Tin khắp nơi – 19/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 19/03/2017

Tillerson, Tập Cận Bình mong ‘kỷ nguyên hợp tác mới’

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói họ mong muốn có một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước.

Sau khi hai ông có cuộc gặp ngắn ở Bắc Kinh, ông Tillerson cho biết Hoa Kỳ đang hướng tới cuộc họp đầu tiên giữa ông Tập và Tổng thống Donald Trump. Dường như điều này đề cập đến thông tin chưa được xác nhận về kế hoạch để ông Trump và ông Tập gặp nhau ở Florida vào tháng tới.

Ngoại trưởng Tillerson nói: “Tổng thống Trump rất coi trọng các cuộc giao tiếp đã diễn ra giữa ông [Tập] và Tổng thống Trump, đặc biệt là cuộc điện đàm dài trong đó có những trao đổi rất tốt để nâng cao hiểu biết về quan điểm của Trung Quốc liên quan đến mối quan hệ với Hoa Kỳ, cũng như quan điểm của Tổng thống Trump. Và ông mong muốn tăng cường sự hiểu biết đó và cơ hội cho chuyến thăm trong tương lai. “

Ông Tập đã nhắc lại các phát biểu trong cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Trump vào tháng trước khi hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác Hoa Kỳ – Trung Quốc.

Chủ Tịch Trung Quốc nói: “Chúng ta cần có những nỗ lực chung để thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi có thể đảm bảo cho mối quan hệ tiến triển theo cách thức có tính xây dựng trong kỷ nguyên mới. Tôi tin tưởng rằng, miễn là chúng ta có thể làm được điều đó, mối quan hệ chắc chắn sẽ đi đúng hướng”.

Các vấn đề gây tranh cãi trong khu vực, hoặc giữa hai nước đã không được đề cập đến.

Trung Quốc là chặng dừng chân thứ ba và cuối cùng trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ngoại trưởng Mỹ. Chuyến đi cũng bao gồm các điểm dừng chân ở Nh

http://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-chu-tich-tq-mong-co-ky-nguen-hop-tac-moi/3772495.html

 

Hai quan chức cấp cao sắp điều trần

về ông Trump cáo buộc ông Obama nghe trộm

Hai quan chức chủ chốt của Hoa Kỳ sắp điều trần công khai về tính xác thực trong lời cáo buộc gây chấn động nhưng thiếu căn cứ của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe trộm ông trong vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái.

Cả ông James Comey, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang, lẫn Đô đốc Michael Rogers, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, đều có nhiều khả năng đã biết về vụ nghe trộm này nếu nó đã xảy ra. Hôm thứ Hai, họ sẽ xuất hiện trước Ủy ban Tình báo Hạ viện để trả lời các câu hỏi của các nhà lập pháp.

Trong hai tuần qua, ông Trump đã từ chối xuống nước về cáo buộc của ông ngay cả khi một loạt các quan chức, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và các nhà lập pháp hàng đầu của đảng Cộng hòa và Dân chủ ở cả hai ủy ban tình báo Thượng viện và Hạ viện, nói không có bằng chứng nào củng cố cho lời cáo buộc về việc nghe lén điện thoại mà ông Trump đưa ra ngày 4/3 qua một loạt bài viết ngắn trên Twitter.

Cả ông Rogers lẫn ông Comey đều chưa nói gì công khai về cáo buộc của tổng thống.

http://www.voatiengviet.com/a/hai-quan-chuc-cap-cao-sap-dieu-tran-ve-ong-trump-cao-buoc-ong-obama-nghe-trom/3772682.html

 

CEO Apple kêu gọi Trung Quốc ‘mở rộng cửa’

Giám đốc điều hành của tập đoàn Apple, ông Tim Cook, mới bày tỏ sự hậu thuẫn đối với quá trình toàn cầu hóa, và nói rằng Trung Quốc nên tiếp tục mở cửa nền kinh tế của nước này cho các công ty nước ngoài vào đầu tư.

“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là Trung Quốc tiếp tục mở cửa và mở rộng cửa, nếu có thể”, Reuters dẫn lời ông Cook nói tại một diễn đàn về phát triển ở Bắc Kinh do Trung Quốc tài trợ hôm 18/3.

Phát biểu của ông Cook được đưa ra trong khi có quan ngại về sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump có những tuyên bố mang tính bảo hộ.
Ông Cook nói trong một bài phát biểu công khai hiếm hoi: “Thực tế cho thấy việc các quốc gia đóng kín cửa, tự cô lập mình, sẽ không tốt cho người dân nước họ”.

Apple hôm 17/3 thông báo rằng tập đoàn này sẽ thiết lập hai trung tâm phát triển và nghiên cứu mới ở Trung Quốc, một đặt ở thành phố Thượng Hải và một ở Tô Châu.

