Tin Việt Nam – 22/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 22/03/2017

66% doanh nghiệp ở Việt Nam

phải trả chi phí ‘bôi trơn’ cho chính quyền

Khoảng 66% doanh nghiệp tại Việt Nam phải trả phí bôi trơn cho quan chức địa phương, theo khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 vừa công bố tuần qua.

Ngoài ra, PCI cho biết 66% doanh nghiệp tại Việt Nam phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện hàng năm từ năm 2005.

Theo khảo sát năm 2016 của PCI, khoảng 66% doanh nghiệp tại tỉnh trả các chi phí không chính thức, đây là các khoản “bôi trơn” cho các quan chức chính quyền Việt Nam. Chi phí không chính thức của doanh nghiệp giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện, thậm chí xu hướng tiêu cực hơn so với giai đoạn 2008-2013.

Theo trang PCI, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho biết một môi trường kinh doanh thiếu minh bạch sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho việc nhũng nhiễu, tham nhũng. Kết quả PCI nhiều năm qua khẳng định điều này.

Anh Nhân Lưu, một thành viên của một công ty Hoa Kỳ chuyên tư vấn các dự án Viện trợ Phát triển Chính thức ODA, dự án của Ngân hàng Thế giới, và của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định về nạn bôi trơn:

“Tôi nghĩ là đó là một thực tế mà không thể nào không xảy ra tại Việt Nam.

Anh Nhân Lưu, nhân viên một công ty Hoa Kỳ làm tư vấn tại Việt Nam”

Khác với ý kiến của anh Nhân Lưu, chị Lương Thị Xuân, giám đốc công ty TNHH TM Thiết bị Công nghệ Gia Khương ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết doanh nghiệp của chị hầu như không phải trả chi phí bôi trơn, tuy nhiên vẫn chi trả các chi phí như ăn uống và quà Tết.

“Xuân là đại diện cho các hãng châu Âu, cho nên việc bôi trơn là không bao giờ xảy ra với Gia Khương. Gia Khương đại diện cho các hãng lớn của châu Âu và Mỹ cho nền mình giữ luật của họ tốt lắm. Riêng mình là như thế, những người khác thì mình không được rõ. Những việc như ăn uống thì bình thường. Mua quà Tết thì cũng bình thường. Ngoài ra, không phải bọi trơn gì cả. Có thể mình chưa làm dự án lớn nên mình chưa biết.”

Anh Nhân Lưu cho biết các tiêu chí khảo sát của PCI có rất nhiều điểm rất phù hợp với tình tình kinh doanh thực tế tại Việt Nam, tuy nhiên còn có một vài điểm nhỏ, PCI đặt câu hỏi chưa rõ về các yếu tố tế nhị trong dự án, “cho nên kết quả không hoàn toàn như mình mong muốn.”

Theo PCI, khoảng 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục chi phí không chính thức, hay còn gọi là “bôi trơn” chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó.

Báo cáo viết: “56% doanh nghiệp đồng ý với nhận định rằng các cán bộ nhà nước sử dụng quyền giám sát việc tuân thủ pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức từ các doanh nghiệp.”

Anh Nhân Lưu nhận đinh về chi phí “bôi trơn” chiếm hơn 10% trong tổng doanh thu của doanh nghiệp như sau:

“Tôi nghĩ 10% này cũng khó xác định, nó còn tùy vào ngành nghề của mỗi doanh nghiệp. Có những ngành nghề thì phí tổn không chính thức rất cao, nhưng có ngành nghề phí tổn không chính thức không cao lắm. Như chúng tôi làm về ODA, thì phí tổn không chính thức là theo thông lệ quốc tế hoặc là theo luật pháp quốc tế. Nói là bôi trơn thì cũng đúng, mà có phần cũng không đúng. Chúng tôi làm thì có tư vấn và chúng tôi thuê tư vấn làm. Nếu nói tư vấn là bôi trơn thì không phù hợp. Mà nói là không bôi trơn thì không chính xác.”

PCI 2016 cho biết có đến 66% doanh nghiệp tại các tỉnh phải sử dụng “các mối quan hệ” để tiếp cận thông tin. Nhưng để tạo lập “mối quan hệ”, 80% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ phải đưa hối lộ: “Doanh nghiệp chọn phương án này coi khoản chi này như một hợp đồng bảo hiểm, theo đó, một món quà nhỏ hôm nay có thể giúp họ giải quyết những vụ việc sinh ra trong tương lai.”

Báo cáo của USAID và VCCI vừa công bố cho thấy, chi phí không chính thức của doanh nghiệp không những không có dấu hiệu cải thiện, mà còn có dấu hậu gia tăng. Theo anh Nhân Lưu, nguyên nhân là do pháp luật lỏng lẽo và nhiều quan chức thì lo thu lợi cá nhân:

“Chính phủ Việt Nam đã làm rất nhiều việc theo khuyến cáo của các tổ chức nước ngoài, trong đó có bọn tôi. Nhưng dù chính phủ có nỗ lực gì đi nữa thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Có rất nhiều người ở đây (Việt Nam) không tuân theo luật pháp và họ luôn tìm mọi cách kể lách pháp luật và thu lợi cá nhân.”

