Tin khắp nơi – 18/03/2017
Hoa Kỳ tính bán vũ khí cho Đài Loan?
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tính bán một gói vũ khí lớn cho Đài Loan, bao gồm rocket và tên lửa chống hạm, nhằm giúp hòn đảo này tự vệ trước Trung Quốc, Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết như vậy hôm 17/3.
Theo hãng tin của Anh, hợp đồng vũ khí mới này lớn hơn nhiều so với gói trị giá một tỷ đôla đã bị “gác lại” trước khi chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ đầu năm nay.
Một quan chức chính quyền của đương kim tổng thống Mỹ nói với Reuters rằng hiện có “mong muốn chính trị” về việc trên, và việc xem xét nội bộ đối với hợp đồng đó đã bắt đầu, cũng như gói vũ khí đó lớn hơn “rất nhiều” so với cái “không được người của ông Obama chấp nhận”.
Theo nguồn tin này, chính quyền của Tổng thống Trump nóng lòng muốn tiến hành vụ mua bán, nhưng phi vụ này phải mất vài tháng hoặc thậm chí phải tới năm sau thì Nhà Trắng mới vượt qua các trở ngại, trong đó có sự bất mãn của Bắc Kinh, khiến Hoa Kỳ khó có thể tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc về các ưu tiên như kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn.
Ngoài ra, việc hoàn tất hợp đồng cũng sẽ bị tác động bởi tốc độ mà chính quyền của ông Trump bổ sung các vị trí liên quan tới an ninh quốc gia hiện vẫn còn khuyết, theo Reuters.
Các cuộc thảo luận giữa Đài Loan và tân chính quyền Hoa Kỳ đã bắt đầu, hãng tin Anh dẫn lời một nguồn thạo tin. Trong khi đó, Nhà Trắng từ chối bình luận.
Reuters dẫn lời nguồn tin trong chính phủ Mỹ nói rằng các hợp đồng vũ khí mới đang được cân nhắc sẽ vượt qua con số một tỷ đôla.
Hồi tháng Hai, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Trump nói rằng Hoa Kỳ sẽ tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”, thừa nhận lập trường của Bắc Kinh rằng nước này có chủ quyền đối với hòn đảo tự trị Đài Loan.
Sau khi thắng cử, tỷ phú bất động sản Mỹ đã khiến Trung Quốc bất bình khi điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
http://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-tinh-ban-vu-khi-cho-dai-loan/3771867.html
Hoa đào Washington sẽ vẫn nở bất chấp giá lạnh
Các quan chức Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ cho biết thời tiết giá lạnh đã huỷ hoại gần phân nửa số hoa anh đào ở Washington, một thắng cảnh bình thường vẫn thu hút hơn một triệu du khách đến thủ đô nước Mỹ.
Nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng hai đã khiến những cây hoa anh đào Nhật Bản nở sớm. Nhưng sau đó, một trận bão tuyết với nhiệt độ lạnh giá đã đổ bộ xuống vùng thủ đô, đúng vào lúc hoa anh đào bắt đầu nở rộ.
Ông Gay Vietzke, giám đốc ban quản lý khu vực National Mall và các Công viên Tưởng niệm tại thủ đô Washington cho biết thiệt hại là do thời tiết thay đổi đột ngột bất thường trong vài tuần qua gây ra.
Ông nói :”Chúng tôi dự đoán lượng hoa anh đào nở xung quanh khu vực Tidal Basin sẽ ít hơn, và không rực rỡ như những năm trước. Cho nên đối với những du khách hàng năm đến Washington vào dịp này, họ có thể thấy một sự khác biệt nhỏ. Tuy nhiên với những ai mới đến lần đầu, và yêu thích lễ hội mùa xuân nơi đây, thì tôi nghĩ họ sẽ được chào đón bởi một màn trình diễn tuyệt vời với sắc đỏ trắng của hoa đào khi chúng ta chính thức đón mùa xuân trở về tại vùng thủ đô.”
Các nhân viên thuộc ban quản lý công viên cho biết nhiệt độ -5 độ C vào tuần trước đã phá hoại gần như toàn bộ những bông hoa đang ở cuối chu kỳ nở. Những nụ hoa chưa nở thì không gặp vấn đề gì.
Thời tiết lạnh giá không có tác động tiêu cực lâu dài lên những cây hoa, chuyên gia của Cục Quản lý Công viên Quốc gia cho hay. Những bông vượt qua được đợt giá lạnh này có phần chắc có thể khỏe sắc trong khoảng từ 25 đến 26 tháng Ba, chậm hơn dự kiến ban đầu.
Khoảng 1.700 cây anh đào đã biến khu vực Tidal Basin của thủ đô nước Mỹ thành một thắng cảnh nổi tiếng bên cạnh rất nhiều đài tưởng niệm quốc gia. Và những bông hoa màu hồng nhạt của chúng cũng báo hiệu mùa xuân đến.
http://www.voatiengviet.com/a/hoa-dao-washington-se-van-no-bat-chap-gia-lanh/3771912.html
Lập pháp Nga đòi điều tra phát thanh quốc tế, kể cả VOA
Hạ viện Nga đã ra lệnh tiến hành điều tra xem liệu chương trình tiếng Nga của Đài Âu Châu Tự Do, Đài VOA, và đài CNN có tuân thủ luật pháp Nga hay không.
Động thái này được Viện Duma đưa ra hôm 17/3, chỉ vài ngày sau khi Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen thuộc Đảng Dân chủ, đại diện bang New Hampshire tiến cử một dự luật trao quyền cho Bộ Tư pháp Mỹ điều tra các vụ vi phạm pháp luật đối với Luật đăng ký các cơ quan đại lý nước ngoài của kênh truyền hình RT của nhà nước Nga.
