Geneve, Thụy Sĩ, dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc, với sự tham gia của đại diện các bên tham chiến, sau bốn cuộc đàm phán thất bại trong năm 2016. Tuy nhiên, theo ghi nhận của AFP, cuộc thương lượng khó có khả năng tìm được một giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài từ 6 năm qua.
Chế độ Damas lần này trở lại bàn đàm phán trong thế mạnh kể từ khi Nga quyết định can thiệp quân sự hồi cuối năm 2015, cho phép quân đội Syria thu nhiều thắng lợi trước quân nổi dậy và quân thánh chiến, đặc biệt trong việc tái chiếm đông Aleppo.
Về phía phe đối lập, căng thẳng trong nội bộ cũng lộ rõ, vào lúc mà sự hỗ trợ chủ đạo từ phía Mỹ cũng đang giảm dần kể từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng.
Trong khi đó, tại Nga, một cuộc điều tra của giới báo chí độc lập đã tìm được nhiều chứng cứ và danh tánh của những người Nga tử trận ở Syria. Trong số này, có những người lính đánh thuê ký hợp đồng với những công ty tư nhân và tham gia các trận đánh.
Thông tín viên RFI tại Matxcơva, Muriel Pomponne, cho biết thêm chi tiết :
« Báo RBK và những ký giả độc lập của nhóm blogger Conflict Intelligence Team đã thu thập và phân tích dữ liệu các trận đánh ở Syria và vùng Donbass. Theo điều tra của họ, có ít nhất 9 chiến binh Nga chết tại Syria kể từ đầu năm nay, trong đó 6 người thuộc công ty quân sự tư nhân có tên là Wagner. Những người này đã từng chiến đấu ở vùng Donbass ở Ukraina, và một số tại Tchetchenia.
Hãng tin Reuters nói đến 18 công dân Nga chết ở Syria từ cuối tháng Giêng, một thời điểm trùng hợp với với các trận đánh tái chiếm thành phố cổ Palmyra. Phần đông trong số người tử trận nói trên dường như là những quân nhân ký hợp đồng với các công ty tư nhân, điều bị cấm trong luật pháp Nga.
Nhà sáng lập Conflict Intelligence Team, Ruslan Leviev, giải thích là ông làm việc dựa trên những nguồn thông tin mở, nhất là xem xét trên các mạng xã hội. Theo ông, thi hài những chiến binh tử trận được trao trả cho gia đình trong những quan tài có niêm phong. Gia đình những người này đôi khi nhận được bồi thường tài chính.
Công ty Wagner dường như đã gởi 500 chiến binh đến Syria, nhưng một số nguồn tin khác nói đến 1.500 người, đi trong hai đợt đến vùng Palmyra. Và nếu những toán đầu tiên là những người dưới 35 tuổi thì mấy nhóm sau bao gồm những người trên 50. »
Tại thực địa, theo xác nhận của Đài Quan Sát Nhân Quyền tại Syria, trong vòng 48 giờ qua, các trận không kích của liên quân quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu ở phía bắc Syria đã làm thiệt mạng 40 thường dân, trong một chiến dịch chống quân thánh chiến.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170323-syria-linh-danh-thue-nga-tham-gia-chien-tran
Các cường quốc chạy đua,
tương lai thế giới không hạt nhân xa vời
Một tuần lễ trước kỳ thương lượng đầu tiên tại Liên Hiệp Quốc về một hiệp ước quốc tế mới cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân (từ ngày 27/03 đến 31/03/2017), báo Le Monde có hồ sơ phác họa bức tranh toàn cầu về cuộc tranh đua phát triển các vũ khí nguyên tử thế hệ mới, với tựa đề « Hạt nhân : Mùa cải lão hoàn đồng của các hệ thống vũ khí » (1). Cuộc chạy đua mới khiến viễn cảnh thế giới không hạt nhân, được dự kiến trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí nguyên tử (ra đời năm 1968), trở nên xa vời.
Có thể nói thế giới đang bước vào một thời kỳ thứ ba của vũ khí nguyên tử, sau thời kỳ phát triển hệ thống vũ khí huỷ diệt trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh và thời kỳ giải trừ quân bị những thập niên 1990 và 2000. Theo một số chuyên gia, các hệ thống vũ khí mới sẽ « chính xác hơn, nhỏ hơn, linh hoạt hơn », an toàn hơn trong sử dụng, nhưng đồng thời nguy cơ loại vũ khí « của ngày tận thế » này được đưa vào sử dụng cũng sẽ cao hơn.
