Tin khắp nơi – 27/02/2017
TT Trump ‘không xem lễ trao giải Oscar’
Trong khi Hollywood gấp rút chuẩn bị cho sự kiện điện ảnh lớn nhất trong năm, nơi nhiều nhà làm phim dự kiến sẽ thể hiện quan điểm của mình về tình trạng chính trị của nước Mỹ, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cho biết rằng Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ không theo dõi lễ trao giải Oscar diễn ra vào ngày 26/2.
Người phát ngôn này được tờ The Guardian dẫn lời nói tại một buổi họp báo thường lệ hôm 23/2 rằng ông Trump bận tổ chức một sự kiện đón tiếp thống đốc các tiểu bang tới thủ đô Washington.
“Nói thật, quan điểm của Hollywood được biết là ngả sang phía cánh tả. Tôi nghĩ rằng tổng thống sẽ tổ chức Buổi dạ vũ dành cho các thống đốc mà tổng thống muốn biến nó thành một sự kiện lớn và đệ nhất phu nhân đã dành nhiều thời gian và công sức. Tôi nghĩ đó là điều mà tổng thống và đệ nhất phu nhân sẽ tập trung vào tối Chủ Nhật…”, ông Spicer được trích lời nói.
Trong những năm gần đây, ông Trump nhiều lần lên Twitter để chỉ trích buổi lễ trao giải Oscar là một sự kiện “tệ hại”.
Tháng trước, ông công kích ngôi sao gạo cội của Hollywood Meryl Streep sau khi bà chỉ trích ông tại lễ trao giải Quả cầu vàng. Nữ diễn viên này năm nay cũng nhận được một đề cử Oscar.
Mới đây, đạo diễn người Iran Asghar Farhadi đã chọn một nữ kỹ sư Mỹ gốc Iran và một cựu nhân viên của NASA đi đại diện cho bộ phim “The Salesman” do ông đạo diễn tại lễ trao giải Oscar, sau khi tuyên bố tẩy chay buổi lễ ngày 26/2 vì sự trấn áp của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với di dân, theo Reuters.
Trong khi đó, các đạo diễn nước ngoài khác được đề cử Oscar cũng đồng loạt lên án “bầu không khí phát xít ở Hoa Kỳ”.
Buổi lễ trao giải Oscar lần thứ 89 sẽ diễn ra tại Hollywood ở Los Angeles vào chiều 26/2 (giờ địa phương), tức sáng sớm 27/2 giờ (Hà Nội).
http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-donald-trump-se-khong-xem-le-trao-giai-oscar/3740661.html
TT Trump yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng,
giảm ngân sách Bộ Ngoại giao
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã khởi sự chương trình ngân sách liên bang bằng các đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng và cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác như Cơ quan Bảo vệ Môi trường.
Các giới chức chính quyền Mỹ cho biết Tòa Bạch Ốc đã đưa ra kế hoạch chi tiêu liên bang chi tiết trong một bản ghi nhớ gửi cho các cơ quan vào ngày thứ Hai. Văn phòng Quản lý và Ngân sách nói phác thảo ngân sách hoàn chỉnh hơn dự kiến sẽ được công bố vào giữa tháng Ba.
Từ khi còn là một ứng cử viên Tổng thống, ông Trump đã liên tục hứa là sẽ tăng cường quân đội. Trong phát biểu hôm thứ Sáu, ông cam kết sẽ thực hiện “một trong những chương trình kiện toàn quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Ông cũng cho biết sẽ không tìm cách cắt giảm các chương trình như An sinh Xã hội và Chăm sóc Y tế.
Mặc dù vậy, các đề xuất của Tổng thống Trump với các cơ quan hôm thứ Hai chắc chắn sẽ không phải là kế hoạch ngân sách chung cuộc cho năm tài khóa 2018 sẽ bắt đầu vào tháng Mười.
Mỗi cơ quan sẽ phản hồi lại bằng những lập luận hợp lý cho ngân sách đề nghị cho cơ quan của mình. Cuối cùng, Quốc hội sẽ bỏ phiếu để quyết định về kế hoạch chi tiêu liên bang.
Vào ngày thứ Hai, ông Trump sẽ họp với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell tại Tòa Bạch Ốc. Ngày hôm sau, ông sẽ phát biểu trước phiên họp chung của hai viện Quốc hội. Đây là một bài phát biểu quan trọng sau 6 tuần lễ đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Tòa xem xét luận tội tổng thống Hàn Quốc vào hồi kết
SEOUL —
Hồi tháng 12, Quốc hội Nam Triều Tiên biểu quyết với tỉ lệ áp đảo quyết định đình chỉ chức tổng thống của bà Park Geun-hye vì bị cáo giác thông đồng với người bạn thân Choi Soon-sil moi tiền các tập đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc, buộc họ đóng góp đến hơn 69 triệu đôla vào hai quỹ tài trợ có nhiều mờ ám để đổi lại các điều kiện ưu đãi trong kinh doanh hay tránh bị đe dọa kiểm toán thuế.
