Tin khắp nơi – 15/03/2017
Hoa Kỳ sẽ tăng ngân sách cho Hải quân
Ngân sách dành cho Hải quân Hoa Kỳ được trông đợi sẽ tăng sau 6 năm bị cắt giảm, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố ngân sách năm 2018 vào cuối tuần này.
Có mặt trên một tàu sân bay đang tiến hành các cuộc tấn công chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo, Thông tín viên của VOA tại Ngũ Giác Đài Carla Babb tường trình về lập luận của Hải quân Hoa Kỳ, vốn được trang bị tốt nhất thế giới, để bênh vực vì sao lực lượng này cần có thêm ngân sách để đối phó các mối đe dọa tương lai.
Tàu sân bay USS George H.W. Bush – đang tấn công các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo, thống lĩnh các vùng biển mà tàu này đi ngang qua.
Đô đốc Kenneth Whitesell, chỉ huy trưởng cụm tàu sân bay tấn công chủ lực Carrier Strike 2, cho biết:
“Chúng tôi không thiếu thứ gì. Chúng tôi đã tải vũ khí lên tàu, chúng tôi đã thực hiện hai tải thêm vũ khí lên tàu trên hai giai đoạn. Chúng tôi đã nạp rất nhiều nhiên liệu. Các thiết bị đã đâu vào đấy. Về khía cạnh này, tôi không thấy có bất kỳ sự thiếu sót nào khả dĩ có thể cản trở khả năng chiến đấu của chúng tôi.”
Nhưng câu chuyện về tàu sân bay này có một khía cạnh khác. Trước khi triển khai, tàu sân bay USS Bush đã trải qua một giai đoạn bảo trì lớn trong xưởng đóng tàu, lâu hơn dự kiến đến gần nửa năm.
Kết quả là – dù quân chủng Hải quân có 10 tàu sân bay đã hoàn tất, nhưng không một chiếc nào được triển khai ở khu vực Trung Đông trong khoảng thời gian hai tháng.
Hải quân Hoa Kỳ cần hàng tỷ ngân quỹ bổ sung để duy trì lịch trình bảo trì và để mua vũ khí cũng như trang thiết bị mới.
Mặc dù cần đến các máy bay chiến đấu F-18 trong cuộc chiến chống lại ISIS, các quan chức cho biết gần 2/3 số chiến đấu cơ F-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ không thể bay– vì phải thực hiện bảo trì sau khi bay lố hàng ngàn giờ so với quy định lúc máy bay được chế tạo.
Ngân sách của chính quyền Tổng thống Trump công bố trong tuần này, theo dự kiến sẽ tăng chi tiêu quốc phòng đến 54 tỷ đôla, phần lớn là dành cho Hải quân.
Tổng thống Trump nói:
“Chúng tôi sẽ cung cấp cho quân đội các công cụ cần thiết để ngăn ngừa chiến tranh, và nếu cần, để chiến đấu và chỉ làm một điều – bạn biết đó là gì không? Chiến thắng và chiến thắng!”
Cựu Kiểm soát viên Ngũ Giác Đài Mike McCord nói rằng tăng cường ngân sách sẽ không cải thiện tình trạng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân nếu không có cam kết tài chính dài hạn.
Điều đó có nghĩa là trong tương lai Hoa Kỳ sẽ phải chi nhiều tiền hơn nữa cho ngân sách Hải quân.
http://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-se-tang-ngan-sach-cho-hai-quan/3766668.html
Ứng viên Đại diện Thương mại Mỹ
cam kết chính sách ‘Nước Mỹ hàng đầu’
Ứng viên được Tổng thống Donald Trump đề cử làm Đại diện Thương mại Hoa Kỳ ngày 14/3 tuyên bố nhất trí với lời kêu gọi của ông Trump về chính sách thương mại ‘Nước Mỹ hàng đầu’ đi kèm với các thỏa thuận thương mại thương lượng tốt hơn và thực thi mạnh mẽ hơn luật thương mại Mỹ.
Phát biểu trước các Thượng nghị sĩ tại Quốc hội trong buổi điều trần chuẩn thuận vào ghế Đại diện Thương mại, ông Robert Lighthizer nhấn mạnh ông sẽ phát triển và thực thi một chính sách tăng cường thương mại, tăng trưởng kinh tế, tự do hóa-công bằng hóa thương mại, mang lại lợi ích cho người lao động, nông dân, và doanh nghiệp Mỹ.
Trong bài diễn văn trước Ủy ban Tài chính Thượng viện, ông Lighthizer nói rằng ông tin là cần có một hệ thống thương mại quốc tế vận hành đúng như thỏa thuận và rằng Mỹ phải sẵn sàng làm việc với các bạn hàng có cùng tư duy để đảm bảo công bằng thương mại và khuyến khích hiệu năng thị trường.
Ông Robert Lighthizer, tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ hoạt động thương mại của Trung Quốc, từng là Phó Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan thập niên 80.
http://www.voatiengviet.com/a/dai-dien-thuong-mai-my-chinh-sach-nuoc-my-hang-dau/3765972.html
Lượng sinh viên quốc tế xin vào các đại học Mỹ đã giảm
Gần 4/10 các trường đại học Mỹ cho biết đã có sự sụt giảm về số lượng sinh viên quốc tế nộp đơn xin học
Theo một cuộc khảo sát gần đây của 6 tổ chức giáo dục đại học, gần 4/10 các trường đại học 2 năm và 4 năm của Mỹ cho biết đã có sự sụt giảm về số lượng sinh viên quốc tế nộp đơn xin học.
Cuộc khảo sát về 250 trường đại học 2 năm và 4 năm của Mỹ cho thấy lượng sinh viên suy giảm nhiều nhất là những người nộp hồ sơ từ Trung Đông. Các trường đại học báo cáo lượng hồ sơ xin học đại học từ Trung Đông đã giảm 39%, còn lượng hồ sơ xin học cao học từ khu vực này đã giảm 31%.
Theo Viện Giáo dục Đại học, đa số sinh viên Trung Đông đến từ Ả-rập Xê-út, Iran và Kuwait.
Báo cáo đề cập rằng, theo các nhà chuyên môn làm việc ở các viện, có những cảm nhận rằng Hoa Kỳ ít chào đón hơn đối với các cá nhân đến từ các nước khác, và điều đó là một trong những “mối bận tâm thường xuyên nhất của sinh viên quốc tế và gia đình họ”.
http://www.voatiengviet.com/a/sinh-vien-quoc-te-xin-vao-dai-hoc-my-giam/3767341.html
Sắc lệnh mới của tổng thống
ảnh hưởng đến người Iran ở Mỹ
Sắc lệnh sửa đổi của Tổng thống Trump về cấm nhập cảnh trong 3 tháng đối với 6 nước sẽ có hiệu lực ngày 16/3. Điều này gây xáo trộn lớn cho cộng đồng người Iran ở Mỹ.
Sắc lệnh hành pháp sửa đổi của Tổng thống Donald Trump về cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ trong 3 tháng đối với 6 nước có người Hồi giáo chiếm đa số sẽ có hiệu lực vào ngày 16/3. Iran là một trong số 6 quốc gia đó. Ngay cả mối đe doạ của sắc lệnh sửa đổi mới không thôi đã gây xáo trộn lớn, không chỉ ở Iran, mà cả ở Los Angeles, nơi có đông người Iran sinh sống nhất ở ngoài Iran.
Ở trung tâm khu vực có tên Quảng trường Ba Tư ở Tây Los Angeles, mọi người đang chuẩn bị đón Nowruz, là tết của Iran. Đây là lúc những người thân trong gia đình đến thăm viếng lẫn nhau. Thông thường, đây là mùa kinh doanh bận rộn của các đại lý du lịch phục vụ cộng đồng Iran. Nhưng năm nay khác hẳn.
Đại lý du lịch Farhad Besharati nói rằng người Mỹ gốc Iran, thậm chí cả những người có quốc tịch Hoa Kỳ cũng sợ đi du lịch hoặc đi đến Iran vì sắc lệnh của ông Trump.
Sắc lệnh nói rằng Iran nằm trong danh sách vì nước này tài trợ khủng bố. Những người ủng hộ ông Trump hoan nghênh biện pháp này.
Chúng ta phải cho ông ấy một cơ hội trong vài tháng, ít ra có lẽ ông ấy có thể chứng minh ông ấy đúng về quyết định này
Đại lý du lịch Farhad Besharati nói cần kiên nhẫn với sắc lệnh của Tổng thống Trump
Nhưng người Mỹ gốc Iran nói rằng sắc lệnh thật không công bằng, họ cho rằng có những người khác tiến hành khủng bố ở Mỹ.
Trong số những người bị mắc kẹt bởi lệnh cấm là các sinh viên Iran đang học ở Hoa Kỳ.
