Tin Việt Nam – 02/03/2016
Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam
phản đối lệnh cấm của Trung Quốc
Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam hôm 2 tháng 3 ra tuyên bố phản đối quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông từ ngày 1 tháng 5 đến 16 tháng 8 do Trung Quốc đưa ra hôm 27 tháng 2 vừa qua.
Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam khẳng định quyết định đơn phương của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đốivới quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, khiến tình hình biển Đông tiếp tục trở nên phức tạp.
Nghiệp đoàn cũng cho biết lệnh cấm đánh bắt cá gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam. Nghiệp đoàn kêu gọi ngư dân và đoàn viên Nghiệp đoàn tiếp tục ra khơi bám biển, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong đánh bắt thủy sản, tỉnh táo, kiên trì đấu tranh, tránh xung đột để không làm gia tăng căng thẳng trên các ngư trường truyền thống.
Vào ngày 28 tháng 2, phát ngôn nhân Việt Nam cũng lên tiếng phản đối, bác bỏ lệnh do phía Trung Quốc đưa ra như vừa nêu.
Kể từ năm 1999, Trung Quốc bắt đầu ban hành lệnh cấm đánh bắt cá thường niên tại khu vực Biển Đông. Nhiều ngư dân Việt bị phía Trung Quốc tấn công, bắt bớ, phá hoại ngư lưới cụ, tịch thu hải sản và thậm chí bị đâm tàu khi hành nghề trong thời gian có lệnh cấm như thế.
Ngoại Giao, Tư Pháp chưa trả lời cử luật sư cho Đoàn Thị Hương
Một số luật sư mới đây đề xuất với Liên đoàn Luật sư Việt Nam rằng họ sẵn sàng tình nguyện đi Malaysia để trợ giúp pháp lý cho cô Đoàn Thị Hương, nghi can trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam hồi giữa tháng 2 gây chấn động thế giới.
Tin tức trên báo chí trong nước cho hay Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản gửi hai bộ ngoại giao và tư pháp về vấn đề này.
Luật sư Hoàng Ngọc Giao từ Hà Nội đã xác nhận với VOA hôm 2/3 về nỗ lực kể trên. Ông cho biết đến chiều tối cùng ngày chưa có câu trả lời từ hai bộ:
“Cho đến giờ phút này vẫn là câu chuyện dừng lại ở việc là đang chờ ý kiến cuối cùng của Bộ Ngoại giao cũng như Bộ Tư pháp và chúng tôi cũng đang chờ đợi ý kiến này”.
Một luật sư khác, ông Trần Vũ Hải, bổ sung thông tin cho VOA về cuộc trao đổi giữa Bộ Ngoại giao và Liên đoàn Luật sư:
“Bộ Ngoại giao nói rằng Bộ Ngoại giao sẽ cố gắng và thực ra đang làm tốt công tác bảo hộ công dân. Tuy nhiên các luật sư Việt Nam mà tình nguyện hỗ trợ thì họ sẽ xem xét các điều khoản và các quy định, tất nhiên là cả các quy định luật pháp của Malaysia như thế nào và họ trả lời sau”.
Từ khi công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương bị bắt, đã có nhiều đánh giá từ công chúng rằng nhà chức trách Việt Nam hành động “chậm chạp”, “ít ỏi” trong việc bảo hộ công dân cũng như công bố thông tin liên quan.
Người phụ nữ 29 tuổi, quê Nam Định, đang phải đi qua các thủ tục tố tụng do cô đã đóng vai trò trong vụ ám sát anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên tại sân bay Kuala Lumpur của Malaysia.
Hôm 1/3, Hương đã ra tòa địa phương Sepang chỉ để nghe cáo trạng, theo đó cô đối mặt với án tử hình nếu bị kết tội giết người. Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã có mặt tại phiên tòa. Hiện có một luật sư do Malaysia chỉ định để bào chữa cho cô.