Người đưa ra đề xuất này là Konstantin Zatulin, thành viên của đảng Nước Nga Thống nhất của Tổng thống Vladimir Putin. Đảng này chiếm đa số áp đảo tại Hạ viện Nga.
Được các nhà lập pháp phê chuẩn hôm 17/3, dự thảo luật ra lệnh cho uỷ ban chính sách thông tin của Viện Duma điều tra xem các đài VOA, CNN và chương trình tiếng Nga của đài Âu Châu Tự do có tuân thủ đúng luật pháp Nga hay không.
Dân biểu Zatulin liên kết cuộc điều tra này với dự luật của Thượng nghị sĩ Mỹ Shaheen, dự luật này viện dẫn tình báo Mỹ nói rằng RT được dùng như một phần trong một chiến dịch tin tặc do Nga chỉ đạo, tìm cách gây ảnh hưởng trong công chúng để giúp ông Donald Trump đánh bại đối thủ chính trị bên Đảng Dân chủ, là bà Hillary Clinton, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm ngoái.
Cả kênh truyền hình RT và điện Kremlin đều bác bỏ cáo buộc đó. RT được chính quyền Nga tài trợ, nhưng họ lập luận rằng cơ quan này có quan điểm độc lập đối với điện Kremlin.
Mỹ, Đức đồng ý củng cố NATO, thảo luận thương mại
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ Tướng Đức Angela Merkel thảo luận về vấn đề củng cố Liên minh Bắc Đại Tây Dương –NATO, thương mại toàn cầu và các vấn đề khác trong cuộc gặp gỡ ở Toà Bạch Ốc hôm thứ Sáu.
Tiếp theo sau các cuộc đàm đạo, hai nhà lãnh đạo chủ trì một cuộc họp bàn tròn với giới lãnh đạo doanh thương Đức và Mỹ, chỉ tập trung vào vấn đề huấn nghệ và phát triển lực lượng lao động, chứ không bàn đến những vấn đề gai góc hơn về thương mại thế giới.
Sau đó tại một cuộc họp báo, ông Trump, người từng tuyên bố rằng NATO là một tổ chức đã “lỗi thời”, tái khẳng định sự hậu thuẫn của ông đối với liên minh, nhưng không rút lại những lời chỉ trích đã đưa ra trước đây nhắm vào các đồng minh mà ông cho là không làm phần mình để chia sẻ gánh nặng quốc phòng.
Tổng thống Trump phát biểu:
“Tôi tái khẳng định sự ủng hộ của tôi đối với NATO với Thủ Tướng Merkel, cũng như sự cần thiết là các đồng minh NATO phải đóng góp một cách công bằng và chia sẻ chi phí quốc phòng. Rất nhiều quốc gia đang nợ những món tiền khổng lồ trong quá khứ, và điều đó thật là bất công đối với Hoa Kỳ. Các nước đó phải thanh toán món nợ còn thiếu.”
Bà Merkel hoan nghênh phát biểu của Tổng thống Trump và khẳng định lại sự cam kết của Đức sẽ tăng đóng góp tài chính cho NATO.
Bà Merkel nói:
“NATO rất quan trọng đối với chúng tôi và đó là một lý do vì sao tại cuộc họp NATO ở Wales, chúng tôi đã hứa rằng Đức sẽ tăng chi tiêu quốc phòng. Chúng tôi đã đồng ý với chỉ tiêu 2% cho tới năm 2024. Chúng tôi đã tăng chi tiêu quốc phòng tới 8% trong năm ngoái và sẽ tiếp tục làm việc theo hướng đó.”
Ông Trump cũng tìm cách xoa dịu những quan ngại rằng ông đang đưa Hoa Kỳ hướng tới chủ nghĩa bảo hộ, ông nói ông sẽ thương thuyết những thoả thuận có lợi hơn với các đối tác thương mại của Mỹ.
Ông Trump nói:
“Tôi không tin vào một chính sách cô lập. Nhưng tôi tin rằng chính sách thương mại phải là một chính sách công bằng. Hoa Kỳ trong quá khứ đã bị nhiều nước đối xử một cách rất, rất bất công, và điều đó phải chấm dứt.”
Bà Merkel nói rằng cả hai nước cùng có lợi từ các thoả thuận thương mại, và Đức đã đồng ý về vấn đề “thương mại công bằng.”
Bà nói: “Chúng tôi cũng ủng hộ thương mại công bằng. Đây phải là một tình huống các bên đều thắng, tất cả mọi người đều có lợi. Chúng tôi có thể thảo luận về những chi tiết tại đây, và chưa gì hôm nay đã thấy tiềm năng của hai nền kinh tế của chúng ta, chỉ qua các cuộc trao đổi với các công ty và những người học nghề tại đây.”
Trả lời câu hỏi xin bà bình luận về kế hoạch của ông Trump xây một bức tường ở biên giới với Mexico, bà Merkel nói “các cuộc di dân bất hợp pháp” phải được “lèo lái” và phải chận đứng những kẻ đưa lậu người vào nước khác, nhưng “phải nghĩ tới khi nói đến người tị nạn”.
Giới quan sát các quan hệ xuyên Đại Tây Dương nói chung đồng ý rằng cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và bà Merkel, hai nhà lãnh đạo rất khác biệt nhau và đều là những nhà thương thuyết có kinh nghiệm, là một khởi đầu tích cực.
