Tin Việt Nam – 13/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 13/03/2017

Ai đã đánh đập

tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn trong tù?

“Minh Mẫn con tôi bị đánh đập đến thương tích trong tù, lại còn bị biệt giam trong xà lim hôi thối 10 ngày.” Bà Nguyễn Đặng Ngọc Minh bùi ngùi chia sẻ về tình trạng của TNLT Nguyễn Đặng Minh Mẫn khi trao đổi với chúng tôi.

Ngày 12.03.2017 trên facebook của mình bà Đặng Ngọc Minh cho biết việc cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị một phạm nhân tên Lan xông hành hung trong chính trại tù, và còn bị quản giáo ra lệnh tống vào khu biệt giam 10 ngày.

Bà Đặng Ngọc Minh nói “trong chuyến thăm nuôi ngày 12.03.2017 chồng tôi đã gọi điện từ trại 5 – Thanh Hóa về và báo cho biết là con tôi bị đánh đập, và vừa mới ra khỏi nhà kỷ luật và gầy gò ốm yếu vì bị đối xử hà khắc trong thời gian qua.”

Ông Nguyễn Văn Lợi bố của Minh Mẫn kể lại “khi tôi gặp Mẫn, Mẫn kể chuyện bị đánh đập thì cán bộ liền ngắt lời và dọa sẽ không cho gặp nữa. Con bé bị nhốt vào một buồng giam bẩn thỉu và chế độ ăn uống không bảo đảm.”

Cựu TNLT Tạ Phong Tần, người là nhân chứng và từng bị giam chung cùng với TNLT Nguyễn Đặng Minh Mẫn chia sẻ trên facebook: “Nữ tù chính trị tại trại giam số 5 (Thanh Hoá) bị giam riêng ở khu tù chính trị từ khi tôi còn ở trại này. Bất cứ ai cũng ko được vào đây nếu ko được giám thị trại cho phép, kể cả cán bộ căn tin, y tế, bảo vệ. Nay chúng cho người lạ vào đánh Minh Mẫn bị thương tích, lại còn nhốt xà lim kỷ luật. Kẻ lạ tên Lan đó là tù thật hay tù giả chỉ có chúng nó biết. Thương cháu tôi gầy còm, ốm yếu, nhỏ chỉ như nắm tay, một mình giữa bầy ác quỷ.”

Trại giam số 5 là nơi khét tiếng với bao nhiêu tù nhân chính trị đã bỏ mạng tại đây. Trước kia đây là nơi được cho là “địa ngục của địa ngục trần gian” vì điều kiện hà khắc, nước nôi độc hại, lại có đội ngũ cai tù tàn ác.

Riêng trại giam nữ nơi mà nhiều tù nhân lương tâm như Tạ Phong Tần, Hồ Thị Bích Khương, PHạm Thị Lộc đã từng bị ngược đãi.

Các tù nhân này cho biết khu biệt giam rất nhỏ, bẩn thỉu, hôi thối vì không được vệ sinh sạch sẽ. Người bị đi kỷ luật lại bị còng chân và có người từng nhiễm trùng vì bị xầy xước do còng gây ra.
Bà Minh cũng nhắc đến việc tháng trước bà phải gọi điện cho giám thị, thì sau đó bà mới được nói chuyện với con của bà. “tôi đã linh cảm có điều gì đó không ổn. Bây giờ thì tôi biết là thời gian đó Mẫn đang bị kỷ luật biệt giam. Lúc được gọi điện cũng là lúc vừa kết thúc án kỷ luật về.”
TNLT Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị kết án 8 năm tù giam, 5 năm quản chế với cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”. Cô bị bắt từ tháng 8 năm 2011 trong chiến dịch đàn áp những tiếng nói đối lập lớn nhất từ trước tới nay của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội. “Vụ án 14 thanh niên Công Giáo – Tin Lành” của cô được công luận đặc biệt chú ý và cũng gây nên tác động xã hội rất lớn. Các phiên xét xử của những TNLT này thu hút sự quan tâm của báo giới trong và ngoài nước. Đồng thời cũng gây nên những cuộc xuống đường với hàng chục ngàn người ở nhiều nơi.
Trước phiên tòa kết án mình TNLT Nguyễn Đặng Minh Mẫn từng dõng dạc nói “nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ ghi các khẩu hiệu khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.”

