Tin Việt Nam – 21/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 21/03/2017

LM. Đặng Hữu Nam:

Nhà nước phải giúp dân thực hiện quyền hiến định.

Linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, giáo phận Vinh vào ngày 20 tháng 3 gửi văn thư phản hồi công văn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An về cuộc tuần hành đi nộp đơn kiện của giáo dân xứ Song Ngọc hôm 14 tháng 2 vừa qua.

Linh mục Đặng Hữu Nam cho Đài Á Châu Tự do biết vào chiều ngày 20 tháng 3 như sau:

Trong ngày hôm nay tôi vừa gửi một công văn trả lời công văn 1022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An về vụ việc ngày 14 tháng 2 vừa qua, chúng tôi khẳng định rằng việc làm của cha Thục và người dân hoàn toàn đúng, không có gì sai. Đó là một việc làm văn minh, tiến bộ cần phải khuyến khích. Lẽ ra Nhà nước phải làm, nếu không thì phải giúp cho người dân thực hiện quyền hiến định của mình.”

Theo linh mục Đặng Hữu Nam thì ngày 14 tháng 2 cả ngàn giáo dân xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh tuần hành vào tòa án thị xã Kỳ Anh để nộp đơn khởi kiện Formosa gây thảm họa môi trường; thế nhưng người dân đi không được bao xa thì bị vây lại và bị đàn án đẫm máu. Thế nhưng theo công văn của tỉnh Nghệ An thì người dân đi nộp đơn khiếu kiện đã bạo loạn.

Theo trình bày của linh mục Đặng Hữu Nam, do tình hình vừa nêu đối với các giáo dân xứ Song Ngọc, vào ngày chủ nhật 19 tháng 3, giáo dân các xứ Phú Yên, Mành Sơn, Vĩnh Yên và Cẩm Trường tập trung đến xứ Song Ngọc hiệp thông dâng thánh lễ chủ nhật.

Sau đó đoàn người cả mấy ngàn đến trước ủy ban nhân dân xã ở địa phương để biểu tình.

Linh mục Đặng Hữu Nam cho biết lại hoạt động vào ngày chủ nhật 19 tháng 3 như sau:

“ Giáo xứ Mành Sơn, Vĩnh Yên, Cẩm Trường cùng với giáo xứ chúng tôi là Phú Yên sang Song Ngọc để dâng lễ cầu nguyện. Thời điểm đông nhất có hơn 7 ngàn người tham dự. Sau thánh lễ chúng tôi tuần hành lên trụ sở chính quyền xã Quỳnh Ngọc để nói lên tiếng nói của mình, sau đó lên trường trở về giáo xứ của mình.”

Số giáo dân ven biển các xứ ở Nghệ An như Song Ngọc, Phú Yên không được nhà nước đưa vào diện được bồi thường do thảm họa môi trường bởi Formosa gây nên từ tháng tư năm ngoái, do đó vừa qua họ tiến hành nộp đơn khởi kiện đòi hỏi quyền lợi và yêu cầu chấm dứt hoạt động của Formosa tại Việt Nam vì gây hủy hại môi trường.

Tuy nhiên yêu cầu của giáo dân không được đáp ứng, trái lại họ còn bị đàn áp. Linh mục Đặng Hữu Nam cho biết qua tìm hiểu ông thấy ý chí của người dân bị thiệt hại là tiếp tục đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/catholic-priest-responds-to-nghean-province-03202017082538.html

 

Việt Nam có hai tỷ phú đôla trong danh sách Forbes

Tạp chí Forbes ra danh sách những người giàu nhất hành tinh 2017, trong đó Việt Nam có hai người là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Bà Thảo là đồng sáng lập và cổ đông chính của Sovico, công ty mẹ của HD Bank và hãng hàng không Vietjet Air. Bà cũng là tổng giám đốc hãng bay này.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có hai tỷ phú đôla trong danh sách của tạp chí uy tín này và cũng lần đầu tiên có một phụ nữ.

Bà Thảo cùng với 10 phụ nữ Trung Quốc nằm trong số 15 tỷ phú nữ tự thân lập nghiệp được Forbes vinh danh năm nay. Trừ một bà, 14 người còn lại đều làm ăn ở châu Á-Thái Bình Dương.

Forbes giới thiệu bà Thảo đã “đưa hãng hàng không giá rẻ của mình, VietJet Air, lên sàn chứng khoán tháng 2/2017”.

Hãng ‘hàng không bikini’ VietJet lên sàn

Cổ phiếu Vietnam Airlines tăng mạnh ngày ra mắt

Trước đó bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã được Forbes nêu tên trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới 2016.

Tổng cộng danh sách năm nay có 227 phụ nữ, 10 người trong số đó chung tài sản hoặc chung sở hữu doanh nghiệp với chồng hoặc anh em.

