Đọc báo Pháp – 28/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Kim Jong Un làm Bắc Kinh « mất ăn, mất ngủ »

Minh Anh

Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un, đã bị ám sát bằng chất độc VX tại sân bay Kuala Lumpur. Bắc Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm tên lửa và hạt nhân. Jang Song Thaek, chồng của người cô ruột bị tử hình, hồi cuối năm 2013. Nhìn lại các sự kiện trên, báo Le Figaro hôm nay 28/02/2017 có bài nhận định : « Kim Jong Un làm cho Trung Quốc lo ngại ».

Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh bắt đầu nêu ra một loạt các câu hỏi : Liệu Kim Jong Un có gây ra một cuộc chiến tranh ở châu Á với những hậu quả khôn lường hay không ? Liệu lãnh đạo Bắc Triều Tiên có biết dừng lại đúng lúc để tránh xẩy ra chiến tranh hay không ? Trung Quốc vốn dĩ rất lo ngại tình trạng bất ổn và sự bất trắc chiến lược. Thế nhưng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, với tính khí thất thường, hay nổi đóa, đã thực sự làm cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khó chịu. Tuy không phải là một nhà dân chủ, nhưng nguyên thủ Trung Quốc là một người có suy nghĩ thấu đáo.

Vụ ám sát Kim Jong Nam, người vốn được Trung Quốc bảo vệ, đã làm Bắc Kinh bực bội, và Trung Quốc không tha thứ cho nước nào dám làm nhục Bắc Kinh, nhất là khi nước đó lại yếu kém hơn. Nếu như Bắc Triều Tiên chỉ chủ trương hai hệ tư tưởng chính là Juche (tự lực cánh sinh) và Songun (ưu tiên tuyệt đối cho sức mạnh quân sự) thì Trung Quốc còn có thể « nhắm mắt làm ngơ » cho nước láng giềng nhỏ bé nhưng ngỗ ngược, khó bảo. Thế nhưng, Bình Nhưỡng lại « quậy phá », có nguy cơ gây ra những hậu quả tai hại cho Trung Quốc.

Việc Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa và phát triển vũ khí nguyên tử có thể thúc đẩy Nhật Bản lấy cớ để trở thành cường quốc hạt nhân. Mặt khác, các hành động quân sự khiêu khích của Bình Nhưỡng đã khiến Seoul và Washington quyết định lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, đủ khả năng bắn chặn tên lửa phóng đi từ Bắc Triều Tiên và cả từ Trung Quốc.

Hơn nữa, vẫn theo báo Le Figaro, Trung Quốc không muốn phải xử lý thêm một vấn đề chiến lược nữa – tức hồ sơ Bắc Triều Tiên, trong lúc Bắc Kinh đang tập trung thực hiện các tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước có tranh chấp và những lời cảnh báo của Hoa Kỳ và phương Tây. Đó là chưa tính tới những thách thức về thương mại đối với Trung Quốc, kể từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng. Bắc Kinh không hề muốn vấn đề Bắc Triều Tiên ảnh hưởng đến các cuộc thương lượng thương mại với Washington.

Le Figaro kết luận : Chính sách nhất quán của Bắc Kinh là duy trì ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Các cường quốc khác trong khu vực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc đã tin tưởng vào Trung Quốc để làm việc này và nghĩ rằng Bắc Triều Tiên sẽ tuân phục Trung Quốc. Thế nhưng, tính toán này không mang lại kết quả.

Bắc Triều Tiên không còn là một lá bài, tạo lợi thế cho Trung Quốc gây sức ép với các cường quốc khác. Bình Nhưỡng giờ đây là một gánh nặng chiến lược đối với Bắc Kinh. Các lãnh đạo Trung Quốc cần phải xem lại bài học lịch sử về nguyên nhân dẫn đến đại chiến thế giới lần thứ nhất : các nước nhỏ không được kiềm chế có thể gây ra những xung đột lớn.

Trung Quốc : Có hộ chiếu nước ngoài không là bùa hộ mệnh

Việc mang hộ chiếu nước ngoài không giúp bảo vệ các doanh nhân Trung Quốc đang tị nạn ở nước ngoài, nếu như họ không thuận thảo với chính quyền của ông Tập Cận Bình. Đó là nhận xét của báo Le Figaro trong bài « Bàn tay tư pháp Trung Quốc vươn dài ra ngoài ».