Công ty sản xuất điện thoại iPhone còn cam kết đầu tư hơn 500 triệu đôla vào việc nghiên cứu và phát triển ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Truyền thông Trung Quốc thời gian qua nêu đích danh công ty Apple có thể là một mục tiêu trả đũa trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Tờ Hoàn cầu Thời báo có tư tưởng dân tộc cảnh báo tháng 11 năm ngoái rằng nếu ông Trump khai mào một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ nhắm vào các tập đoàn của Mỹ từ Boeing cho tới Apple.

http://www.voatiengviet.com/a/giam-doc-dieu-hanh-apple-keu-goi-trung-quoc-mo-rong-cua/3772567.html

 

Bắt kẻ dọa đánh bom tấn công Tòa Bạch Ốc

Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ đã tăng cường nỗ lực an ninh sau khi một người đàn ông lái xe đến một chốt kiểm soát an ninh của Tòa Bạch Ốc vào cuối ngày thứ Bảy và dọa có bom.

Các quan chức cho biết người lái xe đã bị bắt ngay sau đó và chiếc xe đã bị giữ.

Một phát ngôn viên của Cơ quan Mật vụ nói họ đang thực hiện một cuộc “điều tra hình sự.”

Hiện chưa rõ liệu có bom trong xe hay không.

Tổng thống Donald Trump lúc đó không có mặt ở trong Tòa Bạch Ốc. Ông đang đi nghỉ cuối tuần tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida. Đây là kỳ nghỉ cuối tuần thứ 5 của ông ở đó kể từ khi nhậm chức hôm 20/1.

Vụ việc xảy ra chỉ vài giờ sau khi Cơ quan Mật vụ bắt giữ một người đã nhảy qua một nơi dựng xe đạp bên ngoài vành đai an ninh của Tòa Bạch Ốc.

Tin cho hay các nhân viên Mật vụ đã nhanh chóng bắt giữ kẻ xâm nhập trong vòng hai phút.

Chuông báo động tại Tòa Bạch Ốc vang lên sau khi có nỗ lực vi phạm an ninh, khiến hàng chục sĩ quan mang súng trường chạy ra ngoài bãi cỏ để ngăn chặn kẻ đột nhập.

Hôm 10/ 3, một người đàn ông gốc Việt ở California đã trèo qua ba lớp hàng rào an ninh của Tòa Bạch Ốc và đã không hề hấn gì trong 15 phút trước khi anh ta bị bắt giam ở gần cửa dẫn vào Tòa Bạch Ốc. Tổng thống Trump có mặt ở Nhà Trắng vào thời điểm đó.

http://www.voatiengviet.com/a/bat-ke-doa-danh-bom-tan-cong-toa-bach-oc/3772580.html

 

Bắc Triều Tiên thử nghiệm động cơ tên lửa mới

Hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên, KCNA, loan tin hôm Chủ nhật là nước này đã tiến hành thử một loại động cơ tên lửa mới có lực đẩy mạnh trên mặt đất.

Trong cuộc thử nghiệm này, động cơ tên lửa được vận hành trong trạng thái được giữ cố định trên mặt đất, nó không đẩy một tên lửa bay đi.

Theo KCNA, việc khởi động động cơ đã diễn ra tại trạm phóng tên lửa Tongchang-ri, gần biên giới với Trung Quốc. Hãng này đưa tin nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã tới khu vực này vào lúc bình minh, “ông đã leo lên một trạm quan sát và ra lệnh bắt đầu cuộc thử nghiệm”. KCNA cho hay ông Un nói cuộc thử nghiệm đã thành công.

Cùng từ khu vực này, Bình Nhưỡng đã đưa một vệ tinh vào không gian vào tháng 2/2016 bằng công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bị cấm.

Trong chuyến đi chính thức đầu tiên của ông tới châu Á trong tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cảnh báo tại Hàn Quốc hôm thứ Sáu rằng chính sách kiên nhẫn chiến lược đối với Bình Nhưỡng đã kết thúc, và việc Mỹ có hành động quân sự đối với Bắc Triều Tiên là một “khả năng được cân nhắc”.

http://www.voatiengviet.com/a/bac-trieu-tien-thu-nghiem-dong-co-ten-lua-moi/3772483.html

 

Trung Quốc cân nhắc đáp trả sau đe dọa của IS

Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã tung ra một đoạn video hồi đầu tháng này đe dọa rõ ràng là sẽ tấn công trên đất Trung Quốc. Các nhà phân tích nói rằng vào lúc Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á, Trung Đông và Châu Phi, các công dân của nước này đang phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn về khủng bố và Bắc Kinh đang phải điều chỉnh sự đáp trả của họ.

Đoạn video đã cố ý cho thấy người sắc tộc Duy Ngô Nhĩ chiến đấu cho Nhà nước Hồi giáo ở Iraq. Họ đe dọa sẽ trở về Trung Quốc và làm cho “máu chảy thành sông”.

Các nhà phân tích nói rằng tuyên truyền là một phần nỗ lực chống cự của IS khi chúng gặp phải những tổn thất nặng nề ở Iraq và Syria.

