Tin khắp nơi – 17/03/2017
TT Trump và bà Merkel gặp nhau tại Bạch Ốc
Hôm nay, thứ Sáu 17/3, Thủ tướng Đức và Tổng thống Hoa Kỳ gặp nhau tại Tòa Bạch Ốc.
Theo lịch trình ban đầu, bà Angela Merkel và ông Donald Trump lẽ ra gặp nhau sớm hơn trong tuần, nhưng hai nhà lãnh đạo thế giới đã phải hoãn cuộc gặp vì cơn bão tuyết ở bờ biển phía Đông Hoa Kỳ.
Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump giành thắng lợi bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Trước cuộc bầu cử, ông Trump nói quyết định của bà Merkel nhận người tị nạn là một “sai lầm thảm khốc” và ông cáo buộc rằng bà đang “hủy hoại nước Đức”.
Ông Trump còn đề nghị các nước NATO phải trả nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của họ.
Bà Merkel, một nhân vật có thế lực đáng kể tại Châu Âu, từng phê bình lệnh cấm du hành của Tổng thống Trump đối với người tị nạn và nhập cư. Lệnh cấm này đã bị các tòa án Hoa Kỳ chặn lại.
Tuy nhiên trong cuộc gặp ở Phòng Bầu dục,, các nhà phân tích chính trị tin rằng ông Trump có thể tham khảo ý kiến của bà Merkel về cách tốt nhất để đối phó với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bà Merkel đã từng đương đầu với nhà lãnh đạo Nga gây nhiều tranh cãi này, trong khi ông Trump lại ca ngợi ông Putin – gây kinh ngạc cho các nhà lập pháp thuộc cả đảng Cộng hòa và cả đảng Dân chủ tại Hoa Kỳ.
Tillerson: ‘Không thể tiếp tục kiên nhẫn với Bắc Hàn’
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ nói chính sách “kiên nhẫn chiến lược ” đối với Bắc Triều Tiên đã chấm dứt, và hành động quân sự chống lại Bình Nhưỡng là “một giải pháp”.
Phát biểu mạnh mẽ ở Seoul hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói “Bắc Triều Tiên phải hiểu rằng cách duy nhất để có một tương lai an ninh và thịnh vượng về mặt kinh tế là phải từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.”
Trong một cuộc họp báo chung với Ngoại Trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se, ông Tillerson cho biết là “một loạt khả năng toàn diện” đang được tạo ra để đối phó với quốc gia bị cô lập này.
Hàn Quốc là quốc gia thứ hai trong chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Tại Tokyo hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Tillerson nói: “Rõ ràng là chúng ta cần có một cách tiếp cận khác” sau 20 năm các nỗ lực ngoại giao thất bại, không ngăn được Bắc Triều Tiên sản xuất vũ khí hạt nhân.
Chặng cuối cùng trong chuyến Á du của ông Tillerson là Trung Quốc, chương trình nghị sự của ông tại đây bao gồm một cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ hôm thứ Năm nói rằng Trung Quốc đóng một vai trò rất quan trọng trong nỗ lực khuyến khích Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và cho biết ông đã khuyến khích Trung Quốc thực thi đầy đủ các biện pháp chế tài của LHQ nhằm gây áp lực lên chính phủ Bắc Triều Tiên.
Là nơi quân đội Hoa Kỳ trú đóng và nằm trong tầm bắn của tên lửa Bắc Triều Tiên, Nhật Bản và Hàn Quốc ủng hộ các nỗ lực của Hoa Kỳ để tăng áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Bắc Triều Tiên. Một thông báo của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ cho biết, 3 đồng minh đã tiến hành các cuộc tập trận hôm thứ 4 trên biển phía đông bán đảo Triều Tiên và phía bắc của Nhật Bản để củng cố khả năng tương tác.
Các cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Tillerson với chủ tịch Trung Quốc sẽ là nền tảng cho một hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 4 ở Florida.
Chỉ có một phóng viên duy nhất, cô Erin McPike của báo mạng Independent Journal Review được tháp tùng ông Tillerson trong chuyến công du này. Thông thường có cả một đoàn phóng viên tháp tùng ngoại trưởng Hoa Kỳ trong các chuyến công du của ông.
Ngân sách của Trump: Tăng quân sự, giảm ngoại giao
Tổng thống Donald Trump ngày 16/3 gửi đề nghị ngân sách sang Quốc hội thay đổi mạnh những ưu tiên chi tiêu của quốc gia, chi hàng tỷ đô la cho quốc phòng trong khi cắt giảm đáng kể ngân sách cho ngoại giao, bảo vệ môi trường, y tế, cùng các chương trình viện trợ nước ngoài, xóa đói giảm nghèo.
Ngân sách này giữ đúng lời hứa của ông Trump khi ra tranh cử bằng cách cắt giảm lực lượng nhân sự của chính phủ.
Theo đó, Bộ Ngoại giao bị cắt 29% ngân sách, từ 54 tỷ đô la xuống còn 39 tỷ đô. Cơ quan Bảo vệ Môi trường bị giảm 31% ngân sách. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh bị mất 16%. Công quỹ dành cho Bộ Nông nghiệp giảm 21%. Bộ Lao động cũng mất 21% ngân sách.
Bộ Giáo dục bị giảm 14%. Đề nghị cắt giảm ngân sách của ông Trump cũng kêu gọi giảm tài trợ cho các chương trình trao đổi văn hóa-giáo dục của Mỹ với các nước trên thế giới. Nhiều chương trình trong số này được xem là các khoản đầu tư thiện chí lâu dài như chương trình nổi tiếng Fulbright thành lập từ 70 năm trước.
Nơi bị cắt giảm mạnh nhất là Cơ quan Bảo vệ Môi trường, nơi mà chính quyền Tổng thống Trump cho là đã được hưởng ngân sách quá mức cần thiết. Ông Trump muốn giảm ngân sách trị giá 2,6 tỷ đô la cho cơ quan này, một phần bằng cách xóa sổ 3.200 công việc, tức khoảng 1/5 lực lượng nhân công của sở này.
Nếu được thi hành, đề nghị của ông Trump sẽ đẩy mức ngân sách dành cho cơ quan này xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm nay. Điều này cũng có nghĩa là sẽ cắt ngân quỹ cho nghiên cứu về biến đổi khí hậu, đóng cửa các chương trình môi trường nội địa và chấm dứt các dự án khu vực.
Ông Trump cũng giảm ngân quỹ tài trợ cho Liên hiệp quốc trong các dự án biến đổi khí hậu, bớt ngân khoản đóng góp của Mỹ cho các nỗ lực gìn giữ hòa bình.
