Ðánh cá là ‘vấn đề nghiêm trọng nhất’ ở Biển Ðông
Người Việt
Hà Tường Cát
22/03/2017
Ðội tàu đánh cá ở Ðà Nẵng, chỉ là những tàu gỗ nhỏ và ngư dân rất vất vả khi phải hoạt động xa bờ. (Hình: Getty Images)
Trong các tranh chấp ở Biển Ðông, khai thác hải sản là vấn đề phức tạp nhất vì gắn liền với sự xác định chủ quyền lãnh thổ và quyền tự do hoạt động trong các vùng biển. Nó cũng có tầm ảnh hưởng rộng lớn vì trực tiếp liên quan đến sinh kế hàng triệu ngư dân, nhu cầu thực phẩm cho dân chúng và lợi ích kinh tế của các nước trong khu vực.
Sự tranh đua đánh bắt hải sản quá mức cũng gây hậu quả nặng nề đến môi trường và hệ sinh thái hải dương.
Nếu so sánh về mặt tài nguyên thiên nhiên thì tài nguyên dầu khí là vấn đề của các chính quyền chứ không phải của người dân. Còn khai thác tài nguyên hải sản là việc làm của người dân từ nhiều ngàn năm nay, nhưng càng ngày càng khó khăn và không đơn giản để chính họ tự giải quyết hay để các chính quyền can thiệp.
Trung Quốc muốn Biển Ðông là ‘cái hồ’ của họ?
Gần 4 triệu ngư dân của 10 nước đánh cá ở Biển Ðông. Vi phạm vào vùng biển của nước khác là chuyện vẫn có từ lâu đời và những hành động đơn lẻ ấy trước kia thường được giải quyết êm ả không rắc rối. Nhưng bây giờ tình hình đổi khác do thái độ của Trung Quốc trong chủ trương bành trướng, muốn biến Biển Ðông thành cái hồ của nước họ.
Cuối Tháng Hai vừa qua, Bộ Nông Ngư Nghiệp Trung Quốc thông báo lệnh cấm đánh cá từ 1 Tháng Năm đến 15 Tháng Tám giữa khu vực vĩ tuyến 12 độ Bắc đến vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Từ 1999, hàng năm Trung Quốc đều cấm ngư dân nước họ và các nước khác đánh cá trong vòng 3 tháng, thời gian được coi là mùa sinh sản của cá. Lệnh này áp dụng cho hầu hết Biển Ðông vì Trung Quốc tự nhận khu vực bên trong “đường 9 đoạn” là vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Ðầu năm 2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế đã bác bỏ lập luận phi lý bất hợp pháp ấy, nhưng Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết.
Trung Quốc cũng không có quyền hợp pháp nào đối với các đảo cách xa bờ biển nước họ hơn 200 hải lý ở Biển Ðông, nhưng thực tế là họ đã chiếm toàn thể quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa năm 1988, rồi đóng giữ luôn và xây dựng các cơ sở vĩnh viễn trên đó.
Trong buổi họp báo ngày 1 Tháng Ba 2017, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quy định đơn phương của Trung Quốc, nói rằng “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với những vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).”
Lập luận và phản ứng ấy chỉ có tính tượng trưng, vì lẽ yếu hơn trên tất cả mọi phương diện, phương cách đối phó với Trung Quốc của Việt Nam theo kinh nghiệm suốt lịch sử là mềm mỏng nhún nhường và linh hoạt theo từng tình huống. Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách và còn đe dọa đưa ngư dân Việt Nam vi phạm ra xét xử trước tòa án Trung Quốc. Ngược lại thì Việt Nam vẫn bí mật cho Cảnh Sát Biển hộ tống từ xa để bảo vệ tàu cá nhằm hạn chế phần nào hành động tùy tiện của tàu hải tuần, hải kiểm cũng như ngư dân Trung Quốc được sử dụng làm một thứ dân quân biển.
Nguồn sống của 2 tỷ người
Tình trạng nhập nhằng như vậy có lẽ sẽ còn kéo dài chưa biết đi đến đâu, vì không có một thỏa thuận đa phương toàn diện nào phù hợp với luật pháp quốc tế và trên thực tế thì lý thuộc về kẻ mạnh. Ở đây Trung Quốc là nước mạnh nhất với các lực lượng hỗ trợ ngư nghiệp bao gồm tàu hải tuần, hải kiểm, chưa kể chiến hạm hải quân. Các nước khác trong khu vực phải bảo vệ nhu cầu và lợi ích của mình nhưng cần tránh va chạm với Trung Quốc mà kết quả chắc chắn là tổn hại.
Một tàu Hải Giám Việt Nam nhỏ bé trước một tàu Hải Giám Trung Quốc. (Hình: Getty Images)
Xưa kia, hầu hết hải sản Biển Ðông chỉ được tiêu thụ bởi dân chúng trong khu vực. Ðến nay dân số gia tăng gần 2 tỷ người ở 10 nước giáp Biển Ðông làm nhu cầu tiêu thụ cao hơn, đồng thời hải sản là mặt hàng đem lại nguồn thu nhập quan trọng về xuất cảng, cho nên hoạt động săn bắt cá phát triển mạnh hơn.
