Tin Việt Nam – 16/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 16/03/2017

‘Tại sao tôi phản đối Tom Hayden?’

Thượng nghị sỹ gốc Việt của tiểu bang California giải thích lý do khiến bà phản đối cố Thượng nghị sỹ Tom Hayden, nhân vật từng tham gia phản đối chiến tranh Việt Nam và là chồng cũ của diễn viên điện ảnh Jane Fonda.

Ông Tom Hayden qua đời hồi tháng 10/2016.

Bà Janet Nguyễn mở đầu phần phát biểu hôm 23/2 bằng tiếng Việt, sau đó nói bằng tiếng Anh, phản đối việc ông Tom Hayden “ủng hộ Cộng sản Việt Nam”.

“Tôi và những người con của Chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa sẽ không bao giờ quên sự ủng hộ của cựu Thượng nghị sỹ Tom Hayden cho Cộng sản Việt Nam và sự đàn áp của Cộng sản Việt Nam đối với người dân Việt Nam.

“Sau 40 năm, việc làm của các vị như ông đã hại người dân Việt Nam và đã ngăn cản những người Việt Nam vượt biên như gia đình chúng tôi đến đất nước tự do Hoa Kỳ.”

Chỉ vài chục giây sau khi phát biểu, bà Janet Nguyễn nhiều lần được yêu cầu ngừng và ngồi xuống trước khi bị tắt mic và Thượng nghị sỹ Bill Monning nói bà vi phạm nội quy, đồng thời yêu cầu nhân viên an ninh đưa ra khỏi phòng họp Thượng viện California.

Trong cuộc phỏng vấn với Hồng Nga tại văn phòng của bà ở Garden Grove, Quận Cam, hôm 11/3, bà Janet Nguyễn nói:

“Nhiều người ở Thượng viện [vẫn] nghĩ ông Tom Hayden là đúng, đồng thời các cộng đồng khác cũng nhìn vào Thượng viện, nên tôi muốn đưa ra trải nghiệm của một người tỵ nạn, một người con của một cựu chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa.

Đó không chỉ là lời nói của Janet, mà là lời nói của người Mỹ gốc Việt ở khu vực này, ở tiểu bang California.

Nhiều người nói ông ta tốt, ông ta là một anh hùng. Thì chúng tôi nói lại: có thể ông ta là người anh hùng đối với quý vị, chứ không phải đối với chúng tôi, và chúng tôi muốn cho quý vị biết về hành động của ông ta.

“Thượng viện phải bảo vệ quyền lợi của người dân. 40 thượng nghị sỹ đại diện cho 40 triệu người dân Cali. Nếu ở Thượng viện mà [tôi] bị bịt miệng thì ở đâu người ta cũng có thể bị bịt miệng. Các thượng nghị sỹ bên đảng Dân chủ đã sai.

Cho tới nay, họ vẫn không chịu xin lỗi cộng đồng [người Mỹ gốc Việt].”

Thiếu tế nhị?

Khi được hỏi liệu mang chuyện 40 năm trước ra để chỉ trích một người cũng không còn sống nữa, liệu có phải là thiếu tế nhị hay không, bà Janet Nguyễn nói:

“Hai hôm trước đó, Thượng viện tổ chức vinh danh ông Tom Hayden cho dù ông ta làm thượng nghị sỹ từ hai chục năm trước rồi, chúng tôi đã có sẵn giấy tờ chuẩn bị phát biểu rồi. Nhưng khi bước vào Thượng viện, thấy gia đình ông ngồi đấy với bạn bè và một số cựu thượng nghị sỹ từng làm việc với ông, chúng tôi quyết định không phát biểu mà sang phòng khác ngồi một tiếng rưỡi đồng hồ.

Chúng tôi tôn trọng gia đình ông ta và đã im lặng. Hai ngày sau chúng tôi mới phát biểu để bày tỏ quan điểm về ông ta.