Thách thức từ các hệ thống phòng thủ mới
Le Monde nêu hai lý do khiến các cường quốc hạt nhân đang nỗ lực phát triển một loạt các vũ khí nguyên tử thế hệ mới. Thứ nhất là, trên bình diện kỹ thuật, các hệ thống vũ khí hiện nay đã qua gần hết một chu kỳ sử dụng, cẩn được đại tu. Thứ hai là với sự phát triển của các hệ thống lá chắn phòng không tân kỳ như hiện nay, với các tên lửa S-400 của Nga, hay Patriot của Mỹ, hay các vùng phòng thủ, « chống tiếp cận », các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang đứng trước đòi hỏi phải phát triển các chiến lược mới.
Để tiếp tục là các phương tiện tấn công hiệu quả và có giá trị « răn đe », các tên lửa hạt nhân cần phải vượt qua được « các hàng rào phòng thủ mới ». Điều đó có nghĩa là các tên lửa phải được cách tân để tốc độ di chuyển nhanh và lộ trình trở nên phức tạp hơn gấp bội, các đầu đạn hạt nhân cũng phải trở nên kiên cố hơn, để duy trì khả năng năng tấn công, một khi lọt qua được hệ thống lá chắn, sử dụng nguồn năng lượng bức xạ cực mạnh.
Theo nhiều chuyên gia, tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSGN) là loại vũ khí sẽ được ưu tiên phát triển, bởi tính chất kín đáo của chúng, có thể tấn công bất ngờ, làm vô hiệu hoá các hàng rào phòng thủ.
Le Monde điểm lại trước hết cuộc chạy đua của hai siêu cường hạt nhân, Mỹ và Nga.
Đọc thêm : Hiệp định tên lửa Mỹ-Nga 1987 bên bờ tan vỡ ?
Theo Trung tâm không phổ biến hạt nhân (CNS), một nhóm chuyên gia rất có uy tín trong lĩnh vực này, Mỹ có chương trình phát triển trong 30 năm, với ngân sách từ 800 đến 1.000 tỉ đô la. Đỉnh điểm của đầu tư sẽ là từ 2025 đến 2035. Sau nhiều năm đầu tư ít, chương trình này vừa được coi là cơ hội để tránh tụt hậu, vừa để phát triển một số vũ khí mới tối tân hơn.
Đầu đạn đa chức năng và ưu tiên dành cho tầu ngầm
Chính quyền Mỹ đã cam kết hiện đại hoá « bộ ba hạt nhân », trên bộ, trên không và dưới biển, với 4.571 đầu đạn đã triển khai. Tổng số vũ khí hạt nhân không tăng, nhưng các đầu đạn có thể được cải biên để có thể thích ứng với nhiều phương tiện, và các vũ khí cũng có thể được sử dụng linh hoạt theo nhiều tình huống. Ví dụ bom đa chức năng B61-12, dự kiến sẽ được triển khai tại châu Âu, có thể cùng lúc tấn công vào nhiều mục tiêu khác loại, như các hầm ngầm trong lòng đất, hay phủ lên một vùng rộng lớn. Các tên lửa Trident-D5 và Minuteman III cũng sẽ được cải tiến. Kể từ năm ngoái, Hoa Kỳ bắt đầu có kế hoạch năm năm phát triển tầu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ mới, để thay thế cho tàu ngầm lớp Ohio hiện nay.
Về phía Nga, theo hai chuyên gia Hans Kristensen và Robert Norris (Bulletin of the Atomic Scientists), Matxcơva đang ở « giữa chừng của dự án hiện đại hoá qui mô lớn » đối với các phương tiện thừa kế thời Liên Xô, với tổng số 4.300 đầu đạn, nhằm đạt được thế ngang bằng về chiến lược với Mỹ. Tổng thống Nga cũng đã tái khẳng định vị trí của vũ khí hạt nhân trong học thuyết quân sự quốc gia.
