Tin Việt Nam – 09/03/2017
Báo Nhân Dân: Blogger tung tin vịt; VOA, BBC, RFA tung hứng
Hôm 7/3, báo Nhân Dân có bài nói rằng các cơ quan truyền thông quốc tế như VOA, BBC, RFA tung hứng theo các tin vịt do các blogger Việt Nam phát ra với thủ đoạn bất lương nhằm “chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.”
Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam còn nói rằng việc các blogger tung tin vịt là “thủ đoạn mà kẻ bất lương thường sử dụng để gây nhiễu loạn thông tin trong xã hội, từ đó làm tổn hại uy tín tổ chức, cá nhân mà họ nhắm vào.”
Trong bài viết có tự đề “‘Tin vịt’ và cái gọi là ‘truyền thông lề dân’”, báo Nhân Dân có nêu tên các blogger như Lê Nguyễn Hương Trà, Nguyễn Anh Tuấn, và Lê Dũng Vova với cáo buộc là họ đã “lan truyền một video clíp quay cảnh một cống thoát có nước màu đỏ, được cho là do ‘phóng viên lề dân’ quay tại khu vực xả thải của Công ty Formosa.”
Từ Hà Nội, blogger Lê Dũng Vova cho VOA biết phản ứng của anh về bào báo này:
“Tôi thì chả bao giờ đọc báo Nhân dân. Đó là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản mà. Lần này, đọc xong buồn cười quá, vì cách làm báo của họ là chụp mũ. Họ cho rằng tất cả những người làm báo mạng, những Facebooker và blogger làm tin là tin vịt. Họ nói là tin vịt mà họ cũng chẳng cần chứng minh thế nào là tin vịt cả. Không ai được phép có quyền thay mặt tòa án để phán xét những người làm báo. Báo Đảng của Việt Nam họ quen với cách chụp mũ đó từ xưa rồi.”
Võ Khánh Linh, tác giả bài viết trên báo Nhân Dân còn dẫn chứng vụ sản xuất tin vịt của blogger Kami, người được “RFA trân trọng, sử dụng, trả nhuận bút, cũng như được BBC, VOA… tung hứng!”
Blogger Lê Dũng nói thêm về việc “chụp mũ” đã có từ xa xưa của báo chí nhà nước:
“Từ xưa đến giờ thì mọi người dân ở Việt Nam đều được nghe và thấy các tờ báo của nhà nước nói rằng các báo của nước ngoài BBC, VOA, RFA, RFI là những trang thông tin của thế lực thù địch và tiếp tay cho các báo mạng ở Việt Nam, gây kích động các thứ. Họ chụp mũ. Từ xưa họ đã truyên truyền cho người dân ở trong nước như vậy.”
Vào tháng trước, VOA có đưa tin về hiện tượng vệt nước đỏ khi trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh một cống xả nước thải màu đỏ ra biển. Dư luận cho đây là cống xả thải từ nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh, thủ phạm gây ra vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung hồi năm ngoái.
Ngoài thông báo về việc tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước, Bộ TN&MT hôm 21/2 cũng khẳng định đoạn video xả nước thải màu đỏ là “sai sự thật”. Bộ này nói trong quá trình kiểm tra đã không phát hiện ra cống xả thải nào của Formosa giống như trong đoạn video.
Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nói với VOA rằng người dân hiện đang rất “thiếu tin tưởng” và “hoài nghi” bất cứ thông tin chính thức gì có liên quan đến các vụ ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nói thông tin báo chí đưa cũng chỉ là một dự báo, không phải là kết luận phân tích khoa học.
Sau đó VOA cũng đã phỏng vấn các ngư dân ở làng chài nơi có xuất hiện vệt nước màu đỏ. Ông Sáu, ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế cho VOA biết: “Cách đây ba ngày tôi gặp nó cách bờ chừng 3 tới 4 hải lý. Vệt nước này kéo dài màu đỏ hồng, nó loang trên cát và ông vạn trưởng có báo đến cho cơ quan chức năng nhưng không thấy họ nói gì. Không biết rồi đây sẽ như thế nào bởi năm ngoái đánh bắt thất thu, đời sống rất khó khăn, bây giờ thêm vệt này nữa thì chẳng biết tính sao đây!”
Đấu tranh dân chủ, đấu tranh chính trị, làm truyền thông, thay đổi xã hội… muốn gì cũng phải trên nền tảng sự thật. Chỉ có đúng sự thật, người ta mới mạnh được và lấy lòng dân được.
Cựu nhà báo Phạm Đoan Trang
Blogger Lê Dũng, người đã phát đi đoạn video nói rằng ông đã trực tiếp lấy mẫu nước và phỏng vấn người dân địa phương. Ông giải thích thêm về vụ vệt nước màu đỏ ở Vũng Áng:
“Khi xuất hiện các vệt nước đỏ ở Vũng Áng, người dân có chụp ảnh và đăng lên trên mạng. Họ có gọi cho cán bộ địa phương xuống xem và lấy mẫu. Nhưng cán bộ địa phương làm người ta mất niềm tin, người ta sợ lắm.”
Blogger Lê Nguyễn Hương Trà, người cũng bị báo Nhân dân nêu tên với cáo buộc đưa ‘tin vịt’ nói với VOA qua Messenger rằng cô có thực hiện cuộc điều tra vụ cống xả và đưa tin lên mạng. Nữ blogger nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh với 20 năm làm nghề báo tự do nói rằng chính quyền “muốn phản bác lại lề dân thì phải chứng minh chứ, trong khi ngồi lười đó đợi. Anh nói tui sai, thì anh phải chứng minh sai chỗ nào và bằng chứng?”
