Tin khắp nơi – 13/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 13/03/2017

Chuyến công du Á châu với vô số thách thức

cho Ngoại trưởng Mỹ Tillerson

Nike Ching

Hoa Kỳ đang tìm đối sách mới với Bắc Triều Tiên khi Ngoại trưởng Rex Tillerson sang thăm Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Trung Quốc trong tuần này. Ông Tillerson đối diện với nhiều thách thức, trong đó có căng thẳng với Trung Quốc trong vụ Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Nam Triều Tiên, và tình hình phức tạp từ xáo trộn chính trị ở Nam Triều Tiên.

Vào thời điểm tình hình chính trị xáo trộn ở Nam Triều Tiên về vụ luận tội tổng thống và căng thẳng leo thang với Trung Quốc về việc triển khai phi đạn, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson đang lên đường công du châu Á trong tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Chuyến đi của ông Tillerson diễn ra sau vụ Bắc Triều Tiên phóng bốn phi đạn đạn đạo vào vùng biển ở tây bắc Nhật Bản hồi đầu tháng này.

Mối đe dọa tên lửa và hạt nhân sẽ nằm cao trong nghị trình công du châu Á của ông Tillerson.

Quyền phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Mark Toner, phát biểu:

“Hành động tiếp tục thử nghiệm và tăng cường chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên là rất đáng lo ngại và đã đi đến mức chúng ta cần phải có hành động, cần phải mưu tìm giải pháp thay thế. Và đó là một phần lý do của chuyến công du châu Á này của Ngoại trưởng Tillerson. Chúng tôi sẽ nói chuyện với các đồng minh và đối tác trong khu vực và mưu tìm một hướng tiếp cận mới cho vấn đề Bắc Triều Tiên.”

Nhưng Washington có lẽ chưa sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Phát ngôn viên Toner nói: “Với thái độ mới đây của Bắc Triều Tiên, chúng tôi chưa tiến đến mức tìm cách làm việc trực tiếp với Bình Nhưỡng. Chúng tôi không tưởng thưởng cho thái độ đó dưới bất kỳ hình thức nào.”

Chính phủ Hoa Kỳ cho biết họ sẽ tiếp tục kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD ở Nam Triều Tiên. Trung Quốc cực lực lên án quyết định này.

Ông Richard Bush, chuyên gia của Viện nghiên cứu Brookings, nhận định:

“Tôi cho rằng Trung Quốc phẫn nộ với Bắc Triều Tiên vì nước này đã gây ra chuyện Mỹ cần triển khai THAAD. Hãy nhìn vào vấn đề, cội rễ của vấn đề, chứ không phải mặt ngoài của vấn đề. Bắc Triều Tiên chính là cội nguồn của vấn đề.”

Tại Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ sẽ làm tiếp những công việc sau cuộc điện đàm của Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và sẽ có các cuộc tiếp xúc cấp cao khác, để theo đuổi một mối quan hệ song phương tích cực, trong khi bảo đảm rằng Bắc Kinh tôn trọng sân chơi thương mại công bằng.

http://www.voatiengviet.com/a/chuyen-cong-du-a-chau-dat-ra-vo-so-thach-thuc-cho-ngoai-truong-my-tillerson/3763390.html

 

Phó TT Mỹ sắp tới châu Á giữa lo ngại

chiếc lược xoay trục phá sản

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ tới thăm Nhật Bản và Indonesia vào tháng tới, tin từ Reuters cho biết hôm thứ Hai. Đây là một phần trong chuyến công du châu Á giữa bối cảnh có những lo ngại chính quyền Trump sẽ chấm dứt chiến lược xoay trục châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama.

Tổng thống Donald Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được coi là trụ cột kinh tế của chiến lược.

Chuyến công du của ông Mike Pence cũng bao gồm cả Hàn Quốc và Úc, theo tường thuật của Nikkei Asian Review. Trong đó, chương trình tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên và cuộc khủng hoảng chính trị của Hàn Quốc có thể là những chủ đề sẽ được đưa ra bàn thảo.

Trung Quốc đã rất tức giận về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, với mục tiêu nhắm đến mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc cũng đang trải qua những bất ổn chính trị sau khi tổng thống nước này bị truất phế trong một cuộc điều tra tham nhũng.

Ông Pence dự kiến cũng sẽ đến thăm Tokyo để dự đối thoại kinh tế Mỹ-Nhật.

Chuyến công du của ông Mike Pence diễn ra sau những vụ phóng tên lửa mới nhất của Bắc Triều Tiên và vụ ám sát anh trai lãnh tụ nước này tại Malaysia, làm tăng thêm lo ngại phải tăng cường an ninh cho khu vực này.

Chuyến đi của Phó Tổng thống Mỹ tiếp theo sau chuyến đi diễn ra vào tháng này của Ngoại trưởng Rex Tillerson tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

TPP là trụ cột kinh tế chính của chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Obama khi đối mặt với một nước Trung Quốc đang lên.

Những người ủng hộ hiệp ước bày tỏ lo ngại rằng việc từ bỏ dự án đã được đàm phán trong nhiều năm qua có thể sẽ tăng cường hơn nữa vai trò kinh tế của Trung Quốc trong khu vực và không có lợi cho Hoa Kỳ.

Bộ trưởng An ninh Indonesia cho biết ông Pence sẽ gặp Tổng thống Joko Widodo để thảo luận về khủng bố và các vấn đề an ninh khác trong chuyến thăm của ông.

Indonesia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới. Gần đây, nước này đã phải vật lộn với một loạt các cuộc tấn công của các chiến binh lấy cảm hứng từ nhóm Nhà nước Hồi giáo. .

Sau khi gặp Đại sứ Mỹ tại Jakarta, Bộ trưởng An ninh Wiranto cho các nhà báo biết: “Chúng tôi đã thảo luận kế hoạch chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới Indonesia và các vấn đề chiến lược có thể nằm trong nghị trình thảo luận với tổng thống của chúng tôi”.

Ông nói ngày giờ cụ thể chưa được đưa ra.

Tại Indonesia, ông Pence dự kiến cũng sẽ thảo luận về tranh chấp hợp đồng sản xuất giữa chính phủ và công ty khai thác mỏ khổng lồ Freeport McMoran Inc., Reuters dẫn hai nguồn tin của chính phủ Indonesia cho biết thêm.

Freeport đe dọa sẽ đưa chính phủ Indonesia ra tòa về các quy định khai thác mỏ mới được sửa đổi, tạo ra một đợt giảm quy mô lớn trong hoạt động của công ty tại tỉnh phía đông Papua.

http://www.voatiengviet.com/a/pho-tt-my-sap-toi-chau-a-giua-lo-ngai-chien-luoc-xoay-truc-pha-san/3763418.html

 

Bão tuyết sắp ập vào New York

Các nhà dự báo thời tiết hôm 12/3 cảnh báo rằng thành phố New York và vùng phụ cận có thể sẽ phải hứng chịu một trận bão tuyết lớn kéo dài từ ngày mai, 13/3 cho tới ngày 15/3.

Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia nói rằng trận bão với sức gió lên tới 80km/giờ nhiều khả năng sẽ gây nguy hiểm cho việc đi lại cũng như gây mất điện.

Ngoài ra, tuyết rơi mạnh và gió to có thể khiến tầm nhìn bị hạn chế. Nhiệt độ sẽ vào khoảng – 6 độ C. Thêm nữa, tuyết có thể rơi dày từ khoảng 30cm tới 45cm, theo Reuters.

Không chỉ New York, mà thủ đô Washington DC và vùng phụ cận cũng đang chuẩn bị đón trận bão tuyết đầu tiên của mùa đông năm nay, dù thời gian đã chuyển sang giờ mùa hè.

Trong khi đó, tại miền tây nước Mỹ, tình trạng nắng nóng kỷ lục được dự báo tại các tiểu bang như Arizona, Colorado, New Mexico và Utah, nơi nhiệt độ có thể cao hơn 30 độ C.

http://www.voatiengviet.com/a/bao-tuyet-sap-ap-vao-new-york/3762326.html

 

Cựu tổng thống Hàn Quốc

trở về đời thường sau khi bị phế truất

Hai ngày sau khi bị Tòa án bảo hiến phế truất vì một vụ bê bối tham nhũng, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã ra khỏi dinh tổng thống, còn gọi là Nhà Xanh.

Hôm Chủ Nhật, bà Park đã về nhà riêng ở thủ đô Seoul, nơi hàng trăm người ủng hộ bà đã biểu tình phản đối việc bà bị tòa phế truất.

Hôm thứ Sáu, Tòa án bảo hiến đã ra phán quyết giữ nguyên đề xuất của quốc hội luận tội bà Park, miễn nhiệm chức vụ tổng thống của bà, do vụ bê bối liên quan đến người bạn thân của bà.

Tuy nhiên, khi đó bà vẫn lưu lại trong Nhà Xanh cho đến mới đây.

Hàng chục nghìn người Hàn Quốc ủng hộ việc phế truất bà đã xuống đường vào cuối tuần để ăn mừng, trong khi một nhóm khác ủng hộ bà Park tuyên bố sẽ chống lại điều mà họ gọi là một vụ “ám sát chính trị”.

Cảnh sát Seoul dự báo bạo lực sẽ gia tăng giữa hai nhóm này, đặc biệt là sau khi ba người biểu tình thiệt mạng trong những vụ đụng độ giữa hai nhóm kể từ khi tòa tuyên bố phán quyết phế truất.

Việc phế truất đột ngột tổng thống Park xảy ra do các cáo buộc là bà dính líu vào một vụ tai tiếng về gây ảnh hưởng và can thiệp trị giá hàng tỷ đô la, được điều hành từ Nhà Xanh.

Vào tháng 12, có đến 234 trong tổng số 300 thành viên Quốc hội đã bỏ phiếu luận tội bà Park.

Hình ảnh của bà tổng thống với tư cách là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và liêm khiết đã bị sụp đổ do những cáo buộc liên quan đến người bạn lâu năm Choi Soon-sil, người đã khai thác một cách bí mật mối quan hệ gần gũi với bà Park để buộc các tập đoàn Hàn Quốc đóng góp 65 triệu đôla cho hai quỹ từ thiện mờ ám. Bà Choi bị cáo buộc là đã chuyển một phần ngân quỹ và các hợp đồng phụ béo bở vào các công ty tư nhân của bà và của bạn bè của bà.

http://www.voatiengviet.com/a/3762162.html

 

Các đảng phái Anh được cảnh báo về tin tặc

Dẫn các cáo buộc về việc hacker Nga tìm cách gây tác động lên cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ hồi năm ngoái, một cơ quan tình báo của Anh đã cảnh báo các đảng phái chính trị ở nước này phải đề phòng trước khả năng bị tấn công mạng.

Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia của Anh (NCSC) cho biết đã gửi thư đến lãnh đạo các đảng phái để đề nghị giúp họ củng cố an ninh mạng, theo Reuters.

Tờ Sunday Times dẫn bức thư của giám đốc NCSC nói rằng “quý vị chắc có lẽ cũng đã biết tin tức về các sự kiện ở Mỹ, Đức và một số nơi khác, nhắc nhở chúng ta về khả năng xảy ra hành động thù nghịch đối với hệ thống chính trị Anh”.

Bức thư còn cảnh báo rằng “các cuộc tấn công vào tiến trình dân chủ của chúng ta vượt ra ngoài các đảng phải chính trị, và có thể bao gồm các cuộc tấn công vào quốc hội, các văn phòng bầu cử, các viện nghiên cứu, hay các tài khoản email cá nhân”.

NSCS xác nhận với hãng tin Reuters rằng tổ chức này đã viết cho các đảng phái để cảnh báo về chuyện trên, nhưng không khẳng định rằng mối nguy về an ninh mạng xuất phát từ Nga.
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ năm ngoái kết luận rằng Nga đã tấn công mạng và để lộ các email của Đảng Dân chủ trong nỗ lực giúp kết quả bầu cử nghiêng về ông Trump. Moscow đã bác bỏ điều đó.

http://www.voatiengviet.com/a/cac-dang-phai-chinh-tri-o-anh-duoc-canh-bao-ve-nan-tin-tac/3762342.html

 

Du khách Trung Quốc từ chối xuống thăm đảo Jeju

Hơn 3000 du khách TQ không chịu xuống tàu thăm đảo Jeju của Hàn Quốc để ‘phản đối hệ thống phòng thủ hỏa tiễn’ mà Hoa Kỳ triển khai nhằm bảo vệ Hàn Quốc.

Theo báo Chosun của Hàn Quốc, hôm 13/03/2017, tàu lữ hành Costa Serena đi từ đảo Fukuoka của Nhật Bản đến Jeju hôm Chủ Nhật, nhưng 3400 du khách Trung Quốc không chịu xuống tàu thăm đảo.

Hàng chục xe bus và các hướng dẫn viên du lịch chờ họ trên bờ đã phải hủy hoạt động.

Bốn tiếng sau, chiếc tàu rời Hàn Quốc quay về Thiên Tân, Trung Quốc.

Phản đối Thaad

Đây là sự kiện mới nhất đánh dấu sự thay đổi thái độ của Bắc Kinh với Seoul sau khi chính quyền Nam Hàn đồng ý để Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ hỏa tiễn mang tên viết tắt theo tiếng Anh là Thaad – Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Tầm cao Giai đoạn cuối.

Trung Quốc đã ra lệnh cho các tour du lịch sang Hàn Quốc hủy nhiều tuyến và theo báo Chosun, từ tuần này, 86 chuyến bay nối Jeju, hòn đảo nằm về phía Nam của Hàn Quốc, và nhiều đô thị Trung Quốc sẽ bị hủy hoặc tạm ngưng.

Mỗi năm có chừng 700 tàu lữ hành đến thăm đảo Jeju và đa số là chở khách từ Trung Quốc.

Du khách Trung Quốc bắt đầu sang thăm Hàn Quốc đều từ cuối thập niên 1990 và tăng nhanh lên trên 6 triệu lượt hồi năm 2015, đem lại hàng tỷ UDS cho kinh tế nước chủ nhà, theo một thống kê của Hàn Quốc.