Video này khuấy lên những cáo buộc rằng Bắc Kinh bức hại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ chiếm đa số phần lớn ở tỉnh Tân Cương ở miền tây. Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc ra vào khu vực đó, vì vậy, rất khó xác minh thông tin về các cuộc tấn công.

Nhà phân tích Mathieu Duchatel nói với VOA qua Skype từ Paris rằng Nhà nước Hồi giáo có thể là một kẻ thù chung, nhưng khôn có nhiều phối hợp giữa Trung Quốc và liên minh toàn cầu đang đánh nhóm này.

Ông nói: “Trung Quốc muốn các nước Tây phương ủng hộ chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương. Trung Quốc cho rằng những nỗ lực chống khủng bố của họ ở Tân Cương không được các nước phương Tây ủng hộ, còn ít nhất phản ứng ở châu Âu là hiện đang thiếu sự minh bạch”.

Trung Quốc đã thông qua luật mới cho phép triển khai quân sự ở nước ngoài trong các nhiệm vụ chống khủng bố. Nhưng vẫn ít có khả năng họ sẽ làm việc cùng với các lực lượng phương Tây hoặc Nga chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Ông Duchatel nói: “Đối với Trung Quốc, cách tiếp cận lâu nay về các nguy cơ khủng bố là tránh thu hút sự chú ý quá nhiều và trở thành một mục tiêu”.

Ông Duchatel nói rằng cách tiếp cận này có thể thay đổi khi công dân Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ khủng bố lớn hơn trên toàn cầu.

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-can-nhac-dap-tra-sau-khi-nha-nuoc-hoi-giao-de-doa/3772565.html

 

Chưa rõ động cơ của kẻ tấn công sân bay Paris Orly

Một người Pháp bị nghi có những liên hệ với Hồi giáo cực đoan đã bị bắn chết tại sân bay Paris Orly sáng thứ Bảy. Khi đó ông đã hô là muốn “chết vì đấng Allah” và đã cố giằng lấy một khẩu súng trường tấn công của một nữ binh sĩ.

Vụ tấn công đã buộc các nhà ga của sân bay đóng cửa và sơ tán, khi đó hành khách và các nhân viên đã bỏ chạy trong hoảng loạn, còn hàng trăm người khác vẫn ngồi trên các máy bay vừa hạ cánh.

Một công tố viên cho biết người đàn ông được xác định danh tính là Ziyed Ben Belgacem, 39 tuổi. Ông ta dường như có ý định nổ súng vào các hành khách. Hai đồng nghiệp cùng tuần tra với nữ binh sĩ đã bắn chết người đàn ông trước khi ông ta có thể sử dụng khẩu súng để bắn tại nhà ga sân bay có đông người.

Cảnh sát không nêu ra động cơ của vụ tấn công vào các binh sĩ của Không quân. Văn phòng công tố Paris cho biết cuộc điều tra đang được bộ phận chống khủng bố thực hiện.

Các đội cảnh sát đã nhanh chóng bảo vệ sân bay và tìm kiếm chất nổ, nhưng họ không tìm thấy gì.

Bố và anh trai của nghi phạm đã bị cảnh sát tạm giữ hôm Thứ Bảy. Cảnh sát nói việc này là một phần trong quy trình chuẩn.

http://www.voatiengviet.com/a/chua-ro-dong-co-cua-ke-tan-cong-san-bay-paris-orly/3772506.html

 

Quân nổi dậy tấn công ngoại ô Damascus

Lực lượng an ninh của Syria đang đụng độ quyết liệt với phiến quân ở khu vực ngoại ô phía đông của thủ đô Damascus, theo lời thường dân nói.

Vỏ đạn pháo và tên lửa rơi khắp nơi trong khu vực trung tâm thành phố là kết quả từ cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng phiến quân, những thường dân bổ sung thêm.

Những người quan sát cho biết nhóm phiến quân đã kích nổ hai chiếc xe đánh bom tự sát tại khu vực quận Jobar, trước khi tìm cách tấn công hàng rào phòng thủ của quân chính phủ.

Quân đội chính phủ Syria đã đáp trả cuộc tấn công của đối phương bằng các cuộc không kích.

Truyền thông nhà nước Syria nói đối phương đã sử dụng những đường hầm bí mật để tiến hành cuộc tấn công ở khu vực quận Jobar.

Phe đối lập chỉ kiểm soát một số khu vực ở Damascus, trong đó quận Jobar nằm gần nhất với trung tâm thành phố. Giành quyền kiểm soát những khu vực bị thiệt hại do cuộc chiến – vốn chia rẽ các nhóm phiến quân và các nhóm cực đoan khủng bố về một phía, và các lực lượng quân sự của chính phủ về một phía – đã diễn ra kéo dài trong suốt suốt hơn hai năm qua.

Thông tín viên của AFP tại Damascus nói quân đội đã đóng tuyến giao thông đi vào Quảng trường Abbasid – nơi có vị trí chiến lược rất quan trọng – do các tiếng nổ vang khắp thành phố.

Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria, có trụ sở tại Anh quốc, nói rằng nhóm phiến quân khởi xướng cuộc tấn công để giải tỏa áp lực đang đè nặng lên các chiến binh, vốn đang chịu sự tấn công từ quân chính phủ tại các quận như Barzeh, Tishreen và Qabun.

Vào hôm thứ Tư tuần trước, ngày 15/3, ít nhất 31 người đã bị thiệt mạng trong một vụ đánh bom tự sát tại khu vực tòa án chính, ngay tại trung tâm thủ đô Damascus.

Ngay sau đó, một vụ đánh bom tự sát khác đã xảy ra tại một nhà hàng ở phía tây quận Rabweh, khiến hơn 20 người bị thương.

Các vụ tấn công diễn ra vào thời điểm đánh dấu sáu năm ngày có các cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39320134

 

Điều tra khủng bố vụ cướp súng ở sân bay Orly

Các công tố viên chống khủng bố của Pháp đã tiến hành điều tra vụ tấn công ở sân bay Orly tại thủ đô Paris, trong đó người đan ông cướp súng của lực lượng an ninh đã bị bắn chết.

Ziyed Ben Belgacem, 39 tuổi, bị thiệt mạng vào hôm thứ Bảy 18/3, sau khi dí súng vào đầu một quân nhân và nói mình muốn ‘tử vì thánh Allah’, theo nhà chức trách cho hay.

Sớm hơn trong ngày thứ Bảy, người đàn ông này có liên can đến một vụ nổ súng và cướp xe hơi khác.

Belgacem được cho là đã đi theo chủ nghĩa cực đoan khi còn trong tù, và nằm trong diện bị cảnh sát theo dõi.

Anh ta có tiền án tiền sự với những tội danh như cướp có vũ khí và các vi phạm liên quan đến ma túy, theo lời công tố viên Francois Molins nói với báo giới vào chiều muộn hôm thứ Bảy.

Belgacem không phải là thành viên khủng bố mà chỉ là một người không bao giờ cầu nguyện, luôn uống rượu và sử dụng ma túy.Cha của Belgacem

Nhân viên cơ quan tình báo đã lục soát nhà của anh này tại Garges-les-Gonesse để tìm bằng chứng liên quan đến Hồi giáo, nhưng không thấy gì. Tuy nhiên, những dấu vết liên quan đến ma túy đã được tìm thấy trong quá trình khám xét.

Cha và em trai của Belgacem đã bị thẩm vấn trong và sau khi kết thúc vụ tấn công. Người em trai hiện vẫn bị giam giữ.

Nói với kênh radio Europe 1 vào hôm Chủ nhật, người cha cho rằng con trai mình không phải là khủng bố mà chỉ là một người không bao giờ cầu nguyện, luôn uống rượu và sử dụng ma túy.

Người cha nói đã nhận điện thoại của Belgacem ngay sau vụ tấn công đầu tiên ở Garges-les-Gonesse với nội dung: “Cha ơi, hãy tha lỗi cho con. Con lại gây rắc rối liên quan đến một nhân viên cảnh sát.”

Chiến dịch tăng cường an ninh

Phóng viên BBC tại Paris, Hugh Schofield nói rằng mọi người đang tìm cách dựng lên hình ảnh người đàn ông là thành phần tội phạm và có liên hệ với những kẻ cực đoan Hồi giáo.

Vụ tấn công xảy ra vào thời điểm nhạy cảm. Nước Pháp sẽ có cuộc bầu cử tổng thống vào tháng sau, đồng thời quốc gia vẫn bị đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Những quân nhân tại sân bay Orly đều nằm trong Chiến dịch tăng cường an ninh – liên quan đến hàng ngàn quân nhân được điều động làm lực lượng yểm trợ cho cảnh sát sau vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo vào tháng Một 2015 và vụ tấn công ở Paris vào tháng 11 cùng năm.

Diễn tiến của vụ việc

Vào sáng sớm hôm thứ Bảy, Belgacem bị cảnh sát chặn tại một trạm kiểm soát ở Garges-les-Gonesse, phía bắc của Paris.

Belgacem đã bắn nhân viên cảnh sát bằng súng hơi rồi bỏ chạy trên một chiếc xe hơi mà sau đó cũng bị vứt bỏ.

Cảnh sát nói Belgacem đã dùng súng để cướp xe khác của một phụ nữ tại Virty, phía nam của Paris. Chiếc xe này sau đó được tìm thấy ở sân bay Orly.

Belgacem đến sân bay và tấn công nhóm quân nhân đang đi tuần ở nhà ga phía nam.

Belgacem đã tìm cách cướp súng tiểu liên của một nữ quân nhân, dí súng hơi vào đầu cô này và nói: “Tôi đến đây để tử vì thánh Allah. Trong trường hợp nào thì mọi người cũng chết.”

Anh ta đã bị bắn thiệt mạng bởi hai quân nhân khác.

Một bản kinh Koran được tìm thấy trong người của Belgacem, ông Molins nói thêm.

Cả nhà ga phía tây và phía nam của sân bay Orly đã bị đóng, trong khi có khoảng 3.000 hành khách được sơ tán.