Đóng góp của Hoa Kỳ cho Ngân hàng Thế giới, từ đề nghị này, sẽ bị giảm 650 triệu đô la. Hỗ trợ của Mỹ về kinh tế và phát triển sẽ được xem lại, chỉ tập trung tới các nước có lợi ích chiến lược lớn nhất đối với Mỹ mà thôi.
Khoản cắt giảm lớn nhất trong Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh sẽ nhắm vào Viện Y tế Quốc gia, trung tâm nghiên cứu y khoa của Mỹ. Ngân khoản 403 triệu đô la dùng để huấn luyện y tá và y-bác sĩ sẽ bị hủy bỏ.
Chính quyền của Tổng thống Trump cũng đề nghị nhiều khoản cắt giảm đối với lĩnh vực giáo dục công, Sở phát triển Đô thị và Nhà cửa, kể cả loại bỏ chương trình cấp quỹ cho các chương trình dân túy như cung cấp bữa ăn cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp, cùng các nỗ lực hỗ trợ cộng đồng khác.
Tăng
Phần lớn số tiền tiết kiệm từ các khoản cắt giảm này sẽ được chi cho các chương trình an ninh quốc gia.
Ngân sách Tổng thống đề nghị cho Bộ Quốc phòng tăng 10%, ở mức 54 tỷ đô la. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ chiến dịch gầy dựng Ngũ Giác Đài của Tổng thống Ronald Reagon vào thập niên 1980.
Bộ An ninh Nội địa được tăng ngân sách 7%. Phần nhiều trong số 2,8 tỷ đô la ‘tăng viện’ cho Bộ này sẽ được dành cho bức tường biên giới với Mexico và thuê mướn 500 nhân viên biên phòng cùng 1000 viên chức cho Cơ quan Thực thi Hải quan và Di trú trong năm sau. Ngân sách này cũng được dành phần để thuê mướn 20 luật sư trong Bộ Tư pháp để hỗ trợ công tác xây tường biên giới.
Theo dự kiến, Tòa Bạch Ốc sẽ yêu cầu thêm ngân khoản 1,5 tỷ đô la để khởi sự lên kế hoạch và xây dựng tường thành biên giới trong năm nay.
Ngân sách chính phủ cho năm tài khóa hiện nay kéo dài tới ngày 28/4, và ngân sách cho năm 2018 phải được thi hành từ tháng 10 năm nay.
Các nhà lập pháp bên đảng Dân chủ tuần này khuyến cáo rằng có thể sẽ xảy ra tình trạng tạm đóng cửa chính phủ nếu phe Cộng hòa nhất mực đòi gộp ngân khoản tài trợ cho tường biên giới vào trong đề nghị ngân sách của họ.
Theo sau kế hoạch ngân sách trị giá 1,1 ngàn tỷ đô la này sẽ là một khoản ngân sách lớn hơn được công bố vào mùa xuân, trong đó có bao gồm các đề nghị của Tổng thống về thuế khóa và về chi tiêu cho an sinh xã hội, các chương trình chăm sóc y tế như Medicare, Medicaid, cùng các chương trình khác.
Liệu có được thông qua?
Giới phân tích cho rằng các khoản cắt giảm do ông Trump đề nghị được xem là ‘mạnh tay’ nhất trong nửa thế kỷ nay.
Tuy nhiên, cơ hội để đề nghị ngân sách đầu tiên của ông Trump được Quốc hội thông qua hiện còn mong manh.
Nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu nói bơm tiền vào Bộ Quốc phòng trong khi ‘cắt xén’ ngân sách của Bộ Ngoại giao là điều vô lý vì chức năng của hai Bộ này song hành với nhau.
Mức đề nghị tăng 54 tỷ đô la cho chi tiêu quân sự cũng đòi hỏi phải hủy bỏ mức trần chi tiêu ban hành bởi Đạo luật Kiểm soát Ngân sách 2011.
Ngân sách đề nghị của Tổng thống hiện vấp phải sự phản đối và chỉ trích của phe Dân chủ lẫn phía đảng Cộng hòa. Nhiều khoản trong đề nghị này đối với phe Dân chủ là không hợp lý và có vấn đề đối với phe Cộng hòa, đảng của ông Trump.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida nói các khoản viện trợ nước ngoài là đầu tư nhỏ nhưng có vai trò lớn cho an ninh quốc gia.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của bang South Carolina gọi các khoản cắt giảm ngân sách ông Trump đề nghị áp dụng cho Bộ Ngoại giao là “một cái chết lâm sàng.”
Lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện, bà Nancy Pelosi mô tả: ‘Ngân sách này thật sự là một cái tát vào mặt tương lai của chúng ta.’
Bà Pelosi nói sức mạnh của Hoa Kỳ không chỉ dựa vào quân đội hùng mạnh, mà còn dựa vào các thế hệ trẻ được đào tạo giáo dục tốt, vào sự đầu tư cho an sinh của dân, vào các công trình nghiên cứu y khoa, và vào một môi trường không ô nhiễm. Vì thế, dân biểu này dự đoán ngân sách đề nghị của ông Trump sẽ chết ‘ngay từ trong trứng nước.’
NYT/WP
http://www.voatiengviet.com/a/quan-su-tang-ngoai-giao-giam-duoi-ngan-sach-cua-ong-trump/3770120.html
Nghị sĩ Mỹ yêu cầu Trung Quốc thả công dân gốc Việt
Trước chuyến thăm của tân Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc vào thứ bảy tuần này, các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc phóng thích một công dân Mỹ gốc Việt.
Thư gửi đại sứ Trung Quốc tại Mỹ do 2 Thượng nghị sĩ Bob Corker và Ben Cardin khởi xướng đề nghị trả tự do cho bà Sandy Phan-Gillis, cư dân bang Texas bị giam giữ chưa qua xét xử tại Trung Quốc kể từ ngày 19/3/2015 tới nay.
12 Thượng nghị sĩ đồng ký tên trong thư bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng của bà Phan-Gillis và thúc giục chính phủ Trung Quốc lập tức phóng thích bà.
Thư viết ‘Quan hệ Mỹ-Trung là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới. Chúng tôi trân trọng tầm quan trọng của mối quan hệ xây dựng giữa hai nước. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng việc tiếp tục cầm giữ bà Phan-Gillis không phục vụ cho lợi ích chung của Washington và Bắc Kinh.”
“Chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đến Bắc Kinh là một cơ hội quý giá cho Hoa Kỳ và Trung Quốc tạo môi trường tăng cường quan hệ Mỹ-Trung dưới thời tân chính quyền mới của Mỹ, kể cả các kế hoạch khả dĩ về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập. Phóng thích bà Phan-Gillis sẽ đưa tới việc tạo ra một môi trường như thế, và chúng tôi kêu gọi chính phủ của ông xúc tiến việc này không trì hoãn,” thư của các nhà lập pháp lưỡng đảng ở Thượng viện Mỹ nhấn mạnh.
Bà Phan-Gillis điều hành một công ty tư vấn có mục đích tạo điều kiện cho sự hợp tác làm ăn giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc. Bà bị bắt trong chuyến thăm Trung Quốc cùng với một phái đoàn gồm các doanh nhân của thành phố Houston (Texas) với cáo buộc tội gián điệp.
Bà là người gốc Hoa, sinh ra ở Việt Nam, và đến Mỹ tị nạn cách đây hơn 40 năm.
Trump nói sẽ có bằng chứng Obama nghe lén
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ sớm đưa ra bằng chứng cho thấy cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe lén điện thoại trong Tòa tháp Trump tại New York vào những tuần trước cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Ủy ban Tình báo Hạ viện nói rằng cáo buộc của ông Trump là không có căn cứ, nhưng vào cuối ngày thứ 4, ông Trump nói với kênh truyền hình Fox rằng chính quyền của ông sẽ “đưa ra những tài liệu” lên ban hội thẩm và có lẽ ông sẽ nói về những cáo buộc của ông vào tuần tới.
Ông Trump nói: “Bạn sẽ thấy một số điều đáng chú ý nổi lên trong hai tuần tới.”
“Chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy điều này đã diễn ra. Tôi không nghĩ là có nghe lén trong tòa Tháp Trump.”
Devin Nunes, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện
Nhiều nhà lãnh đạo quốc hội, cả các thành viên của đảng Dân chủ đối lập và thành viên của đảng Cộng hòa của Tổng thống, nói họ không thấy có bằng chứng nào cho thấy ông Obama đã nghe lén điện thoại trong tòa Tháp Trump, tòa nhà chọc trời nơi tỷ phú bất động sản Trump điều hành chiến dịch tranh cử và cũng là nhà của ông trước khi giành được thắng lợi trong cuộc đua vào Toà Bạch Ốc.
Ông Trump hôm 4/3 tung ra những cáo buộc về nghe lén điện thoại chống vị Tổng thống tiền nhiệm bằng một loạt tin nhắn trên Twitter. Một trong số tin nhắn này viết: “Khủng khiếp! Vừa phát hiện ra Obama nghe lén điện thoại tòa Tháp Trump ngay trước khi tôi thắng cử.”
Nhưng ông Obama đã bác bỏ tố cáo đó, nói rằng đó là điều “hoàn toàn sai sự thật”, ông Trump từ đó vẫn không chưng ra bất kỳ bằng chứng nào để hậu thuẫn lời cáo buộc của ông. Trước cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox, ông Trump tránh né các câu hỏi của phóng viên về lời cáo buộc của ông.
Hôm thứ 4, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes của đảng Cộng hòa, người ủng hộ ông Trump, tổ chức một cuộc họp báo về cáo buộc nghe trộm của tổng thống Trump. “Chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy điều này đã diễn ra,” ông nói. “Tôi không nghĩ là có nghe lén trong tòa Tháp Trump.”
Thành viên cao cấp nhất của đảng Dân chủ trong ủy ban, là dân biểu Adam Schiff, cũng đồng ý với ông Nunes. “Cho tới nay, tôi không thấy có bằng chứng nào cho thấy ông Obama ra lệnh nghe lén, không có cơ sở cho bất cứ điều gì như vậy”.
Hai dân biểu Nunes và Schiff cho biết họ đang chờ thông tin của Bộ Tư pháp vào ngày thứ 2 sắp tới để biết liệu cơ quan này có biết về bất kỳ lệnh nghe trộm nào tòa Tháp Trump không, nhưng họ cho biết họ không tìm thấy bất cứ thiết bị nghe lén nào trong khi điều tra. Toà Bạch Ốc yêu cầu tiến hành cuộc điều tra của Quốc hội sau khi ông Trump đưa ra cáo buộc về vụ nghe lén này.
Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng đang xem xét mối quan hệ giữa các phụ tá của ông Trump trong chiến dịch tranh cử với các quan chức Nga trong thời gian chạy đua vào Nhà Trắng của tỷ phú bất động sản và trong vài tuần sau khi ông thắng cử và trước khi nhậm chức vào ngày 20/1.
Dân biểu Nunes cho biết giám đốc James Comey của Cục điều tra Liên bang, cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu của Mỹ, sẽ làm chứng vào ngày thứ 2 trước Ủy ban Tình báo về cáo buộc nghe lén và cuộc điều tra của cơ quan này liên quan tới hành động của Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ nhằm giúp ông Trump thắng cử.
Dân biểu của đảng Cộng hòa cho biết ban hội thẩm vào thứ 6 sẽ được các nhà điều tra Mỹ cho biết tên của những người phụ tá của ông Trump, những người đã nói chuyện với các quan chức Nga ngoài những cuộc tiếp xúc chính thức, những cuộc đối thoại giữa cố vấn an ninh quốc gia bị bãi nhiệm của ông Trump, tướng hồi hưu Michael Flynn và đại sứ Nga tại Washington.
Ông Trump đã loại bỏ ông Flynn sau khi ông này nói dối với Phó Tổng thống Mike Pence về các mối liên hệ của ông với đại sứ Sergey Kislyak.
Một dân biểu hàng đầu của Hoa Kỳ, Lindsey Graham đại diện cho bang South Carolina, tuyên bố: “Tôi sẽ theo vụ này tới cùng. Quốc hội sẽ cho thấy sức mạnh của mình.”
Dân biểu Graham thề rằng nếu cần sẽ triệu FBI ra tòa để xác định liệu có thẩm phán Mỹ nào ra lệnh bí mật nghe lén và giao cho FBI thực hiện lệnh hay không.
Tòa Bạch Ốc tiếp tục tố cáo ông Obama nghe trộm điện thoại
Tòa Bạch Ốc vẫn tiếp tục bênh vực Tổng thống Donald Trump khi ông một mực khẳng định rằng cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe trộm điện thoại của ông tại tòa tháp Trump ở New York.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer phải đối mặt với đông đảo phóng viên tham gia họp báo muốn biết lý do tại sao ông Trump vẫn quả quyết việc nghe lén điện thoại tại toà tháp Trump là điều thật sự xảy ra, bất chấp các nhà lập pháp hàng đầu thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện và Hạ viện đều khẳng định chuyện đó không hề xảy ra.