Sự phổ biến của hoạt động bôi trơn cho thấy “mức độ nghiệm trọng của nạn tham nhũng ở Việt Nam, minh họa cho mức độ khó khăn của cuộc chiến chống tham nhũng. Hối lộ đã trở nên quá phổ biến tới mức thậm chí hai bên cũng không cần phải thảo luận với nhau,” theo nhận định của PCI.

Ngoài ra, theo khảo sát của PCI,“tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến” và đặc biệt “19% doanh nghiệp không sử dụng tòa án khi có tranh chấp vì họ quan ngại về tình trạng ‘chạy án’ trong quá trình giải quyết.”

Một xu hướng đáng quan ngại nữa, theo PCI, đó là tính minh bạch có xu hướng chững lại khi chính quyền “không công khai thông tin cho doanh nghiệp sẽ dẫn tới nhiều hệ quả không mong muốn đối với nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp phải đầu tư về nguồn lực và thời gian để phát triển các mối quan hệ cá nhân với cơ quan chính quyền, thay vì sử dụng các nguồn lực đó để phát triển sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả”.

Theo truyền thông trong nước, Giáo sư Edmund Malesky, Đại học Duke, Mỹ – Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, cho biết khi nhóm nghiên cứu nêu câu hỏi tham nhũng có mang tính hệ thống hay không, 45% doanh nghiệp FDI cho biết đã trả chi phí không chính thức. Nhiều doanh nghiệp nói đây là luật bất thành văn, không làm cũng không được. Giáo sư Malesky cũng cho biết dù chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng vặt đã giảm bớt, nhưng các quy định hậu đăng ký tại Việt Nam vẫn còn phiền hà, đặc biệt là tình trạng một số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá mức.

Kết quả điều tra từ 1.550 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do PCI thực hiện, có đến 49% doanh nghiệp FDI đã phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan; 25% thừa nhận đã trả tiền “bôi trơn” để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan Nhà nước; 72% số doanh nghiệp cho biết, sau khi gia nhập thị trường, họ phải mất tới hơn 5% quỹ thời gian trong năm để tìm hiểu và thực hiện các quy định hành chính, đồng nghĩa với việc mất đi lượng thời gian tương ứng để quản lý và phát triển doanh nghiệp.

Báo cáo PCI 2016 dựa trên thông tin phản hồi từ 11.600 doanh nghiệp, trong đó trên 10.000 là doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành tại Việt Nam.

Báo cáo PCI năm 2016 dành một chương riêng để đánh giá về cảm nhận của các doanh nghiệp về các vấn đề về môi trường, trong bối cảnh một số sự cố môi trường gây thiệt hại lớn xảy ra trên cả nước. Kết quả điều tra cho thấy, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp (50% doanh nghiệp FDI và 45% doanh nghiệp trong nước) đều tin rằng bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng và sẵn sàng trả một mức chi phí hợp lý cho các hoạt động cụ thể cũng như áp dụng thêm các quy định pháp luật để tránh ô nhiễm. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ một Việt Nam “xanh” và họ ủng hộ các nỗ lực để giữ cho môi trường trong lành tại đất nước này.

Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius phát biểu tại buổi công bố PCI 2016 rằng: “Bản báo cáo này có tầm quan trọng sống còn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ tự hào hợp tác với VCCI trong 12 năm qua trong các nỗ lực khảo sát và phân tích số liệu để xây dựng bản báo cáo này. Cạnh tranh giúp chúng ta cải thiện hiệu quả hoạt động khi chúng ta tăng cường quan hệ thương mại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng.”

Triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, PCI là một bộ chỉ số bao gồm nhiều chỉ số thành phần như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý.

http://www.voatiengviet.com/a/sau-muoi-phan-tram-doanh-nghiep-o-vietnam-phai-tra-chi-phi-boi-tron-cho-chinh-quyen/3775788.html

 

Phạt nhạc cấm:

Khởi đầu của ‘Cách mạng Văn hóa’ ở Việt Nam?

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 28, xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Theo nghị định này thì ‘bán, cho thuê, lưu hành ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp phép; tàng trữ, phổ biến trái phép tác phẩm chưa được phép phổ biến sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.” Mức phạt tăng đến 25 triệu đồng cho “hành vi nhân bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu bị cấm lưu hành.”

Nghị định 28 được ký ngày 20/3/2017 và sẽ có hiệu lực từ ngày 5/5/2017.

Được biết nhiều tác phẩm âm nhạc sáng tác trước 1975 đang được công chúng Việt Nam yêu thích cho đến nay vẫn chưa được cấp phép.

Nghị định này đang gây nhiều tranh cãi, đặc biệt chỉ hơn một tuần sau khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975.

Anh Nguyễn Bắc Truyển, nhà hoạt động nhân quyền tại thành phố Hồ Chí Minh nhận xét về nghị định này như sau:

“Họ ra một văn bản hướng dẫn phạt người phổ biến các bài hát bị cấm, và các vấn đề cấm khác nữa. Tôi cho rằng họ truy cùng diệt tận. Họ muốn tiếp theo việc tạm ngưng các tác phẩm về nghệ thuật thì phạt những người không tuân thủ. Tuy nhiên, họ nhắm vào các show tổ chức là chính, còn trong dân chúng thì chúng tôi thấy người ta vẫn hát và hát nhiều lắm. Những quán nhỏ hát cho nhau nghe, họ vẫn còn hát. Và hình như họ phớt lờ lệnh cấm này. Tôi cho rằng người ta sẽ tiếp tục hát, vì trên 40 năm qua, các bài hát dù bị cấm nhưng vẫn tồn tại. Nó có một sức sống mà càng ngày giới trẻ càng yêu thích.”