Đại lý du lịch Farhad Besharati nói rằng chẳng thể làm gì khác ngoài việc kiên nhẫn với sắc lệnh của Tổng thống Trump. Ông này nói: “Chúng ta phải cho ông ấy một cơ hội trong vài tháng, ít ra có lẽ ông ấy có thể chứng minh ông ấy đúng về quyết định này”.
Tòa Bạch Ốc:
Tiết lộ bản khai thuế của TT Trump là bất hợp pháp
Tòa Bạch Ốc đã ra tuyên bố nói rằng thu nhập của Tổng thống Donald Trump trong năm 2005 là 150 triệu đô la, và ông đã trả thuế 38 triệu đô la. Tòa Bạch Ốc chỉ trích nặng nề một bản tin truyền hình vì đã tiết lộ bản khai thuế chính thức của ông Trump, nói rằng đó là một hành động bất hợp pháp.
Bản tuyên bố đưa ra vào cuối ngày thứ Ba trước khi đài truyền hình MSNBC phát đi bản tin. Cô Rachel Maddow, người dẫn chương trình truyền hình phổ biến các tài liệu mà bà cho là hồ sơ thuế năm 2005 của ông Trump. Hồ sơ thuế này do nhà báo đoạt giải Pulitzer, đồng thời là nhà phân tích thuế David Cay Johnston cung cấp.
Ông Johnston nói với cô Maddow rằng ông đã tìm thấy hai trang báo cáo thuế trong hộp thư của ông. Ông nói rằng ông không biết ai gửi đến cho ông, hoặc lý do gửi.
Cô Maddow cho biết cô đã gửi bản sao của báo cáo thuế lên Tòa Bạch Ốc để xin bình luận. Chính quyền ông Trump đã ra tuyên bố công khai trước khi chương trình truyền hình của cô Maddow lên sóng vào tối thứ ba.
Trong bản tuyên bố, Nhà Trắng nói: “Các ông các bà biết là mình đang tuyệt vọng muốn thu hút người xem, khi sẵn lòng vi phạm pháp luật để tung ra một câu chuyện về hai trang khai thuế cách đây một thập kỷ.”
Tuyên bố này nói thêm: “Trước khi được bầu làm tổng thống, ông Trump là một trong những doanh nhân thành công nhất trên thế giới. Việc đánh cắp và loan tải bản khai thuế là hoàn toàn bất hợp pháp. Các phương tiện truyền thông không trung thực có thể tiếp tục loan tin về việc này, về phần tổng thống thì ông sẽ tập trung vào công việc của ông.”
Ông Trump từ lâu khẳng định rằng công chúng Mỹ không quan tâm đến báo cáo thuế của ông. Tuy nhiên, hồ sơ thuế đầy đủ của ông Trump có bao gồm những chi tiết quan trọng như những khoản tặng từ thiện, số thu nhập hàng năm và nguồn thu nhập.
Vấn đề thuế là một mục tiêu chính bị công kích bởi đối thủ của ông trong chiến dịch tranh cử. Bà Hillary Clinton cho rằng ông Trump có điều gì đó muốn giấu giếm.
Mặc dù ông Trump lặp đi lặp lại rằng ông không thể tiết lộ bản khai thuế hiện tại vì Cơ quan Thuế Vụ – IRS đang thực hiện kiểm toán, IRS nói điều này không đúng.
Vấn đề về hồ sơ khai thuế của ông Trump đã khiến công chúng phải đặt dấu hỏi cách đây vài tháng. Kể từ khi ông Trump lên nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, hơn 1 triệu người Mỹ đã ký thỉnh nguyện thư điện tử, yêu cầu Tổng thống Trump tiết lộ hồ sơ khai thuế.
Tòa Bạch Ốc không nói liệu Tổng thống có ý định công khai bất kỳ bản khai thuế hàng năm nào của ông trong khi còn tại chức hay không.
Mỹ theo đuổi quan hệ ‘xây dựng’ với Trung Quốc
Mỹ đang theo đuổi một mối quan hệ với Trung Quốc mang tính xây dựng và hướng tới kết quả, theo lời một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm 13/3.
“Chúng tôi muốn theo đuổi một cuộc thảo luận mang tính xây dựng với Trung Quốc mà có thể đề cập tới những lĩnh vực có vấn đề và đạt được tiến bộ về các vấn đề,” Tân Hoa Xã dẫn lời quyền Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton phát biểu tại một cuộc họp báo.
Chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ tập trung vào việc “theo đuổi một mối quan hệ hướng tới kết quả với Trung Quốc,” bà Thornton nói thêm.
“Ông ấy sẽ thảo luận với các nhà đàm phán phía Trung Quốc về tất cả những thách thức cũng như những lĩnh vực hợp tác mà chúng tôi mong tiếp tục theo đuổi và tiếp tục thảo luận và đạt được tiến bộ.”
Trả lời câu hỏi của thông tấn xã CNA của Đài Loan, bà Thornton nói Washington vẫn theo đuổi chính sách một Trung Hoa, điều mà Tổng thống Trump đã tái khẳng định trong cuộc điện đàm hồi tháng Hai với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bộ Ngoại giao Mỹ loan báo ông Tillerson sẽ đến Bắc Kinh vào ngày 18 tháng 3 sau khi công du Tokyo và Seoul.
Bà Thornton cho biết chuyến đi này, ở một chừng mực nào đó, có thể xem như chuyến đi mở đường cho một cuộc hội kiến cao cấp trong tương lai giữa ông Trump và ông Tập, nhưng bà không xác nhận tin tức nói hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc hội kiến đầu tiên tại Florida vào ngày 6 và 7 tháng 4.
(Xinhua, CNA)
http://www.voatiengviet.com/a/my-theo-duoi-quan-he-xay-dung-voi-trung-quoc/3765940.html
Thung lũng Silicon biểu tình phản đối Trump
Hơn 1.000 nhân viên thuộc những công ty công nghệ cao ở Thung lũng Silicon, bang California, lên kế hoạch biểu tình phản đối Tổng thống Donald Trump hôm 14/3 nhân Ngày Số Pi.
Ngày Số Pi được kỷ niệm vào ngày 14 tháng 3 (trong tiếng Anh được viết theo thứ tự tháng trước ngày sau) để tôn vinh hằng số toán học 3,14 này.
Tech Stands Up, một tổ chức tranh đấu của nhân viên công nghệ cao chống ông Trump, đang tổ chức cuộc biểu tình này. Các cuộc biểu tình khác cũng sẽ diễn ra ở các thành phố Los Angeles và Austin, bang Texas.
“Chúng tôi tin tưởng vào việc tạo dựng một không gian tôn trọng, tiếp thêm sức mạnh và bao gồm mọi thành phần. Chúng tôi tin tưởng vào việc đứng lên cho những quyền căn bản của mọi cộng đồng và mọi người. Chúng tôi tin tưởng vào việc đứng lên cho một điều gì đó chứ không chỉ là phản đối,” các nhà tổ chức cho biết trên trang Facebook của sự kiện này.
“Đây là một sự kiện ôn hòa. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Thành phố Palo Alto để bảo đảm rằng mọi người đều có một ngày an toàn và đầy cảm hứng,” thông cáo nói tiếp.
Nhiều nhân viên công nghệ đã phản đối ông Trump, các giám đốc điều hành trong ngành này nêu quan ngại về những chính sách nhập cư của Tổng thống, đặc biệt là lệnh cấm du hành của ông ngăn công dân của một số quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo nhập cảnh Mỹ.
Hàng chục công ty công nghệ đã đệ trình một bản tóm tắt lập trường pháp lý vào tháng trước nói rằng lệnh cấm du hành nguyên thủy của ông Trump có hại cho các công ty của Mỹ.
(The Hill, Silicon Valley Business Journal)
http://www.voatiengviet.com/a/thung-lung-silicon-bieu-tinh-phan-doi-trump/3765745.html
Malaysia: Đã nhận dạng ông Kim Jong Nam qua mẫu DNA
Malaysia cho hay đã sử dụng DNA để nhận dạng ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un
Một quan chức Malaysia cho hay nhà chức trách đã sử dụng DNA để nhận dạng ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, đã bị giết.
Hôm thứ Tư, Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi cho biết cuộc xét nghiệm được thực hiện bằng cách sử dụng mẫu DNA lấy được từ một trong những người con của ông Kim Jong Nam.
Ông Kim Jong Nam bị tấn công hôm 13 tháng 2 tại một sân bay ở thủ đô Kuala Lumpur. Hai phụ nữ đã phun vào mặt ông Kim một chất mà nhà chức trách Malaysia nói là chất độc thần kinh VX. Ông Kim qua đời 20 phút sau khi bị tấn công.