Ông Spicer nói Tổng thống Mỹ khẳng định đây là điều đã xảy ra. Ông tố cáo các nhà báo là “diễn giải sai lệch” những gì diễn ra trong ủy ban Thượng viện, ông nói thêm rằng Quốc hội Hoa Kỳ vẫn chưa được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan về việc nghe trộm.
Thế nhưng hai thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện, là ông Richard Burr của đảng Cộng hòa và Mark Warner của đảng Dân chủ đã tuyên bố rằng “dựa trên thông tin có được, “chúng tôi không thấy có dấu hiệu cho thấy tòa tháp Trump là đối tượng giám sát bởi bất kỳ yếu tố nào Chính phủ Hoa Kỳ trước hoặc sau ngày bầu cử 2016.”
Hôm thứ tư, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes, người của đảng Cộng hòa và ủng hộ Trump, nói tại một cuộc họp báo về cáo buộc nghe trộm của Trump rằng “chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sự việc đã xảy ra … Tôi không nghĩ có một kẻ nghe trộm nào ở tòa tháp Trump”.
Dân biểu Adam Schiff, lãnh đạo đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng đồng ý với dân biểu Nune:
“Cho đến nay, tôi không thấy có bằng chứng nào để hậu thuẫn lời tố cáo của Tổng thống Trump rằng vị Tổng thống tiền nhiệm đã nghe trộm điện thoại của ông và các cộng sự tại tòa tháp Trump. Cho đến nay chúng tôi thấy lời cáo buộc ấy không có bất kỳ cơ sở sở nào.
Hai nghị sĩ Nunes và Schiff cho biết họ đang chờ cho tới ngày thứ Hai để nhận thông tin từ Bộ Tư pháp để xem liệu cơ quan này có biết tới bất kỳ lệnh nào của tòa án bật đèn xanh để thực hiện vụ nghe trộm ở tòa tháp Trump hay không.
Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu Quốc hội tiến hành điều tra sau khi ông Trump đưa ra lời tố cáo của ông.
Ủy ban Tình báo Thượng viện bác bỏ việc Trump bị nghe lén
“Không có dấu hiệu” chứng tỏ tòa nhà Tháp Trump (Trump Tower) bị chính phủ Hoa Kỳ theo dõi, kể cả trước lẫn sau khi bầu cử, một ủy ban Thượng viện nói.
Tuyên bố của Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, Richard Burr, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng Viện, bác bỏ tố cáo của ông Trump theo đó nói điện thoại của ông đã bị nghe lén.
Ông Trump trước đó nói rằng người tiền nhiệm, Tổng thống Barack Obama, đã nghe lén Tháp Trump trong quá trình tranh cử.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói ông Trump vẫn không thay đổi quan điểm.
“Ông ấy vẫn giữ nguyên quan điểm,” ông Spicer nói trong buổi họp báo hôm thứ Năm 16/3.
Vị thư kí báo chí không chấp nhận báo cáo của Ủy ban Tình báo, nói “đó không phải kết quả thu được.”
TT Trump được yêu cầu đưa bằng chứng
Giám đốc FBI ‘bác’ cáo buộc nghe lén
Ông Spicer trích dẫn một tường thuật vô căn cứ của Fox News theo đó nói ông Obama đã tránh né luật Mỹ bằng cách yêu cầu GCHQ của Anh, cơ quan chuyên thu thập tin tức tình báo từ các hoạt động thông tin liên lạc trên toàn cầu, theo dõi ông Trump, một cáo buộc mà GCHQ nói là “hoàn toàn nực cười”.
Nhiều quan chức Quốc Hội cũng bác tố cáo nghe lén
Ông Burr là một trong số các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa bác bỏ tố cáo nghe lén.
“Dựa trên những thông tin đã có, chúng tôi không thấy dấu hiệu chứng tỏ Tháp Trump bị bất cứ đơn vị nào thuộc chính phủ Mỹ theo dõi kể cả trước và sau Ngày Bầu cử 2016,” ông Burr nói trong một tuyên bố chung với phó chủ tịch ủy ban, Thượng nghị sĩ Mark Warner.
Trước đó cũng cùng ngày 16/3, Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan cũng nói “không hề có vụ nghe lén nào”.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ Viện Devin Nunes, thành viên Cộng hòa, cũng nói hôm thứ Tư rằng ông không tin là “có chuyện nghe lén ở Tháp Trump”.
Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm ông Trump đổi ý; ông nói với Fox News hôm thứ Tư rằng “vụ nghe lén đã lấy được rất nhiều thứ.”
Ông cũng tỏ ý rằng các tin tức chi tiết về cáo buộc nghe lén sẽ được tiết lộ trong vài tuần tới.
“Việc nghe lén được thực hiện đối với rất nhiều thứ khác nhau. Tôi tin là quý vị sẽ thấy một số điều thú vị trên tin tức trong hai tuần tới,” ông Trump nói trong một buổi phỏng vấn tối thứ Tư.
Ông Trump đồng tình với những bình luận của thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer, người nói rằng khi tổng thống nói “nghe lén” là muốn nói tới việc “giám sát và những hành vi theo dõi khác”.
Nhà Trắng hiện vẫn chưa đưa ra những bằng chứng nào cho lời cáo buộc của tổng thống, và thay vào đó yêu cầu Quốc hội hãy kiểm chứng lại cáo buộc như một phần điều tra về việc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm ngoái.
Các giới chức sau đây tuyên bố không hề có bằng chứng nghe lén:
Cựu tổng thống Barack Obama
Giám đốc FBI James Comey
Cựu Giám Đốc Tình báo quốc gia James Clapper
Cựu Giám Đốc CIA John Brennan
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ Viện thuộc đảng Cộng Hòa Devin Nunes
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng Viện John McCain
Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan
Cựu Chánh Văn Phòng Phủ Tổng thống Denis McDonough
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39300511
Không kích ở bắc Syria, 42 người chết
Một cuộc không kích nhắm vào một đền thờ Hồi giáo ở bắc Syria đã giết chết 42 người và làm nhiều người bị thương, theo Đài quan sát Nhân quyền Syria.
Đài quan sát có trụ sở tại London cho biết họ không thể xác định máy bay của lực lượng nào đã tiến hành cuộc đột kích hôm thứ Năm ở quận Jennah, tỉnh Aleppo.
