Tin khắp nơi – 06/03/2017
Cựu quan chức tình báo Mỹ bác bỏ cáo buộc ‘nghe lén’
Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ đã bác bỏ cáo buộc của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump về chuyện bị nghe lén trong chiến dịch tranh cử năm ngoái.
Ông James Clapper nói với chương trình “Meet the Press” của kênh truyền hình NBC hôm 5/3 rằng ông không không hay biết một lệnh nào của tòa án về việc theo dõi Tháp Trump ở New York.
“Không có hành động nghe lén nào đối với tổng thống, tổng thống đắc cử khi đó, hay khi ông làm ứng viên, hay đối với chiến dịch tranh cử của ông ấy”, ông Clapper nói.
Ông Trump hôm 4/3 cáo buộc cựu Tổng thống Barack Obama ra lệnh nghe lén tỷ phú bất động sản này, nhưng đương kim lãnh đạo Mỹ không đưa ra bằng chứng nào.
Một phát ngôn viên của ông Barack Obama sau đó đã lên tiếng bác bỏ. “Không ai, cả Tổng thống Obama hay bất kỳ quan chức Nhà Trắng nào, từng lệnh theo dõi bất kỳ công dân Mỹ nào. Mọi gợi ý trái ngược với điều đó đều sai trái”, ông Kevin Lewis nói trong một tuyên bố.
Trước đó, cựu cố vấn của ông Obama, Ben Rhodes, cũng mạnh mẽ phản bác cáo buộc của ông Trump.
“Không một tổng thống nào có thể ra lệnh thực hiện nghe lén. Những giới hạn đó hiện hữu để bảo vệ các công dân khỏi những người như ông đấy,” ông Rhodes viết trên Twitter.
Trong một đoạn tweet, ông Trump nói rằng việc nghe lén xảy ra tại Tháp Trump ở New York nhưng “không tìm thấy gì”.
Trong diễn biến mới nhất, hôm 5/3, Tổng thống Donald Trump yêu cầu các tiểu ban giám sát tình báo quốc hội điều tra xem liệu chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã lạm dụng quyền hạn điều tra hay không, trong vài tuần ngay trước cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái, khi điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử.
http://www.voatiengviet.com/a/cuu-quan-chuc-tinh-bao-my-bac-bo-cao-buoc-nghe-len-trump/3750551.html
Giám đốc FBI ‘bác’ cáo buộc Obama nghe lén
Giám đốc FBI James Comey bác cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4/3 rằng người tiền nhiệm Barack Obama nghe lén điện thoại của ông ta, truyền thông Mỹ cho hay.
Ông Comey được ghi nhận yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ bác cáo buộc ông Obama đã ra lệnh nghe lén điện thoại trong chiến dịch tranh cử năm ngoái.
Ông được cho là yêu cầu cải chính thông tin này vì nó ám chỉ rằng FBI phạm luật.
Động thái này được New York Times tường thuật và NBC xác nhận.
Bộ Tư pháp không đưa ra bất kỳ thông cáo nào về vụ việc.
TT Trump được yêu cầu đưa bằng chứng
Liên hệ Trump với Nga sẽ bị điều tra
Truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức nói rằng ông Comey tin là không có bằng chứng cho cáo buộc của ông Trump.
Tổng thống Trump không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc rằng điện thoại tại Trump Tower bị nghe lén hồi năm ngoái.
New York Times và NBC tường thuật vụ việc trong bối cảnh Nhà Trắng kêu gọi Quốc hội mở cuộc điều tra về việc liệu chính quyền Obama có lạm dụng quyền hạn.
Cả Quốc hội và FBI hiện đang điều tra mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump và giới chức Nga, sau khi các cơ quan tình báo Mỹ nhận định rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử để giúp ông Trump giành chiến thắng.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cho biết tin tức về điều tra khả năng động cơ chính trị ngay trước cuộc bầu cử năm 2016 là “rất đáng lo ngại”.
Thông cáo của Devin Nunes, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cho biết tổ chức này sẽ “điều tra về việc liệu chính phủ có tiến hành theo dõi bất kỳ quan chức tham gia hoặc người phát ngôn của chiến dịch tranh cử hay không”.
Thông cáo của Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr, người của đảng Cộng hòa, cho hay tổ chức này sẽ “theo đuổi các chứng cứ tới cùng”.