Cũng tương tự như Mỹ, Nga tập trung cải tiến tính năng tên lửa hạt nhân, ví dư như SS-27 Mod 2 hay Yars, mang đến bốn đầu đạn, có khả năng đi theo các lộ trình khác nhau, để tấn công các mục tiêu khác nhau. Một loại tên lửa khác là SS-30 – mà giới quân sự NATO gọi là « con của quỉ Satan », có thể mang tới 10 đầu đạn. Nga hiện có 16 tầu ngầm tấn công hạt nhân, mang tổng cộng 800 đầu đạn. Trong tương lai, tàu Borei hệ tầu ngầm đầu tiên của Nga sau khi Liên Xô sụp đổ có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân hơn, tầm quan trọng chiến lược của phương tiện này sẽ tăng lên. Các oanh tạc cơ TU-160 và TU-95MS cũng đang trên đường hiện đại hoá để mang nhiều đầu đạn hơn.
Trung Quốc, cường quốc quân sự khu vực, cũng lao vào cuộc chạy đua phát triển tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn xa hơn, tốc độ nhanh hơn (với chương trình WU14). Đảo Hải Nam đang được xây dựng thành một căn cứ tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc. Theo chuyên gia Pháp Nicolas Roche, một phần tình hình căng thẳng tại Biển Đông liên quan đến tham vọng của Trung Quốc muốn biến khu vực này thành một lãnh địa của tàu ngầm hạt nhân chiến lược (xem thêm : Trung Quốc đặt căn cứ tàu sân bay tại Hải Nam để khống chế Biển Đông).
Pháp và Anh đều có các kế hoạch phát triển tàu ngầm nguyên tử thế hệ mới.
Theo nhiều nhà quan sát, tình trạng bất trắc về chiến lược liên quan đến những tham vọng mới của Nga, đặc biệt sau khi Matxcơva dùng sức mạnh sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina (và đối với khu vực Đông Bắc Á, tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong thời gian gần đây), khiến không khí nghi kỵ gia tăng, thúc đẩy các cường quốc nguyên tử tiếp tục cuộc chạy đua hạt nhân. Cuộc chạy đua giờ đây không chỉ còn giữa hai siêu cường là chủ yếu như thời Chiến tranh Lạnh, mà mang tính tác động dây chuyền. Bên cạnh năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, còn có một số nước mới tham gia vào nhóm các cường quốc hạt nhân, như Ấn Độ, Pakistan, Israel và giờ có thêm Bắc Triều Tiên. Chưa kể nguy cơ công nghệ vũ khí nguyên tử bị lọt vào tay các thế lực khác.
Nỗ lực mới thúc đẩy giải trừ hạt nhân
Trong khi đó, các đối thoại quốc tế về hạt nhân và giải trừ vũ khí nguyên tử trong khuôn khổ của Hiệp ước không phổ biến hạt nhân đang rơi vào bế tắc. Tháng năm tới tại Vienna, sẽ diễn ra một hội nghị mới, để chuẩn bị cho hoạt động đánh giá việc thực thi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, dự kiến được tổ chức vào năm 2020. Các chuyên gia không mấy hy vọng, bởi một dịp tương tự vào năm 2015 đã thất bại.
Đọc thêm : 70 năm Hiroshima: Ngọn lửa hạt nhân vẫn ám ảnh Nhật Bản
Trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, có điều khoản thứ VI về nỗ lực hướng đến cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Theo đó, các bên « cam kết tham gia một cách thiện chí vào các đàm phán về các biện pháp hiệu quả để ngừng chạy đua vũ trang hạt nhân… và về một hiệp ước giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân dưới sự kiểm soát quốc tế ». Hiệp ước này đã được gần như toàn bộ cộng đồng quốc tế tham gia (189 nước), ngoài Ấn Độ, Pakistan, Israel, Sudan (và Bắc Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước năm 2003). Thế nhưng, trong bối cảnh bất trắc về an ninh ngày càng gia tăng hiện nay, liệu các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, trước hết là Mỹ và Nga, có đủ lòng tin để bước vào thương lượng theo hướng này?
Hồi năm ngoái, hội nghị các nghị viện thành viên khối OSCE, Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu, ra một tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử từ bỏ « nguyên tắc tấn công trước », để gây dựng lòng tin.
Trong khi chờ đợi các cường quốc nguyên tử, trước hết là hai siêu cường Mỹ, Nga, có các nỗ lực mới để thực thi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, và cũng là để gây áp lực, cuối năm ngoái, đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết lịch sử (nghị quyết L41), nhằm chuẩn bị cho một hiệp định giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu, bên ngoài Hiệp ước không phổ biến.