Các tổ chức nhân quyền và Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi nhà nước cộng sản Việt Nam thả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho cô.

Vừa nói chuyện bà Minh vừa xúc động kể những gì con gái bà trải qua. “Tôi khóc không phải vì sợ mà là vì lo và thương con gái. Giờ chỉ một mình con bé là tù nhân chính trị trong trại giam số 5. Họ thích làm gì là họ làm. Đến việc đánh một tù chính trị mà họ còn làm, thì điều gì mà họ còn có thể. Có điều gì xảy ra cho con bé tôi cũng không biết nữa…”.

Quốc Hiếu / SBTN

http://www.sbtn.tv/ai-da-danh-dap-tu-nhan-luong-tam-nguyen-dang-minh-man-trong-tu/

 

Dư luận VN phẫn nộ vì cáo buộc nhiều trẻ em bị xâm hại

Các lãnh đạo cao cấp tại Việt Nam đã “yêu cầu Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” làm rõ cáo buộc một số vụ xâm hại tình dục trẻ em sau khi vụ việc được truyền thông trong nước, mạng xã hội và các tổ chức xã hội đưa tin và kêu gọi hành động.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 12/3 đã yêu cầu ‘điều tra sớm’ vụ một người đàn ông 76 tuổi bị tố cáo nhiều lần có xâm phạm tình dục các bé gái tại khu chung cư ở phường Nguyễn An Ninh (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), theo Thông tấn xã Việt Nam.

Ngày 13/3, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND Hà Nội khẩn trương xác minh vụ việc một bé gái 8 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị xâm hại nhưng vụ việc vẫn chưa được điều tra mặc dù gia đình đã làm đơn tố cáo hơn hai tháng trước.

Đây chỉ là hai trong số hàng loạt vụ xâm hại tình dục trẻ em được truyền thông trong nước và các mạng xã hội phản ánh trong thời gian qua.

Cáo buộc xâm hại trẻ em không được điều tra, xử lý kịp thời trong khi các thủ phạm được cho là được “bao che” và có kẻ còn “nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật” đã gây bất bình cho người dân và các tổ chức bảo vệ trẻ em và phụ nữ ở Việt Nam.

Các vụ xâm hại trẻ em gây bất bình trong dư luận

Theo bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), “tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng về số lượng, bình quân mỗi năm gần 1.000 em bị xâm hại tình dục.”

“Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an, từ năm 2010 đến năm 2013, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ lên đến 1544 vụ vào năm 2014. Như vậy, theo những con số chính thức đó thì chí ít mỗi ngày có 3 đứa trẻ bị xâm hại,” tạp chí Phụ nữ mới dẫn lời bà Hồng.

Trong vụ án ở phường Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu, có tố cáo 9 bé gái đã bị một người đàn ông 76 tuổi xâm hại nhiều lần. Sau khi một người mẹ làm đơn gửi công an vào tháng 6/2016, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hồi tháng 8/2016 nhưng vụ án vẫn chưa được khởi tố.

Sau khi có yêu cầu của Chủ tịch Trần Đại Quang, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Vũng Tàu cho biết cơ quan này đã quyết định gia hạn điều tra lần 2 đối với vụ án trong thời hạn hai tháng, báo Phụ nữ cho hay.

Một vụ án khác gây nhiều bất bình trong dư luận là vụ một cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau đã tự vẫn ngay sau tết Đinh Dậu vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần. Gia đình cháu đã tố cáo với cơ quan chức năng nhưng vụ việc vẫn không được xử lý vì “những không đủ bằng chứng để khởi tố vụ việc”.

Mới đây lại xuất hiện tố cáo một bé gái 8 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị một người đàn ông 34 tuổi xâm hại nhiều lần (được phát hiện hồi tháng Một) và vụ một bé gái 7 tuổi ở quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, tố cáo bị một người đàn ông xâm hại ở trường (phát hiện hồi tháng Hai).

Trong cả hai trường hợp này, sau khi có kết quả khám nghiệm từ bệnh viện, gia đình các bé đã làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.

Tình trạng xâm hại trẻ em gia tăng?

Trong bức “tâm thư” ra ngày 12/3 của Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) kêu gọi hành động quyết liệt hơn nữa để giải quyết vấn nạn xâm hại trẻ em, 15 tổ chức xã hội thuộc mạng lưới này cho rằng còn nhiều “rào cản về thể chế khiến cho bạo lực tình dục không những không giảm mà còn gia tăng” trong thời gian gần đây.