Vì sao công chúng yêu mến ca khúc trước 1975?

Nhiều nhạc sĩ cho rằng kiểm duyệt ca từ và dừng lưu hành 5 ca khúc là không cần thiết. Đồng thời có ý kiến cho rằng sự trở lại của dòng nhạc xưa này cho thấy nền âm nhạc Việt Nam đang có “nhiều vấn đề” vì cơ chế quản lý của nhà nước rất xa vời với thị hiếu nghe nhạc của công chúng.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Lê Minh nhận định về sự trở lại của dòng nhạc sáng tác trước năm 1975:

“Hiện nay công chúng lưu ý đến các tác phẩm trước 1975 nhiều hơn. Các tác phẩm sau 1975 có nhiều bài có ngôn từ rất nhếch nhác và không bao giờ bị thỏi còi về vấn đề đó. Bây giờ nó tạp nham lắm mà không thấy nói, mà chỉ soi và mổ xẻ mấy chuyện xa xưa.”

Trước đó Cục Nghệ thuật biểu diễn ra quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương).

Nhạc bolero mà có người gọi là “nhạc vàng”, hay “nhạc sến” là dòng nhạc thịnh hành và được hâm mộ trước năm 1975. Nhưng gần đây bolero bỗng trở thành một “món ăn” tinh thần thời thượng của khán giả, nhất là sau sự quay trở về của rất nhiều nghệ sỹ hải ngoại thành danh với dòng nhạc này, như tờ An ninh Thủ đô nhận định.

Dòng nhạc bolero từ khi ra đời đến nay luôn tồn tại song song với dòng chảy âm nhạc Việt, cho dù xuất hiện nhiều xu hướng âm nhạc mới khi hội nhập với âm nhạc thế giới nhưng bolero vẫn có chỗ đứng riêng biệt trong lòng khán thính giả, đặc biệt ở lớp người cao tuổi, những người có tuổi trẻ gắn liền với dòng nhạc này.

Phát biểu trên VOV hôm 17/3, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, người từng làm công tác tuyên huấn, công nhận có một sự bùng nổ của dòng nhạc bolero trong mấy năm gần đây, nhưng ông nói thêm rằng “đây là một hiện tượng bình thường”. Theo nhạc sĩ Thụy Kha, nhạc bolero “là dòng nhạc bình dân, phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. …Sự bùng nổ này không làm ảnh hưởng gì đến nền âm nhạc Việt Nam, cũng không khẳng định một điều gì. Sự xuất hiện của chúng là lẽ tự nhiên bởi đó là những phản ánh chân thực về thời cuộc. Bởi vậy cần để chúng tồn tại.”

Tuy nhiên, hôm 16/3, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu phát biểu trên trang VTC.vn rằng 5 bài hát này “có rất nhiều vấn đề về mặt tư tưởng”. Ông Lưu nói thêm với VTC như sau: “Những bài hát viết về người lính Cộng hòa sẽ khiến cho một bộ phận giới trẻ phân tâm, lo lắng. Họ sẽ đặt ra câu hỏi, liệu con đường mình đang bước đi có đúng không, hay cái kia mới đúng.”

Anh Nguyễn Bắc Truyển nhận xét về dòng nhạc xưa như sau:

“Nó nói lên cái tình, cái tấm lòng của người lính trong thời chiến tranh. Họ không có gì là hận thù, là sắt máu cả. Đó là tình cảm của họ trong thời chiến. Đó là tình yêu lứa đôi dành cho nhau. Vậy thôi.”

Nhạc sĩ Lê Minh nhận định rằng, khi công chúng, trong đó giới trẻ, không thấy cái mới hay thì họ quay về cái cũ:

“Thật ra khi cái mới không đáp ứng đủ nhu cầu, cái mới không hay hơn, không có cái gì đặc biệt hơn thì người ta quay về cái cũ. Vấn đề là có cung thì có cầu. Đó là vấn đề phát triển theo xu hướng của xã hội.”

Thật ra khi cái mới không đáp ứng đủ nhu cầu, cái mới không hay hơn, không có cái gì đặc biệt hơn thì người ta quay về cái cũ. Vấn đề là có cung thì có cầu. Đó là vấn đề phát triển theo xu hướng của xã hội

Nhạc sĩ Lê Minh​.”

Ngoài ra, nhạc sĩ Lê Minh cho biết thêm thực tế tình hình âm nhạc Việt Nam rất khác với những gì báo chí Việt Nam nêu. Ông chia sẻ những điều ông từng quan sát tại Việt Nam:

“Nếu ở Việt Nam khi nghe các chương trình Hát với nhau hay tại các tụ điểm karaoke thì người ta hát cái gì? Người ta không hát nhạc ‘đang thời trang’ đâu, có chăng là một số ca khúc dân ca mới, bolero mới, còn đa số ‘sang’ thì họ hát nhạc của Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn…mà còn ‘bình thường’ thì người hát nhạc Trúc Phương, Lam Phương. Đa số là như vậy. Mình đi tới đó mình mới thấy rõ như vậy. Còn mình coi trên các phương tiện truyền thông thì có khi nó không phải như vậy. Tôi ủng hộ xu hướng sáng tác bằng tâm hồn, sáng tác không định kiến. Và để người nghe có quyền lựa chọn.”