Còn có hai vụ truy tố khác: một vụ liên quan đến cách giải quyết bị cáo buộc là lơ đễnh trong tai nạn chiếc phà Sewol bị đắm năm 2014 làm hơn 300 người thiệt mạng, và một vụ liên quan đến việc bà Choi cố tình lạm dụng quan hệ với tổng thống để đưa con gái bà vào một trường đại học danh tiếng.
Pháp lý
Tổng thống Park bị ngưng chức trong thời gian Tòa án Hiến pháp xem xét tính hợp pháp của kiến nghị luận tội, một tiến trình pháp lý có thể kéo dài đến sáu tháng.
Bà Park không đến dự phiên biện hộ cuối cùng và tiếp tục công khai tuyên bố vô tội và nói rằng bà chưa bao giờ hưởng bất cứ lợi ích tài chánh nào trong nhiệm kỳ tổng thống của bà, và bà không hay biết bất cứ hành động bất hợp pháp nào mà bạn bè hay thuộc cấp của bà đã làm.
Tuy nhiên những người chỉ trích nói rằng các luật sư của bà Park áp dụng chiến thuật biện hộ bất chấp đạo lý để chống lại kiến nghị luận tội dựa trên những quy định pháp lý nhằm cố trì hoãn tiến trình luận tội ở Tòa án Hiến pháp.
Hiến pháp Nam Triều Tiên quy định ít nhất 6 trong tổng số 9 thẩm phán của tòa tối cao đồng ý thì phán quyết mới có hiệu lực. Hiện chỉ có 8 thẩm phán tại tòa sau khi Chánh thẩm Park Han-chul mãn nhiệm vào tháng 1. Thẩm phán Lee Jung-mi sẽ mãn nhiệm vào ngày 13 tháng 3. Chưa có đề cử nào khác cho các chức thẩm phán đó trong thời gian luận tội Tổng thống Park.
Tòa án đã tỏ dấu hiệu sẽ cố đi đến phán quyết trước khi Thẩm phán Lee mãn nhiệm.
Tuy nhiên, một trong các luật sư của Tổng thống Park nói phán quyết của Tòa án Hiến pháp với 8 thẩm phán đưa ra có thể bị kháng cáo.
Các luật sư của bà Park cũng tranh luận rằng 13 cáo buộc luận tội được gộp chung trong một kiến nghị, và từng cáo buộc một sẽ không được biểu quyết riêng biệt, và toàn bộ tiến trình đó có thể không có hiệu lực.
Hội đồng điều tra độc lập
Cũng trong ngày thứ Hai, quyền Tổng thống Nam Triều Tiên Hwang Kyo-ahn từ chối gia hạn cho cuộc điều tra của công tố viên đặc trách liên quan đến vụ bê bối lợi dụng ảnh hưởng của tổng thống.
Ông Hong Kwon-Heui, người phát ngôn của thủ tướng Hàn Quốc, nói:
“Sau khi thận trọng cân nhắc, quyền tổng thống quyết định tốt nhất cho sự ổn định của đất nước là không gia hạn cuộc điều tra đặc biệt và để cho các công tố viên thực hiện công việc.”
Đoàn công tố đặc biệt được thành lập hồi tháng 12 do có những lo ngại rằng các công tố viên của Bộ Tư pháp do chính quyền của Tổng thống Park bổ nhiệm có thể bị dư luận xem là sẽ có xung đột lợi ích trong cuộc điều tra.
Trong 90 ngày qua, đoàn công tố đặc biệt đã kết tội hoặc bắt giữ nhiều nhân vật chính trị và doanh nghiệp chóp bu có liên quan đến vụ bê bối tham nhũng, trong đó nhà lãnh đạo của tập đoàn Samsung, ông Jay Y Lee.
Tuy nhiên Tổng thống Park và nhóm biện hộ của bà từ chối hợp tác với cuộc điều tra, và quyền Tổng thống Hwang từ chối một đề nghị cho khám xét văn phòng của bà Park trong Nhà Xanh vì lý do an ninh quốc gia.
Công tố viên đặc biệt trước đó đã đề nghị gia hạn tiếp cuộc điều tra và bày tỏ thất vọng trước việc quyền Tổng thống Hwang bác bỏ đề nghị đó.
Ông Lee Kyu-chul, người phát ngôn của hội đồng công tố đặc biệt, nói:
“Công tố viên đặc biệt cho rằng là một điều đáng tiếc khi quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn không chấp thuận gia hạn cho cuộc điều tra trong khi cuộc điều tra về những vấn đề theo yêu cầu của đoàn công tố đặc biệt chưa hoàn tất.”
Các nhà lập pháp của Ðảng Cộng hòa, đảng đối lập chính ở Hàn Quốc, hôm thứ Hai cho hay họ sẽ tìm cách luận tội thủ tướng vì từ chối gia hạn cho cuộc điều tra của hội đồng độc lập.
Quyền Tổng thống Hwang được Tổng thống Pak bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 2015 được xem có nhiều khả năng sẽ là một ứng cử viên bảo thủ cho chức tổng thống nếu kiến nghị luận tội bà Park được chấp thuận.