Khách TQ được “đối xử bình đẳng”

Dù có căng thẳng hai bên một năm qua, du khách Trung Quốc sang thăm Hàn Quốc năm 2016 vẫn không giảm, đạt con số 3,8 triệu chỉ từ tháng 8 đến tháng 11 trong năm, theo trang Financial Times ở Anh.

Theo Washington và Seoul, hệ thống Thaad được thiết lập nhằm bảo vệ Nam Hàn trước đe dọa từ Bắc Hàn.

Trong tháng Ba năm nay, Bắc Hàn phóng bốn hỏa tiễn đạn đạo, vi phạm chế tài của Liên Hiệp Quốc.

Thế nhưng thỏa thuận giữa Mỹ và Nam Hàn làm không ít người trên bán đảo Triều Tiên tức giận, cũng như khiến Trung Quốc đưa ra phản ứng giận dữ.

Theo Bắc Kinh, hệ thống THAAD phá vỡ sự cân bằng về an ninh trong vùng Đông Bắc Á.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39254385

 

Nga nóng lòng muốn đối thoại với Hoa Kỳ

Thu Hằng

Phát ngôn viên điện Kremlin ngày 12/03/2017 nhấn mạnh giữa Nga và Mỹ phải có nhiều cuộc tiếp xúc hơn để cải thiện mối quan hệ song phương đang căng thẳng. Ông Dmitri Peskov cũng cho biết Matxcơva bắt đầu nóng lòng trước sự thiếu nỗ lực từ phía Mỹ để tăng cường quan hệ song phương kể từ khi tổng thống Donald Trump nhậm chức tháng 01/2017.

Trả lời phỏng vấn đài CNN, ông Dmitri Peskov nói rằng Matxcơva « không rõ về viễn cảnh song phương », đồng thời nhận định « đối với các nước như Nga và Mỹ, mà chưa có cuộc đối thoại nào, là điều không thể tha thứ được », đặc biệt trước các vấn đề mang tính khu vực và trên quy mô thế giới.

Điện Kremlin nhắc lại, trước đó, tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin đã đồng ý phát triển mối quan hệ « giữa hai nước bình đẳng » và hình thành « sự phối hợp thực sự » để chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria. Về chủ đề này, phát ngôn viên điện Kremlin kêu gọi Washinton nhanh chóng tiến hành đối thoại, dù « ông Trump không che giấu bất đồng ý kiến với Nga trong nhiều vấn đề ». Vẫn theo ông Dmitri Peskov, đối thoại sẽ là cơ hội giúp hai nước « so sánh quan điểm riêng để tìm được tiếng nói chung », dù có nhiều điểm không thể dung hòa được.

Quan hệ giữa Nga và Mỹ cũng trở nên căng thẳng sau khi Washington cáo buộc Matxcơva nhúng tay vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, giúp tỷ phú địa ốc Donald Trump đắc cử. Hiện các cuộc điều tra của Quốc Hội vẫn đang được tiến hành để tìm hiểu mức độ tác động của Nga. Về điểm này, phát ngôn viên điện Kremlin nhận định « đây là một mối nguy hiểm thật sự cho tương lai quan hệ hai nước và thành thực mong muốn cuộc điều tra đưa ra kết luận lôgic ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170313-nga-nong-long-muon-doi-thoai-voi-hoa-ky

 

Venezuela : Dân quá đói phải đi bới rác

Thụy My

« Chúng tôi có hàng ngàn người sống nhờ các thùng rác ». José, 53 tuổi, nhìn nhận. Ông và các con gái phải bới tìm thức ăn trong các thùng rác ở Caracas, niềm hy vọng cuối cùng của những người dân Venezuela đói kém.

Là thợ hồ đang thất nghiệp, José Godoy run run liếm những thức ăn còn sót lại trên một chiếc đĩa giấy. Bên cạnh ông, hai con gái sáu và chín tuổi uống thứ nước trái cây kiếm được từ xe rác. Hai cô bé còi cọc thiếu máu, thường là cả ngày chỉ được ăn một loại chuối phải luộc chín mới có thể nuốt nổi.

José kể : « Có đêm cha con tôi phải nhịn đói đi ngủ. Tôi không mong ai khác rơi vào hoàn cảnh này. Trẻ con vừa khóc vừa kêu đói. Tôi đã bán hết các dụng cụ làm việc của mình, và cuối cùng phải ra đường kiếm sống ».

Ở tuổi 18, Rebeca Leon cũng đành phải hành động tương tự. Còn đi học nhưng đã làm mẹ một bé hai tuổi, cô còn phải chăm lo người mẹ tàn tật ở khu ổ chuột vùng Petare. Từ sáu tháng qua, cô đi bới các thùng rác ở những khu phố giàu của thủ đô, trước khi các xe rác đến. Hôm đó, cô tìm được một ít mì còn sót lại. Rebeca nói với AFP : « Mẹ tôi không muốn tôi đi lượm rác, nhưng làm thế nào bây giờ. Đất nước đang rệu rã. Mẹ sẽ chết đói, bà chỉ còn da bọc xương, còn con trai tôi bị suy dinh dưỡng ».

Mỗi ngày sau khi tan học, Rebeca Leon lao vào tìm thức ăn trong những chiếc xe rác, hoặc đồ ăn thừa của các nhà hàng. Đôi khi cô may mắn tìm được thịt gà, bánh mì, cá hoặc phô-mai. Cô ngủ luôn ngoài đường phố, rồi sáng sớm trở về nhà để rửa sạch những thứ moi được từ thùng rác, nghỉ ngơi đôi chút và đến trường.

Cô gái tóc nâu với đôi mắt sáng đã vượt qua sự xấu hổ để sống sót, trong lúc Venezuela đắm chìm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, thiếu hụt đến 68% nhu yếu phẩm và lạm phát không kiểm soát nổi (theo IMF, sẽ lên đến 1.660% vào cuối năm 2017).

Cùng với Rebeca, một nhóm khoảng 70 người trong đó có nhiều trẻ em, chia nhau thu thập thức ăn thừa từ các nhà hàng và hồi hộp chờ đợi những chiếc xe rác đến.

Trên cả nước, có đến 9,6 triệu người Venezuela, tức gần một phần ba dân số, chỉ có thể ăn một hoặc tối đa hai bữa một ngày. Có đến 81,8% hộ gia đình lâm vào cảnh nghèo khó trong năm 2016, tăng 9 điểm so với năm 2015, theo một cuộc điều tra về điều kiện sống do một số trường đại học tiến hành. Và 51,51% dân số được coi là cực kỳ nghèo đói.

Nghiên cứu trên cho biết 93,3% gia đình không có đủ tiền để mua tất cả các loại thực phẩm cần thiết. Hậu quả là cứ 10 người dân, thì có 7 người bị sụt trung bình 8,7 ký lô trong năm ngoái.

