Tin Biển Đông – 09/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hải Quân Mỹ-Nhật tập trận ngoài khơi đảo Guam

Mai Vân

Trong năm ngày (06-10/03/2017), Hải Quân Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng tiến hành cuộc tập trận mang tên MultiSail 2017, ngoài khơi đảo Guam thuộc Mỹ ở vùng tây bắc Thái Bình Dương. Mục tiêu đề ra là nhằm hoàn thiện năng lực tương tác giữa Hải Quân hai nước trong bối cảnh quân đội Nhật đã chính thức được quyền tiếp ứng đồng minh Mỹ tại hải ngoại.

Bản thông cáo báo chí của Hải Quân Mỹ cho biết phía Mỹ đã cử tổng cộng 6 chiến hạm tham gia đợt diễn tập, bao gồm 5 khu trục hạm lớp Arleigh Burke (USS Stethem, USS Barry, USS Mustin, USS Fitzgerald, và USS McCampbell) và một tuần dương hạm được trang bị tên lửa lớp Ticonderoga. Phía Nhật gởi 2 tàu khu trục có tên lửa dẫn đường đến tham gia.

Theo Hải Quân Mỹ MultiSail là một cuộc tập trận nhằm cải thiện khả năng tương tác giữa hai quân đội Mỹ và Nhật Bản, rèn luyện năng lực phát hiện, định vị, theo dõi và tung lực lượng can thiệp trên biển, trên không, trên đất liền và dưới mặt nước.

Theo ghi nhận của báo Nhật Bản The Diplomat, từ một chương trình tập huấn đơn giản lúc ban đầu, với thời gian, MultiSail đã mở rộng thành một cuộc tập trận hải quân song phương quy mô và tinh vi, trong đó cả hai lực lượng hải quân thử nghiệm các thiết bị, chiến thuật và phương án tác chiến mới nhất, trong các lãnh vực từ bảo đảm an ninh hàng hải đến chống tàu ngầm và phòng không.

Việc tăng cường năng lực tương tác và phối hợp giữa Hải Quân Mỹ và Nhật Bản đã trở nên đặc biệt cần thiết trong bối cảnh kể từ tháng 12 năm 2016, tàu chiến Nhật Bản đã chính thức được quyền tham gia bảo vệ tàu hải quân Hoa Kỳ.

Cũng trong khuôn khổ tăng cường năng lực tác chiến giữa hai quân đội, vào ngày 06/03 vừa rồi, quân đội Mỹ-Nhật đã kết thúc một tháng tập trận đổ bộ tại Camp Pendleton và đảo San Clemente ở miền nam tiểu bang California (Hoa Kỳ).

Ngoài ra, Hải Quân Mỹ và Nhật Bản hiện đang cùng tham gia chương trình thường niên của Mỹ mang tên Đối Tác Thái Bình Dương (Pacific Partnership), nhằm rèn luyện năng lực trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai cho các nước ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Trong năm nay, trong khuôn khổ chương trình Đối Tác Thái Bình Dương, các đơn vị Úc, Mỹ, Anh, Nhật và Hàn Quốc phụ trách việc đào tạo cho 3 nước chủ nhà năm nay là Sri Lanka, Malaysia và Việt Nam.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170309-hai-quan-my-nhat-tap-tran-ngoai-khoi-dao-guam

 

Tàu Trung Quốc vào thềm lục địa của Philippines

Bộ trưởng quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana nói với báo chí rằng tàu thăm dò Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và nhấn mạnh rằng ông rất quan ngại về điều đó.

Theo những thông tin mà ông Bộ trưởng quốc phòng của Manila đưa ra thì tàu Trung Quốc xuất hiện ở phía Đông đảo Luzon, cách bờ biển 250 cây số, tức là nằm trong vùng thềm lục địa của Phi, được Liên Hiệp Quốc công nhận hồi năm 2012.

Ngoài ra tàu chiến Trung Quốc còn xuất hiện ở khu vực Bãi cỏ Rong trong biển Đông, vùng quần đảo Trường Sa, nơi mà cả hai nước cùng tuyên bố chủ quyền.

Điều ông Lorenzana đặc biệt quan ngại vì đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc xuất hiện tại vùng phía Đông của nước này, và theo ông thì tầu của Trung Quốc đang thăm dò đáy biển để tìm đường cho tàu ngầm của họ tiến ra Thái Bình Dương.

Ông nói thêm là ông đã ra lệnh cho hải quân Philippines can thiệp nếu các chiếc tàu Trung Quốc trở lại vùng biển của Phi.

Mặc dù hiện nay chính phủ Phi dưới quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte, có quan hệ đang dần dần nồng ấm lên với Bắc Kinh, nhưng vị Bộ trưởng quốc phòng của Manila thường xuyên bày tỏ sự nghi ngờ về hành vi và thái độ của Trung Quốc trên biển, ông lưu ý mọi người rằng việc bồi đắp các đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi vẫn tiếp tục.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của họ trên 90% diện tích biển Đông qua một đường chín đoạn còn gọi là đường lưỡi bò. Đường này lấn vào vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Philippines và Việt Nam.

Vì lý do đó mà Philippines đã kiện Bắc Kinh lên Tòa trọng tài thường trực quốc tế có trụ sở ở Hà Lan để phân xử. Và vào năm ngoái Tòa này đã phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/cn-survey-ship-enter-phi-territory-03092017083446.html