Các chuyến bay bị ngưng trong nhiều giờ đồng hồ, nhưng sau đó cả hai nhà ga được mở cửa và các chuyến bay có thể hoạt động trở lại.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39320132

 

Tillerson: Trump ‘mong muốn đến thăm Trung Quốc’

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Tổng thống Donald Trump mong muốn được thăm đất nước của ông Tập và tăng cường sự hiểu biết giữa hai nhà nước.

Ông Tillerson gặp lãnh đạo Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, vào chặng kết thúc chuyến công du ở Đông Á của ông.

Ngài đã nói rằng quan hệ Trung – Mỹ chỉ có thể là thân thiện và tôi đánh giá cao điều nàyChủ tịch TQ Tập Cận Bình

Ngoại trưởng Mỹ được kêu gọi ‘bình tĩnh’ về Bắc Hàn

Thực chất chuyến thăm Nhật, Hàn và TQ của Ngoại trưởng Mỹ

TS. Trần Việt Thái nói về chính sách với châu Á của Mỹ

Ông Tập nói rằng ông rất vui mừng khi thấy được tiến bộ tốt đẹp từ các cuộc gặp của ông Tillerson.

“Ngài đã nói rằng quan hệ Trung – Mỹ chỉ có thể là thân thiện và tôi đánh giá cao điều này”, ông Tập nói.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói thêm rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ nhiều lần.

“Chúng tôi đều kỳ vọng một kỷ nguyên mới cho sự phát triển mang tính xây dựng”, ông nói.

Ông Tillerson nói ông Trump “đánh giá rất cao các trao đổi đã diễn ra”.

Các vấn đề gây tranh cãi đã không được đề cập, như các chương trình hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Hàn, hoặc tư cách của Đài Loan, mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc chủ quyền nước này.

Chúng tôi đều kỳ vọng một kỷ nguyên mới cho sự phát triển mang tính xây dựngÔng Tập Cận Bình

Cuộc gặp trên diễn ra vào lúc quân đội Triều Tiên thử nghiệm một động cơ đẩy mới có cấp độ cao, theo hãng tin nhà nước của Bình Nhưỡng.

‘Đã từng chỉ trích’

Washington muốn Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Bắc Hàn, sử dụng ảnh hưởng để hạn chế các chương trình vũ khí.

Tổng thống Trump đã đưa ra thông điệp trên Twitter thể hiện những thất vọng vào hôm thứ Sáu, thông điệp viết: “Bắc Hàn đang hành động rất tồi tệ, họ đã “chơi” Hoa Kỳ trong nhiều năm, Trung Quốc đã làm rất ít để giúp đỡ!”

TS. Trần Việt Thái nói về chính sách với châu Á của Mỹ

Các cuộc đàm phán đang được tiến hành chuẩn bị cho một cuộc họp thượng đỉnh tiềm năng diễn ra lần đầu tiên giữa ông Tập và ông Trump vào tháng tới ở Mỹ.

Ông Trump từng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực – bao gồm chính sách tỷ giá hối đoái và các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tuy nhiên, ông đã xoa dịu trong một mức độ nào đó vào tháng Hai bằng cách đồng ý tôn trọng cái gọi là chính sách “Một Trung Quốc”, trong đó tuyên bố rằng chỉ có một chính phủ Trung Quốc.

Cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo giờ đây có thể nắm giữ chìa khóa về vai trò quyền lực trong tương lai giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39320688

 

‘Malaysia sẽ bắt thêm nghi phạm’

Theo thông tin mới nhất từ Reuters, vụ sát hại ông Kim Jong-nam tiếp tục có diễn tiến mới, trong đó nhà chức trách Malaysia cho biết sẽ bắt giữ thêm một số nghi phạm, bao gồm ‘một người rất quan trọng’.

Thông tin về việc bắt giữ thêm nghi phạm được cảnh sát Malaysia nói vào hôm Chủ nhật 19/3 và được truyền thông nhà nước Malaysia đưa tin.

Truyền thông nhà nước Malaysia nói Chỉ huy Cảnh sát Khalid Abu Bakar từ chối cung cấp chi tiết mà chỉ thông báo các vụ bắt giữ sẽ được tiến hành vào thời điểm thích hợp.

“Tôi không phủ nhận rằng chúng tôi đang nhắm đến các cá nhân, bao gồm cả những công dân Bắc Hàn, có liên quan đến vụ sát hại và chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các kênh pháp lý để có thể bắt giữ những người này. Mặc dù tôi không thể công bố họ là ai, chúng tôi tin rằng có ‘một nhân vật quan trọng’ trong số những những người này,” Chỉ huy Cảnh sát Khalid Abu Bakar nói với truyền thông nhà nước.

Ai đã giết Kim Jong-nam?

Ai có thể đứng sau vụ ám sát Kim Jong-nam?

Khi được Reuters liên hệ, vị Chỉ huy Cảnh sát đã không đưa ra lời bình luận nào.