Ông Phạm Nhật Vượng, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam chủ yếu kinh doanh bất động sản, đã lọt vào danh sách người giàu nhất hành tinh của Forbes từ 2013.

Tài sản của ông Vượng hiện được Forbes định giá 2,4 tỷ đôla, đứng thứ 867 thế giới.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có tài sản được Forbes định giá 1,2 tỷ đôla, đứng thứ 1.678 thế giới.

Hoa Kỳ tiếp tục có số tỷ phú nhiều hơn các nước khác. Con số đó năm nay là 565, tăng từ số 540 một năm trước.

Trung Quốc có 319 tỷ phú. Đức đứng thứ ba với 114 tỷ phú và thứ tư là Ấn Độ, với 101 người.

Ông chủ hãng Microsoft Bill Gates vẫn là người giàu nhất hành tinh với 86 tỷ đôla, tăng 11 tỷ so với năm 2016.

Nhà đầu tư Warren Buffett đứng thứ hai với 75,6 tỷ đôla.

Tỷ phú Jeff Bezos, chủ hãng Amazon.com xếp thứ ba với 72,8 tỷ đôla còn thứ tư là ông chủ công ty thời trang Zara Amancio Ortega với 71,3 tỷ đôla.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39328764

 

Tranh cãi về 5 ca khúc bị tạm dừng lưu hành

Trước việc 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 gồm “Cánh thiệp đầu xuân”, “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân”, “Con đường xưa em đi” và “Đừng gọi anh bằng chú” vừa bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Cục NTBD) yêu cầu tạm dừng lưu hành hôm 15/3, nhiều nhạc sỹ, nghệ sỹ cũng như dư luận Việt Nam có phản ứng trái chiều.

Trong khi có nhà phê bình cho rằng quyết định này là “đúng” và “có cơ sở”, thì nhiều người lại phản đối đối chuyện “chà đạp, cấm đoán” các bài hát, bất kể là của dòng nhạc nào.

Trả lời BBC qua điện thoại từ Thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ, nhạc sỹ Đỗ Trung Quân cho rằng 5 ca khúc này “không phải là các ca khúc đặc sắc nhất [của dòng nhạc Bolero] để trở thành vấn đề, đến mức chúng ta phải cấm hay nghe”.

“Với tư cách là người đã sống ở hai chế độ, tôi thấy không có gì phải nặng nề chuyện đó cả,” ông Quân nói. “Tôi có thể không thích Bolero, nhưng tôi không thích ai phủ nhận dòng nhạc này theo kiểu chà đạp, cấm đoán.”

Nghệ thuật “không có đúng và sai”?

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu phát biểu trên tờ VTC News hôm 16/3 rằng theo ông, 5 bài hát này “có rất nhiều vấn đề về mặt tư tưởng”.

“Khi chúng ta ca ngợi những bước chân người lính, đó phải là những bước chân của người đi bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, chứ không phải của những người dại dột đi theo kẻ thù, chống lại quyền lợi của dân tộc.” ông Lưu nói

“Chúng ta không căm thù, không khinh ghét những bước chân ấy, nhưng tốt nhất, chúng ta nên khép lại, coi đó là nỗi đau của lịch sử. Đây là lúc chúng ta nên nắm tay nhau, cùng nhau đi con đường mới, xây dựng đất nước chứ không phải là tìm lại “những bước chân xưa”.

Cùng đồng tình với quan điểm này, Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha nói “việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn tạm dừng lưu hành 5 tác phẩm trên là đúng và dễ hiểu. Đó là những ca khúc ca ngợi người lính trong chế độ trước năm 1975 – chế độ đã không còn hiện diện.”

“Bất cứ thể chế chính trị nào cũng cần có những chính sách, những biện pháp và công cụ để bảo vệ sự tồn tại của mình.”

Bình luận về quan điểm cho rằng nhiều ca khúc cách mạng không được nhắc đến trong khi những ca khúc nói trên lại được bênh vực, ông Đỗ Trung Quân nói với BBC: “Đến năm 2017 rồi, mà một số người xưng danh mình là nhạc sỹ vẫn có một lối suy nghĩ như thế, chắc cũng không ai tin được chuyện hòa giải hòa hợp như họ hay nói đâu.”

“Âm nhạc rất giống với cũng như ẩm thực, mình ăn món gì thì mình sẽ chỉ ăn mãi món đó thôi, món khác mình không chịu được,” ông nói tiếp.

“Nhưng thực sự mà nói, những người am hiểu về nghệ thuật đều biết rằng nghệ thuật chỉ có hay và đẹp, chứ không có đúng và sai”.