Quân đội Hoa Kỳ cho biết đã thực hiện một cuộc tấn công nhắm vào một cuộc họp của al-Qaeda gần một đền thờ Hồi giáo ở miền bắc Syria. Đại tá John J. Thomas, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Miền Trung Hoa Kỳ nói rằng: “Chúng tôi không nhắm tấn công một đền thờ Hồi giáo, mục tiêu của chúng tôi là tòa nhà nơi đang diễn ra cuộc họp, cách nhà thờ khoảng 15 mét. Đền thờ Hồi giáo vẫn còn đó.”
Quân đội Syria và Nga cũng tiến hành các cuộc không kích trong khu vực này.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria nói rằng đền thờ Hồi giáo lúc đó rất đông người cầu nguyện và tham gia thánh lễ buổi tối.
Tổ chức này cho biết hơn 100 người bị thương, nhiều người còn bị kẹt trong các đống đổ nát của đền thờ Hồi giáo bị sập.
Đại tá Thomas nói:
“Chúng tôi sẽ xem xét bất kỳ cáo buộc nào về số thương vong nơi thường dân liên quan đến cuộc tấn công này. Chúng tôi coi đây là một vấn đề quan trọng.”
Cuộc không kích xảy ra một ngày sau khi diễn ra các cuộc tấn công tự sát tại thủ đô Damascus, giết chết ít nhất 30 người, đúng 6 năm từ khi cuộc xung đột Syria khởi sự.
Cuộc nội chiến đã giết chết 400,000 người, làm bị thương hơn 1 triệu người, và buộc phân nửa dân số Syria phải dời cư.
http://www.voatiengviet.com/a/3770458.html
Đài Loan ‘đủ sức’ bắn phi đạn vào Trung Quốc
Lần đầu tiên Đài Loan tuyên bố công khai là đảo này có khả năng phóng phi đạn đến Trung Quốc trong lúc chính phủ công bố một phúc trình quốc phòng quan trọng hôm 16/3 cảnh báo về nguy cơ xâm lược ngày càng cao từ Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn xem Đài Loan như một phần lãnh thổ có thể sáp nhập lại bằng vũ lực nếu cần. Đài Loan là một đảo tự trị kể từ khi hai bên tách rời sau cuộc nội chiến năm 1949.
Các mối quan hệ giữa hai bên đã tệ hại hơn kể từ khi Tổng thống Thái Anh Văn lên cầm quyền vào năm ngoái.
Đọc bản phúc trình được soạn thảo 4 năm một lần, trước Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Feng Shih-kuan trả lời “Có” khi được một nhà lập pháp hỏi rằng Đài Loan có khả năng bắn vào Hoa lục hay không.
Nhà lập pháp Wang Ting-yu nói với thông tấn xã AFP “Đây là lần đầu tiên Bộ quốc phòng xác nhận điều này” rằng phi đạn của Đài Loan có thể bay hơn 1.500 kilômét.
Trong quá khứ, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết đã sản xuất phi đạn hành trình nhưng chưa bao giờ công khai khả năng của phi đạn.
Phúc trình vừa kể cũng cam kết củng cố mặt trận quân sự để bảo vệ Đài Loan.
Trung Quốc có hơn 1.500 phi đạn nhắm vào Đài Loan, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết.
Quân đội của Đài Loan khoảng 200.000 binh sĩ chỉ bằng một phần nhỏ của đội quân 2,3 triệu quân của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan hy vọng nâng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP vào năm sau, nghĩa là cao hơn so với 2% năm nay và cũng là phần ngân sách cao nhất dành cho quân đội trong 10 năm.
Kể từ khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền, Bắc Kinh siết mọi liên lạc chính thức với Đài Bắc và gia tăng các cuộc tập trận gần Đài Loan tiếp sau cuộc điện đàm giữa bà Thái với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hoa Kỳ là đồng minh hùng mạng nhất của Đài Loan và là nguồn cung cấp vũ khí chính, dù hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức sau khi Washington chuyển sang công nhận Bắc Kinh vào năm 1979.
Nguồn AFP/CNA
http://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-tuyen-bo-co-kha-nang-tan-cong-trung-quoc/3769581.html
THAAD sắp tới Hàn Quốc
Radar băng tần X, yếu tố cốt lõi trong hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Mỹ sắp tới Hàn Quốc, hãng tin Yonhap dẫn lời giới chức quân sự ngày 16/3.
Một giới chức quân sự Hàn Quốc không muốn nêu tên cho hay radar băng tần X không tới trong ngày 16/3 nhưng sẽ sớm được chuyển giao cho Hàn Quốc.
Trước đó, đài địa phương KBS của Hàn Quốc đưa tin radar AN/TPY-2 sẽ tới căn cứ không quân Osan vào sáng ngày 16/3, nhưng một giới chức thuộc Tư lệnh Lực lượng Phối hợp (CFC) nói với Tân hoa xã rằng không thể xác nhận tin đó.
Giới chức CFC cho biết dù các thành phần khác của THAAD, kể cả radar băng tần X, có tới Hàn Quốc thì cũng sẽ không được loan báo công khai vì các bí mật vận hành.
Hôm 6/3, hai bệ phóng di động và một phần các thiết bị của THAAD đã được bàn giao tới căn cứ không quân Osan và được đưa tới một căn cứ khác.
Hệ thống THAAD bao gồm 6 bệ phóng di động, 48 phi cơ nghênh cản, một radar băng tần X, và một đơn vị điều khiển. Các thành phần này dự kiến sẽ lần lượt được đưa tới Hàn Quốc từng phần một.
Nhiều nhà quan sát cho rằng với THAAD, Hàn Quốc sẽ bước vào mạng lưới phòng thủ phi đạn của Mỹ tại Đông Bắc Á để kiềm chế Nga và Trung Quốc.
Cả Trung Quốc lẫn Nga đã mạnh mẽ phản đối hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ tại Hàn Quốc vì cho rằng việc này sẽ phá vỡ cân bằng chiến lược khu vực và đe dọa lợi ích an ninh của Moscow và Bắc Kinh.
Radar băng tần X thuộc THAAD có thể xâm nhập sâu vào lãnh thổ của Nga và Trung Quốc.
http://www.voatiengviet.com/a/thaad-sap-toi-han-quoc/3769586.html
Châu Á trông chờ Trung Quốc kéo tăng trưởng cho khu vực
Trong lúc chưa thấy rõ định hướng chính sách kinh tế của Mỹ, các nền kinh tế Ðông Nam Á dường như bớt trông đợi vào những chính sách tiền tệ của Mỹ. Các nhà phân tích nhận định rằng ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục mở rộng trong khu vực.
Hôm thứ Năm 16/3, trong một dấu hiệu cho thấy nền tài chánh của khu vực châu Á trở nên độc lập hơn giữa lúc hầu hết các thi trường trong khu vực không bị kéo theo bởi quyết định tăng lãi suất lên 0,25% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Nhưng Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore cũng tăng lãi suất lên.