Nhạc bolero tồn tại và giữ được giá trị là chính bởi tính “bình dân” của nó, bởi “giai điệu và ca từ của hầu hết các ca khúc thường là những câu chuyện về tình yêu, về cảm nhận xã hội, tâm tư tình cảm của con người,” trang Vietnammoi.vn nhận xét.

Ngoài các chương trình băng đĩa và công diễn, sự bùng phát những game show ca nhạc trên sóng truyền hình thời gian gần đây đã làm cho nhu cầu sử dụng các ca khúc xưa ngày càng trở nên bức thiết.

Báo Người Lao động nhận định về hiện tượng công chúng Việt Nam đam mê ca khúc xưa như sau: “Khi các ca khúc mới không đáp ứng được nhu cầu về nội dung lẫn nghệ thuật, nhiều ca sĩ trình diễn, nhà sản xuất chương trình lại tìm kiếm các ca khúc xưa. Sự bùng nổ của các chương trình boléro hiện nay là một minh chứng.”

Càng cấm đoán, người ta càng rủ nhau hát nhiều hơn, vì tài sản lớn nhất của con người là văn hóa chứ không là cường quyền.

Nguyễn Bắc Truyển

Một cuộc cách mạng văn hóa ở Việt Nam?

Trả lời câu hỏi rằng liệu đây có phải là khởi đầu cho một ‘cuộc Cách mạng Văn hóa’ ở Việt Nam, anh Nguyễn Bắc Truyển cho biết:

“Tôi nghĩ là khó trong thời điểm này lắm. Ngày xưa thì có những vụ án như ‘Nhân văn Giai phẩm’ hay thời kỳ văn hóa của Trung Cộng. Đối với tình hình hiện nay thì khác biệt rồi: đó là truyền thông Internet. Trước đây hoàn toàn không có. Nhà nước có thể dùng quy định hành chánh để đàn áp, cấm đoán, nhưng người dân có một kênh riêng để phổ biến. Hơn nữa, hàng ngày người ta đi hát dạo trên đường phố vào buổi tối. Họ hát những bài nhà cầm quyền không cho phổ biến. Nhưng họ vẫn hát, vẫn ca, vẫn trình diễn trên đường phố. Tôi nghĩ rằng nếu nói có một vụ ‘Nhân văn Giai phẩm’ hay một cuộc ‘Cách mạng Văn hóa’ giống như Trung Cộng thì khó xảy ra lắm.”

Phải chăng chính quyền Việt Nam đang lo lắng vì không ngăn được những giá trị văn hóa trước năm 1975 của chính quyền Sài Gòn nay bùng phát trở lại miền Nam và nhiều nơi khác, khởi đầu bằng âm nhạc? Ông Nguyễn Bắc Truyển cho VOA biết rằng “càng cấm đoán, người ta càng rủ nhau hát nhiều hơn, vì tài sản lớn nhất của con người là văn hóa chứ không là cường quyền.”

http://www.voatiengviet.com/a/luu-hanh-nhac-cam-bi-phat-25trieu-khoi-dau-cua-cach-mang-van-hoa-o-vietnam/3776973.html

 

Vì sao Việt Nam ‘nhờ Mỹ tác động’ lên Google và Facebook?

Một thành viên chính phủ Việt Nam mới lên tiếng bác bỏ thông tin “bị ung thư giai đoạn cuối”, và “nhờ” Đại sứ Mỹ ở Hà Nội dùng ảnh hưởng của mình để hối thúc một số công ty của Hoa Kỳ phải có hành động liên quan tới các thông tin “xấu, độc” trên mạng.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn hôm 21/3 kêu gọi ông Ted Osius “tác động để Google, Facebook có đại diện tại Việt Nam để dễ bàn bạc hơn khi xử lý những vấn đề liên quan đến pháp luật Việt Nam”, báo chí trong nước đưa tin.

Trước đó năm ngày, ông Tuấn nói trong một cuộc họp với các doanh nghiệp quảng cáo trên các trang mạng xã hội của Mỹ rằng danh dự, nhân phẩm của ông “bị xúc phạm” sau khi xuất hiện trên YouTube thông tin mà ông nói là “sai sự thật về sức khỏe của mình”.

“Các bạn thấy tôi có khỏe không. Tôi vừa xem trên YouTube một clip cho rằng, tôi bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Thực tế, tôi đang rất khỏe mạnh, không có vấn đề gì. Chúng ta thấy có những việc như thế và hôm nay, chúng ta gặp nhau ở đây bàn về vấn đề thông tin thất thiệt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xuyên tạc được tung lên YouTube, các mạng khác”, tờ Soha News dẫn lời ông Tuấn nói như vậy, đồng thời hối thúc các doanh nghiệp trong nước ngưng quảng cáo trên YouTube và Facebook cũng như các trang mạng xã hội khác cho tới khi các thông tin “xấu, độc” chống chính quyền Hà Nội bị ngăn chặn.