Về thủ tục thì chúng tôi đã cho văn phòng ông Chủ tịch Thượng viện biết. Trong email của văn phòng ông gửi lại cho chúng tôi, họ nói là cần tôn trọng quan điểm của những người khác về ông Tom Hayden và nếu bà muốn phát biểu gì thì nên viết đăng trên Facebook hay website, nếu ngày mai bà nói gì tại Thượng viện thì sẽ bị coi là vi phạm.

Họ đã hăm dọa tôi thế đấy.”

Bà Janet Nguyễn bác bỏ rằng quyết định lên tiếng của bà mang tính chính trị và nói đây chỉ là cất tiếng nói đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Bà nói bà rất mừng vì đã được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng, đồng thời kêu gọi người gốc Việt đoàn kết để “nâng cao tiếng nói của chúng ta”.

Sau 40 năm, chúng ta mới có một thượng nghị sỹ gốc Việt. Nếu đứng đó mà không cất tiếng người ta sẽ nghĩ là cộng đồng của chúng ta không mạnhTNS Janet Nguyễn

“Sau 40 năm, chúng ta mới có một thượng nghị sỹ gốc Việt. Nếu đứng đó mà không cất tiếng người ta sẽ nghĩ là cộng đồng của chúng ta không mạnh, không ra gì.

Thực ra chúng ta đã lớn mạnh lắm rồi, con cái chúng ta đã là bác sỹ, nha sỹ, kỹ sư… và người nào ứng cử ở đây đều phải cần lá phiếu của người Mỹ gốc Việt chúng ta.

Chúng ta phải đoàn kết, cho họ biết sức mạnh của cộng đồng chúng ta”.

‘Nếu theo đúng nội quy sẽ tốt đẹp hơn nhiều’

Trong khi đó cũng có ý kiến cho rằng việc làm của bà Janet Nguyễn là “chính đáng” nhưng cần cân nhắc kỹ càng hơn.

Luật sư Lê Công Tâm, người từng hợp tác với bà trong nhiều năm, nói: “Nếu bà Janet Nguyễn đi theo đúng nghị trình và nội quy của Thượng viện thì sẽ tốt đẹp hơn nhiều”.

Luật sư Tâm, nay làm phụ tá cho một giám sát viên gốc Việt tại Quận Cam, giải thích: “Nếu bà gây khó cho họ ở Thượng viện thì họ cũng sẽ gây khó khăn ngược lại cho bà”.

“Cộng đồng gốc Việt, nhất là ở Quận Cam, đưa bà lên làm đại diện cho họ với bao nhiêu đóng góp về tinh thần và vật chất. Họ kỳ vọng ở bà, là nay họ có người đại diện cao cấp nhất tại Quốc hội của tiểu bang để bảo vệ quyền lợi cho họ.

Thế nhưng nay nếu bà không tuân thủ nội quy Thượng viện thì những dự luật mà bà đưa ra tại đó họ có thể bỏ qua, coi không có giá trị. Đó là thiệt thòi lớn cho cộng đồng người Việt.

Đáng ra nếu muốn bày tỏ chính kiến, bà nên làm ngay ngày ông Tom Hayden mất 23/10/2016. Đó cũng là kỷ niệm ngày trưng cầu dân ý thiết lập Đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam.

Thế nhưng bà chọn thời điểm này, khi mà bà chuẩn bị phải tái tranh cử năm 2018 nên có thể hành động của bà bị xem là động cơ thiếu trong sáng.

Nhất là bà thuộc đảng thiểu số ở Thượng viện California, đối chọi với đảng chiếm đa số tuyệt đối là đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ bên ông Tom Haydon kiểm soát Thượng viện có thể gây khó dễ cho chính sách của bà”.

Tuy vậy, Luật sư Lê Công Tâm cho rằng ủng hộ của cộng đồng gốc Việt ở địa phương dành cho Janet Nguyễn vẫn rất lớn.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39290139

 

Vì sao lộ video tướng công an

nói về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc-Mỹ?

Trong tuần qua, trên mạng xã hội đã lan truyền một video dường như bị rò rỉ có nội dung một viên tướng công an Việt Nam nói chuyện về những vấn đề lớn trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Đoạn video dài hơn 30 phút cho thấy một người đàn ông khoảng 55 tuổi mặc cảnh phục với quân hàm thiếu tướng đứng phát biểu trước cử tọa khoảng 30 người trong một hội trường khá rộng.

