Tin Biển Đông – 01/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 01/03/2017

TT Trump ‘lãnh đạo’ thế giới, hướng về Biển Đông?

Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ “một lần nữa sẵn sàng lãnh đạo [thế giới]”, và đề xuất gia tăng ngân sách quốc phòng thêm hàng chục tỉ đôla, mà tin cho hay, một phần trong số đó để “tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở các thủy lộ quốc tế trọng yếu, trong đó có Biển Đông”.

Trong bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ tối 28/2, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông Trump cho biết rằng ông muốn “truyền đi thông điệp đoàn kết và sức mạnh, và đó là một thông điệp phát đi từ sâu trong trái tim của tôi”.

Ông nói tiếp trong sự tán thưởng của các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa: “Một chương mới về Sự Vĩ đại của nước Mỹ giờ đang bắt đầu. Một sự tự hào dân tộc mới đang lan khắp đất nước chúng ta. Đồng minh của chúng ta thấy rằng nước Mỹ một lần nữa đã sẵn sàng lãnh đạo. Tất cả các nước trên thế giới, bạn lẫn thù, sẽ thấy rằng Hoa Kỳ vững mạnh, Hoa Kỳ tự hào, và Hoa Kỳ tự do”.

Trong bài phát biểu về nhiều vấn đề sát sườn của nước Mỹ như công ăn việc làm, an ninh và chống khủng bố, ông Donald Trump còn nói tới việc đề xuất ra Quốc hội “một ngân sách nhằm tái xây dựng quân đội”, và coi đó là “một trong những sự gia tăng chi tiêu quân sự quốc gia lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”.

Chính quyền của ông Trump đề xuất tăng thêm ngân sách 54 tỷ đôla dành cho Lầu Năm Góc, lên hơn 600 tỷ đôla trong năm 2018, tức tăng 10%.

Hãng tin Reuters hôm 28/2 dẫn lời một quan chức Mỹ rành về dự thảo gia tăng quốc phòng đưa tin rằng tiền tăng thêm “sẽ được dành cho việc đóng tàu, “tậu” máy bay quân sự và tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ tại các thủy lộ quốc tế trọng yếu, trong đó có Biển Đông”.

Nói chung, chính quyền Trump họ sẽ mạnh với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng mà mạnh đến đâu thì tôi không phát biểu ý kiến nhiều được bởi vì ông Trump khá khó tiên liệu. Chắc chắn là ông ấy sẽ mạnh mẽ hơn chính quyền trước.

Tiến sỹ Tạ Văn Tài, một nhà nghiên cứu về vấn đề Biển Đông

Về thông tin trên, tiến sỹ Tạ Văn Tài, một nhà nghiên cứu ở Mỹ về các vấn đề liên quan tới vùng biển tranh chấp này, cho biết rằng ông “rất hoan nghênh” các tuyên bố mạnh của ông Trump.

Ông nói thêm: “Điều này khá hơn. Trước đây, mấy năm của ông Obama thì chỉ tuyên bố, nhưng mà vẫn còn đi rón rén. Nói chung, chính quyền Trump họ sẽ mạnh với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng mà mạnh đến đâu thì tôi không phát biểu ý kiến nhiều được bởi vì ông Trump khá khó tiên liệu. Chắc chắn là ông ấy sẽ mạnh mẽ hơn chính quyền trước”.

Ông Tài cho rằng nếu Mỹ mạnh mẽ ở biển Đông, Việt Nam sẽ hưởng lợi. Hôm 18/2, lần đầu tiên dưới thời kỳ nắm quyền của ông Trump, hải quân Mỹ đã triển khai hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cùng đội tàu chiến đã trở lại bắt đầu tuần tra “tự do hàng hải” ở Biển Đông.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành Ủy ban Cứu người vượt biển BPSOS ở Mỹ, nói với VOA Việt Ngữ rằng cộng đồng người Mỹ gốc Việt “mong Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng hơn, ổn định hơn tại vùng Biển Đông”.

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng mọi người đều khá phấn khởi khi thấy Hoa Kỳ có vẻ như có một thái độ quyết liệt hơn, cứng rắn hơn, và cũng đã bắt đầu triển khai lực lượng của mình vào Biển Đông, khác hơn với thời của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, chúng ta còn phải chờ xem đây có phải chăng là một chiến lược dài lâu hay đây lại là một thái độ hơi vội vã, và sau đó lại thay đổi như đã từng xảy ra trong 30 ngày cầm quyền của Tổng thống Trump”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/2 bày tỏ hy vọng rằng sự gia tăng chi tiêu về quốc phòng của Hoa Kỳ sẽ mang lại ích lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định toàn cầu. Phát ngôn viên Lục Khảng nói rằng việc liên hệ giữa sự gia tăng quân sự của Mỹ đối với tình hình Biển Đông chỉ là một sự phỏng đoán.