Bắc Triều Tiên bác bỏ kết quả khám nghiệm tử thi, và cho đến nay vẫn chưa xác nhận rằng người đàn ông bị giết là Kim Jong Nam.
Nhà chức trách Malaysia đã buộc tội cô Siti Aisyah, 25 tuổi, người Indonesia và cô Đoàn Thị Hương, 28 tuổi, người Việt Nam về tội danh giết người, hai cô bị cáo buộc là những phụ nữ trong băng ghi hình an ninh đã thực hiện cuộc tấn công.
Malaysia đổ lỗi cho Bắc Triều Tiên đã tổ chức thực hiện vụ giết người và đang truy lùng thêm các nghi phạm trong vụ này.
Ông Kim Jong Nam là người anh cùng cha khác mẹ bị ông Kim Jong Un xa lánh. Được biết vào năm 2001, ông đã bị cha ông là lãnh tụ Kim Jong Il ruồng bỏ, sau khi ông bị bắt quả tang nhập cảnh Nhật Bản bằng hộ chiếu giả để đi thăm công viên giải trí Disneyland ở Tokyo.
http://www.voatiengviet.com/a/malaysia-nhan-dang-kim-jong-nam-bang-dna/3766800.html
Các công tố viên Hàn Quốc triệu tập bà Park Geun-hye
Các công tố viên Hàn Quốc hôm thứ Tư ra lệnh triệu tập tổng thống bị phế truất Park Geun-hye để thẩm vấn vào tuần tới về vụ bê bối tham nhũng đã khiến bà bị miễn nhiệm.
Phiên thẩm vấn dự kiến sẽ diễn ra vào sáng thứ Ba tuần sau.
Tòa bảo hiến của Hàn Quốc đã bãi nhiệm bà Park hồi tuần trước sau khi bà bị các nhà lập pháp luận tội về cáo buộc là bà đã thông đồng với người bạn lâu năm Choi Soon-sil để tống tiền các công ty, buộc họ đóng góp 70 triệu đôla cho các quỹ mờ ám để đổi lấy những ưu đãi.
Bà Park phủ nhận bà có bất kỳ hành vi sai trái nào, một người đại diện nói rằng bà sẽ hợp tác với cuộc điều tra.
Có những nhân vật nổi tiếng khác đã bị buộc tội liên quan đến vụ án, bao gồm Lee Jae-yong, người thừa kế của tập đoàn điện tử khổng lồ Samsung.
Với việc bà Park bị miễn nhiệm, Hàn Quốc sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống mới. Chính phủ loan báo hôm thứ Tư rằng cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 9/5.
http://www.voatiengviet.com/a/cong-to-vien-han-quoc-triep-tap-park-geun-hye/3766708.html
Vương Nghị:
TQ-ASEAN đã ra dự thảo quy tắc ứng xử Biển Đông
Các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc với ASEAN đã đưa ra bản thảo bộ quy tắc ứng xử trông đợi lâu nay nhằm giảm nguy cơ xung đột ở Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc loan báo.
Tại cuộc họp báo thường niên bên lề phiên họp 10 ngày của Quốc hội hôm thứ tư, ông Vương Nghị cho biết thêm rằng các cuộc thảo luận vào cuối tháng rồi đạt tiến bộ nhưng không nói rõ chi tiết. Giới phân tích cho rằng thỏa thuận vừa đạt có thể bao gồm một cơ chế xử lý khủng hoảng và có thể bàn về việc triển khai vũ khí tấn công cũng như quyền tự do hàng hải.
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao từ Philippines cho biết Trung Quốc và ASEAN chỉ mới hoàn tất một ‘đề cương chuyên đề’, chứ không phải là dự thảo của bộ quy tắc ứng xử. Nhà ngoại giao này cho hay tất cả các bên hy vọng sẽ hoàn thành khung sườn bộ quy tắc ứng xử trong một loạt các cuộc họp giữa Trung Quốc với ASEAN trong năm nay.
Ngoại trưởng Trung Quốc nói Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông đạt được vào năm 2002 đang được ‘thực thi đầy đủ và có hiệu quả’. Thỏa thuận đó nhằm kiểm soát hành vi các bên, thúc đẩy các bên ‘tìm cách xây dựng lòng tin và tin tưởng’ trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Ngoại trưởng Trung Quốc dường như chỉ trích Hoa Kỳ cho về các hoạt động hải quân của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là sứ mạng thực thi tự do hàng hải gần các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc mà Bắc Kinh đã mạnh mẽ lên án.
Ông Vương Nghị cũng gợi ý khả năng hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực hàng hải phụ thuộc vào việc Mỹ ngưng điều mà Trung Quốc gọi là cách tiếp cận đối đầu.
Ngoại trưởng Trung Quốc nói nếu Mỹ-Trung thay đổi suy nghĩ thì đại dương bao la có thể trở thành một sân chơi rộng lớn cho sự hợp tác giữa đôi bên.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc 2017 tăng nhẹ
Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên khoảng 7% trong năm nay, tiếp tục xu hướng nới lỏng mức tăng chi tiêu quốc phòng bất chấp căng thẳng Biển Đông và các vấn đề khác.
AP dẫn nguồn tin từ Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay ngân sách quốc phòng năm nay tăng 7%, lên mức 151 tỷ đô la, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, tuột xuống mức thấp nhất trong thế kỷ này.
Hiện chưa rõ tác động trực tiếp của việc tăng chi tiêu quốc phòng lần này đối với tình hình Biển Đông ra sao mặc dù Trung Quốc đang tập trung nhiều nguồn quỹ mới cho lực lượng không quân và hải quân, trong đó có việc xây dựng bốn tàu sân bay để gia nhập với tàu sân bay Liêu Ninh vốn được mua lại từ Ukraine và đi vào hoạt động vào năm 2012 sau nhiều năm tân trang lại.
Năm nay đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp Trung Quốc giảm mức tăng chi tiêu quốc phòng, dù một số nhà quan sát bên ngoài nói rằng những con số này không tính đến mọi chi tiêu quân sự.
Ngân sách quốc phòng năm ngoái của Trung Quốc tăng 7,6% và năm 2015 là 10,1%.
Hướng tới một lực lượng chiến đấu được sắp xếp hợp lý hơn, Trung Quốc định tới cuối năm nay hoàn tất cắt giảm 300.000 quân nhân, chuyển trọng tâm từ các lực lượng trên mặt đất sang các đơn vị hải quân, không quân, và rocket.
Theo một nghiên cứu của IHS Jane công bố vào tháng 12 năm ngoái, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 233 tỷ đô la vào năm 2020, gần gấp đôi so với năm 2010 và gấp 4 lần mức chi tiêu quân sự của Anh.
http://www.voatiengviet.com/a/ngan-sach-quoc-phong-trung-quoc-2017-tang-nhe/3766488.html
Các nhà hoạt động
bác bỏ thành tựu của Tòa án Tối cao Trung quốc
Các nhà hoạt động nhân quyền nói việc ông Chu Cường, thẩm phán tối cao của Trung Quốc cho rằng việc đàn áp các luật sư nhân quyền là một trong những thành tựu to lớn nhất trong năm qua có thể là một chỉ dấu cho thấy việc đàn áp các luật sư vẫn còn lâu mới chấm dứt.
Những người này cũng nghi ngờ về viễn kiến của ông Chu theo đuổi cải cách tư pháp và tính độc lập trong tương lai của tòa án Trung Quốc.
Phát biểu trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào ngày Chủ Nhật 12 tháng 3, ông Chu Cường, chủ tịch Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc mở đầu báo cáo công tác hàng năm bằng cách trước tiên là hứa trung thành với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sự cai trị của Đảng Cộng sản.
Sau đó ông ca ngợi thành tựu đầu tiên của Tòa án ở mọi cấp trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và ổn định xã hội. Ông nói trừng phạt đích đáng được dành cho những người như Chu Thế Phong âm mưu lật đổ quyền lực nhà nước.
Ông Chu Thế Phong là giám đốc công ty luật Fengrui ở Bắc Kinh, là tâm điểm của việc chính phủ đàn áp hơn 300 nhà hoạt động bênh vực nhân quyền kể từ tháng 7 năm 2015 sau khi nhận bào chữa cho thân chủ trong những vụ án nhạy cảm thách thức nhà cầm quyền.
Việc đàn áp các luật sư chỉ vì công việc của họ đã khiến cho các tổ chức nhân quyền, Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và những tổ chức luật pháp nước ngoài kêu gọi trả tự do cho những người này.
Luật sư Chu bị kết án 7 năm tù vào tháng 8 năm ngoái căn cứ vào những lời thú tội của ông trong 13 tháng bị giam và tòa cũng không cứu xét chứng cứ hay bào chữa đối với tội lật đổ chính quyền của ông.
