Tin khắp nơi – 25/02/2017
Hủy cuộc họp Bắc Hàn – Mỹ
Cuộc gặp đầu tiên giữa Bình Nhưỡng và Washington kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền đã bị hủy, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cấp thị thực cho một đặc phái viên hàng đầu của Bắc Hàn, theo The Wall Street Journal.
Cuộc họp giữa đặc sứ Bắc Hàn Choe Son Hui và các cựu quan chức Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 1 và 2/3 ở New York, nhưng đã bị hủy bỏ sau khi bà Choe bị từ chối thị thực.
Reuters dẫn lời tờ The Wall Street Journal viết rằng chưng rõ lý do dẫn tới hành động của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng việc Bắc Hàn tử nghiệm tên lửa đạn đạo hôm 12/2 cũng như vụ giết hại người anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Kim Jong Un có thể là nguyên do.
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc tin rằng các điệp viên Bắc Hàn ám sát ông Kim Jong Nam ở Malaysia hôm 13/2.
Reuters dẫn lời một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ thông tin nói rằng một cuộc thảo luận giữa Bình Nhưỡng và Washington đã được hoạch định.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc từ chối bình luận về việc gặp dự kiến ở New York đã bị hủy bỏ vì tin này không liên quan tới chính phủ Mỹ hoặc Hàn Quốc.
Nếu diễn ra, cuộc họp ở New York sẽ là lần đầu tiên một đặc phái viên hàng đầu của Bắc Hàn tới thăm Hoa Kỳ kể từ năm 2011, và là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa các đại diện Bình Nhưỡng và Washington kể từ kni ông Trump lên nhậm chức.
Bà Choe, hiện là giám đốc phụ trách các vấn đề Bắc Mỹ tại Bộ Ngoại giao Bắc Hàn, từng gặp các cựu quan chức cũng như các học giả Mỹ, và lần cuối cùng là tháng 11 năm ngoái ở Geneva, Thụy Sĩ.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 23/2, ông Trump nói rằng ông quan ngại về các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Bắc Hàn, và nói rằng “đó là một tình thế rất nguy hiểm”.
Giới truyền thông lên án ‘lệnh cấm’ của Nhà trắng
Giới truyền thông đã phản ứng giận dữ sau khi nhiều tổ chức, báo đài, hãng truyền thông, bao gồm BBC, đã bị cấm dự một cuộc họp báo không chính thức với Thư ký báo chí của Nhà Trắng, Sean Spicer.
Tờ New York Times bị ‘loại trừ’ nói, động thái này là “một sự xúc phạm không thể nhầm lẫn với các lý tưởng dân chủ”.
Nhà Trắng cấm một số đài báo dự họp báo
Thực chất ‘cuộc chiến’ giữa ông Trump và truyền thông
Tổng thống Trump: một tháng đầu và thử thách
Trump ‘chỉ trích mạnh mẽ’ giới truyền thông
Lệnh cấm được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump tung ra một cuộc tấn công khác trên truyền thông, nói rằng “tin tức thất thiệt” là “kẻ thù của nhân dân”.
BBC đã yêu cầu Nhà Trắng làm rõ việc hãng truyền thông này bị loại trừ.
Trưởng văn phòng BBC ở Washington, Paul Danahar, nói:
“Chúng tôi hiểu rằng có thể có những lúc, do không gian hoặc các tình huống, Nhà Trắng hạn chế sự kiện báo chí đến các cuộc họp báo được thiết lập. Tuy nhiên, những gì xảy ra hôm nay không phù hợp với trường hợp đó…”
Đơn giản là chúng tôi sẽ không ngồi yên và để cho những câu chuyện sai sự thật, sự kiện không chính xác được công bốThư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer
Ông nói thêm: “Việc đưa tin của chúng tôi sẽ vẫn công bằng và vô tư, bất luận thế nào.”
Trong khi đó, Hội phóng viên Nhà Trắng nói truyền thông là chìa khóa cho nền dân chủ ở Mỹ.
Cuộc họp báo hôm thứ Sáu đã được lên kế hoạch như một sự kiện được truyền hình trực tiếp trong phòng họp báo nhưng đã được đổi thành một sự kiện không chính thức và không được truyền hình, được biết đến như là một cuộc họp kín, trong văn phòng của ông Sean Spicer, thư kí báo chí Nhà Trắng.
Giải thích việc bỏ truyền hình trực tiếp, ông Spicer nói: “Chúng tôi không thường làm như vậy, chúng tôi đã không thực hiện họp báo sau khi Tổng thống đã có một sự kiện lớn rồi.”
Ông Spicer nói việc một nhóm ‘mở rộng’ các nhà báo đã được mời tham dự một cuộc họp không chính thức. Các cuộc họp dạng này không phải là hiếm – các nhà báo tham dự sau đó chia sẻ tin tức của họ cùng với giới báo chí truyền thông chuyên đưa tin về Nhà Trắng.
Tuy nhiên, sự lựa chọn những người tham dự, bao gồm các nhóm được coi là thân thiện với chính quyền Trump, và thực tế các nhà báo khác, những người yêu cầu tham dự đã bị từ chối, dẫn tới việc các cơ quan, tổ chức truyền thông lên án.
Chủ tịch Hội phóng viên Nhà Trắng Jeff Mason nói họ đã “phản đối mạnh mẽ”.
BBC, CNN, New York Times, Guardian, tờ Los Angeles Times, BuzzFeed, Daily Mail và Politico nằm trong số những cơ quan, tổ chức báo chí bị loại trừ.
‘Động thái kinh khủng’
Những cơ quan được phép vào phòng họp phi chính thức bao gồm ABC, Fox News, Breitbart News, Reuters và Washington Times.