Đối với giới tranh đấu vì một thế giới không vũ khí hạt nhân, đây là một bước tiến quan trọng kể từ khi phong trào quốc tế hủy bỏ vũ khí nguyên tử ra đời năm 2007 (ICAN/International Campaign to Abolish Nuclear Weapons). Hà Lan, một trong năm nước thành viên NATO, nơi bố trí tên lửa hạt nhân của Hoa Kỳ, cũng quyết định chọn quan điểm trung lập.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, như Oliver Meier, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế và an ninh của Đức (SWP), nỗ lực của phong trào này có nguy cơ trở thành không tưởng, nếu các cường quốc nguyên tử không tham gia vào tiến trình (2).
—-
(1) Tác giả bài viết là phóng viên Nathalie Guibert, người phụ nữ đầu tiên nếm trải kinh nghiệm trên một tầu ngầm hạt nhân chiến đấu của Hải Quân Pháp hồi 2014.
(2) Le Monde, 17/03/2017.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170322-cac-cuong-quoc-chay-dua-tuong-lai-the-gioi-khong-hat-nhan-xa-voi
Bầu cử Pháp: Marine Le Pen và ngọn sóng cực hữu
Trong bối cảnh xu hướng mị dân lên điểm tại châu Âu, cuộc bầu cử tổng thống Pháp (23/04 và 07/05/2017) và quốc hội tiếp theo có thể đưa tổ chức Mặt Trận Quốc Gia (Front National) lên tỷ lệ cao nhất. Chiến thắng của Donald Trump tại Mỹ và phong trào Brexit tại Anh tạo đà cho ứng cử viên Marine Le Pen, hiện đang dẫn đầu các kết quả thăm dò ý kiến, vào vòng chung kết.
Marine LePen là nhân vật như thế nào ? Do đâu mà ứng cử viên cực hữu được gần 30% dư luận ủng hộ bất chấp mọi nỗ lực của các tổ chức chính trị truyền thống tả hữu ? Và vì sao xu hướng cực đoan này đe dọa các nền dân chủ phương Tây ?
« Cha truyền con nối »
Thay cha là Jean-Marie Le Pen làm chủ tịch Mặt Trận Quốc Gia từ năm 2011, nữ luật sư Marine Le Pen, 48 tuổi, tiếp nối ngọn cờ của một tổ chức chính trị cha truyền con nối. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, đảng cực hữu của Pháp kỳ vọng vào đà thắng lợi của hai phong trào dân túy khác là Brexit tại Anh Quốc, đưa nước Anh quay lưng lại với Liên Hiệp Châu Âu và bên kia bờ Đại Tây Dương, Donald Trump, vào Nhà Trắng với khẩu hiệu « nước Mỹ trước đã ».
Khác với cha với nét mặt hung hãn và luôn giận dữ, bà Marien Le Pen khôn ngoan chọn khẩu hiệu ôn hoà như là « nước Pháp hòa dịu ». Tuy nhiên, chiếc áo không làm nên nhà tu. Trong quyển sách « Dân túy là gì ? », giáo sư Jan-Werner Müller, đại học Princeton, Hoa Kỳ, phân tích vì sao các tổ chức mị dân, cho dù ở Nga, ở Đức, ở Pháp không giống nhau nhưng tất cả đều đe dọa nền dân chủ vì không một đảng dân túy nào « hòa dịu ». Cho dù có không gian chính trị để hoạt động nhưng không đảng nào « có lý do » để bình thường.