Sân khấu của hội trường được trang trí với khẩu hiệu về Đảng Cộng sản Việt Nam, cờ đảng bên cạnh quốc kỳ Việt Nam, tượng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm panô có dòng chữ “Lớp cập nhật kiến thức cho cán bộ nguồn năm 2016”.

Ở Việt Nam, khái niệm “cán bộ nguồn” nghĩa là những người có triển vọng trở thành lãnh đạo trong các cơ quan chính quyền.

Bảng chữ trên video nói diễn giả là Giáo sư Tiến sĩ Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, đồng thời là Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân.

VOA không thể liên lạc với ông Long để hỏi về tính xác thực của video này. Bộ Công an Việt Nam cũng chưa ra thông báo khẳng định hay phủ nhận.

Các phần mềm so sánh khuôn mặt cho thấy hình ảnh người đàn ông trong video và các bức ảnh của ông Long trên báo chí chính thống Việt Nam là của cùng một người.

Các kỹ thuật viên nghe nhìn có nhiều năm kinh nghiệm nhận xét rằng video có độ ổn định cao, không rung giật, ghi hình từ các góc khác nhau, được ráp nối cẩn thận, chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt. Điều này cho thấy nó đã được ghi lại một cách chuyên nghiệp, không phải là sản phẩm của “quay trộm”.

Căn cứ vào một vài câu nói trong video nhắc đến cuộc gặp giữa ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, giới quan sát xác định video được ghi ngày 26 hoặc 27/10/2016.

Trung Quốc … không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta ở Biển Đông … Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào.

Diễn giả được cho là Thiếu tướng công an Trương Giang Long

Trên mạng xã hội, dư luận nhận xét rằng một số phát biểu của diễn giả được cho là Thiếu tướng Long là những tiết lộ “động trời”.

Ngày từ đầu bài phát biểu, diễn giả nhấn mạnh trước cử tọa rằng “Trung Quốc … không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta ở Biển Đông … Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào”.

Ông cũng ám chỉ rằng Trung Quốc tìm mọi cách làm suy yếu Việt Nam từ bên trong với việc “cài cắm, móc ngoặc, lôi kéo” hàng trăm người là “các phần tử cơ hội chính trị”. Nhưng ông nói thêm rằng nhà chức trách “đang theo dõi, đang nắm rất chắc, rất chặt những cái diễn biến” của các phần tử này mà ông cho là “có mưu toan, móc ngoặc, cấu kết bên ngoài, để lật đổ chống phá” chế độ của Việt Nam.

Một mối nguy khác đến từ Trung Quốc, theo diễn giả, là việc nước này đã xây dựng quan hệ hết sức thân thiết với Campuchia. Ông nói: “Hiện nay họ [Trung Quốc] khống chế chúng mình rất là kinh khủng, họ vào sâu rất sâu hàng xóm của chúng ta rồi. Ông kia [Campuchia] thì trở mặt hoàn toàn rồi”.

Trước thực trạng như vậy, diễn giả cho rằng Việt Nam vẫn chỉ có một lựa chọn là “Trung Quốc xấu như vậy hay xấu nữa, chúng ta cũng vẫn phải tìm cách chung sống với họ”.

Ông nói điều Việt Nam có thể làm là “cố phấn đấu sao để họ [Trung Quốc] đừng xấu hơn” nhưng ông không chỉ ra cụ thể cần phải làm những gì. Bình luận thêm về quan hệ láng giềng Việt Nam-Trung Quốc, diễn giả nói: “Nó bất hạnh cho chúng ta là sống bên cạnh một ông anh mức độ lòng tốt nó thấp”.

Chúng ta phải thấy rằng đây là một bộ phận của Bộ Công an đưa tin ra tôi nghĩ là trong một tình huống mà đảng bây giờ đang phải tranh đấu với nhau để làm sao mà bảo vệ an ninh cho đất nước

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Mỹ

Từ Mỹ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Đại học Maine, người theo dõi Việt Nam nhiều năm, cho rằng những gì vị diễn giả nói trong video không phải là mới.