Bầu cử
Vụ bê bối lợi dụng ảnh hưởng của tổng thống và vụ luận tội tổng thống đã gây chia rẽ sâu sắc Nam Triều Tiên. Cuối tuần qua mấy vạn người xuống đường biểu tình ở thủ đô Seoul yêu cầu Tổng thống Park Geun Hye từ chức. Cuối tuần nào cũng có biểu tình kể từ khi vụ bê bối này đổ bể.
Một số thủ lãnh đối lập công bố dự định sẽ ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ ngày Tòa án Hiến pháp ra phán quyết, và nếu kiến nghị luận tội được tòa chấp thuận. Nếu tòa bác bỏ kiến nghị luận tội, bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào cuối năm nay trước khi nhiệm kỳ tổng thống 5 năm duy nhất của bà Park kết thúc vào đầu năm 2018.
Hồi tháng trước, những người ủng hô bà Park theo khuynh hướng bảo thủ đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn. Nhiều người tham gia các cuộc biểu tình đó mang cờ Mỹ và chỉ trích những người ủng hộ luận tội là những cảm tình viên của chế độ Bắc Triều Tiên.
Cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon từng được xem là một người theo quan điểm bảo thủ có nhiều khả năng ra tranh cử để kế nhiệm bà Park, nhưng ông đã rút tên sau khi bị truyền thông báo chí chỉ trích và tỉ lệ ủng hộ ông giả
http://www.voatiengviet.com/a/toa-xem-xet-luan-toi-tong-thong-han-quoc-vao-hoi-ket/3741561.html
VX – chất độc giết Kim Jong-nam là gì?
Malaysia nói loại hóa chất được sử dụng để giết chết ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Bắc Hàn, là VX – một loại chất độc thần kinh bị cấm trên thế giới.
Ông Kim Jong-nam bị giết chết tại sân bay Kuala Lumpur của Malaysia hôm 13/2.
Ông Kim Jong-nam ‘chết đau đớn’ trong vòng 20 phút
Ai có thể đứng sau vụ ám sát Kim Jong-nam?
‘Thấy chất độc VX trên mặt Kim Jong-nam’
Việc sử dụng loại hóa chất trên, nếu được xác nhận, sẽ giúp khoanh vùng được các nghi phạm ở những đối tượng có khả năng có được một lượng nhỏ chất VX.
Tuy không khó chế tạo, nhưng đây là loại hóa chất được kiểm soát chặt chẽ.
VX là gì?
Đây là loại chất lỏng dạng dầu, có màu hổ phách trong, không mùi, không vị, cho nên rất khó phát hiện. Nó là chất có độc tính cao nhất trong các loại hóa chất dùng làm vũ khí hóa học, mạnh gấp khoảng 100 lần so với sarin.
Một giọt VX dính vào da đã đủ làm một người tử vong trong vòng ít phút.
VX có tên hóa học chính thức là S-2 Diisoprophylaminoethyl methylphosphonothiolate.
Chất này bị cấm sử dụng theo Công ước về Vũ khí Hóa học 1993 (CWS), và điều đó có nghĩa là các quốc gia không được phép sản xuất, đồng thời phải tiêu hủy toàn bộ lượng VX mà mình có.
VX hoạt động như thế nào?
VX có thể được hấp thụ vào cơ thể thông qua việc hít thở, nuốt phải, qua tiếp xúc với da, hoặc với mắt. Chất này thâm nhập qua da và làm gián đoạn việc dẫn truyền xung thần kinh.
Hóa chất này chỉ có thể dùng duy nhất cho mục đích vũ khí hóa học. Nó có thể được phát tán ở dạng bình xịt hoặc phun hơi, hoặc gây nhiễm độc nguồn nước, thực phẩm, và các sản phẩm nông nghiệp.
Nếu bị phơi nhiễm thì sao?
Người bị nhiễm VX sẽ ngay lập tức có các triệu chứng tương tự như ngộ độc thuốc trừ sâu, như ho, tức ngực, thở khò khè hoặc thở dốc, sau đó sẽ thấy mờ mắt, mệt mỏi, đau đầu.
Có các triệu chứng khác nữa, như chảy nước mắt, nước mũi, đau bụng hoặc đi ngoài, buồn nôn, nôn ói, co cơ hoặc lên cơn co giật.
Liều lượng đủ cao sẽ gây chết người do nó chặn toàn bộ hệ thống thần kinh, gây co giật.
Quần áo có thể làm phát tán VX trong khoảng 30 phút sau khi tiếp xúc với hơi VX, gây lây nhiễm cho người xung quanh.
Chất VX trong vụ Kim Jong-nam?
Cảnh sát Malaysia nói hai nữ nghi phạm người Việt và người Indonesia đã tấn công ông Kim bằng cách bôi chất gì đó lên mặt ông.
Giới chức Malaysia tuyên bố chất VX đã được dùng để sát hại ông Kim Jong-nam, nhưng trang New Scientist tỏ ra thận trọng trước kết luận này.
Camera an ninh tại sân bay cho thấy có một nghi phạm làm việc đó, và kẻ tấn công có vẻ như không dùng biện pháp bảo hộ nào. Được biết sau đó nghi phạm đã vào nhà vệ sinh rửa tay, và một trong hai người đã nôn ói. Tuy nhiên, giới chức Malaysia không nói là họ có các triệu chứng gì khác.