« Khai thác nỗi lo của dân Pháp »
Trước hết, vì sao có đến 30% dân Pháp, phần đông là công nhân và nông dân nghe theo luận điểm của bà Le Pen ? Nhà báo Nguyễn Văn Huy ở Paris, phân tích :
« Phe dân túy khai thác khuyết điểm của các chính quyền thay nhau cầm quyền tại châu Âu. Tại Pháp, Mặt Trận Quốc Gia khai thác những lo lắng của người Pháp trước những vấn đề mà cánh tả lẫn cánh hữu không giải quyết được. Thứ nhất là công ăn việc làm, thứ hai là giảm nhập cư và thứ ba là phục hưng kinh tế… »
Theo kết quả thăm dò của viện Kantar Sofres, tỷ lệ cử tri Pháp nghe theo chủ trương của FN tăng từ 25% lúc ông Jean-Marie Le Pen làm chủ tịch lên 30% với Marine Le Pen. Vấn đề là có đến một phần ba cử tri của cánh hữu truyền thống Những người Cộng hoà LR nhìn nhận đồng ý với một số « ý kiến » của Mặt Trận Quốc Gia. Một trong những ý kiến đó, theo nhà báo Nguyễn Văn Huy là « giải pháp » chống di dân nhập cư và ảnh hưởng của Hồi giáo cuồng tín :
« Hiện nay nước Pháp đang đương đầu với khủng bố mà nói thẳng ra đó là khủng bố Hồi giáo và di dân sang Pháp tìm tự do nhưng lại từ từ đề cao tôn giáo không bao dung của họ và điều «(không bao dung) này đụng chạm đến nền văn hóa Thiên Chúa giáo của châu Âu….bà Marine Le Pen nói rằng bầu cho bà lên cầm quyền thì giải quyết được hết tình trạng này tức khắc như là bế quan, trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp…điều này hấp dẫn được thành phần người Pháp lo âu trong khi các đảng cánh hữu cũng nói như vậy nhưng bị xem là những bản sao lu mờ ».
Cũng theo thăm dò ý kiến của Kantar Sofres, đa số người Pháp, 58%, xem Mặt Trận Quốc Gia là mối nguy hiểm cho nền dân chủ. Ý thức này tăng thêm 11% kể từ khi bà Le Pen lên thay cha. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, bà Marine Le Pen được 17%, bị loại ở vòng một. Cho dù lần này có vào được vòng hai thì cơ may đắc cử tổng thống Pháp sẽ gần như con số không như trường hợp cha của bà năm 2002 khi đối đầu với Jacques Chirac. Thế nhưng vì sao FN bị xem là nguy hiểm? Người Pháp vẫn còn ghi trong ký ức chiến thuật chính trị của Hitler.
« … Ngay bây giờ lực lượng cực hữu của bà Le Pen chắc chắn sẽ không thể lên cầm quyền nhưng thế lực của họ vẫn còn tiềm tàng trong quần chúng và họ có thể thắng cuộc bầu cử lập pháp, có thêm dân biểu tại quốc hội. Rồi từ từ họ giành các chức vụ ở địa phương, tỉnh thành, làng xã….tạo ra một địa bàn lớn mạnh như thời Hitler hay nói như Mao Trạch Đông, lấy nông thôn bao vây thành thị, lần lần sẽ chiếm đa số tại quốc hội…»
Cho đến nay, tất cả các kết quả thăm dò đều cho bà Marine thua đậm, ít nhất 20 điểm, dù đối thủ là ai : cựu bộ trưởng Tài Chính Emmanuel Macron của phong trào Nước Pháp Tiến Bước hay với cựu thủ tướng François Fillon.
Liệu cơ may đắc cử của lãnh đạo phong trào dân túy Pháp có thật sự là « con số không » hay không ? Đây không phải là ý kiến của ứng cử viên Marine Le Pen mà cũng không phải là dự báo của tổng thống sắp mãn nhiệm. Tổng thống François Hollande đã cảnh báo cử tri :« Rủi ro Marine chiến thắng là có thật ».
Với một phần ba ủng hộ viên của đảng Những Người Cộng Hoà « khá đồng ý » với FN, nếu đại diện của họ là François Fillon, hiện đứng hạng ba trong cuộc đua vào điện Elysée, bị loại ở vòng một, thì những cử tri này sẽ dồn phiếu cho ai ở vòng chung kết vào tháng 5 tới đây ?
Tuy nhiên, trong thời gian qua có hai tín hiệu cho phép giới phân tích và chính giới Pháp cũng như châu Âu lên tinh thần. Đó là trong cuộc bầu cử tổng thống Áo vào tháng 12/2016, ứng cử viên độc lập Alexander Van der Bellen, được phong trào môi sinh ủng hộ, đánh bại đối thủ cực hữu Norbert Hofer với tỷ lệ 53,8%-46,2%. Tín hiệu thứ hai là trong cuộc bầu cử quốc hội tại Hà Lan, đảng bài ngoại đã không tạo được « ngọn sóng thần » như dự báo.
http://vi.rfi.fr/phap/20170323-bau-cu-phap-marine-le-pen-va-ngon-song-cuc-huu