Ông Comey có mối quan hệ không suôn sẻ với ông Trump.
Tháng 7/2016, sau khi ông tuyên bố không tán đồng việc buộc tội hình sự đối với bà Hillary Clinton về việc dùng email, ông bị ông Trump bài bác.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39152177
Bắc Hàn phóng 4 phi đạn đạn đạo
SEOUL —
Bắc Triều Tiên sáng sớm thứ Hai 06/03 đã phóng bốn phi đạn đạn đạo. Ba trong số đó bay 1.000 kilômét trước khi rơi xuống biển cách đất liền của Nhật Bản khoảng 350 kilômét.
Các phi đạn Bắc Hàn vừa phóng hình như không phải phi đạn đạn đạo liên lục địa tầm xa, gọi tắt là ICBM.
Ông Roh Jae-chun, sĩ quan công vụ của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Triều Tiên, cho biết:
“Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đang phân tích kỹ các thông tin. Có rất ít khả năng đó là phi đạn đạn đạo liên lục địa tầm xa, nhưng mọi thông tin cần phải được phân tích và đánh giá chính xác hơn nữa.”
Hồi tháng 1, lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tỏ ý cho thấy nước ông sắp phóng thử phi đạn đạn đạo tầm xa. Trước khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã đáp lại lãnh tụ Kim trên Twitter rằng “điều đó sẽ không xảy ra,” hàm ý rằng Washington sẽ không để cho Bình Nhưỡng phát triển phi đạn đạn đạo tầm xa có khả năng phóng đến lục địa Hoa Kỳ.
Tăng tốc thử nghiệm phi đạn
Trong vòng một năm qua, Bắc Hàn đã tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo. Bình Nhưỡng đã phóng thử 25 phi đạn và hai lần thử nghiệm hạt nhân.
Quân đội Hàn Quốc cho hay các phi đạn hôm thứ Hai được phóng đi từ khu vực Tongchang-ri gần biên giới Trung Quốc. Hồi tháng 2 năm 2016 tại cơ sở vệ tinh Tongchang-ri ngay trong khu vực này, Bắc Hàn đã sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo liên lục địa tầm xa để phóng một vệ tinh vào không gian.
Các nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ trước đây nói rằng họ tin là Bắc Triều Tiên có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa tầm xa KN-08, mặc dù Bình Nhưỡng chưa thể hiện khả năng đó.
Quân đội Hoa Kỳ hôm Chủ nhật cho hay họ phát hiện và theo dõi điều mà theo phân tích của họ là một vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên, nhưng cũng nói thêm rằng vụ phóng đó không đe dọa đến Bắc Mỹ.
Các phi đạn được phóng hôm thứ Hai bay xa gấp đôi phi đạn đạn đạo tầm trung Musudan mà Bắc Triều Tiên phóng thử hồi tháng trước. Các giới chức Nhật Bản cho biết không có báo cáo thiệt hại nào xảy ra cho tàu bè hay máy bay trong khu vực các phi đạn của Bắc Hàn rơi xuống biển.
Phi đạn Musudan theo ước đoán có tầm bay xa tối đa là 3.000 kilômét, có nghĩa là phi đạn đó có thể phóng đến các mục tiêu trên đất liền của Nhật Bản cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam. Các thành phố lớn của Mỹ ở gần Bắc Hàn nhất là Anchorage cách xa 5.600 kilômét, Honolulu cách xa 7.000 kilômét và Seattle cách xa 7.900 kilômét.
Phản ứng của Mỹ và các đồng minh
Trung tá Martin O’Donnell, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ nói các lực lượng của Mỹ “tiếp tục cảnh giác cao trước những hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên và cam kết toàn diện hợp tác với hai đồng minh Nam Triều Tiên và Nhật Bản trong việc duy trì ổn định.”
Quyền phát ngôn viên Mark Toner của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên và yêu cầu các nước “tận dụng các kênh liên lạc và mọi ảnh hưởng có được để nói rõ với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên rằng hành động khiêu khích thêm nữa không được chấp nhận.”