Nhiều nhà quan sát mô tả vụ án của luật sư và những bị cáo khác là “những vụ xử giả hiệu, hầu như là một trò chơi chính trị.”
Với vụ xử luật sư này được gán cho nhãn hiệu là một thành tựu dưới con mắt của thẩm phán tối cao Trung Quốc, nhiều nhà hoạt động nhân quyền nói việc này cho thấy bản chất thực sự của sự cai trị chuyên chế của Trung Quốc. Điều này cũng đưa ra ánh sáng về việc chính phủ tiếp tục đàn áp các luật sư.
Bà Vương Tùng Liên, một nhà nghiên cứu về nhân quyền tại Hong Kong nói:
“Tôi nghĩ với lời nói cho rằng việc đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền là một thành tựu thì đây là một chỉ dấu đáng báo động là việc này sẽ tiếp tục là một phần chính trong chính sách của Trung Quốc trong một tương lai gần.”
Bày tỏ những quan ngại tương tự, Tổ chức những Luật sư Quan tâm đến Nhân quyền Trung Quốc có trụ sở tại Hong Kong cũng nói trong một thông cáo báo chí là an ninh quốc gia Trung Quốc được định nghĩa một các quá mơ hồ thường được dùng như một công cụ để đàn áp những người bất đồng chính kiến và tước bỏ những quyền hợp pháp của họ.
Tổ chức này cũng gọi viễn kiến của thẩm phán tối cao về việc tăng cường giám sát những thủ tục kiện tụng và đảm bảo quyền của các bị cáo là “dối trá to lớn” vì chính phủ không công nhận thái độ vi phạm luật pháp của họ trong các hành động pháp lý chống lại các luật sư nhân quyền.
Trong báo cáo dài dằng dặc, chủ tịch Tòa án Nhân dân Tối cao Chu Cường phát họa viễn kiến của ông đẩy mạnh cải cách tư pháp bằng cách thiết lập những thủ tục hình sự để xét xử, chấp nhận sự giám sát của Đại hội Đại biểu nhân dân Toàn quốc và công chúng, và dùng hội thẩm đoàn trong các vụ xử để dân chủ hóa Tòa án. Ông nói thêm là 22.000 thành viên của hội thẩm đoàn đã tham dự hơn 3 triệu vụ án, chiếm 77% những vụ xử đầu tiên trong năm qua.
Tuy nhiên bà Vương cho rằng những lời hứa của thẩm phán tối cao chỉ đơn giản là “tuyên truyền và ảo tưởng.” Bà nói việc này tạo hy vọng cho người dân bình thường trong khi chính phủ nhận thức được lòng khao khát công lý tại Trung Quốc của những người hoặc là nạn nhân của bất công hay xem các Tòa án là những nơi tham nhũng tột độ.
Bà nói:
“Hệ thống Tòa án có nhiều khúc mắc này chắc chắn là không sản xuất được những thay đổi cơ bản nếu Tòa án không được độc lập.”
Bà Vương nói thêm nhà cầm quyền Trung Quốc từ lâu đã nói rõ là việc cai trị theo luật pháp giống như một con dao nắm chặt trong tay của đảng Cộng sản. Do đó bất cứ những cải cách tư pháp hay cai trị theo luật pháp trong tương lai có nghĩa là sẽ được sử dụng như một thứ vũ khí chống lại các nhà bất đồng chính kiến cố gắng biến chuyện này thành một cơ chế để bảo vệ quyền của cá nhân.
Nói cách khác, nếu hệ thống tư pháp Trung Quốc không bị chính trị kiểm soát, những thay đổi cơ bản của hệ thống tư pháp sẽ không xảy ra. Hai luật sư nhân quyền Trung Quốc nói với điều kiện ẩn danh.
Đài VOA nói chuyện với hai luật sư về báo cáo của ông Chu Cường là những người đã ký trong một thư ngỏ vào tháng 1 năm nay yêu cầu ông Chu từ chức sau khi ông này yêu cầu Tòa án ở mọi cấp chống lại ảnh hưởng của “dân chủ theo hiến pháp phương Tây,” “phân quyền” và “tư pháp độc lập.”
Dù cả hai luật sư đều không màng đến báo cáo của ông Chu, nhưng một luật sư cho rằng việc ông Chu hứa trung thành với chính phủ làm sai lạc vai trò một thẩm phán độc lập của ông.
Một luật sư khác nói hệ thống hội thẩm, đã được ban hành vài năm trước, sẽ chẳng bao giờ tạo nên dân chủ và tự do vì nhiều thành viên đã chứng tỏ họ không là gì khác ngoài “hoa trong bình” hay là con tốt của tòa án.
Dù trong báo cáo ông Chu nhấn mạnh là Tòa án đã tha bổng hơn 1.000 người trong năm ngoái, nhưng tỉ lệ kết án của Trung Quốc còn cao vì hơn 1,2 triệu người trong 1,1 triệu vụ bị tòa xét thấy có tội trong những vụ truy tố hình sự.
Trong khi đó hai học giả về pháp luật được Đài VOA tiếp xúc từ chối không bình luận vì sự nhạy cảm của báo cáo của ông Chu. Một người cho biết ông muốn nói nhưng không muốn nói dối về tình hình này.
Những lời bình luận trên mạng về báo cáo của ông Chu cũng chia rẽ.
Trên trang mạng Sina Weibo, những lời bình luận hầu như thuận lợi cho báo cáo công tác hàng năm của ông Chu như là “công tác của Tòa án Nhân dân Tối cao là số một” hay “Tòa án làm việc tốt năm này qua năm khác.”
Tuy nhiên những người đáp ứng với báo cáo sử dụng trang mạng của tuần báo Oriental Outlook đưa ra những lời bình luận rất tiêu cực như gọi ông Chu là “một sự ô nhục trong hệ thống tư pháp Trung Quốc” trong khi người khác đổ lỗi cho ông Chu đang mang tai họa đến cho đất nước và người dân vì ông đã từ chối không tranh đấu cho độc lập tư pháp.
Bầu cử Hà Lan: phép thử cho phe dân túy
Cử tri Hà Lan đang tham gia một trong ba cuộc bầu cử quan trọng diễn ra trong khu vực sử dụng đồng Euro năm nay.
Đảng trung hữu của đương kim Thủ tướng Mark Rutte và đảng chống nhập cư của Geert Wilders được cho là hai đảng đang dẫn trước trong cuộc bầu cử Quốc hội.
Ông Rutte nói bầu cử là cơ hội cho cử tri “phá tan kiểu dạng dân túy sai lầm”.
Ông Wilders cam kết đưa Hà Lan ra khỏi EU, đóng cửa tất cả các nhà thờ Hồi giáo và cấm kinh Koran.
Đảng Tự do của ông này dẫn trước trong các cuộc trưng cầu dân ý nhưng sau đó dường như ủng hộ cho ông có sụt giảm.
Tháng sau Pháp sẽ bầu cử tổng thống mới trong khi Đức tổng tuyển cử vào tháng Chín.
Cuộc bầu cử hôm 15/3 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Wilders có thể thắng hay không?
Ông Wilders tuyên bố sau khi bỏ phiếu: “Kết quả bầu cử hôm nay thế nào thì ông thần cũng không quay vào trong chiếc đèn nữa, cuộc cách mạng ái quốc sẽ diễn ra dù là hôm nay hay ngày mai”.
Trong khi phe dân túy có thể sẽ thu kết quả khả quan, một số đảng khác cũng trông đợi sẽ được nhiều phiếu, dẫn đến bức tranh chính trị nhiều mảng miếng.
Các ghế trong Quốc hội Hà Lan được chia theo đúng tương quan số phiếu của các đảng, và khả năng là không có đảng lớn nào muốn liên minh với đảng của Wilders, bởi vậy dù nhiều phiếu đi chăng nữa ông này cũng không thể vào chính phủ, theo nhận định của phóng viên BBC.
Kết quả toàn cục có lẽ sẽ là một liên minh cầm quyền.
Hà Lan trục xuất bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ
Sau khi bỏ phiếu, Thủ tướng Rutte hỏi người dân họ có tưởng tượng được thế giới sẽ phản ứng thế nào một khi đảng Tự do giành nhiều phiếu nhất hay không?
Ông tự trả lời: “Tôi cho là cả thế giới sẽ thấy là, sau Brexit, sau bầu cử Mỹ, kiểu dân túy sai lầm lại một lần nữa chiến thắng”.
Trước đó, trong một cuộc tranh luận trên truyền hình, hai ông Rutte và Wilders đã bất đồng về cách thức kiểm soát nhập cư.
Ông Rutte bác bỏ kế hoạch đóng cửa biên giới và nhà thờ Hồi giáo của ông Wilders, nói đây là “giải pháp sai”.