Tờ báo nêu ra vụ nhà tỉ phú Hồng Kông Tiếu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) : Ông định cư thường trực tại Hồng Kông, mang quốc tịch Canada và có hộ chiếu ngoại giao của Antigua and Barbuda. Thế nhưng, nhà tỉ phú đã mất tích một cách bí hiểm hồi tháng Giêng vừa qua, tại một khách sạn hạng sang ở Hồng Kông. Dường như ông bị mật vụ Trung Quốc bắt cóc. Cho đến nay, không ai biết ông Tiếu Kiến Hoa đang ở đâu và Canada không hề lên tiếng, trợ giúp lãnh sự cho công dân này.

Le Figaro cho rằng, nhà tỉ phú, tuy có quan hệ với nhiều phe phái trong chính quyền Bắc Kinh, dường như là nạn nhân trong chiến dịch thanh trừng tham nhũng mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng vào cuối năm 2012. Đây cũng là dịp để ông Tập thanh trừng các đối thủ chính trị.

Cho đến nay, nhiều doanh nhân Trung Quốc giàu có, định cư tại Hồng Kông, đã tìm mọi cách có thêm quốc tịch nước ngoài. Ngoài việc mở rộng quan hệ làm ăn, cho con cái ra bên ngoài ăn học thì đây cũng là chiếc bùa hộ mệnh, xuất cảnh khi mọi việc xấu đi. Hàng năm, hàng chục ngàn người đã được cấp quốc tịch nước ngoài, như Mỹ, Canada, Antigua and Barbuda, Chypre, Malta…

Về lý thuyết, người Trung Quốc sẽ bị mất quốc tịch gốc nếu có một quốc tịch khác. Người Hồng Kông được quyền có hai quốc tịch. Thế nhưng, trên thực tế, nếu không từ bỏ quốc tịch Trung Quốc, thì họ không nhận được sự bảo vệ lãnh sự của nước mà họ nhập tịch. Và theo giới chuyên gia, thông thường, chính quyền Trung Quốc chỉ chú ý tới quốc tịch nơi sinh, nếu điều này phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh. Như vậy, có mang thêm quốc tịch nước ngoài cũng không giúp ích được gì nhiều.

Malaysia và hai bài toán khó « Trump và Trung Quốc »

Nhân dịp một phái đoàn của giới chủ Pháp công du Malaysia, báo Le Figaro có bài : « Trump và Trung Quốc, hai thách thức đối với Malaysia ».

Vào lúc Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương –TPP, chính quyền Trump chủ trương bảo hộ mậu dịch, đồng thời để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, chính quyền Malaysia rất muốn đa dạng hóa đối tác thương mại và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Pháp mở rộng thị phần hơn nữa tại quốc gia Đông Nam Á này.

Vẫn liên quan đến thị trường Malaysia, Le Figaro còn có bài « Trung Quốc tấn công ». Hồi tháng 11 năm 2016, nhân chuyến công du Bắc Kinh của thủ tướng Najib Razak, hai nước đã ký các hợp đồng trị giá tới 33 tỉ đô la. Việc Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào Malaysia cũng gây lo ngại. Cựu thủ tướng Malaysia Mohamed Mahathir lo ngại là đất nước của ông có thể trở thành chư hầu của Trung Quốc.

Le Monde : Thế giới báo động nạn đói ở Tây Phi

Đề tài chính trên các báo Pháp sáng hôm nay khá đa dạng. Báo Le Monde trên trang nhất ngoài việc quan tâm đến chương trình vận động tranh cử của các ứng viên tổng thống qua hàng tít lớn « Marine Le Pen cảnh cáo giới công chức », còn lo lắng đến nguy cơ « Một lần nữa, nạn đói đe dọa Tây Phi ».