Khi hỏi nhận định của Blogger Hương Trà về bài báo Nhân dân, chị nói: “Nói chung đừng nên quá coi trọng mấy cái báo Đảng hay các trang lề phải nói gì, tui phớt lờ hết và hầu như không đọc, cũng không quan tâm luôn. Mình cứ làm những gì mình thấy đúng đắn, tiến bộ.”
Trong một bình luận về hoạt động truyền thông gần đây, cựu nhà báo Phạm Đoan Trang viết: “Đấu tranh dân chủ, đấu tranh chính trị, làm truyền thông, thay đổi xã hội… muốn gì cũng phải trên nền tảng sự thật. Chỉ có đúng sự thật, người ta mới mạnh được và lấy lòng dân được.”
8/3: Nhớ về một nhà hoạt động nữ
Ngày 21 tháng 1 năm 2017, nhằm vào ngày 24 tháng Chạp năm Bính Thân, ngày cận kề Tết Đinh Dậu, nhà hoạt động xã hội Trần Thị Nga (facebooker Thúy Nga) bị công an Việt Nam bắt tại nhà của người chị gái ở Phủ Lý, Hà Nam, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” sau các hoạt động trợ giúp dân khiếu kiện đất đai, tham gia biểu tình chống Trung Quốc, tuần hành bảo vệ môi trường phản đối Formosa. Kể từ thời gian chị Nga bị bắt đến nay, hai đứa con nhỏ vắng mẹ, thiếu thốn mọi thứ.
Căn phòng nhỏ chưa đầy 20 mét vuông trong một khu chung cư ọp ẹp giữa thủ đô Hà Nội là nơi sinh hoạt của một gia đình bốn người. Hiện tại, chị Nga bị giam giữ, chồng chị, anh Phan Văn Phong, phải cán đán mọi chuyện thay thế chị, từ việc kiếm sống hằng ngày bằng nghề photocopy cho đến đi chợ, nấu ăn, đưa con đến lớp, dỗ con ngủ… một tay anh Phong lo liệu. Kinh tế vốn khó khăn, thêm phần đi thăm nuôi và lo lắng cho chị Nga, mọi khoản chi tiêu gia đình chỉ ưu tiên cho hai cháu nhỏ.
Anh Phan Văn Phong chia sẻ: “Ra chợ người ta hỏi bác gái đâu mà thấy bác đi chợ hoài, thì mình bảo là mode mới bây giờ, đàn ông thời đại nội trợ tốt. Trước Thúy Nga ở nhà thì mình khỏi đi, giờ phải chăm lo cho hai đứa nhỏ.”
Những thước phim này được quay đúng vào dịp Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8 tháng 3, ngày mà hầu hết chị em phụ nữ được nghỉ ngơi công việc để cùng vui chơi với gia đình, bạn bè.
Gia đình anh chị lọt thỏm giữa Hà Nội. Vợ bị giam giữ, chưa được cấp sổ thăm nuôi, anh Phong vẫn quần quật làm mọi việc của người mẹ-người vợ trong lúc chị Nga chờ ngày ra tòa. Chị Nga bị giam, hai đứa trẻ vắng mẹ, suốt ngày lặng lẽ ngồi xem phim trên máy tính.
Dường như một thế giới khác, thế giới của cô đơn, lẻ loi và cam chịu mọi khổ nạn cuộc đời đang phủ bóng lên gia đình anh chị trong khi mọi người đang vui mừng ăn lễ, tôn vinh người phụ nữ ngày 8/3.
Anh Phong chia sẻ: “Hiện giờ tôi vẫn làm nghề photocopy. Hai đứa nhỏ quấn cả ngày, nhưng phải vậy thôi, giờ chúng nó thiếu mẹ mà. Tình hình Thúy Nga hiện tại thì vẫn bị giam ở nhà giam Bút Sơn, cách Phủ Lý 5 km. Sổ thăm nuôi họ bảo vẫn chưa xong, họ bảo vài hôm nữa. Họ cứ hứa quanh vậy đó.”
Tiếng xoong, nồi, chén, bát; tiếng trẻ gọi mẹ giữa cơn mớ ngủ; và nỗi thương nhớ người vợ dấn thân vì các hoạt động xã hội dân sự đang bị giam cầm trong chốn lao ngục. Đó là tất cả những gì dành cho anh Phong trong ngày 8 tháng 3 và nhiều ngày trước đó, những ngày sắp tới, chưa biết sẽ ra sao.
http://www.voatiengviet.com/a/nho-ve-1-nha-hoat-dong-nu-8-3/3756037.html
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ‘chưa quyết’ về thép Cà Ná
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ được báo Việt Nam hôm 9/3 dẫn lời nói Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “chưa quyết” về dự án thép Cà Ná “vì chưa có căn cứ và cơ sở”.
Báo Zing cùng ngày ghi nhận sáu vấn đề mà Thủ tướng Phúc yêu cầu phải làm rõ về dự án thép Cà Ná: “Quy hoạch ngành thép, cung cầu thị trường, điện năng/nước, cạnh tranh sản phẩm (sản phẩm đưa ra thị trường có cạnh tranh được với Trung Quốc hay không), nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào, công nghệ/thiết bị”.
“Thủ tướng giao các bộ liên quan phải nghiên cứu. Khi nào các bộ có báo cáo, Thủ tướng mới xem xét,” báo này viết.
Cam kết ‘chịu trách nhiệm’ của Bộ trưởng
Mỹ điều tra thép TQ ‘đội lốt Việt Nam’
Hôm 9/3, Luật sư Lê Nguyễn Lê Vi, một người dân Ninh Thuận, nói với BBC: “Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chưa quyết về dự án thép Cà Ná là tín hiệu đáng mừng.”
“Với một dự án được công luận quan tâm, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, trong bối cảnh ngành thép còn vấn đề gây quan ngại về môi trường thì việc xem xét sáu vấn đề đó thận trọng là quyết định sáng suốt.”