The Associated Press, USA Today và tạp chí Time từ chối tham dự để phản đối động thái.
Cả hai tờ Washington Post và McClatchy nói rằng họ không biết gì về những loại trừ tại thời điểm đó và rằng nếu họ được biết, các phóng viên của họ sẽ không tham dự cuộc họp bị hạn chế này.
Cả hai cơ quan báo chí này nói rằng họ sẽ không tham gia vào cuộc họp tương tự trong tương lai nếu việc loại trừ tiếp tục.
Người dẫn chương trình chính của Fox News, hãng được coi là bên ủng hộ của tổng thống Trump, cũng tỏ thái độ phản đối động thái của Nhà Trắng.
Khi được hỏi tại cuộc họp không chính thức, ông Spicer bác bỏ việc CNN và New York Times đã bị khước từ vì lý do Nhà Trắng không hài lòng với việc đưa tin, làm báo của họ.
Nếu mục đích là để đe dọa các phóng viên viết ít đi những điều mà chính quyền không thích, và viết nhiều lên những điều mà chính quyền thích, thì động thái này là một thất bại.LA Times
Tuy nhiên, ông nói: “Đơn giản là chúng tôi sẽ không ngồi yên và để cho những câu chuyện sai sự thật, sự kiện không chính xác được công bố.”
Jake Tapper, người dẫn chương trình của CNN nói loại trừ là “không thể chấp nhận được” là “biểu hiện của sự thiếu hiểu biết cơ bản về cách chức năng ‘chín chắn’ của Nhà Trắng”.
Chủ biên của Washington Post Marty Baron nói động thái của Nhà Trắng là “kinh khủng”.
Trong một xã luận, LA Times nói: “Nếu mục đích là để đe dọa các phóng viên viết ít đi những điều mà chính quyền không thích, và viết nhiều lên những điều mà chính quyền thích, thì động thái này là một thất bại.”
Vài giờ trước khi có cuộc họp báo, ông Trump đã đưa ra một cuộc tấn công mạnh mẽ vào những gì ông gọi là “tin tức thất thiệt” trong truyền thông, nhắm mục tiêu vào các câu chuyện với các nguồn tin không được nêu tên.
Ông nói với Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) rằng các phóng viên “không nên được phép sử dụng các nguồn trừ khi họ sử dụng tên của ai đó. Hãy để tên của các nguồn đó được đưa nêu ra”.
Ông nói “tin tức giả mạo” hay “tin tức thất thiệt” là “kẻ thù của nhân dân”.
Các tin tức nói các trợ lý chiến dịch tranh cử của ông đã liên lạc với giới chức tình báo Nga đã đặc biệt làm tổng thống khó chịu.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39091886
TQ: Hạt nhân Bắc Triều Tiên
là vấn đề giữa Mỹ với Bình Nhưỡng
Trung Quốc ngày 24/2 bác áp lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vai trò của Bắc Kinh đối với Bắc Triều Tiên và nhấn mạnh vấn đề chính là tranh chấp giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 23 tháng 2 với Reuters, ông Trump nói Trung Quốc có thể giải quyết thách thức an ninh quốc gia do Bắc Triều Tiên gây ra “rất dễ dàng nếu họ muốn”, tăng áp lực với Bắc Kinh để Trung Quốc gây ảnh hưởng nhiều hơn kìm chế những hành động càng ngày càng hung hăng của Bình Nhưỡng.
Trung Quốc đã nói rõ là chống lại chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên, đồng thời cũng nhiều lần kêu gọi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tái tục các cuộc thương thuyết giữa Bình Nhưỡng với các cường quốc thế giới.
Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng họ cam kết thực thi các chế tài của Liên hiệp quốc đối với Bắc Triều Tiên.
Tân Hoa Xã nói ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên đã bị phóng đại quá mức.
Thứ bảy tuần trước, Trung Quốc loan báo đã ngưng nhập khẩu than đá của Bắc Triều Tiên sau khi nước này thử nghiệm phi đạn đạn đạo tầm trung.
Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên thứ năm tuần này đưa ra một lời trách cứ hiếm hoi rằng Trung Quốc “đã phụ họa” với Mỹ trong việc ngưng nhập khẩu than đá vì chương trình hạt nhân và phi đạn của Bình Nhưỡng.
TQ nói không phá giá tiền tệ để trục lợi
Trung Quốc ngày 24/2 loan báo không có ý định phá giá đồng Nguyên để hưởng lợi thương mại, đáp lại tố cáo của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Bắc Kinh là “nhà vô địch” trong việc dùng mánh khóe thao túng tiền tệ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Reuters ngày 23 tháng 2, ông Trump nói ông “không rút lại nhận định của ông rằng Trung Quốc thao túng đồng Nguyên, chỉ vài giờ sau khi tân Bộ trưởng Tài chánh Mỹ hứa sẽ có những phương thức hữu hiệu hơn để phân tích cách thực hành hối đoái của Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ có quan điểm về vấn đề này “đầy đủ và đúng đắn hơn.”
Ngân hàng Nhân dân Trung ương Trung Quốc không trả lời các yêu cầu bình luận.
Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của nhà nước Trung Quốc trong một bài bình luận nói chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ để trục lợi thương mại là “chuyện huyễn hoặc lâu nay đã lưu truyền tại Washington.”
Ông Trump thường xuyên cáo buộc Trung Quốc giữ giá đồng Nguyên thấp một cách giả tạo so với đồng đô la để làm cho hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc rẻ hơn, ‘cướp’ việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ.
Tuy nhiên ông không làm theo lời cam kết tranh cử rằng ngay ngày đầu nhậm chức sẽ công bố Trung Quốc là nước thao túng chỉ tệ.