José Godoy nói : « Tôi vốn mập, nhưng giờ thì hãy nhìn tôi đây : ốm nhom ». Chỉ vào một đứa con gái của mình, ông dè dặt nói : « Con bé này tôi phải cho ở nhà, không đến trường nữa vì tôi không thể chuẩn bị cho cháu bữa ăn mang theo », và thổ lộ, cô bé từ lâu không còn được ăn thịt.

Theo nhà dinh dưỡng học Maritza Landaeta, đồng tác giả công trình nghiên cứu, thì 10% người cực nghèo (1,5 triệu người) chỉ được ăn những gì người thân mang cho, hoặc thức ăn thừa từ các thùng rác hoặc nhà hàng. Họ có nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Về phía Tổng thống Nicolas Maduro thì khẳng định trong năm 2016, nạn nghèo khó tại đất nước có trữ lượng dầu khí thuộc loại lớn nhất hành tinh, đã giảm từ 19,7% còn 18,3%. Ông tố cáo phe đối lập và giới kinh doanh đã làm nên nạn thiếu thực phẩm để gây bất ổn cho chính quyền, nhắc nhở rằng ông đã cho thiết lập một hệ thống phân phối các túi thực phẩm, bán giá rẻ cho những người thực sự cần kíp.

Trong căn nhà nhỏ bé, với một chiếc tủ lạnh đã bị nứt bảo quản các thức ăn hiếm hoi khỏi bọn chuột, Rebeca khẳng định lâu nay chỉ nhận được có hai túi thực phẩm loại này. Thế nên sau giờ học ở trường, nơi một số bạn học « ngất xỉu vì đói », cô không có chọn lựa nào khác ngoài việc đi bới các thùng rác.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170313-venezuela-dan-qua-doi-phai-di-boi-rac

 

Tập Cận Bình muốn thúc đẩy

phát triển công nghệ trong quân đội

Thu Hằng

Quân đội Trung Quốc cần phải coi đổi mới công nghệ là « chìa khóa » để cải tiến và hiện đại hóa lực lượng. Trong phiên họp thường niên của Quốc Hội ngày 12/03/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh với các đại biểu quân đội rằng phải cố gắng hết sức để hỗ trợ về mặt khoa học và công nghệ cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình, kiêm tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và chủ tịch Quân ủy Trung ương, có tham vọng hiện đại hóa toàn diện lực lượng quân sự của Trung Quốc thành một lực lượng lớn mạnh nhất thế giới, gồm có chiến đấu cơ tàng hình, tên lửa chống vệ tinh và tầu ngầm tối tân, để có thể tung lực lượng ra bên ngoài lãnh thổ.

Theo Tân Hoa Xã, để có thể đạt được mục tiêu đó, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh « đã đến lúc cấp bách thúc đẩy đổi mới về khoa học-công nghệ và tiến lên phía trước với sự kiên định và lòng quyết tâm ». Ông nói thêm rằng « cần phải cải thiện hợp tác quân sự và dân sự trong việc huấn luyện quân nhân có chất lượng cao », vì vào năm 2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo cắt giảm khoảng 300.000 binh lính.

Cũng trong phiên họp ngày 12/03, các đại biểu Quốc Hội Trung Quốc đã đưa ra 126 điểm sửa đổi trong dự luật Dân sự đang được thảo luận và dự định được thông qua vào năm 2020. Theo một trong các điểm sửa đổi, những ai vu khống, xâm phạm đến tên tuổi, chân dung, tiếng tăm và danh dự của « các vị anh hùng dân tộc và những người hy sinh vì lý tưởng » của đảng Cộng Sản sẽ bị kết tội.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170313-tap-can-binh-muon-thuc-day-cong-nghe-hoa-quan-doi

 

Cảnh báo nguy cơ khủng bố Hồi giáo,

Trung Quốc chuẩn bị dư luận

Tú Anh

Từ khi một đoạn video với những chiến binh Duy Ngô Nhĩ trong hàng ngũ Daech ở Irak và Syria được công bố trên mạng, chính quyền Trung Quốc liên tục cảnh báo về khả năng thánh chiến xâm nhập để khuynh đảo chế độ. Tuyên truyền « bản sắc Trung Hoa », phát động « chiến tranh nhân dân » là những biện pháp được cổ vũ để chống lại nguy cơ này.

Theo AP ngày 13/03/2017, các quan chức Trung Quốc đều tỏ ra lo ngại về khả năng Daech tập trung vào địa bànTrung Quốc một khi bị đánh đuổi ra khỏi Irak và Syria.

Sharhat Ahan, quan chức đặc trách chính trị và pháp lý ở Tân Cương, cảnh báo diễn tiến tình hình chống khủng bố quốc tế sẽ gây bất ổn cho Trung Quốc và ông kêu gọi « phát động chiến tranh nhân dân » như là giải pháp đối phó.

Tân Cương đúng là một lò lửa, vì có đông đảo cộng đồng Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và rất bất bình trước chính sách « Hán hóa » và phân biệt đối xử của chính quyền Trung Quốc. Trong những năm vừa qua, nhiều cuộc xung đột đã xảy ra, làm hàng trăm người chết. Điển hình là vụ bạo loạn năm 2009 đã làm chủ tịch Hồ Cẩm Đào phải bỏ một cuộc họp quốc tế ở Roma, khẩn cấp về nước.

Tuy không đưa ra bằng chứng, chính phủ Trung Quốc luôn lên án người Duy Ngô Nhĩ liên kết với Al Qaida và , Daech. Cuối tháng 2, Daech cho loan truyền một đoạn video 28 phút, trong đó các chiến binh nói tiếng Hoa, được huấn luyện tại Syria và Irak, dọa sẽ tấn công vào Hoa lục trong nay mai.

Chính quyền ở Ninh Hạ cũng có những tuyên bố lo ngại Hồi giáo cực đoan. Theo AP, cộng đồng người Hồi ở vùng tự trị Ninh Hạ có truyền thống ôn hoà, không chủ trương ly khai hay tranh đấu bạo lực như ở Tân Cương. Thế mà, tuần trước, trong cuộc hội thảo về tôn giáo mà báo chí quốc tế được tham dự, ông Lý Kiến Hoa, bí thư đảng Cộng sản ở Ninh Hạ, dựa vào sắc lệnh nhập cư của tổng thống Mỹ Donald Trump để lập luận : tốt hay xấu không biết, nhưng tổng thống Mỹ phải tìm cách chận Hồi giáo cực đoan xâm nhập văn hóa Mỹ. Một cựu quan chức đặc trách tôn giáo vận ở Ninh Hạ là Ngô Thế Dân cho rằng cần phải làm công tác « tuyên truyền bản sắc Trung Hoa trong cộng đồng người Hồi » .

Vài ngày trước khi Daech công bố đoạn đe dọa, Bắc Kinh tăng viện cho Tân Cương 10.000 quân để « phản công toàn diện » chống khủng bố, không rõ là ngẫu nhiên hay dự phòng.

Theo giải thích của Sharhat Ahan, những động thái biểu dương lực lượng, mít-tinh chính trị là nhằm mục đích « tuyên chiến với khủng bố, phô trương quyết tâm của chính phủ và sức mạnh của đại cường Trung Quốc ».