Tillerson bàn vấn đề Bắc Hàn với Vương Nghị
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ đang có mặt ở Trung Quốc trong chặng thứ ba và cũng là chặng cuối của chuyến công du đầu tiên của ông tới Châu Á. Trọng tâm của chuyến đi là vấn đề Bắc Hàn và các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo gây nhiều tranh cãi của nước này.
Sau cuộc gặp gỡ với Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm thứ Bảy nói rằng những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức “khá là nguy hiểm.”
Ông nói:
“Ngoại trưởng Vương Nghị và tôi đã có một cuộc trao đổi sâu rộng về vấn đề Bắc Hàn, ông Vương đã tái khẳng định chính sách lâu dài của Trung Quốc về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Chúng tôi cũng trao đổi quan điểm với nhau và tôi tin rằng chúng tôi chia sẻ chung một quan điểm, và đồng tình rằng những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức rất cao tại thời điểm này, và tình hình đang leo thang tới mức khá nguy hiêm.”
Ông Tillerson nói tiếp:
“Chúng tôi sẽ làm việc với nhau để xem liệu có thể đưa Bình nhưỡng tới chỗ họ muốn chọn một con đường khác, thay đổi hướng đi hiện nay để lánh xa các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.”
Hôm thứ Sáu tại Seoul, Ngoại Trưởng Tillerson nói chính sách “kiên nhẫn chiến lược” với Bắc Hàn đã chấm dứt, và hành động quân sự chống Bình Nhưỡng là “một giải pháp.”
“Hãy để tôi nói cho thật rõ, chính sách kiên nhẫn chiến lược đã qua. Chúng tôi đang cân nhắc một loạt biện pháp ngoại giao, an ninh và kinh tế. Không loại trừ một giải pháp nào.”
Trước đó trong tuần, Ngoại Trưởng Tillerson kêu gọi Trung Quốc hãy đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực để khích lệ Bắc Hàn từ bỏ chương trình hạt nhân. Ông cũng khuyến khích Trung Quốc thực thi đầy đủ các các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc có mục đích tăng sức ép lên chính quyền Bắc Hàn.
Ông Tillerson theo chương trình sẽ gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày mai, Chủ nhật 19/3. Ngoài vấn đề Bắc Hàn, các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo có phần chắc sẽ tập trung vào vấn đề thương mại và các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Khoa học sắp tạo ra ‘em bé hoàn hảo’
Khoa học giờ đây đang tiến thêm một bước tới khả năng tạo ra một em bé sơ sinh hoàn hảo, hoặc chí ít là một em bé không bị những khiếm khuyết di truyền nhất định.
Các nhà khoa học Trung Quốc dùng một kỹ thuật chỉnh sửa gen di truyền gọi là CRISPR để loại các bệnh di truyền gây chứng rối loạn máu và các bệnh khác ra khỏi phôi thai, theo tờ New Scientist. Các chuyên gia đã xem qua dự án này cho tờ báo biết rằng đây triển vọng đầy hứa hẹn.
Ông Robin Lovell-Badge, chuyên gia về gen người tại Viện Francis Crick ở London, nhận xét với tờ New Scientist: “Thật hết sức khích lệ.”
Kỹ thuật này là phương pháp vô hiệu hoá gen bằng cách đưa ra những đột biến nhỏ phá vỡ mã di truyền của một chuỗi DNA. Trước cuộc thử nghiệm ở Trung Quốc, các cuộc nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật CRISPR tập trung vào việc sử dụng kỹ thuật này trong các phôi bất thường không thể phát triển hoàn toàn. Vì lý do đạo đức sinh học, trước đây kỹ thuật này không được sử dụng cho phôi lành tính hoặc phôi bình thường.
Thử nghiệm chỉ ‘sửa chữa’ thành công dưới 10% các đột biến gen, tuy còn quá thấp nhưng đủ để khích lệ.
Theo tờ báo, nhóm nghiên cứu Trung Quốc làm việc tại bệnh viện trực thuộc Đại học Y Quảng Châu thoạt đầu thử nghiệm với phôi bất thường, nhưng không mấy thành công. Sau đó, họ tìm cách ‘sửa chữa’ các đột biến trong các phôi bình thường từ trứng chưa trưởng thành của những người mẹ muốn thụ tinh trong ống nghiệm, thì đạt được bước đột phá.
Nhóm nghiên cứu thụ tinh mỗi trứng bằng cách tiêm tinh trùng từ một trong hai người đàn ông mắc bệnh di truyền, sau đó sử dụng kỹ thuật CRISPR trên phôi bào đơn trước khi chúng bắt đầu phân chia.
Nghiên cứu này có thể dẫn tới việc thử nghiệm rộng rãi hơn bằng cách sử dụng CRISPR để chỉnh sửa bộ gen của phôi người bình thường. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo công nghệ này chưa tới mức được sử dụng an toàn để chỉnh sửa phôi.
Theo New Scientist/Fox News
http://www.voatiengviet.com/a/khoa-hoc-sap-tao-ra-em-be-hoan-hao/3771246.html
Tillerson và chuyến đi vạch lộ đồ quan hệ Mỹ-Trung
Vấn đề thương mại đầy gai góc sẽ là chủ đề chính mà Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi ông đến thăm Bắc Kinh vào thứ Bảy và Chủ nhật này. Tổng thống Donald Trump từng thẳng thừng chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc trong giao thương và nhiều chính sách khác của Trung Quốc, do đó lấp đầy hố sâu ngăn cách sẽ không dễ dàng.