Đồng Nguyên giảm 6,6% so với đồng đô la trong năm 2016, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1994, vào lúc Trung Quốc bị áp lực vì lo ngại về tăng trưởng chậm và đồng Mỹ kim tăng giá gần đây đẩy dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi.
Trong những tháng gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc đã có nhiều bước để ngăn chặn chảy vốn ra nước ngoài hầu hỗ trợ đồng Nguyên đang suy yếu, song song với nỗ lực mang thêm đầu tư vào nội địa.
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-noi-khong-pha-gia-tien-te-de-truc-loi/3739426.html
Ông Trump cam kết
gầy dựng quân đội Mỹ ‘lớn mạnh hơn bao giờ hết’
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/2 tuyên bố sẽ đề nghị một ngân sách khổng lồ cho một trong những công cuộc gầy dựng quân đội lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Trước bài diễn văn tại Quốc hội vào thứ ba tuần tới, ông Trump đề ra các kế hoạch tăng cường quân đội Mỹ cùng các sáng kiến khác.
Tổng thống cho biết nhắm mục tiêu nâng cấp quân đội Hoa Kỳ về cả khả năng tấn công và phòng vệ, yêu cầu khoản chi lớn để làm cho quân đội Mỹ ‘lớn hơn, tốt hơn, và mạnh hơn bao giờ hết.’
“Hy vọng là chúng ta sẽ không bao giờ phải dùng tới quân đội nhưng không một ai có thể quấy nhiễu chúng ta. Không một ai,” ông Trump tuyên bố.
Tất cả các chương trình hạt nhân của Hoa Kỳ đang đến lúc cần phải được hiện đại hóa.
Bom hạt nhân mới B61-12 hiện đang được phát triển tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia trong Căn cứ Kirtland, nhưng phải đến năm 2020 những quả bom này mới sẵn sàng.
Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa đặt trên mặt đất (ICBM) Minuteman III được sản xuất trong những năm 1970 và hiện cần được thay thế hoàn toàn.
Hệ thống ICBM sẽ được thay bằng Lực lượng Mặt đất Răn đe Chiến lược gọi tắt là GBSD, nhưng dự kiến phải đến cuối những năm 2020 mới được triển khai.
Thành phần có khả năng sống còn cao nhất của bộ ba vũ khí hạt nhân là tàu ngầm lớp Ohio. Loại tàu này đã được gia hạn hoạt động từ 30 năm đến 42 năm và sẽ bắt đầu sắp hết tuổi thọ trong thập kỷ tới.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter nhiều lần nhắc tới sự cần thiết phải hiện đại hóa cả ba thành phần vũ khí hạt nhân và ông quy trách nhiệm về nhiều năm bị trì hoãn là do mối “bận tâm” đối với cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.
Giới chuyên gia cho rằng sự trì hoãn này làm cho chương trình hiện đại hạt nhân của Hoa Kỳ bị chậm 20 năm so với các chương trình hiện đại hóa của Trung Quốc và Nga.
Malaysia sẽ rà soát sân bay Kuala Lumpur
tìm chất độc sau vụ ám sát Kim Jong Nam
Malaysia sẽ rà soát một trong những nhà ga tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur để tìm những hóa chất độc hại sau khi ông Kim Jong Nam bị hạ sát bằng chất độc thần kinh vào tuần trước.
Ông Kim Jong Nam đã bị sát hại vào ngày 13 tháng 2 tại nhà ga hãng hàng không giá rẻ của sân bay chính của Kuala Lumpur bằng chất độc thần kinh VX, một chất hóa học được Liên Hiệp Quốc phân loại là vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Đội pháp y cảnh sát, sở cứu hỏa và Ban Cấp phép Năng lượng Nguyên tử sẽ tiến hành rà soát tại sân bay, cảnh sát Malaysia cho biết trong một thông cáo hôm thứ Bảy.
Cuộc rà soát này sẽ được tiến hành từ 1 giờ sáng ngày 26 tháng 2 (1700 giờ GMT ngày 25 tháng 2), cảnh sát nói.
Một quan chức cảnh sát nói với hãng tin Reuters rằng nhà ga sân bay sẽ không bị đóng cửa, nhưng những khu vực tìm kiếm sẽ bị phong tỏa.
VX là một trong những vũ khí hóa học nguy hiểm nhất mà con người từng tạo ra: chỉ cần 10 milligram chất độc thần kinh hay một giọt duy nhất là đủ để gây tử vong trong vài phút, theo các chuyên gia.
Ông Kim Jong Nam đang đợi ở khu vực khởi hành thì bị tấn công bởi hai người phụ nữ ụp chất lỏng này lên mặt. Ông qua đời khi đang trên đường tới bệnh viện.
Malaysia sẽ bắt nhà ngoại giao Bắc Hàn
Vào hồi đầu tuần, Malaysia nói cần thẩm vấn ông Hyon Kwang Song, 44 tuổi và là bí thư thứ hai tại đại sứ quán Bắc Hàn tại Kuala Lumpur, về cái chết của người anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Chỉ huy cảnh sát của bang Selangor, Abdul Samah Mat cho biết đã đưa ra ‘thời hạn hợp lý’ để nhà ngoại giao hợp tác với chính quyền, trước khi Malaysia có hành động tiếp theo là bắt buộc đương sự phải ‘trình diện’ với cơ quan điều tra, theo luật pháp Malaysia, nếu đương sự không chịu hợp tác.
“Và nếu ông ta tiếp tục không chịu trình diện, chúng tôi sẽ xin trát tòa để bắt giữ đương sự,” ông Samah Mat nói với báo giới.
