Mỹ áp dụng chiến lược «chiến tranh tiêu hao» chống Putin
Quyết định trừng phạt được công bố hôm qua là loạt biện pháp thứ ba từ sau khi Liên bang Nga thôn tính vùng Crimée của Ukraina. Các biện pháp này đi từ việc phong tỏa tài sản và cấm thị thực nhập cảnh nhắm vào các quan chức và tập thể bị xét là có dính líu đến các hành động của Nga tại Ukraina trong thời gian gần đây.
Khi đánh vào giới có thể gọi là cận thần của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và các công ty được cho là đã hưởng lợi từ quan hệ gần gũi với điện Kremly, chính quyền Obama hy vọng là có thể buộc được Nga giảm bớt việc khuấy động tình hình tại Ukraina cũng như tại các nước khác.
Phát biểu trên kênh truyền hình Mỹ NBC News, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Jack Lew, một trong những kiến trúc sư của chính sách trừng phạt nhắm vào Nga giải thích: «Mục tiêu của chúng tôi là tiến bước một cách thận trọng, nhằm dành cho Nga một cơ hội để thay đổi chính sách của mình… Mục tiêu của chúng tôi không phải là làm hại người dân Nga, mà là để khuyến khích chính quyền Matxcơva thay đổi chính sách của mình.»
Các biện pháp trừng phạt đã bước đầu mang lại một số kết quả: Thị trường chứng khoán Nga bị khuấy động nghiêm trọng, đồng rúp của Nga đang là đơn vị tiền tệ bị chao đảo mạnh nhất trong số các cường quốc đang vươn lên, và tính ra đã có 60 tỷ đô la tư bản bị rút khỏi nước Nga trong vỏn vẹn bốn tháng đầu năm nay, tương đương toàn bộ số đầu tư chạy khỏi Nga trong năm 2013.
Theo đúng định nghĩa, một cuộc chiến tranh tiêu hao phải được thực hiện tuần tự, và chính quyền Mỹ hiện đang thủ sẵn nhiều biện pháp trừng phạt với hậu quả nặng nề hơn nhiều, nhắm vào các lãnh vực thiết yếu của nền kinh tế Nga như năng lượng, quốc phòng, dịch vụ tài chính, kim loại, khai thác khoáng sản… Các biện pháp này sẽ được tung ra trong trường hợp Putin leo thang nghiêm trọng, như cho quân đội xâm lược Ukraina chẳng hạn.
Điều khiến cho chính quyền Mỹ ngần ngại trong việc trừng phạt Nga quá mạnh và quá sớm, chính là tác hại tiềm tàng của các biện pháp trừng phạt Nga đối với các đồng minh châu Âu của Mỹ, hiện vẫn còn bị lệ thuộc Nga về khí đốt chẳng hạn.
Một ví dụ nổi bật về tính chất gượng nhẹ nói trên là việc trong danh sách các cá nhân và tập thể bị Hoa Kỳ trừng phạt không có tên của tập đoàn khí đốt Gazprom và ông Alexei Miller, lãnh đạo tập đoàn này.
Chính vì vậy mà trong đảng Cộng hòa Mỹ hiện nay, nhiều tiếng nói đã vang lên để chỉ trích tính chất yếu ớt của các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, được cho là không đủ sức để đối phó với tác giả của một cuộc khủng hoảng Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.