“Chúng tôi cũng kêu gọi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên kiềm chế các hành động gây hấn và những phát biểu hung hãn đe dọa đến hòa bình và ổn định của thế giới, và hãy chọn cách đáp ứng nghĩa vụ quốc tế của họ và trở lại đàm phán nghiêm túc. Cam kết bảo vệ cho các đồng minh của chúng tôi, trong đó có Nam Triều Tiên và Nhật Bản, trước những đe dọa được kiên quyết giữ vững. Chúng tôi luôn sẵn sàng và sẽ tiếp tục có thêm những bước tăng cường, để tự vệ và bảo vệ cho các đồng minh, và chúng tôi chuẩn bị vận dụng mọi khả năng của chúng tôi để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng này.”
Sau khi họp với Hội đồng An ninh Quốc gia, Thủ tướng Hàn Quốc kiêm Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn lên án vụ thử nghiệm phi đạn.
Quyền Tổng thống Hwang nói:
“Chính phủ Nam Triều Tiên mạnh mẽ lên án việc Bắc Triều Tiên phóng phi đạn đạn đạo bất chấp những cảnh cáo liên tục của Nam Triều Tiên và cộng đồng quốc tế. Đó là một hành động thách thức cộng đồng quốc tế và là hành động khiêu kích trắng trợn.”
THAAD
Quyền tổng thống Hàn Quốc cũng nói rằng hành động không kiềm chế của Bắc Hàn thử nghiệm phi đạn đạn đạo cho thấy sự cần thiết phải nhanh chóng triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Mỹ, vốn đang gây nhiều tranh cãi, để làm lá chắn phòng vệ cho Nam Triều Tiên. Ông nói:
“Chúng tôi cần phải thiết đặt hệ thống phòng thủ này để chống lại mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên, và cần tích cực đặt ra các biện pháp hữu hiệu để tăng cường khả năng của Mỹ ngăn chặn các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.”
Dự định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đã bị Bắc Kinh mạnh mẽ phản đối vì sợ rằng hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ sẽ làm căng thẳng leo thang không cần thiết, và cũng sợ rằng hệ thống ra đa cực mạnh của THAAD có thể đề ra một mối đe dọa đối với Trung Quốc.
Tin cho hay Trung Quốc gia tăng các biện pháp trả đũa đối với Nam Triều Tiên bằng việc không chính thức giới hạn nhập khẩu và hoạt động du lịch của Hàn Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng lên án vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cấm chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Ông Abe nói rằng các phi đạn của Bắc Triều Tiên phóng hôm thứ Hai rơi xuống biển cách bán đảo Oga thuộc tỉnh Akita của Nhật Bản chỉ có 300 đến 350 kilômét cho thấy mối nguy hiểm đang tăng cao đối với Nhật Bản.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản nói: “Vụ phóng phi đạn này rõ ràng cho thấy Bắc Triều Tiên đề ra một mối đe dọa với mức độ mới, cao hơn.”
Nhật Bản dự định tăng cường khả năng phòng thủ phi đạn đạn đạo và đang tính đến việc mua hệ thống phòng thủ THAAD hoặc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn Aegis trên mặt đất. Hệ thống Aegis hiện được triển khai trên tàu chiến trong Biển Nhật Bản.
Thao dượt quân sự chung
Một hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên vào thời điểm này không phải là hoàn toàn bất ngờ. Bình Nhưỡng trước đây từng đe dọa sẽ có “biện pháp trả đũa mạnh mẽ” sau khi Mỹ và Hàn Quốc thao dượt quân sự chung hàng năm hồi tuần trước nhằm đánh giá khả năng sẵn sàng phòng vệ chống mối đe dọa tấn công của Bắc Triều Tiên.
Trong khi đó, nhóm cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump đang xem xét một loạt phương án quân sự để chống lại mối đe dọa phi đạn của Bình Nhưỡng. Tờ New York Times loan tin rằng các phương án đang được thảo luận, trong đó có phương án tấn công các địa điểm phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên bằng tên lửa và phương án vũ trang hạt nhân cho Nam Triều Tiên.
http://www.voatiengviet.com/a/bac-han-phong-4-phi-dan-dan-dao/3751428.html
Tổng thống Pháp tố cáo Nga tuyên truyền như Liên Xô
Chính quyền Nga sử dụng mọi phương thức để tác động lên công luận châu Âu kể cả biện pháp tuyên truyền của thời Liên Xô cũ. Trên đây là cảnh báo của tổng thống Pháp François Hollande trên báo chí châu Âu trong bối cảnh sắp bầu cử quan trọng tại Pháp và Đức.