Các nhà phân tích của viện nghiên cứu kinh tế Capital Economics ở London nói rằng đối với hầu kết các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, chính sách lãi suất được quyết định dựa trên những yếu tố trong nước hơn là hành động của ngân hàng trung ương Mỹ.
Ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng tăng trong lúc các nền kinh tế châu Á đẩy mạnh trao đổi thương mại với Trung Quốc. Sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực nổi bật sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi đầu năm nay, theo quyết định của Tổng thống Donald Trump.
TPP trước đó là một diễn đàn chính sách then chốt của kế hoạch xoay trục sang châu Á để mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực dười thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Kinh tế gia Thái Lan Somphob Manarangsan nói chính sách “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh nhằm củng cố những liên hệ với nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc sẽ đẩy nhanh đà hội nhập kinh tế trong khu vực.
Ông Somphob nói: “Từ nay Trung Quốc có thể tích cực mở rộng hoạt động trong khu vực Ðông Nam Á. Như chúng ta đều biết kinh tế Trung Quốc dựa vào hoạt động sản xuất ổn định vững mạnh, do đó Trung Quốc phải có sự tương tác lớn hơn trong dây chuyền cung ứng và trong chuỗi giá trị, và có thể thay thế thị trường Mỹ ngày càng trở nên không chắc chắn.”
Nhà kinh tế Thái Lan nhận định rằng trong lúc ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đang mở rộng trong khu vực, ảnh hưởng chính trị và xã hội của Bắc Kinh cũng tăng theo.
Tình trạng bất định trong chính sách kinh tế của Mỹ đối với khu vực châu Á, nhất là trong lãnh vực thương mại sau những phát biểu của Tổng thống Trump trong cuộc vận động tranh cử — rằng Mỹ sẽ có lập trường cứng rắn hơn liên quan tới các trao đổi thương mại với Trung Quốc, ông còn tố cáo Trung Quốc là “thao túng tiền tệ.”
Ông Somphob nói chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ rốt cuộc sẽ đẩy các nước châu Á vào một cuộc đấu tranh khó khăn khi bất cứ bất đồng lớn nào trong các quan hệ song phương với Trung Quốc sẽ có tác động đáng kể trên toàn khu vực.
Kinh tế gia này nhận định: “Tình trạng này khá nghiêm trọng. Như chúng ta đều biết Trung Quốc là một nhà cung ứng quan trọng trong khu vực. Điều đó sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước ASEAN, và cũng ảnh hưởng đến cả Nhật Bản và Hàn Quốc.”
Quan hệ thương mại của Ðông Nam Á với Trung Quốc gia tăng trong thập niên qua, nhất là hàng hóa bán vào Trung Quốc, để rồi sau đó xuất khẩu ra các thị trường lớn của thế giới, như thị trường Mỹ.
Kinh tế gia kỳ cựu Cyn-Young Park của Ngân hàn Phát triển Á châu (ADB) nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của của các nền kinh tế mới nổi ở Ðông Nam Á trong thời gian qua đã “chịu tác động bởi tăng trưởng bùng nổ của kinh tế Trung Quốc.”
Sự dịch chuyển trong vai trò của thị trường Mỹ là một bằng chứng, đó là xuất khẩu của Ðông Nam Á vào Mỹ giảm từ 50% tổng lượng xuất khẩu vào những năm 1990 xuống mức dưới 29% như hiện nay.
Nhưng kinh tế gia Park cũng cảnh báo rằng bất cứ một cú sốc nào trong nền kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế trong khu vực.
Ông Park nói: “Nền kinh tế mới nổi của Đông Á ít nhiều đã hòa nhập với kinh tế toàn cầu, và do đó một cú sốc của kinh tế toàn cầu, cho dù là trong lãnh vực thương mại hay tài chánh trên các thị trường thế giới, sẽ tác động lớn hơn đối với khu vực này.”
Bà Pavida Pananond, giáo sư kinh tế tại Đại học Thammasat ở Bangkok, nói rằng tăng trưởng kinh tế ổn định trong mấy thập niên qua đã củng cố các nền kinh tế nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
Bà Pavida nói: “Và đó là lý do tại sao sự chú ý chuyển sang việc hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á, hay sự tập trung vào khu vực, không chỉ vì các chính sách của ông Trump, nhưng là những thay đổi lớn trong siêu cường kinh tế đã diễn ra trong vài thập niên qua.”
Sức mua của người tiêu dùng tăng mạnh tại châu Á đang giữ một vai trò quan trọng. Trung Quốc đang tăng trưởng. Trung Quốc đang trở thành một nơi xuất phát và điểm đến quan trọng cho thương mại và đầu tư của các nước ASEAN.
Ngân hàng Thế giới cảnh báo các nền kinh tế trong khu vực về “sự không rõ ràng trong chính sách của các nền kinh tế phát triển đang nổi lên” nhất là châu Âu và Mỹ đang tỏ ra ủng hộ chính sách bảo hộ mậu dịch.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nói: “Quan điểm chính trị chống thương mại tự do đang tăng mạnh đã góp phần làm tăng các hạn chế thương mại sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.”
“Các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng các rào cản thương mại sẽ gây ảnh hưởng không tương xứng đến các nền kinh tế tương đối mở ở châu Á-Thái Bình Dương.”
Ngân hàng này nói thêm rằng “tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại nhiều hơn dự đoán sẽ ảnh hưởng lớn trên toàn khu vực.”
Nhưng các chuyên gia ở viện nghiên cứu Capital Economics nhận xét rằng tân chính quyền Mỹ hình như tỏ ra ít muốn đối đầu về thương mại với Trung Quốc hơn là những gì dư luận lo ngại.
Kinh tế gia Gareth Leather của Capital Economics nhận định: “Mối đe dọa được gọi Trung Quốc thao túng chỉ tệ trong ngày đầu nhậm chức của Tổng thống Trump đã không biến thành hiện thực, chuyện nâng hàng rào thuế quan cũng bị lãng quên, trong khi sự chú ý hiện nay tập trung vào vấn đề an ninh biên giới và điều chỉnh thuế doanh nghiệp.”
Âu-Mỹ: Liệu thủ tướng Đức có thuyết phục được
Donald Trump tăng cường hợp tác với châu Âu?