Nhiều hãng truyền thông đã đưa tin từ trước đó rằng cảnh sát Malaysia nhận diện tám nghi phạm người Bắc Hàn và muốn bắt giữ những nghi phạm này để thẩm vấn do có liên quan đến vụ sát hại ông Kim Jong-nam.

Nhà chức trách Malaysia tin rằng những nghi phạm này trốn trong đại sứ quán Bắc Hàn tại Kuala Lumpur.

Mặc dù tôi không thể công bố họ là ai, chúng tôi tin rằng có ‘một nhân vật quan trọng’ trong số những những người này,Ông Khalid Abu Bakar , Chỉ huy Cảnh sát Malaysia.

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có hai nghi phạm bị bắt và bị đem ra xét xử là hai phụ nữ, một người là công dân Indonesia và một người mang hộ chiếu Việt Nam.

Vào hôm thứ Năm tuần trước, ngày 16/3, cảnh sát Malaysia nói tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) đã cho ban hành ‘Thông cáo Đỏ’, là văn bản gần nhất như lệnh truy nã quốc tế đối với bốn công dân Bắc Hàn, là những người bị truy nã do có liên quan đến vụ sát hại ông Kim Jong-nam.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39320129

 

Đức giáo hoàng công du Ai Cập

để nối lại đối thoại Hồi Giáo-Công Giáo

Thu Hằng

Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ đến thăm Ai Cập trong hai ngày 28 và 29/04/2017, theo thông tin của tòa thánh Vatican và phủ tổng thống Ai Cập. Chuyến công du được đánh giá là nhằm tìm cách nối lại đối thoại Hồi Giáo-Công Giáo bị ngừng dưới thời giáo hoàng Benedicto XVI. Lần cuối cùng một giáo hoàng đến Ai Cập là đức giáo hoàng Gioan Phao Lồ II vào năm 2000.

Từ Cairo, thông tín viên Alexandre Buccianti giải thích ý nghĩa chuyến đi của giáo hoàng Phanxicô :

« Tầm quan trọng của chuyến công du Ai Cập của đức giáo hoàng Phanxicô được giải thích ở việc với 92 triệu dân, đây là quốc gia Ả Rập-Hồi Giáo lớn nhất. Người có quyền hành cao nhất của cộng đồng Hồi Giáo là đại giáo sĩ của đền Al Azhar, ngài Ahmad Al Tayeb. Ông là người chủ trương Hồi Giáo ôn hòa, chỉ trích Hồi Giáo cực đoan và từng được giáo hoàng tiếp tại tòa thánh Vatican vào năm 2016.

Ai Cập cũng là quốc gia có nhiều người Công Giáo Đông Phương sinh sống nhất, với khoảng 9 triệu giáo dân, trong đó phần lớn là người Cốp theo Chính Thống Giáo. Đức giáo hoàng của họ là Tawadros II, giáo trưởng Giáo Hội Alexandria, sẽ tiếp giáo hoàng Phanxicô tại nhà thờ Morcossiya ở Cairo.

Chính tại nhà thờ này mà 29 người Cốp đã bị thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng bom do tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Sinai thực hiện. Cũng nhóm này đã buộc vài trăm gia đình người Cốp phải rời bỏ bán đảo Sinai sau vụ sát hại 7 giáo dân.

Cuối cùng, giáo hoàng Phanxcicô sẽ gặp tổng thống Ai Cập Sissi, người từng kêu gọi đổi mới trong các bài giảng đạo Hồi ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170319-duc-giao-hoang-cong-du-ai-cap-de-noi-lai-doi-thoai-hoi-giao-cong-giao

 

Scotland tiếp tục thúc đẩy trưng cầu dân ý

về quy chế độc lập

Kết thúc Đại Hội Mùa Xuân của đảng Đảng Quốc gia Scotland SNP tại Aberdeen, vào hôm qua,18/03, thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon đã nêu bật ý muốn tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập của Scotland và sẽ tiếp tục yêu cầu thủ tướng Anh Theresa May xét lại việc đã từ chối thảo luận về khả năng một cuộc trưng cầu dân ý mới về quy chế độc lập của Scotland.

Đặc phái viên RFI, Muriel Delcroix, tường thuật từ Aberdeen.

« Như thường lệ, bà Nicola Sturgeon được các đảng viên đón tiếp như một minh tinh. Tất cả các đại biểu đã đứng lên hoan nghênh bà trong nhiều phút đồng hồ. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng dân tộc chủ nghĩa của Scotland đã nhanh chóng cho biết mục tiêu : bà đến Đại Hội không phải để tranh thủ những người vốn dĩ ủng hộ Scotland độc lập mà là để thuyết phục những người Scotland còn do dự hay không muốn độc lập.

Nhấn mạnh là dứt khoát sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý, thủ hiến Scotland đã gia tăng sức ép và cảnh báo thủ tướng Anh : nếu bà Theresa May thách thức Nghị Viện Scotland, và từ chối cuộc trưng cầu dân ý thứ nhì, bà sẽ vĩnh viễn phá vỡ sự gắn kết của Vương Quốc Anh.