‘Cơ sở pháp luật’
“Tôi không dự đoán được kết quả thủ tướng sẽ quyết định thế nào về thép Cà Ná nhưng với những gì đang diễn ra thì có thể thấy việc cân nhắc này đang theo cơ sở pháp luật.”
“Nếu nhà đầu tư chứng minh họ đáp ứng được những yêu cầu mà thủ tướng đưa ra, nhất là việc thiết bị sản xuất, công nghệ có đảm bảo yếu tố môi trường hay không, thì dự án có thể được thông qua.”
Cùng ngày, Bộ Công thương phát đi bản tin cho hay hai nhà nhà thầu tư vấn Deloite (Nhật) và Roland Berger (Đức) “gửi thư bày tỏ sự quan tâm” đến Dự thảo Quy hoạch ngành thép Việt Nam.
“Hai nhà thầu nước ngoài này được đánh giá là đảm bảo đủ năng lực để trở thành đơn vị tư vấn quy hoạch thép Việt Nam,” bản tin viết.
“Hiện Vụ Công nghiệp Nặng đang tiến hành lập hồ sơ và lập tổ tư vấn lựa chọn nhà thầu.”
“Trên cơ sở hồ sơ và bản chào của các đơn vị này, Tổ tư vấn sẽ đánh giá năng lực và lựa chọn đơn vị có phương án tối ưu, giải pháp tốt nhất và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.”
“Việc đặt hàng một công ty tư vấn nước ngoài để đánh giá dự thảo quy hoạch hệ thống sản xuất thép VN là một việc làm mới.”
“Việc thuê một công ty tư vấn nước ngoài, độc lập cũng là cách để đánh giá, nhìn nhận khách quan, cầu thị trong việc xây dựng quy hoạch của ngành”.
Việc đặt hàng một công ty tư vấn nước ngoài để đánh giá dự thảo Quy hoạch hệ thống sản xuất thép Việt Nam của Bộ Công Thương được cho là việc chưa có tiền lệ.
Bản tin viết thêm: “Bộ [Công Thương] đã lắng nghe ý kiến dư luận xã hội, của các chuyên gia, các nhà phản biện trong thời gian qua về lĩnh vực sản xuất thép và quy hoạch các dự án thép.”
“Với việc thuê một công ty tư vấn nước ngoài, độc lập, Bộ Công Thương quyết tâm đi đầu trong cảnh cách hành chính vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo”.
Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ đôla gây nhiều tranh cãi về tác động môi trường, trách nhiệm giám sát và tính minh bạch sau khi tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen đề xuất triển khai.
Đầu tháng 1/2017, Bộ trưởng Công thương được chú ý nhiều sau khi cam kết ông ‘sẽ chịu trách nhiệm nếu thép Cà Ná gây hệ lụy’.
Thời điểm đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được một tờ báo Việt Nam dẫn lời: “Với dự án này, Bộ Công Thương phải bằng mọi cách nỗ lực để đảm bảo không xảy ra bất kì hệ lụy nào.”
“Bởi nếu xảy ra thì lúc ấy cũng không thể ngồi tính với nhau là hình thức xử phạt như vậy phù hợp chưa.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39202239
Điều chuyển Chủ tịch PetroVietnam về Bộ Công Thương
Thủ tướng Việt Nam có quyết định hôm 9/3 điều chuyển Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Quốc Khánh chỉ mới được bổ nhiệm làm lãnh đạo PetroVietnam đầu tháng Giêng 2016.
Người tiền nhiệm, Nguyễn Xuân Sơn, bị bắt giữa năm 2015 và đang phải ra tòa trong vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
Chiều 9/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có cuộc họp ở Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương sau đó ra thông cáo nói ông Mai Tiến Dũng “đánh giá cao những đóng góp” của ông Nguyễn Quốc Khánh cho ngành dầu khí.
Văn phòng Chính phủ cũng thông báo tạm thời để Tổng giám đốc PetroVietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn kiêm chức Chủ tịch.
Bình luận với BBC, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, từ Hà Nội, nhận xét tập đoàn dầu khí Việt Nam gần đây bị ảnh hưởng uy tín vì một loạt bê bối nhân sự.
Ông Trịnh Xuân Thanh, đang bị Việt Nam truy nã quốc tế từ tháng Chín 2016, bị cáo buộc có trách nhiệm để thua lỗ ở Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN (PVC).
Cựu chủ tịch PetroVietnam Nguyễn Xuân Sơn đang ra tòa trong “đại án kinh tế” tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank, là đại diện góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Oceanbank.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét: “Ít nhất việc điều chuyển ông Khánh phản ánh sự lo ngại về quản trị tại tập đoàn.”
“Đây là vị trí rất cao nên phải do Thủ tướng quyết định, và cần hỏi ý kiến Ban tổ chức trung ương hay Ban Bí thư.”
Thông cáo của Bộ Công Thương nói bộ này sẽ “phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng” để báo cáo Thủ tướng về nhân sự chính thức cho chức chủ tịch PetroVietnam.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39221509
Tổng thầu Hàn Quốc chịu trách nhiệm vụ cháy ở Vĩnh Tân 4
Tổng thầu xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là Tập đoàn Doosan của Hàn Quốc, đã cam kết chịu mọi trách nhiệm liên quan tới sự cố cháy xảy ra hôm 8/3 vừa qua tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 thuộc dự án nhiệt điện Vĩnh Tân.
Đó là kết luận sau buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 hôm 9/3, và được báo trong nước đưa tin cùng ngày.
Tại buổi họp, Tập đoàn này cũng cam kết sẽ thay thế thiết bị hư hỏng, khắc phục hậu quả sau vụ cháy, thực hiện trách nhiệm với các nạn nhân; và bảo đảm an toàn trong quá trình thi công tiếp theo.