Tối 22/3, VOA Việt Ngữ thấy một đoạn clip dài gần 23 phút có nội dung ông Tuấn “có nguy cơ ung thư vì ăn hải sản nhiễm độc” với hơn 5 nghìn lượt xem vẫn còn trên trang YouTube.

Về chuyện này, luật sư Hà Huy Sơn, người từng bào chữa cho thân chủ bị tung tin sai, nói: “Cái chuyện đó thì tôi cho rằng nó xâm phạm đời tư, bí mật riêng tư, đời sống của cá nhân, vi phạm bộ luật dân sự. Người bị cái tin đồn đấy thì người ta có thể là khởi kiện một vụ án dân sự ra tòa. Pháp luật bảo vệ quyền riêng tư của công dân”.

Ông nói thêm: “Trên đất Việt Nam, kể cả người nước ngoài cũng được bảo vệ trong không gian pháp luật như vậy. Luật dân sự tức là người đưa tin sai đấy phải xin lỗi. Và cái thứ hai phải bồi thường về thiệt hại vật chất và tinh thần do người bị hại người ta chứng minh được, chứ không phải là chịu trách nhiệm hình sự”.

Ông Tuấn không phải là quan chức Việt Nam đầu tiên vấp phải tin đồn “bị ung thư”. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Đức Chung hay Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng bị đồn như vậy trên YouTube.

Trong một dòng trạng thái trên Facebook, luật sư Trần Vũ Hải mới viết: Mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều tin đồn. Những người có vai vế, tên tuổi cần làm quen với những tin đồn đó và biết cách ửng xử thích hợp. Nếu tin đồn vô bổ, lờ đi là cách tốt nhất. Nhưng có những tin đồn không thể lờ được, cần dập tan hoặc công khai đáp lại”.

Trong cuộc gặp với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam hôm 22/3, theo Infonet, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết rằng “Google [công ty sở hữu YouTube] mới xử lý được hơn 40 clip trong số khoảng 8.000 clip độc hại”.

“Đặc biệt, Google chỉ chặn clip để người ở Việt Nam không xem được, còn người ở nước ngoài vẫn xem được, trong khi yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông là khi thấy clip vi phạm thì phải gỡ bỏ hoàn toàn”, ông Tuấn được trích lời nói.

Về đề nghị gỡ bỏ video của Việt Nam, luật sư Hà Huy Sơn nhận định: “Tôi không biết YouTube có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam hay không. Nếu mà có đăng ký hoạt động kinh doanh ở Việt Nam thì nó mới là đối tượng điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Nếu mà họ có đăng ký kinh doanh ở Việt Nam thì cái việc đưa các nguồn tin xâm phạm đời tư, trái với quy định của pháp luật Việt Nam thì cái yêu cầu dỡ bỏ thông tin đấy tôi cho rằng là cũng có cơ sở pháp lý”.

Việt Nam hôm 16/3 hối thúc các doanh nghiệp trong nước ngưng quảng cáo trên YouTube và Facebook cũng như các trang mạng xã hội khác cho tới khi các thông tin “xấu, độc” chống chính quyền Hà Nội bị ngăn chặn.

Trong một thông cáo gửi cho báo chí, YouTube cho biết rằng “chúng tôi có các chính sách rõ ràng về các yêu cầu gỡ bỏ từ các chính phủ khắp thế giới”.

“Chúng tôi dựa vào các chính phủ thông báo cho chúng tôi các nội dung mà họ tin là trái phép thông qua các kênh chính thống, và nếu thấy hợp lý, chúng tôi sẽ thực hiện việc hạn chế sau khi xem xét kỹ lưỡng”, thông cáo viết tiếp. “Mọi yêu cầu này đều được theo dõi và đưa vào ‘Báo cáo Minh bạch’ của chúng tôi”.

VOA Việt Ngữ có tiếp cận báo cáo này và thấy rằng Việt Nam đã 12 lần yêu cầu Google gỡ bỏ các đoạn clip trên YouTube. Không chỉ Việt Nam mà chính phủ nhiều nước khác như Nhật hay Mỹ cũng từng có nhiều đề nghị như vậy.

Theo báo chí Việt Nam, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Đại sứ Ted Osius phản ánh về “việc Google đang rất lo ngại về các quy định của Nghị định 72 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Thông tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới”. Tới tối 22/3, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội chưa đăng tải thông tin về cuộc gặp giữa ông Osius và ông Tuấn.

Việt Nam thời gian qua bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền như Human Rights Watch chỉ trích việc “kiểm soát Internet”, nhưng Hà Nội luôn bác bỏ cáo buộc này.

http://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-nho-my-tac-dong-len-google-va-facebook/3777193.html

 

Mỹ tăng tiền lời, người Việt lo lắng

Sơn Trà

Sau những tranh cãi về việc có tăng hay không, cuối cùng vào chiều thứ Tư 15/3, lãnh đạo Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) ra quyết định tăng lãi suất giữa lúc thị trường việc làm ổn định và lạm phát ở mức tăng nhẹ. Theo đó, lãi suất mới sẽ tăng thêm 0.25%, từ 0.75% lên 1%. Đây là lần tăng lãi suất thứ nhì trong vài tháng qua.