Nhưng theo giáo sư, điều đáng quan tâm là việc video bị rò rỉ có thể cho thấy có sự đấu đá phe cánh trong giới cầm quyền:

“Ông tướng này ông nói sự thực nhiều người đã biết rồi thôi. Nhưng mà tại sao ông nói ngay bây giờ? Tôi nghĩ là hiện nay chắc là trong nước có các cánh khác nhau mà có cánh nghĩ rằng đất nước đã nguy rồi, phải nói ra để làm sao dân chúng họ thấy. Đến khi mà phải tranh đấu với nhau trong nội bộ thì dân chúng họ hiểu là có lý do gì để tranh đấu. Cũng như là có một phe nói tranh đấu là để khỏi bị Trung Quốc kiềm tỏa. Bất cứ bộ nào ở Việt Nam cũng có những phần tử Trung Quốc đã mua chuộc ở trong đó hết. Chúng ta phải thấy rằng đây là một bộ phận của Bộ Công an đưa tin ra tôi nghĩ là trong một tình huống mà đảng bây giờ đang phải tranh đấu với nhau để làm sao mà bảo vệ an ninh cho đất nước”.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói những phát biểu của người được cho là một viên tướng công an chuyên về công tác tuyên huấn củng cố thêm một điều là giới lãnh đạo Việt Nam hiểu và cảnh giác với Trung Quốc.

Tuy nhiên, vị giáo sư ở Mỹ cho rằng Việt Nam đang chịu những sức ép “kinh khủng” từ nước láng giềng phương bắc. Ông phân tích:

“Không những về chính trị mà về quân sự. Quân sự thì không phải chỉ ở Biển Đông thôi mà ở ngay trên đất nước mình. Nó đưa bao nhiêu người vào ngay đất nước. Vấn đề rất là khó khăn là sức ép kinh tế. Chúng ta biết là trong 2, 3 năm qua, mỗi một năm Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 32 đến 35 tỷ đôla. Nhập siêu như vậy tức là Việt Nam nợ Trung Quốc chứ gì? Mà Việt Nam nợ Trung Quốc như vậy thì cái nợ này tất nhiên là có một số cán bộ, một số lãnh đạo họ thừa hưởng được cái đó. Mà họ thừa hưởng cái đó là họ làm giàu. Mà họ giàu có thì họ bị mua chuộc chứ gì?”

Trong phần sau của đoạn video, diễn giả được cho là Thiếu tướng Trương Giang Long nói mặc dù Trung Quốc chứa đựng nhiều nguy cơ cho Việt Nam nhưng Việt Nam không thể chọn cách ngả hoàn toàn sang Mỹ.

Ông nói làm như vậy không khác gì đi từ “hang hùm sang hang cọp” và nhấn mạnh với cử tọa: “Chúng ta nghiêng về bất cứ chỗ nào đó … cũng đều thất bại hết”.

Diễn giả dẫn lại lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định rằng khi nào đảng cầm quyền của Việt Nam “thật sự độc lập về đường lối” thì bấy giờ “đất nước mới chuyển biến tích cực”.

Theo ông, ở thời điểm tháng 10/2016 khi bài phát biểu được ghi hình, Trung Quốc “vô cùng” lo ngại Việt Nam ngả hẳn về Mỹ, trong khi ông đánh giá rằng Mỹ lại “vô cùng cần” Việt Nam.

Điểm lại lịch sử 21 cuộc chiến tranh chống Trung Quốc và 1 cuộc chiến tranh chống Mỹ, diễn giả nhận định rằng cho đến cuối năm 2016 Mỹ đã tìm cách “lôi kéo Việt Nam về phía Mỹ, tạo mọi điều kiện để Việt Nam cùng chung đội hình với Mỹ để mà chống lại Trung Quốc”.

Ông đưa ra ý kiến rằng Mỹ “biết rất rõ là chỉ có Việt Nam mới chống lại được Trung Quốc thôi”.