Ngày 7 tháng 3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác định nguyên nhân vụ cháy là do công nhân bất cẩn khi hàn, làm tia lửa bắn vào một bộ phận đường ống thoát khói.
Hồi tháng 4 năm ngoái, hàng trăm người dân ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận biểu tình phản đối công trường nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 – một nhà máy cũng nằm trong dự án nhiệt điện Vĩnh Tân, vì xả bụi xỉ than gây ô nhiễm môi trường. Các cuộc biểu tình ôn hòa băt đầu hôm 14 tháng 4 đã leo thang thành bạo lực vào ngày 15 tháng 4 và gây tắc nghẽn giao thông trên quốc lộ 1A.
Người dân dùng gạch đá và bom xăng tự chế để ném vào lực lượng cảnh sát và bị họ đáp trả bằng lựu đạn và hơi cay khiến nhiều người bị thương. Hồi giữa tháng 12 vừa qua, tòa án nhân dân huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã mở phiên tòa xét xử 12 tham gia vụ biểu tình này, trong đó có những người bị phạt từ 6 đến 9 tháng tù.
Lượng kiều hối về Việt Nam giảm mạnh
Trong năm qua, lượng kiều hối về Việt Nam giảm sút và có thể sẽ còn giảm mạnh hơn trong tương lai do ảnh hưởng từ các chính sách nhập cư của Hoa Kỳ. Hãng thông tấn AP loan tin như vừa nêu hôm 9/3.
Trước đó, báo cáo do Credit Suisse công bố cho thấy chính quyền Donald Trump đang thắt chặt kiểm soát biên giới, xem đó là một trong những nguyên nhân làm giảm lượng kiều hối vào Việt Nam, có thể khiến GDP của Việt Nam giảm khoảng 0.4%.
Lượng tiền gửi về Việt Nam đạt kỷ lục 13,2 tỷ đô la vào năm 2015 nhưng bất ngờ giảm xuống còn 9 tỷ đô la năm ngoái.
Hãng thông tấn AP dẫn lời chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết năm ngoái lượng kiều hối chuyển về từ Hoa Kỳ giảm mạnh chủ yếu là do Việt Nam cắt giảm lãi suất từ 5 đến 6% xuống khoảng 0%.
Thống kê cho thấy hiện tại khoảng 60% kiều hối của Việt Nam được chuyển về từ Mỹ.
Lượng kiều hối từ Mỹ chuyển về các quốc gia lân cận cũng giảm như Philippines giảm khoảng 0.2% và Ấn Độ khoảng 0.1%. Hiện tại, Kiều hối từ Mỹ chiếm 4% GDP của Việt Nam, và 3.0% GDP của Philippines.
Hiện tại có khoảng 4,5 triệu người Việt sinh sống tại nước ngoài và đến phân nửa số đó đang sống tại Hoa Kỳ.
Khi nhà nước nhận xe sang của doanh nghiệp
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Ngày 8/3, UBND tỉnh Nghệ An có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy về việc tiếp nhận một xe ô tô do doanh nghiệp tặng để phục vụ công tác của Văn phòng UBND tỉnh sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu rà soát toàn bộ những chiếc xe sang đã được doanh nghiệp tặng không cho các UBND tỉnh trên toàn quốc.
Trước đó văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết chiếc xe Toyota Land Cruiser 4.7 VX mới 100% trị giá khoảng 2,7 tỷ đồng do chính cơ quan này đề nghị với Cienco4 để phục vụ lãnh đạo tỉnh đi công tác.
Có phải là hối lộ?
Trong báo cáo gửi Thường trực Tỉnh Ủy có đoạn viết: “Việc tặng xe ôtô là tự nguyện và xuất phát từ tấm lòng hướng về quê hương Nghệ An của Cienco4. Văn phòng và UBND tỉnh thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý có liên quan”.
Trên thực tế Cienco4 là một doanh nghiệp nhà nước có tên gọi chính thức là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4. Việc một cơ quan nhà nước tặng xe sang cho UBND tỉnh nơi nó công tác đặt ra một dấu hỏi cho vấn đề chính sách. Từ kinh nghiệm của PMU 18 trước đây, TS Phạm Sỹ Liêm nguyên thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết:
“Những doanh nghiệp của nhà nước trước đây thường có chuyện tặng xe cho các cơ quan chủ quản bởi vì đây thực ra là doanh nghiệp của nhà nước mà nhà nước quy định con số xe công có hạn và ở trong mức bình thường và bấy giờ họ muốn có những cái xe tốt hơn. . .Chuyện này đã xảy ra trong vụ PMU 18 là Ban quản lý công trình đường bộ nó lấy tiền Ban quản lý để mua xe biếu cho Bộ, cho Cầu đường dưới danh nghĩa là cho mượn thậm chí cho cả Sở Công an mượn nữa, nhưng thực ra là lấy của công, lạm dụng của công thôi cái đó đã bị xử lý và hồi ấy xã hội cũng lên án.”
Bây giờ trong quan hệ kinh doanh họ cũng có chuyện bôi trơn các cơ quan chính quyền để nó chạy công việc và đút lót là một trong những hoạt động bôi trơn cá nhân.
– TS Phạm Sỹ Liêm
Đây là hình thức thâm lạm công quỹ không thể chối cãi và điều này đã và đang được dư luận theo dõi sát sao trong thời gian vài tuần lễ vừa qua.
Tuy nhiên vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia vào việc tặng xe sang cho UBND các tỉnh, nơi toàn quyền xét duyệt mọi hợp đồng giữa chính phủ và doanh nghiệp trên cơ sở đấu thầu.