Trong khi đó, một nữ nghi phạm khác cùng tham gia vụ ám sát với Hương là cô Siti Aisyah, người Indonesia, được đại sứ quán của nước cô cung cấp 5 luật sư.
Sự thiếu vắng những động thái chính thức và nhanh chóng của nhà chức trách Việt Nam về bảo hộ công dân đã dẫn đến việc một số nhân vật trong giới trí thức lên tiếng sẵn sàng hành động tình nguyện để bảo vệ lợi ích của Đoàn Thị Hương.
Nhưng cũng có những ý kiến e dè rằng các luật sư Việt Nam có thể gặp những trở ngại về ngôn ngữ hay kiến thức về luật pháp của nước sở tại. Luật sư Hoàng Ngọc Giao nói ông tin tưởng cá nhân ông và các luật sư khác hoàn toàn đủ năng lực làm việc cho trường hợp này.
Nếu được nhà chức trách bật đèn xanh cho việc đi Malaysia, ông Giao, người cũng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, nói về mục tiêu trước mắt:
“Chúng tôi sẽ trợ giúp pháp lý, tìm hiểu thông tin, và cũng có thể có những ý kiến quyết định để trao đổi với luật sư của phía Malaysia. Theo nguyên tắc lãnh thổ trong tài phán hình sự, luật sư nước ngoài không có quyền tham gia trực tiếp tranh tụng ở phiên tòa. Tuy nhiên việc tham khảo ý kiến cũng như đưa ra những ý kiến tư vấn cùng với luật sư Malaysia thì việc này hoàn toàn có thể làm được”.
Theo thông tin mới nhất VOA có được, trong ngày 2/3, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã gặp gia đình Đoàn Thị Hương và hướng dẫn gia đình về việc hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương theo luật Malaysia và thông lệ quốc tế.
Cục đã thông báo cho gia đình cô Hương về việc thăm lãnh sự và sức khỏe của cô. Tin cho hay Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đang tiếp tục “triển khai các biện pháp bảo hộ công dân” để bảo đảm tiến trình tố tụng diễn ra “công bằng, khách quan, không phân biệt đối xử”, cũng như “đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam”.
Về cuộc gặp giữa Bộ Ngoại giao và gia đình Đoàn Thị Hương, luật sư Trần Vũ Hải cho VOA biết:
“Chưa rõ Bộ Ngoại giao hứa hẹn như thế nào với Đoàn Thị Hương là có giúp đỡ hay không và giúp đỡ như thế nào. Cụ thể là có thuê luật sư hay không, và gia đình trả hay nhà nước hỗ trợ hay cách nào đó? Tôi nghĩ rằng việc nhà nước giúp toàn bộ cũng là việc khó trong hoàn cảnh kinh phí còn eo hẹp như hiện nay”.
Bàn về hướng bào chữa cho Đoàn Thị Hương, luật sư Hoàng Ngọc Giao nêu ý kiến rằng vì vẫn còn một số nghi phạm còn đang bị truy nã nên vẫn còn một số điều chưa sáng tỏ, cũng như các chứng cứ còn chưa đầy đủ. Điều đó lóe lên một chút hy vọng. Ông nói:
“Tư pháp mà công bằng thì người ta luôn luôn phải dựa vào nguyên tắc như sau: trong hình sự người ta nói rõ là lượng đủ chứng cứ để kết tội nó được thể hiện là cho đến khi nào không còn một chứng cứ nào mà nó tạo lên sự nghi ngờ là đương sự đó không phạm tội, thì lúc đấy mới coi là đã đủ chứng cứ để kết tội. Cái điều này rất quan trọng. Chứ còn lại những tình tiết, sự việc, chứng cứ mà vẫn có thể cho người ta nghi ngờ nghi can này không phạm tội thì chưa đủ căn cứ để kết tội”.
Hôm 1/3, sau khi nghe cáo trạng, Đoàn Thị Hương nói ‘tôi hiểu cáo trạng’ nhưng cô nói ‘tôi vô tội’.