Vì sao chính quyền Trung Quốc đột nhiên tỏ thái độ lo âu một cách công khai và đưa ra những giải pháp như « tuyên truyền, hạn chế đi lại và chiến tranh nhân dân » ? Cho đến nay, chế độ do Mao lập ra vẫn xưng là « vô thần » và nghi kỵ tôn giáo. Bắc Kinh rất khắc nghiệt với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, một phần vì dân cư địa phương có ngôn ngữ riêng, văn hóa riêng và cũng vì một phong trào đòi độc lập. Nhưng cùng lúc đó, chính quyền Trung Quốc tỏ ra bao dung với người Hồi ở Ninh Hạ.

Theo giới phân tích, những tuyên bố báo động trên đây của cấp lãnh đạo đảng Cộng sản địa phương phản ảnh tâm lý lo ngại của chính quyền trung ương đối với đạo Hồi nói chung. Để ban hành những biện pháp trấn áp, Bắc Kinh cần chuẩn bị dư luận.

Michael Clark , một chuyên gia về Tân Cương của Úc, thẩm định Trung Quốc đã trở thành mục tiêu hù dọa của Daech. Còn Bắc Kinh thì sợ thánh chiến lập « sào huyệt » sát biên giới Afghanistan-Tân Cương.

Xu hướng lo sợ Hồi giáo chính trị đang lan rộng trong giới lãnh đạo Trung Quốc. Liệu chủ tịch Tập Cận Bình, luôn lo ngại uy thế độc tôn của đảng bị tôn giáo cạnh tranh, sẽ « nhẹ tay » trong nhiệm kỳ hai ?

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170313-canh-bao-nguy-co-khung-bo-hoi-giao-trung-quoc-chuan-bi-du-luan

 

Vụ ám sát Kim Jong Nam: Nhiều ẩn số chưa được giải đáp

Thanh Phương

Hôm nay là đúng một tháng xảy ra vụ ám sát bằng một chất độc cực mạnh ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur ngày 13/02/2017.

Vụ án mạng này đã gây ra khủng hoảng ngoại giao trầm trọng giữa Malaysia với Bắc Triều Tiên, đến mức Bình Nhưỡng đã cấm kiều dân Malaysia rời khỏi Bắc Triều Tiên, khiến Kuala Lumpur trả đủa bằng biện pháp tương tự và như vậy là công dân hai nước trở thành con tin của nhau. Hai bên cũng đã trục xuất đại sứ của nhau, đồng thời hủy bỏ việc miễn visa cho công dân của nhau. Hôm nay chúng ta hãy cùng điểm lại những kết quả điều tra cho đến nay và diễn tiến tình hình từ một tháng qua.

Chuyện gì đã xảy ra ?

Ngày 13/02/2017, tại sân bay Kuala Lumpur, ông Kim Jong Nam chuẩn bị lấy máy bay để đi Macao. Theo các hình ảnh do camera an ninh quay lại, ông Kim Jong Nam đang đi thì bổng có hai phụ nữ tiến đến gần ông, một trong hai người phụ nữ đó ôm lấy ông từ phía sau và chụp một mảnh vải lên mặt ông, người kia thì xịt một chất lỏng vào mặt ông.

Khoảng 20 phút sau đó, nạn nhân tử vong ngay tại trạm xá của sân bay. Các dấu vết của VX, một chất độc thần kinh cực mạnh, bị xem là một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt bị Liên Hiệp Quốc cấm, đã được phát hiện trên mặt của ông Kim Jong Nam, khi các bác sĩ pháp y khám nghiệm tử thi.

Hai nữ nghi can, Đoàn Thị Hương, người Việt Nam và Siti Aishah, người Indonesia, đã bị bắt giữ ngay sau đó và đã bị truy tố về tội giết người. Hai cô này sẽ bị đưa ra tòa ngày 13/04 tới và nếu bị buộc tội, họ có thể lãnh án tử hình bằng treo cổ.

Ai đứng đằng sau vụ này ?

Ngay từ đầu, Hàn Quốc đã cáo buộc chính quyền Bắc Triều Tiên, khẳng định chính ông Kim Jong Un đã ra lệnh thủ tiêu người anh cùng cha khác mẹ, nhân vật mà cho tới nay vẫn chỉ trích chế độ Bình Nhưỡng. Bắc Triều Tiên đã bác bỏ những lời cáo buộc đó, nhưng cho tới nay vẫn không hề xác nhận nạn nhân chính là ông Kim Jong Nam. Bình Nhưỡng vẫn gọi nạn nhân là Kim Chol, tên ghi trên hộ chiếu mà ông Kim Jong Nam mang theo người khi bị ám sát. Thứ sáu tuần trước, cảnh sát Malaysia xác nhận Kim Chol và Kim Jong Nam là một người.

Theo hãng tin Kyodo hôm qua, Nhật Bản đã cung cấp cho phía Malaysia dấu vân tay và những thông tin khác của ông Kim Jong Nam để phục vụ cho cuộc điều tra. Các viên chức cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Nhật đã lấy dấu vân tay của Kim Jong Nam vào năm 2001 khi tạm giữ ông tại sân bay quốc tế Narita, sau khi người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un tìm cách nhập cảnh Nhật Bản với một hộ chiếu giả.

Cũng theo Kyodo, Hoa Kỳ và những nước khác đã tham gia vào cuộc điều tra của Malaysia hoặc tham gia vào việc bảo vệ an ninh cho gia đình ông Kim Jong Nam.

Điều tra đã đi đến đâu ?

Cảnh sát Malaysia cho tới nay vẫn truy lùng 7 người Bắc Triều Tiên. Bốn trong số này đã rời khỏi Malaysia ngay vào ngày xảy ra vụ ám sát ông Kim Jong Nam. Ba người kia dường như vẫn còn trốn trong đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Kuala Lumpur, trong đó có bí thư thứ hai của sứ quán, Hyon Kwang Song và một nhân viên hãng hàng không Bắc Triều Tiên, Kim Uk Il.

Vì sao gia đình ông Kim Jong Nam từ chối đến Malaysia ?

Sau vụ ám sát ông Kim Jong Nam, vợ con của người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã biến mất, có lẻ vì sợ người con trai 21 tuổi Kim San Hol cũng sẽ bị thủ tiêu. Nên nhớ rằng, kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền vào năm 2011, chính quyền Bình Nhưỡng đã liên tục thanh trừng các đối thủ của vị lãnh đạo trẻ này.

Trong một đoạn video được phát trên mạng vào đầu tháng này, Kim San Hol cho biết anh đang ở cùng với mẹ và chị, nhưng không nói là đang ở đâu và cũng không đòi trao trả thi hài của bố. Hiện giờ chưa có ai trong gia đình Kim Jong Nam đến để xác nhận danh tính của nạn nhân, có lẻ vì sợ cho tính mạng của họ.