Chuyến công du châu Á đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson với chặng dừng chân cuối tại Bắc Kinh được xem là một bước quan trọng trong việc vạch ra một lộ đồ cho quan hệ tương lai giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Tillerson sẽ gặp gỡ các giới chức Trung Quốc để thảo luận về những phương cách hai bên có thể vạch ra một đường hướng để tiến tới trong lĩnh vực thương mại và những vấn đề then chốt khác.
Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Susan Thornton cho biết:
“Chúng tôi mong muốn có thể theo đuổi một cuộc thảo luận có tính xây dựng với Trung Quốc để cho phép hai bên tiến đến giải quyết những lãnh vực đang gặp khó khăn và đạt tiến bộ trong các vấn đề quan trọng giữa hai bên.”
Trong chiến dịch vận động tranh cử của ông, Tổng thống Trump thường xuyên chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc trong các hoạt động giao thương, ông đe dọa sẽ tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, và tuyên bố sẽ xếp hạng Trung Quốc như nước thao túng tiền tệ.
Những lời đe doạ đó chưa được thực hiện, và từ khi Tổng thống Trump điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc hồi tháng trước, quan hệ giữa hai bên có dấu hiệu đang tiển triển theo chiều hướng tích cực.
Bất chấp điều mà các giới chức Bắc Kinh gọi là cảm giác lạc quan về các mối quan hệ song phương và những lời hứa của Trung Quốc lặp lại cam kết sẽ mở cửa rộng hơn để cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc, những lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại và xích mích vẫn tồn tại ở Trung Quốc.
Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc nói:
“Chúng tôi không muốn thấy bất cứ cuộc chiến tranh thương mại nào nổ ra giữa hai nước. Điều đó sẽ không làm cho giao thương giữa hai bên công bằng hơn. Hy vọng của phía Trung Quốc chúng tôi là bất kể trở ngại nào mà mối quan hệ này sẽ vấp phải, chúng tôi mong rằng nó sẽ vẫn tiếp tục tiến tới trong chiều hướng tích cực.”
Trên các đường phố ở Bắc Kinh, nhiều người tỏ thái độ hoài nghi về chiều hướng của các mối quan hệ song phương, nhưng cũng có nhiều người tin rằng hai bên sẽ tìm được cách để tránh những mâu thuẫn, xích mích.
Ông Chen, một cư dân Bắc Kinh, nói: Miễn là hai bên tìm được những cách thức hòa bình để bảo vệ các lợi ích của mình, hai bên chắc chắn sẽ cùng tiến lên.”
Một cư dân Bắc Kinh khác, tên Yuan, nói: “Chắc chắn sẽ có những mâu thuẫn, xích mích trong quan điểm của mỗi bên về thương mại và tài chánh, nhưng đó là lẽ thường tình.”
Các nhà phân tích nói đó là điều bình thường trong bối cảnh những lợi ích to lớn của hai nền kinh tế, nhưng đẩy mạnh nghị trình của Tổng thống Trump đặt nước Mỹ lên trên hết trong khi duy trì các mỗi quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc đi theo đúng hướng, cũng mang lại nhiều yếu tố bất định mới.
Tòa án Nhật tuyên bố
chính phủ chịu trách nhiệm vụ Fukushima
Một Tòa án Nhật Bản ngày 17 tháng 3 phán quyết Công ty Điện lực Tokyo Tepco và chính phủ phải chịu trách nhiệm vì sơ suất trong vụ kiện đòi bồi thường trong tai họa hạt nhân Fukushima. Truyền thông Nhật Bản cho biết đây là lần đầu tiên Tòa án tuyên phán nhà nước chịu trách nhiệm.
Tòa án Maebashi, phía bắc Tokyo tuyên án nghiêng về phía 137 người sơ tán đòi bồi thường thiệt hại về tinh thần khi họ phải rời bỏ nhà cửa vì phóng xạ tại nhà máy Fukushima Daiichi của Tepco sau trận động đất và sóng thần cách đây 6 năm, báo Mainichi và các cơ quan truyền thông khác của Nhật loan tin này.
Trong bối cảnh các tòa án tuyên phán có lợi cho các nguyên đơn và cấp tiền bồi thường do tai họa gây nên, đây là lần đầu tiên tòa công nhận chính phủ chịu trách nhiệm, báo Mainichi nói.
Tepco từ lâu đã bị chỉ trích vì không màng đến đe dọa của thiên tai đối với nhà máy Fukushima và cả công ty lẫn chính phủ đều bị chỉ trích trong việc xử lý cuộc khủng hoảng.
Tepco nói sẽ xem lại nội dung bản án trước khi phản hồi.
Vào tháng 12 năm ngoái, chính phủ tăng gần gấp đôi con số ước tính chi phí liên quan đến tai họa, ở mức 188 tỉ đô la, gia tăng áp lực lên Tepco buộc công ty phải cải cách và cải thiện hoạt động.
Đây là tai họa hạt nhân tệ hại nhất trên thế giới kể từ vụ Chernobyl vào năm 1986. Ba lò phản ứng tại nhà máy Fukushima của Tepco bị tan chảy sau khi trận động đất mạnh 9 độ Richter gây sóng thần tàn phá một dải bờ biển đông bắc Nhật Bản làm hơn 15.000 người thiệt mạng.
Xác nhận danh tính nghi can bị giết
trong vụ tấn công ở phi trường Orly
Một người đàn ông đã bị bắn chết tại phi trường Orly ở Paris hôm nay sau khi tìm cách cướp đoạt vũ khí từ tay của một nữ quân nhân đang đi tuần tiễu.