Các nghi phạm tấn công có thể đã được cho dùng biện pháp phòng ngừa trước đó với chất atropine, New Scientist nêu giả thuyết, là chất ngăn chặn được tác động của VX.
Tuy nhiên, nếu quả vậy thì các nhân viên y tế tại sân bay, những người đã hỗ trợ ông Kim sau vụ tấn công, hẳn không thể được cho áp dụng biện pháp phòng ngừa đó.
Kể cả khi hóa chất VX được cất trong hộp kín và chỉ được phát tán sau khi bôi lên mặt ông Kim thì các nhân viên y tế sân bay cũng vẫn bị ảnh hưởng.
Và như vậy, nếu quả là chất VX được sử dụng, thì những nhân viên y tế này cũng phải bị nhiễm độc do tiếp xúc với ông Kim, New Scientist nói, thế nhưng đến nay chưa có tường thuật nào nói họ có các triệu chứng nhiễm độc VX.
Chất VX đã từng được sử dụng bao giờ chưa?
Mới chỉ có Nga và Mỹ thừa nhận sở hữu chất VX, nhưng các nước khác được cho là cũng có chất này.
Cindy Vestergaard, chuyên gia vũ khí hóa học và là nhân viên cao cấp tại Trung tâm Stimson, nói rằng Iraq “chắc chắn đã sản xuất VX” trong thời thập niên 1980, nhưng không có bằng chứng cho thấy nước này đã từng sử dụng.
Hồi 1969, có 23 quân nhân và một dân thường phải nhập viện sau khi chất độc thần kinh VX cất trữ tại căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa, Nhật, bị rò rỉ.
Vụ việc đã gây ra “sự giận dữ khủng khiếp tại Nhật”, bà Vestergaard nói với BBC, khiến Mỹ phải “tuyên bố công khai rằng họ có các kho hóa chất ở nước ngoài”.
Bà nói nếu vụ việc ông Kim được xác nhận thì đây sẽ là lần đầu tiên chất VX được sử dụng trong một vụ ám sát.
Tuy nhiên, trang New Scientist nói chất VX đã từng được sử dụng để ám sát, mà đáng chú ý là vụ nhóm khủng bố Nhật Bản, Aum Shinrikyo, đã sản xuất lượng nhỏ chất này rồi dùng xi-lanh tiêm vào da nạn nhân.
Bắc Hàn có sản xuất chất VX không?
Bắc Hàn, bên cạnh các nước Ai Cập và Nam Sudan, chưa ký kết cũng chưa phê chuẩn CWC.
Phân tích gia chuyên về quốc phòng Lee II-woo từ Mạng lưới Quốc phòng Triều Tiên nói với AFP rằng “nước này được cho là có lượng lớn chất VX, vốn có thể được sản xuất một cách dễ dàng, giá rẻ”.
Bộ Quốc phòng Nam Hàn nói trong Sách Trắng Quốc Phòng hồi 2014 rằng Bắc Hàn đã bắt đầu sản xuất vũ khí hóa học từ hồi thập niên 1980, và ước tính nước này nay có từ 2.500 đến 5.000 tấn trong kho.
Bắc Hàn có các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học tại tám địa điểm khác nhau, trong đó có cảng Chongjin ở đông bắc và thành phố Sinuiju ở tây bắc, Nam Hàn nói trong Sách Trắng Quốc Phòng 2012.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39104828
Ứng viên lãnh đạo Hải quân Mỹ rút lui
Ông Philip Bilden, cựu nhân viên tình báo quân sự và nhà kinh doanh chứng khoán được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào chức vị lãnh đạo ngành Hải quân (Secretary of the Navy) Hoa Kỳ, đã xin rút lui.
Như thế, theo tin Reuters hôm 26/02/2017, tân nội các Trump chưa có cả hai chức vụ nắm hai binh chủng Hải quân và Lục quân Hoa Kỳ.
Hồi đầu tháng, ông Vincent Viola, người được ông Trump chọn để phụ trách Lục quân, dưới quyền Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, cũng xin rút.
Hôm Chủ Nhật, ông Bilden cho hay ông không thể thỏa mãn các yêu cầu của Văn phòng Chính phủ chuyên về đạo đức (Office of Government Ethics) trước “yêu cầu rút lui khỏi các hoạt động tài chính cá nhân của gia đình”.
Ông Mattis cho hay ông thất vọng nhưng hiểu được quyết định của ông Bilden.
Cựu tướng Mattis cũng cho biết trong một tuyên bố:
“Trong những ngày tới, tôi sẽ đề đạt lên Tổng thống ứng viên có thể dẫn dẫn Hải quân và Thủy quân lục chiến để có thể thực hiện viễn kiến của Tổng thống nhằm tái thiết quân lực của chúng ta.”
Nội các nhiều ghế trống
Binh chủng Hải quân Hoa Kỳ, trực thuộc Bộ Quốc phòng, có hai quân lực là Hải quân và Thủy quân lục chiến.
Chức vụ lãnh đạo binh chủng này, là Navy Secretary, mang áo dân sự và phải là người rời quân ngũ trên 5 năm.
Chức vụ này nằm dưới quyền Bộ trưởng Quốc phòng.