Trong một bài phỏng vấn dành cho 6 nhật báo lớn của Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, và Ba Lan trong đó có nhật báo Pháp Le Monde, tổng thống Hollande nhấn mạnh : Nước Nga sử dụng mọi phương tiện để ảnh hưởng lên công luận quốc tế và không từ những biện pháp, phương pháp và kỹ thuật của thời Liên Xô cũ.
Theo phân tích của tổng thống Pháp, Nga tiến hành một « chiến lược gây ảnh hưởng, tạo mạng lưới tuyên truyền với những luận điểm bảo thủ về mặt luân lý cũng như chiêu bài bảo vệ giá trị Thiên Chúa Giáo chống lại đạo Hồi ».
Nga muốn gì ?
Mục tiêu của điện Kremlin là muốn có tiếng nói trên trường quốc tế, muốn trắc nghiệm khả năng đề kháng của Tây Phương, muốn tham gia giải quyết tranh chấp như một đại cường và buộc mọi người phải nghiêng theo quyền lợi của Nga.
Theo tổng thống Pháp, Tây Phương không nên lo sợ mà phải cảnh giác. Cảnh giác « lột mặt nạ những chiến dịch tuyên truyền ý thức hệ, tố cáo ai nhận tiền và nhận tiền của ai ? ». Cũng theo tổng thống Hollande, cần phải tìm hiểu tại sao các tổ chức cực hữu kỳ thị lại có « quan hệ » ít nhiều với Nga ?
Trong một cuộc họp với Hội Đồng Quốc Phòng tại điện Elysée, tổng thống Pháp cũng đã yêu cầu ngăn chận mọi hành động « gây nhiễu » bầu cử tổng thống Pháp trong khi bộ Ngoại Giao nhiều lần cảnh báo nguy cơ Nga « can thiệp ».
http://vi.rfi.fr/phap/20170306-phap-nga-tong-thong-hollande-len-an-matxcova-tuyen-truyen-nhu-lien-xo
Bắc Hàn tuyên bố sẽ trục xuất đại sứ Malaysia
Bas du formulaire
Đại sứ Bắc Hàn tiếp tục lên án Malaysia trước khi về Bình Nhưỡng
Bắc Hàn tuyên bố cho đại sứ Malaysia 48 tiếng đồng hồ để rời nước này, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng quanh vụ ám sát Kim Jong-nam.
Trước đó Malaysia đã trục xuất đại sứ Bắc Hàn sau khi ông này có phát ngôn nghi ngờ cuộc điều tra về cái chết của ông Kim mà Malaysia thực hiện.
Các quan chức cao cấp chính phủ Malaysia cho hay ông Kang Chol, Đại sứ Bắc Hàn tại Kuala Lumpur, đã rời Malaysia lúc 18.25 giờ địa phương, (10.25 giờ GMT) hôm nay ngày 6/3 trên chuyến bay MH360 đi Bắc Kinh, hãng tin AFP cho hay.
Phát biểu với báo giới từ Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur trước khi rời Malaysia, ông Kang Chol tiếp tục chỉ trích cuộc khám nghiệm tử thi ông Kim Jong-nam của cảnh sát Malaysia.
Hôm thứ Bảy 4/3, chính phủ Malaysia cho ông Kang thời hạn 48 giờ để rời nước này sau khi ông không chịu xin lỗi. Ông Kang đã nhiều lần chỉ trích cuộc điều tra vụ ám sát ông Kim Jong-nam của phía Malaysia. Malaysia nói ông Kim đã bị đầu độc bằng chất độc gây chết người VX.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói với báo giới rằng đại sứ Kang Chol “thô lỗ về mặt ngoại giao”.
“Đáng ra họ phải xin lỗi. Dựa trên nguyên tắc, chúng tôi đã tuyên bố ông ta là người không được hoan nghênh, ” ông Najib phát biểu tại Quốc hội Malaysia.
“Điều này có nghĩa là chúng tôi có lập trường vững chắc về danh dự của chúng tôi…Không một ai có thể làm hạ uy tín hay phá chúng tôi theo ý họ,” ông nói.
Bắc Hàn lên án Malaysia vì vụ Kim Jong-nam
Hai quốc gia đã có quan hệ thân thiết từ những năm 1970. Cho đến tuần trước, Malaysia là một trong số ít nước mà người Bắc Hàn có thể tới mà không cần xin visa. Nhưng Malaysia giờ đã phủ quyết đặc quyền này.