Bị tình nghi là có liên hệ với chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, người đàn ông được hãng tin AP nhận diện là Ziyed Ben Belgacem, 39 tuổi.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết nghi can Ziyed đã vật một nữ quân nhân xuống đất và đang toan giật lấy khẩu súng của cô, nhưng bị hai binh sĩ khác cùng tham gia tuần tiễu nổ súng bắn chết.
Không có ai khác bị thương trong vụ tấn công xảy ra tại phi trường Orly ở Paris vào lúc 8:30 sáng, giờ địa phương.
Văn phòng Công tố Paris cho biết, sau vụ tấn công khủng bố ở Paris giết chết 130 người, nhà của nghi can Ziyed đã bị lục soát vào năm 2015 vì bị tình nghi có liên hệ với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Cảnh sát không cho biết động cơ dẫn tới vụ tấn công nhắm vào các binh sĩ không quân, nhưng phòng công tố Paris cho hay cuộc điều tra là do phân bộ chống khủng bố tiến hành.
Cha và người anh/em của nghi can đã bị cảnh sát câu lưu hôm thứ Bảy, điều mà cảnh sát nói là thủ tục bình thường.
Bộ trưởng nội vụ Bruno Le Roux nói Belgacem được cảnh sát và tình báo Pháp biết tên, anh ta bị tình nghi đã nổ súng vào một nhân viên cảnh sát sớm hơn trong ngày.
Belgacem bị cáo buộc đã bắn vào mặt một nhân viên cảnh sát trước đó trong ngày trong một vụ kiểm tra giao thông thường lệ ở một khu ngoại ô phía Bắc Paris. Anh ta sau đó đe doạ một số khách của một quán bar trước khi dùng súng cướp một chiếc xe để lái ra phi trường.
Ông Le Roux cho biết nhân viên cảnh sát chỉ bị thương nhẹ ở đầu.
Cảnh sát nhanh chóng bảo đảm an ninh sân bay và tìm chất nổ nhưng không tìm thấy gì. Các chuyến bay đáp xuống Paris đã được lệnh chuyển hướng để đáp xuống các phi trường gần đó, làm chậm trễ một số chuyến bay. Phi trường Paris tải lên trang mạng của họ một tin nhắn kêu gọi dân chúng hãy tránh tới phi trường.
Trong một cuộc họp báo, Tổng Thống Pháp Francois Hollande nói vụ tấn công tại phi trường Orly chứng minh sự cần thiết của các toán tuần tiễu thuộc lực lượng Sentinelle, và rằng các nhà điều tra sẽ xác quyết liệu đằng sau kẻ tấn công, có một âm mưu khủng bố hay không.
Canada chặn bắt nhiều người Mexico trên biên giới
Số người Mexico bị Canada bắt giữ trên biên giới trong 67 ngày đầu tiên của năm 2017 nhiều hơn con số bị giữ mỗi năm trong ba năm trở lại đây, theo Reuters.
Sự gia tăng này xảy ra ngay sau khi chính quyền liên bang Canada dỡ bỏ các yêu cầu thị thực đối với công dân Mexico vào tháng 12.
Hãng tin Anh cho rằng nhiều người Mexico hướng sang Canada sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ quyết tâm trấn áp những người nhập cư bất hợp pháp mà một nửa là người Mexico.
Theo Reuters, các thẩm phán về nhập cư đã được cử tới 12 thành phố của Hoa Kỳ để đẩy nhanh quá trình trục xuất.
Cơ quan phụ trách về biên giới của Canada cho biết đã bắt giữ 444 người Mexico trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 tới 8/3, so với 410 của cả năm 2016, 351 năm 2015, và 399 năm 2014.
Cơ quan này được phép bắt giữ các công dân nước ngoài nếu những người đó được cho là gây nguy ngại cho công chúng, cũng như nếu danh tính của họ thiếu rõ ràng, theo Reuters.
Ngoài các vụ bắt giữ trên, số người Mexico bị từ chối nhập cảnh ở cá phi trường cũng gia tăng. 313 người trong tháng Một, tức cao hơn so với bất kỳ tháng Một nào kể từ năm 2012 và nhiều hơn cả các năm 2012, 2013 và 2014 cộng lại.
Với việc các yêu cầu về thị thực được dỡ bỏ, các công dân Mexico tới Canada chỉ cần một giấy phép đi lại điện tử (viết tắt là eTA), có thể xin trên mạng trong vài phút.
Nhưng eTA không đảm bảo là họ có thể được nhập cảnh, cũng như người Mexico không thể làm việc nếu không có giấy phép.
Canada cấp gần 73 nghìn giấy phép đi lại cho các công dân Mexico trong khoảng thời gian từ ngày 1/12/2016 và 10/3/2017. Con số này gia tăng đáng kể trong cùng khoảng thời gian khi Canada vẫn áp dụng các yêu cầu về thị thực.
http://www.voatiengviet.com/a/canada-chan-bat-nhieu-nguoi-mexico-tren-bien-gioi/3771907.html
Syria: quân nổi dậy,
thường dân bắt đầu sơ tán ra khỏi Homs
Các xe buýt hôm nay (thứ Bảy 19/3) đã bắt đầu chuyên chở các chiến binh nổi dậy và gia đình của họ ra khỏi al-Waer, khu xóm cuối cùng còn nằm trong tay của lực lượng đối lập ở trung tâm thành phố Homs.
Sự ra đi của các chiến binh nổi dậy nằm trong khuôn khổ một thoả thuận được Nga hậu thuẫn, đã ký kết hồi đầu tháng này.
Các chiến binh nổi dậy và gia đình của họ đang được đưa đến thị trấn Jarablous do phe nổi dậy kiểm soát tại vùng biên giới giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ.