Bản thân ông James Mattis là cựu tướng của Thủy quân Lục chiến.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump nêu lý do là “nội các còn nhiều ghế trống vì Đảng Dân chủ không ủng hộ việc chuẩn thuận các chức vụ”.
Cuối tháng Một năm nay, Đảng Dân chủ đã tẩy chay hai ứng viên, ông Tom Price vào chức Bộ trưởng Y tế và Nhân lực, và Stephen Mnuchin vào chức Bộ trưởng Tài chính.
Nhưng trên thực tế, một số ứng viên đã từ chối không nhận chức vụ trong nội các của ông Trump mà chưa đến vòng ra bỏ phiếu chuẩn thuận.
Hôm giữa tháng Hai, ông Andrew Puzder, ứng viên được Tổng thống Trump chọn vào chức Bộ trưởng Lao động đã xin rút.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39102849
16 nước tham gia RCEP sẽ gặp nhau tại Nhật
Tin từ Tokyo cho hay trong tuần này, đại diện của 16 nước Châu Á sẽ gặp nhau tại thành phố Kobe của Nhật Bản, để bàn thảo về đề nghị nên sớm thông qua một hiệp định mậu dịch chung, nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Những bản tin chúng tôi ghi nhận được đều nói đề tài của cuộc thảo luận là Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực, được gọi tắt là RCEP. Đây là bản hiệp định quy tụ 10 nước ASEAN và 6 nước mà ASEAN đã ký kết hiệp định thương mại tự do, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Nam Hàn và New Zealand.
Ý kiến này được nêu lên sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP.
Quan chức đầu tiên của Trung Quốc thăm Mỹ dưới thời Trump
Hôm nay, ông Dương Khiết Trì, người lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc sẽ có mặt tại Washington, để thảo luận với các quan chức hàng đầu của Mỹ về mối quan hệ song phương và những vấn đề cả 2 bên đều quan tâm.
Tin ông Dương Khiết Trì sang Mỹ được Bộ Ngoại Giao Trung Quốc loan báo hồi tối hôm qua. Sáng nay, trong cuộc họp báo thường lệ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Cảnh Sảng cho biết thêm một trong mục đích của chuyến đi là sắp xếp cuộc gặp gỡ giữa Tồng thống Mỹ Donald Trump và Chủ Tịch Nhà Nước Tập Cận Bình.
Trong 2 ngày có mặt tại Washington, ông Dương Khiết Trì sẽ gặp Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson và ông Tổng Trưởng Quốc Phòng James Mattis.
Kể từ khi Tổng Thống Trump nhậm chức hôm 20 tháng Giêng năm nay, tới giờ ông Dương Khiết Trì là nhân vật cao cấp nhất trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc đến Hoa Kỳ.
Chuyến đi được thực hiện giữa lúc quan hệ đôi bên đang gặp khó khăn.
Vài ngày trước đây khi trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Reuters, Tổng Thống Trump gọi Trung Quốc là nước vô địch về thao túng tiền tệ để trục lợi khi xuất khẩu hàng sang Mỹ.
Trước ngày nhậm chức, ông Trump còn nói chuyện qua điện thoại với Tổng Thống Thái Anh Văn của Đài Loan, đồng thời nêu thắc mắc tại sao Hoa Kỳ phải tôn trọng quy ước chỉ có một nước Trung Hoa mà Bắc Kinh là đại diện chính thức, đồng thời chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng, cải tạo những hòn đảo mà Bắc Kinh đang chiếm giữ ở Biển Đông, cũng như chỉ trích Trung Quốc không gây áp lực đúng mức để buộc Bắc Hàn phải ngưng theo đuổi mục tiêu chế tạo võ khí nguyên tử.
Mãi đến đầu tháng này, khi nói chuyện với ông Tập Cận Bình qua điện thoại, Tổng Thống Trump mới dịu giọng, xác nhận chính phủ do ông lãnh đạo tôn trọng quy ước chỉ có một nước Trung Hoa, và Đài Loan là một phần lãnh thổ của Hoa Lục.
Hội Đồng Nhân Quyền LHQ họp, mọi chú ý đổ vào Mỹ
Hôm nay 27/02/2017, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bắt đầu kỳ họp thường niên kéo dài hơn một tuần. Mọi cặp mắt đổ dồn vào Hoa Kỳ, trong bối cảnh chính quyền Donald Trump đang gây không ít lo ngại, ngờ vực xung quanh những cam kết của Washington với định chế quốc tế bảo vệ nhân quyền này.
Trong phiên họp năm nay, đại diện 47 quốc gia tham gia Hội Đồng Nhân Quyền sẽ bàn thảo nhiều về tình hình nhân quyền ở Syria, Bắc Triều Tiên, Miến Điện hay về chủ đề liên quan đến đối xử với di dân, tự do tín ngưỡng ….