Ông Wilders thì cáo buộc ông Rutte là cho dân nhập cư hưởng dịch vụ y tế tốt hơn là người bản địa.
Còn đảng nào khác?
Một số đảng nhỏ có tiềm năng khác cũng tham gia tranh cử lần này.
Trưng cầu ý kiến cho thấy bảy trong số 28 đảng tham gia cuộc bầu có thể sẽ giành mỗi đảng hơn 10 ghế trong Quốc hội 150 ghế.
Sybrand Buma thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và Alexander Pechtold thuộc đảng D66 có thể sẽ liên minh nếu như ông Rutte chiến thắng.
Không có đảng nào muốn liên minh với ông Geert Wilders.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39280967
Mỹ truy tố gián điệp Nga vì ăn cắp tài khoản Yahoo
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vừa đọc lệnh truy tố hai gián điệp Nga trong số bốn người bị buộc tội đánh cắp nhiều tài khoản trên Yahoo.
Trước đó, Yahoo nói các tin tặc “được nhà nước hỗ trợ” đứng đằng sau các đợt tấn công năm 2014 khiến 500 triệu tài khoản bị ảnh hưởng.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ xác nhận rằng quyết định truy tố, được công bố thứ Tư 15/3, liên quan tới các đợt tấn công này.
Hai thành viên FSB, cơ quan an ninh của Nga, đã cùng các tội phạm tin tặc khác, thực hiện việc đánh cắp tài khoản, theo Bộ Tư pháp.
Các nghi phạm bị Mỹ nêu trong thông cáo của Bộ Tư pháp gồm:
Dmitry Aleksandrovich Dokuchaev, 33 tuổi, công dân Nga
Igor Anatolyevich Sushchin, 43, công dân Nga
Alexsey Alexseyevich Belan, 29, công dân Nga
Karim Baratov, 22, sống tại Canada, là công dân Canada và Kazakhstan
Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mary McCord nói: “Bộ Tư pháp tiếp tục đưa thông điệp mạnh mẽ, rằng chúng tôi sẽ không cho phép các cá nhân, các băng nhóm, các quốc gia hay liên kết giữa họ đe dọa quyền riêng tư của các công dân chúng tôi, quyền lợi kinh tế của các công ty hay an ninh của đất nước chúng tôi”.
Yahoo bị chỉ trích đã chậm trễ trong việc thông báo về các đợt tấn công 2014 tới khách hàng.
Trong số các dữ liệu bị đánh cắp có tên, địa chỉ email, số điện thoại, ngày tháng năm sinh và cả password, nhưng không có thông số thẻ tín dụng, theo Yahoo.
Năm ngoái, người sử dụng Yahoo được khuyến cáo thay đổi password.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39280973
‘Có 5.000 gián điệp TQ hoạt động ở Đài Loan’
Đài Loan cho biết có ít nhất 5.000 gián điệp Trung Quốc hoạt động trên đảo quốc, nhắm vào cả các công sở nhà nước và cơ sở kinh tế, công nghiệp.
Theo trang Taipei Times (13/03/2017), không chỉ các thông tin quân sự của Đài Loan là mục tiêu của gián điệp Trung Quốc mà các hoạt động hành chính dân sự cũng bị xâm nhập.
Nhà chức trách Đài Loan tin rằng chừng 80% hoạt động của khoảng 5000 người làm tình báo cho Trung Quốc nhắm tới các mục tiêu quân sự nhưng 20% còn lại là gián điệp chính trị, hành chính.
Từ 2002, chính quyền Đài Loan phát hiện ra 60 vụ gián điệp Trung Quốc.
Nhưng kể từ khi hai bên mở ra các kênh thương mại và lữ hành, con số này tăng lên nhiều.
Thành phần đa dạng
Ngoài chuyện tuyển người Đài Loan, kể cả công chức, sỹ quan quân đội làm gián điệp, Trung Quốc còn nhắm tới các nhóm khác.
Sinh viên, doanh nhân Trung Quốc sang Đài Loan học tập và làm việc là một trong số các nhóm người được tuyển làm tình báo cho Bắc Kinh, theo BBC Tiếng Trung từ Hong Kong.
Trung Quốc cảnh báo Mỹ về Đài Loan
Tuần trước, một cựu sinh viên Trung Quốc, Chu Hoằng Húc bị bắt tại Đài Loan vì nghi vấn làm gián điệp.
Hồi 2009, một nhân viên trong Phủ Tổng thống Đài Loan, Vương Nhân Bỉnh bị bắt và kết án tội gián điệp trong vụ việc được cho là nghiêm trọng nhất từ nhiều năm.
Năm 2011, một sỹ quan cao cấp của Đài Loan, là La Hiền Triết bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc.
Tướng La Hiền Triết khi đóng tại Thái Lan trong thời gian 2002 và 2005 đã bị Trung Quốc dùng “mỹ nhân kế” để gài bẫy và chiêu dụ.
Báo chí Đài Loan nói một phụ nữ Trung Hoa mang hộ chiếu Úc đã làm quen và lôi kéo tướng La bán các tin mật cho Trung Quốc, gồm tài liệu về hệ thống giao thông liên lạc, do thám và trinh sát của quân đội Đài Loan.
Người ta cũng tin rằng ông ta trao cho Trung Quốc tài liệu về vụ mua 30 chiếc trực thăng quân sự do Mỹ sản xuất, dự tính bán cho Đài Loan vào năm 2013.
Sang năm 2013, Trung Quốc muốn đổi hai gián điệp Đài Loan, Chu Cung Huấn và Từ Xương Quốc lấy La Hiền Triết nhưng Đài Bắc từ chối.
Vẫn theo BBC Tiếng Trung, hai ông Chu Cung Huấn và Từ Xương Quốc làm gián điệp cho Đài Loan và bị bắt ở vùng biên giới Việt -Trung năm 2006.
Các vụ gián điệp Trung – Đài xâm nhập lẫn nhau đã có từ thập niên 1950, ngay sau khi Quốc Dân Đảng bỏ chạy khỏi lục địa ra nắm đảo Đài Loan.
Thời Chiến tranh Lạnh, các vụ gián điệp của cả hai bên Trung – Đài chủ yếu có mục tiêu chính trị – quân sự vì chính quyền Đài Loan đứng về phía Hoa Kỳ, đối nghịch lại Trung Quốc cộng sản.
Hiện nay, dù có chế độ chính trị khác biệt, Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một tỉnh và vẫn mời đoàn đại biểu Đài Loan thân Bắc Kinh dự hội nghị Hiệp thương chính trị.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39278191
Rò rỉ hồ sơ Donald Trump:
Đóng thuế 38 triệu USD năm 2005
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nộp 38 triệu đôla thuế từ mức thu nhập hơn 150 triệu đôla năm 2005, hồ sơ thuế bị rò rỉ cho thấy.
Hai trang của tờ khai thuế được kênh truyền hình Mỹ MSNBC công bố, khiến Nhà Trắng nổi giận.
Nhà Trắng tuyên bố việc công bố hồ sơ thuế là bất hợp pháp.
Ông Trump từ chối công bố hồ sơ thuế của mình trong chiến dịch tranh cử, phá vỡ truyền thống lâu đời.
Hai trang giấy là một phần của hồ sơ thuế và không bao gồm chi tiết về thu nhập của ông Trump.
Mỹ: thêm bang thách thức lệnh của Trump
Trump ký lệnh hạn chế nhập cảnh mới
Các phóng viên nói rằng việc rò rỉ hồ sơ thuế này rất đáng kể vì rất ít người biết đến việc khai thuế của Tổng thống Trump và thông tin mới sẽ làm tăng áp lực để ông phải công bố thêm.
Hai trang giấy cho thấy ông Trump đã trả 5,3 triệu đôla Mỹ thuế thu nhập liên bang và thêm 31 triệu đôla thuế tối thiểu thay thế (AMT) áp dụng cho những người đóng thuế có lợi tức kinh tế cao.
Khoản thuế AMT được ban hành gần 50 năm trước để ngăn chặn những người giàu tận dụng các khoản khấu trừ và sơ hở để né thuế.
Khoản thuế 38 triệu đôla cho thấy ông Trump chịu thuế suất 24%, cao hơn mức trung bình của công dân Hoa Kỳ nhưng thấp hơn mức 27,4% của những người nộp thuế có thu nhập cao.
‘Lợi ích công chúng’
Anthony Zurcher, phóng viên BBC ở Washington, phân tích:
“Bây giờ chúng ta có thêm chút manh mối về khối gia sản của Donald Trump.
Vài trang hồ sơ thuế từ năm 2005 cho thấy rằng thuế tối thiểu thay thế, lần đầu tiên được đưa ra năm 1970, đã có hiệu quả – ngăn một cá nhân giàu có chỉ phải trả một khoản thuế tương đối nhỏ.