Có những ca khúc cách mạng một thời rất hay, rất đẹp tôi cũng rất thích nhưng khi qua giai đoạn đó, họ đã xong nhiệm vụ của họ, thì nó phải trở về đúng vị trí của nó. Để cho nó ngủ yên đi, có cố gằng đào nó dậy để cho nó sống lại cũng không được đâu,” nhà thơ chia sẻ.

Sức sống của dòng nhạc Bolero

Có ý kiến cho rằng dòng nhạc Bolero gần đây thịnh hành hơn trước, thậm chí là ‘bùng nổ’, ‘lên ngôi’ với việc có cả một game show “Thần tượng Bolero” cho thể loại nhạc này.

Ông Nguyễn Thụy Kha được tờ VTC News dẫn lời: “Bùng nổ là đúng thôi, bởi Bolero là những ca khúc bình dân. Nó rất phù hợp với tâm lý của phần lớn công chúng. Nó giúp họ giãi bày tâm trạng, an ủi họ trong những lúc buồn và dỗ dành người ta trong những lúc chán nản.”

Trao đổi với BBC, nhà thơ Đỗ Trung Quân lại cho rằng “dòng nhạc Bolero vẫn sống bình thường hàng chục năm nay trong dòng chảy của người yêu nhạc”.

“Ở nước ngoài, ai thích dòng nhạc nào thì là quyền chọn lựa của họ”, ông Quân nói. “Nhưng ở đây, có chuyện người ta cứ buộc người nghe phải nghe dòng này mà không nghe dòng kia.”

“Với tư cách là một người đã sống ở hai chế độ, tôi thấy không có gì phải nặng nề chuyện đó cả. Dòng nhạc nào hay, đúng với nhân bản, đúng với tâm tư con người thì nó tồn tại thôi. Còn anh thích nó hay không lại là vấn đề khác.”

“Tôi có thể không thích Bolero, nhưng tôi không thích ai phủ nhận dòng nhạc này theo kiểu chà đạp, cấm đoán. Cũng như có những ca khúc “nhạc đỏ” tôi thích nghe trước đây vì nó hay. Còn nếu nó tuyên truyền thì nó tiêu là chuyện của nó.

“Nhạc Bolero không phải là nhạc đương đại nhưng nó vẫn tồn tại. Vì sao nó còn tồn tại đến giờ phút này, mỗi người hãy tìm câu trả lời của chính mình, còn tôi đã tìm được câu trả lời của tôi: vì nó nhân văn. Cái gì không dính dáng đến con người, cái đó không tồn tại,” ông Quân khẳng định.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39327274

 

Nhiệt điện Long An: Bộ Công Thương trấn an dư luận?

Bộ Công Thương ra thông cáo rằng sẽ “chỉ duyệt Nhiệt điện Long An khi đáp ứng yêu cầu” trong lúc chuyên gia bình luận với BBC rằng “đó chỉ là một cách trấn an”.

Trung tâm Điện lực Long An được đầu tư khoảng 5 tỷ đôla, đề xuất xây dựng ở Long An, gần biển Cần Giờ khiến người dân TP Hồ Chí Minh quan ngại về nguy cơ ô nhiễm.

Dự án nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, đang ở giai đoạn lập quy hoạch nghiên cứu và chọn địa điểm.

Theo kế hoạch, trung tâm được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2024 trở đi với 2 nhà máy tổng công suất 2.800 MW.

Nổ ở nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4

Việt Nam làm thêm dự án nhiệt điện tại Vũng Áng

Hôm 20/3, Bộ Công Thương phát đi thông cáo: “Để phù hợp với ý kiến của các bộ ngành, Tư vấn đã hiệu chỉ hồ sơ quy hoạch. Địa điểm Trung tâm Điện lực Long An [gồm hai dự án nhà máy nhiệt điện] được đề xuất tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.”

“Địa điểm này phù hợp với Quy hoạch của Tỉnh Long An, với quy hoạch Quốc phòng, phù hợp với quy hoạch Giao thông vận tải.”

[Tuy vậy] Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh ủng hộ chọn địa điểm Trung tâm Điện lực Long An tại Cần Đước và có ý lo ngại nếu nhà máy đặt tại Cần Giuộc sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống khu đôo thị Cảng Hiệp Phước.”

Thông cáo cho biết thêm: “Bộ Công Thương chỉ phê duyệt Quy hoạch địa điểm Trung tâm Điện lực Long An khi đáp ứng các yêu cầu: phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, công nghệ tiên tiến, có giải pháp xử lý phát thải đảm bảo môi trường, đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam hiện hành…”

Bộ Công Thương cũng nói “sẽ quản lý chặt chẽ quá trình triển khai các dự án, ngay từ việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, có cam kết đảm bảo môi trường trong đầu tư cũng như vận hành nhà máy…”

‘Tai hại’

Hôm 20/3, từ Hà Nội, Chuyên gia Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID nói với BBC rằng bà “đang tìm hiểu dự án Nhiệt điện Long An đang ở giai đoạn nào nên chưa thể bình luận.”

