Tin khắp nơi – 08/03/2017
Khó dùng quân sự để xử lý Bắc Triều Tiên
SEOUL, HÀN QUỐC —
Chán nản với thực tế Bắc Triều Tiên không chùn bước sau các lệnh trừng phạt quốc tế, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang xem xét lại chính sách nhằm tìm kiếm những phương cách hiệu quả hơn để chống lại các mối đe doạ tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Các nhà phân tích an ninh khu vực Grant Newsham thuộc Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản ở Tokyo và Bong Young-shik thuộc Viện Nghiên cứu Bắc Triều Tiên của Đại học Yonsei ở Seoul đã nói chuyện với VOA về những rủi ro và lợi ích của một số biện pháp đang được cân nhắc.
Các nhà phân tích này nói rằng tấn công bằng không quân hoặc tên lửa của Mỹ nhằm vào các địa điểm hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên có ít khả năng chấm dứt mối đe doạ hạt nhân, trong khi lại có nguy cơ cao sẽ xảy ra phản công chết chóc, có thể kéo Trung Quốc và toàn khu vực rơi vào chiến tranh.
Ngay cả khi những cuộc tấn công của Mỹ có thể phá huỷ toàn bộ các cơ sở hạt nhân và tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên, nước này vẫn có thể tấn công Seoul và các khu vực khác gần biên giới liên Triều bằng pháo binh và vũ khí hóa học, có thể giết chết hàng triệu người ở Hàn Quốc.
Các nhà phân tích này cho rằng ngay cả những hành động quân sự hạn chế cũng có thể dễ dàng làm cho Hoa Kỳ sa lầy về quân sự, có thể gây ra tàn phá to lớn về vật chất và kinh tế.
Việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản hoặc cho phép hai nước này sở hữu vũ khí hạt nhân có thể củng cố sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho các đồng minh ở châu Á, nhưng hai nhà phân tích nói rằng những việc đó cũng sẽ không có khả năng ngăn cản được Bắc Triều Tiên.
Các nhà phân tích nói việc tái triển khai vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc, và triển khai chúng lần đầu ở Nhật Bản, có thể sẽ hợp pháp hóa kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên và biện minh cho những nỗ lực của nước này trong việc phát triển năng lực răn đe với tên lửa đạn đạo tầm xa. Nó cũng sẽ làm suy yếu cam kết quốc tế đối với việc duy trì các biện pháp trừng phạt dành cho Bình Nhưỡng và có thể gây ra hoạt động tăng cường vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Áp đặt các biện pháp gây ra thiệt hại kinh tế thực sự vẫn là cách tốt nhất trong số các phương án tồi để ngăn chặn Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển năng lực tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Đến nay, các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt lên Bắc Triều Tiên chưa có tác động gây hạn chế, một phần là do việc thực thi lỏng lẻo.
Đối tác thương mại kinh tế chính của Bắc Triều Tiên là Trung Quốc vẫn còn miễn cưỡng với việc thực thi nghiêm ngặt các biện pháp gây tê liệt, có thể gây bất ổn cho khu vực hoặc dẫn tới việc đồng minh Bắc Triều Tiên của họ bị sụp đổ.
Để có thể trấn áp hiệu quả hơn đối với các giao dịch tài chính bất hợp pháp của Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ có phần chắc sẽ phải nhắm mục tiêu vào nhiều công ty Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên.
http://www.voatiengviet.com/a/kho-dung-quan-su-de-xu-ly-bac-trieu-tien/3755411.html
Bộ Ngoại giao Mỹ:
Vai trò chính sách đối ngoại không giảm thời ông Trump
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên được mong chờ nhiều kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1. Quyền phát ngôn viên Mark Toner đã trả lời các câu hỏi về tin tổng thống dự định cắt giảm ngân sách của bộ và viện trợ của Mỹ dành cho nước ngoài khoảng 37%.
Người phát ngôn Mark Toner nói với các phóng viên báo chí: “Ngoại trưởng Tillerson làm việc chặt chẽ với Tòa Bạch Ốc, với Tổng thống, thường xuyên nói chuyện với ông … Và tôi có thể đảm bảo với mọi người rằng tiếng nói của Ngoại trưởng, của Bộ Ngoại giao, được lắng nghe đầy đủ trong các cuộc thảo luận chính sách tại cấp Hội đồng An ninh Quốc gia”.
Khi được hỏi về việc cắt giảm ngân sách, ông Toner cho hay chưa có quyết định chung cuộc: “Tôi nghĩ trong bất kỳ thời kỳ chuyển giao nào cũng có khoảng thời gian để đánh giá lại. Đó là một trong những lý do ngoại trưởng gặp gỡ và nói chuyện với các viên chức cấp cao, ông đang nói chuyện với các lãnh đạo khác nhau ở các cấp khác nhau để biết họ ưu tiên những gì và cách thức chúng tôi có thể cơ cấu lại và xem xét các nguồn lực”.
Một số cựu quan chức Bộ Ngoại giao và các nhà phân tích đã bày tỏ quan ngại về tác động mà việc cắt giảm có thể gây ra. Ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng chuyên trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động thời chính quyền ông Obama nói với VOA qua Skype rằng mức cắt ngân sách mạnh như vậy sẽ không được Quốc hội thông qua. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ben Cardin cũng đồng ý.
http://www.voatiengviet.com/a/vai-tro-chinh-sach-doi-ngoai-my-khong-giam-thoi-ong-trump/3755368.html
Trung Quốc cảnh báo
Mỹ và Bắc Triều Tiên đang tiến tới chiến tranh
BẮC KINH —
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đang trên đường tiến đến chiến tranh trong tình hình căng thẳng đang tăng cao trên Bán đảo Triều Tiên. Ông cũng kêu gọi hai bên có những biện pháp hạ giảm căng thẳng.
Trong lúc Ngoại trưởng Vương Nghị cảnh báo về điều mà ông gọi là “một cuộc khủng hoảng đang hiện ra,” các nhà phân tích nói phát biểu của ông cho thấy rõ Bắc Kinh đã mất dần ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng và các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên.
Nói chuyện với các phóng viên báo chí bên lề hội nghị chính trị cấp cao thường niên, Ngoại trưởng Vương Nghị chỉ trích Bình Nhưỡng bất chấp các lệnh chế tài quốc tế và phản đối các chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Hàn. Ông cũng chỉ trích các cuộc thao dượt quân sự quy mô lớn của Mỹ và Hàn Quốc góp phần làm căng thẳng leo thang:
“Hai bên hiện nay giống như hai đoàn tàu tăng tốc độ lao vào nhau mà không bên nào chịu nhường đường. Câu hỏi đặt ra là hai bên có thực sự sẵn sàng lao thẳng đầu vào nhau không?”
Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi Bắc Triều Tiên trước tiên cần phải ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, còn Mỹ cần phải ngưng các cuộc tập trận ở Nam Triều Tiên.
Ông nói: “Bên này ngưng lại để bên kia ngưng theo có thể giúp chúng ta phá được thế bế tắt an ninh và mang các bên trở lại bàn đàm phán.”
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Vương cũng đồng thời tìm cách tách Bắc Kinh ra khỏi cuộc tranh chấp đang tiếp diễn. Ông lập luận rằng vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên chủ yếu là giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ.
Quan hệ Trung-Triều ‘môi hở, răng lạnh’
Ngoại trưởng Vương phát biểu như vậy cho dù ông nói rằng vai trò của Trung Quốc là đặc biệt không thể thiếu được vì các mối quan hệ Trung-Triều là “môi hở, răng lạnh.”
Các nhà phân tích nói rằng những lời kêu gọi quay trở lại bàn đàm phán là giả dối, bởi vì Bắc Hàn đã nhiều lần cho thấy họ không sẵn lòng làm điều đó.
Hôm thứ Hai, Bắc Triều Tiên đã phóng bốn phi đạn vào vùng biển ở tây bắc Nhật Bản. Đây là vụ mới nhất trong loạt thử nghiệm hạt nhân và phi đạn đạn đạo diễn ra trong vài tháng gần đây, bất chấp các nghị quyết của Liên hiệp quốc. Đáp lại, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cảnh cáo rằng hành động đe dọa của Bắc Triều Tiên đã tiến lên một “giai đoạn mới.”
Giáo sư Mohan Malik của Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu bình luận rằng mặc dù Bắc Kinh mô tả mối quan hệ với Bắc Hàn là môi hở, răng lạnh, “thực tế khó khăn hiện nay là răng của Bình Nhưỡng đã sắc nhọn hơn, còn môi của Bắc Kinh đã bị chảy máu.”
Trong email trả lời đài VOA, Giáo sư Malik nói rằng sau vụ ám sát anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Kim Jong Un là ông Kim Jong Nam, người được Bắc Kinh bảo vệ, quan hệ chính trị giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đang ở vào một điểm thấp.
Giáo sư Malik nói: “Ông Kim Jong Un là lãnh tụ Bắc Triều Tiên đầu tiên chưa về ‘chầu’ Bắc Kinh. Ưu tiên lâu nay của Trung Quốc trên Bán đảo Triều Tiên vẫn là không có bất ổn, không có chiến tranh, và không có hạt nhân – theo thứ tự đó.”
Lá chắn phi đạn THAAD gây tranh cãi
Trung Quốc không chỉ mất kiểm soát đối với Bắc Triều Tiên. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Hàn Quốc cũng giảm xuống trong bối cảnh Mỹ đang triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD tại Nam Triều Tiên.
Bộ trưởng Vương Nghị hôm thứ Tư lập lại thái độ kiên quyết phản đối việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc và kêu gọi Seoul phải ngưng việc triển khai hệ thống vũ khí này lại, và cảnh báo rằng động thái đó “không phải là cách hành xử của những người láng giềng với nhau.” Bắc Kinh lập luận rằng hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD là một mối đe dọa đối với an ninh của Trung Quốc.
Giáo sư Ding Xueliang của đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông nhận định rằng ngoài những biện pháp trả đũa kinh tế mà Trung Quốc áp dụng đối với Hàn Quốc vì quyết định của Seoul thiết đặt hệ thống phòng thủ phi đạn, Bắc Kinh thực tế không làm gì được nhiều hơn để buộc Nam Triều Tiên rút lại quyết định đó.”
“Hàn Quốc trước đây vẫn xem Trung Quốc là nước duy nhất có thể dùng ảnh hưởng để tác động lên Bình Nhưỡng, nhưng sau quá nhiều năm và quá nhiều nỗ lực đặt vào tiến trình đàm phán 6 bên, Bắc Triều Tiên vẫn tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm.”