Họ nghĩ rằng là Mỹ cần Việt Nam lắm thì cái đó cũng là sai, nó tùy lúc nào thôi … chúng ta phải nên nghĩ lại là Việt Nam hiện nay nằm ở đâu trong chiến lược của ông Trump, nếu không nói là trong chiến lược của Mỹ

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Mỹ

Nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng những phát biểu của người được cho là Thiếu tướng Trương Giang Long cho thấy có sự đánh giá thiếu tính dài hạn về việc Mỹ nhìn nhận tầm quan trọng của Việt Nam.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Đại học Maine đồng tình với bình luận đó:

“Phải nói là cán bộ của Việt Nam ít người sang học Mỹ lắm, chẳng biết Mỹ là gì. Họ chỉ biết Mỹ qua báo chí thôi. Thành ra thường thường họ đánh giá rất là sai. Họ nghĩ rằng là Mỹ cần Việt Nam lắm thì cái đó cũng là sai, nó tùy lúc nào thôi. Dưới thời ông Obama, đúng là Mỹ cần Việt Nam là bởi vì trong cái chính sách của Mỹ, Mỹ muốn đa dạng hóa, đa phương hóa, muốn kéo nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào một tổ chức đa phương. Vai trò của Việt Nam đối với chiến lược của Mỹ lúc đó là quan trọng. Nhưng mà Mỹ có thay đổi. Bây giờ, ví dụ như là ông Trump không nghĩ đa phương hóa là vấn đề quan trọng, mà vấn đề chỉ làm những gì mà giúp cho nước Mỹ mạnh, thì chúng ta phải nên nghĩ lại là Việt Nam hiện nay nằm ở đâu trong chiến lược của ông Trump, nếu không nói là trong chiến lược của Mỹ”.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cảnh báo khi có đa số giới chức Việt Nam có hiểu biết không chính xác về Mỹ sẽ dẫn đến những tính toán và quyết định sai lầm về mặt chính sách chung của Việt Nam. Ông nói việc “không đánh giá đúng” đã và sẽ làm đất nước “mất các cơ hội”, cũng như lâm vào “nhưng khó khăn kinh khủng mà bây giờ vẫn chưa giải quyết được”.

Ông nêu ra các ví dụ cho điều này là việc Việt Nam bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa với Mỹ vào năm 1978 hay chậm trễ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi đầu những năm 2000.

http://www.voatiengviet.com/a/vi-sao-lo-video-tuong-cong-an-noi-ve-vn-tq-my/3768970.html

 

Việt Nam ‘bác gợi ý’ của Bộ Quốc phòng Philippines?

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines mới cho báo chí nước này biết rằng ông từng gợi ý cho đại sứ Việt Nam ở Manila về chuyện trang bị vũ khí cho các đội tàu cá để đương đầu với phiến quân Abu Sayyaf, trong khi nhiều công dân Việt bị tổ chức phiến quân này bắt cóc trên biển. Tuy nhiên, quan chức này nói rằng gợi ý đó đã bị “bác bỏ”.

Ngoài ra, ông Delfin Lorenzana còn đề xuất với nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam ở Philippines về chuyện các tàu của người Việt thông báo cho chính quyền địa phương khi chuẩn bị đi vào vùng vẫn còn giao tranh để được bảo vệ, trang ABS-CBN News mới đưa tin.

Ông Lorenzana nói thêm với báo chí địa phương rằng con số nạn nhân nước ngoài bị Abu Sayyaf bắt cóc gần tăng gấp đôi, lên 31 người, kể từ khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền, và phần lớn các con tin hiện bị cầm giữ là công dân Việt Nam. Theo AFP, nhà lãnh đạo Philippines “rất quan tâm” tới chuyện chấm dứt vấn nạn này.

VOA Việt Ngữ sáng 16/3 đã gọi điện tới Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines để xin phỏng vấn, nhưng một cán bộ yêu cầu gửi câu hỏi bằng văn bản.

Tới tối cùng ngày, cơ quan đại diện ngoại giao này vẫn chưa hồi đáp một email, muốn xác nhận lại rằng có đúng đại sứ Việt Nam đã bác gợi ý của phía Philippines hay không, cũng như việc đại sứ quán Việt Nam ở Manila đã phối hợp như thế nào với chính phủ sở tại để tìm cách giải thoát cũng như hỗ trợ các con tin đang bị bắt.

