Biểu tình đòi Formosa rút khỏi Việt Nam

Cac Bai Khac

No sub-categories

Biểu tình đòi Formosa rút khỏi Việt Nam

RFA – Chân Như
05/03/2017

Người biểu tình phản đối Formosa bị bắt lôi đi ở Sài Gòn hôm 05/03/2017. Hình thính giả gửi RFA 

Đáp ứng lời kêu gọi đồng loạt biểu tình phản đối Formosa, sáng Chủ Nhật 05/03/2017 người dân Việt Nam tại nhiều nơi đã xuống đường tuần hành, với các khẩu hiệu yêu cầu Formosa rút khỏi Việt Nam.
Tại Nghệ An, tin cho hay hàng ngàn tín hữu Công giáo thuộc hai xứ Phú Yên và Mành Sơn ngay từ sáng đã tuần hành bằng xe máy sang hiệp thông với đồng đạo tại xứ Song Ngọc. Linh mục Đặng Hữu Nam cho Đài Á Châu Tự Do biết:
“Sáng nay sang đến Song Ngọc chúng tôi dâng lễ hiệp thông cầu nguyện cho công lý hoà bình. Sau thánh lễ chúng tôi xuống đường tập trung tại xã Quỳnh Ngọc độ hơn 5.000 người, biểu tình kêu gọi Fornosa cút khỏi Việt Nam. Sau đó chúng tôi chia tay nhau và về đến nhà cách đây khoảng 5 phút. Trên đường đi cũng có rất nhiều an ninh sắc phục cơ động an ninh chìm nhưng không cản trở”.
Cũng trong sáng Chủ nhật, gần 1.000 người dân giáo xứ Đông Yên tại Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh tập trung trước cổng nhà máy gang thép Formosa, yêu cầu công ty Formosa rút khỏi việt Nam. Một phụ nữ tham dự cuộc tuần hành chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại:
“Bà con tự giác và lời kêu gọi toàn nước phải đứng dậy ngày 5/3 nên bà con thúc giục nhau đứng dậy. Hiện tại bà con đang ở giữa cổng công ty Formosa và bà con đang đọc kinh và cầu nguyện. An ninh không đàn áp, công an xã thì rải rác, còn cơ động thì đứng trong công ty còn dân ở phía ngoài”.
Tại Sài Gòn vào lúc 7:45 sáng khoảng gần 200 người chia thành nhiều nhóm đã có mặt trước khuôn viên Nhà thờ Đức Bà. Một nhóm chừng vài chục người hô to những khẩu hiệu yêu cầu Formosa cút khỏi Việt Nam, sau đó đã bị giải tán ngay lập tức bởi an ninh và cảnh sát chìm. Một số người tiếp tục biểu tình bằng cách ngồi xuống và hô tô bằng tiếng Anh ‘Formosa gets out’ và hát bài ‘Trả lại đây’.
Lực lượng chức năng dùng loa phóng thanh kêu gọi mọi người giải tán. Cuộc biểu tình diễn ra ngắn ngủi vì bị đàn áp. Một số người bị bắt đưa lên xe và các nhóm tham gia bị giải tán. Một bạn trẻ có mặt tại chỗ cho biết:
“Nhóm bên em họ bắt khoảng 20 nguòi đưa lên xe buýt, họ đàn áp rất dã man”. 
Tại Biên Hoà, Đồng Nai cũng có một số nhóm xuống đường với khẩu hiệu kêu gọi đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam.
Trong khi đó tại Hà Nội, nhiều nhà tranh đấu bị an ninh chốt chặn không cho ra khỏi nhà. Blogger Nguyễn Tường Thụy cho biết ông cũng dự định xuống đường nhưng bị an ninh ngăn chặn ngay từ rất sớm:
“Nó chặn không biết từ bao giờ. Sáng nay ra nó đứng đầy ở đấy, chú định xuống đường nhưng canh thì sao đi được”.
Tình trạng ngăn chặn cũng xảy ra ở Sài Gòn. Tin ghi nhận lực lượng cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông được triển khai rất đông, ngăn chận các ngã đường vào trung tâm thành phố, khiến một số người muốn tham gia biểu tình nhưng không thể vào được.———

Biểu tình hôm 5/3 ‘không như mong đợi’
SourceBBC  Posted on: 2017-03-05
Bên ngoài công ty Formosa sáng 5/3 