Đây cũng là tựa đề bài xã luận. Theo đó, « Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân đạo cảnh báo : Nạn đói có thể giết chết hàng chục ngàn người trong nhiều ngày sắp tới, liên quan đến bảy nước Djibouti, Ethiopia, Keynia, Ouganda, Somali, Nam Sudang, và trong một chừng mực nào đó là Tanzania. »

Bài xã luận cho rằng thật là nghịch lý khi nạn đói có nguy cơ xảy ra trong khi mà thế giới lại không biết phải làm gì với các nguồn thực phẩm dư thừa. Dù vậy, tờ báo hy vọng là việc phân phối hàng cứu trợ và huy động nguồn tài chính có lẽ sẽ không gặp nhiều khó khăn. (…) Le Monde ước tính, cho toàn bộ vùng Tây Phi, số tiền cần thiết để cứu đói có lẽ cũng chỉ trong khoảng 2 tỷ đô la. Một khoản chi nhỏ trong con số 4000 tỷ đô la được giao dịch mỗi ngày trên thế giới.

Trang nhất Libération : Dầu tắm gội cũng là chất độc

Trang nhất Libération gây sốc với hàng tít lớn : « Chất gây rối loạn nội tiết tố : Ngay cả sản phẩm tắm rửa cũng có hại… ». Tờ báo dành hai trang để gióng lên hồi chuông báo động cho rằng đã đến lúc « khẩn cấp làm sạch các ngăn tủ » của chúng ta. Từ xà bông tắm, dầu gội cho đến các loại mỹ phẩm, kem đánh răng đều có chứa các hoạt chất gây rối loạn nội tiết tố…

Có một số các hoạt chất được cho là cực kỳ có hại cho sức khỏe, hoặc cho chính bản thân chúng ta, hoặc cho người thân xung quanh. Các chuyên gia liên tiếp cảnh báo, nhưng các cuộc vận động từ nhiều nhà sản xuất công nghiệp lại quá mạnh đến mức nhiều chính phủ phải buông xuôi trước phải cấp bách đưa vào luật lệ, ghi rõ những loại chất được sử dụng trên nhãn mác hay loại hẳn chúng ra khỏi đời sống thường nhật của chúng ta.

Hôm nay, Ủy ban Châu Âu, lại bỏ phiếu về việc quy định các chất phụ gia hóa học đang được sử dụng rộng rãi tại châu Âu. Các tổ chức phi chính phủ và các nhà khoa học hy vọng là Châu Âu sẽ đưa ra một văn bản quy định mới rộng hơn cho phép kiểm soát các loại chất trên tốt hơn.

La Croix : Cúm gia cầm, nỗi thống khổ của nông dân Pháp

Vào lúc Hội Chợ Nông Nghiệp đang diễn ra tại Paris, nhật báo công giáo La Croix chia sẻ khó khăn của những khó khăn của các chăn nuôi gia cầm. « Đối mặt với cúm giam cầm, những chiến sĩ nhà nông ».

Phóng viên nhật báo đã đến gặp gỡ nhiều nhà chăn nuôi ở những vùng ổ dịch, phía Tây Nam nước Pháp, nơi tập trung đến phân nửa nguồn sản xuất món gan ngỗng béo cho cả thế giới. Trong vòng một năm, các nhà nông ở đây phải hai lần đối đầu với nạn dịch cúm.

Tại nhiều xã, kế hoạch tiêu hủy gia cầm đã được thông báo hòng ngăn chặn virus H5N8 lây lan, nhưng nhiều nhà nông không chấp nhận buông tay, vẫn tìm các giải pháp hòng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, bảo vệ lĩnh vực sản xuất rất đặc thù của Pháp.

Trump tăng ngân sách quốc phòng

làm hài lòng giới tướng lĩnh

Về thời sự quốc tế, nếu như tít lớn của Le Figaro chú ý đến việc « Tại Irak, Syria : Vòng vây xiết chặt quanh những người Pháp theo Daech », thì nhật báo kinh tế Les Echos trên trang nhất thông báo : « Hoa Kỳ tăng mạnh chi phí quốc phòng ».

Tổng thống Mỹ Donald Trump, thông báo cấp thêm 54 tỷ đô la cho Lầu Năm Góc trên có số ngân sách là 583 tỷ đô la cho năm 2017 đã được thông qua. Như vậy là ngân sách quốc phòng Mỹ sẽ tăng thêm 10% trong năm tài khóa tới. Trong cuộc họp với các thống đốc bang, tổng thống Mỹ khẳng định, « ngân sách này là ngân sách cho an ninh nội địa và an ninh chung».