Không rõ nhân viên sứ quán Bắc Hàn có bị giam giữ hay không vì cảnh sát nói ông này có quyền miễn trừ ngoại giao.
Malaysia công bố thêm chi tiết vụ sát hại Kim Jong-nam
BBC gặp gia đình nghi phạm Indonesia
Nghi phạm Đoàn Thi Hương bị lợi dụng
Cho đến thời điển hiện tại, Malaysia đã nhận diện tám nghi phạm người Bắc Hàn, trong đó có nhân viên ngoại giao nêu trên. Trong số những nghi phạm này, một người đã bị cảnh sát Malaysia bắt giữ, bốn người được cho là đã trốn về Bắc Hàn, trong khi hai nghi phạm khác vẫn ở Malaysia. Nghi phạm thứ tám, có tên Ri Ji U hiện vẫn chưa rõ ở đâu, theo lời ông Samah nói vào hôm nay, thứ Bảy 25/02.
Ở một diễn tiến khác, nhân viên đại sứ quán Indonesia đã được cho tiếp xúc với công dân của họ là Siti Aishah vào hôm nay và nói cô này được trả công 400 ringgit (tiền Malaysia), tương đương 90 usd, để tham gia vào một trò đùa thực tế.
“Cô ta nói chung chung rằng ai đó đã yêu cầu cô thực hiện hành động này… Cô ta được đưa một loại dầu, giống như dầu dưỡng da cho trẻ em,” phó đại sứ Indonesia Andreano Erwin nói với báo giới sau khi gặp cô Aishah, đồng thời cho biết hiện vẫn chưa có cáo buộc nào được đưa ra đối với công dân của mình.
Nhà chức trách Việt Nam cũng được gặp ngi phạm Đoàn Thị Hương nhưng từ chối đưa ra bình luận.
Hình ảnh do hãng truyền thông Nhật Fuji TV công bố hồi đầu tuần cho thấy hai phụ nữ đã bất ngờ tấn công vào mặt nạn nhân khi ông này đang đợi lên máy bay để đi Macau.
Cảnh sát Malaysia thì nói hai phụ nữ đã tập dượt trước khi thực hiện vụ tấn công và được hướng dẫn phải rửa tay sau đó.
Chỉ huy cảnh sát Samah cũng xác nhận rằng nhà chức trách đã tiến hành lục soát một căn hộ ở ngoại ô Kuala Lumpur vào đầu tuần trước do có liên can đến vụ sát hại.
Các nhà điều tra vẫn đang truy tìm dấu vết của chất độc, đã được xác định là “chất độc thần kinh VX, tại căn hộ, ông Samah bổ sung thêm.
Nhà chức trách cũng kiểm tra những nơi mà nghi phạm có thể đã từng đến để lấy chất độc VX này, ông Samah nói.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39089317
Tổng thống Duterte: TQ hiểu lầm
phát biểu của Ngoại trưởng Philippines
Tổng thống Philippines ngày 24/2 tuyên bố không hiểu sao Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc lại hủy chuyến thăm Philippines và rằng Bắc Kinh đã hiểu sai lời bình luận của Ngoại trưởng Philippines về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Rodridgo Duterte khẳng định muốn quan hệ bền chặt với Trung Quốc và không khẩn thiết phải áp lực nước láng giềng khổng lồ này tuân thủ phán quyết năm ngoái của tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện Manila đệ nạp chống lại bản đồ lưỡi bò.
Thứ ba tuần này, Ngoại trưởng Perfecto Yasay, người chủ tọa cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN, cho hay khu vực hết sức quan ngại về việc Trung Quốc thiết đặt võ khí trên các hòn đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp ở Trường Sa.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày thứ năm tuyên bố phát biểu của ông Yasay là đáng tiếc, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng Ngoại trưởng Philippines sẽ phát ngôn và hành động cẩn trọng.
“Tôi nghĩ chính phủ Trung Quốc hiểu lầm ý của Ngoại trưởng Yasay,” Tổng thống Philippines nói.
“Tôi muốn bảo đảm với Trung Quốc, và đây là điều tôi đã cam kết sẽ làm nhân chuyến thăm Bắc Kinh, rằng chúng tôi sẽ trao đổi với nhau như những người bạn,” ông Duterte nhấn mạnh.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Gao Hucheng, phút chót hôm 23/2 quyết định hoãn chuyến thăm chính thức tới Philippines. Dự kiến trong chuyến đi này sẽ có 40 dự án chung trị giá hàng tỷ đô la được đôi bên ký kết. Cả Manila lẫn Bắc Kinh đều không cho biết lý do khiến chuyến đi bị hủy.
Chính phủ Trung Quốc ngày 24/2 loan báo chỉ định tân Bộ trưởng Thương mại thay thế ông Gao, một phần trong công cuộc sắp xếp lại nhân sự trước cuộc họp quan trọng của đảng cộng sản trong năm nay.
Tổng thống Pháp
đáp trả phát biểu của ông Trump về Paris
Tổng thống Pháp François Hollande hôm thứ Bảy lên tiếng phản pháo ông Donald Trump sau khi Tổng thống Mỹ nói trong một bài phát biểu rằng một người bạn của ông nghĩ rằng “Paris không còn là Paris nữa” sau những vụ tấn công của những kẻ chủ chiến Hồi giáo.
Ông Hollande nói ông Trump nên biểu thị sự ủng hộ đối với những đồng minh của Mỹ.
“Có chủ nghĩa khủng bố và chúng ta phải cùng nhau chống lại nó. Tôi nghĩ biểu thị sự thách thức nhỏ nhất đối với một quốc gia đồng minh không bao giờ là điều hay. Tôi sẽ không làm điều đó với Hoa Kỳ và tôi hối thúc Tổng thống Hoa Kỳ không làm điều đó với Pháp,” ông Hollande nói.