Trong thời kỳ suy thoái, FED hạ lãi suất thấp kỷ lục nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết tình trạng thất nghiệp tại Mỹ.

Tại sao FED tăng lãi suất?

Tăng lãi suất lần này được cho là cần thiết và nằm trong kế hoạch lèo lái nền kinh tế vì nếu lãi suất được giữ ở mức quá thấp trong thời gian dài sẽ có nguy cơ tạo ra lạm phát đột ngột, có thể buộc FED phải tăng lãi suất lên vội vàng, làm rối loạn nền kinh tế. Việc tăng lãi suất cũng đồng nghĩa với việc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ nhìn thấy dấu hiệu của một nền kinh tế vững mạnh.

Ngược lại, khi tình hình khó khăn hơn thì FED sẽ giảm lãi suất để khuyến khích người dân và doanh nghiệp vay tiền cũng như chi tiêu, từ đó, tiền được bơm vào để thúc đẩy nền kinh tế. Vì vậy, trong thời kỳ khủng hoảng, FED đã giữ lãi suất ở mức gần như 0%.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng thì FED sẽ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Có nên lo lắng?

Theo các chuyên giá dự đoán, tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến việc người tiêu dùng trả nợ thẻ tín dụng, vay mua xe, mua nhà, và các khoản nợ khác. Đặc biệt thị trường địa ốc và ô tô bị ảnh hưởng rõ nét nhất, cụ thể là giá nhà và ô tô có thể trở nên đắt hơn.

Theo tạp chí Forbes, mặc dù lãi suất thay đổi nhưng yếu tố mấu chốt quyết định mức lãi tín dụng phải trả tùy thuộc vào điểm tín dụng cá nhân, nghĩa là nếu một cá nhân có điểm tín dụng cao (trả nợ đúng hạn, giữ nợ ở mức thấp) thì có khả năng được hưởng mức lãi suất thấp hơn mức thị trường và ngược lại. Do đó, các chuyên gia tin rằng điểm tín dụng mới là thứ mà dân Mỹ cần quan tâm.

Số liệu từ Cục Thống Kê Hoa Kỳ cho thấy có khoảng 1.980.344 người Việt đang định cư tại Mỹ. Cộng đồng người Việt đông thứ tư ở Mỹ, xét trong nhóm các sắc tộc Á châu, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines.

Một người Việt hành nghề môi giới địa ốc hơn 20 năm nay tại miền Đông Hoa Kỳ nói với VOA Việt ngữ rằng chị mong lãi suất sẽ giữ ở mức này, không vượt quá 5%.

“Chỉ sợ khi mà phân lời nó lên 6 hay 7%, thì có lẽ thị trường sẽ là thị trường chết,” chị Nguyễn Thị Hiền tiếp lời.

Anh Andy Nguyễn, một nhân viên chuyên làm hồ sơ cho vay ở California, cho rằng vẫn còn quá sớm để nói bất cứ điều gì, nhưng anh biết chắc rằng việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng những người đang có nhu cầu mua nhà hay những ai đang có nhu cầu vay tiền ngân hàng.

Nỗi lo lắng này là có cơ sở, khi mà số liệu chỉ ra rằng lần tăng lãi suất gần đây nhất của FED (12/2016), lãi suất vay mua nhà vọt lên 4.3% từ con số 3.5 % của năm trước đó.

http://www.voatiengviet.com/a/my-tang-tien-loi-nguoi-viet-lo-lang/3776110.html

 

Làng chài mùa sông cạn

Làng chài Gò Nổi, nằm gần cầu Đen, bên sông Thu Bồn. Đây là một làng chài mà suốt hơn bốn mươi năm, đời sống của ngư dân vẫn bấp bênh mọi thứ, hầu như không có người vào đại học bởi đời sống quá vất vả, thiếu thốn mọi bề.

Họ là những ngư dân lâu năm, đời sống trôi theo dòng nước, nơi nào sông cạn, họ lại tìm đến dòng sâu để mưu sinh. Công cụ làm việc của họ là ghe nan, ghe nhôm, mái chèo, lưới, đăng, đó, ống trúm, giã cào. Lưới để đánh cá, ống trúm để nhử lươn, giã cào để xúc hến. Hằng ngày, họ làm việc từ 11h đêm đến 5h sáng. Người ở nhà chuẩn bị sẵn để đi bán cá, luộc hến, bán các loại hải sản khác cho đến 3h chiều. Có lúc công việc này kéo dài đến 7h đêm. Một ngày quần quật làm việc của cả một gia đình năm, sáu người có thể kiếm được từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng, không hơn. Số tiền nhỏ này dành cho mọi sinh hoạt gia đình, từ việc giỗ chạp, cưới hỏi, phải trái với xóm giềng hay lễ Tết. Tất cả đều nhờ vào mẻ lưới, con cá, con hến.

Cụ Hiền, người được mệnh danh là ông tổ nghêu sò ốc hến ở làng chài Gò Nổi, Quảng Nam, chia sẻ với VOA: “Mình đi cào, bằng tay, hoặc bằng máy, về mình đãi, đãi ra con hến rồi nấu, nấu rồi đãi ra ruột.”