Tuy nhiên, mức tăng thêm này cho quốc phòng dẫn đến hệ quả là Hoa Kỳ phải cắt giảm chi tiêu ở tất cả các bộ khác, mà nạn nhân đầu tiên là bộ Ngoại Giao (-30%), và tiếp đến Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường EPA. Les Echos cho biết một trong những ưu tiên của Nhà Trắng hiện nay là kế hoạch phát triển có quy mô lớn cơ sở hạ tầng, mà ông Donald Trump đã từng cam kết trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, với con số ước tính lên đến 1.000 tỷ đô la.

Hôm nay, tân tổng thống Mỹ sẽ có bài phát biểu long trọng đầu tiên trước lưỡng viện. Một bài diễn văn Les Echos đánh giá là « rất chính trị » nhằm bảo vệ những ưu tiên của tân chính quyền.

Lê-nin : Kẻ ngoại đạo của cuộc Cách Mạng Nga 1917

Cách nay đúng 100 năm, nước Nga nổ ra cuộc cách mạng, lật đổ chế độ Sa Hoàng và mở đầu cho thời kỳ Xô Viết. Tuy nhiên, sau đúng một thế kỷ, hậu thế lại có một cái nhìn khác về lịch sử cách mạng Nga và vai trò lãnh đạo của Lê-nin.

Giả sử chúng ta bị nhầm về Lê-nin thì sao ? Giả như nhà lãnh đạo Bôn-sê-vic không phải là một người có tầm nhìn xuyên suốt như nhiều người cộng sản mô tả ? Đây chính là những câu hỏi mà bộ phim tài liệu mang tựa đề « Lê-nin, một câu chuyện khác về cách mạng Nga », được phát sóng tối nay (28/02/2017) trên kênh truyền hình ARTE, lúc 20g50. Bộ phim do ba tác giả Cedric Tourbe, Michel Dobry và Marc Ferro đồng biên soạn.

Thông qua một giai đoạn cụ thể và những hình ảnh tư liệu cảm động về Petrograd, cố đô cũ của đế chế Sa hoàng, nay là thành Saint-Peterbourg, từng bị lôi cuốn vào cơn sốt phản kháng của người dân Nga lúc bấy giờ, bộ phim đưa ra một hình ảnh khác về con người Lê-nin : Một người bị tác động của các sự kiện, lãnh đạo một cách dò dẫm, khai thác sự phẫn nộ của người dân, thường xuyên bị nhầm lẫn, nhưng luôn trung thành với ý tưởng ban đầu của mình.

Không khoan nhượng và từ chối nhượng bộ đã cho phép ông giành được thắng lợi trong đường tơ kẽ tóc, tuy biết rằng chính cuộc chiến tranh nguồn cội của mọi sự khó khăn của người dân và thúc đẩy tiến bộ tư tưởng cũng góp phần trong thắng lợi đó. Một con người mà theo Le Figaro là « kẻ ngoại đạo của cuộc cách mạng » và Le Monde cũng cho rằng đã đến lúc xem xét lại « huyền thoại Lê-nin ».

Bởi vì, trước khi diễn ra cuộc nổi dậy lần thứ hai vào tháng 10/1917, các hình ảnh lưu trữ cho thấy sự sụp đổ của chế độ Sa Hoàng trên thực tế là một câu chuyện về những người công nhân và những người lính tự phát nổi dậy đòi hòa bình và bánh mì.

Từ cuộc diễu hành của phụ nữ ngày 23/02 cho đến sự nổi loạn của các binh sĩ, những nhà cách mạng – cho dù đó là theo chủ nghĩa xã hội, bôn-sê-vic hay mensevic, những người chủ trương phi chính phủ hay tiểu tư sản – đều bị hút vào những sự kiện đó.

Bộ phim cho rằng : « Lý lẽ của Lê-nin tự thân vận động ». Bởi vì chính phủ lâm thời không những không thể mang lại hòa bình, mà cả đất đai cho nông dân lẫn việc cải thiện đời sống công nhân. Kết cục là người dân bùng dậy. Ngày 25/10, những người bôn-sê-vic đã tước đi nền dân chủ Xô Viết còn non trẻ. Chế độ độc tài được thành lập. Và thế là bắt đầu một cuộc nội chiến tàn khốc.