Việc tặng xe này phải chăng là một hình thức hối lộ hay chỉ chứng tỏ tấm lòng của doanh nghiệp đối với địa phương? Trường hợp mới nhất được báo chí phát hiện tại hai tỉnh Đà Nẵng và Cà Mau.
Tại Đà Nẵng, ông Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Xuân Anh từng hặm dọa sẽ mang tờ báo mạng tố cáo ông dùng xe giả ra tòa nay đã phải im lặng khi chiếc xe mà ông đang sử dụng bị phát hiện do một doanh nghiệp hiến tặng.
Vì sao trả lại xe?
Sáng ngày 4/3, ông Đào Tấn Bằng, Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết thành ủy Đà Nẵng đã quyết định trả lại chiếc xe do doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Doanh nghiệp hiến tặng chiếc xe nêu trên liệu có thuyết phục được người dân là do cảm kích việc đi lại khó khăn của các cán bộ nhà nước rồi tự động hiến tăng hay còn lý do nào khác? Lý giải việc này nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng TS Phạm Sỹ Liêm phân tích:
“Bây giờ trong quan hệ kinh doanh họ cũng có chuyện bôi trơn các cơ quan chính quyền để nó chạy công việc và đút lót là một trong những hoạt động bôi trơn cá nhân. Đối với tập thể họ dùng danh nghĩa là biếu tặng một số xe nhưng thực ra đều do lợi ích nhóm cả thôi cho nên việc cấm rất đúng. Đã là cơ quan nhà nước mà nhận quà tặng của xã hội, nhất là của giới kinh doanh thì rất là không đúng. Khi đã nhận như thế lúc họ đưa thì họ chưa đưa ra một yêu cầu cụ thể gì nhưng lúc đã nhận của họ rồi sau đó họ mới đưa những yêu cầu cụ thể thì rõ ràng anh cũng phải vị nể nhiều thứ chứ không thể nói cứ việc công mà làm được. Đối với một chính phủ chống tham nhũng thì nhất thiết là phải chống việc này”.
Chưa dừng lại ở Đà Nẵng, tại Cà Mau cũng xảy ra việc tặng xe sang cho cán bộ tương tự.
Ngày 23/3/2016 công ty Công Lý gửi công văn đề nghị tặng hai chiếc Lexus cho tỉnh, trong đó nêu mục đích của việc tặng này là phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn hán xâm nhập mặn, phòng chống cháy rừng…của cán bộ tỉnh Cà Mau.
2 chiếc xe này sau đó dành cho Văn phòng UBND tỉnh và VP Tỉnh uỷ quản lý, sử dụng.
Sau khi dư luận dấy lên phản ứng việc đưa và nhận hối lộ công khai trong hệ thống qua việc hiến xe sang, Cà Mau đã báo cáo Thủ tướng và đề nghị giao nộp hai chiếc xe này cho nhà nước.
Trước những việc nhận và tặng những tài sản lớn như vậy LS Võ An Đôn nhận xét:
“Qua việc này thì tôi thấy tặng xe cho các lãnh đạo các thành phố là một việc làm hối lộ tinh vi và hợp pháp bởi vì luật Việt Nam cho rằng việc này không phải đưa và nhận hối lộ nhưng mà thực sự từ bản chất nó là hành động đưa hối lộ. Thứ nhất các doanh nghiệp dùng tiền để tặng các lãnh đạo hoặc là có người hối lộ tình dục cho nên hối lộ rất là đa dạng”.
Tại nhiều quốc gia dân chủ, việc cơ quan chính phủ nhận quà từ tư nhân bị cấm cản nghiêm nhặt vì nó vi phạm nguyên tắc “Xung đột lợi ích” (conflict of interest).
“Làm đúng quy trình”
Tại Việt Nam có rất nhiều người không am tường nguyên tắc “xung đột lợi ích” trong chính phủ nên dễ dàng chấp nhận việc doanh nghiệp tặng quà mà theo họ cứ báo cáo là xong chuyện. Ngay cả ông Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt cũng nằm trong nhóm người không phân biệt đâu là tham nhũng và đâu là xung đột lợi ích. Ông Đạt cho biết nếu có doanh nghiệp tặng xe cho Cục, thì ông sẽ nhận và báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng.
Trong tình hình như thế nếu ai đó lo ngại cho luật pháp Việt Nam bị xâm hại hay hiểu lầm thì việc tố cáo hay đưa một việc cụ thể ra tòa là điều không thể. LS Võ An Đôn chia sẻ kinh nghiệm của ông:
Với hệ thống pháp luật hiện nay thì nếu ai muốn tố cáo việc đó thì rất khó bởi vì người ta sẽ nói đó là việc tự nguyện, khó mà làm được.
– LS Võ An Đôn
“Với hệ thống pháp luật hiện nay thì nếu ai muốn tố cáo việc đó thì rất khó bởi vì người ta sẽ nói đó là việc tự nguyện, khó mà làm được. Phải chứng minh được doanh nghiệp đó có mục đích đưa hối lộ. Nhưng nếu các cơ quan nhà nước vào cuộc thì sẽ làm rõ ra ngay”
Các cơ quan nhận xe tặng từ doanh nghiệp luôn cho rằng họ làm đúng quy trình nhưng khi báo chí chỉ ra chi tiết của Quyết định 64/2007 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký trong hai điều 4 và 5 thì họ lại im lặng. Hai điều đó như sau:
-Nghiêm cấm việc sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để làm quà tặng không đúng quy định dưới mọi hình thức.
– Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng, nhận thay người khác hoặc nhận qua các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác trong những trường hợp Cơ quan, đơn vị và cá nhân tặng quà có liên quan đến hoạt động công vụ do mình hoặc người mà mình nhận thay chịu trách nhiệm giải quyết. Thứ hai quà tặng của các cơ quan, đơn vị và cá nhân mà việc tặng quà đó không rõ mục đích. Thứ ba việc tặng quà có mục đích liên quan đến các hành vi tham nhũng.