Tuy nhiên, dù bị chính quyền bảo thủ Anh từ chối hồi đầu tuần, bà Sturgeon vẫn tỏ vẻ cao thượng, cho biết là bà muốn để cho thủ tướng Theresa May có thời gian suy nghĩ, và bà sẵn sàng thảo luận sau về cuộc trưng cầu dân ý thứ hai.

Và như để thuyết phục hữu hiệu hơn những cử tri Scotland không mấy hứng khởi trước viễn cảnh phải trở lại phòng phiếu, bà Sturgeon đã nêu ra hình ảnh một Scotland độc lập « tiến tiến, hiện đại, mở cửa với thế giới và người nhập cư », đối lập với một nước Anh dưới quyền điều hành của một chính phủ bảo thủ « co cụm, đứng ngoài thị trường duy nhất Châu Âu và chỉ biết nghĩ đến khắc khổ kinh tế và xã hội ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170319-scotland-tiep-tuc-thuc-day-trung-cau-dan-y-ve-quy-che-doc-lap

 

Donald Trump tố Berlin hà tiện, Luân Đôn nghe lén

Tú Anh

Trong vòng ba ngày, tổng thống Mỹ gây bực tức cho hai đồng minh cốt lõi ở châu Âu là Anh và Đức. Vẫn với những lời cáo buộc không chứng cớ, Donald Trump khẳng định tình báo Anh nghe lén « hộ » Obama. Còn đối với Đức, cho dù thủ tướng Angela Merkel đồng ý gia tăng đóng góp vào ngân sách NATO, chủ nhân Nhà Trắng vẫn chỉ trích Berlin không chia sẻ gánh nặng quốc phòng.

Tổng thống Mỹ bị phản đối như thế nào ? Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường thuật :

« Thứ năm 16/03, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer trích lời một nhà bình luận của đài Fox News, theo đó cựu tổng thống Barack Obama từng sử dụng « dịch vụ » nước ngoài để nghe lén tỷ phú Donald Trump. Xin trích : « Obama không dùng cơ quan an ninh NSA, không dùng tình báo CIA, cũng không sử dụng cảnh sát liên bang FBI hay bộ Tư Pháp. Ông ta mượn Government Communications Headquarters, GCHQ, tức là cơ quan tình báo Anh ».

Luân Đôn đã phản ứng ngay, lên án những lời cáo buộc khôi hài. Nhà Trắng cũng vội vàng lùi bước nhưng ông Donald Trump không xin lỗi chính phủ Anh mà chỉ lấp liếm trong cuộc họp báo với thủ tướng Đức.

Bà Angela Merkel cũng không được tổng thống Mỹ đối xử tốt hơn. 24 giờ sau khi tiếp lãnh đạo nước Đức, chủ nhân Nhà Trắng tung lên mạng Tweeter hai lời cáo buộc Berlin không đóng góp đầy đủ cho gánh nặng quốc phòng mà Hoa Kỳ cung cấp để bảo vệ an ninh nước Đức.

Thái độ công kích này của ông Donald Trump rất lạ lùng. Bởi vì, mới ngày hôm trước, chính ông đã cám ơn thủ tướng Angela Merkel đã cam kết nâng chi phí quân sự với chỉ tiêu là 2% tổng sản lượng quốc gia GDP.

Hết sức ngạc nhiên, cựu đại sứ Mỹ bên cạnh lên minh NATO, Ivo Daalder, đã phải lên tiếng phản đối : Sự dấn thân của Hoa Kỳ trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương rất tốn kém, nhưng đâu có phải để làm vui lòng châu Âu. Mà đó là vì an ninh của chính nước Mỹ ».

Giám đốc FBI giải trình trước Ủy ban Tình báo Hạ Viện

Trong khi đó, ngày 20/03, giám đốc FBI James Comey lần đầu tiên sẽ giải trình trước Ủy ban Tình báo Hạ Viện về hai chủ đề : Liệu đội ngũ của ông Donald Trump có liên lạc với Nga trước khi nhà tỉ phú nhậm chức hay không và những lời cáo buộc của tổng thống Donald Trump bị người tiền nhiệm Barack Obama cho nghe lén .

Cho đến nay, nhà lãnh đạo của ngành cảnh sát liên bang Mỹ luôn từ chối bình luận công khai hai vấn đề này, khiến nhiều nghị sĩ, trong đó có cả nghị sĩ Cộng Hòa, chỉ trích ông từ chối hợp tác.

Ngoài ông James Comey, cùng ngày, giám đốc cơ quan tình báo NSA, Mike Rogers cũng sẽ điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ Viện.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170319-donald-trump-to-berlin-ha-tienluan-don-nghe-len

 

Bắc Triều Tiên : Rex Tillerson chỉ « rung cây dọa khỉ » ?