Một trăm năm sau, chính quyền của ông Vladimir Putin chẳng biết làm sao với cuộc cách mạng tự phát đó. Nhưng những thước phim tối nay nhắc lại cuộc cách mạng năm đó trước hết là câu chuyện về những người đàn ông và phụ nữ vùng lên đòi được công nhận phẩm cách.

Đối xử tệ với trẻ em, vết nhơ lịch sử thực dân Anh

Đề tài văn hóa lịch sử cũng được nhiều nhật báo khai thác, nhưng ở nhiều khía cạnh khác nhau. Libération trên mục « Câu chuyện trong ngày » nhắc lại một vết hoen ố trong lịch sử thực dân Anh quốc.

Trong bài viết có tựa đề : « Trẻ em bị lạm dụng : Một câu chuyện bị lãng quên của chủ nghĩa thực dân Anh ». Trong suốt gần 30 năm chính xác là từ năm 1946-1974, hàng ngàn trẻ em đã bị cưỡng bức đưa đến Úc. Ở đây, nhiều em đã bị đánh đập và hãm hiếp. Một nạn nhân còn sống sót hôm qua đã ra làm chứng trong khuôn khổ một cuộc điều tra độc lập rộng lớn.

Trí thức Pháp mất đoàn kết vì nước Nga

Le Figaro, có bài điều tra khá hay đề tựa « Vì sao nước Nga chia rẽ giới trí thức Pháp ». Theo bài viết, tại Pháp hiện đang có một hiện tượng vừa bị thu hút và vừa đẩy lui tầm ảnh hưởng của Nga trong giới trí thức. Thế nhưng, Le Figaro cho rằng, hiện tượng « hút-đẩy » đó đã có từ trong lịch sử, từ thời xa xưa. Từ bao đời nay, ở Pháp, luôn hiện hữu hai dòng tư tưởng đối kháng nhau, giữa một bên là những người hâm mộ văn hóa Nga và một bên thuần theo « chủ nghĩa phương Tây ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170228-kim-jong-un-lam-bac-kinh-%C2%AB-mat-an-mat-ngu-%C2%BB

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Châu Á cần đầu tư 26.000 tỷ đô la cho cơ sở hạ tầng từ nay đến năm 2030

Theo một bản báo cáo của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) ngày 28/02/2017, những công trình này nhằm chống tình trạng đói nghèo, kích thích tăng trưởng kinh tế và chống biến đổi khí hậu. Dù các cơ sở hạ tầng phát triển mạnh trong những thập niên vừa qua, nhưng vẫn có hơn 400 triệu người không có điện, khoảng 300 triệu người thiếu nước sạch và hơn 1,5 tỉ người vẫn không có công trình vệ sinh cơ bản.

(AFP) – Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa đại diện ngoại giao Trung Quốc và tổng thống Mỹ Donald Trump

Trong chuyến công tác tại Mỹ đầu tiên từ sau khi tổng thống Trump lên cầm quyền, ủy viên quốc vụ viện đặc trách về đối ngoại Trung Quốc – Dương Khiết Trì – tiếp kiến tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 27/02/2017. Trong buổi tiếp xúc ngắn ngủi này, hai bên tập trung vào hồ sơ Bắc Triều Tiên. Làm việc với cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ, ông Dương Khiết Trì đặc biệt chuẩn bị cho chuyến công du sắp tới của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

(CNN) – Cải thiện quan hệ với Vatican, Trung Quốc vẫn trấn áp Công giáo

Bản báo cáo gần đây nhất của tổ chức phi chính phủ Mỹ Freedom House cho biết các đợt trấn áp người theo Công Giáo và một số nhóm tôn giáo khác được tăng cường trong những năm gần đây. Freedom House cũng lên án « kết hợp cả hai loại phương pháp bạo động và bất bạo động, chính sách của đảng Cộng Sản Trung Quốc là nhằm kìm hãm sự phát triển nhanh của một số cộng đồng tôn giáo và loại bỏ một số tín ngưỡng khác ».

