Tin khắp nơi – 12/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 12/03/2017

Các lực lượng Iraq tiến sâu vào thành phố Mosul

Các lực lượng Iraq do Mỹ hậu thuẫn đang tiến sâu vào phía tây thành phố Mosul hôm Chủ nhật để giành lấy các vị trí vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của các phiến quân Nhà nước Hồi giáo.

Hôm Chủ nhật, hàng loạt vụ nổ được nghe thấy và gây ra những đám khói lớn bay lên bầu trời ở thành phố Mosul.

Kể từ khi chính phủ tiến vào phía tây thành phố bắt đầu vào ngày 19/2, các chỉ huy của Mỹ và Iraq cho biết các phiến quân IS kháng cự rất quyết liệt khi chúng tìm cách cố thủ ở khu đô thị quan trọng cuối cùng ở Iraq.

Các binh lính thuộc liên minh do Mỹ lãnh đạo đã chính thức triển khai làm cố vấn để hỗ trợ cho lực lượng Iraq trong cuộc tấn công vào thành phố Mosul.

Các lực lượng Iraq đã tái chiếm khu vực phía đông thành phố vào hồi đầu năm nay, sau một cuộc tấn công bắt đầu từ ngày 17/ 10.

Thiếu tướng tham mưu của Iraq Maan Maan al-Saadi nói với hãng tin Pháp rằng “khoảng hơn 1/3” khu vực phía tây thành phố Mosul đang nằm dưới sự kiểm soát của các đơn vị Iraq.

http://www.voatiengviet.com/a/cac-luc-luong-iraq-tien-sau-vao-thanh-pho-mosul/3762156.html

 

Người gốc Việt

bị bắt trong vụ xâm nhập khuôn viên Tòa Bạch Ốc

Một người đàn ông gốc Việt đã bị Cơ quan Mật Vụ bắt giữ sau khi leo qua hàng rào phía đông của Tòa Bạch Ốc và xâm nhập khuôn viên dinh thự này trong khi Tổng thống Donald Trump đang ở bên trong.

CNN cho biết người này tên là Jonathan T. Tran, 26 tuổi, bị bắt giữ với bằng lái xe của bang California.

Một phát ngôn viên của Cơ quan Mật Vụ cho biết anh này không có tiền án hình sự, theo CBS.

Đây là vụ xâm phạm an ninh đầu tiên được biết tới tại Tòa Bạch Ốc kể từ khi ông Trump lên nắm quyền gần hai tháng trước.

Cơ quan Mật vụ cho biết trong một thông cáo rằng Tran bị bắt ở khuôn viên phía nam mà không có thêm sự cố nào sau khi leo qua một hàng rào chu vi ngoài gần Bộ Tài chính và Đại lộ Hành pháp Đông vào khoảng 11 giờ 38 phút tối thứ Sáu.

Không có vật liệu độc hại nào được tìm thấy trong ba-lô mà Tran mang qua hàng rào, theo Cơ quan Mật vụ.

“Cơ quan Mật vụ tối qua đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ,” ông Trump nói hôm thứ Bảy tại câu lạc bộ golf của ông ở phía bắc bang Virginia. Ông Trump mô tả kẻ xâm nhập là “người có vấn đề” và “đáng buồn.” Ông được báo cáo về vụ việc tối thứ Sáu.

Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly cũng đã được báo cáo về vụ việc, Cơ quan Mật vụ cho biết. Ông Kelly là một trong số vài bộ trưởng nội các và những nhân viên cao cấp của Tòa Bạch Ốc dự bữa ăn trưa làm việc với Tổng thống tại Câu lạc bộ Golf Quốc gia Trump.

Cơ quan Mật vụ cũng cho biết một cuộc lục soát khuôn viên Tòa Bạch Ốc không tìm thấy “điều gì đáng lo ngại đối với các hoạt động an ninh.”

Theo thông lệ người xâm nhập Tòa Bạch Ốc được giao lại cho sở cảnh sát địa phương.

http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-goc-viet-bi-bat-trong-vu-xam-nhap-khuon-vien-toa-bach-oc/3761594.html

 

Hạ viện muốn ông Trump

đưa ra chứng cứ về cáo buộc nghe trộm

Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ đang đề nghị Tổng thống Donald Trump từ nay đến thứ Hai đưa ra bằng chứng là các điện thoại ở tòa nhà Trump Tower đã bị nghe trộm chiến dịch tranh cử tổng thống.

Một tuần trước, tổng thống đã viết một số bài ngắn trên Twitter nói rằng cựu Tổng thống Barack Obama đã cho người nghe trộm điện thoại tại Trump Tower, nhưng ông Trump đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Tổng thống viết trên Twitter: “Thật khủng khiếp. Mới phát hiện ra rằng ông Obama đã cho người ‘nghe trộm’ ở Trump Tower ngay trước chiến thắng. Không tìm thấy gì. Đó là học thuyết McCarthy”.