Được và mất sau cuộc biểu tình ngày 5 tháng 3
Kính Hòa, phóng viên RFA
Biểu tình vì môi trường nổ ra vào ngày chủ nhật 5/3. Vài ngàn ngư dân vào giáo dân Công giáo miền Trung xuống đường có trật tự, vài chục người trẻ tuổi bị giải tán tại Sài Gòn.
Thách thức của mạng xã hội
Cũng như những lần trước, lời kêu gọi biểu tình được đưa ra trên mạng xã hội nhiều ngày trước đó, chỉ có điều lần này những cư dân mạng xã hội và blogger Việt Nam phải đương đầu với một chuyện chưa có tiền lệ mà mạng xã hội đem lại, đó là không rõ lời kêu gọi biểu tình xuất phát từ đâu. Có những nguồn tin nói rằng chính Linh mục Nguyễn Văn Lý, người vốn được những nhà hoạt động dân chủ kính trọng kêu gọi, nhưng cũng có những thông tin cho rằng ai đó, tổ chức nào đó muốn lợi dụng sự phẫn nộ của người dân về môi trường và sự thờ ơ đàn áp của chính quyền để trục lợi.
Blogger Nguyễn Tường Thụy nhận xét:
Nhưng, điều này mới là chính. Người xuống đường biểu tình là do nhu cầu của bản thân chứ không phải xuống đường vì người kêu gọi. Họ bức xúc, họ cần cất lên tiếng nói đòi quyền sống, quyền làm người, thì họ xuống đường. Họ biết cả cái giá phải trả. Cha Lý hay ông Quân, ông Thanh không thể xúi giục họ được. Đừng chê người biểu tình ngu dại nghe theo lời kêu gọi viển vông. Không thể cho rằng mấy ông kêu gọi đẩy người dân vào chỗ chết. Mà nói thế chẳng hóa ra các bạn khuyên người ta đừng đi biểu tình nữa, ở nhà cho an toàn?
Những tranh cãi đã diễn ra trước và sau khi biểu tình. Luật sư Lê Công Định cho rằng những tranh cãi đó chỉ làm yếu đi cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam mà thôi, ông nêu lên so sánh rằng nếu hơn 80 năm trước những người cộng sản chỉ lo cãi, chửi và dè bỉu nhau về ai tổ chức biểu tình và kết quả thành bại của biểu tình, thì ngày hôm nay có lẽ họ đã không ngồi trên đầu, trên cổ cả dân tộc này.
Blogger, nhà báo Đoan Trang nhấn mạnh rằng muốn đấu tranh loại bỏ sự độc tài thì những người đấu tranh cần nhất là sự chân thật và liêm chính:
Đấu tranh dân chủ, đấu tranh chính trị, làm truyền thông, thay đổi xã hội… muốn gì cũng phải trên nền tảng sự thật. Chỉ có đúng sự thật, người ta mới mạnh được, và lấy lòng dân được.
Mà những gì đang diễn ra ở Việt Nam đây, nếu kể đúng sự thật cũng đã dữ dội và gây ấn tượng lắm rồi, và đủ để chính quyền lúng túng lắm rồi, còn phải bịa đặt thêm làm gì nữa hả các bạn?
Cuộc biểu tình ở miền Trung
Cuộc biểu tình vẫn diễn ra và xem như là thành công ở miền Trung, khi người dân tuần hành trong trật tự, phản đối công ty Formosa, ngay tại trụ sở của họ, và lực lượng chức năng không đàn áp, mặc dù được huy động rất đông đúc cùng với những hàng rào kẽm gai để canh chừng những người biểu tình.
Chính hình ảnh những người Việt Nam mặc sắc phục canh chừng đồng bào họ và bảo vệ quyền lợi cho công ty Formosa, gây nên những cảm giác bất an nơi blogger, nhà báo Trương Duy Nhất:
Một lần bất tín vạn lần bất tin. Nguy cơ hàng đoàn ngư dân đói kém bỗng nổi dậy chống đối chính quyền là rất cận kề.
-Bauxite Việt Nam
Dù hôm nay không máu đổ. Nhưng những hàng thép gai kia còn buốt đau hơn máu. Những hàng thép gai luôn khiến ta gợi nhớ… chiến tranh.
Nhưng đây là cuộc chiến khác. Cuộc chiến mà chính quyền đã coi nhân dân như kẻ thù của họ.
Những hàng thép gai như thể một cuộc chiến. Vâng. Một cuộc chiến mà chính phủ đã như chính thức đứng hẳn về phía Formosa, dùng những hàng kẽm gai kia để chặt đứt “nhân dân” của mình.
Mất đất, mất biển. Lại thêm mất dân.
Chọn cách dựng rào thép gai chặn dân, không khác gì chọn đường tự sát.
Nhìn thấy những sợi dây kẽm gai, Luật sư Lê Công Định nhớ lại một bài thơ cách mạng của chính những người cộng sản:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!
Nhưng dù sao, cuộc biểu tình của dân miền Trung đã không bị đàn áp như lần trước, khi hàng ngàn người tuần hành từ Quỳnh Lưu, Nghệ An, vào Hà Tĩnh phản đối Formosa.Trang Bauxite Việt Nam nhận định, và đưa ra lời cảnh báo nhà cầm quyền:
Rõ ràng, cuộc đàn áp mang tính thăm dò của đảng đã thất bại về hiệu ứng dư luận và truyền thông. Càng đàn áp lại càng khiến phản ứng của giáo dân bùng nổ.