Nam Triều Tiên hết sức thất vọng sau quá nhiều năm. Seoul đi đến kết luận rằng cho dù Trung Quốc có cực lực chống đối hệ thống phi đạn THAAD đến đâu đi nữa, họ vẫn quyết định triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn này.”
Bắc Triều Tiên càng bị cô lập
Là một trong số rất ít quốc gia ủng hộ nước Bắc Triều Tiên bị cô lập, Trung Quốc lâu nay được cộng đồng quốc tế trông chờ sẽ giúp hạ giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Nhưng Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ đề nghị của các nước chẳng hạn như Hoa Kỳ và một số nước khác rằng Trung Quốc có thể làm nhiều hơn nữa trong vai trò đó.
Các nhà phân tích nói thái độ bất thường của Bắc Triều Tiên trong vài tháng qua càng gây khó khăn hơn cho bất cứ nước nào muốn nói chuyện với Bình Nhưỡng.
Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể nào thay đổi được tình thế.
Giáo sư Mohan Malik tin rằng sớm muộn gì cũng sẽ có thay đổi.
Giáo sư Malik nhận định: “Tôi cho rằng Trung Quốc, hơn bất cứ một nước nào khác, chú ý đến Bình Nhưỡng nhiều nhất, và Quân đội Giải phóng Trung Quốc chuẩn bị sẵn sàng hơn bất cứ quân đội của nước nào khác để thiết lập một chế độ thân Bắc Kinh trong trường hợp chế độ ở Bắc Triều Tiên bị sụp đổ, và Trung Quốc sẽ nỗ lực thắng cuộc chiến Triều Tiên để thiết lập uy quyền trên bán đảo này.”
Giáo sư Oh Ei Sun, chuyên gia của khoa nghiên cứu quốc tế của Trường S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định rằng trong bối cảnh Tổng thống Trump là người luôn có những quyết định khó dự đoán và tự coi mình là một người giỏi thương lượng, Bán đảo Triều Tiên có thể sẽ không dễ trở nên hấp dẫn như Trung Quốc mong chờ.
“Vào thời điểm này, chúng ta có thể xem tình hình giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ là rất căng thẳng, nhưng có thể chúng ta không đoán được Tổng thống Trump sẽ phản ứng thế nào. Không chừng ông ấy có thể quyết định nói chuyện với Bắc Triều Tiên. Thực sự là không thể dự đoán được ở cả hai bên và không nhất thiết hai đoàn tàu sẽ thực sự chuẩn bị đâm đầu vào nhau.”
http://www.voatiengviet.com/a/tq-canh-bao-my-bac-han-dang-tien-toi-chien-tranh/3755263.html
Đa số người Mỹ ủng hộ điều tra độc lập về Nga
Những cuộc khảo sát ý kiến công chúng công bố hôm thứ Hai cho thấy đa số người Mỹ tin rằng cần phải có một cuộc điều tra độc lập, khách quan nhắm vào tranh cãi ngày càng lớn liên quan tới những liên lạc bị cáo buộc giữa Nga và những cộng sự của Tổng thống Donald Trump trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm ngoái.
Ý tưởng về một cuộc điều tra độc lập đã được các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ và một số ít những nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội ủng hộ. Họ lập luận rằng cần phải bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt hoặc một ủy ban lưỡng đảng, trong khi các quan chức Tòa Bạch Ốc và lãnh đạo Thượng, Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát thì cho rằng cuộc điều tra đang diễn tiến của FBI và sự giám sát của các ủy ban Quốc là đã đủ.
Cuộc khảo sát của báo USA TODAY và Đại học Suffolk cho thấy tỉ lệ ủng hộ ý tưởng này là 58 phần trăm so với 35 phần trăm không ủng hộ, trong khi tỉ lệ này là khoảng hai phần ba trong số những người Mỹ được CNN/ORC khảo sát.
Các cuộc thăm dò cũng cho thấy sự lo ngại về những liên lạc bị cáo buộc với Nga mang đậm tính đảng phái, với 71 phần trăm những người theo Đảng Dân chủ nói rằng họ “rất lo ngại” về những liên lạc này trong khi 54 phần trăm những người theo Đảng Cộng hòa nói rằng họ “không hề” lo ngại, theo CNN/ORC.
Ba phần tư những người theo Đảng Dân chủ gọi sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống là một vấn đề nghiêm trọng, theo cuộc thăm dù của USA TODAY/Đại học Suffolk. Và một tỉ lệ áp đảo 9-1 những người theo Đảng Dân chủ ủng hộ một cuộc điều tra độc lập bên ngoài.
“Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải để vấn đề đảng phái qua một bên. Đây là vấn đề chung của nước Mỹ,“ ông Dương Đức Vĩnh, một cư dân thành phố Macomb ở bang Michigan, cho VOA biết.
“Tôi nghĩ tối thiểu là ở bề ngoài [cuộc điều tra] phải công bằng và thẳng thắn. Tốt nhất là có một người không thuộc Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ đứng ra làm công việc đó.”
Tranh cãi về những cuộc tiếp xúc với quan chức Nga đã khiến cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn bị sai thải, làm Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions phải tuyên bố đứng ngoài cuộc điều tra của FBI và phủ bóng đen lên những nỗ lực của Tòa Bạch Ốc tập trung vào những đề xuất chính sách và tận dụng thời cơ đang những tin tức tốt về kinh tế.
Trong số những người ủng hộ ông Trump nhiệt thành nhất, 21 phần trăm ủng hộ một cuộc điều tra độc lập trong khi 71 phần trăm chống đối, theo cuộc khảo sát của USA TODAY/ Đại học Suffolk.
Dù ủng hộ điều tra sự can dự của Nga vào nội tình ở Mỹ, song ông Đỗ Minh ở Thành phố Oklahoma, bang Oklahoma, không tán đồng việc bổ nhiệm một công tố viên độc lập. Ông nói đó là việc “không cần thiết vì chúng ta có nhiều việc cần phải lo.”
Nhưng ông cảm thấy lo ngại về tin tức cho biết nhiều người trong hàng ngũ cố vấn của ông Trump đã từng tiếp xúc với Đại sứ Nga tại Mỹ dù trước đó họ đã một mực phủ nhận chuyện này.
“Đó là điều mà ông Trump cũng như những cố vấn của ông cần phải giải thích rõ ràng đối với dân chúng, đối với Quốc hội,” ông Minh nói thêm. “Và những việc đó cần được làm sáng tỏ để cho ông có thể lãnh đạo đất nước trong thời gian tới…và để tránh sự hiểu lầm là chúng ta thân với Nga.”
Phản ứng về những tin tức gần đây liên quan đến những liên lạc giữa chính quyền Trump, các quan chức Nga gọi đây là một “cuộc tìm diệt” được thổi bùng lên bởi “những tin tức giả” mà những nhân vật hàng đầu của Đảng Dân chủ khơi mào nhằm tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý khỏi thất bại bầu cử của họ và được truyền thông Mỹ tiếp tay.
http://www.voatiengviet.com/a/da-so-nguoi-my-ung-ho-cuoc-dieu-tra-doc-lap-ve-nga/3754810.html
TT Trump ca ngợi đề nghị thay Obamacare của phe Cộng Hòa
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng một kế hoạch của Đảng Cộng hòa nhằm cải tổ hệ thống y tế quốc gia là “tuyệt vời,” nhưng số phận của nó trong Quốc hội lâm vào cảnh bất định.
Ông Trump hôm thứ Ba trên Twitter nói rằng luật hiện hành, thành tựu mang dấu ấn của Tổng thống Barack Obama, “là một thảm họa không hơn không kém” và “đang lụn bại nhanh chóng!”
Tân tổng thống nói ông đang tạo nên một hệ thống nhằm thúc đẩy cạnh tranh giữa các nhà sản xuất thuốc để giảm giá các loại thuốc đắt tiền và cho phép bảo hiểm y tế được bán xuyên bang với hy vọng giảm chi phí bảo hiểm.
“Giá cả cho người Mỹ sẽ xuống rất nhiều!” ông Trump đưa ra tuyên bố về giá thuốc.
Những nghị sĩ Cộng hòa từ lâu đã tìm cách hủy bỏ luật y tế của Mỹ, Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng, thường được gọi là Obamacare; nhưng đề xuất mới được các nhà lãnh đạo Cộng hòa trong Quốc hội thúc đẩy đã ngay lập tức bị những nghị sĩ Cộng hòa bảo thủ trong cả Hạ viện và Thượng viện chỉ trích, cùng với những phát biểu giễu cợt từ các nhà lập pháp Dân chủ muốn giữ lại Obamacare.
Những nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích đề xuất của các nhà lãnh đạo của chính họ chế giễu nó là “đồ nhái Obamacare,” nói rằng nó quá giống với luật mà họ đã hứa với cử tri là sẽ bãi bỏ.
Họ đặc biệt chống đối đề xuất cấp tín dụng thuế cho người Mỹ có thu nhập thấp để giúp họ mua bảo hiểm, gọi đó là một “chương trình hưởng trợ cấp” mới của chính phủ mà có thể trở nên tốn kém trong những năm tới.
Đề xuất mới sẽ hủy bỏ cấu phần chính của Obamacare, một quy định bắt buộc tất cả người Mỹ phải mua bảo hiểm y tế, nếu không phải đóng tiền phạt. Những người theo Đảng Cộng hòa nói rằng quy định này là một sự xâm lấn quá đáng của chính phủ liên bang vào cuộc sống cá nhân của người dân.
Tuy nhiên, đề xuất mới sẽ có một hình phạt tương tự, một khoản phụ thu 30 phần trăm đối với những người để mặc cho bảo hiểm y tế của mình hết hiệu lực và sau đó quyết định mua kế hoạch bảo hiểm mới. Cả khoản phụ thu và mức tiền phạt của ông Obama đều nhằm khuyến khích mọi người mua bảo hiểm trước khi ngã bệnh và cần được chăm sóc y tế.
Đề xuất của phe Cộng hòa cũng sẽ giữ lại hai điều khoản được ưa chuộng nhất của Obamacare là cho phép những người trẻ tuổi được ở lại trong kế hoạch bảo hiểm của cha mẹ họ cho đến khi họ 26 tuổi và ngăn các công ty bảo hiểm từ chối bảo hiểm những người Mỹ đã có bệnh từ trước mà việc chữa trị nhiều tốn kém.