Quan hệ Malaysia và Bắc Hàn đang được thử thách vì những bất đồng xung quanh cái chết của ông Kim Jong-Nam, bắt đầu bùng nổ khi cảnh sát Malaysia từ chối giao thi thể của ông Kim cho Bắc Hàn.
Bắc Hàn đã khẳng định danh tính của người đàn ông bị ám sát ở sân bay Kuala Lumpur, nhưng liên tiếp lên án cuộc điều tra của phía Malaysia và cáo buộc Malaysia đã liên kết với kẻ thù của Bắc Hàn.
Kể từ khi có lệnh trục xuất ông Kang, sứ quán Bắc Hàn đã im lặng và ông đã không xuất hiện trước công chúng.
Trước khi rời Malaysia, ông Kang Chol ra một ‘đòn cuối’ với chính phủ Malaysia. Phát biểu từ Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, ông nói cuộc khám nghiệm tử thi là “điều tra đã có mục đích trước của cảnh sát Malaysia.”
“Họ tiến hành khám nghiệm tử thi khi không có sự chấp thuận và chứng kiến của sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều tiên và sau đó đã bắt giữ công dân của CHDCNH Triều Tiên mà không có bằng chứng là người này có liên quan đến vụ việc,” ông nói thêm.
“Tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về những biện pháp cực hữu của chính phủ Malaysia, làm tổn hại lớn đến quan hệ song phương hai nước,” ông nói thêm.
Trong một diễn biến khác, Malaysia đã cấm đội bóng đá nữ của họ tham gia trận đấu vòng loại Asian Cup tại Bình Nhưỡng với lý do không đảm bảo anh ninh, giới chức cho hay hôm 6/3.
“Quyết định trục xuất đại sứ Bắc Hàn, ông Kang Chol, hôm thứ bảy, có lẽ làm cho việc công dân Malaysia đến Bắc Hàn không an toàn ở thời điểm này”, trưởng liên đoàn bóng đá Hamidin Mohamad Ail nói trong một thông cáo.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39179634
Kinh tế Trung Quốc :
Tập Cận Bình nói một đàng, làm một nẻo
Sau bốn năm cầm quyền, hàng loạt các chương trình cải tổ được ông Tập Cận Bình đề xuất để đưa Trung Quốc thành một nền kinh tế tự do, tôn trọng luật chơi của thị trường vẫn dậm chân tại chỗ. Mọi người còn chờ đợi những biện pháp cụ thể chẳng hạn như hứa hẹn cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước. Chính bản thân chủ tịch Trung Quốc đã “giảm tốc độ” cải cách vì sợ bất ổn.
Trên đây là nhận định của một số các chuyên gia được nhật báo Le Figaro số ra ngày cuối tuần (04/03/2017) trích dẫn.
Khai mạc Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo trước những nguy cơ Trung Quốc phải “đối mặt với tình hình phức tạp và khó khăn” và Bắc Kinh cần tiếp tục đẩy mạnh cải tổ trong bối cảnh “các xu hướng bảo hộ và chống toàn cầu hóa” ngày càng lan rộng. Trước đó một ngày, lãnh đạo số 1 ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình trong khuôn khổ Hội Nghị Chính Hiệp đã khẳng định là “Trung Quốc nỗ lực cải tổ về chất lượng và tính hiệu quả của nền kinh tế nước nhà, đẩy mạnh các biện pháp cải tổ về cơ cấu từ phía các doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhiều chuyên gia về Trung Quốc, dường như ông Tập Cận Bình chỉ chú trọng vào việc củng cố quyền lực và thiếu thiện chí trước mục tiêu cải cách kinh tế. Điển hình là từ 2013 tới nay, hàng loạt các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc làm ăn thua lỗ, sản xuất dư thừa vẫn sống sót nhờ được trợ cấp chủa chính phủ.
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan, giảng dậy tại đại học Hồng Kông, thậm chí còn cho rằng chính ông Tập Cận Bình đã “ hãm phanh” những biện pháp cải tổ mà ông không còn muốn thực hiện. Bắc Kinh không dám đóng cửa những nhà máy quốc doanh thua lỗ, mà giới chuyên gia thường gọi là những con “vịt què” của guồng máy sản xuất nước này.