Những ẩn số chưa được giải đáp

Ai là kẻ đã chỉ đạo vụ ám sát ông Kim Jong Nam ? Hai nữ nghi phạm Indonesia và Việt Nam khai với các nhà điều tra rằng họ đã bị lừa. Cô Siti Aishah cho biết đã nhận được số tiền tương đương với 90 đôla để tham gia vào điều mà cô tưởng rằng là một trò chơi truyền hình theo kiểu « camera quay lén », và tưởng rằng chất lỏng phun vào mặt ông Kim Jong Nam là dầu xoa cho em bé. Cô Đoàn Thị Hường cũng đã khai tương tự với cảnh sát Malaysia. Thế nhưng cảnh sát Malaysia vẫn khẳng định rằng hai nữ nghi phạm này hoàn toàn biết rõ chuyện mình làm. Dầu sao thì đây chỉ là hai kẻ thừa hành, chứ kẻ chủ mưu thì dường như là người Bắc Triều Tiên.

Nhưng chất độc VX được sử dụng để ám sát ông Kim Jong Nam là từ đâu đến ? Bắc Triều Tiên đang nắm trong tay loại chất độc bị cấm này, nhưng các nhà điều tra chưa biết rõ làm cách nào mà hai nữ nghi phạm có được chất độc đó. Theo các chuyên gia, chất độc VX gần như chắc chắn là đã được sản xuất trong một phòng thí nghiệm vũ khí của Nhà nước Bắc Triều Tiên.

Vì sao quan hệ giữa Malaysia và Bắc Triều Tiên đã xấu đi nhanh chóng ?

Từ nhiều năm qua, Bình Nhưỡng và Kuala Lumpur vẫn có quan hệ rất tốt, đến mức mà công dân hai nước được miễn visa của nhau. Nhưng căng thẳng đã gia tăng nhanh chóng kể từ khi Bắc Triều Tiên chỉ trích cuộc điều tra của cảnh sát Malaysia, tố cáo Kuala Lumpur muốn làm tổn hại uy tín của Bình Nhưỡng. Họ cũng nhiều lần khẳng định là ông Kim Jong Nam chỉ bị lên cơn đau tim chứ không hề bị sát hại.

Nhưng Malaysia hy vọng sẽ nhanh chóng thương lượng với Bắc Triều Tiên để công dân của họ được rời khỏi Bình Nhưỡng. Hiện giờ còn tổng cộng 9 người gồm ba nhân viên sứ quán Malaysia và thân nhân còn kẹt lại ở thủ đô Bắc Triều Tiên. Kuala Lumpur cũng muốn giải quyết vấn đề thi hài của nạn nhân. Cho tới nay Malaysia vẫn từ chối trao trả thi hài ông Kim Jong Nam cho phía Bắc Triều Tiên theo yêu cầu của họ, tuyên bố chỉ giao thi hài này cho một người trong gia đình. Theo tin mới nhất thì chính phủ Kuala Lumpur sẽ cho gia đình của ông Kim Jong Nam thời hạn từ 2 đến 3 tuần để đến đòi thi hài của ông, trước khi quyết định xử lý như thế nào về thi hài này.

Vụ này nay không chỉ còn là chuyện giữa hai nước mà đã trở thành một vấn đề quốc tế. Tổ chức quốc tế cấm vũ khí hóa học ( OICA ) thứ sáu tuần trước đã lên án việc sử dụng vũ khí hóa học trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam, đồng thời tuyên bố sẳn sàng trợ giúp kỷ thuật cho nhà chức trách Malaysia, nếu được yêu cầu, trong cuộc điều tra về vụ án mạng này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170313-vu-am-sat-kim-jong-nam-nhieu-an-so-chua-duoc-giai-dap

 

Trump và Trung Quốc:

Đảng Dân Chủ tố cáo “xung đột lợi ích”

Thanh Hà

Ngày 12/03/2017, thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain đòi tổng thống Donald Trump đưa ra bằng chứng về những cáo buộc điện thoại của ông bị người tiền nhiệm Barack Obama nghe trộm. Về phía đảng Dân Chủ thì tố cáo   “xung đột lợi ích “, sau khi Bắc Kinh cấp giấy phép cho hơn 30 thương hiệu mang tên tập đoàn Trump.

Từ Washington thông tín viên đài RFI Anne-Marie Capomaccio cho biết thêm :

« Từ sân đánh golf đến khách sạn, từ viện dưỡng lão đến nhà trẻ, từ công ty bảo hiểm đến hãng quảng cáo : tổng cộng 38 thương hiệu mang tên tổng thống Trump được Bắc Kinh cấp giấy phép giao dịch thương mại.

Là một ứng cử viên tổng thống từng mạnh mẽ chỉ trích chính sách thương mại của Trung Quốc trong thời gian vận động tranh cử, là một nguyên thủ quốc gia luôn khẳng định đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết, thông tin trên đặt chủ nhân Nhà Trắng vào thế khó xử.

Luật sư của tập đoàn Trump giải thích là những thương hiệu này đã xin cấp giấy phép từ nhiều năm trước đây. Ông Donald Trump trước khi trở thành tổng thống Hoa Kỳ đã trao quyền điều hành tập đoàn lại cho các con và hứa trong thời gian làm tổng thống sẽ không tìm kiếm cơ hội làm ăn với quốc tế. 

Dù vậy, các dân biểu Dân Chủ đã lập tức phản ứng sau quyết định của Trung Quốc liên quan đến tập đoàn Trump. Họ tố cáo những “xung đột lợi ích, không thích hợp với vai trò của tổng thống Hoa Kỳ” và nêu lên rủi ro Nhà Trắng đem chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ra để mặc cả với Trung Quốc. Một trong số các dân biểu Dân Chủ lưu ý rằng, Bắc Kinh đã đợi Mỹ công nhận nguyên tắc một nước Trung Quốc duy nhất trước khi thông báo quyết định ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170313-dang-dan-chu-to-cao-%C2%AB-xung-dot-loi-ich-%C2%BB-giua-donald-trump-va-trung-quoc

 

WikiLeaks :

CIA điều tra các cựu « cộng tác viên » của tình báo Mỹ

Thanh Hà

Sau khi WikiLeaks tiết lộ gần 9.000 tài liệu tố cáo CIA dùng điện thoại thông minh và màn hình TV để theo dõi các đối tượng, cơ quan tình báo Hoa Kỳ bắt đầu điều tra về các vụ rò rỉ thông tin và đặc biệt về các cơ quan cung cấp dịch vụ từng cộng tác với CIA.

Theo nhật báo Mỹ The Wall Street Journal số ra ngày 12/03/2017, các nhà điều tra đang đặc biệt chú ý đến một nhóm chuyên gia điện toán tham gia vào dự án phát triển phần mềm từng được CIA sử dụng trong mục tiêu chống tin tặc. Vẫn tờ báo tài chính nói trên trích dẫn nhiều nhân chứng xin được giấu tên, cho rằng tin bị thất thoát là do một số người « không hài lòng » vì bị CIA cho thôi việc cung cấp nên « trả thù ».

Giới quan sát không ngạc nhiên trước việc CIA tập trung điều tra vào các nguồn cung cấp dịch vụ từ các đối tác bên ngoài. Đây là trường hợp từng xảy ra với Cơ Quan An Ninh Quốc Gia : NSA đã điêu đứng sau những tiết lộ thông tin của Edward Snowden hồi năm 2013. Snowden cũng là một cộng tác viên từng làm việc cho một công ty cộng tác với NSA.