Tuy nhiên, những cuộc thảo luận về các chủ đề như vậy chưa phải là tâm điểm chú ý của giới quan sát. Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh gần đây đang có nhiều tiếng nói chỉ trích các biện pháp mới của chính quyền Mỹ trong lĩnh vực nhân quyền. Đó là sắc lệnh chống nhập cư, về những người chuyển giới và đồng tính của tổng thống Donald Trump. Trong tuần, đại diện của Mỹ ở Hội Đồng sẽ có bài phát biểu đầu tiên từ khi ông Trump làm tổng thống. Người ta đang chờ xem lập trường mới của Mỹ về vấn đề quyền và vai trò của Mỹ trong cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc sẽ ra sao ?
Ông John Fisher, thuộc tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, đánh giá : “ Dưới các chính quyền trước đây, Hoa Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng từ khi gia nhập Hội Đồng, thậm chí trong một số sáng kiến chủ chốt Mỹ còn đóng vai trò lãnh đạo”.
Trước kỳ họp hàng năm của Hội Đồng Nhân Quyền hôm nay, vấn đề Washington rút ra khỏi Hội Đồng đã được đề cập đến trong nhiều cuộc họp tại Nhà Trắng. Một cựu quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ khẳng định : “ Vấn đề tính hữu ích của một định chế như vậy (Hội Đồng Nhân Quyền) và sự cần thiết có mặt của Hoa Kỳ trong tổ chức đó đang được bàn luận”.
Theo trang mạng thông tin tại Mỹ, Politico, Donald Trump có thể dự tính rút Mỹ ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, vì cho rằng định chế bảo vệ nhân quyền này đã hành động không công bằng với Israel và nhắm mặt làm ngơ trước các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc hay Ả Rập Xê Út, hai nước thành viên của Hội Đồng.
Các tuyên bố của ông Trump về nhân quyền cho đến giờ vẫn không nhiều và không mấy gây sốc mạnh như thường thấy ở những vấn đề khác, nhưng giới bảo vệ nhân quyền vẫn thấy cần có sự hiện diện tích cực của Mỹ ở Hội Đồng để thúc đẩy các mục tiêu quan trọng. Đôi khi đó có thể là những mục tiêu được định hướng chính trị.
Gần đây nhiều tổ chức phí chính phủ bảo vệ nhân quyền ở Mỹ đã gửi một bức thư tới ngoại trưởng Rex Tillerson, đề nghị Mỹ không nên ra khỏi tổ chức quốc tế này. Các tổ chức này khẳng định: “ Vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ tại Hội Đồng Nhân Quyền đã giúp thúc đẩy quyền lợi và giá trị của đất nước chúng ta, vẫn gắn với hàng loạt các ưu tiên trong lĩnh vực nhân quyền”.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ buông lơi lĩnh vực nhân quyền. Chính quyền Bush năm 2006 đã từng rút khỏi Hội Đồng, và phải đến năm 2009, chính quyền Obama mới đưa Mỹ quay trở lại.
Đến lúc này, Hoa Kỳ vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ mới ở Hội Đồng. Dưới chính quyền Trump, viễn ảnh Mỹ cắt giảm đóng góp vào ngân sách hoạt động của Liên Hiệp Quốc càng rõ nét, cũng như không có gì bảo đảm Washington sẽ tham gia tích cực hơn vào Hội Đồng Nhân Quyền.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170227-hoi-dong-nhan-quyen-lhq-hop-moi-chu-y-do-vao-my
Hòa đàm về Syria tại Geneve bế tắc
Ngày 23/02 vừa qua, đại diện chính quyền Damas và các phe đối lập Syria đã họp tại Genè ve, dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, tình hình trở nên bế tắc, vì theo giới quan sát, các bên chưa nói chuyện được với nhau thì trên thực địa, hôm Chủ nhật, lại xẩy ra một vụ khủng bố tại Homs, làm ít nhất 80 người thiệt mạng.
Thông tín viên Jeremie Lanche cho biết tình hình tại Geneve :
« Hoàn toàn không thiếu các cuộc họp báo tại Geneve, nhưng cái thiếu vắng thực sự là nội dung họp báo. Các cuộc đàm phán về Syria chính thức bắt đầu ngày 23/02 và từ đó đến nay, không hề đạt được kết quả nào. Các bên tham gia đều đòi áp dụng nghị quyết 2254 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết này đề cập đến ba điểm : thành lập một chính phủ có thể lãnh đạo đất nước, tổ chức bầu cử tự do và soạn thảo một hiến pháp mới cho Syria.
Thế nhưng, các bên tham gia còn chưa xác định là có thương lượng trực tiếp với nhau hay là thông qua trung gian.của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc.
Phe đối lập lẽ ra phải thống nhất với nhau, lập một phái đoàn duy nhất khi đến dự vòng đàm phán. Thế nhưng, cuối cùng, phe đối lập lại chia thành ba nhóm nhỏ riêng rẽ, trong số này có hai nhóm được Nga ủng hộ.