Chủ tịch ủy ban Devin Nunes, một đảng viên đảng Cộng hòa của California, và ông Adam Schiff, cũng của California nhưng là ủy viên bên đảng Dân chủ, đã gửi thư cho ông Trump đề nghị cung cấp bằng chứng để củng cố cho lời cáo buộc của ông về việc nghe trộm điện thoại.

Một phát ngôn viên của ông Obama nói những cáo buộc của ông Trump là “hoàn toàn sai”.

Ông Trump đã không bình luận về việc nghe trộm điện thoại kể từ sau khi ông đăng bài lên Twitter.

Theo luật của Hoa Kỳ, một vị tổng thống không thể ra lệnh nghe trộm điện thoại của một người nào đó. Ông cần được một thẩm phán liên bang phê duyệt và cũng phải đưa ra lý do ngờ vực hợp lý cho việc tại sao phải nghe trộm điện thoại của công dân.

Lời cáo buộc về nghe trộm có thể sẽ trở thành vấn đề được chú ý trong cuộc điều tra của Thượng viện về cáo buộc cho rằng Nga can thiệp vào bầu cử và ban vận động tranh cử của ông Trump đã tiếp xúc với các quan chức Nga.

Tình báo Hoa Kỳ đã kết luận là Nga tấn công vào máy tính của ông John Podesta, người đứng đầu ban vận động tranh cử của bà Clinton, sau đó WikiLeaks, nhóm chống bảo mật, đã công bố hàng ngàn email của ông trong vài tuần trước cuộc bầu cử. Đó dường như là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm giúp ông Trump đánh bại bà Hillary Clinton, người của đảng Dân chủ, trong cuộc bầu cử tổng thống.

http://www.voatiengviet.com/a/ha-vien-muon-ong-trump-dua-ra-chung-cu-ve-cao-buoc-nghe-trom/3762120.html

 

Phó Tổng thống Pence vận động cho luật thay thế Obamacare

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã kêu gọi các cử tri ở Kentucky ủng hộ cho “cuộc chiến” tại Quốc hội để thay thế luật quốc gia về chăm sóc sức khoẻ bằng một dự luật đang được các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa thúc đẩy.

Ông Pence đã nói chuyện với cử tọa thân thiện tại cơ sở Harshaw Trane ở quê nhà của lãnh tụ phe đa số Thượng viện Mitch McConnell. Bản thân ông McConnell đã không tham dự cuộc gặp do không thu xếp được lịch làm việc.

Phó Tổng thống phát biểu: “Chúng tôi sẽ mang lại cho người dân Mỹ nhiều sự lựa chọn hơn. Chúng tôi sẽ mở rộng các tài khoản tiết kiệm y tế. Chúng tôi sẽ dành cho người dân Mỹ các khoản giảm trừ thuế giúp mọi người mua các hợp đồng bảo hiểm mà họ cần ở mức giá mà họ có thể chi trả. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng những người Mỹ đã có bệnh tật từ trước vẫn được tiếp cận với các khoản bồi thường và những biện pháp chăm sóc mà họ cần. Và xin nói với các bậc cha mẹ tại đây, chúng tôi sẽ đảm bảo quý vị vẫn duy trì con cái của mình trong hợp đồng cho đến khi các con đạt 26 tuổi”.

Ông Pence cho biết dự luật của Hạ viện đã được đưa ra hồi tuần trước và được hai ủy ban duyệt, nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu của tiến trình.

Ông Pence nói ông đến Kentucky vì bang này là “một ví dụ điển hình về thất bại của Obamacare”. Phó tổng thống nói rằng mức phí bảo hiểm y tế ở tiểu bang “tăng vọt” trung bình là 24% hồi năm ngoái, và các gia đình trong gần một nửa tiểu bang không thể chọn công ty bảo hiểm mà họ muốn, vì chỉ có một công ty bảo hiểm tham gia chương trình liên bang.

Hạ viện dự kiến sẽ bỏ phiếu về dự luật trong vòng chưa đầy hai tuần.

http://www.voatiengviet.com/a/pho-tong-thong-pence-van-dong-cho-luat-thay-the-obamacare/3762105.html

 

Sau phế truất, bà Park xin lỗi vì không làm tròn nhiệm vụ

Cựu tống thống Hàn Quốc bị phế truất, bà Park Geun-hye, hôm Chủ nhật đã xin lỗi những người ủng hộ bà vì “không hoàn thành nhiệm vụ của tôi trên cương vị tổng thống”.

Bà Park đã rời khỏi dinh tổng thống, còn gọi là Nhà Xanh, hai ngày sau khi Toà bảo hiến đưa ra miễn nhiệm bà vì một vụ tai tiếng tham nhũng.

Hôm Chủ nhật, bà đã về nhà riêng ở Seoul, nơi hàng trăm người ủng hộ đã bày tỏ phản việc miễn nhiệm bà.