Hương và nữ nghi phạm người Indonesia Siti Aishah bị cáo buộc dùng chất độc thần kinh VX bôi vào mặt ông Kim Jong Nam ở sân bay Kuala Lumpur ngày 13/2 vừa qua khiến ông này thiệt mạng chỉ trong vòng 20 phút.
Một nghi phạm nam người Bắc Triều Tiên cũng đã bị bắt nhưng chưa đưa ra xét xử. Nhà chức trách Malaysia hiện đang truy nã 4 nghi can Bắc Triều Tiên khác.
Hội Đồng Liên Tôn VN tại Hoa Kỳ cố vấn cho DB Correa
Dân biểu liên bang Lou Correa muốn Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ làm cố vấn về tôn giáo và nhân quyền cho ông và thường xuyên cập nhật cho ông về các diễn biến liên quan đến tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, theo một thành viên của Hội đồng.
Một ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, dân biểu liên bang Hạ Viện Hoa Kỳ Lou Correa đã gặp gỡ Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ. Buổi gặp diễn ra tại văn phòng Địa Hạt 46 của quận Cam, California, ngày 23/2.
Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, Tổng thư ký Hội Đồng Liên Tôn tại Hoa Kỳ nói với VOA hôm 28/2 rằng dân biểu Correa rất quan tâm đến tình hình Việt Nam và “ông muốn có những biện pháp thích ứng ngay.” Giáo Sư Giàu nói:
“Trong tuần vừa qua Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ đã có cuộc gặp mặt với dân biểu liên bang Lou Correa. Chúng tôi biết ông là một người tích cực trong mọi công tác tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền, và đặc biệt là tự do tôn giáo tại Việt Nam. Vừa qua, trước việc đồng bào Việt Nam bị đàn áp, chúng tôi không thể thờ ơ trước thảm họa của đất nước. Tiếng nói của dân biểu và Quốc hội Hoa Kỳ là những tiếng nói quan trọng. Chúng tôi cũng trình bày cho ông biết những việc xảy ra ở đất nước mình.”
Theo giáo sư Nguyễn Thanh Giàu, dân biểu Correa mong muốn Hội Đồng Liên Tôn thường xuyên trao đổi thông tin, nhất là giúp ông cập nhật về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam:
“Ông muốn là Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ giữ liên hệ thường xuyên với ông, giúp cho ông, làm cố vấn trong vấn đề nhân quyền, cũng như tự do tôn giáo ở tại quê nhà. Ngày hôm đó chúng tôi cũng đệ trình cho ông một bản lên tiếng của Hội Đồng Liên Tôn tại Việt Nam cho văn phòng của ông Lou Correa và bản lên tiếng mới nhất của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ yểm trợ cho vấn đề hiện tại.”
Giáo sư cho biết thêm trong buổi gặp với dân biểu Correa, các chức sắc đại diện các tôn giáo trong Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ đã lần lượt trình bày những vụ đàn áp tôn giáo, việc giam giữ, quản thúc, sách nhiễu các chức sắc tôn giáo khi họ đến tỉnh Vĩnh Long ngày 13/2, và đàn áp giáo dân Song Ngọc ngày 14/2 khi họ lên tiếng đòi Formosa phải ngưng việc làm thiệt hại cho môi trường và phải bồi thường thoả đáng cho những thiệt hại mà Formosa đã gây ra.
Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1993, là một tổ chức bao gồm các lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo gồm có: Cao Đài, Chính Thống Giáo, Công Giáo, Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo và Tin Lành.
Các chức sắc của Hội đồng gặp dân biểu Correa gồm có Mục sư Nguyễn Xuân Hồng (Tin Lành), Linh mục Trần Văn Kiểm (Công Giáo), Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu (Phật Giáo Hoà Hảo), Chánh trị sự Hà Thủ Băng (Cao Đài) và ông Nguyễn Khanh.