Thế rồi, lại xẩy ra vụ khủng bố tự sát nhắm vào cơ quan tình báo của chính quyền ở Homs và các bên liên quan lại tranh cãi, đổ lỗi cho nhau. Như vậy, viễn cảnh giải quyết cuộc xung đột còn rất xa vời. Không ai biết là cuộc đàm phán sẽ kéo dài đến lúc nào. Thế nhưng có ít cơ may là các cuộc thương lượng được tiếp tục trong tuần này vì một lý do đơn giản : Tất cả các khách sạn tại Geneve đều không còn chỗ vì có triển lãm xe hơi. Hòa bình tại Syria cứ đợi đấy ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170227-hoa-dam-ve-syria-tai-geneve-be-tac
Đức: Mỗi ngày 10 vụ tấn công người tị nạn và nhập cư năm 2016
Đức là một trong những nước châu Âu đón nhận nhiều người tị nạn và nhập cư. Thế nhưng, hồ sơ này đang gây tranh luận. Theo số liệu của bộ Nội Vụ Đức, được công bố hôm qua, 26/02/2017, trong năm 2016, có tới 3500 vụ tấn công nhắm vào người tị nạn và nhập cư. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày có tới 10 vụ.
Theo AFP, chính phủ Đức đã ra thông cáo cực lực lên án những hành vi bạo động nói trên.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut tường trình :
« Gần 10 vụ tấn công mỗi ngày. Đó là bản tổng kết của bộ Nội Vụ Đức về tình hình trong năm 2016. Tổng cộng, trong năm ngoái, có 3500 vụ bạo hành nhắm vào những người đang xin hoặc đã có quy chế tị nạn. Các vụ tấn công này làm 560 người bị thương, trong đó có 43 trẻ em.
Trước năm 2016, cảnh sát Đức không làm thống kê riêng biệt về những trường hợp này. Do vậy, số liệu được công bố hôm qua không cho phép thấy được là phải chăng tình trạng bạo lực gia tăng kể từ khi người tị nạn ồ ạt tới Đức, với gần 900 ngàn người trong năm 2015.
Ngoài các vụ bạo hành nhắm vào người nhập cư và tị nạn, cần phải tính tới các vụ tấn công vào những trung tâm đón tiếp người nhập cư, nhắm vào cả các tổ chức nhân đạo hoặc các nhân viên thiện nguyện giúp đỡ người nhập cư.
Trong bản tổng kết u ám về tình hình năm ngoái, cũng có một điểm son, lạc quan. Các số liệu thống kê cho thấy là số vụ bạo lực đã giảm trong quý bốn năm 2016, tạo hy vọng là xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm nay ».
Dân Rumani kêu gọi châu Âu
ủng hộ cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Hôm qua, 26/02/2017, khoảng 5000 người tiếp tục biểu tình ở thủ đô Bucarest. Đây là cuộc biểu tình lần thứ 27. Ngoài các khẩu hiệu chống tham nhũng, đòi chính phủ phải từ chức, những người biểu tình còn mang cờ Liên Hiệp Châu Âu và kêu gọi Bruxelles lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Từ thủ đô Rumani, thông tín viên Benjamin Ribout tường trình :
« Những người biểu tình trước trụ sở chính phủ ở Bucarest đưa ra một thông điệp chưa từng thấy. Họ gắn cuộc đấu tranh chống tham nhũng với việc nước Rumani là thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Hơn 5000 người biểu tình ở thủ đô với các bảng khẩu hiệu nhỏ được chiếu sáng bằng điện thoại di động.
Anh Nicu và vợ đã chuẩn bị một lá cờ châu Âu vài phút trước đó. Anh nói : ” Dường như những người đứng đầu chính phủ hiện nay tìm mọi cách để đưa Rumani ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu và điều này làm chúng tôi lo ngại. Đừng nghĩ là tôi thích đi biểu tình vào tối Chủ nhật. Tôi thích ở nhà hơn”.
Đề cao các giá trị châu Âu và coi đó là bức thành lũy ngăn chặn một tầng lớp chính trị gia tham nhũng. Đó là mong muốn của phong trào biểu tình trước nguy cơ số người tham dự ngày càng ít đi. Thế nhưng, theo một người biểu tình, thì người dân Rumani xuống đường vì khao khát công lý. Họ biểu tình để bảo vệ các nguyên tắc và đặc biệt là nguyên tắc tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi người mong muốn được sống trong một xã hội có văn hóa, trong đó những ai vi phạm pháp luật và tham nhũng thì phải bị trừng trị.
Từ vài ngày qua, cuộc biểu tình thường diễn ra vào tối Chủ nhật ở quảng trường Thắng Lợi, thủ đô Bucarest, huy động được ít người tham gia hơn, cho dù vai trò châu Âu có được nhắc đến. Tuy nhiên, mọi hành động của chính phủ đều được theo dõi sát sao và chỉ cần có một sai trái nào đó thì làn sóng phản đối sẽ tái bùng phát ».
Quyền tổng thống Hàn Quốc
không kéo dài điều tra về Park Geun Hye
Hôm nay, 27/02/2017, văn phòng quyền tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn cho biết là cuộc điều tra đặc biệt về vụ hối mại quyền thế liên quan bà Park Geun Hye sẽ không được kéo dài thêm.
Theo phát ngôn viên của văn phòng quyền tổng thống, được Reuters trích dẫn, cuộc điều tra đặc biệt đã hoàn tất nhiệm vụ của mình và vì sự ổn định, lợi ích chung của đất nước, cuộc điều tra này sẽ chấm dứt vào ngày mai, như dự định.