Bà Park đã không nói chuyện với các phóng viên nhưng người phát ngôn đã đọc một tuyên bố trong đó bà Park tái khẳng định bà vô tội và nói: “Mặc dù sẽ mất thời gian, tôi tin rằng sự thật sẽ xuất hiện” trong khi bày tỏ lòng biết ơn đối với những người ủng hộ bà.

Tòa bảo hiến hôm thứ Sáu đã chuẩn thuận kết quả bỏ phiếu của quốc hội buộc tội và miễn nhiệm bà liên quan đến cáo buộc rằng một vụ bê bối về can thiệp và gây ảnh hưởng trị giá hàng tỷ đôla đã được điều hành từ Nhà Xanh.

Phán quyết của tòa cũng đã bãi bỏ quyền miễn trừ của Tổng thống Park đối với việc truy tố hình sự.

http://www.voatiengviet.com/a/sau-phe-truat-ba-park-xin-loi-vi-khong-lam-tron-nhiem-vu/3762182.html

 

Hà Lan trục xuất bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ

Cảnh sát chống bạo động của Hà Lan đụng độ với người biểu tình tại Rotterdam, trong bối cảnh tranh cãi ngoại giao giữa hai quốc gia khiến một bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ bị hộ tống ra khỏi Hà Lan.

Nhà chức trách đã cho sử dụng vòi rồng và dùng lực lượng kỵ binh của cảnh sát để giải tán đám đông khoảng 1.000 người ở bên ngoài lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ.

Vị bộ trưởng muốn vận động sự ủng hộ của những người Thổ Nhĩ Kỳ xa xứ đối với cuộc trưng cầu dân ý nhằm tăng thêm quyền lực cho Tổng thống Erdogan.

Chính phủ Hà Lan nói rằng những cuộc tuần hành như vậy sẽ gây tình trạng bất ổn trước cuộc tổng tuyển cử của Hà Lan.

Fatma Betul Sayan Kaya, bộ trưởng phụ trách về gia đình của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đã đến Hà Lan vào hôm thứ Bảy bằng đường bộ, trước khi cuộc tuần hành diễn ra.

Nhưng bà không được nhà chức trách Hà Lan cho vào lãnh sự quán ở Rotterdam.

Bà Kaya đã bị cảnh sát Hà Lan hộ tống ra biên giới Đức, theo xác nhận của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vào sáng sớm Chủ nhật.

Trước đó, chính phủ Hà Lan đã không cho phép chiếc máy bay chở Ngoại trưởng Melvut Cavusoglu hạ cánh xuống nước này, khiến ông phải di chuyển đến Metz, phía bắc nước Pháp để tham dự một cuộc tuần hành tại đó vào hôm Chủ nhật.

Viết trên Facebook, ông Rutte nói nỗ lực tìm kiếm một ‘giải pháp hợp lý’ đối với những bất đồng giữa hai quốc gia là điều ‘bất khả thi’, nhưng không cho rằng việc bà Kaya đến Rotterdam là ‘thiếu trách nhiệm’.

Bà Kaya viết trên Twitter: “Vì nền dân chủ, thế giới cần tỏ thái độ đối với hành động phát xít này! Cách đối xử với một bộ trưởng là nữ giới như vậy là không chấp nhận được.”

Thủ tướng Binali Yildirim nói vào hôm Chủ nhật rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những phản ứng ‘cứng rắn nhất’ đối với ‘thái độ cư xử không thể chấp nhận’ này.

Bà Kaya đã bay về Istanbul từ Cologne của Đức.

Thông tín viên BBC tại Thổ Nhĩ Kỳ, Mark Lowen, nói cuộc tranh cãi về ngoại giao ban đầu đã biến thành cuộc khủng hoảng toàn diện trong mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

Tranh cãi ngoại giao

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào hôm 16 tháng Tư, với ý đồ chuyển từ quốc gia theo chế độ nghị viện, sang chế độ tập trung quyền lực cho tổng thống, gần giống như Hoa Kỳ.

Nếu thành công, tổng thống sẽ có thêm rất nhiều quyền, có thể bổ nhiệm bộ trưởng, lên ngân sách quốc gia, chọn các thẩm phán cao cấp và ban hành các đạo luật mới thông qua các sắc lệnh.

Hơn thế nữa, tổng thống còn có quyền ban hành tình trạng khẩn cấp của quốc gia và giải tán quốc hội.

Để được thông qua, ông Erdogan cần nhiều phiếu bầu của công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang sống trong nước và cả ở nước ngoài.

Hiện có khoảng 5,5 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở nước ngoài, trong đó khoảng 1,4 triệu người sống tại Đức- với hy vọng sẽ bỏ phiếu ủng hộ cho cuộc trưng cầu dân ý.

Do đó, những cuộc tuần hành đã được lên kế hoạch tổ chức tại những quốc gia có đông người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống, bao gồm cả Đức, Áo và Hà Lan.

Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Erdogan đã bị ngăn cản tổ chức những cuộc tuần hành như vậy.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt người hàng loạt sau đảo chính

Tại sao những cuộc tuần hành bị ngăn chặn?

An ninh là lý do chính thức được nhiều quốc gia đưa ra.

Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz nói ông Erdogan không được hoan nghênh trong việc tổ chức các cuộc tuần hành vì rủi ro xảy ra xung đột và cản trở tiến trình hội nhập.

Ông Rutte nói Hà Lan đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ kế hoạch tuần hành vì quan ngại đến ‘trật tự nơi công cộng và an ninh’.

Chính phủ Hà Lan cũng đang phải đối mặt với áp lực trong cuộc bầu cử từ đảng Geert Wilders, có xu hướng chống Hồi giáo, trong ngày bỏ phiếu vào hôm thứ Tư tới đây.

Nhiều quốc gia châu Âu lo ngại về việc trả đũa của Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc đảo chính và sự độc tài dưới bàn tay của Tổng thống Erdogan, điển hình như Đức, là quốc gia chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch trấn áp sau đó – với gần 100.000 nhân viên nhà nước bị bãi nhiệm.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39248201

 

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả đũa Hà Lan vì ngăn chặn các bộ trưởng

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết hôm Chủ Nhật rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả đũa bằng những cách “khắc nghiệt nhất” và “phản ứng lại hành vi không thể chấp nhận này” sau khi Hà Lan từ chối cho phép một bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vào nước này và trục xuất một bộ trưởng khác.

Ngòai ra, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phong tỏa Đại sứ quán Hà Lan tại Ankara và cho biết Đại sứ Hà Lan không được hoan nghênh ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm Chủ nhật, cảnh sát kỵ binh chống bạo động Hà Lan đã đụng độ với hàng trăm người ủng hộ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Rotterdam, những người biểu tình phản đối các động thái chống lại các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước khi xảy ra xung đột, khoảng 2.000 người biểu tình tụ tập bên ngoài lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Rotterdam, thành phố lớn thứ hai của Hà Lan, để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đang cố gắng thúc đẩy cuộc trưng cầu dân ý vào tháng tới để mở rộng quyền hạn của mình .

Ngay sau nửa đêm, cảnh sát bắt đầu buộc người biểu tình phải ra khỏi khu vực gần lãnh sự quán. Hãng thông tấn Pháp cho biết cảnh sát chống bạo động đã sử dụng vũ lực để đẩy lùi đám đông biểu tình.

Hà Lan đã cấm Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hạ cánh vì có sự phản đối ngày càng tăng ở khắp Liên hiệp châu Âu đối với cuộc vận động về trưng cầu dân ý sắp tới của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã lên án hành động này.

Sau khi bị Hà Lan chặn đường, ông Cavusoglu nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết” chống lại Hà Lan. Trước đó, ông đã đe doạ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị khắc nghiệt.

Sau khi ông Cavusoglu bị cấm cửa ở Hà Lan và phản ứng tức giận của tổng thống Erdogan, hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng bà Fatma Betul Sayan Kaya, một thành viên khác của chính phủ, Bộ trưởng Bộ Gia đình đã đi từ Đức vào Hà Lan, mặc dù sự kiện mà bà định phát biểu trước đó đã bị huỷ bỏ.

Tranh chấp đã leo thang vào cuối ngày thứ Bảy khi cảnh sát cấm bà Kaya đi vào lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Rotterdam. Các quan chức Hà Lan hộ tống bà bộ trưởng trở lại biên giới Đức. Hãng thông tấn Pháp trích lời Thị trưởng thành phố Rotterdam Ahmed Aboutaleb nói rằng bà Kaya “đã bị trục xuất về lại nước xuất phát “.

Sau khi bị từ chối nhập cảnh vào Hà Lan, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu đã tới Pháp, nơi ông dự kiến sẽ nói chuyện với các thiếu nữ Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Metz ở đông bắc nước Pháp. Hôm thứ Bảy, các quan chức Pháp cho biết họ không có kế hoạch ngăn cản sự xuất hiện của ông.

Nhiều quốc gia thành viên của Liên hiệp châu Âu phản đối các chuyến thăm của các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi các kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý sắp tới để thay đổi hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, do chiến dịch này gây ra những căng thẳng trong nước. Ankara muốn tăng cường sự ủng hộ của hàng triệu người Thổ Nhĩ Kỳ sống và làm việc ở châu Âu để trao thêm quyền lực cho tổng thống Erdogan, điều này có thể giúp ông giữ chức vụ tổng thống cho đến năm 2029.

http://www.voatiengviet.com/a/tho-nhi-ky-se-tra-dua-ha-lan-vi-ngan-chan-cac-bo-truong/3762166.html

 

Kêu gọi ủng hộ dự thảo Brexit

Ông David Davis kêu gọi các dân biểu ủng hộ đối với dự thảo về Brexit trong tuần tới và khẳng định Vương quốc Anh đã chuẩn bị cho trường hợp phải ra khỏi EU mà chưa đạt được thỏa thuận.