Hôm nay 17/03/2017, tại Washington, diễn ra cuộc hội kiến được trông đợi giữa thủ tướng Đức Angela Merkel và tân tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo các nhà quan sát, gần như không có gì tương đồng giữa hai lãnh đạo Đức và Mỹ. Một bên là nhà tỉ phú nổi tiếng với tính khí cực đoan, bốc đồng, mới chân ướt chân ráo tham gia chính trường, và có quan điểm coi « nước Mỹ trên hết », bảo hộ mậu dịch, bài Liên Hiệp Châu Âu, và bên kia là một chính trị gia kỳ cựu, nổi tiếng thận trọng, được hy vọng là trụ cột của các quốc gia dân chủ. Câu hỏi đặt ra là : Liệu thủ tướng Đức có thuyết phục được tân tổng thống Mỹ là hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu thì có lợi cho nước Mỹ, xây dựng quan hệ đối tác trên nền tảng các bên cùng có lợi thì tốt hơn là co cụm ?
Mặc dù trước cuộc gặp này, chính quyền Mỹ tìm cách nhấn mạnh quan hệ với Đức là rất quan trọng và cuộc gặp sắp tới sẽ « thân thiện và rất tích cực », cũng như Mỹ rất cần đến Đức để đối xử với Nga, nhưng nhiều người lo ngại cho triển vọng cuộc hội kiến này.
Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio từ Washington giải thích :
« Donald Trump đã ca ngợi việc Anh Quốc rời Liên Hiệp Châu Âu trong suốt thời gian tranh cử. Ông Trump cũng phê phán chính sách tiếp đón người tị nạn của thủ tướng Đức. Đối với ứng cử viên Donald Trump, đây chính là điều hoàn toàn không được làm. Việc đề cập đến chủ đề này hứa hẹn sẽ tế nhị.
Thủ tướng Đức Angela Merkel từng là người thân cận với tổng thống tiền nhiệm Mỹ Barack Obama. Bà Merkel được coi là biểu tượng của một châu Âu nỗ lực đi về phía trước trong cơn bão tố. Ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử, bức thư chúc mừng từ Berlin đã khiến Washington ngạc nhiên.
Thông điệp của bà Merkel gửi đến người đắc cử tổng thống giống như một bài học đạo lý : ‘‘Nước Đức cũng như Hoa Kỳ là các nền dân chủ, được xây dựng trên cơ sở tôn trọng phẩm giá con người, bất kể nguồn gốc xuất thân, mầu da, tôn giáo hay giới tính’’. Thủ tướng Đức khẳng định : ‘‘Tôi sẵn sàng làm việc với tổng thống Trump trên nền tảng này’’.
Về phần mình, Nhà Trắng khẳng định Washington muốn thiếp lập quan hệ giữa Nhà nước với Nhà nước, và Hoa Kỳ không quan tâm đến các thỏa thuận thương mại đa phương, ví dụ như với Liên Hiệp Châu Âu. Điều đó cũng có nghĩa sẽ là dấu chấm hết cho các thương lượng với Liên Âu ».
Theo các nhà quan sát, thủ tướng Đức sẽ có thái độ thận trọng trong cuộc gặp đầu tiên với tổng thống Mỹ Donald Trump, bởi mục tiêu của chuyến công du này là « làm quen » với tân lãnh đạo Mỹ, như giải thích của người phát ngôn của bà Angela Merkel. Thủ tướng Đức đã chuẩn bị cho cuộc gặp tổng thống có tính khí thất thường này bằng cách xem kỹ các phát biểu trước đây của ông Trump. Một số cố vấn cũng khuyên bà, nên đưa ra các thông điệp ngắn gọn, để có thể lọt tai tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, dù gì đi chăng nữa, theo nhiều chuyên gia, thủ tướng Đức cũng phải khẳng định được quyết tâm chính trị hàn gắn các quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Bà Daniela Schwarzer, chuyên về các quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhận định : « Để được lắng nghe, thủ tướng Đức phải đến đây với một thông điệp mạnh. Có nghĩa là bà phải khẳng định quyết tâm chính trị tái lập các quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn hơi bị sứt mẻ trong những tuần cầm quyền đầu tiên của Donald Trump, cùng lúc bà cũng lại phải giải thích được với tổng thống Mỹ Donald Trump là châu Âu và nước Đức có lợi như thế nào ».
Để thuyết phục Donald Trump về lợi ích của tự do mậu dịch, đi cùng đoàn của bà Merkel có đại diện của ba tập đoàn lớn của Đức : Siemens, BMW và Schaeffler. « Để làm không khí thư giãn », theo như các bình luận từ Berlin. Lãnh đạo các công ty này sẽ phải giải thích với tổng thống Mỹ là doanh nghiệp Đức đã đóng góp cho nền kinh tế Hoa Kỳ bằng cách tạo thêm hàng chục nghìn việc làm.
AFP trích lời một quan chức Hoa Kỳ mới đây, theo đó Nhà Trắng vẫn chưa quyết định chôn vùi hoàn toàn thỏa thuận tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương TTIP, vốn được thảo luận rất cam go từ năm 2013.
Trong một động thái khác, như để bắn tiếng với tổng thống Mỹ, hôm qua thứ Năm 16/03, thủ tướng Đức và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm. Theo một thông báo của văn phòng thủ tướng Đức, hai bên nhất trí cổ vũ cho tự do mậu dịch toàn cầu và hợp tác trong khuôn khổ G20. Hôm nay, bộ trưởng Thương Mại Đức tuyên bố, Berlin có thể kiện Washington lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), nếu tổng thống Trump thi hành dự án tăng thuế nhập khẩu đối với xe hơi Đức.
Hồng Kông : Ba thanh niên
biểu tình phản đối Bắc Kinh bị phạt tù
Hôm nay, 17/03/2017, một tòa án Hồng Kông đã xử tù ba năm đối với ba thanh niên, tham gia vào một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hồi năm 2016. Phán quyết được đưa ra hơn một tuần trước khi Hồng Kông bầu lãnh đạo đặc khu mới.
Ba người vừa bị kết án gồm hai sinh viên và một người đầu bếp có tuổi lần lượt là 20, 23 và 33. Họ không phải là các nhà tranh đấu nổi tiếng. Luật sư bào chữa giải thích là các thân chủ muốn phản kháng lại chính quyền Hồng Kông, bị coi là con rối trong tay Trung Quốc.
Trong cuộc biểu tình diễn ra vào dịp Tết Nguyên Đán năm ngoái, đụng độ khiến khoảng một trăm người bị thương, trong đó có người biểu tình, phóng viên và cảnh sát. Mục tiêu trực tiếp của những người biểu tình là ủng hộ những người bán hàng rong bị cảnh sát xua đuổi. Khoảng 60 người đã bị câu lưu trong vụ này.