Obamacare đã mở rộng phạm vi bảo hiểm cho 20 triệu người trước đây không có bảo hiểm, nhưng những người chỉ trích như ông Trump nói rằng chi phí bảo hiểm cho các cá nhân và những nhóm nhỏ mua kế hoạch bảo hiểm theo luật của ông Obama đã tăng nhanh đến mức không còn vừa túi tiền đối với nhiều người nữa.
Tại Mỹ, khoảng một nửa lực lượng lao động có được bảo hiểm y tế thông qua chủ lao động của họ. Một phần ba dân số – những người cao tuổi và người nghèo – được bảo hiểm thông qua những chương trình của chính phủ, và số còn lại tự mua bảo hiểm của riêng họ thông qua Obamacare, hoặc không có bảo hiểm.
WikiLeaks tung công cụ tin tặc ‘của CIA’
WikiLeaks cho biết họ đã nắm trong tay một loạt những công cụ tin tặc thuộc hàng tuyệt mật mà CIA sử dụng để đột nhập vào điện thoại, ứng dụng truyền thông và những thiết bị điện tử khác, và đã công bố những tài liệu liên quan đến những chương trình này.
Nếu được xác minh, đây sẽ là một vụ xâm nhập gây sửng sốt khác để đánh cắp những tài liệu mật trong những năm gần đây khỏi các cơ quan tình báo của Mỹ.
WikiLeaks, tổ chức chống bí mật do Julian Assange lãnh đạo, cho biết việc họ công bố những tài liệu liên quan đến những công cụ tin tặc hôm thứ Ba trên website của mình là đợt đầu tiên trong một loạt những đợt công bố lấy từ một bộ dữ liệu bao gồm vài trăm triệu dòng mã và bao gồm “toàn bộ năng lực xâm nhập tin tặc của CIA.”
Trong số những tuyên bố bùng nổ được đưa ra trong tài liệu này có tuyên bố rằng CIA, hợp tác với các cơ quan tình báo khác của Mỹ và các cơ quan tình báo nước ngoài khác, đã có thể phá vỡ khả năng mã hóa trên những ứng dụng nhắn tin phổ biến như WhatsApp, Telegram và Signal.
Nội dung của những tài liệu được công bố này vẫn chưa được kiểm chứng.
“Chúng tôi không bình luận về tính xác thực hoặc nội dung của những thứ được nói là tài liệu tình báo,” phát ngôn viên Jonathan Liu của CIA cho biết trong một thông cáo.
Reuters cho biết một chuyên gia tư vấn về an ninh mạng từng làm việc cho chính phủ Mỹ, từ chối nêu danh tính do mức độ nhạy cảm của tin tức này, nói với họ rằng những tài liệu bị rò rỉ dường như là thật.
Các quan chức Mỹ nói họ không biết từ đâu mà WikiLeaks có thể đã có được tài liệu bị cho là của CIA. Một nguồn tin của chính phủ nói với Reuters rằng ông này không biết gì về bất kỳ cuộc điều tra nào hồi gần đây hoặc hiện thời về những vụ có thể là rò rỉ tài liệu loại này của CIA.
WikiLeaks cũng cho biết những tài liệu này cho thấy các nhân viên tình báo CIA đã nghiên cứu cách xâm nhập và kiểm soát những thiết bị khác ngoài máy tính và điện thoại thông minh kết nối với Internet.
Trong một trường hợp, Wikileaks nói nhân viên tình báo của Mỹ và Anh, theo một chương trình gọi là Weeping Angel, đã phát triển những cách thức để chiếm quyền kiểm soát TV thông minh của Samsung, làm cho nó có vẻ như là đã tắt nhưng thực chất đang ghi âm các cuộc trò chuyện trong phòng.
WikiLeaks trong quá khứ đã đăng tải hàng loạt thông tin bí mật của chính phủ và đóng một vai trò nổi bật trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 ở Mỹ bằng việc tiết lộ những email nội bộ của những quan chức cao cấp của Đảng Dân chủ.
Các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng những email đã bị Nga xâm nhập trong một chiến dịch có phối hợp để nhằm làm mất uy tín của ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và giúp Tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hòa giành chiến thắng.
Nga đã phủ nhận cáo buộc này.
Chưa thấy bằng chứng ông Obama nghe lén ông Trump
Chủ tịch ủy ban tình báo của Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Ba cho biết ông chưa thấy có bằng chứng nào củng cố cáo buộc của Tổng thống Donald Trump rằng ông đã bị Tổng thống Barack Obama nghe lén trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.
Dân biểu Cộng hòa Devin Nunes nói với các phóng viên rằng nếu tuyên bố của Trump là đúng thì các nhà lãnh đạo Quốc hội cùng chủ tịch của cả hai ủy ban tình báo, được gọi chung là “Bộ Tám,” lẽ ra đã phải được báo cáo.
“Tôi chưa thấy chứng cứ đó,” ông Nunes nói khi được hỏi về cáo buộc của ông Trump. “Tôi nghĩ rằng câu hỏi lớn hơn cần được trả lời là liệu ông Trump hoặc bất kỳ cộng sự nào của ông có thực sự bị nhắm mục tiêu bởi bất kỳ cơ quan tình báo hay cơ quan chấp pháp nào hay không.”
“Tại thời điểm này, chúng tôi không có bằng chứng cho điều đó,” ông nói.
Ông Trump đưa ra cáo buộc này trong một loạt những dòng tin Twitter vào sáng thứ Bảy mà không trưng ra bằng chứng. Một phát ngôn viên của ông Obama nói cáo buộc đó là sai trái.
Ông Trump kể từ khi đó đã hối thúc hai ủy ban tình báo của Hạ viện và Thượng viện mở rộng các cuộc điều tra vốn đã được hoạch định về những cáo buộc Nga can dự vào cuộc bầu cử ở Mỹ để xem xét cáo buộc của ông. Ông Nunes trước đó cho biết ủy ban của ông sẽ kiểm tra bằng chứng.
“Theo quy định chúng tôi phải được cập nhật về bất kỳ cuộc điều tra phản gián nào có liên quan,” ông Nunes nói về Bộ Tám. “Nếu ông Trump hay bất kỳ ban vận động chính trị nào khác, hoặc bất cứ ai có liên hệ với ông Trump, bị điều tra theo hình thức nào đó thì điều đó rõ ràng lẽ ra phải được báo cáo lên cấp Bộ Tám.”
Ông Nunes cho biết ủy ban của ông dự định tổ chức một loạt những buổi điều trần công khai trong cuộc điều tra liên quan tới Nga, bắt đầu với một phiên điều trần vào ngày 20 tháng 3 mà giám đốc FBI James Comey và Đô đốc Mike Rogers, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, đã được gọi ra khai chứng vào hôm đó.
Ông cho biết cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper, cựu giám đốc CIA John Brennan, và cựu quyền Bộ trưởng Tư pháp, Sally Yates, cũng nằm trong số những người được mời đến khai chứng.
Tại sao có ngày dành riêng cho Phụ Nữ Thế Giới?
Bắt nguồn từ những năm 1900 ở New York khi hàng ngàn Phụ Nữ tuần hành trên khắp các đường phố kêu gọi quyền được bầu cử, giảm giờ làm và tăng lương, Ngày Quốc tế Phụ Nữ diễn ra vào ngày 8.3 hằng năm dưới các hình thức như tụ tập tuần hành, các buổi nói chuyện, hội thảo hay biểu diễn nghệ thuật nhằm kêu gọi quyền bình đẳng và nhấn mạnh vai trò cho Phụ Nữ trên toàn thế giới.
Mặc dù mục đích là như vậy, nhưng trải qua hơn 100 năm, quyền bình đẳng cho Phụ Nữ vẫn chưa được nhận thức một cách toàn diện. Sự chênh lệch về thu nhập so với nam giới trong mọi lĩnh vực, hay tình trạng bạo hành, tấn công tình dục phụ nữ vẫn diễn ra trên khắp thế giới.
Theo Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, sự chênh lệch về thu nhập giữa phụ nữ và nam giới sẽ không thể thu hẹp cho đến tận năm 2186.
Ngày Quốc Tế Phụ Nữ năm nay có chủ đề là “Be Bold For Change” tạm dịch là “Hãy dũng cảm để thay đổi”, nhằm khuyến khích phụ nữ bước lên và có hành động đột phá giúp thúc đẩy bình đẳng giới. Với ý nghĩa tích cực đó, chủ để năm nay hy vọng sẽ thúc đẩy hàng triệu người ra đường, không kể nam hay nữ, đứng lên cho quyền lợi của phụ nữ.
Thứ Tư này, phụ nữ trên mọi miền Hoa Kỳ được khuyến khích tham gia vào buổi tuần hành với tên gọi “A day without a woman”- “Một ngày không có phụ nữ” nhằm chứng tỏ vai trò thiết yếu của phụ nữ trong mọi lĩnh vực và cũng kêu gọi quan tâm hơn nữa trong vấn đề bình đẳng, nạn quấy rối tình dục và phân biệt đối xử đối với nữ giới. Theo đó, phụ nữ được kêu gọi hãy nghỉ 1 ngày làm và mặc sắc phục đỏ, vì màu đỏ “biểu thị tình yêu và hy sinh, và là màu sắc của năng lượng và hành động.”, theo bà Tamika Mallory, đồng chủ tịch của Tháng Phụ nữ ở Washington.
Phong trào này là sự kết hợp giữa ảnh hưởng của ngày Quốc Tế Phụ Nữ và cuộc biểu tình mới xảy ra hôm 16/2 (chống lại sắc lệnh di trú nhắm vào người nhập cư từ 7 nước Hồi giáo của Tổng thống Donald Trump) với tên gọi “Một ngày không có người Nhập Cư”.
Có rất nhiều quốc gia trên thế giới coi ngày 8.3 là một ngày lễ đặc biệt, như Việt Nam, Nga, Trung Quốc, Ukraine, Uzbekistan hay Zambia. Tại Việt Nam, ngày này thường được kỷ niệm bằng việc nam giới sẽ tặng hoa, quà, hay tổ chức các buổi họp mặt, tiệc tùng dành cho phái nữ.
Mỗi quốc gia sẽ có cách riêng để kỷ niệm ngày này và chúng ta hy vọng vào tương lai không xa khi mọi bất bình đẳng được xóa bỏ, ngày Quốc tế Phụ Nữ sẽ chỉ là ngày ghi nhận thành tựu của nữ giới mà thôi.
http://www.voatiengviet.com/a/tai-sao-co-ngay-danh-rieng-cho-phu-nu-the-gioi/3754749.html
Hoa Kỳ tranh luận về đại học không thu học phí
Chi phí học đại học ở Mỹ khá cao, vì vậy có những chính trị gia đề xuất về đại học công không thu học phí. Tuy nhiên, ý tưởng này đã dẫn đến những tranh cãi.