Biển Ðông rộng 3.8 triệu km2, chỉ chiếm 2.5% diện tích mặt Trái Ðất, nhưng cung cấp tới 12% tổng lượng hải sản toàn thế giới. Trung bình lượng cá đánh bắt mỗi năm gần đây khoảng từ 9 đến 12 triệu tấn, tăng gấp 5 lần so với nửa thế kỷ trước, theo số liệu của Trung Tâm Ngư Nghiệp University of British Columbia, Vancouver, Canada. Tuy nhiên trường đại học này cũng lưu ý rằng những con số thống kê về ngư nghiệp Biển Ðông rất khó chính xác vì không thể kiểm kê đầy đủ lượng đánh bắt bởi vô số các tàu cá hoạt động trong phạm vi nhỏ, chưa kể việc đánh bắt lậu và trái phép.
Ðối đầu Việt-Trung gay gắt nhất
Sự cạnh tranh đối đầu Trung Quốc-Việt Nam là gay gắt nhất trong việc khai thác hải sản Biển Ðông. Trung Quốc dẫn đầu về số lượng cá đánh bắt mỗi năm ở Biển Ðông (30-34%), tiếp theo là Ðài Loan và Việt Nam (17-21%), Thái Lan (10-17%). Trị giá ước lượng của số cá ấy năm 2012: Trung Quốc $10 tỷ, Việt Nam $4.3 tỷ, Ðài Loan $2.7 tỷ, Thái Lan $1.3 tỷ. Philippines đứng hàng thứ 5 về lượng cá đánh bắt nhưng hầu hết tiêu thụ tại quốc nội. Indonesia, với dân số 1/4 tỷ là nước lớn thứ hai trong khu vực và có ngành ngư nghiệp quan trọng, tuy nhiên lượng cá đánh bắt trong Biển Ðông chỉ đứng hàng thứ 6 vì họ còn có nhiều ngư trường khác quanh quần đảo từ Ấn Ðộ Dương đến Tây Thái Bình Dương.
Trung Quốc có khoảng 500,000 tàu đánh cá trong số đó 100,000 ở Biển Ðông. Việt Nam có 130,000 tàu đánh cá, hầu hết là tàu gỗ, và phạm vi hoạt động chỉ là các ngư trường tại Biển Ðông bao gồm vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và vịnh Thái Lan.
Ngư nghiệp duyên hải, cách bờ biển dưới 30 hải lý, hiện nay suy kém rất nhiều vì đã bị đánh bắt quá mức từ nhiều năm và ô nhiễm môi trường do hoạt động công kỹ nghệ ở những khu vực gần biển. Tình trạng ấy có ở hầu hết bờ biển Trung Quốc và gần đây tại Việt Nam với một trường hợp tiêu biểu là Vũng Áng.
Trung Quốc là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về ngư nghiệp, kể cả sản lượng cũng như trị giá xuất cảng. Theo niên giám ngư nghiệp năm 2012, lượng cá đánh bắt của Trung Quốc là 13.9 triệu tấn trong đó 1.2 triệu tấn bằng việc đánh cá viễn dương. Hạm đội đánh cá viễn dương Trung Quốc cũng hoạt động mạnh trên Biển Ðông, phối hợp với các tàu đánh cá cổ truyền. Những tàu đánh cá nhỏ hoạt động xa bờ trong vùng phía Nam Biển Ðông như quần đảo Trường Sa có thể chuyển cá đánh bắt được lên các tàu lớn thay vì mỗi lần phải trở về bến. Những tàu mẹ này có đủ phương tiện bảo quản và chế biến cá tại chỗ, chỉ về bến khi đã thu hoạch đủ một lượng lớn.
Hà Nội phó thác quy hoạch hai bờ sông Hồng cho Trung Quốc |
Biển Ðông đang cạn kiệt?
Tạp chí National Geographic nói là sự cạnh tranh của 3.7 triệu ngư dân 8 nước đánh cá trên vùng biển này, kể cả việc đánh bắt bằng những phương pháp trái phép, khiến cho kho cá Biển Ðông đang đi dần tới cạn kiệt. Nhiều loài cá trong số 3,365 chủng loại thuộc 263 họ, theo các nhà khoa học bây giờ không dễ dàng đánh bắt như trước. Trung bình một tàu cá đánh bắt được 156 kg cá trong một giờ năm 1975, đến nay chỉ còn được 50 kg. Loại cá ngừ (tuna) có tiếng ở Biển Ðông và là nguồn lợi xuất cảng chính của Việt Nam ngày nay không còn nhiều, và việc đánh bắt ở những ngư trường xa bờ khó khăn hơn xưa.
Tuy nhiên đến bây giờ Biển Ðông vẫn là một trong 5 khu vực đánh cá quan trọng nhất, chiếm khoảng 25% hải sản xuất cảng trên thế giới, bao gồm cả cá nuôi ở các trại ven biển.
Trong khi những tranh chấp ở Biển Ðông tiếp tục gia tăng và không có triển vọng giải quyết, thì một thực tế chắc chắn là trong tương lai không xa lắm, đây không còn là nơi phong phú tài nguyên hải sản và môi trường biển sẽ chịu nhiều tổn hại trầm trọng.
Trước đó, hàng chục triệu ngư dân ở 10 quốc gia, một lực lượng lao động không có khả năng chuyên môn nào khác, sẽ gặp nhiều khó khăn về sinh kế.