Các giới chức nói tiến trình di tản này sẽ kéo dài nhiều tuần lễ.
Theo dự kiến, hàng ngàn thường dân cũng sẽ rời khỏi thành phố Homs để tránh bị các lực lượng an ninh Syria buộc phải nhập ngũ hoặc bị bắt.
Khu xóm al-Waer ở Homs có 75,000 dân.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria ước lượng khoảng 12,000 người sẽ ra đi theo thoả thuận đạt được, trong số này có 2,500 chiến binh nổi dậy.
http://www.voatiengviet.com/a/syria-quan-noi-day-thuong-dan-bat-dau-so-tan-ra-khoi-homs/3771759.html
‘Scotland cần được trao thêm quyền lực’
Ông Gordon Borwn đề nghị một ‘lựa chọn thứ ba’ cho tương lai của Scotland, theo đó tăng thêm quyền lực cho Quốc hội Scotland hậu Brexit.
Cựu thủ tướng, cũng là thành viên đảng Lao động, cho rằng Holyrood nên được trao quyền tự định mức thuế giá trị Gia tăng (VAT) và quyền được ký kết các hiệp định quốc tế.
Tuy nhiên, ông cũng lập luận rằng việc Scotland độc lập sẽ gây ra hậu quả là xứ này sẽ không còn quyền tiếp cận vào ‘thị trường chung Liên hiệp Vương quốc Anh’.
Các quyền khác như kiểm soát luật lệ đối với nông nghiệp, hải sản và môi trường cũng có thể được chuyển giao, ông Brown lập luận trong diễn văn.
Phát biểu của ông Brown được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng thứ nhất của Scotland, bà Nicola Sturgeon, đang gây áp lực tổ chức kỳ trưng cầu dân ý đòi độc lập cho Scotland lần thứ hai.
Bà Sturgeon nêu lập trường của mình từ năm ngày trước, nói rằng cuộc bỏ phiếu mới là cần thiết trong bối cảnh người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit vào hè năm ngoái.
Bà sẽ nói tại đại hội của Đảng Quốc gia Scotland (SNP) rằng nguyện vọng của Quốc hội Scotland ‘phải được tôn trọng và sẽ được toại nguyện’ đối với sự kiện này.
Ông Brown phát biểu tại sự kiện ‘Ngày hội của những Ý tưởng’, được tổ chức tại Kirkcaldy, Fife, nơi ông kêu gọi EU hoàn trả cho Scotland khoản kinh phí 800 triệu bảng.
‘Không đúng thời điểm’
Ông cũng đề nghị Ngân hàng Trung ương Anh quốc đổi tên thành Ngân hàng Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland, với những nhân viên đại diện tại Scotland, ‘nhằm cho thấy đồng bảng Anh đại diện cho tất cả mọi người’.
Ông Brown từng là kiến trúc sư trưởng của chính sách ‘The Vow’, là một lời hứa hẹn sẽ trao thêm quyền lực cho Holyrood, điều nhiều người cho rằng đã giúp làm tăng số lượng phiếu ‘Không đồng ý’ với việc tách Scotland khỏi Vương quốc Anh trong cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014.
Hồi đầu tuần, bà Sturgeon nói quyền lợi của Scotland sẽ bị ảnh hưởng nếu không còn trong khối thị trường chung EU và cho rằng cử tri Scotland – là những người ủng hộ ở lại EU với tỷ lệ 62% so với chỉ 38% muốn ra đi – có quyền được chọn giữa việc chấp nhận Brexit hoặc trở thành một quốc gia độc lập.
Thủ tướng Theresa May từng nói rằng ‘đây không phải là thời điểm’ cho một cuộc bỏ phiếu như vậy, trong bối cảnh chính phủ đang tập trung cho việc đạt được một thỏa thuận Brexit tốt nhất cho toàn Vương quốc Anh.
Ông Brown thì cho rằng cần có một luật lệ mới về các nước thuộc khối Vương quốc Anh nhằm tăng cường sự đoàn kết và xóa bỏ tình trạng ‘chia rẽ gay gắt’ trong nhiều năm qua.
Ông nói: “Lựa chọn thứ ba, theo cách yêu nước của người Scotland và cũng thoát khỏi sự chuyên chế của SNP và sự vô dụng của đảng Bảo Thủ, là hợp lý nhất vì những thực tế của hậu Brexit sẽ thay đổi thực trạng và khiến chúng ta phải rũ bỏ với quá khứ.
“Tinh thần ái quốc có nghĩa là Scotland sẽ không bị mắc kẹt giữa chủ nghĩa bảo thủ cực đoan luôn không muốn trao quyền cho Quốc hội Scotland, với những người thuộc phái dân túy cực đoan luôn muốn bỏ đi những nguồn tài nguyên có được nhờ việc là thành viên của EU.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39314693
Chính phủ Anh gỡ bỏ quảng cáo trên YouTube
Chính phủ Anh đã gỡ bỏ quảng cáo trên YouTube vì lo ngại quảng cáo xuất hiện bên cạnh nội dung “không phù hợp”.
Chính phủ Anh nói họ muốn có bảo đảm từ Google, sở hữu YouTube, rằng các thông điệp chính phủ được hiển thị “theo cách phù hợp và an toàn” trong tương lai.
BBC, báo The Guardian, kênh truyền hình Channel 4 ở Anh cũng đã rút quảng cáo vì lo ngại tương tự.
Google nói họ sẽ xem xét lại cơ chế kiểm soát.
Trong quá khứ, các nghị sĩ Anh chỉ trích hãng này là không cố gắng ngăn chặn nội dung kích động hận thù trên mạng.