Các rào cản được kể đến gồm quy trình tố tụng thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy cảm; thái độ đổ lỗi cho phụ nữ và trẻ em là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực của các cán bộ công quyền; việc quy trách nhiệm cho phụ nữ và trẻ em phải bảo vệ mình thay vì nghiêm khắc nhận trách nhiệm.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói bà sẽ đặt câu hỏi chất vấn về những vấn đề liên quan đến nạn xâm hại tình dục trẻ em trong phiên chất vấn tại phiên họp thứ 8 của Uỷ ban Thường vụ bắt đầu từ ngày 14/3, tờ Tiền Phong cho hay.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39254386

 

Mỹ ‘có một số nhận định thiếu khách quan’

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với BBC rằng Việt Nam sẵn sàng trao đổi “thẳng thắn, cởi mở” với Hoa Kỳ về “những vấn đề còn có sự khác biệt”.

Phản ứng của chính phủ Việt Nam đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố phúc trình hàng năm về nhân quyền thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trả lời BBC hôm 13/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói:

“Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân.”

“Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng đảm bảo và cải thiện các quyền cơ bản của người dân thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.”

Đề cập đến báo cáo của Mỹ, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với các nước, trong đó có Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt.”

“Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuy đã ghi nhận một số thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam.”

Đến nay hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng tiến hành 20 vòng đối thoại song phương thường niên về quyền con người.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân.Lê Hải Bình, Bộ Ngoại giao Việt Nam

Phúc trình của Mỹ có một phần riêng nói về Việt Nam, trong đó một số từ được nhắc tới thuộc loại nhiều nhất là ‘tùy tiện’ và ‘bắt giữ, tạm giam’.

Bản báo cáo dài đăng trên website đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam hôm 06/03 có nhiều hạng mục khác nhau như tôn trọng nhân phẩm, bảo đảm quyền tự do, tình trạng nhà tù và về các vụ bắt bớ, quyền tự do dân sự, tham nhũng và công khai tài sản.

Ngay từ phần mở đầu, báo cáo nhận định việc Quốc hội Việt Nam trì hoãn thực thi một số luật đã được thông qua năm 2015 làm “ảnh hưởng tới quyền công dân, gồm có luật hình sự mới, thủ tục tố tụng hình sự và luật về tạm giữ, tạm giam”.

“Vấn đề nhân quyền nổi bật nhất ở đất nước này là việc cấm đoán chặt chẽ quyền chính trị của người dân, nhất là quyền thay đổi chính quyền qua quá trình bầu cử tự do và công bằng; giới hạn quyền tự do của công dân, trong đó tự do hội họp, liên kết và biểu hiện; và bảo vệ không đầy đủ quyền công dân theo đúng thủ tục, trong đó có bảo vệ chống lại giam giữ tùy tiện.”

“Có nhiều báo cáo chỉ ra rằng quan chức hoặc tay sai dưới sự chỉ huy của Bộ Công an hay công an tỉnh đã phạm phải các vụ sát hại tùy tiện hoặc bất hợp pháp, trong đó có báo cáo cho rằng có ít nhất 9 người thiệt mạng trong lúc bị tạm giam,” nhưng chỉ có một số ít nhân viên an ninh phải chịu trách nhiệm, báo cáo viết.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39232573

 

Công trình đang xây trái phép ở Đà Nẵng

không phải là “phố Tàu”?

Ngày 13/3, Đội an ninh – Công an quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng cho biết đã điều tra, xác minh về công trình trái phép mà người dân đang nghi ngờ là khu phố của người Trung Quốc đang được xây dựng tại phường Hòa Xuân.

Kết quả điều tra cho thấy công ty Việt May cho công ty TNHH Liên hợp Thế Duy thuê đất để xây công trình Trung tâm giới thiệu trà và đặc sản Việt Nam. Tuy nhiên thời điểm kiểm tra, đội thi công không xuất trình được hợp đồng thuê đất và giấy phép xây dựng.