Cũng ông Tập không thực sự mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty ngoại quốc như những gì ông từng mạnh mẽ cam kết trên các diễn đàn quốc tế.
Trong mắt giáo sư Cabestan, mục tiêu của chủ tịch Trung Quốc vẫn là “bảo vệ Đảng Cộng Sản và vai trò độc quyền” của tổ chức này trong nhiều lĩnh vực chiến lược, từ tài chính ngân hàng đến năng lượng.
Chuyên gia về chính trị học, Lâm Hòa Lập (Willy Lam), cũng thuộc đại học Hồng Kông, lưu ý rằng, dưới nhãn quan của Tập Cận Bình chế độ “Liên Xô sở dĩ đã sụp đổ do các hoạt động kinh tế vượt khỏi tầm kiểm soát của Đảng”.
Ông Tập Cận Bình sợ rằng, khai tử các doanh nghiệp Nhà nước, hàng trăm triệu cán bộ công nhân viên bị thất nghiệp, làm dấy lên nguy cơ bất ổn trong xã hội.
“Trong bốn năm, Tập Cận Bình củng cố thế lực nhanh hơn người tiền nhiệm”
Lo sợ bất ổn trong xã hội và chính trị của chủ tịch Tập Cận Bình lớn đến nỗi, gần như đã trở thành một “ ám ảnh ”. Cuối tháng 1/2017 Bắc Kinh đã ra lệnh đóng cửa trang mạng internet của nhóm chuyên gia đặt dưới sự điều hành của giáo sư kinh tế rất có uy tín trên thế giới, Mao Vu Thức (Mao Yushi). Nhà trí thức này đã mạnh dạn ví von : một chế độ độc đảng là “con mối đục khoét tài sản quốc gia”. Toàn bộ tài khoản internet, trang mạng xã hội cá nhân với 2,7 triệu “follower” của giáo sự họ Mao bị đóng cửa.
Một dấu ấn khác của ông Tập Cận Bình trong bốn năm cầm quyền vừa qua được nhà sử học độc lập của Trung Quốc, Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) ghi nhận đó là trong vỏ vẹn 4 năm, ông đã thực sự gây dựng được một đội ngũ trung thành, mà tác giả họ Chương gọi là “quân lính của ông Tập”. Trong 4 năm, Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực nhanh hơn cả những gì mà người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào đã làm trong suốt 10 năm lãnh đạo đất nước.
Từ 2013 tới nay chủ tịch Trung Quốc đã gài người thân tín vào những chức vị then chốt trong guồng máy lãnh đạo ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Chỉ riêng về kinh tế, thì từ cơ quan đặc trách về chính sách kế hoạch hóa ở thành phố Hạ Môn cho đến bộ Thương Mại đều trong tay những cộng tác viên cũ của ông Tập Cận Bình.
Có điều, như kết luận của phóng viên báo Le Figaro Cyrille Pluyette tại Bắc Kinh, chiến lược gài người thân tín vào những tổ chức then chốt trong chính quyền, thanh trừng tất cả những tiếng nói đối lập để chuẩn bị cho Đại Hội Đảng lần thứ 19 vào năm tới mà Tập Cận Bình miệt mài theo đuổi chứng tỏ rằng, có lẽ Đảng Cộng Sản Trung Quốc lo sợ trước uy tín của phong trào cải tổ hơn là dưới thời ông Hồ Cẩm Đào. Đó là một trong những yếu tố giải thích vì sao, những hứa hẹn cải tổ được đưa ra từ năm 2013 tới nay vẫn còn bế tắc.
Trump cho mở điều tra việc Obama “nghe lén”
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi cáo buộc ông Barack Obama nghe lén, hôm Chủ nhật 05/03/2017, đã dấn thêm một bước bằng cách ra lệnh mở điều tra tại Quốc hội. Tuy nhiên mọi người đều tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của sự kiện này. Trong khi đó các vụ tội phạm và bạo động kỳ thị chủng tộc tăng cao tại nước Mỹ trong những tuần lễ gần đây.
Theo New York Times, giám đốc FBI James Comay đã có hành động hiếm thấy là yêu cầu bộ Tư Pháp công khai cải chính các cáo buộc « không hề dựa trên một chứng cớ nào ». Trước đó, ông James Clapper, người đứng đầu ngành tình báo Hoa Kỳ (DNI) dưới thời Barack Obama cũng khẳng định cả 17 cơ quan tình báo Mỹ « không hề nghe lén Donald Trump ».