Một số người nói rằng hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ là tốt nhất trên thế giới. Nhưng chi phí cho việc học đại học ở Hoa Kỳ có thể rất tốn kém – khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp đều mắc nợ ở mức độ nhất định. Trong năm 2014, tổng số tiền nợ đó ở Hoa Kỳ lên đến khoảng 1,2 nghìn tỷ đôla.
Na Uy, Phần Lan, Đức, Mexico và Brazil là những nước rất khác nhau. Nhưng tất cả các nước đó đều có một điểm chung: các công dân có thể theo học ở các trường đại học công mà chỉ phải trả học phí rất thấp hoặc không phải nộp học phí.
Đó là lý do tại sao một số nhà lập pháp Mỹ đang nhìn vào các nước khác và xem đó như là các hình mẫu để thay đổi. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nói Hoa Kỳ cần phải cung cấp đại học miễn phí. Chiến dịch tranh cử của ông Sanders đã không thành công. Nhưng ông không đơn độc trong cuộc đấu tranh cho nền giáo dục miễn phí.
Trong năm 2014, Tennessee đã trở thành bang đầu tiên cung cấp đại học cộng đồng miễn phí cho sinh viên mới tốt nghiệp trung học. Đại học cộng đồng là các trường công nhỏ thường cung cấp các chương trình đào tạo hai năm. Các trường này cũng có các lớp đại cương với học phí thấp dành cho những sinh viên có kế hoạch chuyển tiếp sang trường đại học bốn năm.
Hồi đầu tháng này, Tennessee thông báo rằng lần đầu tiên số sinh viên theo học đại học cộng đồng đã tăng 30%.
Oregon cũng có một chương trình như Tennessee. Hồi mùa thu năm 2016, chương trình của Oregon đã trả đỡ một phần học phí cho 6.745 sinh viên theo học đại học cộng đồng.
Ý tưởng về đại học không thu tiền đang lan rộng tại Mỹ. Hồi tháng trước, Thống đốc New York Andrew Cuomo đã công bố kế hoạch của riêng ông. Nó tập trung vào các gia đình kiếm được ít hơn 125.000 đôla hàng năm. Nó sẽ cho phép con cái của họ theo học miễn phí tại các trường đại học công của bang.
Các quan chức nói rằng kế hoạch của ông Cuomo có thể tốn đến 163 triệu đôla mỗi năm từ nay đến năm 2019.
Ông Richard Vedder là giám đốc của Trung tâm vì Đại học Chi phí thấp và Hiệu quả, một tổ chức nghiên cứu. Ông cảm thấy một số người dân New York có thể không thích việc tăng thuế để chi trả cho kế hoạch của ông Cuomo và họ có thể chuyển sang các bang khác. Ông cũng nghĩ rằng đề nghị sinh viên chi trả một phần học phí đại học là điều công bằng.
Ông nói: “Trước hết, các sinh viên là những người hưởng lợi chính từ giáo dục đại học. Hầu hết số họ, sau khi học đại học, sẽ có thu nhập cao hơn nhiều so với trước khi học đại học. Rất nhiều những sinh viên đi học đại học có thể đủ khả năng trả học phí. Học phí không phải là một trở ngại ngăn họ đi học. Vì vậy, đề nghị họ phải trả học phí dường như là điều hợp lý vì họ sẽ thu về lợi nhuận lớn từ khoản đầu tư”.
Ông Vedder nói cung cấp giáo dục miễn phí tại các trường đại học công cũng có thể gây hại cho sự cạnh tranh. Ông Vedder nói nó có thể làm cho các trường tư ít hấp dẫn hơn đối với cho sinh viên.
Trong trường hợp tiểu bang Oregon, có thể một điều tương tự đang xảy ra. Các nhà quản lý đại học công bốn năm trong tiểu bang báo cáo rằng số sinh viên mới trong năm 2016 đã thấp hơn trước. Điều này có thể hàm ý rằng các sinh viên đang lựa chọn các trường đại học cộng đồng miễn phí thay vi các chương trình đại học bốn năm.
Ông Vedder cũng nêu ra các chương trình hỗ trợ tài chính của bang và liên bang, như trợ cấp Pell. Trợ cấp Pell trao tiền cho sinh viên đại học có thu nhập thấp. Các sinh viên không phải trả lại tiền.
Các quan chức ở bang Rhode Island nói sự trợ giúp như vậy vẫn chưa đủ. Một cuộc khảo sát gần đây của bộ giáo dục cấp bang cho thấy 90% học sinh trung học Rhode Island muốn theo học đại học hai năm. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy chỉ có 65% thực sự làm như vậy. Học phí là nguyên nhân số một mà các sinh viên nêu ra cho việc đã không học đại học hai năm.
Nhưng Rhode Island có một kế hoạch có thể có tác dụng. Vào tháng Giêng, Thống đốc Gina Raimondo đề xuất một kế hoạch về học hai năm miễn học phí tại trường Đại học Cộng đồng Rhode Island, Đại học Rhode Island 4 năm hoặc Đại học Rhode Island 2 năm dành cho bất kỳ ai tốt nghiệp trung học sống trong tiểu bang.
Ông Kevin Gallagher là phó chánh văn phòng của của thống đốc. Ông nói rằng cung cấp đại học miễn phí là điều đúng đắn cần làm vì hầu hết các công việc trong tương lai sẽ đều đòi hỏi trình độ đại học.
Ông nói: “Nếu bạn cho rằng đại học là một thứ xa xỉ mà chỉ có một số ít mới có thể đủ khả năng chi trả, chắc chắn là tiếp đến bạn có thể nói ‘Vậy thì việc này không cấp thiết’. Tuy nhiên, từ góc nhìn của thống đốc, chúng ta không thể không thực hiện cam kết này. Chúng tôi biết rằng ở Rhode Island, và ở Hoa Kỳ, chỉ có bằng tốt nghiệp trung học thôi thì không đủ … Bạn phải học hành gì đó sau bậc trung học để có được một công việc có lương cao”.
Đề xuất của Thống đốc Raimondo dự kiến bắt đầu vào năm 2018. Nó sẽ có chi phí là 10 triệu đôla trong năm đầu tiên. Ông Gallagher cho biết chi phí dự kiến sẽ tăng lên đến 30 triệu đôla một năm vào năm 2022. Quan chức này lưu ý rằng đó sẽ chỉ là một phần nhỏ trong ngân sách 9 tỉ đôla hiện nay của bang.
Ông Gallagher cũng tin rằng mọi người sẽ nhìn thấy được giá trị của việc có một dân số có học. Ông nói những người dân có học của bang Rhode Island sẽ kiếm được tiền nhiều hơn và hơn nữa còn đóng thuế nhiều hơn cho bang.
Ông Robert Kelchen là giáo sư về giáo dục đại học tại Đại học Seton Hall ở New Jersey. Ông nghiên cứu tài chính giáo dục đại học và chính sách về trách nhiệm giải trình. Ông Kelchen nói ông nghĩ rằng vẫn còn có những câu hỏi quan trọng cần được giải đáp liên quan đến đề xuất của Rhode Island.
Ông nói: “Một điều cần biết đầu tiên đó là miễn học phí không có nghĩa là sinh viên sẽ tránh được nợ nần. Đối với sinh viên đi học đại học công, các thành phần khác của việc học đại học – như sách vở, đi lại và nhà ở – là phần chiếm nhiều chi phí hơn so với học phí. Vì vậy, sinh viên cần phải nhận ra rằng trong nhiều trường hợp họ sẽ phải chấp nhận có vài khoản nợ nần”.
Ông Kelchen cũng nói rằng kế hoạch đó có thể không giúp cho sinh viên có thu nhập thấp nhiều bằng các sinh viên có thu nhập trung bình và cao hơn. Ông lập luận rằng nên chi nhiều tiền hơn cho các sinh viên có thu nhập thấp thay vì cho tất cả sinh viên nói chung.
http://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-tranh-luan-ve-dai-hoc-khong-thu-phi/3754737.html
Mỹ triển khai một số ít binh sĩ ở bắc Syria
WASHINGTON —
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm thứ Hai thông báo họ đang triển khai một số lượng nhỏ binh sĩ Mỹ ở miền bắc Syria để thực hiện một nhiệm vụ mới: ngăn ngừa và trấn an; mục đích là ngăn ngừa các cuộc đụng độ giữa các lực lượng khác nhau đang đổ về quanh thị trấn Manbij, trong khi trấn an Thổ Nhĩ Kỳ về thị trấn đã được giải phóng khỏi Nhà nước Hồi giáo tháng 8 năm ngoái.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Đại tá Jeff Davis nói Mỹ đang cố gắng thuyết phục các phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn không tiến vào thị trấn. Tuần trước, đã xảy ra đụng độ giữa các phần tử của Quân đội Syria Tự do (FSA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và các chiến binh thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ yểm trợ.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn vì sự hiện diện của các lực lượng chính phủ do Nga yễm trợ. Tuần trước, chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ và liên quân ở Syria và Iraq, Trung tướng Stephen Townsend, nói các lực lượng chính phủ Syria đã tiến quân đến vùng nằm trong tầm bắn súng trường và ném lựu đạn của các chiến binh được Mỹ hậu thuẫn.
Stephen Zunes, một nhà phân tích khu vực thuộc Đại học San Francisco, nói với VOA rằng đây là một chiến lược nguy hiểm đối với một số lượng nhỏ binh sĩ Hoa Kỳ đứng trước những lực lượng có nhiều khả năng là thù địch.
Tình hình bên trong và quanh Manbij là mối bận tâm của Hoa Kỳ khi họ đang cố gắng tạo ra một lực lượng Syria có khả năng chiếm được Raqqa, vùng đô thị lớn cuối cùng còn nằm trong tay Nhà nước Hồi giáo. Một đòn mạnh khác giáng vào Nhà nước Hồi giáo là lực lượng bán quân sự được Hoa Kỳ hậu thuẫn đã cắt đứt con đường chính cuối cùng đi ra khỏi thành phố, chặt đứt mối liên kết của IS với thành trì của chúng ở tỉnh Deir al-Zor.
http://www.voatiengviet.com/a/my-trien-khai-mot-so-it-binh-si-o-bac-syria/3754183.html
Nhật, Mỹ muốn họp khẩn vụ tên lửa Bắc Hàn
WASHINGTON —
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản sau khi Bắc Triều Tiên phóng 4 tên lửa, 3 trong số đó đã rơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết họ nhất trí rằng các vụ phóng tên lửa mới nhất này đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và mối đe dọa của Bắc Triều Tiên đã tăng thêm. Ông Trump nói rằng Hoa Kỳ đồng lòng với Nhật Bản 100%. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng đã bàn về vấn đề này.