Cùng ngày, trả lời BBC từ Đại học Bách khoa Grenoble, Pháp, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, cựu cố vấn chiến lược Tập đoàn Điện quốc gia Pháp (EDF), nói: “Theo tôi, thông cáo của Bộ Công Thương chỉ là một cách trấn an công luận”.

“Người dân ở TP Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội có lý do để quan ngại về các dự án nhiệt điện trong lúc môi trường hiện tại đã quá tệ rồi.”

“Nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu than thì dù tối tân đến đâu vẫn thải khí CO2 quá nhiều so với nhà máy khí.”

“Theo như tôi được biết thì giải pháp làm nhiệt điện chỉ mang tính tạm thời và là chính sách tai hại, chứ không phải là chiến lược lâu dài, trong lúc chính phủ Việt Nam chờ đầu tư vào năng lượng tái tạo.”

“Nhiều nước đã đi con đường này và đó cũng là con đường duy nhất của Việt Nam.”

Cũng liên quan đến nhiệt điện, một vụ nổ lớn đã xảy ra tại nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, hôm 7/3 khiến hai người bị bỏng 20% và 35%.

“Nguyên nhân được xác định là do công nhân thi công của nhà thầu trong quá trình hàn lắp ghép thiết bị đường ống gần hệ thống khử SOx (FGD) trong đường khói thoát, đã gây tia lửa bắn vào các bảo ôn bao bọc hệ thống FGD, gây cháy bảo ôn,” Bộ Công Thương ở thời điểm đó cho hay.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39288571

 

Trung Quốc lập dự án quy hoạch bờ sông Hồng

Viện Thiết kế và Quy Hoạch thành phố Hàng Châu Trung Quốc được Hà Nội mời nghiên cứu lập qui hoạch hai bên bờ Sông Hồng.

Đó là thông tin được truyền thông trong nước loan đi vào ngày 20 tháng 3. Theo đó Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có yêu cầu các đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu, số liệu để nghiên cứu lập đồ án Quy hoạch hai bên bờ Sông Hồng.

Tin cho biết Viện Thiết kế và Quy hoạch Thành phố Hàng Châu, Trung Quốc được mời tham gia nghiên cứu và lập qui hoạch 1/5000 cho đô thị hai bên Sông Hồng.

Từ đầu tháng ba vừa qua, Viện Thiết kế và Quy hoạch Thành phố Hàng Châu, Trung Quốc đã làm việc với Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam và Sở Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Hà Nội để làm rõ một số vấn đề liên quan. Trong đó đơn vị Trung Quốc yêu cầu cung cấp số liệu thủy văn, lưu lượng nước, mặt cắt ngang đê, số liệu quan trắc, khí tượng thủy văn…

Phía chính quyền Hà Nội đề nghị các cơ quan liên quan trong nước hoàn tất các hồ sơ để báo cáo trước ngày 25 tháng 3 tới đây.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/cn-design-institute-do-red-river-plan-03202017090130.html

 

Kết luận về tố cáo với nguyên bí thư và phó bí thư Bình Định

Ủy ban Kiểm Tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 20 tháng 3 làm việc với thường vụ tỉnh ủy Bình Định để công bố kết luận về giải quyết đơn tố cáo với hai quan chức tỉnh này. Đó là ông nguyên bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện và phó bí thư tỉnh ủy Lê Kim Toàn.

Tin của báo Người Lao động cho biết ông Trần Kim Hùng, trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Bình Định, tiết lộ việc công bố kết luận sẽ liên quan đến nhiều nội dung trong công tác tổ chức cán bộ của tỉnh miền trung này. Trong đó có các khuyết điểm, vi phạm của ban Thường vụ tỉnh ủy Bình Định trong hoạt động tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm một số cán bộ không đúng theo qui định liên quan đến hai ông Nguyễn Văn Thiện và Lê Kim Toàn.

Tin cho biết từ năm ngoái, ông Tô Tử Thanh, nguyên bí thư tỉnh ủy Bình Định cùng nhiều cán bộ hưu trí ở tỉnh này làm đơn tố cáo gửi đến Bộ Chính Trị và Ủy ban Kiểm Tra Trung ương Đảng về các vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ đối với hai ông Nguyễn Văn Thiện và Lê Kim Toàn.

Đơn tố cáo nêu rõ hai vị quan chức đảng này điều động, bổ nhiệm người thân, họ hàng như vợ, em gái, chị gái ruột, em rể… vào các chức vụ lãnh đạo một số sở, ngành trong tỉnh và thành phố Qui Nhơn.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/former-communist-chief-n-deputy-of-binh-dinh-province-punished-03202017084557.html