Nhưng rò rĩ thông tin cũng đến từ bên trong. Năm 2010, người cung cấp hàng trăm ngàn tài liệu quân sự, thư từ ngoại giao liên quan đến chiến tranh Afghanistan và Irak cho WikiLeaks chính là cô Chelsea Manning, từng phục vụ trong ngành tình báo quân đội Hoa Kỳ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170313-ro-ri-thong-tin-wikileaks-cia-mo-dieu-tra-nham-vao-cac-cuu-%C2%AB-cong-tac-vien-%C2%BB-voi-ti

 

Syria : Tổ chức Fatah Al Cham

nhận trách nhiệm vụ khủng bố Damas

Thu Hằng

Mặt trận Fatah Al Cham, tên gọi hiện nay của chi nhánh Al Qaida tại Syria, ngày 12/03/2017 đã lên tiếng nhận trách nhiệm hai vụ khủng bố vào thứ Bẩy 11/03 tại khu phố cổ ở thủ đô Damas, khiến 74 người chết, trong đó có rất nhiều tín đồ hành hương Hồi Giáo Irak theo hệ phái Shia. Trong một bản thông cáo, mặt trận Fatah Al Cham cho biết các vụ tấn công trên do hai kẻ thánh chiến tự sát thực hiện.

Từ Beyrouth, thông tín viên trong khu vực Paul Khalifeh phân tích chiến lược mới của tổ chức thánh chiến này :

« Hai vụ tấn công tại Damas xác nhận sự thay đổi chiến lược của chi nhánh cũ của Al Qaida tại Syria. Bị liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế, từ giờ, mặt trận Fatah Al Cham ưu tiên các cuộc tấn công nhắm vào các thành phố lớn tại Syria do chế độ Damas kiểm soát.

Hơn nữa, Abou Mohammad Al Joulani, thủ lĩnh của tổ chức này, từng tuyên bố sẽ thực hiện một loạt tấn công ngay sau các vụ khủng bố đẫm máu nhắm vào trụ sở tình báo của chế độ tại thành phố Homs vào ngày 25/02. Vài chục quân nhân Syria, trong đó có tướng Hassan Daaboul, một người thân cận của tổng thống Bachar Al Assad, đã thiệt mạng trong các vụ nổ tự sát này.

Chiến lược trên được cho là nhằm hai mục tiêu, vừa chống lại chế độ Syria, vừa chống lại các lực lượng nổi dậy đã chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn và đàm phán chính trị, mà tổ chức Fatah Al Cham bị loại. Các vụ tấn công này đã phá hỏng thỏa thuận hưu chiến và gạt ra ngoài phe đối lập được cho là trung lập, hiện tỏ ra bất lực trong việc đảm bảo lệnh ngừng bắn. 

Khi tấn công các thành trì của chế độ, như các vụ ở thành phố Homs, mặt trận Fatah Al Cham chứng tỏ được khả năng tổ chức của mình. Và khi nhắm vào người hành hương theo hệ phái Shia, như sự kiện đẫm máu ở Damas, chi nhánh cũ của Al Qaida tại Syria đẩy cuộc xung đột lên tầm cỡ tranh chấp hệ phái. Âm mưu này tạo điều kiện cho tổ chức thánh chiến Fatah Al Cham đứng ra tự nhận là người bảo vệ cho hệ phái Sunni ».

Bất chấp lời kêu gọi của một số phe đối lập Syria yêu cầu lùi ngày họp tại Astana, ngoại trưởng Kazakhstan vẫn khẳng định vòng thương lượng mới do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ, vẫn diễn ra như dự kiến từ ngày 14/03 và một số phái đoàn đã đến Astana. Theo hãng tin Reuters, các phe đối lập muốn đánh giá lại điều kiện của thỏa thuận ngừng bắn hiện đang được áp dụng, vì theo họ, các lực lượng thân chính phủ và các phe nổi dậy do Iran, một đồng minh của chính phủ Bachar Al Assad, hậu thuẫn, vẫn tiếp tục oanh kích các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở Homs, Deraa và Idlib.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170313-syria-to-chuc-fatah-al-cham-nhan-trach-nhiem-vu-khung-bo-damas

 

Trung Quốc có thật sự muốn hòa bình ?

Với việc tăng ngân sách quốc phòng một cách khiêm tốn, phải chăng Trung Quốc đang chứng tỏ là thật sự muốn có hòa bình ? Chuyên gia Valerie Niquet, phụ trách mảng châu Á, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS trên trang blog của báo mạng HuffingtonPost cho rằng không hẳn là như thế. RFI Tiếng Việt giới thiệu bài viết này.

Tại phiên khai mạc khóa họp thường niên Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc (Quốc Hội), bà Phó Oánh (Fu Ying) phát ngôn viên của khóa họp Quốc Hội hàng năm đã thông báo tỉ lệ tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2017 giới hạn trong « khoảng 7% ». Trái với những tin đồn đã lan truyền trước đó, mức tăng này chỉ nhỉnh hơn mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 một chút (6,5%) và tiếp tục đà giảm được khởi đầu từ năm 2016.

Có một chi tiết thú vị khác – và mới– trong thông báo trên là trái với thói quen được áp dụng từ nhiều năm qua, phát ngôn viên đã không đưa ra một con số chính thức nào, dù rằng nhiều phát biểu không chính thức có nêu ra con số 151 tỷ đô la.

Nhiều yếu tố có thể giải thích mức tăng khiêm tốn cũng như việc không làm rùm beng về tổng ngân sách quốc phòng.

Làm ra vẻ biết điều

Yếu tố đầu tiên là sự thay đổi trong chiến lược thông tin tuyên truyền và xác định lập trường của Trung Quốc trên trường quốc tế. Đối mặt với một chính quyền Trump có vẻ thất thường và liên tục có những tuyên bố khiêu khích, thì ngược lại, giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định tỏ vẻ khiêm tốn trên bình diện kinh tế cũng như là chiến lược.

Tại Davos, chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) trong bài diễn văn đáng chú ý đã bảo vệ chính sách toàn cầu hóa và mở cửa, chống lại các ý muốn bảo hộ mậu dịch. Giờ đây, khi nhấn mạnh đến việc kìm giữ ngân sách quốc phòng ở mức thấp, « dưới 1,3% tổng sản phẩm quốc nội », theo như lời bà Phó Oánh, Trung Quốc một lần nữa tự đặt mình vào vị thế một tác nhân biết điều, trái ngược với một nước Mỹ của Donald Trump bị cáo buộc làm gia tăng căng thẳng khi đề xuất tăng 10% cho ngân sách quốc phòng và củng cố sự hiện diện ở vùng Biển Đông.

Trấn an trong khu vực

Yếu tố thứ hai là ý muốn trấn an trên phạm vi khu vực. Ngân sách cho quốc phòng Trung Quốc rất mờ ám, về tổng số tiền thực sự cũng như các khoản dự chi trong ngân sách này. Trung Quốc nuôi tham vọng có một quân đội hiện đại, làm chủ công nghệ cao và « sẵn sàng chiến đấu » theo như đúng những lời phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình, để làm tăng lòng tin vào việc thực hiện « giấc mơ hồi sinh Trung Hoa ». Giấc mơ đó phải được thực hiện bằng cách khẳng định uy lực ở cấp độ khu vực, nhất là trên các vùng biển.