Dân biểu liên bang Hạ Viện Hoa Kỳ Lou Correa, thành viên đảng Dân chủ, đại diện cho địa hạt 46 của California tuyên thệ nhậm chức vào ngày 22/2. Ông Correa đắc cử chức dân biểu tiểu bang California năm 1998. Ðến năm 2004, ông đắc cử chức giám sát viên quận Cam. Năm 2006, ông đắc cử chức Thượng nghị sĩ California, Địa Hạt 34, và giữ vị trí này cho tới năm 2015.
Theo Giáo sư Giàu ông Correa “là một người bạn tốt và luôn nhiệt tình tranh đấu cho tất cả những nguyện vọng và nhu cầu của cộng đồng Việt Nam trong hơn 20 năm qua.”
VN đứng 131/167 trong Chỉ số Dân chủ 2016 của Economist
Việt Nam đứng thứ 131/167 bảng Chỉ số Dân chủ 2016 của EIU (Economist Intelligence Unit), tổ chức dự báo và tư vấn có uy tín của Anh.
EIU thuộc nhóm The Economist Group, nhà xuất bản tạp chí The Economist.
Đây bảng xếp hạng mức độ dân chủ của 165 quốc gia và hai vùng lãnh thổ được EIU thực hiện hàng năm với đánh giá gần như toàn bộ dân số và đại đa số các quốc gia trên thế giới.
Bảng xếp hạng chia các quốc gia thành bốn loại:
Thực sự dân chủ: 19 nước
Dân chủ chưa hoàn hảo: 57 nước
Dân chủ lai tạp (đang chuyển đổi): 40 nước
Chế độ chuyên chế, độc tài: 51 nước
Và Việt Nam (đứng thứ 131), Trung Quốc (136), Lào (151) và Bắc Hàn (167 – cuối bảng) là nằm trong nhóm Chế độ chuyên chế độc tài. So với các nước trong vùng Châu Á và Châu Úc, Việt Nam đứng thứ 24 trong số 28 nước được xếp hạng.
Nhóm nghiên cứu EIU, nhóm thực hiện bảng Chỉ số Dân chủ, gọi năm 2016 là “năm suy thoái dân chủ toàn cầu và với Hoa Kỳ là phá hủy dân chủ”.
Các yếu tố và tiêu chuẩn đánh giá, xếp hạng của EIU
Chỉ số Dân chủ được EIU thực hiện theo đánh giá gồm 5 yếu tố, với thang điểm 10 (tối đa), bao gồm:
I. quy trình bầu cử và đa nguyên;
II. các quyền tự do của công dân;
III. hoạt động của nhà nước;
IV. sự tham gia chính trị; và
V. văn hóa chính trị
và chỉ số dân chủ của mỗi quốc gia được tính trung bình từ 5 yếu tố này.
So với các nước trong vùng Châu Á và Châu Úc, Việt Nam đứng thứ 24 trong số 28 nước được xếp hạng, và Việt Nam và một trong ba nước duy nhất trong số này (cùng với Trung Quốc và Bắc Hàn) có yếu tố Quy trình bầu cử và đa nguyên đạt 0 điểm.
Việt Nam cũng là một trong số 5 nước (cùng với Trung Quốc, Lào, Bắc Hàn và Afghanistan) có chế độ chuyên chế độc tài tại vùng Châu Á-Úc, vùng bị đánh giá là trì trệ, không có chút thay đổi nào về dân chủ so với năm 2015.
Tuy nhiên so với năm 2015, Việt Nam lên được 3 bậc trong bảng xếp hạng (từ 134 lên 131).
Các nhà nước thuộc diện Chế độ chuyên chế, độc tài theo EIU là các nhà nước không có đa nguyên chính trị.
Tại đây một số cơ chế dân chủ chính thức có thể tồn tại nhưng không có thực chất. Bầu cử nếu có diễn ra thì không tự do và công bằng.
Các đặc điểm khác là:
Những vi phạm quyền tự do dân sự bị bỏ qua.
Truyền thông đặc trưng là thuộc sở hữu nhà nước hoặc do các nhóm có liên hệ với chính phủ cầm quyền kiểm soát.