Trước đó nguồn tin trong nước cho biết tại khu vực đang xây dựng có một số người Trung Quốc. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra thì những người Trung Quốc đó là khách du lịch được ông Nguyễn Công Nguyên, một hướng dẫn viên du lịch thuộc Công ty TNHH Overseas Travel Đà Nẵng dẫn vào thăm quan.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/invest-result-ab-secret-town-being-built-in-da-nang-03132017090802.html

 

Kinh doanh sòng bạc thu hút đầu tư ngoại quốc

Thanh Phương

Theo một nghị định được ban hành vào đầu tháng Giêng vừa qua, kể từ ngày 15/03/2017, người Việt Nam, với một số điều kiện ( về thu nhập, tuổi tác… ), sẽ được vào các sòng bạc casino ở Việt Nam mà cho tới nay chỉ dành cho người nước ngoài hoặc người Việt mang hộ chiếu nước ngoài.

Cùng với nghị định cho phép người Việt vào các casino, chính phủ Hà Nội cũng vừa ban hành một nghị định theo đó kể từ ngày 31/03, công dân Việt Nam từ 21 tuổi được phép đặt cược bóng đá quốc tế, đặt cược đua ngựa, đua chó, nhưng phải thông qua các doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ này.

Trả lời RFI Việt ngữ từ Sài Gòn, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn giải thích lý do vì sao cuối cùng chính phủ Việt Nam đã phải chấp nhận cho người Việt tham gia những trò cờ bạc đó:

“Việt Nam vẫn là một nước Xã hội chủ nghĩa và việc đánh bạc vẫn bị lên án và không được chấp nhận bởi xã hội và bởi chính quyền. Tuy nhiên, Việt Nam đã mở cửa và hội nhập với thế giới gần 20 năm và nhất là Việt Nam đã trở thành một trung tâm du lịch không chỉ của Đông Nam Á và của cả thế giới. Trong 10 năm trở lại đây do nhu cầu của khách du lịch, cho nên chính phủ đã nhượng bộ, cho phép một số khách sạn mở casino cũng như trước đây có mở một tụ điểm ở Đồ Sơn. Tuy nhiên, những tụ điểm casino này chỉ hạn chế cho người nước ngoài hoặc là có hộ chiếu nước ngoài.

Trong một thập niên gần đây, ở Campuchia cũng có tổ chức khá nhiều casino dọc biên giới Việt Nam và do trong ASEAN không cần visa nữa, cho nên rất nhiều người Việt đã sang đánh bạc ở các casino ở Campuchia. Từ đó đã xảy ra rất nhiều tệ nạn đau lòng. Phần lớn đi sang đó chỉ thua chứ không bao giờ thắng.

Việc cho người Việt đánh bạc ở các casino là nhằm đáp ứng một nhu cầu và cũng thể hiện một sự tiến bộ hơn trong việc chấp nhận những nhu cầu giải trí mà cho tới nay Nhà nước tỏ ra rất nghiêm khắc. Nhưng đây chỉ mới là thí điểm thôi, vì theo tôi được biết, có một số hạn chế đối với người Việt tham gia, như là phải chứng minh có một mức thu nhập tối thiểu nào đó, cũng như là phải mua ticket mới được vào casino.

Tôi cho rằng những hạn chế đó sẽ làm giảm khá nhiều sự tham gia của người Việt Nam vào các casino. Hơn nữa, ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều casino, mà casino tại các khách sạn thì quy mô còn nhỏ.

Còn việc cá cược bóng đá, đua ngựa, đua chó, đó là nhu cầu tiêu khiển của một số người ham thích trò chơi đó và cũng muốn cá cược trong đó. Việc đưa vào để quản lý và kiểm soát để hạn chế những hậu quả không tốt cho người chơi cũng là đường hướng cởi mở”.

Như chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn đã nói ở trên, cho tới nay, người Việt Nam muốn thử vận may trong các sòng bạc thì phải sang các nước láng giềng như Cam Bốt, Singapore hoặc sang Macao. Thành ra, theo ước tính, số thuế hàng năm Việt Nam mất đi liên quan đến hoạt động này lên đến 800 triệu đôla và có khoảng 200 triệu đôla ngoại tệ đi ra nước ngoài theo chân các con bạc. Như vậy, với việc cho phép người Việt vào casino, Nhà nước sẽ ngăn chận thất thu về thuế, cũng như hạn chế ngoại tệ chảy ra ngoài Việt Nam.

Hãng tin Bloomberg News ngày 01/03 có trích dẫn lời ông Alexandre Legendre, một nhà tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài về các cơ hội đầu tư ngành kinh doanh cờ bạc ở Việt Nam, cho biết là giới lãnh đạo Hà Nội đang rất cần thu nhập về thuế, vì tình hình tài chính của Việt Nam hiện đang chịu áp lực rất lớn.

Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp hơn dự kiến của chính phủ và thâm thủng ngân sách ngày càng lớn do sụt giảm thu nhập từ các công ty dầu khí Nhà nước và từ khu vực nông nghiệp bị hạn hán nặng nề. Trong năm 2016, tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã lên tới 64% GDP, so với 41% của Thái Lan và 56% của Malaysia, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Nghị định 03/2017/NĐ-CP thật ra chỉ cho người Việt vào chơi casino tại một số mô hình thí điểm trong 3 năm. Nhưng ai cũng biết là người Việt Nam vốn mê cờ bạc, mê các trò may rũi. Theo số liệu của bộ Tài chính Việt Nam, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2015, dân Việt Nam đã chi ra đến 13 tỷ đôla tiền mua vé số. Hội đồng Xổ số Kiến thiết Miền Nam, quy tụ các công ty xổ số của 21 tỉnh thành, năm ngoái đã thu được đến 3 tỷ đôla, tăng hơn 200% so với năm 2007.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững Vùng, nếu ngoại quốc đầu tư thêm 3 tỷ đôla vào ngành kinh doanh cờ bạc, thì GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 0,58 điểm trong năm đầu tiên.

Sau khi hai nghị định nói trên được ban hành, ngành kinh doanh casino đã thu hút sự chú ý của các tập đoàn quốc tế, như Las Vegas Sands của Mỹ, Banyan Tree của Singapore, Crown của Australia, Chow Tai Fook và Sun City của Macao. Hãng tin Bloomberg News trích lời ông Ben Lee, thuộc công ty tư vấn về ngành casino ở châu Á IGamiX, dự đoán những casino đầu tiên mở cửa cho người Việt sẽ nằm cách xa các thành phố đông dân. Hai dự án đầu tiên được Bộ chính trị cấp phép là dự án của Vingroup ở Phú Quốc và dự án của Sun Group ở Vân Đồn. Sau khi nghị định mới được ban hành, Bộ Chính trị còn phải quyết định xem casino nào trong số 8 casino đang hoạt động cùng với những dự án mới đang xin cấp phép được phép cho người Việt vào chơi.

Riêng Las Vegas Sands Corporation, hiện sở hữu nhiều sòng bài ở Las Vegas, Macao, Singapore, thì cho biết họ đã thương lượng với chính phủ Việt Nam từ nhiều năm qua và vẫn hy vọng đem casino vào hai thành phố lớn của Việt Nam là Sài Gòn và Hà Nội. Vấn đề là hiện giờ Việt Nam chỉ mới thí điểm cho người Việt vào casino trong thời gian 3 năm, chưa ai biết là sau 3 năm đó, thì chính phủ có duy trì việc này hay không. Cho nên, cũng có nhiều rũi ro đối với các nhà đầu tư ngoại quốc muốn đầu tư vào ngành này. Mặt khác, theo chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, còn phải mất nhiều năm nữa, mới có thể thấy được tác động của ngành kinh doanh sòng bạc lên nền kinh tế Việt Nam.

” Việc cho phép người Việt vào casino và cá cược trên mạng trước mắt sẽ chưa mang lại nguồn thu về thuế, vì số casino ở Việt Nam chưa nhiều, số người tham gia trong những thời gian cũng chưa nhiều, quy mô cá cược trong phạm vi quản lý của Nhà nước cũng không lớn bằng cá cược chợ đen, để có thể bù đắp cho những khó khăn về ngân sách.

Nhưng dù sao đi nữa thì đó cũng là một nguồn thu và cũng là một cách để giảm bớt áp lực của việc người ta tham gia cá cược chợ đen, không quản lý được. Chắc chắn là trong thời gian tới, tôi không biết là mấy năm nữa, với việc mở rộng cho phép các nhà đầu tư mở thêm sòng bạc, hoặc mở rộng cá cược, hoặc thiết lập quan hệ giữa hệ thống cá cược Việt Nam với tổ chức cá cược quốc tế, thì khi đó doanh thu của nó sẽ rất lớn và tỷ lệ thu thuế trên đó sẽ rất cao.”

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170313-kinh-doanh-song-bac-thu-hut-dau-tu-ngoai-quoc