Linh mục được cho là phát động cuộc biểu tình toàn quốc hôm 5/3 nói với BBC về “hiệu ứng không như mong đợi” trong lúc một nhà hoạt động nói ông không đồng tình vì “những lời kêu gọi vu vơ”.
Sáng 5/3, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy biểu tình diễn ra tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Vinh, TP Hồ Chí Minh…
Trước đó, trên mạng xã hội có lời kêu gọi biểu tình mọi Chủ Nhật và ngày nghỉ suốt năm 2017, bắt đầu từ hôm 5/3/2017 được cho là phát xuất từ Linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý, một cựu tù nhân chính trị.
Nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam nói với BBC: “Cuộc biểu tình yêu cầu đóng cửa Formosa diễn ra sáng 5/3 tại khu vực Nhà thờ Đức Bà, quận 1, TP Hồ Chí Minh được khoảng 10 phút thì bị chính quyền can thiệp.”
“Khoảng 100 người tham gia sự kiện này.”
“Họ cầm biểu ngữ và hô vang những khẩu hiệu: “Formosa cút khỏi Việt Nam, Yêu cầu đóng cửa nhà máy Formosa…”
“Tôi chứng kiến những người bị bắt lên xe buýt, đưa đi.”
Còn tại Hà Tĩnh, nhà hoạt động Paulus Lê Văn Sơn cho biết: “Đến 11:20, người dân vẫn đang tọa kháng tại trước cổng công ty Formosa. An ninh, công an, cảnh sát cơ động được bố trí dày đặc và khắp nơi.”
Cũng có ý kiến trên mạng xã hội hôm 5/3 về việc xuất hiện một số hình ảnh, clip biểu tình được cho là đã diễn ra hồi năm ngoái và được đăng tải lại nhằm “gây nhiễu thông tin”.
‘Vấn đề tế nhị’
Hôm 5/3, trả lời BBC từ Nhà Hưu dưỡng Tổng Giáo phận Huế, Linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý nói: “Tôi xác nhận mình là người thay mặt cho Tập Hợp Quốc Dân Việt kêu gọi biểu tình ôn hòa đồng loạt toàn quốc mỗi Chủ nhật từ hôm 5/3.”
“Vì một số vấn đề tế nhị nên tổ chức này tạm thời ẩn danh, chưa thể ra mặt.”
“Nhưng tôi không phải là người điều hành khối người này.”
“Bản thân tôi hôm nay cũng không tham dự biểu tình được do đã bị chặn lại, không cho ra khỏi sân Nhà Hưu dưỡng từ hôm qua.”

tình tại Nghệ An hôm 5/3 

“Chính quyền cho người chặn xe, giật cờ ngũ sắc, biểu ngữ chống Trung Quốc và có hai viên công an đến ‘thăm’ tôi từ 6:00 đến 12:00 hôm nay tại Nhà Hưu dưỡng.”

Linh mục cũng nói thêm: “Có thể hôm nay cuộc biểu tình không diễn ra đông đảo như mong đợi nhưng dân tộc Việt Nam không còn lựa chọn nào khác.”
“Dù thất bại, khó khăn bước đầu nhưng tôi rằng những cuộc biểu tình lần tới sẽ tập hợp người dân trên toàn quốc đông hơn.”
‘Dối trá có chủ đích’
Cùng ngày, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói: “Tôi tôn trọng quyền biểu tình của tất cả mọi người nhưng không đồng tình với lời kêu gọi biểu tình vu vơ từ hôm 5/3 từ những người ẩn mặt, mượn lời cha Lý đưa ra.”
“Là một người từng gánh chịu đàn áp, bắt bớ do đi biểu tình, tôi thấy biểu tình ở Việt Nam rất phức tạp.”
“Nếu không có người tổ chức công khai chịu trách nhiệm, không có kế hoạch rõ ràng thì những người tham gia có nguy cơ không được bảo vệ khi bị hành hung, câu lưu.”
“Tôi cũng không chấp nhận ai đó sử dụng phong trào đấu tranh cho những lợi ích đằng sau của những nhóm nào đó.”
“Nếu ai đó nói những giáo dân miền Trung biểu tình hôm nay là làm theo lời kêu gọi biểu tình nêu trên thì đó là sự nhập nhằng, đánh đồng.”
“Do biểu tình là công việc thường xuyên của giáo dân và họ không cần ai kêu gọi.”
“Còn về việc một số hình ảnh, clip biểu tình cũ xuất hiện trong ngày 5/3, theo tôi đấy là sự dối trá có chủ đích.”
“Những người làm việc này hẳn muốn lừa dối đám đông, khiến người ta mất niềm tin vào phong trào đấu tranh.”
“Dù sao thì tôi vẫn tin rằng qua sự việc đáng tiếc hôm nay, người dân sẽ rút ra kinh nghiệm cho những lần biểu tình về sau.”———