Vị Bộ trưởng phụ trách Brexit kêu gọi các dân biểu không nên ‘trói tay thủ tướng’ khi bỏ phiếu thông qua thỏa thuận và về vấn đề quyền di trú của công dân EU tại Vương quốc Anh.

Ông nói rằng trong lúc chính phủ đang chuẩn bị cho việc ‘không có thỏa thuận’ về Brexit, ông nghĩ rằng việc thương lượng sẽ không bị đổ vỡ.

Dự thảo về Brexit sẽ được bàn thảo giữa các dân biểu tại Hạ viện vào hôm thứ Hai, sau hai lần không được thông qua trên Thượng viện.

Nếu các dân biểu thông qua dự thảo, bà Theresa May sẽ kích hoạt Điều khoản 50 – chính thức bắt đầu tiến trình Brexit – ngay vào ngày thứ Ba.

Tuy nhiên, dự thảo này đã bị Thượng viện từ chối hai lần, vì vấn đề quyền di trú của công dân EU tại Vương quốc Anh và liệu Nghị viện có thể ‘bỏ phiếu một cách đúng nghĩa’ về các điều khoản của Brexit sau quá trình thương lượng hay không.

Thủ tướng nói bà sẽ đưa Vương quốc Anh ra khỏi EU ngay cả khi các dân biểu không đồng ý với những thỏa thuận chính phủ đưa ra.

Ông Davis, người phụ trách việc đàm phán của Vương quốc Anh, nói về hai vấn đề chính trong cuộc phỏng vấn của Chương trình Andrew Marr, trên kênh BBC One. “Tôi sẽ không thể tưởng tượng nổi nếu cuối cùng mọi người bỏ phiếu không thông qua,” ông nói.

“Nhưng sự thật đơn giản nhất mà tôi không muốn làm là đưa một dự thảo đơn giản, được làm ra không có mục đích gì khác hơn là chuyển kết quả cuộc trưng cầu dân ý thành điều luật… vậy nên xin hãy đừng trói tay của thủ tướng trong quá trình làm việc này, đối với vấn đề mà trước sau gì chúng ta cũng sẽ đạt được.”

‘Không thể phủ quyết’

Đề cập đến vấn đề nếu Nghị viện không thông qua thỏa thuận, Vương quốc Anh sẽ phải quay lại bàn đàm phán với EU, ông nói: “Có giới hạn về thời gian… đó là hai năm sau khi Điều khoản 50 được kích hoạt nên sẽ có giới hạn về những gì chúng ta có thể làm.

“Vấn đề thứ hai, là Nghị viện không thể thay đổi quyết định của người dân – nghĩa là không có quyền phủ quyết.”

Ông nói quyền của công dân ở Vương quốc Anh và tại châu Âu sẽ ‘vấn đề đầu tiên’ được thảo luận trong thỏa thuận Brexit và nói mình tin rằng chính phủ có ‘trách nhiệm theo chuẩn mực đạo đức’ đối với công dân EU, nhưng vấn đề phải được ‘giải quyết đồng bộ’ với các quốc gia EU khác.

Ông cũng nói chính phủ đang soạn thảo ‘một kế hoạch dự phòng’ cho trường hợp không đạt thỏa thuận với EU – sau khi Ủy ban Đối ngoại ra báo cáo nói không có bằng chứng nào cho thấy chính phủ đang có một kế hoạch dự phòng.

Chính phủ Anh đối diện ‘thất bại’ Brexit đầu tiên

Anh rời EU nhưng không bỏ châu Âu

‘Không phải ngày tận thế’

Bộ trưởng phụ trách Brexit nói với Chương trình Andrew Marr, trên kênh BBC One rằng ông tin sẽ ‘không có khả năng’ việc thương lượng bị đổ vỡ hoàn toàn.

Ông nói: “Sự thật là, chúng ta đang lên kế hoạch dự phòng, với tất cả những kết quả có thể xảy ra, trong nhiều tình huống khác nhau. Không chỉ với đội ngũ của tôi, mà tất cả mọi phòng ban của Whitehall. Nhưng có thể hiểu được rằng chúng ta có kế hoạch dự phòng. Với mục đích đạt một kết quả tốt.”

Liam Fox, Bộ trưởng phụ trách Thương mại Quốc tế, nói trong chương trình Chính trị của Pienaar, trên kênh BBC Radio 5 rằng: “Chắc chắn một điều rằng nếu không đạt thỏa thuận, thì đó cũng không phải là ngày tận thế, nhưng tất nhiên là đạt thỏa thuận vẫn tốt hơn”.