Một điều tra của báo The Times cho thấy các quảng cáo xuất hiện cạnh nội dung của những kẻ ủng hộ cực đoan, giúp họ có được khoảng 6 bảng cho mỗi 1000 lượt xem, và cũng làm ra tiền cho YouTube.
Chính phủ Anh đã triệu tập Google đến họp sau khi tạm thời ngừng các quảng cáo, ví dụ như quảng cáo tuyển mộ tân binh.
Báo Anh The Guardian đã rút mọi quảng cáo khỏi Google và YouTube. Họ nói rằng một quảng cáo của họ đã bị đặt cạnh nội dung cực đoan.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39311810
Pháp: 11 ứng viên chính thức tranh cử tổng thống
Ngày 18/03/2017, chủ tịch Hội Đồng Bảo Hiến của Pháp, ông Laurent Fabius, đã công bố danh sách 11 ứng cử viên chính thức sẽ tham gia vòng một bầu cử tổng thống vào ngày 23/04 tới.
Chiều hôm qua (17/03), 18 giờ là hạn chót để những người muốn ứng cử tổng thống nộp bảng thu thập chữ ký bảo trợ và nộp đơn tranh cử chính thức. Tổng cộng đã có 11 người thu thập hợp lệ đủ 500 chữ ký cần thiết của các vị dân cử để được quyền ra tranh cử.
Thu được nhiều chữ ký nhất là ứng cử viên cánh hữu François Fillon ( 2.653 ), cho thấy là là ông có sự ủng hộ vững chắc trong đảng Những người Cộng Hòa, dù đang gặp rắc rối với pháp luật do nghi án tạo việc làm giả cho vợ con. Tiếp đến là ứng cử viên Xã Hội Benoît Hamon ( 1.717 ) và ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron ( 1.548 ).
Các ứng cử viên khác đã thu đủ chữ ký bao gồm Nicolas Dupont-Aignan, cánh hữu dân tộc chủ nghĩa, Jean-Luc Mélenchon, cánh cực tả, Nathalie Arthaud, thuộc đảng cực tả Đấu tranh công nhân, Marine Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia. Nhân vật bất ngờ lọt vào danh sách 8 người đầu tiên là ông François Asselineau, cánh hữu theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, chống hợp nhất châu Âu. Ba ứng cử viên kia là Philippipe Poutou ( Tân đảng chống tư bản chủ nghĩa NPA, cực tả ), Jean Lassalle ( cánh trung, độc lập ), Jacques Cheminade ( độc lập ).
http://vi.rfi.fr/phap/20170318-phap-co-11-ung-vien-chinh-thuc-tranh-cu-tong-thong
Chính quyền Trump
kháng cáo vụ sắc lệnh nhập cư bị ngăn chận
liên bang ngăn chận sắc lệnh nhập cư mới nhằm tạm cấm công dân của sáu nước Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Đơn kháng cáo của chính quyền sẽ được các tòa án liên bang xem xét, trước khi lên đến Tòa Án Tối Cao – như ông Donald Trump đã dọa sẽ viện đến nếu cần thiết.
Hôm thứ Năm 16/3, thẩm phán Théodore Chuang ở tiểu bang Maryland đã ngăn chận một phần sắc lệnh thứ hai của tổng thống Trump, về việc cấp visa cho công dân sáu nước Hồi giáo, nhưng duy trì việc tạm cấm người tị nạn vào Mỹ trong bốn tháng.
Một thẩm phán khác của Hawai là Derrick Watson thì ngăn chận toàn bộ sắc lệnh. Tại tiểu bang Washington, thẩm phán James Robart cũng ra phán quyết tương tự.
Các tiểu bang do đảng Dân Chủ nắm và các nhà tranh đấu cho rằng sắc lệnh nhập cư của tổng thống Donald Trump mang tính phân biệt đối xử, vi phạm tự do tín ngưỡng ; còn ông Trump khẳng định đã hành động vì an ninh quốc gia.
Hiện nay Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ gồm bốn thẩm phán cấp tiến và bốn bảo thủ, còn thẩm phán thứ chín do ông Trump bổ nhiệm là Neil Gorsuch thì vẫn chưa được phê chuẩn. Giới phân tích cho rằng nếu bộ Tư Pháp Mỹ muốn kháng cáo lên Tòa Án Tối Cao, thì sẽ phải chờ đợi đến khi ông Gorsuch được chính thức trở thành thẩm phán.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170318-chinh-quyen-trump-khang-cao-vu-sac-lenh-nhap-cu-bi-ngan-chan
Thổ Nhĩ Kỳ lấy hiệp định nhập cư gây áp lực với châu Âu
Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa lại đe dọa ngưng thi hành hiệp định nhập cư đã ký kết với Liên Hiệp Châu Âu cách đây một năm, nhằm ngăn chận làn sóng người tị nạn. Tuy vẫn đang có hiệu lực, hôm qua 17/03/2017 các quan chứcThổ Nhĩ kỳ lại viện ra thỏa thuận này để gây áp lực với Bruxelles.
Từ Istanbul, thông tín viên RFI Alexandre Billette cho biết thêm chi tiết :
« Chúng tôi có thể để cho 15.000 người tị nạn vào mỗi tháng và gởi họ sang châu Âu ». Bộ trưởng Nội Vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã nói như thế hôm qua. Đó là cách kỷ niệm kỳ lạ một năm hiệp định nhập cư giữa Ankara và Bruxelles.
Trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao với châu Âu, những ngày gần đây Ankara gay gắt đe dọa sẽ ngưng thi hành hiệp định đã ký kết vào tháng Ba năm 2016.