Có tình trạng đàn áp những chỉ trích chính phủ và kiểm duyệt nặng nề.
Không có hệ thống tư pháp độc lập.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39145711
Dân biểu Mỹ thúc đẩy nhân quyền Việt Nam
Sáu dân biểu Hoa Kỳ vào ngày 1 tháng 3 cùng ký vào bức thư gửi cho bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, thúc giục Mỹ gây sức ép buộc Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền.
Bức thư viết ‘trong hơn 4 thập niên qua kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc và gần 22 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, Việt Nam vẫn là một nước do một đảng cộng sản lãnh đạo và gần như không chấp nhận những ý kiến trái chiều’.
Trong bức thư, các dân biểu nêu tên 3 nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Việt Nam đang bị cầm tù và quản chế là mục sư Lutheran Nguyễn Công Chính, hòa thượng Thích Quảng Độ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.
Bức thư cũng nói đến thảm họa ô nhiễm môi trường do công ty Formosa gây nên kể từ tháng tư năm ngoái ở Việt Nam và sự chậm trễ của chính phủ Hà Nội trong ứng phó, giải quyết thảm họa. Trong khi đó nhà nước lại ra tay đàn áp những cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Formosa.
Các dân biểu ký tên yêu cầu ngoại trưởng Rex Tillerson phải thúc giục Việt Nam tôn trọng các quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, biểu đạt ý kiến và tự do lập hội. Ngoài ra các dân biểu cũng yêu cầu phía chính phủ Hà Nội phải ngay lập tức thả các tù nhân lương tâm. Theo các dân biểu Hoa Kỳ, đây là những bước cần thiết để Việt Nam có thể tìm kiếm mối quan hệ kinh tế và chiến lược tốt hơn với Hoa Kỳ.
Sáu dân biểu ký tên gồm Alan Lowenthal, Zoe Lofgren, Christopher Smith, Gerald Connolly, Ro Khanna, và Luis Correa.
Thành phố Đà Nẵng bị ô nhiễm nặng
Thành phố Đà Nẵng, nơi mà trước đây vài năm được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam nhưng chẳng bao lâu sau đó, mọi sự trở nên tệ hại hơn người ta tưởng tượng rất nhiều. Ngoài các vấn đề như bờ biển lở lói, sản phẩm và người Trung Quốc xuất hiện đầy rẫy thành phố, giờ lại thêm nạn các kênh rạch ở thành phố ngày càng dơ dáy, hôi thối và cá chết hàng loạt, nước bẩn đen ngòm, môi trường ô nhiễm trầm trọng.
Chất thải công nghiệp
Một cư dân Đà Nẵng tên Nghinh, chia sẻ: “Chuyện cá chết này xảy ra hôm Mồng Một âm lịch kia, cá chết nhiều lắm, các anh bên môi trường vớt rồi chở đi chôn. Nhưng cũng không hết đâu, vì nó còn nằm lẫn trong bèo rất là nhiều. Nước không phải do bị ao tù dẫn đến cá chết mà do bị dầu nhớt ở đâu chảy ra đây rất nhiều. Cách đây vài hôm, nhớt từ chỗ cống ngầm chảy ra làm đen cả một vùng nước và đóng váng nên cá rô phi chịu không nổi, chết hàng loạt. Trước đây mỗi chiều các anh em câu ở đây nhiều lắm nhưng bữa nay họ không câu nữa vì không khí ô nhiễm, thối quá. Tôi thì đứng cậu ráng con cá tràu (cá lóc) vì nó chưa chết, mình câu vô tư…”
Chuyện cá chết này xảy ra hôm Mồng Một âm lịch kia, cá chết nhiều lắm, các anh bên môi trường vớt rồi chở đi chôn. Nhưng cũng không hết đâu, vì nó còn nằm lẫn trong bèo rất là nhiều.