“Tôi sẽ không so sánh nhưng ở đây người ta không được tiếp cận súng ống. Ở đây không có người xả súng vào đám đông để gây bi kịch cho hả dạ,” ông Hollande nói khi trả lời những câu hỏi trong chuyến thăm tại hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Paris.
Trong một bài phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ hôm thứ Sáu, ông Trump nhắc lại lời chỉ trích của ông đối với cách thức mà Châu Âu xử lý những vụ tấn công của những kẻ chủ chiến Hồi giáo bằng cách nói rằng một người bạn tên “Jim” không còn muốn đưa gia đình đến Paris nữa.
Hơn 230 người đã thiệt mạng trong một loạt những vụ tấn công ở Pháp kể từ đầu năm 2015, và đất nước này vẫn đang được quản trị theo luật tình trạng khẩn cấp kể từ tháng 11 cùng năm.
Phát biểu của ông Trump cũng đã thu hút lời khiển trách từ thị trưởng Paris Anne Hidalgo.
http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-phap-dap-tra-phat-bieu-cua-ong-trump-ve-paris/3739658.html
Nhân vật chính của phim đề cử Oscar bị cấm vào Mỹ.
Hòa Kỳ cấm nhập cảnh đối với một thanh niên 21 tuổi người Syria, là người đứng sau một phim tài liệu được đề cử giải Oscar.
Khaled Khatib tham gia phần lớn bộ phim, do điện ảnh Anh quốc sản xuất, có tên gọi Những chiếc Mũ Trắng.
Đó là bộ phim tài liệu dài 40 phút cho hãng Netflix, về Lực lượng Dân quân Syria và những tình nguyện viên, là những người đã đem tính mạng ra đánh cược khi tham gia giải cứu thường dân.
Đa số đều nghĩ rằng bộ phim là cơ hội tốt nhất cho điện ảnh Anh quốc giành giải Oscar trong hạng mục phim tài liệu.
Khaled Khatib là một trong những thành viên của nhóm Những chiếc Mũ Trắng (vì họ chỉ đội mũ bảo hiểm màu trắng) và giúp quay phim về các hoạt động của nhóm này ở những khu vực được kiểm soát bởi lực lượng phiến quân ở Syria.
Khaled Khatib đã lên kế hoạch bay sang Hoa Kỳ từ Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự Lễ trao giải thưởng lần thứ 89 của Viện Hàn lâm, hay còn gọi là Giải Oscar.
Tuy nhiên, trước khi lên máy bay, quan chức Hoa Kỳ đã tìm thấy thông tin ‘không tốt’ về Khatib. Thông tin ‘không tốt’ này trải rộng từ có liên hệ với khủng bố cho đến hộ chiếu không hợp lệ.
Trước đó, anh ta từng nói với CNN: “Nếu chúng tôi giành giải thưởng, điều này cho thấy toàn thế giới đang ủng hộ người dân Syria. Đó sẽ là sự khích lệ đối với tất cả những người đang tình nguyện, là những người mà mỗi sớm mai thức dậy là phải đối diện với sự nguy hiểm từ bom đạn.
“Nếu tôi không thể nhập cảnh vào Hoa Kỳ, tôi vẫn không nản lòng: chúng tôi biết là chúng tôi có những người bạn tại Hoa Kỳ, và còn có những người đồng cảm với những giá trị nhân văn như chúng tôi.
“Tôi mong muốn được gặp những người bạn này, trong một ngày nào đó.”
Bộ An ninh Nội địa đã ra thông cáo nói rằng: “Để được vào Hoa Kỳ, giấy tờ thông hành phải hợp lệ.”
Dây không phải là trường hợp đầu tiên bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh về nhập cảnh của Tổng thống Trump.
Vào hồi đầu tháng, con trai của huyền thoại quyền anh Muhammad Ali đã bị giữ bởi nhân viên di trú tại một sân bay ở Florida.
Theo lời luật sư của Muhammad Ali Jnr, thân chủ của mình đã bị hỏi đi hỏi lại ‘có phải là người Hồi giáo’.
Ali Jnr được sinh ra tại Philadelphia, có hộ chiếu Hoa Kỳ và không có tiền án tiền sự.
Một tác giả truyện thiếu nhi người Úc cũng nói sẽ không bao giờ quay lại Hoa Kỳ, sau khi bị giữ bởi nhân viên cửa khẩu tại sân bay Los Angeles và bị thẩm vấn trong gần hai tiếng.
Mem Fox, có những tác phẩm nổi tiếng như ‘Ten Little Fingers’, ‘Ten Little Toes’ và ‘Possum Magic’, đang trên đường tham dự một hội nghị vào những tuần trước.
“Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi gặp cách nói chuyện thiếu lễ độ, bị đối xử thiếu tôn trọng như vậy, với nhiều lời nói xúc phạm và thái độ bất lịch sự,” cô Mem Fox cho biết.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39089321
Mexico cảnh báo Hoa Kỳ về kinh phí xây dựng bức tường
Mexico cảnh báo Hoa Kỳ về việc đơn phương đánh thuế vào hàng nhập khẩu của Mexico nhằm lấy kinh phí cho việc xây bức tường dọc biên giới và cho biết Mexico có thể đáp trả tương tự.
Ngoại trưởng Luis Videgaray nói chính phủ có thể đánh thuế một số mặt hàng của Hoa Kỳ xuất khẩu sang Mexico.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ tiến hành xấy dựng bức tường ‘sớm hơm dự kiến’.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng nói sẽ nhận những mẫu thiết kế kể từ tháng tới.
Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ cho biết sẽ yêu cầu các công ty nộp đề án về ‘thiết kế và bản mẫu của bức tường’ từ ngày 6 tháng Ba.
Một tháng đầu thử thách của Tổng thống Trump
Chính quyền Mỹ xem xét trục xuất di dân
Những thiết kế tốt nhất sẽ được chọn ra vào khoảng ngày 20 tháng Ba và sau đó những nhà thầu sẽ được yêu cầu đưa ra bản chi phí xây dựng.
Việc chọn nhà thầu cho dự án dự kiến sẽ hoàn tất vào trung tuần tháng Tư.
Phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) tại Maryland vào hôm thứ Sáu 24/02, Tổng thống Trump cam kết sẽ đặt quyền lợi của người dân Hoa Kỳ lên trên hết và sẽ xây một ‘bức tường vĩ đại dọc biên giới’.
“Chúng ta sẽ xây dựng bức tường,” ông nói. “Trên thực thế, việc xây dựng sẽ được tiến hành sớm. Sớm hơn dự kiến rất nhiều.”
Ông Trump từng nói sẽ bắt Mexico trả tiền cho việc xây dựng bức tường mà chi phí có thể lên đến 21.5 tỉ usd, theo tin từ Reuters, trích nguồn báo cáo nội bộ của Bộ An ninh Nội địa.
Mức chi phí này lớn hơn rất nhiều so với dự toán kinh phí 12 tỉ usd do ông Trump đưa ra.
Tổng thống đã đề nghị tăng thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico để lấy kinh phí cho việc xây dựng.
Trả lời phỏng vấn kênh radio vào hôm thứ Sáu, ông Videgeray nói rằng ‘Mexico tin vào tự do thương mại’, nhưng ‘sẽ đáp trả’ nếu Hoa Kỳ tìm cách đánh thuế hàng hóa của Mexico để lấy kinh phí cho dự án xây dựng bức tường dọc biên giới.
Thông tin cho biết ngoại trưởng Mexico đã nhận diện các bang như Iowa, Texas và Wisconsin là những địa phương để Mexico đánh thuế nhằm trả đũa.
Hiện tại, Mexico là thị trường chính của hàng xuất khẩu từ Texas, với giá trị hàng hóa lên đến 92.4 tỉ usd trong năm 2015, theo thông tin từ Bộ Công thương Hoa Kỳ.
Thổng thống Mexico Pena Nieto đã hủy bỏ cuộc gặp với ông Trump vào hồi tháng trước vì những bất đồng xung quanh việc xây dựng bức tường.
Vào hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly đã gặp gỡ những người đồng cấp của Mexico tại Mexico City.
Sau cuộc họp kín, cả hai bên đều không đề cập đến chủ đề xây dựng bức tường trong cuộc họp báo sau đó.
Tổng thống Trump vẫn cần Hạ viện chuẩn thuận về ngân sách, trước khi tiến hành xấy dựng bức tường dọc biên giới.
http://www.bbc.com/vietnamese/39089313
Trung Quốc có còn kiểm soát được Bắc Hàn?
Trả lời Reuters hôm 23/02/2017, Tổng thống Donald Trump lại một lần nữa nói Trung Quốc ‘phải gây sức ép với Bắc Hàn’ để kiềm chế Bình Nhưỡng.
Phát biểu của ông Trump sau vụ Kim Jong-nam khiến cho Trung Quốc cảm thấy bị áp lực từ Mỹ giữa lúc Bắc Kinh cũng rất lo ngại về Kim Jong-un.
Hôm 24/02, Trung Quốc đã bác bỏ khả năng ‘gây sức ép với Bắc Hàn và nói rằng “trọng tâm của vấn đề là tranh cãi giữa Washington và Bình Nhưỡng”.
Ai có thể đứng sau vụ ám sát Kim Jong-nam?
Bàn tròn: Sự khác biệt thể chế giữa Nam-Bắc Hàn
Vụ ông Kim Jong-nam bị giết tại Malaysia hôm 13/02 được cho là làm lộ ra khả năng ngày càng ít của Trung Quốc trong việc tác động đến Bắc Hàn.
Quan chức ngoại giao Bắc Hàn: Cảnh sát Malaysia ‘dối trá’
Kể từ tháng 7/2013, hai bên Trung – Triều không có các chuyến thăm cao cấp nào và ông Kim Jong-un cũng không thăm Trung Quốc.
Thậm chí, một số nhà quan sát ngay ở Trung Quốc, như Giáo sư Wang Weimin tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho Washington Post biết, “nội các Trung Quốc hết sức lo ngại về vụ Kim Jong-nam”.
nội các Trung Quốc hết sức lo ngại về vụ Kim Jong-namWang Weimin
Hơn một tuần trôi qua từ vụ việc, Trung Quốc không phát biểu gì về ông Kim Jong-nam nhưng cũng không thể từ chối không cộng tác với các yêu cầu từ bên ngoài.
Được biết, Malaysia đã nhờ Trung Quốc tìm kiếm thân nhân của ông Kim Jong-nam hiện định cư tại Macau, lãnh thổ đã thuộc về Trung Quốc.
Lãnh tụ tính khí thất thường
Được biết cả gia đình ông Kim Jong-nam, vợ và con trai, được Trung Quốc bảo vệ.
Theo Giáo sư Wang Weimin, vụ giết Kim Jong-nam là “lời nhắc nhở cho Trung Quốc về sự bất định của Bắc Hàn, và rằng Trung Quốc không có khả năng kiểm soát nước láng giềng và lãnh tụ tính khí bất thường của nước đó”.
Có vẻ như không hiểu điều này, ông Trump vừa nhắc lại quan điểm rằng Trung Quốc “sẽ dễ dàng kiềm chế Bắc Hàn nếu muốn”.