Hồi năm 2015, sau khi trở về đất liền vì bị “tàu lạ” bắn, làm một ngư dân thiệt mạng, thuyền trưởng Bùi Văn Cu ở Quảng Ngãi cho VOA Việt Ngữ biết ông muốn mang súng khi trở lại “bám biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.

Khi đó, ông cho rằng 8 kẻ tấn công mặc thường phục đi trên hai chiếc thuyền “là người Philippines”, và rằng ông đã đề xuất chính quyền phải bảo vệ ngư dân Việt Nam cũng như khả năng được mang súng ra biển.

Người dân với người dân cũng nghĩ là đi làm với nhau, nhưng người dân của Philippines có súng, còn người dân của Việt Nam không có súng.

Ông Bùi Văn Cu nói.

Ông nói thêm: “Tôi cũng có đề nghị với cấp trên là làm sao giải quyết cho người dân để họ ra khơi để bám biển để giữ chủ quyền biển đảo. Chứ tình hình như hiện nay thì người dân rất là không dám. Họ sợ quá. Người dân với người dân cũng nghĩ là đi làm với nhau, nhưng người dân của Philippines có súng, còn người dân của Việt Nam không có súng. Tôi đề nghị với cấp trên đó nhưng hiện nay chưa nghe nói gì. Mang súng thì nhà nước có cho hay không? Nếu nhà nước mà họ cho thì tôi cũng làm như vậy để giữ tài sản, và cũng giữ biển đảo của Việt Nam. Sợ là cấp trên không cho mình làm như vậy”.

Hai năm sau, trả lời VOA Việt Ngữ hôm 16/3, ông Cu cho biết vẫn chưa có thông tin về chuyện ngư dân được mang theo vũ khí khi đi đánh bắt hay không.

Ông nói: “Bao giờ chính phủ cho phép thì mình mang còn họ không cho thì thôi. Mang theo ví dụ cướp biển cướp đồ thôi chứ còn [lực lượng] chức quyền thì mình không dám làm cái gì. Mình là người dân mà, có dám mang theo vũ khí đâu”.

Theo phía Philippines, không chỉ có ngư dân Việt mà thủy thủ tàu viễn dương hiện cũng nằm trong tay Abu Sayyaf. Nhóm phiến quân hoạt động mạnh ở miền nam quôc gia Đông Nam Á này đang mở rộng việc bắt cóc đòi tiền chuộc cũng như sử dụng con tin làm “lá chắn sống” trong cuộc đối đầu với quân chính phủ.

Việc đi bắt cá thì người ta chỉ sử dụng ngư, lưới cụ thôi, còn cái việc mang theo các trang thiết bị như vậy thì chúng tôi chưa có quy định rõ ràng của chính phủ Việt Nam cho nên chúng tôi không có ý kiến về việc đó được.

Chánh văn phòng Hội Nghề cá Việt Nam nói.

Hôm 15/3, quân đội Philippines xác nhận rằng tổ chức bị coi là khủng bố này đã sát hại một trong số các con tin người Việt bị bắt cóc hồi tháng Hai, khi nhóm này tìm cách tháo chạy khỏi sự truy đuổi của quân chính phủ.

Khi được hỏi về khả năng trang bị vũ khí cho ngư dân nhằm giúp họ đương đầu với những bất trắc trên biển, ông Nguyễn Ngọc Đức, Chánh văn phòng Hội Nghề cá Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ: “Ngư dân đi đánh bắt trên biển thì việc làm của ngư dân là đi đánh bắt cá. Việc đi bắt cá thì người ta chỉ sử dụng ngư, lưới cụ thôi, còn cái việc mang theo các trang thiết bị như vậy thì chúng tôi chưa có quy định rõ ràng của chính phủ Việt Nam cho nên chúng tôi không có ý kiến về việc đó được”.