Hiện thực khốn quẫn, quá khốn quẫn. Giờ đây, cho dù đảng có mang Võ Kim Cự và Nguyễn Thái Lai ra xử lý hình sự cùng án tù cho số này, phần lớn hậu quả vụ “cá chết Formosa” vẫn còn sừng sững. Cá vẫn chết và biển vẫn đầy đe dọa tính mạng con người, quá nhiều thuyền tàu vẫn nằm bờ và ngư dân vẫn treo niêu, ngay cả tiền được xem là “hỗ trợ”, “bồi thường” cho ngư dân cũng mới chỉ nhỏ giọt và chưa hề được minh bạch…
Một lần bất tín vạn lần bất tin. Nguy cơ hàng đoàn ngư dân đói kém bỗng nổi dậy chống đối chính quyền là rất cận kề.
Các nhân vật Võ Kim Cự và Nguyễn Thái Lai là những người chịu trách nhiệm trong việc cho phép nhà máy Formosa vận hành, và người dân đã chờ đợi rất lâu những bản án kỷ luật nặng dành cho họ. Cả hai mới vừa bị kỷ luật trước cuộc biểu tình có vài ngày.
Bàn về những cuộc xuống đường liên tục của giáo dân và ngư dân miền Trung, blogger Chim Báo Bão viết rằng:
Có phải Giáo dân miền Trung nổi loạn chống lại luật pháp hay không? Không, bởi họ chỉ phản kháng lại một thảm họa môi trường, gây ra bởi một tập đoàn tư bản bất lương là Formosa, và được che chắn bởi hàng nghìn lính cơ động, dưới sự giật dây của thành phần tư bản dã man đã trà trộn vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Thành phần này muốn rút ngắn thời gian đưa đất nước “đi lên” bằng cách bán rẻ môi trường.
Không còn cách nào khác, Bộ chính trị Đảng Cộng sản phải ngay lập tức đối thoại với dân. Nhưng bây giờ họ cũng đã khó mà đối thoại trực tiếp với dân được nữa, vì bảy mươi hai năm sống dưới chế độ này, bà con đã sáng mắt ra cả rồi.
Cũng như những lần khác, báo chí chính thống im lặng về nghững cuộc biểu tình, và có thể cũng như những lần trước họ sẽ lên án những người tổ chức biểu tình, một thời gian sau đó. Song song với cách đưa tin như vậy, khi có một sự biến xã hội tại một địa phương nào đó, báo chí chính thống cũng sẽ có những bài viết ca tụng nhân dân của vùng đất ấy. Blogger Nguyễn Hữu Vinh bình luận về cách viết bài đưa tin như thế của báo chí địa phương tỉnh Nghệ An:
Rằng thì là “Đặc trưng cơ bản trong tính cách người Nghệ là thông minh, ham học hỏi, cần cù, chịu thương, chịu khó và thường hay đi tiên phong trong mọi việc”. Rồi thì “Trong các tiềm năng của Nghệ An, tiềm năng con người là vốn quý nhất. Con người Nghệ An cần cù, thông minh, nổi tiếng cả nước với tinh thần cách mạng và truyền thống hiếu học”.
Nói riêng về giáo xứ Song Ngọc, tờ báo đảng này viết: “Song Ngọc là một xứ đạo ven biển thanh bình, yên ả, người dân sống tốt đời đẹp đạo, chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Đó là những lời lẽ mà nhà cầm quyền dùng khi muốn người dân nghe theo họ để xây dựng đảng, phát triển đảng trong dân, đưa tiền của góp vào cho đảng hoặc nuôi đảng tiêu, con cháu tứ phương đưa tiền của về Nghệ An mà đầu tư, mà nộp thuế…
Thì ngay lập tức, chính những người dân “thông minh, ham học hỏi, cần cù chịu khó” và “sống tốt đời, đẹp đạo, chấp hành chủ trương chính sách” đó đã trở thành những người “nhẹ dạ, cả tin” để rồi “bị dẫn dắt, bị biến thành con rối, bị xúi giục…”
Cuộc biểu tình tại Sài Gòn
Cuộc biểu tình tại Sài Gòn đã bị dẹp tan ngay từ những giây phút đầu tiên. Nhưng có một điều đặc biệt là cho dù những nhân vật đối kháng sống ở Sài Gòn đã bị giam lõng ngày hôm trước, không tham gia xuống đường được, nhưng một đám đông những người phản kháng cũng hình thành, và đặc biệt họ toàn là những người trẻ tuổi, có thể là lần đầu tiên trong đời họ tham gia một cuộc phản kháng.
Nhiều người cho rằng cuộc biểu tình tại Sài Gòn đã thất bại, nhưng tác giả Phạm Thanh Giao không nghĩ như vậy. Ông cho rằng những thất bại liên tục sẽ dẫn đến thành công, cũng như một cuộc biểu tình thành công mà chế độ độc tài vẫn còn đó thì sự thất bại vẫn còn đó. Ông nhắn gửi những bạn trẻ đã tham gia cuộc biểu tình tại Sài Gòn trong ngày 5 tháng 3:
Bước đường tranh đấu cho lẽ phải và chính nghĩa nó không đơn giản, nó không phải cứ chỉ muốn là được, muốn là sẽ tung tăng nhảy chân chim trên cánh đồng hoa cỏ thênh thang.
-Ông Phạm Thanh Giao
Bước đường tranh đấu cho lẽ phải và chính nghĩa nó không đơn giản, nó không phải cứ chỉ muốn là được, muốn là sẽ tung tăng nhảy chân chim trên cánh đồng hoa cỏ thênh thang. Nhưng ngược lại, nó dẫn đến những gì không đoán trước được cho từng người. Sẽ có nhiều người ngã quị trong đớn đau, tủi nhục, qua việc tấn công đến từ nhiều phía, nhưng nếu nhất định không ngồi lại, nhất định kiên quyết đứng lên tiếp tục, thì cái đích đó, sớm muộn cũng phải tới.