Ngoại trưởng Boris Johnson nói với chương trình của Peston vào Chủ nhật, trên kênh ITV: “Cũng là điều bình thường nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận, nhưng tôi tin chúng ta sẽ đạt được.”

Ông nói thêm: “Tôi không nghĩ hậu quả của việc ‘không có thỏa thuận’ là ngày tận thế như nhiều người vẫn cứ cố tình nghĩ như vậy.”

‘Cảm giác bị phản bội’

Bình luận của Ngoại trưởng Anh bị thành viên Bảo Thủ, nguyên là phó Thủ tướng, Lord Heseltine bác bỏ và cho là ‘nhảm nhí’.

Thành viên quí tộc của Bảo Thủ, là người bị sa thải vào tuần trước với cương vị cố vấn của chính phủ, bỏ phiếu chống lại dự thảo Brexit tại Thượng viện, nói với kênh ITV: “Thực tế là có rất nhiều thành viên đảng Bảo Thủ đang rất bất an, họ cảm thấy bị phản bội trước những gì đang diễn ra hiện nay.”

Người giám sát bộ trưởng về Brexit của đảng đối lập, Sir Keir đã kêu gọi thủ tướng cân nhắc để giữ lại những điều chỉnh ‘thực sự quan trọng’ của các thành viên Thượng viện – bổ sung thêm rằng số phận của những công dân EU tại Anh đang ‘bị bỏ quên’.

Ông nói với kênh Sky News rằng viễn cảnh nước Anh ‘không đạt được thỏa thuận’ sẽ là ‘một thảm họa’.

“Chúng ta cần phải bỏ phiếu trong Nghị viện, trước khi điều đó có thể xảy ra. Do đó chúng ta cần phải đấu tranh cho thế hệ mai sau,” ông nói thêm.

Dự thảo có thể hoàn tất những công đoạn cuối cùng vào thứ Hai nếu các thành viên Thượng viện chấp nhận quyết định của dân biểu.

Trong số những thành viên Bảo Thủ thuộc thành phần chống đối, có dân biểu Anna Soubry, là người nói với chương trình Chính trị ngày Chủ nhật của BBC One rằng bà chưa nghe thấy bất cứ sự đảm bảo nào về việc Nghị viện được quyền bỏ phiếu trong trường hợp không đạt được thảo thuận về Brexit.

Không có những điều khoản này, bà nói: “Tôi sẽ bỏ phiếu chống lại chính phủ của chúng tôi, là điều tôi không hề muốn… hoặc tôi sẽ không bỏ phiếu gì cả, là điều cũng có giá trị tương tự.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39248203

 

Công tố viên cao cấp của Mỹ: Tôi bị sa thải

Một công tố viên liên bang của New York, người đã từ chối từ chức khi ông và 45 công tố viên khác đã bị chính quyền của ông Trump yêu cầu rời chức vụ, nói rằng ông đã bị sa thải.

Preet Bharara nói trên mạng Twitter rằng: “Tôi không từ chức. Cách đây một lát, tôi đã bị sa thải”.

Trump chuẩn bị ký lệnh mới về nhập cư

Trump kêu gọi kiểm tra biên giới ‘cẩn trọng’

Giải đố ngoài sân bay để nhập cảnh Mỹ?

Ông Bharara lúc đầu được Tổng thống Donald Trump yêu cầu ở lại vị trí, khi họ gặp nhau sau cuộc bầu cử.

Tôi không từ chức. Cách đây một lát, tôi đã bị sa thảiCông tố viên New York Preet Bharara

Nhưng vào ngày thứ Sáu, ông được đưa vào danh sách các công tố viên do cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, mà được Bộ Tư pháp yêu cầu rời chức vụ.

Thông điệp trên Twitter của ông Bharara tiếp tục:

“Là Chưởng lý Hoa Kỳ tại Quận Nam New York (South District New York) mãi mãi sẽ là vinh dự lớn nhất trong sự nghiệp chuyên nghiệp của tôi.”

Các vị tổng thống thường yêu cầu những người được chính quyền trước đó bổ nhiệm từ chức.

Nhưng việc ông Bharara mới được đưa vào danh sách là một bất ngờ đặc biệt.

Trước đó, ông nói với các phóng viên vào hồi tháng Mười rằng ông đã được ông Trump đề nghị ở lại, và ông đã đồng ý.

‘Danh sự và xuất sắc’

Vị Công tố viên nổi lên sau khi theo đuổi các vụ kiện tham nhũng và các vụ kiện chống lại các chủ ngân hàng phố Wall.

Ông cũng đã khởi tố cả các nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Trong số những vụ mà ông đang làm là một cuộc điều tra về việc gây quỹ của thị trưởng New York Bill de Blasio, cũng như vụ nhân viên Fox News kiện hãng này do quấy rối tình dục.