-Ông Nghinh
Ông Nghinh khẳng định vụ cá chết ở kênh Tân Trào, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng trong mấy ngày vừa qua là do nước thải công nghiệp chứ không do gì khác. Ông cho thêm là nếu bây giờ, một chuyên gia nào đó về lấy mẫu nước, sau đó nghiên cứu rồi công bố là do tảo hay gì đó thì điều này hoàn toàn không thuyết phục được ông.
Bởi hằng ngày ông câu cá trên con kênh này, ông biết từng ngóc ngách của con kênh. Và chỗ mà ông quan tâm nhất là một cống ngầm chảy ra từ một cụm công nghiệp ở Hòa Khánh, nước từ chỗ cống ngầm này chảy ra thường đen đúa và nổi váng dầu. Trong đợt cá chết vừa qua, khu vực cá chết nặng nhất cũng trùng với khu vực mà nước đen từ cống ngầm này chảy ra nhiều nhất.
Mà theo kinh nghiệm của một người câu cá lâu năm, hiểu được đặc tính của từng loài cá thì nếu như nước bị nhiễm độc, tất cả các loài cá đều bị chết. Trường hợp nước bị nhiễm hàm lượng dầu mỡ nào đó không quá dày nhưng cũng đủ làm cho lượng oxy trong nước bị thiếu hụt bởi trao đổi không khí trên mặt nước bị cắt đứt thì cá rô phi sẽ là loại bị chết đầu tiên và chết hàng loạt.
Và trong đợt cá chết vừa qua, chỉ có cá rô phi bị chết hàng loạt, số lượng cá rô phi chết nổi trên mặt nước có thể lên đến hàng chục tấn. Riêng cá lóc và cá rô đồng hầu như không con nào bị chết. Điều này chứng tỏ nước bị thiếu oxy và hàm lượng dầu nổi trên mặt nước đã vượt quá sức chịu đựng của cá rô phi nhưng chưa thể làm cho các loài cá khác phải chết.
Ông Nghinh than phiền với chúng tôi là hầu hết các kênh, rạch tại Đà Nẵng đã bị ô nhiễm trầm trọng. Bởi chỉ trong vòng ba năm, số lượng nhà cửa, công xưởng và khách sạn ở Đà Nẵng tăng lên gấp ba lần nhưng có một số kênh rạch bị lấp đi để lấy mặt bằng xậy dựng, các con sông bị lấn dòng bởi công trình xây dựng. Lưu lượng rác thải tăng nhanh và hầu như chưa có phương án xử lý rác thải cũng như chất thải công nghiệp hợp lý cho Đà Nẵng. Và có vẻ như càng ngày, lượng rác thải tập trung ở các góc đường, các bãi đất làm trạm trung chuyển còn sót lại càng nhiều. Người ta dọn đi một cách qua loa chiếu lệ, thậm chí lượng bao nilon và các bịch chứa rác thải trôi lềnh bềnh trên mặt nước ở các kênh rạch ngày càng thêm nhiều.
Biển nhiễm đỏ
Một người dân sống ven biển Đà Nẵng, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Môi trường Đà Nẵng hiện nay là áp lực hơi nhiều, tiền thuế tăng, lộn xộn và các khoản phí cũng nhiều hơn. Nhìn chung, dân cư nhiều hơn, xây dựng nhiều hơn, khách du lịch Trung Quốc nhiều hơn và mọi thứ trở nên lộn xộn…”.
Theo vị này, vấn đề môi sinh ở thành phố thuộc vào diện sạch và đẹp nhất Việt Nam này đã bị khủng hoảng trầm trọng. Từ các kênh rạch đến bờ biển và an ninh thành phố đều có vấn đề. Nếu như trước đây, Đà Nẵng không có trộm cắp, không có xì ke ma túy, không có cướp giật thì hiện nay, những thứ đó đã xuất hiện và nguy cơ có từng ổ lớn đang ẩn mình trong thành phố, đến khi nó vỡ ra thì không biết đâu mà lường.