Vụ rò rỉ mới nhất cũng xác nhận thông tin thuế năm 1995 do tờ New York Times công bố năm ngoái là có căn cứ, cho thấy ông Trump đã báo lỗ gần 1 tỷ đôla khiến ông có thể né thuế trong 18 năm.
Tài sản cá nhân của ông Trump vẫn là một bí ẩn.
Dù việc rò rỉ hồ sơ thuế liên bang có thể bị khép tội hình sự, nhưng Rachel Maddow, người dẫn chương trình của MSNBC lập luận rằng họ đang thực thi quyền trong Tu chính án thứ nhất để công bố thông tin vì lợi ích công chúng.
Trong cuộc phỏng vấn trên kênh MSNBC, nhà báo David Cay Johnston cho biết ông nhận được hồ sơ thuế của ông Trump từ một nguồn ẩn danh.
Thông cáo của Nhà Trắng cho biết: “Quý vị biết mình đang có tỷ lệ người xem thấp nên mới sẵn sàng phạm pháp để dựng chuyện về hai trang hồ sơ thuế từ hơn một thập kỷ trước.”
Thông cáo viết rằng ông Trump có trách nhiệm không phải trả thuế nhiều hơn mức được yêu cầu.
Từ năm 1976, mỗi ứng viên tổng thống Hoa Kỳ đều công bố tờ khai thuế của họ dù luật không yêu cầu điều đó”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39230088
Đài Loan: Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc phòng
Báo cáo quốc phòng mới nhất của chính phủ Đài Bắc cho thấy Trung Quốc đang gia tăng phát triển và hoạt động quân sự, tiếp tục đe dọa an ninh của Đài Loan cũng như của các nước khác ở Châu Á-Thái Bình Dương, trong khi Hoa Kỳ chưa có chiến lược rõ rệt để ngăn cản mức bành trướng quân sự của Hoa Lục cũng như chưa rõ sự hiện diện quân sự của Nhật Bản sẽ gây ảnh hưởng như thế nào và chưa thể đoán biết căng thẳng đang xảy ra ở Biển Đông sẽ biến chuyển như thế nào, và được giải quyết ra sao.
Báo cáo ghi rõ những hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc như cho máy bay và tầu chiến đến sát không phần và lãnh hải của Đài Loan là những bằng chứng xác nhận tình hình ngày một bất ổn hơn, buộc chính phủ Đài Bắc phải gia tăng nỗ lực để bảo vệ an ninh quốc gia, cũng như bảo vệ tự do và thịnh vượng của người dân.
Báo cáo cũng viết rằng một trong những thử thách mà Đài Loan phải đương đầu là chưa rõ chiến lược và kế hoạch chuyển quân của Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Donald Trump sẽ như thế nào.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến bản báo cáo này, cho hay ngày mai báo cáo sẽ được trình bày công khai trước Quốc Hội.
Trung Quốc mong muốn
giải quyết mọi bất đồng với Mỹ
Kinh tế Trung Quốc vẫn vững mạnh, không có dấu hiệu sẽ gặp khó khăn, Bắc Kinh vẫn theo đuổi chủ trương toàn cầu hóa, không muốn thấy chiến tranh mậu dịch xảy ra với Hoa Kỳ, là những điểm quan trọng mới được Thủ Tướng Lý Khắc Cường đưa ra trong cuộc họp báo hàng năm diễn ra ở Bắc Kinh.
Thủ Tướng Trung Quốc nói rằng tất cả những bất đồng đều có thể giải quyết bằng thương thuyết, cho hay sẵn sàng thảo luận với Hoa Kỳ để tìm giải pháp giải quyết vấn đề theo hướng cả đôi bên đều có lợi.
Phát biểu này được xem là nhắm đến những lời tuyên bố mà Tổng Thổng Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra từ khi còn vận động tranh cử, chỉ trích Bắc Kinh cố ý hạ giá đồng bạc để trục lợi khi xuất khẩu hàng sang Mỹ. Ông Trump cũng từng nói sẽ trả đũa bằng cách đánh thuế cao trên các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất.
Cuối tuần này, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ sang thăm Bắc Kinh, và chắc chắn vấn đề mậu dịch sẽ được nói tới. Ngoài ra vào đầu tháng Tư tới đây thượng đỉnh Mỹ-Trung sẽ diễn ra tại Mỹ, tạo cơ hội cho Tổng Thống Trump và Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình bàn thảo và giải quyết những bất đồng đang có.
Trong cuộc họp báo, Thủ Tướng Trung Quốc cũng lên tiếng trấn an giới đầu tư, nhắc lại năm nào cũng có dư luận cho rằng kinh tế Hoa Lục sẽ gặp khó khăn, nhưng những thành quả đạt được trong các năm vừa qua cho thấy dự đoán đó không đúng.
Thủ Tướng Lý Khắc Cường cũng nhắc lại năm ngoái, mức phát triển kinh tế Trung Quốc đạt được là 6,7%, năm nay chỉ tiêu được đưa ra là 6,5%, giải thích điều đó không có nghĩa là kinh tế Trung Quốc bị chậm lại.
Ông cũng loan báo kế hoạch giảm gần 150 tỷ tiền thuế và phí mà các công ty đang gánh chịu, gọi đó là một trong những chính sách được thực hiện để thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế.
Phó tổng thống Philippines
lên án chiến dịch chống ma túy
Phó tổng thống Philippines, bà Leni Robredo, đã khẳng định vào hôm nay, 15/03/2017, là cuộc chiến chống ma túy do tổng thống Duterte tung ra, khiến người Philippines cảm thấy « tuyệt vọng và bất lực », niềm tin vào cảnh sát bị các vụ hành quyết thô bạo bị xói mòn.
Trong một đoạn video gởi qua mạng đến cuộc họp của Liên Hiệp Quốc về các vụ giết người ngoài vòng pháp luật, bà Leni Robredo còn kêu gọi quốc tế giám sát chặt chẽ chiến dịch của tổng thống Duterte.
Thông điệp của bà Robredo còn cho biết thêm : « Một số người đã nói rằng trước đây, khi thấy hành vi tội phạm, họ thường đến báo cảnh sát. Nhưng bây giờ họ không biết phải gặp ai… Dân chúng Philippines cảm thấy tuyệt vọng và bất lực, một cảm nhận phải được xem trọng ».
Thông điệp của phó tổng thống Philippines được công bố cho báo chí trước cuộc họp của Liên Hiệp Quốc dự kiến mở ra tại Áo vào ngày mai, 16/03.
Trong chiến dịch tranh cử, tổng thống Duterte đã hứa tận diệt nạn buôn lậu ma túy, và từ khi ông lên nắm quyền tháng Sáu 2016, cảnh sát đã báo cáo 2.500 trường hợp người thiệt mạng trong các chiến dịch chống ma túy, nhưng có khoảng 4.500 người đã bị chết trong những trường hợp mờ ám. Đối với bà Leni Robredo, như vậy tổng cộng có tới hơn 7.000 người chết trong các vụ hành quyết.
Tại Philippines, tổng thống và phó tổng thống được bầu riêng và bà Leni Robredo thuộc đảng đối lập. Bà đã từng phản đối chiến dịch chống ma túy của ông Duterte, nhưng đây là lần chỉ trích mạnh mẽ nhất.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170315-pho-tong-thong-philippines-len-an-chien-dich-chong-ma-tuy
Quà của Bắc Kinh cho tân tổng thống Mỹ Donald Trump ?
Việc tỉ phú Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng đặt ra rất nhiều câu hỏi về các xung đột lợi ích, nhất là khi tập đoàn kinh tế của gia đình Trump có nhiều quan hệ làm ăn, bị đánh giá là hết sức mờ ám. Ngày thứ Hai, 14/03/2017, hãng tin Bloomberg tiết lộ doanh nghiệp của người con rể ông Trump, đồng thời là cố vấn của tổng thống, đã được một công ty Trung Quốc biếu 200 triệu đô la.
Theo hãng tin Mỹ, trong vụ bán lại một ngôi nhà cao 41 tầng rất sang trọng, nằm tại đại lộ thứ Năm của Manhattan, trung tâm New York, công ty Kushner đã được « hưởng lợi một cách bất thường ». Hãng Bloomberg nhấn mạnh là vụ mua bán bất động sản đặt ra « những vấn đề an ninh quốc gia » với Hoa Kỳ, bởi đối tác Trung Quốc, công ty bảo hiểm lớn Anbang Insurance Group có « mối quan hệ mờ ám với chính quyền Trung Quốc ».
Nghi vấn tập trung vào khoản tiền vay, mà công ty con rể ông Trump đột ngột được miễn trả một phần lớn. Doanh nghiệp gia đình của ông Jared Kushner chỉ phải trả có một phần năm số tiền vay 250 triệu đô la, từ năm 2011.