Giáo sư nghiên cứu châu Á Jeff Kingston tại Đại học Temple ở Tokyo nói với VOA rõ ràng những vụ phóng tên lửa mới này đã làm Nhật Bản lo lắng.
Nhật Bản và Mỹ đã kêu gọi họp khẩn cấp hôm thứ Tư về nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ hôm thứ Ba cho biết các thành phần đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến THAAD (hay Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn Cuối) đang được triển khai, dự kiến hệ thống sẽ hoạt động vào tháng tới.
Trung Quốc phản đối việc triển khai và đã đóng cửa một số cửa hàng bán lẻ của Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc. Hãng này đã cung cấp đất cho hệ thống tên lửa phòng thủ.
Một bài trên báo Global Times của Trung Quốc hôm thứ Ba cảnh báo khả năng xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng, đồng thời lên án Mỹ, Hàn Quốc và Bình Nhưỡng gây căng thẳng, cùng lúc cảnh báo với Seoul rằng họ sẽ không cho phép chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ và bán đảo Triều Tiên được thống nhất.
http://www.voatiengviet.com/a/nhat-my-muon-hop-khan-ve-bac-trieu-tien-phong-ten-lua/3753785.html
Trump cáo buộc Obama
thả ‘tù nhân xấu xa’ khỏi Guantanamo
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lại một lần tung ra cáo buộc trên Twitter đối với chính quyền của người tiền nhiệm, Barack Obama, lần này nói rằng chính quyền trước đây đã thả 122 “tù nhân xấu xa” khỏi trung tâm giam giữ quân sự Guantanamo Bay, và những người đó đã “trở lại chiến trường”.
Ông Trump đã không tiết lộ nguồn tin của cáo buộc. Nhưng một báo cáo của Giám đốc Tình báo Quốc gia cho thấy 122 trong số 693 tù nhân Guantanamo được thả ra đã tham gia vào các hoạt động khủng bố hoặc nổi dậy. Tuy nhiên, chỉ có 9 trong số đó, tương đương 6%, là do chính quyền ông Obama thả. Hầu hết trong số họ đã được trả tự do dưới thời chính quyền của ông George W. Bush trước khi ông Obama nhậm chức vào tháng 1 năm 2009.
Đây là lần thứ hai trong những ngày gần đây ông Trump đã công khai tấn công ông Obama. Hôm thứ Bảy, ông Trump đã viết một loạt tin nhắn Twitter không có cơ sở vững chắc cáo buộc ông Obama nghe lén chiến dịch tranh cử tổng thống của ông tại tòa nhà Trump Tower ở thành phố New York.
http://www.voatiengviet.com/a/trump-cao-buoc-obama-tha-tu-nhan-xau-xa-khoi-guantanamo/3754343.html
Hàn Quốc ‘tích cực’ cân nhắc
khiếu nại Trung Quốc lên WTO
Hàn Quốc sẽ cân nhắc đệ đơn khiếu nại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới về điều mà nước này mô tả là sự trả đũa thương mại liên quan tới việc triển khai hệ thống phi đạn của Mỹ bên ngoài Seoul, đảng đương quyền Hàn Quốc cho biết hôm thứ Ba.
Hàn Quốc vào tháng 7 năm ngoái đã quyết định lắp đặt hệ thống Phòng thủ Khu vực Cao độ Cao Giai đoạn cuối (THAAD) để ứng phó với mối đe dọa phi đạn từ Bắc Triều Tiên, mặc dù Trung Quốc phản đối rằng radar của THAAD có thể thâm nhập lãnh thổ của họ.
Các công ty của Hàn Quốc ở Trung Quốc kể từ đó đã báo cáo những vụ tấn công mạng, đóng cửa tiệm và phạt tiền, trong khi truyền thông do nhà nước kiểm soát đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa và dịch vụ của Hàn Quốc.
“Chúng tôi sẽ tích cực cân nhắc xem liệu hành động của Trung Quốc có vi phạm thỏa thuận thương mại tự do của Hàn Quốc và Trung Quốc hay không, trong khi tăng cường nỗ lực để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho các ngành công nghiệp của Hàn Quốc,” Lee Hyun-jae, chủ tịch ủy ban chính sách của Đảng Hàn Quốc Tự do, cho biết sau cuộc họp với những các quan chức cao cấp của chính phủ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, khi được hỏi về vấn đề này hôm thứ Ba, đã nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng các công ty nước ngoài tuân thủ luật pháp thì được hoan nghênh và sẽ được bảo vệ.
Trong vụ việc mới nhất bị nghi là phân biệt đối xử, Trung Quốc đã bác đơn từ các hãng hàng không bao gồm Jeju Air để thêm các chuyến bay thuê bao giữa hai nước trong tháng này, Thông tấn xã Yonhap đưa tin hôm thứ Ba.
Vụ này thêm vào những vụ khước từ tương tự trong tháng 1 và tháng 2. Không có lý do nào được đưa ra cho bất kỳ vụ khước từ nào.
Chính quyền Trung Quốc cũng đã đóng cửa các cửa hàng bán lẻ thuộc Tập đoàn Lotte theo sau những cuộc thanh tra. Số vụ đóng cửa đã lên đến 39, và một cửa hàng đã bị bắt nộp phạt, một phát ngôn viên của Lotte Mart cho Reuters cho biết hôm thứ Ba.
Hungary thông qua luật giam giữ người tị nạn
Quốc hội Hungary vừa thông qua một đạo luật mới quy định tất cả những người xin tị nạn sẽ bị giam giữ tại các trại dọc theo biên giới phía nam của nước này trong thời gian đơn xin tị nạn của họ đang được giải quyết.
Theo quy định vừa được thông qua hôm thứ Ba, di dân sẽ bị giam giữ trong các container vận chuyển đã được chuyển đổi tính năng. Di dân cũng không được phép ra khỏi Hungary trừ phi họ chọn vào Serbia.
Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc nói họ quan tâm sâu sắc đến luật mới của Hungary. Cơ quan này nói luật pháp quốc tế và luật pháp của EU chỉ ra rằng những người xin tị nạn chỉ bị giam giữ khi việc này là “cần thiết, hợp lý và cân xứng”.
Hungary đã chống lại nỗ lực của EU phân bổ định mức nhận người tị nạn và di dân cho các nước thành viên. Chính phủ Hungary nói lập trường của họ là cần phải bảo vệ an ninh quốc gia và văn hóa, bản sắc của châu Âu.
Người phát ngôn của UNHCR, Cecile Pouilly, nói luật mới “sẽ có ảnh hưởng xấu về thể chất và tinh thần đối với phụ nữ, trẻ em và những người đàn ông đã rất khổ sở rồi”.
http://www.voatiengviet.com/a/hungary-thong-qua-luat-giam-giu-nguoi-ti-nan/3753947.html
Video bí ẩn của con trai Kim Jong-nam xuất hiện
Con trai Kim Jong-nam: ‘Cha tôi bị giết’
Một đoạn video của con trai ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, người bị ám sát cách đây vài tuần, vừa xuất hiện trên mạng.
Trong đoạn video ngắn đã bị cắt gọt, người đàn ông nói: “Tên tôi là Kim Han-sol, từ Bắc Hàn, một thành viên của gia đình họ Kim. Đây là hộ chiếu của tôi. Cha tôi đã bị giết cách đây mấy ngày. Hiện giờ tôi đang sống với mẹ và em gái, và chúng tôi rất biết ơn …[tiếng và hình bị cắt]…Tôi hy vọng tình hình sẽ sớm trở nên tốt hơn.”
Không có chi tiết gì về ngày tháng hay địa điểm. Đây là những lời bình luận trước công chúng đầu tiên của dòng họ Kim kể từ khi ông Kim Jong-nam bị ám sát.
Cha của Kim Han-sol bị ám sát ở sân bay Kuala Lumpur hôm 13 tháng Hai. Những kẻ tấn công đã bôi chất độc thần kinh VX lên mặt ông.
Các quan chức ở Bộ Thống nhất Nam Hàn và Cơ quan tình báo quốc gia Nam Hàn nói người đàn ông trong đoạn video này là Kim Han-sol, con trai ông Kim Jong-nam.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho hay hôm thứ Tư người nhà của ông Kim Jong-nam có thể lo sợ nên không dám giúp cảnh sát điều tra vụ ám sát bằng chất độc đầy bí hiểm ở Kuala Lumpur này.
“Các vị phải hiểu – tôi biết là các vị rất khát tin – nhưng các vị phải hiểu đây là một vấn đề nhạy cảm và đôi khi tốt nhất là cuộc điều tra được diễn ra bí mật để đạt được kết quả mong muốn.” ông Najib nói với báo giới. Ông nói những người Malaysia ở Bắc Hàn sẽ tiếp tục sống như bình thường, và ông không lo cho an toàn của họ.
Ông Najib cũng nói giới chức Malaysia vẫn đang tìm cách lấy mẫu ADN từ gia đình ông Kim để chính thức xác nhận thi thể.
“Có thể họ quá lo sợ để bước ra,” ông Najib nói thêm.
Video có nội dung gì?
Clip dài 40 giây cho thấy người đàn ông được nhận dạng là Kim Han-sol ngồi trước một bức tường xám.
Sử dụng tiếng Anh thành thạo, anh nói: “Tên tôi là Kim Han-sol, từ Bắc Hàn, một thành viên của dòng họ Kim. Cha tôi đã bị giết cách đây mấy ngày. Hiện giờ tôi đang sống với mẹ và em gái.”
Anh ta giơ lên cái có vẻ như hộ chiếu ngoại giao Bắc Hàn để khẳng định danh tính của mình, mặc dù các chi tiết trong hộ chiếu đã bị xóa trên màn hình. Anh nói rằng anh “biết ơn vì…” trước khi tiếng và hình của video bị kiểm duyệt.
Anh kết thúc bằng câu: “Tôi hy vọng tình hình sẽ sớm trở nên tốt hơn”.