Biểu hiện duy nhất từ Trung Quốc rằng ban lãnh đạo Bắc Kinh không hài lòng về vụ giết ông Kim Jong-nam là quyết định ngưng nhập than từ Bắc Hàn.
Than là mặt hàng xuất khẩu chính của Bình Nhưỡng nên quyết định này hẳn sẽ tác động xấu đến kinh tế Bắc Hàn.
Nhưng về chính trị, Trung Quốc có vẻ như không có lá bài nào để tác động vào Kim Jong-un.
Lần cuối cùng một quan chức cao cấp của Trung Quốc được mời sang thăm và gặp Kim Jong-un là tháng 7/2013, khi ông Lý Nguyên Triều, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản TQ sang Bình Nhưỡng dự một lễ kỷ niệm.
Chưa đợi Trung Quốc phát biểu, hãng thông tấn trung ương Bắc Hàn (KCNA) nay cho rằng Trung Quốc “đã nhảy theo điệu nhạc của Mỹ” sau vụ cấm nhập than.
Với lời lẽ nặng nề chưa từng có, bài báo nói hành động “ngăn chặn thương mại, làm hại đời sống người dân” này “được các thế lực thù địch hoan hô, còn các lực lượng chân chính lên án”.
Bài của Jong Phil đăng trên trang của KCNA không nêu tên Trung Quốc mà chỉ gọi là “một nước láng giềng”.
Cứ đà này, chắc chỉ còn một bước nữa là Bắc Hàn gọi thẳng tên Trung Quốc là thù địch.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39081513
Đức nghe lén nhiều hãng truyền thông nước ngoài
Cục Tình Báo Liên Bang Đức (BND) đã do thám các nhà báo của nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài, như BBC, New York Times hay hãng tin Reuters. Thông tin trên được tuần báo Đức Der Spiegel khẳng định ngày 24/02/2017.
Theo một số đoạn trích trong bài báo của tuần san có tiếng tại Đức và được phát hành ngày 25/02, từ năm 1999, Cục Tình Báo Liên Bang Đức đã xếp vào danh sách nghe lén « ít nhất 50 số điện thoại, số fax hay địa chỉ thư điện tử » của các nhà báo và ban biên tập.
Trả lời AFP, nhà báo Martin Knobbe của tuần san Đức cho biết « không rõ hoạt động theo dõi này được tiến hành từ bao giờ. Chúng tôi nghĩ hiện giờ nó không còn hoạt động, nhưng chúng tôi không chắc chắn lắm ».
Trong danh sách theo dõi có « vài chục » số điện thoại của các nhà báo làm việc cho đài BBC tại văn phòng ở Luân Đôn và Afghanistan, hoặc tại ban biên tập quốc tế của BBC World. Một số điện thoại của tờ New York Times ở Afghanistan cũng bị nghe lén. Tương tự, nhiều số điện thoại di động và vệ tinh của hãng tin Anh Reuters tại Afghanistan, Pakistan và Nigeria cũng nằm trong danh sách.
Phát ngôn viên của BBC phát biểu với AFP rằng « rất thất vọng khi biết những thông tin này. Lẽ ra các nhà báo của chúng tôi phải được tự do và được đảm bảo an toàn khi hoạt động, cùng với sự bảo đảm tuyệt đối cho các nguồn tin. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ tôn trọng quy cách hoạt động của một nền báo chí tự do ».
Được tuần san Der Spiegel trích dẫn, chi nhánh của Phóng Viên Không Biên Giới tại Đức (Reporter Ohne Grenzen), tố cáo « sự tấn công khủng khiếp nhắm vào tự do báo chí » và cho biết đang suy nghĩ để đưa vụ việc ra pháp luật.
Riêng Cục Tình Báo Liên Bang Đức không trả lời Spiegel về các tiết lộ trên. Cơ quan này từng bị cáo buộc nghe lén bộ Ngoại Giao Pháp, phủ tổng thống Pháp và Hội Đồng Châu Âu cho cơ quan tình báo Mỹ NSA. Cuối năm 2015, cũng tuần san Der Spiegel đã khẳng định Cục Tình Báo Liên Bang Đức do thám bộ Nội Vụ các nước Mỹ, Ba Lan, Áo, Đan Mạch và Croatia.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170225-duc-nghe-len-nhieu-hang-truyen-thong-nuoc-ngoai
Liên Hiệp Quốc :
Bắc Triều Tiên lách trừng phạt qua trung gian
Bình Nhưỡng đã sử dụng trung gian và các công ty bình phong nhằm lách các biện pháp trừng phạt được cho là nghiêm khắc nhất của Liên Hiệp Quốc để tiếp tục trao đổi thương mại với Trung Quốc và Malaysia. Đây là kết luận của bản báo cáo dài 100 trang của Liên Hiệp Quốc.
Theo AFP, bản báo cáo được trình lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào tuần trước và khẳng định hai cuộc thử nghiệm hạt nhân và 26 lần thử tên lửa của Bắc Triều Tiên vào năm 2016 đã cho phép chế độ Bình Nhưỡng « đặt nền móng về mặt công nghệ để có thể làm chủ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và việc này sẽ còn tiếp tục ».
Tài liệu nêu rõ Bắc Triều Tiên « tránh được các biện pháp trừng phạt về buôn bán các sản phẩm cấm nhờ vào các kỹ thuật luồn lách mà phạm vi, mức độ và độ tinh xảo không ngừng gia tăng ». Liên Hiệp Quốc đã thông qua hai nghị quyết trừng phạt mới để cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu than đá và hạn chế các giao dịch ngân hàng nhằm ngăn chận nguồn thu của chế độ của Kim Jong Un phục vụ cho các chương trình vũ khí đạn đạo, mà theo Liên Hiệp Quốc, đe dọa đến an ninh thế giới.