Các ngư dân Việt Nam vẫy chào Tổng thống Philippines Duterte cuối năm ngoái sau khi được phóng thích. Trước đó, họ bị bắt giữ vì bị cáo buộc đánh bắt trái phép trên vùng biển của quốc gia Đông Nam Á này.

Hồi đầu năm 2015, trong bối cảnh có tin tàu cá Trung Quốc được trang bị vũ khí khi đi đánh bắt ở Biển Đông, báo chí Việt Nam đưa tin rằng lực lượng kiểm ngư sẽ được trang bị các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi ngạt, hơi cay và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này.

Ngoài ra, tin cho hay, lực lượng này còn được trang bị vũ khí quân dụng như súng ngắn, súng tiểu liên và đạn sử dụng cho các loại súng này. Tuy nhiên, tới nay, chưa rõ kế hoạch này đã đi tới đâu.

http://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-bac-goi-y-cua-bo-quoc-phong-philippines/3768668.html

 

Nhóm Biển Xanh yêu cầu

minh bạch trong chính sách Formosa

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Trong khi giáo dân các tỉnh miền Trung tiếp tục xuống đường đòi bồi thường thỏa đáng những thiệt hại của họ do Formosa gây ra, một phong trào do nhóm Biển Xanh vận động chữ ký yêu cầu chính quyền minh bạch về những gì xảy ra khi Formosa hứa thực hiện.

Mục đích của nhóm

Nhà báo tự do Nguyễn An Dân, người đại diện nhóm Biển Xanh cho biết:

Chương trình minh bạch Formosa này chúng tôi muốn thực hiện sự minh bạch cho hai vấn đề, thứ nhất là minh bạch cho thỏa thuận đền bù của chính phủ vì chính phủ đã đại diện cho nhân dân, tức bên bị hại và vì vậy chính phủ phải có trách nhiệm công bố thỏa thuận đó cho nhân dân biết.

Cái thứ hai Bộ Tài nguyên-Môi trường có nói rằng Formosa đã khắc phục hậu quả sau khi thảm họa xảy ra cụ thể là 48/53 sai phạm đã được khắc phục vì vậy chúng tôi muốn minh bạch cái này ra nghĩa là khắc phục nó là khắc phục cái gì; Quy trình xử lý xả thải cũ của Formosa nó đã gây ra thảm họa rồi như vậy thì quy trình mới nó như thế nào; Nó mua sắm thêm những thiết bị gì, nó tăng nhân sự như thế nào, nó xử dụng công nghệ thép của Mỹ hay của châu Âu hay Trung Quốc; Sự thay đổi về quy trình xả thải là thay đổi về khoa học mà nói về khoa học thì có thể định tính và định lượng được vì vậy chúng tôi muốn công bố hai cái đó ra.

Chúng tôi làm việc này Formosa có đóng cửa hay không là một quá trình dài hạn nhưng không chỉ riêng Formosa mà bất kỳ dự án nào ở Việt Nam cũng nên có tính minh bạch.

Không chỉ riêng Formosa mà bất kỳ dự án nào ở Việt Nam cũng nên có tính minh bạch.
– Nguyễn An Dân

Mặc Lâm: Vâng, đó là mục đích mà nhóm Biển Xanh nhắm tới, vậy thực hiện những mục đích này cụ thể là gì?

Nguyễn An Dân: Hiện giờ nhà nước chưa có kênh tiếp nhận kiến nghị qua mạng Internet hay qua website hoặc e-mail mà đòi hỏi chữ ký thực tế cho nên chúng tôi sẽ tổ chức cuộc vận động người dân ký tên thực tế vào cái phiếu trên đó có ghi hai nội dung in sẵn đề nghị minh bạch Formosa như hai vấn đề mà tôi vừa nói.

Sau khi người dân ký tên xong thì đến một số lượng tương đối khoảng 10 tới 15 ngàn chữ ký thì nhóm Biền Xanh và những người ủng hộ chương trình này sẽ đại diện cho khối quần chúng đã ký vào kiến nghị đó để chính thức gửi tới cơ quan quản lý nhà nước có liên quan vụ án Formosa. Đây là một kiến nghị chính thức từ đồng thuận của nhiều người dân chứ không phải riêng những người hoạt động dân chủ hay hoạt động chính trị vì thế nó có danh nghĩa là tiếng nói của nhân dân.