Quyết định đột ngột và không thể giải thích được của Tổng thống Trump về việc bãi bỏ hơn 40 Chưởng lý Hoa Kỳ một lần nữa gây ra sự hỗn loạn trong chính phủ liên bangTổng chưởng lý New York Eric Schneiderman

Sau khi được thông báo hôm thứ Bảy rằng ông đã từ chối từ chức, thượng nghị sĩ hàng đầu của New York, Brian Kolb nói: “Tốt cho Preet, ông ấy đang làm công việc mà ông được chỉ định để làm!”

Vào thứ Bảy, Tổng chưởng lý New York Eric Schneiderman nói trong một tuyên bố:

“Quyết định đột ngột và không thể giải thích được của Tổng thống Trump về việc bãi bỏ hơn 40 Chưởng lý Hoa Kỳ một lần nữa gây ra sự hỗn loạn trong chính phủ liên bang.”

“Preet Bharara, giống như nhiều công tố viên Hoa Kỳ bị sa thải trong tuần này, đã phục vụ với danh dự và sự xuất sắc.”

Tuy nhiên, chiến lược gia của đảng Cộng hòa Brian Walsh đã lập luận rằng việc sa thải là “không có gì mới” vì “các chưởng l‎ý Hoa Kỳ phục vụ ‘làm đẹp lòng’ [tổng thống], ngay cả Preet”.

Văn phòng của ông Bharara và Bộ Tư pháp đã từ chối bình luận thêm, theo hãng tin AP.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39248284

 

Malaysia dự tính trả thi thể Kim Jong Nam cho Kim Jong Un

Thùy Dương

Báo mạng Malaysia, New Straits Times hôm nay, 12/03/2017, đưa tin, thi thể của Kim Jong Nam có thể sẽ được chính quyền Kuala Lumpur trao trả cho đích thân người em Kim Jong Un, lãnh đạo bắc Triều Tiên. Tuy nhiên vẫn còn quá nhiều phức tạp trong việc trao và nhận thi thể nạn nhân này.

Hôm 10/03 vừa qua, cảnh sát Malaysia khẳng định người bị ám sát cách đây một tháng tại sân bay Kuala Lumpur đúng là Kim Jong Nam. New Straits Times dẫn một nguồn thạo tin nhận định, như vậy là Malaysia xác nhận Kim Jong Un là thành viên gia đình của nạn nhân và  tức là thừa nhận Bắc Triều Tiên có quyền nhận xác của Kim Jong Nam.

Nguồn tin này giải thích: ” Một khi Kim Jong Un quyết định, thi thể (Kim Jong Nam) sẽ được trao lại cho ông ta một cách hợp pháp” và ” nếu những người bà con có quan hệ trực tiếp đòi thi thể mà gây ra tranh chấp thì tổng chưởng lý sẽ là người quyết định cuối cùng”.

Hôm qua, ngoại trưởng Malaysia, Anifa Aman đã tuyên bố với báo chí rằng ” cuối cùng chúng tôisẽ phải trao trả thi thể cho ai đó. Bên nhận thi thể đó có thể là chính phủ Bắc Triều Tiên hoặc là thành viên trong gia đình” người bị hại.

Tìm được người nhận mới khó

Giới quan sát tại Malaysia đều cho rằng khả năng trao trả thi thể Kim Jong Nam cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên là ít xảy ra bởi vì Bình Nhưỡng vẫn không chịu thừa nhận danh tính nạn nhân là Kim Jong Nam, khăng khăng cho rằng đó chỉ là một công dân Bắc Triều Tiên bình thường.

Bình Nhưỡng cũng có thể chờ cho đến khi xác của Kim Jong Nam không có ai nhận và bị tuyên bố là  trường hợp ” tử vong không có người nhà” để đòi lại thi thể bằng viện dẫn quốc tịch nạn nhân.

Hiện tại người ta cũng không biết chính xác là vợ và con trai của Kim Jong Nam ở đâu. Việc những người thân này đến Malaysia đã khó, và để nhận lại thi thể của nạn nhân lại càng khó hơn trong hoàn cảnh hiện nay.

Cảnh sát Malaysia dự kiến sắp tới sẽ chuyển thi thể của Kim Jong Nam cho bộ Y Tế quản lý. Theo luật của Malaysia, cơ quan này cũng chỉ được phép giữ thi thể nạn nhân tối đa 14 ngày. Nếu không có thân nhân người quá cố tới nhận xác, bộ này phải tiến hành bước tiếp theo là thông báo cho sứ quán của nước có liên quan.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170312-malaysia-co-the-se-tra-thi-the-kim-jong-nam-cho-kim-jong-un

 

Hàn Quốc bầu lại tổng thống vào ngày 9 tháng 5

Tú Anh

Ủy Ban Bầu Cử Trung Ương Hàn Quốc thông báo cuộc bầu tổng thống mới sẽ diễn ra vào ngày 09/05 tới đây, tức 60 ngày sau khi chiếc ghế lãnh đạo hành pháp vắng chủ, theo quy định của Hiến pháp. Thủ lãnh đảng Dân Chủ Moon Jae In, có nhiều cơ may thay thế bà Park Geun Hye, kêu gọi dân chúng Hàn Quốc đoàn kết để cùng viết một trang sử trong sạch.