Ngoại trưởng Hoa Kỳ dự tính giải pháp quân sự chống lại Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, trong bài trả lời phỏng vấn báo Liberation ngày 18/03/2017, nhan đề « Bắc Triều Tiên : Liệu Hoa Kỳ thật sự muốn can thiệp quân sự ? » chuyên gia Bruno Tertrais, phó giám đốc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược giải thích tại sao chiến lược này là khó thực hiện. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

Hiện đang công du châu Á, tân lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ, Rex Tillerson, trong khi đến thăm khu vực phi quân sự, nơi chia cắt hai miền Nam và Bắc Triều Tiên, có tuyên bố là một hành động quân sự nhắm vào Bình Nhưỡng là « một giải pháp » đang được để ngỏ. Ông nói : « Chính sách kiên nhẫn đã chấm dứt. Chúng tôi sẽ nghiên cứu một loạt các biện pháp mới về ngoại giao, an ninh và kinh tế. » Và ông kết luận : « Mọi chọn lựa đều trên bàn nghị sự ».

Bình Nhưỡng gần đây đã tiến hành một chuỗi hành động khiêu khích. Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa hồi tháng 2 vào lúc tổng thống Trump và thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, cùng bày tỏ thái độ cứng rắn trước chế độ Kim Jong Un. Và một đợt phóng tên lửa khác cũng đã được thực hiện đầu tháng 3 này và 3 trong số tên lửa đó rơi không xa mấy bờ biển Nhật Bản. Liệu các tuyên bố của ngoại trưởng Rex Tillerson có được thực hiện hay không ? Sau đây là nhận định của chuyên gia Bruno Tertrais.

Liberation : Có nên xem xét một cách nghiêm túc thông báo của tân ngoại trưởng Mỹ hay không ?

Bruno Tertrais : Không, tôi hoàn toàn không nghĩ đó là ý định của Hoa Kỳ. Cũng như chính quyền Obama, tân chính quyền Mỹ biết rất rõ là một quyết định như thế sẽ bị Hàn Quốc phản đối, vì Seoul rất khó có thể chống đỡ trước cuộc tấn công của Bình Nhưỡng. Trung Quốc có thái độ tương tự, cũng sẽ không tán đồng. Ngược lại, trong trường hợp mối đe dọa gần kề, nguy cơ một vụ tấn công rất có thể biến thành hiện thực. Đó chính là điều mới đáng lo, nhất là khi Bắc Triều Tiên sẽ có tên lửa liên lục địa. Nhưng Rex Tillerson cẩn trọng hơn là ta nghĩ. Khi tuyên bố là « mọi giải pháp » đều trên bàn nghị sự, ông đã nói tất cả những gì cần nói nhưng chẳng có nội dung. Thậm chí điều này có thể làm lộ ra sự yếu kém. Ngay cả khi được diễn giải như là một sự cứng rắn, điều này có thể làm gia tăng chứng hoang tưởng của Bình Nhưỡng.

Liberation : Nhưng các tuyên bố của Rex Tillerson đánh dấu một sự đoạn tuyệt với chính sách ngoại giao thời Obama…

Bruno Tertrais : Không, trên thực tế, không hẳn có sự đứt đoạn về mặt cơ bản. Đó chẳng qua là một sự thay đổi về hoàn cảnh và lời lẽ mà thôi. Nếu phải so sánh với trường hợp nước Pháp, chúng ta lấy ví dụ về sự thay đổi diễn ra trong hồ sơ Iran giữa thời kỳ tổng thống của ông Chirac và ông Sarkozy : đương nhiên lời lẽ công khai thì có khác, nhưng thực chất vẫn như vậy. Rex Tillerson tỏ ra cứng rắn, ông ấy vạch ra lằn ranh đỏ, nhưng đó là những kiểu tuyên bố rất đặc trưng của các tổng thống Hoa Kỳ và đã có từ thời Clinton. Và Bình Nhưỡng thản nhiên vượt qua những lằn ranh đỏ đó….

Liberation : Thế thì làm thế nào giải thích sự bất lực cho đến lúc này của Hoa Kỳ trước Bắc Triều Tiên?

Bruno Tertrais : Lẽ ra nên nói đến sự bất lực của cả cộng đồng quốc tế, chứ không chỉ riêng của Hoa Kỳ. Không một ai thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ trang bị tên lửa đạn đạo có hiệu năng cao và vũ khí hạt nhân hoàn chỉnh. Lịch sử cho ta thấy là rất khó buộc một quốc gia ngừng chương trình hạt nhân khi mà chế độ đó có cảm giác sự tồn tại và tính chính đáng của họ bị đe dọa.

Dẫu sao quốc tế cũng đã làm chậm lại chương trình hạt nhân bằng cách đàm phán và đôi khi cả phá hoại. Và trong mọi trường hợp, nếu có một giải pháp, thì giải pháp này phải thông qua Bắc Kinh, vì chỉ có Trung Quốc mới thật sự có thể gây áp lực lên Bắc Triều Tiên do sự lệ thuộc kinh tế của Bình Nhưỡng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170318-bac-trieu-tien-rex-tillerson-chi-%C2%AB-rung-cay-doa-khi-%C2%BB