Vì cha anh bị ám sát vào ngày 13 tháng Hai, không rõ video này được quay ở đâu và lúc nào, và tung tích hiện nay của Kim Han-sol ra sao.
Ai tung ra video này?
Video này được một nhóm có tên gọi Cheollima Civil Defense (CDD) tung lên mạng. Nhóm này trước đây chưa hề được biết đến, và có vẻ như mới đăng ký một website và tài khoản YouTube gần đây.
Hãng tin Yonhap của Nam Hàn nói nhóm này có lẽ hỗ trợ người Bắc Hàn chạy trốn – có một thị trấn ở Tây Nam thủ đô Bình Nhưỡng tên là Cheollima. Họ gửi đường dẫn video tới phóng viên ở Malaysia của kênh tin Channel News Asia.
Trên website của CCD có một thông điệp bằng tiếng Anh nói nhóm này đã đáp lại yêu cầu xin được bảo vệ từ “những người còn sống của gia đình Kim Jong-nam”.
“Trước đây chúng tôi từng đáp ứng yêu cầu xin bảo vệ khẩn cấp [của một số người]. Đây sẽ là lời bình luận đầu tiên và cuối cùng về chuyện này, và tung tích hiện tại của gia đình này sẽ không được thông báo.”
Nhóm này cũng cảm ơn một số quốc gia đã đề xuất hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, trong đó có Hà Lan, Trung Quốc và Hoa Kỳ và “một chính phủ thứ tư không muốn lộ tên”. Họ đặc biệt cảm ơn Đại sứ Hà Lan ở Nam Hàn, ông AJA Embrechts.
Kim Han-sol là ai?
Kim Han-sol được cho là 21 tuổi, và có một cuộc sống kín tiếng kể từ khi cha ông sống lưu vong. Anh lớn lên ở Macau và Trung Quốc.
Năm 2012, anh xuất hiện trên TV trong cuộc phỏng vấn với TV Phần Lan từ Bosnia, nơi anh đang học. Trong chương trình này, anh nói anh chưa bao giờ gặp người chú đầy quyền lực hay ông nội của mình là ông Kim Jong-il đã quá cố.
Anh nói anh “luôn mơ đến một ngày tôi có thể quay lại và làm mọi việc tốt hơn và dễ dàng hơn cho người dân” ở Bắc Hàn.
Quan hệ Malaysia – Bắc Hàn
Quan hệ Malaysia – Bắc Hàn xuống dốc sau khi ông Kim bị ám sát, với cả hai bên trục xuất đại sứ của mình tại nước kia. Quan hệ căng thẳng này lại có thêm diễn biến bất ngờ khi Bắc Hàn tuyên bố hôm 7/3 rằng nước này cấm các công dân Malaysia đang sống ở Bắc Hàn được ra khỏi nước này cho đến khi một “giải pháp công bằng” đã đạt được. Phía Malaysia sau đó đã cấm công dân Bắc Hàn ra khỏi nước mình.
Phó thủ tướng Malaysia ông Ahmad Zahid Hamidi nói hôm thứ Tư rằng Malaysia sẵn sàng đàm phán.
“Tới giờ, chúng tôi tin rằng chúng tôi đã hành động đúng mực, ” ông nói. “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng cho chúng tôi là giữ mối quan hệ ngoại giao với Bắc Hàn vì chúng tôi cho rằng đây là điều quan trọng cho an toàn của công dân chúng tôi tại Pyongyang.”
Malaysia và Bắc Hàn trả đũa lẫn nhau
Bắc Hàn ‘trục xuất đại sứ Malaysia’
Các quan chức ở Kuala Lumpur nói có 11 công dân Malaysia hiện đang ở Bắc Hàn: ba người làm ở sứ quán, hai nhân viên Liên hiệp quốc và sáu thành viên gia đình họ. Được biết có khoảng 1.000 công dân Bắc Hàn hiện đang sống ở Malaysia, một trong số ít quốc gia mà người Bắc Hàn có thể đến mà không cần visa cho tới gần đây.
Bốn công dân Bắc Hàn là nghi phạm trong vụ án này được cho là đã rời Malaysia ngay hôm ông Kim Jong-nam bị ám sát. Cảnh sát nói ba nghi phạm còn lại, trong đó có một nhà ngoại giao Bắc Hàn, được cho là đang trốn trong Sứ quán Bắc Hàn tại Kuala Lumpur, một tòa nhà bê tông đồ sộ có tường cao bao quanh.
Cảnh sát trưởng Khalid Abu Bakar nói hôm 7/3 Malaysia sẽ không bố ráp sứ quán, nơi được bảo vệ theo luật ngoại giao, nhưng sẽ chờ cho các nghi phạm ra ngoài, “cho dù có mất năm năm”.
Một quan chức Hoa Kỳ cao cấp hôm thứ Tư 8/3 cáo buộc Bắc Hàn đã gây ra một vụ ám sát chính trị trên đất Malaysia.
Ông Daniel Russel, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, khen ngợi việc điều tra vụ ám sát của Malaysia.
“Việc sử dụng lãnh thổ của một nước bởi một quốc gia khác cho mục đích giết người – cho mục đích ám sát chính trị – là đáng chỉ trích và tôi thông cảm với Malaysia về chuyện này”, ông nói trong một cuộc đàm thoại với truyền thông khu vực.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39204814
Nam Hàn: Bà Park có thể bị truất quyền vào ngày 10/3
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ đưa ra phán quyết truất quyền bà Park Geun-hye vào lúc 11 giờ sáng giờ Hàn Quốc vào ngày 10-3.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên toà án ông Bae Bo-yoon cho biết phiên toà này sẽ được truyền hình trực tiếp từ phòng xử án chính.
Bà Park bị Quốc hội luận tội hồi tháng 12 năm ngoái vì những cáo buộc để cho người bạn thân của bà là Choi Soon – sil lợi dụng quen biết để can dự vào hoạt động của chính phủ, kể cả việc góp ý sửa chữa những bài diễn văn của bà Tổng thống, cho dù bà Choi không giữ một vai trò nào trong chính phủ.
Nếu như tòa án chấp thuận yêu cầu luận tội tổng thống của Quốc hội, bà Park Geun-hye sẽ bị bãi nhiệm chức tổng thống. Hàn Quốc sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày sau đó. Trong trường hợp ngược lại, bà Park sẽ ngay lập tức được khôi phục quyền hạn tổng thống.
Ngoại trưởng Philippines bị bãi chức vì khai man quốc tịch
Các nhà lập pháp Philippines hôm nay bác bỏ tư cách Bộ trưởng Ngoại giao của ông Perfecto Yasay, một đồng minh thân cận với Tổng thống Rodrigo Duterte.
Ủy ban Bổ nhiệm nhất trí không chấp thuận cương vị bộ trưởng của ông Perfecto Yasay chỉ vài giờ sau khi một cuộc điều trần xác nhận ông này man khai về quốc tịch của mình và có những tuyên bố không nhất quán trong các cuộc phỏng vấn truyền hình cũng như với các nhà lập pháp trong khi tuyên thệ.
Ông Yasay là Bộ trưởng Ngoại giao Philippines kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền vào tháng Sáu năm ngoái. Tại quốc gia này, các cuộc điều trần về bổ nhiệm có thể diễn ra sau khi các bộ trưởng bắt đầu làm việc một thời gian dài.
Tin từ Reuters cho biết hiện vẫn chưa rõ ai sẽ là người thay thế ông Perfecto Yasay.
Philippines hiện là chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN.
Pháp : Tê giác bị bắn chết trong sở thú và cưa mất sừng
Một tê giác trắng bốn tuổi đã bị bắn chết trong sở thú Thoiry ở Pháp đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba 07/03/2017, và chiếc sừng trị giá hàng chục ngàn euro đã bị cưa mất. Đây là lần đầu tiên một sự kiện loại này xảy ra tại châu Âu. Bộ trưởng Môi trường Pháp đã chuyển sự vụ cho ngành tư pháp.
Chú tê giác trắng Nam Phi tên Vince nặng hai tấn đã bị bắn ba viên đạn vào đầu. Chiếc sừng chính dài 20 cm mà giá trị được ước lượng từ 30.000 đến 40.000 euro đã bị lấy đi mất. Sừng thứ hai cũng bị cưa một phần, nhưng vẫn còn dính trên xác con vật khi được phát hiện.
Theo sở thú, các thủ phạm đã vượt qua cánh cổng bên ngoài và một cửa sắt, rồi phá tiếp một cánh cửa khác để đột nhập vào khu vực nuôi tê giác trắng, dù sở thú có năm nhân viên trực cùng với hệ thống camera giám sát. Chú tê giác nạn nhân lúc đó đang ngủ trong nhà cùng với hai tê giác khác là Gracie, 37 tuổi và Bruno, 5 tuổi.
Tê giác Vince sinh vào cuối năm 2012 tại Hà Lan, đến tháng 3/2015 được đưa về sở thú Thoiry nằm cách Paris khoảng năm chục cây số, được giám đốc sở thú Thierry Duguet mô tả là « rất khỏe mạnh và năng động ». Elodie, nhân viên chăm sóc tê giác từ nhiều năm qua, không thể nói nên lời sau cú sốc này. Ông Duguet cho biết xưa nay « chưa hề xảy ra sự kiện tương tự tại Pháp, và kể cả tại châu Âu ».
Ông Stéphane Ringuet, phụ trách chương trình buôn bán động vật hoang dã của tổ chức WWW cũng tỏ ra sững sờ. Ông nói với AFP : « Tại châu Âu cách đây vài năm, cũng đã có những vụ trộm cắp sừng tê giác tại địa điểm bán đấu giá hoặc phòng trưng bày. Nhưng từ ăn cắp hiện vật chuyển sang lấy đi một bộ phận cơ thể của con vật, thì thật không còn lời nào mô tả được ».
Hiến binh đang điều tra, và bộ trưởng Môi Trường Ségolène Royal đã chuyển vụ việc cho chưởng lý vùng Versailles. Bà cho biết « sẽ kiên quyết yêu cầu các nước châu Âu khác cấm mọi việc buôn bán ngà voi và sừng tê giác trên toàn châu lục », như Pháp đã cấm từ ngày 16/08/2016.