Trong bối cảnh đó, từ nhiều năm nay, các phát biểu của Trung Quốc về quốc phòng đều nhấn mạnh đến việc tăng cường năng lực của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân APL), bởi vì mục tiêu là « khua chiêng gõ mõ » sức mạnh mới của Bắc Kinh. Lúc đó, Trung Quốc dường như đã từ bỏ chiến lược ẩn mình chờ thời tích tụ đủ phương tiện thực hiện các tham vọng của mình do ông Đặng Tiểu Bình đề xướng.

Nhưng giờ đây, trước việc toàn thể các nước láng giềng có những phản ứng rất lo ngại, nếu không muốn nói là thù nghịch, Bắc Kinh quyết định nắm lấy cơ hội mà một nước Mỹ hoàn toàn bất khả định đã ban tặng, bằng cách quay trở lại giọng điệu nhấn mạnh đến tính chất hiếu hòa trong chiến lược đối ngoại của mình. Như một nhà phân tích quân sự thuộc đại học Thượng Hải nhận định, « việc tăng ngân sách quốc phòng có chừng mực chứng tỏ sự thành thực của Trung Quốc chỉ mong muốn hòa bình trên thế giới ».

Một thực tế mập mờ hơn nhiều

Tuy nhiên, không có gì cho phép khẳng định là việc hãm tăng ngân sách quốc phòng là có thật. Vả lại, mặc dù giảm bớt mức tăng, ngân sách này hiện nay đã đứng hàng thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, nhiều gần gấp hai ngân sách quốc phòng Nga và cao hơn rất nhiều so với ngân sách quốc phòng của các nước láng giềng lớn xung quanh Trung Quốc, trong đó có Nhật Bản ; ngân sách quốc phòng của Tokyo tuy tăng lên những năm gần đây, nhưng không vượt quá 51 tỷ đô la.

Trên thực tế, việc thiếu sự minh bạch cho phép Bắc Kinh làm chủ được việc cung cấp thông tin ra bên ngoài tùy theo những ưu tiên chiến lược do chế độ vạch ra, do vậy, những thông tin này không nhất thiết phản ánh những thay đổi thật sự. Khi muốn thể hiện sức mạnh để tăng cường khả năng hăm dọa và ngăn cấm, Trung Quốc có thể gia tăng các con số mà họ thông báo, ngược lại, như lúc này đây, khi lựa chọn một chiến lược hòa dịu, Trung Quốc có thể gia giảm tổng số tiền thực sự trong ngân sách quốc phòng của mình.

Đáp ứng các mong đợi của quân đội

Thế nhưng, cho dù các con số này đúng sai ra sao, thì việc tăng ngân sách quốc phòng ở mức khiêm tốn như được thông báo không làm cho giới tướng lĩnh trong quân đội và nhất là những phe cánh có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hài lòng. Những người này đã rất mong đợi thông báo tăng ngân sách quốc phòng ở mức hai con số « nhằm đối phó với những mối đe dọa và bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ».

Nhất là quân đội Trung Quốc đã bị tác động mạnh mẽ bởi chiến dịch chống tham nhũng do chủ tịch Trung Quốc đưa ra hồi năm 2013. Nhiều tướng lĩnh cao cấp nhất cũng như hàng chục sĩ quan cấp dưới bị liên lụy và bị kết án. Cùng lúc, chính sách cải cách quân đội đưa ra năm 2015, nhất là việc cho xuất ngũ 300.000 quân nhân, làm dấy lên mối lo âu và bất bình. Nhiều cuộc biểu tình của quân nhân giải ngũ đã diễn ra tại Bắc Kinh trong tháng 2/2017 vì họ lo lắng về việc trả lương hưu và khả năng chuyển đổi nghề nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn này, quyết định mang tính chiến lược của ông Tập Cận Bình chỉ thông báo tăng ngân sách quốc phòng ở mức hạn chế còn là dấu hiệu cho thấy khả năng áp đặt ý chí của ông mà không gặp chút phản đối nào, kể cả trong quân đội. Vào lúc mà đại hội đảng Cộng Sản lần thứ XIX sắp diễn ra vào tháng 10 năm nay, động thái thể hiện uy quyền này càng củng cố thêm quyền lực của Tập Cận Bình.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170312-trung-quoc-co-that-su-muon-hoa-binh

 

Phương Tây bất đồng về điều tra nhân quyền ở Miến Điện

Thanh Hà

Ngày 13/03/2017, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về tình trạng nhân quyền Miến Điện đệ trình lên Hội Đồng Nhân Quyền báo cáo về các tội ác nhắm vào sắc tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi. Bà Yanghee Lee yêu cầu Liên Hiệp Quốc thành lập ủy ban quốc tế, điều tra về những « tội ác chống nhân loại » do quân đội chính phủ gây nên. Nhưng một số quốc gia châu Âu quan niệm rằng cần để cho Naypyidaw có thêm thời gian giải quyết khủng hoảng tại bang Arakan.

Thông tín viên đài RFI Rémy Favre từ Rangun giải thích thêm về thái độ khoan dung của phương Tây:

« Theo nhà ngoại giao Yanghee Lee, quân đội Miến Điện đã phạm tội ác chống nhân loại trong phạm vi bang Arakan, miền tây Miến Điện, qua những vụ giết người không xét xử, hay các vụ hãm hiếp tập thể. Hơn 74.000 người Rohingya phải chạy sang Bangladesh tị nạn trong những tháng gần đây. Bà Yanghee Lee mong muốn thành lập một ủy ban quốc tế điều tra về những tội ác  tại quốc gia Đông Nam Á này, tương tự như các ủy ban đã được thành lập để điều tra về tình hình nhân quyền tại Syria hay Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, tất cả các nước châu Âu không ủng hộ sáng kiến này. Giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi, cố vấn Nhà nước, đã yêu cầu có thêm thời gian để giải quyết khủng hoảng tại bang Arakan. Do vậy, một số nước châu Âu không muốn làm xấu đi hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi, mới cầm quyền chưa đầy một năm nay.

Thái độ khoan dung này trái ngược hẳn với những hành động vi phạm nghiêm trọng của quân đội chính phủ tại bang Arakan. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Yanghee Lee ghi nhận những trường hợp trẻ em Rohingya bị đốt cháy. Trong khi đó, phát ngôn viên đảng của Aung San Suu Kyi lại cho rằng nhà ngoại giao quốc tế này đã “thổi phồng” sự thật. Vẫn theo quan chức nói trên, khủng hoảng ở bang Arakan là vấn đề nội bộ của Miến Điện. Nói cách khác, Hội Đồng Nhân Quyền LHQ không nên can dự vào hồ sơ này ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170313-phuong-tay-bat-dong-de-thanh-lap-uy-ban-dieu-tra-ve-nhan-quyen-mien-dien