Vị này chia sẻ thêm là hiện tại, khi mà lượng khách du lịch chiếm con số đông nhất luôn là người Trung Quốc, đi bất kì hang cùng ngõ hẻm nào trong thành phố này đều có thể gặp người Trung Quốc đi lang thang, lượng rác thải do khách du lịch xả ra nhiều vô kể. Điều này khác hẳn với Đà Nẵng trước đây vài năm, hầu hết khách du lịch đều đến từ các nước châu Âu, Nhật Bản và Sài Gòn, Hà Nội, thành phố sạch, đẹp hơn bây giờ rất nhiều.
Môi trường Đà Nẵng hiện nay là áp lực hơi nhiều, tiền thuế tăng, lộn xộn và các khoản phí cũng nhiều hơn. Nhìn chung, dân cư nhiều hơn, xây dựng nhiều hơn, khách du lịch Trung Quốc nhiều hơn và mọi thứ trở nên lộn xộn…
-Người dân Đà Nẵng
Vị này tỏ ra tiếc nuối khi đưa ra nhận định rằng Đà Nẵng đã phát triển nóng, nếu không muốn nói là quá nóng. Nghĩa là thành phố này cũng rơi vào tình trạng giống như rất nhiều thành phố khác ở Việt Nam, chú trọng vào các công trình xây dựng, mở rộng thương mại, dịch vụ với tốc độ chóng mặt. Trong khi đó, vấn đề văn hóa và lựa chọn đối tượng du lịch bị bỏ lơ. Điều này dẫn đến tình trạng Đà Nẵng bị những trận gió độc từ văn hóa đến lối sống, cách hành xử với thiên nhiên đã liên tục thổi vào khiến cho thành phố này nhanh chóng nhiễm bệnh, từ vật chất đến tinh thần.
Hiện tại, theo như nhận định của vị giáo sư về hưu này, thành phố Đà Nhẵng chẳng còn đáng sống, đáng ca ngợi hay đáng tự hào như trước đây. Bởi khói bụi, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, bởi biển lở lói, nhiễm độc đỏ… Dường như tất cả những dấu hiện của sự xuống cấp đều có ở thành phố ông đang sống.
Có thể nói rằng, hiện nay, không riêng gì thành phố Đà Nẵng mà hầu hết các thành phố, tỉnh thành có bờ biển ở miền Trung đang rơi vào tình trạng khốn đốn và kiệt quệ bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó nổi cộm nhất vẫn là biển nhiễm độc trầm trọng, người Trung Quốc sang làm ăn, sinh sống và mang theo những thói quen kì lạ của họ khiến cho các thành phố này nhanh chóng bị thay đổi, trở nên lạ lẫm và trần trụi hơn.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/da-nang-city-in-heavy-pollution-03022017111337.html
Cộng đồng người Việt Nam Nam Cali kêu gọi
tham gia cuộc biểu tình
tại quốc hội tiểu bang ngày 6 tháng 3 2017
Trong những ngày qua, sự kiện Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn bị mời ra khỏi sàn Thượng Viện Tiểu Bang California vào ngày 23/02 tiếp tục gây bất bình cho cộng đồng gốc Việt sinh sống tại California. Để bày tỏ sự ủng hộ đối với TNS Janet Nguyễn, đồng thời phản đối thái đồ kỳ thị của Thượng Viện California, Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản Và Tay Sai đã kêu gọi người dân gốc Việt vùng Nam Cali tham gia một cuộc biểu tình tại Quốc Hội Tiểu Bang California (thành phố Sacramento) vào trưa ngày Thứ Hai 6 tháng 2017. Sẽ có xe đưa đồng bào từ vùng Little Sài Gòn lên Sacramento, và đi về cùng ngày.
Sau đây là toàn văn lời kêu gọi:
Little Saigon ngày 01 tháng 3 năm 2017
THÔNG BÁO TỔ CHỨC BIỂU TÌNH TẠI QUỐC HỘI TIỂU BANG CALIFORNIA
Kính gởi: – Hội Đồng Liên Tôn – Quý vị lãnh đạo tinh thần các Tôn Giáo
– Các Hội Đoàn Quân Cán Chính VNCH – Cộng Đồng – Đảng phái..