Một người phát ngôn của công ty Kushner bảo đảm là trong vụ này không có gì là xung đột lợi ích, tuy nhiên rõ ràng người con rể Jared Kushner đang đảm nhiệm chức cố vấn của tổng thống. Trong khi đó, chủ tịch và giám đốc điều hành của đại công ty bảo hiểm Anbang, ông Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui), kết hôn với cháu gái của Đặng Tiểu Bình, theo báo chí kinh tế Trung Quốc.
Hãng tin AFP cho biết một số thông tin về công ty bảo hiểm đáng ngờ này. Được thành lập từ năm 2004, với số cổ phiếu lên đến 250 tỉ đô la. Trong hai năm trở lại đây, công ty bảo hiểm của Ngô Tiểu Huy đã từng cố mua lại một số công ty Mỹ có tiếng tăm, như tập đoàn khách sạn giải trí Startwood Hotels and Resort, với số tiền 14 tỉ đô la, nhưng phi vụ cuối cùng không thành.
Các nhà quan sát đặt câu hỏi : Ai kiểm soát công ty tài chính khổng lồ này ? Rất khó trả lời, bởi Anbang không hề lên sàn chứng khoán và không bao giờ công bố chính thức tên của các cổ đông. Bên cạnh đó, tổ chức nội bộ của Anbang cũng được đánh giá là rất bí hiểm.
Theo AFP, có khoảng ba chục doanh nghiệp tư nhân và nhà nước hùn vốn vào Anbang. Trong số đó, có các công ty nằm dưới sự kiểm soát của thái tử đảng Trần Tiểu Lỗ (Chen Xiaolu), con trai của cựu ngoại trưởng Trần Nghị (Chen Yi). Thông tin do một tuần báo phát giác hồi năm ngoái bị Trần Tiểu Lỗ bác bỏ, tuy nhiên nhân vật này cũng công nhận là « có quan hệ đối tác làm ăn » với ông chủ đại công ty bảo hiểm.
Công ty Ivanka Trump tiếp tục đặt hàng ở Trung Quốc
Xung đột lợi ích giữa tân tổng thống Mỹ và các quan hệ làm ăn không minh bạch của gia đình ông Trump là điều được truyền thông nhiều lần nhắc đến. AFP thì nhấn mạnh đến lời nói không đi đôi với việc làm của gia đình nhà Trump, khi nhắc lại việc sản phẩm « Ivanka Trump », tên con gái của tổng thống Mỹ, đang trên tàu chở hàng từ Trung Quốc về Mỹ, đúng vào lúc ông Trump phát biểu một cách hùng hồn về nguyên tắc « (ưu tiên) mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ » trong bài diễn văn nhậm chức hôm 20/01.
Theo các dữ liệu của cơ quan thuế vụ Mỹ, được văn phòng « Our Principles PAC » phát giác, từ mười năm qua, đã có hơn 1.200 chuyến tàu từ Trung Quốc và Hồng Kông sang Hoa Kỳ, chuyên chở các sản phẩm mang tên tổng thống tương lai của nước Mỹ.
Hồi tháng 2/2017, bà Ivanka Trump tham gia vào một cuộc họp tại Nhà Trắng, cùng với khoảng một chục đại diện công nghiệp Mỹ. Trong dịp này người cha Donald Trump đã hứa « sẽ làm mọi thứ để đưa việc làm trở về cho người Mỹ ».
Trả lời phỏng vấn AFP, một người phát ngôn của mác Ivanka đã cam kết doanh nghiệp đang rất cố gắng. Tuy nhiên, theo nhật báo Trung Quốc Global Times, ít nhất có một doanh nghiệp ở miền nam Trung Quốc đã nhận được đơn đặt hàng sản xuất 10.000 đôi giày từ công ty con gái tổng thống Trump.
Bắc Kinh đồng loạt bật đèn xanh cho 38 thương hiệu nhà Trump
Hoạt động làm ăn của công ty Ivanka chỉ là một phần nhỏ trong đế chế kinh tế của gia đình Donald Trump tại Trung Quốc. Theo báo Le Figaro, chỉ trong ba tuần gần đây, phòng thương mại và công nghiệp Trung Quốc đã bật đèn xanh cho 38 thương hiệu của gia đình tổng thống Mỹ, từ kem chống nhăn, nắp bồn cầu, cho đến chuỗi khách sạn, công ty bất động sản, hãng bảo hiểm, công ty bảo vệ, dịch vụ coi sóc nhà cửa, câu lạc bộ golf…
Các thương hiệu nói trên được tập đoàn Trump nạp hồ sơ vào tháng 4/2016, đúng vào lúc diễn ra cuộc tranh cử tổng thống.
Theo báo kinh tế Thụy Sĩ, thành viên Ủy Ban Đối Ngoại của Thượng Viện Mỹ, ông Ben Cardin, đã « kinh ngạc » trước việc này, và khẳng định : « rõ ràng Bắc Kinh đã nhận thấy tiềm năng thu hút đầu tư trở lại Trung Quốc, nếu như có được một quan hệ riêng tích cực với tổng thống Mỹ ».
Nhiều nhà quan sát ghi nhận 38 thương hiệu nói trên của tập đoàn kinh tế gia đình tổng thống Mỹ đã được chính quyền Trung Quốc chấp nhận thông qua trong một « thời gian kỷ lục », chỉ trong hai đợt 27/02 và 6/3.
Ông Richard Pointer, luật sư chuyên về đạo đức của cựu tổng thống G.W. Bush, chia sẻ nỗi ngờ vực trong công luận. Ông nhận định với hãng tin AP là một chính phủ không phải tự nhiên mà cấp phép cho hàng loạt thương hiệu của một tập đoàn nước ngoài như vậy, rất cần phải đặt câu hỏi về « việc liệu có khuất tất đằng sau ít nhất là một vài » trong số các thương hiệu này.
Vẫn theo Tribune, trước đó, ngày 14/02, công ty gia đình Trump cũng vừa nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với nhiều công trình xây dựng tại Trung Quốc, vốn bị kiện dai dẳng từ 10 năm nay.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170315-mon-qua-cua-bac-kinh-cho-tan-tong-thong-my-donald-trump
Syria: vẫn rối ren và bế tắc sau 6 năm nội chiến
Ngày hôm nay, 15/03/2017, đánh dấu 6 năm cuộc nội chiến tại Syria lớn nhất, khốc liệt nhất từ trước tới nay. Từ đó đến nay cuộc chiến đã làm hơn 300 000 người chết, hàng triệu người phải bỏ nhà cửa quê hương. Trong khi đó các bên tham chiến rất phức tạp vẫn tranh giành nhau đất nước Syria kiệt quệ trong một cuộc chiến không lối thoát.
Thông tín viên Paul Khalifeh trong khu vực tóm lược về cuộc chiến Syria :
Xuất phát từ một phong trào nhân dân phản kháng chính quyền chuyên chế Bachar al Assad, rồi qua nhiều năm chuyển thành một cuộc nội chiến mang tầm mức quốc tế chưa từng có.
Trước hết, các tác nhân tại chỗ gồm có : quân đội chính phủ và các lực lượng dân quân vũ trang ủng hộ chính phủ, đối mặt với họ là các lực lượng nổi dậy mang màu sắc Hồi giáo cùng hàng chục nghìn quân thánh chiến Hồi Giáo 80 nước trên thế giới.
Năm 2013, lực lượng vệ binh cách mạng Iran và Hezbollah Liban đã lao vào cuộc chiến bên cạnh chế độ Damas lúc đó đang trong vị thế rất yếu.
Hai năm sau quân đội Nga đã chính thức nhảy vào với các cuộc oanh kích của phi đội không quân hùng hậu và hàng nghìn lính trên các mặt trận.
Tháng 8/2016, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa chiến xa vào miền bắc Syria để tấn công lực lượng thánh chiến và quân vũ trang người Kurdistan. Cũng cần phải tính thêm cả nghìn lính thủy quân lục chiến Mỹ đang đóng ở phía đông bắc Syria. Nhiệm vụ của họ là hỗ trợ các lực lượng người Kurdistan và Ả Rập, các Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS) chiến đấu chống các nhóm quân tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Các lực lượng đặc nhiệm Pháp và Anh cũng đã được triển khai để tư vấn, huấn luyện cho quân đội FDS. Cuối cùng ở phía nam, quân đội Jordani cũng triển khai bí mật để theo dõi các lực lượng thánh chiến.