Tuy nhiên, việc áp dụng các nghị quyết trừng phạt trên không được các nước thành viên Liên Hiệp Quốc áp dụng đầy đủ và chắc chắn, nhờ vậy, theo các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, Bình Nhưỡng đã lợi dụng để luồn lách được cấm vận.
Chỉ có 76 trên tổng số 192 nước thành viên đã trình lên Liên Hiệp Quốc các biện pháp để áp dụng các biện pháp trừng phạt này. Mới đây Trung Quốc đã thông báo tạm ngừng nhập than đá của Bắc Triều Tiên đến hết năm 2017.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170225-lien-hiep-quoc-bac-trieu-tien-lach-trung-phat-qua-trung-gian
Mỹ mở kênh truyền hình tiếng Nga thách thức Kremlin
Ba thập niên sau khi đã góp phần làm sụp đổ các chế độ Cộng sản ở Đông Âu, Đài châu Âu Tự do/Đài phát thanh Tự do (RFE/RL), do Mỹ tài trợ, lại thách thức chính quyền Matxcơva với một kênh truyền hình tiếng Nga.
Theo hãng tin AFP, được đặt tên là « Giờ hiện tại » (Nastoïachtchee Vremia), kênh truyền hình này bắt đầu phát hình trong tháng Hai này, nhắm tới 270 triệu khán giả ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Kênh truyền hình mới phát sóng 24/24 giờ, nhằm đối lại các phương tiện truyền thông thân điện Kremlin. Chương trình của kênh truyền hình này sẽ được phát từ Praha, qua vệ tinh, hệ thống cáp và Internet.
Theo lời một lãnh đạo của đài « Giờ hiện tại », Kenan Aliev, mục tiêu của đài cũng tương tự như Đài Châu Âu Tự Do, đó là nhắm vào chế độ của tổng thống Vladimir Putin, với các chương trình nói về tham nhũng, nạn nghèo khó, chăm sóc y tế, ngoài các bản tin thời sự. Một số chương trình được dành cho các nước vùng Baltic, Moldova và Ukraina, nơi có những cộng đồng người Nga sinh sống.
Kênh truyền hình tiếng Nga do Mỹ tài trợ ra đời trong bối cảnh quan hệ giữa Matxcơva và phương Tây đang xấu đi rất nhiều, kể từ khi Nga sát nhập vùng Crimée và mở chiến dịch quân sự ở Syria.
Matcơva đã phản ứng qua lời một xướng ngôn viên nổi tiếng thân Putin, ông Dmitri Kisseliov, cáo buộc kênh truyền hình nói trên là nơi rửa tiền dưới danh nghĩa chống tuyên truyền của Nga. Tuy nhiên, ông Kissieliov không đưa ra bằng chứng nào.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170225-my-mo-kenh-truyen-hinh-tieng-nga-thach-thuc-kremlin
Donald Trump lên gân trước phe bảo thủ của đảng Cộng Hòa
Ngày 24/02/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu trước 10 nghìn đại biểu tham dự hội nghị hàng năm của phe bảo thủ trong đảng Cộng Hòa- Conservative Political Action Conference (CPAC) , tổ chức tại ngoại ô Washington. Người ta gặp lại một Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, với những tuyên bố hùng hồn đậm màu sắc dân túy và dân tộc chủ nghĩa.
Tuy nhiên, bài diễn văn với giọng điệu quen thuộc đó đã nhận được sự tán thưởng của những người bảo thủ trong đảng Cộng Hòa.
Thông tín viên RFI tại Washington Jean-Louis Pourtet:
Năm nay cánh bảo thủ nhất trong đảng Cộng Hòa đã dành cho Donald Trump sự đón tiếp nồng nhiệt. Bài diễn văn của ông mang đậm nét dân tộc chủ nghĩa và dân túy đã khiến cử tọa hân hoan phấn khởi.
Ông Trump bắt đầu khá dài bằng việc tấn công vào giới báo chí, sau đó ông nối sang những chỉ trích nhằm vào người nhập cư, tự do mậu dịch, vào chương trình bảo hiểm y tế Obamacare, viện trợ quốc tế của Mỹ….
Ông cũng nêu ra những nét lớn trong lịch trình về đường lối chính sách mà ông sẽ trình trước Quốc Hội thứ Ba tuần tới và trong đó có mong muốn tăng mạnh ngân sách quốc phòng. Theo như ông nói là để « không ai còn dám thách thức sức mạnh quân sự của chúng ta ».
Donald Trump muốn, tất nhiên vẫn cần sự hỗ trợ của đồng minh, loại trừ Daech ra khỏi « trái đất ». Ông đặt lên ưu tiên hàng đầu là bảo vệ người Mỹ trước khủng bố bằng cách tăng cường an ninh ở biên giới mà mục đích, như ông nói là để « tránh những gì như đã xảy ra ở châu Âu ».
Tổng thống Mỹ kết thúc bài diễn văn với việc nhắc lại những người chủ trương toàn cầu hóa rằng nước Mỹ là trước hết. Ông tuyên bố : « Hợp tác toàn cầu không phải là điều xấu, nhưng tôi không phải là tổng thống của thế giới. Tôi là tổng thống Hoa Kỳ ». Những người tam dự phấn khích đứng dậy hô vang khẩu hiệu « USA…USA…
Donald Trump hoan hỉ thấy lại không khí của cuộc vận động tranh cử.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170225-donald-trump-len-gan-truoc-phe-bao-thu-cua-dang-cong-hoa