Trên thế giới hiện nay còn khoảng 20.000 con tê giác trắng. Sừng tê giác được cấu tạo bằng chất kératine, cùng loại với móng tay, được đông y tại châu Á như Trung Quốc hay Việt Nam cho rằng trị được bách bệnh kể cả bệnh nan y như ung thư, hoặc chứng bất lực. Tuy công dụng chưa bao giờ được chứng minh, nhưng sừng tê giác trên thị trường chợ đen được bán đến 60.000 đô la một ký lô, đắt gấp đôi giá vàng.
http://vi.rfi.fr/phap/20170308-phap-te-giac-bi-ban-chet-trong-so-thu-va-cua-mat-sung
Vì sao Trung Quốc sợ THAAD của Mỹ đến thế ?
Nếu chỉ đơn thuần quan sát thái độ giận dữ của Bắc Kinh trước việc Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa (THAAD) tại Hàn Quốc, người ta có thể cho rằng mục tiêu nhắm đến của THAAD là Trung Quốc. Nhưng cả Washington và Seoul đều khẳng định hệ thống này là cần thiết để bảo vệ Hàn Quốc trước sự tấn công của Bắc Triều Tiên.
THAAD là gì ?
THAAD viết tắt từ Terminal High Altitude Area Defense (tạm dịch Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối), được chế tạo để bắn hạ các hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn, trung bình và tầm xa trong giai đoạn cuối cùng, tức khi chúng đang rơi xuống.
Theo hãng sản xuất Lockheed Martin, hoạt động này gồm bốn bước. Trước tiên, một hệ thống radar nhận dạng hỏa tiễn địch, và mục tiêu lập tức được nhắm đến. Một hỏa tiễn bắn chận được khai hỏa từ hệ thống phóng tên lửa đặt trên xe chuyên dụng, phá hủy hỏa tiễn địch bằng động năng. Vì mối đe dọa được hóa giải ngay từ trên cao, nên tác động của vũ khí hủy diệt hàng loạt được giảm nhẹ.
THAAD vô cùng cơ động, gồm bốn bộ phận chính : một xe chuyên dụng phóng hỏa tiễn, tám tên lửa bắn chặn, một hệ thống radar cơ động và một hệ thống kiểm tra nối kết nhiều bộ phận khác nhau với trung tâm chỉ huy bên ngoài.
Được thiết kế để chống lại các tên lửa Scud của Irak trong chiến tranh vùng Vịnh, nay THAAD được Hoa Kỳ bố trí tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có đảo Guam và Hawai. Và từ năm ngoái, Lầu Năm Góc loan báo sẽ triển khai tại Hàn Quốc, như biện pháp phòng vệ trước việc Bắc Triều Tiên tiếp tục chương trình nguyên tử và bắn thử hỏa tiễn đạn đạo.
Tuần này, tình hình bán đảo Triều Tiên đột ngột căng thẳng. Hôm thứ Ba, báo chí Bình Nhưỡng loan báo đã cố gắng tấn công các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản. Số hỏa tiễn được Bắc Triều Tiên bắn đi cho thấy nước này đang thử nghiệm làm thế nào nhanh chóng triển khai các tên lửa trong trường hợp chiến tranh. Cùng ngày, Hoa Kỳ thông báo bắt đầu đưa THAAD đến Hàn Quốc. Do địa điểm chưa sẵn sàng, hệ thống lá chắn tên lửa tạm thời đặt tại một căn cứ Mỹ ở Osan, và việc triển khai có thể hoàn tất vào tháng Sáu.
Cũng trong ngày thứ Ba, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) tuyên bố đây là mối đe dọa quan trọng đối với Trung Quốc, và « sẽ kiên quyết có những biện pháp cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh của chúng tôi ».
Hệ thống radar tinh vi của THAAD
Washington Post nhận xét, thoạt nhìn thì khó thể hiểu được cơn thịnh nộ của Bắc Kinh đối với THAAD. Một mặt, đây chỉ là một hệ thống phòng vệ. THAAD không mang theo các đầu đạn để tấn công, mà chỉ dựa vào các hỏa tiễn bắn chặn để phá hủy tên lửa địch. Và tuy trên lý thuyết, hệ thống này có thể sử dụng để ngăn chặn các hỏa tiễn đạn đạo của Trung Quốc, nhưng THAAD chỉ can thiệp vào giai đoạn cuối cùng.
Hơn nữa, Trung Quốc, ông anh lớn lâu nay của Bắc Triều Tiên, cũng đã tỏ ra bực tức trước các vụ bắn hỏa tiễn mới đây của Bình Nhưỡng. Bắc Kinh đã ngưng nhập khẩu than đá của Bắc Triều Tiên, làm ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế của đất nước bị cô lập này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận xét sự giận dữ của Bắc Kinh không nhắm vào các hỏa tiễn, mà chủ yếu do lo ngại trước hệ thống radar tinh vi của THAAD. Các radar này có thể theo dõi những hệ thống tên lửa của Trung Quốc, tạo ưu thế lớn cho Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra xung đột với Bắc Kinh trong tương lai. Một số nhà phân tích Trung Quốc còn cho rằng bản thân THAAD chỉ được sử dụng một cách hạn chế chống lại Bắc Triều Tiên, mà việc triển khai hệ thống radar mới là mục đích chính.
Nhìn rộng hơn, Bắc Kinh lo sợ Hoa Kỳ có thể sử dụng cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản để cầm chân Trung Quốc trong tương lai. Hoàn Cầu Thời Báo đã viết : « Nếu Hàn Quốc nhất định trở thành con rối của Mỹ, Trung Quốc sẽ phải hành động ».
Bắc Kinh sẽ trả đũa thế nào ?
Trước hết là tấn công vào kinh tế Hàn Quốc. Bắc Kinh đã hạn chế các hoạt động kinh doanh của các công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc, trong đó có việc đóng cửa các cửa hàng Lotte, một tập đoàn đã nhượng đất sân gôn cho việc triển khai THAAD. Nhiều biện pháp khác có thể được đưa ra, như các công ty du lịch ngưng bán vé đi Hàn Quốc, kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Seoul và thậm chí hủy các buổi trình diễn của các ngôi sao K-pop.
Những động thái này sẽ khiến Hàn Quốc thiệt hại nặng vì những năm gần đây lệ thuộc Trung Quốc nhiều về kinh tế. Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của nước này, giá trị xuất khẩu năm 2014 lên đến 142 tỉ đô la, gấp đôi so với doanh số bán sang Hoa Kỳ. Bắc Kinh gây áp lực vào thời điểm nữ tổng thống Park Geun Hye đang vướng xì-căng-đan, số phận của bà có thể sẽ được quyết định trong tuần này.
Đối với Hoa Kỳ, việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc là một trong những động thái thực sự đầu tiên nhằm đối phó với Bắc Triều Tiên, kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức cho đến nay. Tuy nhiên theo Washington Post, phản ứng dữ dội của Bắc Kinh và những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, cho thấy tình hình hiện rất phức tạp.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170308-vi-sao-trung-quoc-so-thaad-cua-my-den-the
Iran thông báo 2.100 chiến binh tử trận tại Irak và Syria
Con số chiến binh Iran bị chết trên chiến trường Irak và Syria là 2.100 người. Hiếm khi Teheran công bố thiệt hại nhân mạng của cố vấn và binh sĩ gửi sang Irak và Syria để trợ lực cho quân đội chính phủ hai nước nói trên.
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi cho biết chi tiết :
Tổng kết thiệt hại nhân mạng, chủ tịch Hiệp Hội Tử Đạo Và Cựu Chiến Binh Iran, Mohammad Ali Shahidi, loan báo : « Khoảng 2.100 chiến binh đã ngã xuống tại Irak và các nơi khác để bảo vệ các vùng đất thánh ».
Những khu thánh địa được nhắc ở đây là các đền thờ của nhiều vị giáo chủ tiếp nối, như nhà tiên tri Mahomet, cũng như các thành viên trong gia đình của người khai sáng đạo Hồi, thuộc hệ phái Shia, chiếm đa số tại Iran và Irak.
Tháng 11/2016, cũng chính ông Mohammad Ali Shahidi cho biết con số chiến binh tử trận là 1.000 người. Ngoài hỗ trợ tài chính, Iran còn gửi « cố vấn quân sự » và chiến binh « tình nguyện » người Iran, Pakistan và Afghanistan sang Irak và Syria. Teheran viện lý do có yêu cầu của Bagdad và Damas.
Sư đoàn Fatemiyoun là một trong những đơn vị chủ lực trên chiến trường Syria. Báo chí Iran vẫn thường loan tin về cái chết của những chiến binh tình nguyện và sĩ quan cố vấn Iran. Nhiều sĩ quan cao cấp và tướng lãnh Iran hồi hưu thuộc Vệ Binh Hồi Giáo, lực lượng tinh nhuệ của chế độ giáo quyền Iran, tử trận tại Syria trong mấy năm qua.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170308-iran-thong-bao-2100-chien-binh-tu-tran-tai-irak-va-syria
Năm viễn cảnh tương lai của Liên Hiệp Châu Âu
Liên Hiệp Châu Âu đang đứng trước những thử thách chưa từng có kể từ khi ra đời. Việc Anh Quốc chia tay với Liên Âu tạo thêm một thách thức mới, nhưng quyết định này cũng đồng thời cho thấy bản thân dự án xây dựng châu Âu không thuyết phục được mọi thành viên của mình trong bối cảnh hiện nay. Viễn cảnh Liên Âu tan rã là điều được nhiều lần nhắc đến để cảnh báo thái độ thụ động trong chính giới. Đầu tháng 3/2017 này, Ủy Ban Châu Âu công bố cuốn Sách Trắng về tương lai của châu Âu, với mục tiêu tìm ra hướng đi chung cho khối 27 nước.
Sách Trắng do chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker phụ trách đưa ra năm kịch bản tương lai của châu Âu ở ngưỡng cửa 2025. Sách Trắng dài 32 trang đã được trình ra trước Nghị Viện Châu Âu hôm 01/03/2017. Xin lần lượt giới thiệu các kịch bản (theo thông cáo báo chí của Ủy Ban Châu Âu).
Theo kịch bản thứ nhất, gọi là « nối tiếp », Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục các chương trình cải cách, đặc biệt được thể hiện qua tuyên bố Bratislava năm 2016, được 27 thành viên của khối đồng thuận. Sách Trắng nêu ra hai ví dụ để minh họa. Ví dụ thứ nhất là dân châu Âu có thể sử dụng xe tự động hóa và nối mạng, nhưng sẽ gặp nhiều vấn đề ở biên giới, do một số rào cản pháp lý và kỹ thuật ; nhưng công dân châu Âu nhìn chung đi lại qua biên giới không gặp khó khăn.