Thứ Bảy, 11/03/2017, một ngày sau khi tổng thống Park Geun Hye bị truất phế, chủ tịch Ủy Ban Bầu Cử Hàn Quốc Kim Yong Deok thông báo ngày bầu cử tổng thống mới trễ nhất sẽ diễn ra ngày  09/05/2017. Theo báo chí Hàn Quốc, chủ tịch Ủy Ban Bầu Cử Hàn Quốc Kim Yong Deok kêu gọi người dân Hàn Quốc vượt qua mâu thuẫn giữa kẻ theo người chống tổng thống bị phế truất, để xây dựng một quốc gia đoàn kết.

Cũng cùng mối quan ngại xã hội chia rẽ, chủ tịch đảng Dân Chủ đối lập Moon Jae In bày tỏ hy vọng « Hàn Quốc sẽ viết một trang sử mới » qua bầu cử tổng thống mới. Theo AFP, trong cuộc họp báo ngày 12/03/2017, nhân vật được xem là có nhiều khả năng đắc cử, kêu gọi dân chúng đoàn kết, trong khi trước nhà riêng của bà Park Geun Hye hàng trăm người chờ đón thần tượng của họ.

Trong bầu không khí đó, lãnh đạo đối lập Moon Jae In cho rằng trục xuất tổng thống bị phế truất ra khỏi Nhà Xanh (Phủ tổng thống) khi nhà riêng chưa chuẩn bị xong là điều « bất nhẫn ». Tuy nhiên ông cảnh báo mưu toan « phá hủy hay tẩu tán » hồ sơ Nhà nước.

Trung Quốc cũng dự đoán Moon Jae In sẽ là người kế nhiệm bà Park Geun Hye mà Bắc Kinh xem là khắc tinh. Trong một bài bình luận, Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng lãnh đạo đảng Dân Chủ Hàn Quốc Moon Jae In là ứng cử viên sáng giá và kêu gọi Seoul « xét lại » kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn THAAD.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170312-han-quoc-bau-lai-tong-thong-vao-ngay-9-thang-5

 

Các đồng minh của Syria lên án khủng bố đẫm máu tại Damas

Vụ tấn công khủng bố kép ngày hôm qua, 11/03/2017 tại thủ đô Damas đã làm 59 người thiệt mạng, trong đó phần đông là các tín đồ Hồi Giáo Shia đi hành hương. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất tại thủ đô Syria trong 6 năm nội chiến. Đặc biệt vụ khủng bố này diễn ra trong khi các nỗ lực hòa giải giữa Damas và các lực lượng nổi dậy đang có tiến triển. Liban, Iran, các đồng minh của Syria, ngay lập tức đã lên án mạnh mẽ và tỏ quyết tâm ủng hộ Damas tiêu diệt khủng bố.

Thông tín viên Paul Khlifeh tại Beyrouth gửi về bài tường trình:

Tại Damas, bộ trưởng Ngoại Giao Syria đã trình hai bức thư lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và chủ tịch Hội Đồng Bảo An tố cáo hai vụ tấn công khủng bố. Damas khẳng định các vụ tấn công này chứng tỏ các nhóm khủng bố đã từ chối tiến trình hòa giải giữa người Syria đang diễn ra ở nhiều vùng.

Tại Liban, phong trào Hezbolla vẫn hậu thuẫn về quân sự cho chế độ Syria, đã kêu gọi thống nhất các nỗ lực để loại trừ các tổ chức khủng bố. Vẫn tại Beyrouth, Hội Đồng Giáo Sĩ tập hợp các chức sắc Hồi Giáo Sunni và Shia thân Iran, đánh giá các vụ khủng bố tại Damas là hành động tuyệt vọng của các nhóm khủng bố đang hấp hối sau những thất bại trên mặt trận tại Syria và Irak.

Tại Teheran, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran cũng có cùng nhận định. Theo ông Bahram Kassemi, những kẻ khủng bố và những kẻ ủng hộ đều ý thức được thất bại sắp tới của chúng. Vụ khủng bố tại Damas nhằm phá hoại các cuộc hòa đàm giữa người Syria và lệnh ngừng bắn.

Vài giờ trước các vụ tấn công hôm qua, nhiều nhóm nổi dậy Syria đã yêu cầu hoãn các cuộc thương lượng hòa bình, được dự kiến tổ chức vào tuần tới tại Astana, Kazakhstan dưới sự bảo trợ của Nga. Các cuộc đàm phán này nhằm cùng cố lệnh ngừng bắn đang có hiệu lực tại Syria.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170312-cac-dong-minh-cua-syria-len-an-khung-bo-dam-mau-tai-damas