– Các cơ quan Truyền Thông và Báo Chí
– Toàn thể đồng hương tỵ nạn tại hải ngoại
Thưa quý vị,
Vào ngày Thứ Năm 23 tháng 2 năm 2017, trong lúc đang trình bày về cố Thượng Nghị Sĩ (TNS) Tom Hayden, một nhân vật phản chiến trong chiến tranh Việt Nam trước 1975, TNS Tiểu Bang California Janet Nguyễn (Cộng Hòa) bị TNS Bill Monning (Dân Chủ) ngăn cản không cho tiếp tục phát biểu và bị áp tải ra khỏi hội trường Thượng Viện.
Đây là một hành động phản dân chủ, vi phạm Tu Chánh Án số 1 về quyền Tự Do Ngôn Luận của Hiến Pháp Hoa Kỳ, mà biết đâu trong đó có thể là kết quả của một tinh thần kỳ thị chủng tộc đã và đang nảy sinh.
Trong phạm vi một Bản Thông Báo ngắn, chúng tôi không thể trình bày chi tiết về cố TNS Tom Hayden, đã một thời đứng về phía Cộng Sản Bắc Việt để chống lại cuộc chiến bảo quốc của dân tộc Việt Nam cũng như bất chấp sự hy sinh của 58 ngàn quân nhân Hoa Kỳ trong cuộc chiến bảo vệ Tự Do nơi tuyến đầu thế giới.
Để đáp trả lại hành động bất công, thiếu dân chủ đó, Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai sẽ phối hợp với Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali tổ chức cuộc biểu tình tại thủ phủ Sacramento lúc 02 giờ trưa ngày 6 tháng 3 năm 2017.
Dự trù khởi hành tại Đền Thánh Trần (9078 Bolsa Ave) lúc 02 giờ sáng ngày 6 tháng 3 và trở về Lillte Saigon lúc 10 giờ tối cùng ngày.
Quý vị muốn tham dự xin sớm ghi danh để chúng tôi kịp chuẩn bị phương tiện, với những số phone của các thành viên LUB ghi phía dưới Thông Báo này.
Trân trọng
LIÊN ỦY BAN CHỐNG CỘNG SẢN VÀ TAY SAI
Phan Kỳ Nhơn: (714)854.4584 Phan Tấn Ngưu: (714)230.9602 & Trần Vệ: (310)800.5202
& Lê Quang Dật: (714)4172324
Thành phố Garden Grove- Nam California
đề nghị cấm treo cờ đỏ cộng sản trong thành phố
Trong phiên họp Hội Đồng Thành Phố Garden Grove Nam Cali vào ngày 28 tháng 02, Phó Thị Trưởng thành phố Bùi Phát và Nghị Viên Nguyễn Thu Hà đã đưa vào nghị trình bàn thảo việc thông qua một đạo luật chống đối việc trưng bày cờ cộng sản Việt Nam trong các khu vực thuộc quyền sở hữu của thành phố. Đệ trình này đã được toàn thể hội đồng thành phố chấp thuận đưa vào nghị trình buổi họp tới của Thành Phố vào ngày 28 tháng 03, năm 2017.
Việc làm này của thành phố Garden Grove tiếp theo sau khi hai thành phố Westminter- Nam California, và thành phố San Jose, Bắc California đã thông qua nghị quyết cấm treo cờ cộng sản.
Thành Phố Garden Grove là thành phố lớn hàng thứ tư tại Quận Cam, với dân số gần 180 ngàn cư dân, và có trên 70 ngàn người Mỹ gốc Việt. Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại thành phố này, ngoài các chương trình sinh hoạt và phục vụ cộng đồng, đã tổ chức các sự kiện quan trọng như Diễn Hành Tết Little Saigon trên đại lộ Bolsa, Lễ Tưởng Niệm 30 tháng Tư…
Tường Thắng / SBTN