Cách thức tham gia

Mặc Lâm: Những người ở nước ngoài có thể gửi chữ ký bằng phương tiện thông thường là ký tên rồi scan chữ ký gửi về nhóm Biển Xanh qua facebook hay e-mail được không?

Nguyễn An Dân: Đối với những người ở trong nước mà người ta vận động được số lượng chữ ký nhiều thí dụ như vài chục hay vài trăm chữ ký, khi họ liên lạc với nhóm chúng tôi thì chúng tôi sẽ có người đi thu trực tiếp bất kể xa hay gần. Ký xong cũng có thể gửi bằng thư cho chúng tôi theo đường bưu điện. Còn nếu người Việt ở nước ngoài nếu các vị còn quốc tịch Việt Nam thì sự tham gia của họ thật đáng quý tại vì có tính chính danh, thì họ có thể scan và gửi vào email của chúng tôi hoặc gửi vào Facebook của nhóm Biển Xanh

Mặc Lâm: Chắc anh cũng thấy trong tình hình hiện nay tại miền Trung trong giáo phận Vinh đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình đòi Formosa phải bồi thường cho họ. Thưa anh một nhóm nhỏ như nhóm Biển Xanh đòi minh bạch cho Formosa chỉ có những chữ ký không thôi thì hiệu quả sẽ như thế nào?

Chúng tôi sẽ tổ chức cuộc vận động người dân ký tên thực tế vào cái phiếu trên đó có ghi hai nội dung in sẵn đề nghị minh bạch Formosa.

– Nguyễn An Dân

Nguyễn An Dân: Tôi nghĩ rằng Đảng và nhà nước sẽ quan tâm nếu chúng ta thu thập một số lượng chữ ký cần thiết. Cái thứ hai chúng tôi làm điều này vì chúng tôi có khó khăn đối với bà con ở vùng biển miền Trung. Chúng tôi không thể nói ủng hộ họ bằng miệng được. Chúng tôi cũng không thể ra miền Trung tham gia biểu tình với bà con được vì vấn đề địa lý, kinh tế thì đây là một hành động tích cực đầu tiên và sau khi nhân dân đã có ý kiến chính thức để gửi cho Đảng và nhà nước mà nếu Đảng và nhà nước họ không lắng nghe thì nó sẽ sinh ra nhiều hệ lụy phiền phức mà hệ lụy gì cũng có thể diễn ra khi nào nó đến thì chúng ta mới biết.

Tôi nghĩ rằng cộng đồng hay người Việt ở trong nước và kể cả nước ngoài nếu hỗ trợ công cuộc này tốt thì nó sẽ có tác dụng giúp cho việc tranh đấu sai phạm môi trường của Formosa nó hiệu quả hơn.

Mặc Lâm: Để chứng minh cho sự quan tâm của các giới khác không sống trong 4 tỉnh miền trung, họ là đồng bào cả nước đã có những quan tâm cụ thể như vậy thì lý do nào được nhóm Biển Xanh đưa ra để chứng tỏ cho nhà nước và Đảng thấy đây là sự quan tâm của người dân chứ không phải chỉ đòi hỏi quyền lợi như 4 tỉnh miền Trung cần phải giải quyết?

Nguyễn An Dân: Khi họ ký vào cái phiếu đó thì chữ ký của họ có giá trị đại diện, nó sẽ nói lên được đây là ý thức của người dân trong việc quan tâm đến một vấn đề lớn của đất nước chứ đó không phải là lời kêu gọi của một hội hay đảng phái hay một thế lực chính trị nào. Đây là lòng dân thì Đảng buộc lòng phải lắng nghe thôi. Còn nếu như đây là vấn đề chính trị của đảng phải hay hội nhóm nào thì có thể họ sẽ không lắng nghe.

Mặc Lâm: Cám ơn anh.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/blue-sea-gr-collect-signature-required-transparency-of-formosa-policy-ml-03162017095621.html