Ông Lục cũng kêu gọi các quốc gia ngoài cuộc, thường dùng để ám chỉ Mỹ, tôn trọng nỗ lực của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông.

Hãng tin Reuters hôm 28/2 dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết rằng năm ngoái, Trung Quốc ấn định chi tiêu quân sự ở mức gần 140 tỷ đôla. Cùng ngày, tờ báo có tư tưởng dân tộc Hoàn cầu Thời báo kêu gọi Bắc Kinh gia tăng chi tiêu quân sự thêm ít nhất 10% nữa để đối phó với sự bất ổn do Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra.

Trong phần kết bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump nói rằng “Hoa Kỳ sẵn lòng tìm kiếm những người bạn mới, và củng cố quan hệ đối tác mới với các quyền lợi chung”.

“Chúng ta muốn hòa thuận và ổn định, chứ không phải chiến tranh và xung đột… Nước Mỹ ngày nay làm bạn với những nước từng là kẻ thù,” ông Trump nói.

http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-my-donald-trump-se-lanh-dao-the-gioi-va-huong-ve-bien-dong/3744743.html

 

TQ cấm đánh cá ở Biển Đông, Việt Nam phản đối

Hà Nội chỉ trích Trung Quốc “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”, sau khi Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng biển tranh chấp.

Trả lời câu hỏi về việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ra thông báo chính thức điều chỉnh và áp dụng Quy chế mới về nghỉ đánh bắt cá trên biển, phạm vi áp dụng bao gồm một số vùng biển của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm 28/2 nói Hà Nội “kiên quyết phản đối”.

Ông Bình nói thêm: “Quyết định đơn phương này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), khiến tình hình Biển Đông tiếp tục trở nên phức tạp và căng thẳng”.

Theo hãng tin AP, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá hôm 27/2 ở khu vực lãnh hải gần quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc kiểm soát, nhưng Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Lệnh này được áp dụng từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8.

Những năm trước, Hà Nội cũng đã nhiều lần phản đối Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng Biển Đông.

http://www.voatiengviet.com/a/tq-cam-danh-ca-o-bien-dong-vn-phan-doi/3745041.html

 

Trung Quốc điều tàu hải cảnh

tuần tra quanh Senkaku ở Hoa Đông

Thùy Dương

Hôm nay 01/03/2017, Trung Quốc điều ba tàu hải cảnh tới tuần tra quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản. Đây được coi là động thái đáp trả của Trung Quốc, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ủng hộ Nhật Bản trên hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông.

Những chuyến tàu tuần tra kiểu này của Trung Quốc thường gây các phản ứng mạnh mẽ từ phía Nhật Bản. Quan hệ giữa hai cường quốc châu Á đã xấu đi rất nhiều kể từ năm 2012, sau khi Tokyo « quốc hữu hóa » một số đảo thuộc quần đảo mà người Nhật gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Trong cuộc gặp gỡ ở Nhà Trắng hồi trung tuần tháng 02/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ra một thông cáo chung, một lần nữa khẳng định lại là theo Hiệp Ước An Ninh Mỹ – Nhật, hai nước sẽ cùng phối hợp để bảo vệ chủ quyền của Nhật ở quần đảo Senkaku. Hai nhà lãnh đạo cũng phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền của Nhật trên vùng biển Hoa Đông. Trước đó, trong chuyến thăm Tokyo, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis cũng đã khẳng định liên minh quân sự Mỹ-Nhật sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku của Nhật Bản.

AFP cho biết Bắc Kinh đã cáo buộc Washington gây bất ổn trong khu vực. Theo Bắc Kinh, Hiệp Ước An Ninh Mỹ-Nhật chỉ là « một sản phẩm của chiến tranh lạnh » và không cho phép hiệp ước này gây ảnh hưởng tới chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi chính đáng của Trung Quốc.

Vào mùa hè năm 2016, Trung Quốc cũng đã điều nhiều tàu hải cảnh ra tuần tra gần quần đảo đang có tranh chấp với Nhật Bản. Theo Tokyo, khi đó Trung Quốc còn điều thêm cả máy bay tuần tra biển P-3C ra Senkaku/Điếu Ngư.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170301-ok-trung-quoc-dieu-3-tau-hai-canh-tuan-tra-quanh-senkaku