Ngày nào còn độc tài đảng trị đàn áp, và người dân vẫn phải xuống đường lên tiếng chống lại sự tàn phá môi trường, chống lại bạo quyền phục vụ nhóm thiểu số, thì NGÀY ĐÓ CŨNG VẪN CHỈ LÀ THẤT BẠI.
Chú cũng biết các cháu dư trí khôn, thừa suy nghĩ để chẳng thể bị ai lợi dụng, xúi dục được. Đánh giá các cháu như thế, thiệt là coi thường các cháu quá. Các cháu đã học được bài học của ông bác nhân cơ hội nhảy lên cướp chính quyền năm 1945 rồi, chẳng lẽ kém đến độ, lại để cho ông thủ tướng, ông tổng thống cầu bơ cầu bất, ở mãi đâu đâu, xúi giục xuống đường để ăn đòn?
Trong đoạn viết trên đây ông ám chỉ sự kiện những người cộng sản cướp chính quyền vào năm 1945, và những kẻ trục lợi muốn lợi dụng sự phẫn nộ của người dân trong nước hiện nay.
Tuy ngắn ngủi, nhưng một lần nữa cuộc biểu tình tại Sài Gòn cũng dẫn đến những cảnh bắt bớ đánh đập. Ông Nguyễn Khoa Văn cảnh báo rằng bạo lực chi dẫn đến sụp đổ mà thôi:
Tư tưởng làm sao nhuộm sắc máu?
Bạo lực chỉ nhuốm màu bi ai!
Vâng, tư duy của người dân không thể bị đánh đập cho rướm máu, dập nát, méo mó hay tàn tạ. Càng bạo lực chỉ càng nhuộm thêm ánh vàng vọt tàn phai; như chỉ dấu báo hiệu ngày sụp đổ của trang trại súc vật quý hiếm đã điểm!
Những dòng người ra đi và sự cảnh báo
Từ Thái Lan, blogger Tưởng Năng Tiến quan sát những người Việt Nam lại tiếp tục bỏ xứ ra đi, đến cư trú trên đất Thái, một xứ chẳng phải là giàu có gì cho cam:
Tuy thế, trông người Thái nào tôi cũng cảm được là họ đang sống rất bình an. Nỗi an bình của một của cả một dân tộc chưa từng “dám” đánh thắng một đế quốc to nào ráo, đế quốc nhỏ cũng chưa!
Dân Thái – chắc chắn – chưa bao giờ nghe nói đến những thứ (thổ tả) đại loại như chủ nghĩa mác xít lê nin nít vô địch muôn năn, cải cách ruộng đất, hợp tác xã, đánh công thương nghiệp, đổi tiền, vượt biên, trại cải tạo, nợ công, lạm phát, vỡ qũi bảo hiểm xã hội, sự cố môi trường biển, Hội Nghị Thành Đô …
Cộng lại tất cả những cái “chưa” này của dân tộc Thái Lan thì thành một giấc mơ xa vời (và mỗi lúc một thêm xa) của người dân Việt!
Đồng bào hay đồng hương của tôi thì vẫn vậy – vẫn cứ tiếp tục ra đi bằng mọi giá và mọi cách. Ủa, chớ “bến bờ tự do” có gì quyến rũ mà dân Việt – từ thế hệ này sang thế hệ khác – cứ mãi khát khao đi tìm mãi thế?
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền cho rằng mối lo cho tương lai ở Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên để tránh những tương lai u ám, không phải gia đình người Việt Nam nào cũng có thể lánh ra nước ngoài, vì vậy anh cho rằng người dân phải hành động để thay đổi xã hội trước khi quá muôn.
Ý thức hành động đó cũng là điều mà blogger Viết từ Sài Gòn suy nghĩ, chứ không phải chỉ có đổ máu và nước mắt mới có thể dành được một xã hội tự do dân chủ. Nhưng về phía nhà cầm quyền thì Lê Dung cảnh báo rằng đến lúc nào đó, sự phẫn uất lên cao độ thì chẳng cần những nhóm tổ chức, người dân cũng sẽ xuống đường thì khi ấy liệu cơ quan an ninh có đủ người mà ngăn chận hay không?
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/5-3-march-03092017090617.html
Cao Ủy Nhân Quyền LHQ
kêu gọi Việt Nam trả tự do blogger Mẹ Nấm
Trong thông báo của Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) ngày 08/03/2017, nhiều chuyên gia về nhân quyền thuộc định chế đa quốc gia này « bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, bị bắt giam chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm của công dân ».
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc tỏ « lo ngại cho sức khỏe thể xác và tinh thần » của blogger Mẹ Nấm đồng thời tố cáo những vi phạm về quyền cơ bản cũng như thủ tục tố tụng khiến bà Như Quỳnh không được xét xử theo đúng pháp luật. Đặc biệt trong khi bị tạm giam, bà không được quyền tiếp xúc với và gia đình, không được quyền thăm nom.
Thông cáo của Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh: « Là một người bảo vệ môi trường nhân quyền, Mẹ Nấm nên được vinh danh vì lòng dũng cảm và kiên trì ». Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 37 tuổi, là một nhà đấu tranh bảo vệ quyền con người và môi trường. Bà bị bắt giam từ tháng 10/2016 với tội danh tuyên truyền chống Nhà nước.
Giới bảo vệ nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói rõ, cáo buộc của chính quyền Việt Nam đối với bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là nhắm đến các các hoạt động trên mạng phê phán chính quyền Hà Nội của bà. Một trong những hoạt động đấu tranh của blogger Mẹ Nấm liên quan đến vụ tập đoàn Formosa xả thải chất độc làm cá chết hàng loạt tại miền Trung Việt Nam hồi tháng 4/2016.