Kịch bản thứ hai « thị trường duy nhất », như tên gọi của nó cho thấy, không kể vấn đề thị trường, trong rất nhiều lĩnh vực, 27 nước Liên Âu không thể tìm được đồng thuận. Vào năm 2025, tình hình sẽ có thể là việc qua lại biên giới, để làm ăn hay du lịch, giữa các nước nội khối sẽ bị kiểm soát thường xuyên. Tìm việc làm ở một nước khác khó khăn hơn, ốm đau tại nước ngoài phải chịu chi phí đắt đỏ. Dân châu Âu lưỡng lự khi quyết định dùng xe nối mạng, vì thiếu các quy định và chuẩn kỹ thuật của toàn khối.
Kịch bản thứ ba được gọi là «dành cho những ai muốn đi xa hơn ». Khối 27 nước sẽ vẫn tiếp tục tồn tại như hiện nay, nhưng mở ra khả năng cho những thành viên nào có mong muốn phối hợp nhiều hơn trong một lĩnh vực như quân sự, an ninh nội địa hay các vấn đề xã hội. Ví dụ như, 15 nước Liên Âu có thể lập một lực lượng cảnh sát hay công tố chung để điều tra về các tội phạm hình sự xuyên biên giới, các cơ sở dữ liệu về an ninh được kết nối cho phép thông tin được trao đổi mau chóng. Một ví dụ khác, xe nối mạng được sử dụng rộng rãi tại 12 quốc gia thành viên tìm được thỏa thuận về pháp lý và kỹ thuật.
Viễn cảnh thứ tư được Sách Trắng nêu ra là «làm ít, nhưng hiệu quả hơn ». Khối 27 nước sẽ tập trung vào một số lĩnh vực có thể mang lại nhiều kết quả hơn, nhanh hơn, đồng thời giảm can thiệp trong những lĩnh vực mà hành động được coi là không đóng góp gì hơn. Cụ thể là, sẽ có một cơ quan châu Âu chuyên trách về viễn thông, phụ trách việc giải phóng các dải tần số cho các xe nối mạng, hay bảo vệ quyền của những người sử dụng điện thoại di động và internet trên toàn cõi Liên Hiệp Châu Âu.
Còn theo kịch bản thứ năm, gọi là «làm nhiều việc cùng nhau», Ủy Ban Châu Âu hình dung là các tất cả các thành viên Liên Âu sẽ phải nỗ lực « phối hợp nhiều hơn… về nguồn lực, về quá trình ra quyết định trong mọi lĩnh vực». Các quyết định được đưa ra khẩn trương và quá trình thực thi diễn ra nhanh chóng. Cụ thể là, vẫn trong lĩnh vực xe nối mạng, Liên Hiệp Châu Âu sẽ ban hành các quy định rõ ràng cho phép loại xe này được di chuyển mà không gặp trở ngại trên toàn châu Âu. Một ví dụ khác là các công dân châu Âu có thể khiếu nại trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền cấp châu Âu về một dự án điện gió, do Liên Âu tài trợ, dự kiến được xây dựng tại địa phương.
Bằng mọi giá duy trì đoàn kết
Về Năm viễn cảnh tương lai của Liên Hiệp Châu Âu, Le Monde có bài phân tích do phóng viên thường trú tại Bruxelles thực hiện.
Ẩn đằng sau năm kịch bản của tương lai châu Âu là nỗ lực duy trì bằng mọi giá sự đoàn kết của khối 27 nước. Le Monde nhắc đến một « kịch bản thứ sáu » (kịch bản không được nêu ra), khi không có một lựa chọn được đồng thuận, Liên Âu có thể sẽ rơi vào « tan rã hoàn toàn ». Một thông điệp khác ngầm toát ra từ cuốn Sách Trắng là, « nếu không có sự lựa chọn rõ ràng, dự án châu Âu trong tương lai rút lại sẽ chỉ còn là một thị trường duy nhất ». Viễn cảnh này là điều một số chính trị gia châu Âu thực sự toan tính.
Ngoài kịch bản thứ năm, hướng đến một thể chế châu Âu liên bang (và viễn cảnh thị trường duy nhất), ba kịch bản còn lại của Ủy Ban Châu Âu cũng có thể được gọi bằng các tên gọi khác. Viễn cảnh « duy trì nguyên trạng » tương ứng với kịch bản thứ nhất « tiếp nối ». Theo viễn cảnh này, những vấn đề gai góc gây xung đột nhất, như chia sẻ số lượng người tị nạn tiếp nhận, sẽ được gạt qua một bên.
Viễn cảnh châu Âu với « nhiều tốc độ » tương ứng với kịch bản thứ ba « dành cho những ai muốn đi xa hơn ». Đây chính là điều mà cuộc tiểu thượng đỉnh bốn nước Pháp-Đức-Ý-Tây Ban Nha họp tại Versailles hôm thứ Hai, 06/03, bắt đầu tìm cách đi đến, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.
Viễn cảnh « ít hơn hoặc nhiều hơn » tương ứng với kịch bản thứ tư « làm ít nhưng hiệu quả hơn » có mục tiêu chủ yếu là trao lại cho các quốc gia thành viên những lĩnh vực mà Bruxelles không hiệu quả, đồng thời đối với những lĩnh vực giữ lại thì « làm sâu sắc hơn, mạnh hơn ».
« Năm viễn cảnh tương lai của Liên Âu » sẽ là tài liệu thảo luận trong thời gian tới trong chính giới châu Âu, đặc biệt là giữa lãnh đạo 27 nước nhân dịp thượng đỉnh Roma, 25/03, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra đời hiệp ước đặt nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu. Các sơ kết đầu tiên dự kiến sẽ được rút ra trong dịp Hội Đồng Châu Âu họp vào tháng 12/2017.
Trong những tháng tới Ủy Ban Châu Âu, Nghị Viện Châu Âu và các quốc gia thành viên quan tâm sẽ tổ chức hàng loạt « các thảo luận về tương lai châu Âu » tại các thành phố và khu vực. Cùng với Sách Trắng nói trên, Ủy Ban Châu Âu sẽ chuẩn bị năm tài liệu cơ bản khác trong năm lĩnh vực cụ thể : lĩnh vực xã hội, lĩnh vực kinh tế và tiền tệ, vấn đề chế ngự toàn cầu hóa, tương lai phòng vệ châu Âu. Tài chính là lĩnh vực thứ năm.
Trắc nghiệm đầu tiên : Thượng đỉnh Hội Đồng Châu Âu
« Năm triển vọng tương lai » của Liên Hiệp sẽ được trắc nghiệm ngay trong hai ngày 9 và 10/03 tới. Lãnh đạo khối 27 nước sẽ có cuộc thượng đỉnh không chính thức của Hội Đồng Châu Âu tại Bruxelles, nhằm chuẩn bị cho « tuyên bố chung » tại Roma.
Kịch bản thứ ba « dành cho những nước muốn đi xa hơn » hay « châu Âu nhiều tốc độ » đang là tâm điểm của mâu thuẫn. Theo AFP, bộ trưởng phụ trách châu Âu của Đức, Michael Roth, lo ngại cho tiến trình chuẩn bị bản tuyên bố Roma, thủ tướng Slovakia Robert Fico tỏ thái độ bất mãn. Slovakia cùng các quốc gia trong nhóm bốn nước Đông Âu Visegrad (Hung, Cộng Hòa Séc, Ba Lan, Slovakia) lo ngại bị gạt ra bên lề, đặc biệt sau phiên họp riêng giữa bốn nước đông dân nhất châu Âu Pháp-Đức-Ý-Tây Ban Nha tại Versailles, 06/03, để tìm kiếm con đường củng cố nền phòng vệ chung cho châu Âu, tránh sự ngăn chặn của một số nước « cứng đầu ».
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, trên thực tế, dù ủng hộ « châu Âu nhiều tốc độ » hay không, Liên Hiệp Châu Âu hiện nay trong một số lĩnh vực đã vận hành theo nhóm. Ngày mai, 09/03, các lãnh đạo châu Âu có kế hoạch bật đèn xanh cho việc lập ra một cơ quan công tố châu Âu phụ trách chống tham nhũng (tại các quỹ châu Âu). Cơ quan này bước đầu chỉ liên quan đến một nhóm nước thành viên Liên Âu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170308-nam-vien-canh-tuong-lai-cua-lien-hiep-chau-au
Mỹ-Nga : Nhà Trắng « không nhớ »
Donald Trump có gặp đại sứ Nga
Trước những lời cáo buộc mới về sự thông đồng giữa Donald Trump với chính quyền Nga, Nhà Trắng tìm cách hóa giải với lập luận : hai người có thể đã bắt tay nhau, nhưng không nhớ chính xác có gặp nhau hay không.
AFP ngày hôm nay, 08/03/2017 cho biết, vào lúc Quốc hội Mỹ và FBI điều tra về tin đồn ban tham mưu của ông Donald Trump móc ngoặc với Nga trong giai đoạn vận động tranh cử, báo chí Mỹ chĩa mũi dùi tấn công thẳng vào chủ nhân Nhà Trắng.
Nhiều cơ quan truyền thông Mỹ loan tin ông Donald Trump, trong giai đoạn tranh cử, đã gặp đại sứ Nga Serguei Kisliak ngày 27/04/2016 tại khách sạn Mayflower ở Washington. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders vội vàng cải chính : « Tạp chí Mỹ The National Interest tổ chức hội thảo, nhiều đại sứ nước ngoài có mặt. Ông Donald Trump dự tiếp tân 5 phút rồi đi thẳng lên bục phát biểu. Chúng tôi không nhớ ông đã bắt tay những ai ».
Được AFP đặt câu hỏi kiểm chứng nhưng sứ quán Nga từ chối trả lời.
Sự kiện giới ngoại giao quốc tế tiếp cận với các ứng cử viên trong mùa bầu cử để phúc trình về các thủ đô liên hệ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh bầu cử mà, theo tình báo Mỹ, Matxcơva tìm cách giúp ứng cử viên đảng Cộng Hoà đánh phá uy tín đối thủ Dân Chủ Hillary Clinton, thì những cuộc tiếp xúc giữa những người thân cận của ông Trump với Nga được chú ý rất kỹ.
Cố vấn an ninh Michael Flynn đã phải từ chức, sau khi thông tin bị phanh phui. Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions cũng thú nhận gặp đại sứ Nga hai lần, nhưng che dấu Quốc Hội trong buổi điều trần.