Những ngày gần đây, lại có thêm một nghĩa trang Do Thái thứ ba bị phá hoại, một người Sikh bị bắn ngay trên đường phố…Trong bối cảnh đó, tuần này ông Donald Trump sẽ ra một sắc lệnh mới có sửa chữa, ngăn cản công dân nhiều nước Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Một biện pháp đang gây chia rẽ nước Mỹ và làm tăng thêm căng thẳng trong xã hội.
Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier tường trình :
« Không khí thù hận đã được tạo ra không loại trừ một ai ». Một đại diện của cộng đồng người Sikh đã phát biểu như trên sau vụ một đồng hương bị tấn công bằng súng, cho thấy cảm tưởng này ngày càng lan rộng tại Hoa Kỳ.
Hầu như mỗi ngày, tin tức từ khắp nơi trên mọi miền đất nước đều cho thấy những hành động kỳ thị nặng nề, nhắm vào bất kỳ ai. Chẳng hạn đây là lần thứ hai xảy ra một sự kiện bi thảm đối với một công dân gốc Ấn : cách đây vài ngày một người Ấn Độ đã bị giết chết vì hung thủ ngỡ rằng nạn nhân là một người Hồi giáo. Người Do Thái cũng bị đặc biệt nhắm đến : hàng trăm ngôi mộ tại ba nghĩa trang đã bị phá hoại, và các vụ báo động tăng cao tại các trường học và cơ sở cộng đồng ở 36/50 tiểu bang.
Cho dù mỗi vụ tấn công hoặc phỉ báng đều khác nhau, không phải do cùng một loại thủ phạm gây ra, nhưng vấn đề là việc tranh cử của Donald Trump đã mang lại sân chơi chưa từng có cho những người da trắng kỳ thị. Lần đầu tiên, các nhóm cực đoan đã chính thức ủng hộ một ứng viên Cộng Hòa, và hiện nay tại Nhà Trắng, ông Trump cũng chưa hề vội vã lên án các hành động kỳ thị chủng tộc. Ngược lại, những tuyên bố luôn nảy lửa của ông Trump, chủ yếu chống lại người gốc Mỹ la-tinh hay người da đen, thường xuyên gây tranh cãi ».
Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống Erdogan chụp mũ Đức là “phát xít”
Căng thẳng gia tăng giữa Ankara và nhiều quốc gia châu Âu. Bực tức vì hai cuộc mít-tinh tuyên truyền cổ vũ cho cuộc trưng cầu dân ý trao hết quyền lực cho tổng thống bị hủy bỏ tại Đức, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đồng hóa chính phủ Angela Merkel với chế độ Quốc Xã của Hitler.
Quyết định hủy bỏ hai cuộc mít-tinh ủng hộ ông Erdogan, hôm thứ năm và thứ sáu, không thuộc thẩm quyền chính phủ liên bang mà tùy thuộc vào chính quyền địa phương trong bối cảnh khủng bố đe dọa, theo giải thích của Berlin nhưng ông Erdogan bất chấp.
Lời tuyên bố thô bạo của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gây bất bình tại châu Âu.
Từ Istanbul, thông tín viên Alexandre Billette phân tích :
” Hôm thứ bảy , Đức và Thổ Nhĩ Kỳ có động thái sưởi ấm quan hệ một cách giả vờ. Cuộc điện đàm giữa thủ tướng Angela Merkel và thủ tướng Binali Yildirim được xem là « xây dựng ». Ngoại trưởng hai nước cũng loan báo sẽ gặp nhau vào thứ tư 08/03.
Thế rồi, qua hôm sau,chủ nhật, những lời nói nhã nhặn đã bay đi. Trong một cuộc mít-tinh tại Istanbul, tổng thống Erdogan tuyên bố : ‘ không ngờ chính quyền Đức hành xử không khác chi chế độ phát-xít’.
Chưa bao giờ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra những lời chỉ trích quá trớn như thế. Thay vì hoà dịu với Đức, ông làm cho tranh cãi tăng thêm và lan rộng ra. Chính quyền Hà Lan đã chống lại cuộc vận động ủng hộ dự thảo Hiến pháp tăng cường quyền lực cho tổng thống Erdogan trong cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ dự trù tại thành phố Rotterdam.