“Nghề này cực lắm, đi làm từ đêm. Sáng về thì luộc hến, nấu. Một ngày kiếm một trăm rưỡi, hai trăm ngàn, lời tiền công chứ mấy. Nghề này cực lắm, bởi không có ai làm,” chị Hạnh, ngư dân làng chài Gò Nổi, cho hay.

Bà Hồng, ngư dân lâu năm của làng, tiếp lời: “Từ Câu Lâu, đi An Hội, đi Kỳ Lam, đi các nơi, mấy chục cây số, rất khó khăn. Bữa nay làm ăn vất vả hơn mấy năm nhiều. Cá giờ cũng khó có, rất khó khăn, gay go lắm! Dân ở xóm này làm ăn khổ ghê lắm!”

Hiện tại, làng chài Gò Nổi đã có nhà trên đất liền, có nhà đã được cấp bìa đỏ, có nhà còn chờ quyết định của nhà nước. Đời sống ít bấp bênh hơn về chỗ ở, nhưng bù vào đó, ngư dân sông nước phải đối mặt với hiểm họa thủy điện, xả thải công nghiệp và nạn cát tặc. Thủy điện có thể xả đập bất kỳ giờ nào. Vào những ngày xả đập, hàm lượng cá đánh bắt được xuống mức thấp nhất. Những khúc sông có ống xả thải công nghiệp trở nên đen đúa, thành bầu ao thuốc độc. Nạn hút cát khiến cho dòng chảy thay đổi, tôm cá cũng mất chỗ để sống.

Những ngày thủy điện xả đập lên dòng Thu Bồn, ngư dân phải di chuyển về tận An Hội hoặc bơi ngược lên nguồn, vượt đường sông chừng 20km đến 30km để đánh bắt. Mặc dù phải di chuyển khá xa, nhưng có khi đi cả ngày chỉ được vài con cá nhỏ, hoặc không có gì. Họ lại quay về, dọn ghe cho sạch để chuẩn bị buổi đánh bắt mới. Nạn sa tặc đã làm thay đổi dòng cảnh và thay đổi môi sinh trên sông, những con sông trơ trọi, cạn dòng, bị bồi lấp chỉ còn lạch nhỏ, ghe thuyền không thể ra vào, ngư dân co cụm.

Một ngư dân khác tên Hùng trong làng chài Gò Nổi cho biết thêm: “Làm nghề ở đây thì bữa được bữa mất. Bữa nào bình thường, không xả đập thì cũng làm kiếm được ít, còn bữa nào xả đập thì ngồi không, ra đây ngồi rồi về không. Thứ Hai là sông càng ngày càng cạn, ở đây có làm cái cầu nữa, trước đây chưa làm cầu thì sông ở đây rộng lắm. Đi qua đi lại khó lắm, để đồ ở dưới thuyền thì sợ mất cắp nên phải về nhà mà mỗi lần mang thì khó lắm. Tôi nhiều lần đi họp, tôi có đề nghị chính quyền tạo điều kiện cho tụi tôi có công ăn việc làm, làm cho sông sâu hơn cho chúng tôi đi qua đi lại làm ăn. Tôi nêu ý kiến miết nhưng không thấy ai trả lời hết nên chúng tôi chỉ biết ráng làm thôi.”

Hiện tại, mức thu nhập của hầu hết các gia đình ngư dân trên sông đều bị giảm mặc dù giá thành các loại thuỷ sản tăng cao do biển nhiễm độc gần một năm nay. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu và việc học hành của các trẻ em gia đình ngư dân. Hầu hết các gia đình trong làng chài… không có người học đại học.

Bé Phương, học sinh lớp 3 nổi tiếng học giỏi trong làng chài Gò Nổi, nói: “Con thấy mọi người làm lưới rất khổ… Lớn lên con không làm lưới, con muốn làm giáo viên.”

Bốn mùa quanh quẩn cùng mưa nắng, con nước lớn, con nước ròng, con tép, con tôm, cái đăng, cái rớ, chiếc ghe, mái chèo, trẻ con không kịp lớn bởi cơm áo gạo tiền, người lớn không kịp già bởi lao động vất vả, chỗ ở bấp bênh. Mặc dù cách đường cái lớn chưa đầy cây số, nhưng vượt ra khỏi lũy tre làng là một giấc mơ khó thực hiện với bất kỳ đứa trẻ nào trong làng chài.

http://www.voatiengviet.com/a/lang-chai-mua-song-can/3776668.html

 

Thêm người bị bắt vì tuyên truyền chống nhà nước VN

Bộ Công an vừa bắt hai người để điều tra về tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 bộ Luật Hình sự, website Bộ Công an đưa tin hôm thứ Tư ngày 22/3.

Bùi Hiếu Võ, sinh năm 1962, sống ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh bị bắt hôm 17/3. Theo trang tin của Bộ Công an, từ tháng 5/2015, người này đã lập tại khoản Facebook có tên “Hieu Bui” và đăng nhiều thông tin “có nội dung bịa đặt, xuyên tạc, phỉ báng” nhà nước.

Ông Võ bị cáo buộc đã “kích động sử dụng bom xăng và axit tấn công lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an” và “móc nối” với thành viên của tổ chức Việt Tân tại Úc để trao đổi và quản trị trang facebook “Hieu Bui”.