(AFP) – Châu Âu tăng thuế đánh vào thép Trung Quốc

Hội Đồng Châu Âu công bố các biện pháp tạm thời chống phá giá nhắm vào sản phẩm thép có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong khi ngành công nghiệp sản xuất thép của châu Âu đang phải đối mặt trước sự sản xuất dư thừa. Theo thông cáo của Hội Đồng Châu Âu ngày 28/02/2017, các biện pháp mới sẽ cho phép tăng mức thuế từ 65,1% lên thành 73,7%, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất của Liên Hiệp.

(AFP) – Hàn Quốc : Seongju đệ đơn kiện bố Quốc Phòng chống hệ thống THAAD

Sau vụ tập đoàn Lotte nhượng đất cho bộ Quốc Phòng Hàn Quốc trong khu vực gần thành phố Seongju – cách thủ đô Seoul 113 cây số – làm địa điểm đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD, ngày 28/02/2017 dân chúng địa phương đệ đơn kiện bộ Quốc Phòng không tham khảo và không tôn trọng ý kiến của dân cư chống đối dự án lắp đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Về phía Lotte, dây chuyền phân phối này đã bị Bắc Kinh trừng phạt, bằng cách ngưng cấp giấy phép cho dự án xây dựng khu giải trí tại Thẩm Dương, miền đông bắc Trung Quốc.

(AFP) – Trung Quốc đặt mục tiêu tăng khối lượng tiền tệ 12%

Trung Quốc đặt mục tiêu khối lượng tiền tệ năm 2017 tăng khoảng 12%, thấp hơn một chút so với mục tiêu đề ra cho năm 2016. Năm ngoái, mục tiêu tăng khối lượng tiền tệ mà Bắc Kinh đặt ra là khoảng 13%. Nhưng cuối cùng tỉ lệ này chỉ đạt 11,3% do ảnh hưởng của sự can thiệp của ngân hàng trung ương để hỗ trợ đồng Nhân dân tệ. Reuters cũng cho biết là Trung Quốc sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 xuống còn khoảng 6,5% so với mục tiêu 6,5-7% của năm ngoái. Năm 2016, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,7%.

(AFP) – Thái Lan : Hai nhân vật thân cận của tân vương Maha Vajiralongkorn bị cách chức

Hai cố vấn thân cận làm việc cho Tân vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn từ nhiều năm nay là tướng Jumpol và Chitpong Thongkum đã bị cách chức. Tướng Prayut Chan-O-Cha, lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền Thái Lan cho biết tướng Jumpol đã cư xử không phù hợp với vai trò của người thân cận với Quốc Vương, lợi dụng vị thế để trục lợi và làm ảnh hưởng tới an ninh. Còn Chitpong Thongkum thì bị cáo buộc sử dụng quan hệ thân cận với tân vương Maha Vajiralongkorn một cách không đúng mực.

(AFP) – Bay vòng quanh mặt Trăng, giấc mơ sắp trở thành hiện thực

Hãng hàng không không gian SpaceX vừa thông báo sẵn sàng đưa hành khách công du vòng quanh Mặt Trăng. Chuyến bay đầu tiên được dự trù vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, công ty của Elon Musk chưa thông báo giá cả một chuyến bay khứ hồi lên thăm xứ sở của của chị Hằng.

(AFP) – Trừng phạt Syria sử dụng vũ khí hóa học : Nga và Mỹ vẫn bất đồng. Hôm nay 28/02/2017, Hội Đồng Bảo An nhóm họp để bỏ phiếu trừng phạt 11 quan chức và 10 tổ chức của Syria vì đã 3 lần sử dụng vũ khí hóa học vào năm 2014-2015. Tuy nhiên, Nga và Mỹ vẫn bất đồng về việc trừng phạt Syria. Maxtcơva cho biết sẽ vẫn bỏ phiếu phủ quyết giống như 6 lần trước để bảo vệ đồng minh Syria. AFP cho biết là Ông Vladimir Safronkov, phó đại sứ Nga bên cạnh Liên Hiệp Quốc giải thích là các biện pháp trừng phạt Syria chỉ được đưa ra dựa trên các lập luận từ một phía và chưa có đủ bằng chứng cho thấy Syria sử dụng vũ khí hóa học.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170228-tin-doc-nhanh