Đại diện của ủy ban điều tra đặc biệt lấy làm tiếc về quyết định của quyền tổng thống vì cho rằng ủy ban không có đủ thời gian cần thiết để làm tốt công việc của mình.
Ngày 09/12/2016, Quốc Hội Hàn Quốc, với đa số áp đảo, đã bỏ phiếu phế truất tổng thống. Bà Park Geun Hye bị cáo buộc liên quan đến vụ hối mại quyền thế, để cho một người bạn thân giữ vai trò cố vấn gây áp lực buộc các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp tài chính cho các quỹ phục vụ ý đồ chính trị riêng của bà.
Trong khi đó, bà Park Geun Hye hôm nay từ chối ra Tòa Bảo Hiến để điều trần về vụ việc này. Tình hình tại Hàn Quốc càng trở nên căng thẳng.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias gửi về bài tường trình :
« Mâu thuẫn, chia rẽ trên phạm vi toàn quốc ngày càng trầm trọng tại Hàn Quốc.
Hôm thứ Bẩy, 25/02, hàng trăm ngàn người ủng hộ và chống tổng thống Park Geun Hye đã tuần hành trên đường phố Seoul. Hai cuộc biểu tình ủng hộ và chống này diễn ra chỉ cách nhau có vài trăm mét.
Bất chấp các bằng chứng được thu thập ngày càng nhiều, phe ủng hộ tổng thống tố cáo đó là những chứng cớ ngụy tạo, những thông tin sai lệch được đồn thổi do các phương tiện truyền thông không trung thực tung ra. Họ còn cáo buộc phe chống tổng thống là làm việc cho kẻ thù, tức Bắc Triều Tiên.
Về phần mình, tổng thống Park Geun Hye bác bỏ lệnh của Tòa Bảo Hiến triệu tập bà đến phiên điều trần cuối cùng diễn ra ngày hôm nay. Các luật sư của tổng thống Park Geun Hye cho biết là bà sẽ ra một tuyên bố bằng văn bản.
Trong vòng hai tuần tới, Tòa Bảo Hiến sẽ phải ra quyết định chấp nhận hoặc bác bỏ việc phế truất bà Park Geun Hye. Thế nhưng, tranh cãi giữa hai phe chống và ủng hộ ngày càng quyết liệt, thô bạo, đến mức một số nhà quan sát tỏ ra lo ngại.
Do vậy, trong một bài xã luận, nhật báo Joongang nêu câu hỏi không biết là phe thua cuộc sẽ chấp nhận phán quyết của tòa hay không. Tờ báo còn đề cập đến nguy cơ hỗn loạn chính trị do việc bác bỏ quyết định của tòa ».
Con trai của võ sĩ huyền thoại Ali bị giữ tại sân bay Mỹ
Sắc lệnh của tổng thống Donald Trump cấm người tị nạn và công dân 7 nước đa số theo đạo Hồi nhập cảnh vào Mỹ, tuy bị đình chỉ áp dụng, nhưng vẫn gây ra những hệ lụy : Việc kiểm soát nhập cảnh tại các sân bay Mỹ được tăng cường. Sử gia Henry Rousso, người Pháp Do Thái sinh ra tại Ai Cập, được mời đến dự một hội nghị ở Texas, ngày 22/02/2017 đã bị giữ tại sân bay Houston gần 10 tiếng.
Trước đó, ngày 07/02, con trai của võ sĩ huyền thoại Mohamed Ali, mang hộ chiếu Mỹ, khi tới Florida, cũng bị đã bị giữ lại để thẩm vấn trong nhiều giờ.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet cho biết thêm thông tin về vụ này :
« Mohamed Ali Junior và mẹ là bà Khalila Camacho-Ali, người vợ thứ hai của võ sĩ huyền thoại, từ Jamaica tới sân bay Fort Lauderdale. Theo một trong những người bạn của gia đình, ông Chris Mancini, đồng thời cũng là luật sư, thì hai người bị giữ lại tại sân bay vì họ có tên Ả Rập. Bà mẹ có tấm ảnh chụp bên cạnh nhà vô địch quyền Anh thì được thả, nhưng Mohamed Ali Junior thì bị một quan chức phụ trách nhập cư thẩm vấn rất lâu, như tại sao anh lại có tên như vậy, anh có phải là người Hồi Giáo hay không. Và khi Mohamed Ali Junior trả lời rằng anh là người Hồi Giáo, thì cuộc thẩm vấn được kéo dài thêm. Vị quan chức Mỹ muốn biết thêm về tôn giáo và nơi sinh của anh.
Con trai của Mohamed Ali sinh ra tại Philadelphia, Hoa Kỳ, năm 1972 và có hộ chiếu Mỹ. Bà Camacho Ali và con trai thường xuyên đi du lịch khắp nơi trên thế giới, chưa bao giờ bị đối xử như vậy. Theo luật sư, gia đình Ali chắc chắn là nạn nhân của chính sách mới của chính quyền Trump tìm cách cấm người Hồi Giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Luật sư Chris Mancini tuyên bố, đây là trường hợp điển hình của chính sách kỳ thị theo tôn giáo, sắc tộc.
Sự cố này báo hiệu tình trạng lo âu của số đông người Hồi Giáo sinh sống tại Hoa Kỳ ».