Mới nhất, ông Phan Kim Khánh, sinh năm 1993, sống ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, bị Công an thành phố Thái Nguyên bắt hôm 21/3. Ông Khánh bị cáo buộc đã lập và quản trị một số trang blog, Facebook và YouTube với nhiều nội dung “bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Ông Khánh cũng bị cho là đã “móc nối với một số đối tượng phản động” trong và ngoài nước trong đó có ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), từng bị kết án ở Việt Nam và đã xuất cảnh sang Mỹ.

Chính phủ nói cả hai blogger này đều hợp tác với đảng Việt Tân ở hải ngoại, mà Hà Nội liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.

Nhận tội

Trang tin của Bộ Công an cho biết tại cơ quan điều tra, cả hai người đã nhận tội. Họ sẽ bị đưa ra tòa xử sau khi cơ quan anh ninh hoàn tất của điều tra.

Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ công an bắt người về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong vài tháng qua.

Trước đó, blogger Nguyễn Danh Dũng, 29 tuổi, ở Thanh Hóa, hay bà Trần Thị Nga, 40 tuổi ở Hà Nam, đều bị bắt vì đăng tải các video chống chính phủ và bôi nhọ uy tín của lãnh đạo Việt Nam.

Từ tháng Hai, chính phủ Việt Nam cũng bắt đầu chính sách mới để gây sức ép với các doanh nghiệp hoạt động trong nước, đồng thời với YouTube và Facebook để đòi gỡ bỏ những clip có nội dung ‘độc hại’ chống nhà nước. Kết quả là nhiều thương hiệu lớn trong nước và quốc tế ở Việt Nam đã cam kết tạm ngừng quảng cáo trên YouTube.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39352230

 

Việt Nam đang thiếu nước

Người đứng đầu ngành tài nguyên- môi trường của chính quyền Hà Nội, ông bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định Việt Nam đang bị thiếu nước trong ngày Nước Thế giới 22 tháng 3.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà thì nguồn tài nguyên nước của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Tài nguyên nước nội địa của Việt Nam đạt mức trung bình kém của thế giới chỉ ở chừng 3600 mét khối đầu người mỗi năm. Mức bình quân toàn cầu là 4 ngàn mét khối trên mỗi người mỗi năm.

Dù Việt Nam có nhiều sông ngòi, kênh rạch; tuy nhiên theo giới chuyên gia thì hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ.

Thực trạng xây dựng các đập trên dòng chính các con sông chảy vào Việt Nam, nhất là dòng sông Mê Kong, đang dẫn đến nhiều tác động bất lợi cho cuối nguồn khi chảy vào Việt Nam.

Tình trạng xả thải và những hóa chất trực tiếp ra sông cũng khiến nhiều con sông bị ô nhiễm trầm trọng.

Ngày Nước Thế giới hay Ngày Nước Sạch Thế giới năm nay được Liên Hiệp Quốc chọn chủ đề là ‘Nước Thải’ nhằm kêu gọi nâng cao chất lượng nguồn nước, giảm thiểu nước thải, tăng cường xử lý và tái sử dụng nước thải.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-lacks-of-water-03222017090918.html

 

Đình chỉ xây dựng trên núi Sơn Trà

Cơ quan chức năng đảng thành phố Đà Nẵng yêu cầu báo cáo về những vụ xây dựng không phép trên địa bàn đang gây xôn xao dư luận.

Chánh văn phòng thành ủy Đà Nẵng, ông Đào Tấn Bằng, vào chiều ngày 22 tháng 3 nói với báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 23 tháng 3 Ban Cán sự Đảng ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ họp báo cáo cho thường vụ thành ủy ba vụ việc; trong đó vụ nghiêm trọng nhất là Công ty Cổ Phần Tiên Sa xây 40 móng biệt thự trên núi Sơn Trà.

Sau khi vụ việc bị người dân và truyền thông lên tiếng, cơ quan chức năng đã yêu cầu đình chỉ và phạt 40 triệu đồng Việt Nam.

Cũng liên quan đến vụ việc 40 móng biệt thự của Công ty Cổ Phần Tiên Sa xây dựng trên núi Sơn Trà, vào ngày 21 tháng 3 Chủ tịch Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh gửi thư kiến nghị mà ông nói đó là “tâm thư” lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nội dung kiến nghị xem xét Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Thư kiến nghị khẩn thiết yêu cầu ông thủ tướng cho giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà, không xây mới cơ sở lưu trú trên đó.

Vào ngày 22 tháng 3, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tiến hành họp khẩn cấp về thư kiến nghị của ông chủ tịch Hiệp hội  Du lịch Thành phố, Huỳnh Tấn Vinh.

Nội dung cuộc họp được cho biết là Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng không thừa nhận kiến nghị là của những người làm du dịch trên địa bàn mà chỉ là ý kiến cá nhân của ông Huỳnh Tấn Vinh.

Tuy nhiên ý kiến của ông Huỳnh Tấn Vinh được báo mạng Lao động trong nước nói rõ là được nhiều người dân Đà Nẵng ủng hộ.

Hiện đang có lời kêu gọi trên mạng xã hội hãy ký tên vào yêu cầu ngừng ngay mọi hoạt động bê tông hóa núi Sơn Trà.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/danang-react-on-illegal-construction-at-son-tra-03222017084940.html