Mục tiêu của các tác nhân nói trên rất đối chọi nhau, ngay cả khi họ liên minh với nhau.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170315-6-nam-noi-chien-syria-van-roi-ren-va-be-tac
Tàu sân bay Mỹ đến Hàn Quốc tập trận
Đúng theo kế hoạch dự kiến, tàu sân bay hạt nhân của Mỹ USS Carl Vinson cập bến cảng Busan Hàn Quốc vào hôm nay, 15/03/2017 để tham gia các cuộc tập trận song phương. Và cũng đúng như dự kiến, Bắc Triều Tiên đã lập tức lên tiếng đe dọa sẽ đáp trả hành động của Mỹ một cách « không thương tiếc ».
Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, việc chiếc Carl Vinson được phái đến tập trận tại Hàn Quốc là một hành động thị uy mạnh mẽ của Hải Quân Mỹ nhắm vào Bắc Triều Tiên vào lúc tân ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson bắt đầu chuyến công du khu vực, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong vùng với loạt bắn thử tên lửa mới đây của Bắc Triều Tiên, cũng như với vụ ám sát người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un tại Malaysia.
Tàu sân bay Carl Vinson và một khu trục hạm Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tập trận hải quân, trong đó có một bài tập chống tàu ngầm cùng với lực lượng Hàn Quốc ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Đây là một phần trong cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ-Hàn thường niên mang tên Foal Eagle. Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, các cuộc tập trận hải quân sẽ bắt đầu vào tuần tới.
Phát biểu với các nhà báo, chuẩn đô đốc James Kilby, chỉ huy tàu sân bay Carl Vinson xác định : « Tầm quan trọng của cuộc tập trận là tiếp tục xây dựng liên minh và quan hệ giữa hai nước, cũng như củng cố năng lực tương tác giữa các tàu chiến » của hai quân đội.
Trong khi Seoul và Washington luôn nhấn mạnh rằng các cuộc tập trận chỉ mang tính chất phòng thủ, Bình Nhưỡng từ trước đến nay luôn lớn tiếng tố cáo những cuộc diễn tập bị cho là mang tính khiêu khích để chuẩn bị xâm lăng Bắc Triều Tiên.
Ngay từ hôm qua 14/03, Bình Nhưỡng đã cảnh cáo là sẽ tấn công « không thương tiếc » vào đối phương nếu lãnh thổ hoặc chủ quyền Bắc Triều Tiên bị các nhóm tấn công từ tàu sân bay Mỹ xâm phạm. Theo hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA, đó sẽ là « các cuộc tấn công không thương tiếc có độ chính xác cực cao » trên bộ, trên không, trên biển và dưới mặt nước.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170315-tau-san-bay-my-den-han-quoc-tap-tran-binh-nhuong-doa-dap-tra-du-doi
Bầu cử tổng thống Pháp: Fillon khẳng định vô tội
Hôm nay, 15/03/2017, ứng cử viên tổng thống cánh hữu François Fillon khẳng định rằng ngành tư pháp sẽ xác định là ông vô tội trong nghi án tạo việc làm giả cho vợ con.
Trong vụ này, hôm qua, cựu tổng thống Pháp vừa bị khởi tố với tội danh “biển thủ công quỹ”, trong khi chỉ còn chưa tới 6 tuần nữa là đến vòng một bầu cử tổng thống Pháp 23/04. Đây là lần đầu tiên một ứng cử viên tổng thống Pháp bị khởi tố khi đang tranh cử.
Hôm nay, ông Fillon đã một lần nữa tố cáo một âm mưu dùng các vụ việc để làm mất uy tín của ông đối với cử tri, đồng thời tuyên bố sẽ đẩy mạnh chiến dịch tranh cử, mặc dù trước đó chính ông nói rằng trong trường hợp bị khởi tố, ông sẽ rút khỏi cuộc tranh cử.
Trong khi đó, đến lượt ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron bị dính líu đến một vụ điều tra của tư pháp. Theo hãng tin AFP, một cuộc điều tra đã được mở ra vào thứ Hai vừa qua, nhắm vào chuyến thăm Las Vegas vào tháng Giêng 2016 của ông Macron lúc còn là bộ trưởng Kinh Tế. Ông Macron đã đến Las Vegas vào lúc tại đây đang diễn ra cuộc triển lãm hàng điện tử lớn nhất thế giới Consumer Electronics Show ( CES ) và đã dành một buổi tối để quảng bá thế mạnh của công nghệ Pháp.
Cuộc điều tra được mở ra sau khi cơ quan thanh tra tài chính nghi ngờ đã có sai trái trong việc tổ chức buổi tối ấy, cụ thể là ban tổ chức đã giao cho công ty Havas thực hiện mà trước đó không có đấu thầu. Tuy nhiên, bộ trưởng Kinh Tế đương nhiệm Michel Sapin ngày 08/03 vừa qua đã khẳng định là ông Macron và bộ Kinh Tế lúc ấy không có lỗi gì trong chuyện này, mà trách nhiệm là thuộc về Business France, cơ quan đặc trách việc tổ chức.
Các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu cho tới nay đều dự báo là ứng cử viên Macron sẽ lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống Pháp và trong vòng hai sẽ đánh bại ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen để đắc cử tổng thống.
http://vi.rfi.fr/phap/20170315-bau-cu-tong-thong-phap-fillon-khang-dinh-vo-toi
Hiểm họa Bắc Triều Tiên
bao trùm chuyến công du châu Á của Tillerson
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm nay, 15/03/2017, bắt đầu chuyến công du châu Á đầu tiên của ông vào lúc mà mối hiểm họa hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên ngày càng nghiêm trọng. Ông Tillerson đến Tokyo hôm nay và thứ Sáu, 17/03, sẽ đến Séoul, trước khi ghé Bắc Kinh trong hai ngày 18 và 19/03.
Trước khi trao lại chìa khóa Nhà Trắng cho Donald Trump, Barack Obama đã báo trước rằng chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên sẽ là hồ sơ gay góc nhất mà tân tổng thống Mỹ phải giải quyết.
Cho nên, trách nhiệm được giao trong chuyến công du châu Á lần này quả là hết sức nặng nề đối với ông Tillerson, nguyên là một lãnh đạo công ty dầu khí, không có chút kinh nghiệm gì về ngoại giao, thậm chí chưa bao giờ là thành viên một nội các.
Ngoại trưởng Tillerson đặt chân đến châu Á chỉ vài ngày sau khi Bắc Triều Tiên bắn 4 tên lửa về hướng biển Nhật Bản, cho thấy là Bình Nhưỡng nhắm tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản, thậm chí nhắm tới bờ biển của Mỹ hướng về Thái Bình Dương. Hôm qua, các tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã cảnh báo là Bắc Triều Tiên có thể có những hành động khiêu khích mới để đáp lại cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn hiện đang diễn ra.
Ngoại trưởng Tillerson đã báo trước là ông sẽ có thái độ cứng rắn với chế độ Kim Jong Un khi hội đàm với các lãnh đạo hai nước đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như với lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng nếu như ông Tillerson dễ có được sự đồng cảm của thủ tướng Nhật Shinzo Abe và của quyền tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn, thì ông sẽ khó mà thuyết phục được giới lãnh đạo Trung Quốc, trong khi chỉ có Bắc Kinh mới có đủ khả năng tác động lên đồng minh Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm nay đã báo động rằng tình hình ở bán đảo Triều Tiên và ở vùng Đông Bắc Á nói chung đã trở nên căng thẳng và những căng thẳng này có thể dẫn đến xung đột. Mặc dù chia sẻ mối quan ngại của Washington về tham vọng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh lại có phản ứng chừng mực hơn với chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Cho tới nay, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chống lại mọi hành động có thể gây mất ổn định chế độ Kim Jong Un và đặc biệt cực lực phản đối việc Hoa Kỳ triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Washington vẫn khẳng định rằng hệ thống này chỉ nhằm bảo vệ Hàn Quốc và các căn cứ của Mỹ trước nguy cơ tên lửa Bắc Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh sợ rằng hệ thống radar của THAAD sẽ làm suy yếu hệ thống tên lửa của Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là do lỗi của Bình Nhưỡng lẫn Washington. Ngoại trưởng Vương Nghị cách đây vài ngày đã đề nghị là, đổi lấy việc Bắc Triều Tiên ngưng các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân, Hoa Kỳ phải ngưng tập trận chung với Hàn Quốc. Nhưng phía Mỹ đã bác ngay đề nghị đó.
Trước viễn cảnh bế tắc giải pháp cho hồ sơ Bắc Triều Tiên, một số nhân vật cứng rắn ở Washington đang thúc đẩy việc ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công ty Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng. Nhưng các quan chức Mỹ khẳng định là trong chuyến công du châu Á lần này của ông Tillerson, chưa có bất cứ biện pháp nào mới được loan báo. Trước mắt, ngoại trưởng Mỹ sẽ thăm dò phản ứng của phía Trung Quốc về ý định thi hành các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên nặng nề hơn, nhưng đồng thời phải trấn an Bắc Kinh là sẽ không xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nước.