Phe thân Nga chiếm công sở ở Luhansk
Đã có xung đột đổ máu giữa hai phe ly khai và ủng hộ thống nhất Ukraine
Theo BBC – 04:25 GMT – thứ tư, 30 tháng 4, 2014
Các tay súng thân Nga đã tấn công một số công sở ở thành phố Luhansk miền đông Ukraine.
Họ chiếm trụ sở chính quyền địa phương và văn phòng công tố trước khi nổ súng vào đồn cảnh sát trung tâm bằng vũ khí tự động.
Tổng thống lâm thời Ukraine Olexander Turchynov đã lên án lực lượng cảnh sát địa phương đã ‘không làm gì’ và ‘phản bội’.
Hoa Kỳ cáo buộc Nga đang tìm cách ‘thay đổi bức tranh an ninh’ của khu vực đông và trung Âu
‘Để yên cho Ukraine’
Trong một bài phát biểu tại Viện Đại Tây Dương ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu Kremlin hãy ‘để yên cho Ukraine’ và cảnh báo: “Lãnh thổ Nato là bất khả xâm phạm và chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất.”
Moscow đã nói rằng họ không có ý định xâm lược miền đông Ukraine, nơi các tay súng thân Nga đã chiếm các trụ sở công quyền ở nhiều thành phố và thị trấn.
Tại Luhansk, một thành phố có 465.000 dân nằm cách biên giới với Nga chưa đến 30km, cho đến mới đây chỉ có trụ sở địa phương của Cơ quan An ninh Quốc gia là bị tấn công.
Tuy nhiên đến chiều thứ Ba ngày 29/4, hàng trăm người đã tập hợp bên ngoài trụ sở chính quyền địa phương yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý cho họ quyền tự trị lớn hơn.
“Lãnh thổ Nato là bất khả xâm phạm và chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất.” – Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Những người này hô to: “Nước Nga, Nước Nga.”
Một số đàn ông mang theo gậy gộc và thanh sắt đã đột nhập vào bên trong. Họ hạ quốc kỳ Ukraine trên mái và thay bằng lá cờ Nga và cờ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk.
Sau đó, đám đông những người thân Nga cũng chiếm giữ tòa nhà nơi đặt văn phòng công tố rồi tiến đến trụ sở lực lượng cảnh sát địa phương.
Nhiều giờ sau đó, một phóng viên của AFP cho biết các sỹ quan cảnh sát đã bỏ trụ sở và được đưa đi bằng xe buýt giữa những tiếng hô ‘Cút đi’ của đám đông đang tức giận.
Đám đông cũng tiến vào một đài truyền hình địa phương nhưng họ quyết định không chiếm giữ nó sau khi được cho phép có một chương trình phát sóng trực tiếp.
Sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Turchynov đã ra lệnh sa thải cảnh sát trưởng ở các thành phố Luhansk và Donetsk.
“Các cơ quan thực thi pháp luật hiện diện áp đảo như thế ở miền đông mà không thể hoàn thành trách nhiệm bảo vệ người dân,” ông nói.
Bác bỏ yêu sách
Hiện giờ những người thân Nga đã kiểm soát phần lớn khu vực Donetsk lân cận.
Miền đông Ukraine, nơi có đông đảo người nói tiếng Nga, là thành trì của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych trước khi ông bị lật đổ hồi tháng Hai.
Chính phủ lâm thời Ukraine đã báo bỏ yêu sách của những người biểu tình ở miền đông đòi quyền tự trị lớn hơn do lo sợ rằng điều này sẽ dẫn đến đất nước tan rã và nhiều khu vực sẽ bị sáp nhập vào Nga như đã từng xảy ra ở khu tự trị Crimea hồi tháng trước.
Trước đó, Liên minh châu Âu đã công bố danh sách của 15 quan chức Nga bị cấm đi lại và đóng băng tài sản.
Trong số này có người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự, một phó thủ tướng Nga cũng như các lãnh đạo ly khai ở Crimea, Luhansk và Donetsk.
Hôm 28/4, Hoa Kỳ cũng đã đưa thêm bảy cá nhân và 17 công ty của Nga và danh sách trừng phạt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng những biện pháp trừng phạt này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty phương Tây ở Nga.
“Nếu họ tiếp tục, đương nhiên chúng tôi sẽ phải nghĩ đến họ sẽ hoạt động như thế nào ở Liên bang Nga, bao gồm những khu vực then chốt của kinh tế Nga như năng lượng,” ông nói.
Ông Putin cũng cho biết Nga không hề có cố vấn quân sự hay lực lượng đặc biệt hay binh lính hoạt động ở Ukraine.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đến nay đã khiến nền kinh tế vốn đã yếu ớt của Nga ‘càng bị suy yếu nghiêm trọng’.