Tuần này bộ trưởng Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng nêu ra khả năng trên. Hiện chưa có gì cụ thể, nhưng những năm gần đây Ankara thường xuyên sử dụng mối đe dọa này, mà một số người gọi là « bắt chẹt ». Thổ Nhĩ Kỳ luôn luôn đòi hỏi miễn visa Schengen cho các công dân của mình, một yêu cầu mà Bruxelles từ chối chấp nhận.
Bây giờ còn phải xem cuộc khủng hoảng hiện nay có khiến chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang hành động thực sự hay không. Một yếu tố ngăn trở họ : Đó là ba tỉ euro dành cho Ankara trong khuôn khổ hiệp định nhập cư, mà lẽ ra Bruxelles phải giải ngân ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170318-tho-nhi-ky-lay-hiep-dinh-nhap-cu-gay-ap-luc-voi-chau-au
G20 bất đồng với Mỹ về thương mại và khí hậu
Bộ trưởng Tài Chính các nước G20 họp tại Baden-Baden (Đức) sáng nay 18/03/2017 tiếp tục đấu tranh nhằm ngăn trở Hoa Kỳ quay lui trước chính sách tự do mậu dịch toàn cầu và chống biến đổi khí hậu.
Hai chủ đề nhạy cảm được đề cập đến vì tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mà G20 vẫn phản đối, và liên tục đưa ra những phát biểu hoài nghi về hồ sơ môi trường. Vấn đề tôn trọng các quy định trong thương mại quốc tế là bất đồng căn bản giữa Hoa Kỳ và các nước chủ trương đa phương, bên cạnh đó, chính quyền mới của Mỹ cũng không muốn nhắc đến hiệp định khí hậu COP 21, Paris 2015.
Về các chủ đề khác như chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố, chống trốn thuế, các bộ trưởng Tài Chính của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tỏ ra đồng thuận.
Một nguồn tin châu Âu cho AFP biết phái đoàn Mỹ « có thiện chí thương lượng », không thẳng thừng quay lưng với G20. Các cuộc tranh luận không mang tính đấu đá nhưng nhuộm màu chính trị. Nếu không thỏa thuận được với nhau, có thể các bộ trưởng Tài Chính sẽ nhường lại các chủ đề gai góc cho các vị nguyên thủ, sẽ họp thượng đỉnh vào tháng Bảy tới tại Hambourg (Đức).
Bộ trưởng Tài Chính Pháp Michel Sapin khằng định : « Sẽ không có nhượng bộ trên các chủ đề căn bản », còn Đức, chủ tịch luân phiên G20 trong năm nay muốn tránh mọi xung khắc công khai. Bộ trưởng Tài Chính Đức Wolfgang Schäuble cho biết ông tin vào khả năng đạt được « kết quả tốt ».
Tuy nhiên hố ngăn cách giữa Mỹ và châu Âu vẫn thấy rõ, qua cuộc gặp gỡ giữa ông Donald Trump và thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua, cũng như dự thảo ngân sách của chính phủ Trump hôm thứ Năm 16/3 cắt giảm thẳng tay ngân quỹ dành cho công cuộc chống biến đổi khí hậu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170318-g20-bat-dong-voi-my-ve-thuong-mai-va-khi-hau
Liên Hiệp Quốc báo động
về nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam
Ngày 17/03/2017, Liên Hiệp Quốc đã ra thông cáo bày tỏ mối “quan ngại sâu sắc” về các vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng lan rộng ở Việt Nam, mà phần lớn các vụ xâm hại này vẫn chưa được tố cáo hoặc chưa được chính quyền xử lý thỏa đáng.
Trong thông cáo này, ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, cho rằng cần phải “chấm dứt việc không xử lý các thủ phạm gây bạo lực, xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em và những vụ như vậy cần phải được điều tra và khởi tố”.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi các cơ quan có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo quyền của trẻ em được quy định tại Công Ước Quốc Tế về Quyền Trẻ Em (mà Việt Nam đã phê chuẩn năm 1990), “bảo vệ tất cả mọi trẻ em khỏi các hình thức bạo lực và xâm hại”.
Liên Hiệp Quốc nhắc lại rằng ở Việt Nam hiện nay, cứ bốn trẻ em thì có một em là nạn nhân của xâm hại và có ít nhất 1.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em được tố cáo mỗi năm. Nhưng theo LHQ, các vụ được tố cáo chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và không ai biết được mức độ thật sự của bạo lực tình dục đối với trẻ em trai và gái ở Việt Nam vì phần lớn các nạn nhân vẫn giữ yên lặng suốt đời. Mặc dù chưa có các số liệu chính thức, nhưng theo LHQ, “các con số ước tính đã liên tục cho thấy mức độ đáng báo động”.
Cho nên Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam tiếp tục đầu tư hơn nữa, cả nhân lực và tài chính, để bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức xâm hại tình dục, bạo lực và bóc lột, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào công tác phòng ngừa. Theo LHQ, “cần phải ngăn chặn trước khi lạm dụng xảy ra chứ không chỉ tập trung vào xử lý các trường hợp trẻ bị xâm hại sau khi điều đó đã xảy ra”.
Liên Hợp Quốc còn khuyến khích tất cả mọi người, là nạn nhân hoặc nhân chứng của bạo lực trẻ em hãy gọi đến đường dây nóng trợ giúp trẻ em (1800 1567) để được tư vấn và hỗ trợ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170318-lien-hiep-quoc-bao-dong-ve-nan-xam-hai-tinh-duc-tre-em-o-viet-nam