Cuộc biểu tình nói trên diễn ra trong không khí tranh đấu của các phong trào đòi nhiều quyền tự trị hơn cho Hồng Kông, được hàng chục nghìn người tham gia. Theo các nhà quan sát, phong trào trỗi dậy sau khi cuộc phản kháng « Dù Vàng » chống lại sự can thiệp của Trung Quốc, hồi mùa thu 2014, thất bại.
Giới tranh đấu Hồng Kông kêu gọi xuống đường vào ngày 26/03, ngày bầu lãnh đạo mới của đặc khu hành chính Hồng Kông. Nhiều người cho rằng cuộc bầu cử hoàn toàn bị chính quyền Hoa lục thao túng. Phần lớn trong số 1.194 thành viên của ủy ban bầu cử thuộc về các hội đoàn nghề nghiệp thân Bắc Kinh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170317-hong-kong-ba-thanh-nien-bieu-tinh-phan-doi-bac-kinh-bi-phat-tu
Pháp : Điều tra về quần áo đắt tiền của Fillon
Hãng tin AFP trích dẫn một nguồn tin tư pháp hôm qua, 16/03/2017, cho biết là viện công tố tài chính quốc gia của Pháp đã mở rộng cuộc điều tra về ứng cử viên cánh hữu François Fillon sau tiết lộ của tờ Le Journal du Dimanche về quà tặng quần áo đắt tiền của ông.
Tờ báo này cho biết là tháng 2 vừa qua, một nhân vật ẩn danh đã thanh toán tổng cộng 13.000 euro cho hai bộ complet mà ông Fillon đặt mua tại một hiệu may. Trước đó, cũng tại hiệu may này, nhân vật nói trên đã trả dùm cho ứng cử viên cánh hữu 35.500 euro bằng tiền mặt, tổng cộng là 48.500 triệu euro từ năm 2012.
Các điều tra đang cố xác định ai là nhân vật bí hiểm đã hào phóng với ông Fillon như thế và nhân vật này có quan hệ thế nào với cựu thủ tướng Pháp, để từ đó xác định xem đây có thể là một vụ hối mại quyền thế hay không.
Ông Fillon hiện là dân biểu Quốc Hội và theo quy định, các dân biểu phải khai báo mọi quà tặng trị giá trên 150 euro, nếu món quà này có liên hệ với chức vụ của họ, ngoại trừ quà tặng của người thân.
Sau tiết lộ của tờ Le Journal du Dimanche, ông Fillon đã tố cáo đây là một mưu toan mới nhằm làm mất uy tín của ông, khẳng định là những bộ quần áo nói trên không dính dáng gì đến chính trị.
Hôm thứ ba vừa qua, ứng cử viên cánh hữu đã bị khởi tố với tội danh « biển thủ công quỹ, đồng lõa và tàng trữ tiền biển thủ công quỹ », trong nghi án tạo việc làm giả cho vợ con với tư cách trợ lý nghị sĩ.
Ứng cử viên Macron gặp thủ tướng Đức Merkel
Hôm qua, tại Berlin, ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng Kinh Tế, đã được gặp thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuyên bố với báo chí sau cuộc gặp này, ông Macron, một trong những ứng cử viên có triển vọng đắc cử nhất, đã nhấn mạnh đến những điểm tương đồng về quan điểm với thủ tướng Đức trên các vấn đề châu Âu. Tuy nhiên, ứng cử viên Macron khẳng định ông đến Berlin không phải để được thủ tướng Merkel ủng hộ. Trước đó, vào cuối tháng Giêng, bà Merkel cũng đã tiếp ứng cử viên cánh hữu François Fillon.
http://vi.rfi.fr/phap/20170317-phap-dieu-tra-ve-quan-ao-dat-tien-cua-fillon
Liên Hiệp Quốc lo ngại Mỹ giảm đóng góp tài chính
Hôm qua, 16/03/2017, Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ mối quan ngại về ngân sách đầu tiên mà tổng thống Donald Trump đề nghị với Quốc Hội Mỹ.
Ngân sách này cắt giảm rất nhiều nguồn tài chính cho ngoại giao và môi trường, và tăng mạnh chi tiêu quân sự, đồng thời giảm mức đóng góp tài chính của Hoa Kỳ cho Liên Hiệp Quốc. Tuy ngân sách mà tổng thống Trump đề nghị khó mà có khả năng được Quốc Hội Mỹ chấp thuận, nhưng nó đã gây quan ngại cho Liên Hiệp Quốc.
Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier gởi về bài tường trình :
Ngân sách của chính phủ Mỹ còn lâu mới được thông qua hoàn toàn, đó là điều mà phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhắc lại hôm qua. Ông Stéphane Dujarric cám ơn Hoa Kỳ về đóng góp tài chính rất lớn của nước này từ bao lâu nay, nhưng ông không che giấu mối quan ngại.
Ông Dujarric nhìn nhận rằng Liên Hiệp Quốc cần phải cải tiến hoạt động, nhưng thúc đẩy quá nhanh tiến trình này là một điều rất nguy hiểm. Ông nói : Tổng thư ký quyết tâm cải tổ Liên Hiệp Quốc và sẽ bảo đảm cho tổ chức này có thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đạt những kết quả một cách hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, cắt giảm đột ngột các nguồn tài chính sẽ buộc Liên Hiệp Quốc đưa ra những biện pháp nhất thời có thể gây tổn hại cho các nỗ lực cải tổ trong dài hạn. »
Liên Hiệp Quốc khẳng định rất hiểu và ủng hộ quyết tâm của Hoa Kỳ gia tăng chống khủng bố, nhưng nhấn mạnh rằng các phương tiện quân sự sẽ không đủ để đạt mục tiêu đó, mà còn phải dựa trên những phương tiện khác như ngoại giao, phát triển, nhân quyền….. Theo Liên Hiệp Quốc, các quốc gia cần phải sát cánh với nhau, thay vì thu mình lại. Phát ngôn viên Dujarric nhắc lại rằng cộng đồng quốc tế đang đối diện với những thách thức to lớn và những thách thức này chỉ có thể được giải quyết bằng một cơ chế đa phương vững mạnh và hữu hiệu, mà trong đó Liên Hiệp Quốc vẫn là cột trụ chính.
Hoa Kỳ vẫn là nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho Liên Hiệp Quốc và là một trong những thành viên có thế lực nhất. Việc Hoa Kỳ giảm bớt đóng góp làm suy yếu không chỉ ngân sách của Liên Hiệp Quốc mà cả toàn bộ định chế này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170317-ngan-sach-cua-my-gay-lo-ngai-cho-lien-hiep-quoc