Từ nay, đến lượt thủ tướng Áo kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu cấm mọi hình thức vận động trưng cầu dân ý cho Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Âu. “
Giám đốc hải quan Ukraina ra tòa vì tham nhũng
Tại Ukraina, vào cuối tuần qua giám đốc thuế quan đã ra tòa tại Kiev vì tội biển thủ 75 triệu đô la. Đây là quan chức cao cấp đầu tiên nằm trong tầm ngắm của Cơ quan chống tham nhũng quốc gia, và vụ án này đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của nền tư pháp độc lập Ukraina.
Từ Kiev, thông tín viên RFI Stéphane Siohan tường trình :
« Roman Nasirov, giám đốc hải quan Ukraina nhiều tai tiếng, bị nghi ngờ đã biển thủ công quỹ và phá hoại những cải cách trong cơ quan thuế vụ. Không ai ngạc nhiên khi nhân vật thân cận với tổng thống Petro Porochenko bị Cơ quan chống tham nhũng quốc gia ra lệnh bắt giữ. Đây là định chế độc lập duy nhất được khai sinh sau cuộc cách mạng Maidan.
Vụ án này liên quan đến 75 triệu đô la đã bị bốc hơi trong các hợp đồng khí đốt, và ông Nasirov sẽ phải trả lời các thẩm phán trong thời hạn 72 giờ. Tuy nhiên những người thân của quan chức này khẳng định ông ta bị lên cơn đau tim, và khi Nasirov bị điệu ra tòa hôm thứ Bảy trên giường bệnh, khán giả truyền hình đã khám phá tài nghệ đóng kịch của ông. Không có thẩm phán nào đến chất vấn nghi can, và xã hội dân sự nhanh chóng cảm thấy chính quyền muốn bóp nghẹt vụ này.
Thế nên các nhà đấu tranh Maidan tối qua đã xuống đường để ngăn trở khả năng bị cáo trong vụ án điển hình này được tòa trả tự do – có nghĩa là kết liễu nền tư pháp độc lập chống tham nhũng ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170306-giam-doc-hai-quan-ukraina-ra-toa-vi-tham-nhung
Thượng đỉnh thu hẹp bàn về tương lai châu Âu
Tổng thống Pháp François Hollande tối nay 06/03/2017 gặp gỡ lãnh đạo ba nước lớn châu Âu Đức, Ý và Tây Ban Nha tại lâu đài Versailles. Hội nghị thượng đỉnh bốn bên diễn ra sau khi công bố Sách Trắng của Ủy ban Châu Âu, và trước dịp kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Roma, nhằm đưa ra thông điệp đoàn kết và tin tưởng đối với tương lai châu Âu.
Đặc phái viên RFI Tudor Tépénéag cho biết thêm chi tiết :
« Tương lai nào cho Liên Hiệp Châu Âu (EU), trong bối cảnh Brexit và xu hướng dân túy đang lên cao trên thế giới ? Các nhà lãnh đạo bốn quốc gia đông dân nhất châu Âu phải tự vấn về vấn đề này nhân hội nghị thượng đỉnh Versailles, và còn phải vạch ra các đường hướng cho động lực mới của châu Âu. Đây không phải là chỉ đạo, vì các nước khác trong 27 quốc gia EU cũng đã hoặc sẽ phát biểu về tương lai của Liên Hiệp. Chủ yếu là phác họa các phương pháp làm việc và phát đi thông điệp cam kết cho tương lai châu Âu.
Liệu sắp tới sẽ tiến đến một châu Âu với nhiều tốc độ, nói cách khác là hướng về một sự hội nhập khác nhau trong số 27 nước ? Paris và Berlin ủng hộ kịch bản thứ ba trong số năm kịch bản mà Ủy ban Châu Âu vừa nêu ra trong Sách Trắng. Ưu điểm của giải pháp này là giúp tiếp tục hội nhập những quốc gia mong muốn, mà không cần huy động cử tri mỗi nước đi bỏ phiếu về các hiệp ước mới. Cụ thể là tiến gần đến một châu Âu thống nhất về quốc phòng, đồng thời có những tiến triển trong lãnh vực kinh tế và xã hội ».
http://vi.rfi.fr/phap/20170306-thuong-dinh-mini-o-phap-ban-ve-tuong-lai-chau-au